Trần Phá Nhạc, mơ thấy bóng quê hương – Nhà nghiên cứu Huỳnh Văn Hoa

Đặng Thái Sơn cùng hai học trò vừa được giải Chopin lần thứ 18 Bruce Liu (giải nhất) và J J Bùi (giải 6, bìa phải) - Ảnh: NVCC

TRẦN PHÁ NHẠC, MƠ THẤY BÓNG QUÊ HƯƠNG

Nhà nghiên cứu Huỳnh Văn Hoa

Trần Phá Nhạc, tên thật Nguyễn Chúc, sinh ngày 22-9-1950, tại Hội An, Quảng Nam. Học phổ thông tại Trung học Trần Quý Cáp – Hội An. Từ khi bắt đầu học tại Đại học Vạn Hạnh (1969-1970), đã tham gia phong trào đấu tranh của tuổi trẻ miền Nam và tiếp tục theo con đường đã chọn tại Đại học Văn khoa Huế (1970-1972).

Thành viên của Nhóm Việt vào đầu năm 1972. Mùa hè 1972, cơ sở nội thành Huế vỡ, thoát ly lên chiến khu.

Trong phong trào đấu tranh của các năm 1970, 1971, 1972, thơ Trần Phá Nhạc thường xuất hiện trên các báo của Tổng hội Sinh viên Huế, tạp chí Đối Diện, Tự Quyết, Hướng Đi (Đại học Vạn Hạnh), Thân Hữu (Đại học Sư phạm Huế), Đất Nước Ta (Đại học Luật Huế), Mặt trận Văn hóa dân tộc miền Trung (do nhà thơ Ngô Kha làm chủ bút)…

Tác phẩm đã xuất bản: In chung với nhiều tác giả trong các tuyển tập thơ: Ngày quật khởi (Huế, 1971), Núi gọi biển (Đà Nẵng, 2006), Tháng giêng Sài Gòn anh làm thơ yêu em (TP. HCM, 1995), 700 năm thơ Huế (NXB Thuận Hóa, 2008), Thơ tình Sài Gòn (NXB Trẻ, 2005).

Công tác tại báo Thanh Niên, hiện sống tại Thành phố Hồ Chí Minh. Viết bài với các bút danh: Giao Hưởng, Hồng Hạc, Mai Nguyễn và Tây Tạng.

*

Giữa những ngày ác liệt của chiến tranh, trong bài thơ Hải Phố, quê hương tôi ngày tháng tuyệt vời, Trần Phá Nhạc luôn nghĩ về quê hương và mơ thấy bóng quê hương. Bóng quê hương trở thành một hình ảnh luôn đi với các bài thơ của Trần Phá Nhạc. Ngày ấy, ít ai gọi Hội An là Hải Phố, từ khi bài thơ ra đời, được in trên các báo chí tiến bộ, Hải Phố thành một cái tên quen thuộc, thân yêu của nhiều người. Người ta biết đến một phố thị cổ, dạt về phía biển, không nằm trên con đường thiên lý, chỉ với “dăm chiếc xe xanh trắng” chạy tuyến đường Đà Nẵng – Hội An.

Trần Phá Nhạc luôn Mơ thấy bóng quê hương. Khát vọng này thường xuyên trở lại trong các bài thơ của Trần Phá Nhạc, chi phối cách nhìn, cách cảm của tác giả đối với con người và đất nước. Với Trần Phá Nhạc, quê hương có một vị trí vô cùng thiêng liêng và sâu lắng. Nơi ấy, cất tiếng khóc chào đời, trải qua tuổi thơ êm đềm, bao hình ảnh thân quen và cảm động, từ lối nhỏ đổ ra con phố hiền hòa, từ giếng nước trong veo mùa hạ đến hàng hiên nở trắng hoa sầu đông, từ những bữa cơm chiều ăn dưới ánh đèn ấm áp mùa đông đến cơn gió mát mùa hạ thổi qua cánh đồng vừa gặt xong, còn trơ gốc rạ. Quê hương giản dị, vô cùng yêu mến. Nhiều lần, nhà thơ nói về vùng đất thương yêu của mình:

Hải Phố, quê hương tôi
nằm ven biển
mặt trông về pháo lũy Trường Sơn
con sóng nhỏ vui buồn theo nhịp thở
của đời dân thành phố thăng trầm
Hải Phố quê hương tôi
có những người anh đi kháng Pháp
nhập hàng ngũ tiền phong phá đồn bót địch
tay phất cờ phiêu dũng
giữa đạn thù mơ thấy bóng quê hương
có những người em hát trên đường một sớm
lòng bâng khuâng mưa bụi xuống sân đời
tay rét mướt vẫn nâng cờ lịch sử
đôi chân gầy thơm đất sống tự do…
                 (Hải Phố quê hương tôi ngày tháng tuyệt vời)

Trần Phá Nhạc có những dòng thơ trong trẻo, xinh xắn, đầy chất trữ tình về phố cổ Hội An, nơi có những địa danh quen thuộc như Xóm Mới, Chùa Cầu, Cửa Đại, chợ Chùa, nơi có con phố nhỏ, nơi có người em gái, nơi những buổi chiều rớt nắng, có hàng sầu đông tim tím, có người yêu tuổi vừa biết nhớ, có con bé thẹn thùa / chân nai nhỏ / gió mùa đông nép nhẹ dưới hiên nhà / tà áo trắng / bay ngang đời mới thức / mắt mơ mòng thương chiếc lá me xanh / chim động cánh cho buổi chiều rớt nắng / xuống sau vườn mẹ ngắt ngọn trầu thơm…,

Trần Phá Nhạc yêu Hội An theo cách của mình. Nơi ấy, đó là tiếng gọi thầm lắng của những hình ảnh nồng thắm hương sắc quê nhà, không bao giờ quên được:

– Gió biển thổi về
Sớm hơn tin bão
Quét qua đường phố còn mơ ngủ
Dăm chiếc xe xanh trắng im lìm
Nhà tôi nghèo
Hàng sầu đông tim tím
Nở canh chừng bông búp nhỏ ngây thơ
Tôi có người yêu tuổi vừa biết nhớ …
                           (Đi giữa rừng súng máy)

– Có ai gọi tên mình cho bớt rét
Cả rừng mưa không chở hết mây
                                (Đi giữa rừng súng máy)

Thơ cũng như đời, Trần Phá Nhạc là con người của quyết liệt, dù con đường phía trước muôn vàn gian khổ, khó khăn. Nhà thơ có tình yêu sâu nặng đối với quê hương: Một chút mưa giăng ở đầu sông xa khuất / Cũng động lòng phẫn uất Cửu Long / Một vết giày in trên luống cày tức tưởi / Cũng in luôn hình ảnh của con cười…

Xứ sở này luôn ở trong trái tim nhà thơ. Những gì gây nên đau đớn cho quê mẹ đều làm nên những sang chấn trái – tim – thơ,  đều trở thành tiếng nói phản kháng nơi Trần Phá Nhạc:

– anh em ơi ! vững lòng xây lũy sắt
một ngày mai tươi thắm hôm nay !
                              (Lũy sắt)
– Một tấc đất giặc vào còn chiếm đóng
Thì muôn thuở chúng ta là biển sóng
Tự xa mờ gào thét tiếng xung phong.
                             (Mẹ phù sa)
– Chúng ta đứng lên chung một tuyến hào
Sức sống dồn trong nhịp bước nôn nao
Niềm tin lớn bao la như trời biển
Mắt rực ngời ánh sáng từng mây
                  (Chúng ta đứng lên chung một tuyến hào)

Mẹ phù sa là một bài thơ hay. Hay ở lựa chọn chủ đề, cấu tứ, sắp xếp hình ảnh. Phù sa là loại đất mịn, nhiều chất màu, cuốn theo dòng nước hoặc lắng đọng lại ven sông, làm cho đất màu mỡ, đưa lại dưỡng chất cho cây cối. Suốt chiều dài lịch sử, các dòng sông mang lại phù sa cho những bãi bờ, nuôi sống bao nhiêu triệu con người. Nguyễn Đình Thi từng viết những câu thơ hay nhất về đất nước:

Những cánh đồng thơm mát.
Những ngả đường bát ngát.
Những dòng sông đỏ nặng phù sa
                             (Đất nước)

Ở đây, với Trần Phá Nhạc, mẹ và phù sa có mối quan hệ khắng khít. Mẹ là Phù sa. Phù sa là Mẹ, niềm tin yêu gắn bó với đời:

Thuở hạt trứng còn nằm trong bụng tối
Như đọt lá mềm cần tiếp bổi phù sa
Mẹ mớm trời xanh vào giọt sữa cho ta
Mớm giọt mưa giông trổ chiều nắng hạ
Như tin yêu đời ta và tất cả
Những gì làm nên nghĩa thịt da
Ôi sắn khoai mì mà ta ăn từng bữa
Đã cấy từ lòng đất nóng nghìn xưa
Quả tim thở khò khè đêm trở gió
Đã tiếp nguồn máu đỏ của cha ông
Như những cái bình thường ngược xuôi trong đời sống
Đã diễn ra từ thuở vót đầu chông
Thân xác này và sữa mẹ quá mênh mông…
                             (Mẹ phù sa)

Trong thơ Trần Phá Nhạc, hình ảnh người mẹ vẫn thường xuất hiện, như ngọn nguồn của sức mạnh:

– Mẹ sinh con sức người sinh sức sống
Lịch sử sinh ra đời ta đứng chống trời cao
                                   (Mẹ phù sa)
– Có mẹ chờ con
Tóc dài theo tuổi nhớ
Mong ngày về ngồi hát giữa sương khuya
              (Hải Phố quê hương tôi ngày tháng tuyệt vời)

Sau này, Trần Phá Nhạc vẫn luôn tự tra vấn và tìm về lẽ sống, về nhân sinh, về sự gian khổ trong làm người. Thơ vẫn có nỗi đau riêng, đầy thao thức.

Còn trong dạng bản thảo, tập Diễn ca lịch sử và các chuyện đời xưa Việt Nam của Trần Phá Nhạc viết về chuyện các thời vua Hùng Vương dựng nước đến thời vua Nguyễn Ánh, cùng các thần thoại. truyền thuyết như Mai An Tiêm, Tiên Dung, Từ Thức, Tú Uyên, Thằng Bờm, Chú Cuội, …

Rồi đến Khóc loạn mười hai sứ, về loạn cát cứ trước thời vua Đinh Tiên Hoàng lên ngôi, bao tang thương như hiện ra trước mắt, như một oan hồn đi tìm nghĩa trang trú ngụ, lạnh cóng một kiếp người, day dứt, ám ảnh, bàng hoàng:

Những ngày trời lạnh sao thưa
Không ở nhà lâu được
Nhớ đường nhớ quán mỗi hoàng hôn
Cứ tuôn đi như một oan hồn
ra cửa…
Có hôm chẳng biết vì đâu
lạc đến gốc đa lớn
thấy xác mình lủng lẳng trên ngọn cao
gió tạt rào rào không ngớt.
Quân sứ nào treo cổ tôi đây? Án gì? Ai xử?
Nặn óc nhớ mấy trăm năm trước
tháng ấy ngày kia lúc trời xẩm tối
bỗng dưng bắt tới nơi này
một mực kêu oan dây thừng mãi siết
phút hấp hối nhớ nhà quên cả sợ
quay mặt hướng về gió cắt như gươm…
Tay trói chặt không tự vuốt mắt được.

Tôi bồng thây mình đến nghĩa trang xin chôn
am chúng sinh dột nát chuột kêu ướt,
gạch vụn ném trong bùn,
những tấm bia lay chân ngã dưới hàng dương vắng.
Người chết rời mộ đi đâu hết
bỏ mặc hốc đất đầy nước mưa.
Tôi đặt thây trên cỏ
đi tìm.

Thơ Trần Phá Nhạc luôn đi về phía cái chân, cái thiện. Sự trung thực trong phản ánh hiện thực chính là điểm tựa để bộc lộ cảm xúc, kết tụ những giá trị thẩm mỹ của những hình tượng thơ.

Trần Phá Nhạc là con người sống chung thủy, nghĩa tình với bạn bè, với cuộc đời. Thơ cũng vậy.

Đà Nẵng, 5- 2018
HUỲNH VĂN HOA

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây