Trên chóp nón TỔ QUỐC – Tác giả: Cao Xuân Thái

Trên chóp nón TỔ QUỐC - Tác giả: Cao Xuân Thái

Vào những năm 80 của thế kỷ trước, kiếm được tấm vé đi công tác quả là quá nhiêu khê, nhọc nhằn. Nào là phải xuất trình giấy giới thiệu của cơ quan, giấy công tác. Cuối cùng ghi tên vào cuốn sổ của người bán vé… Sáng hôm sau xếp hàng chờ gọi tên mình. Cuối cùng có khi đến lượt mình thì hết vé, đành ngậm ngùi ra về. Điều quan trọng là năm quả trứng vịt luộc, một gói cơm nếp do vợ chuẩn bị cho bữa cơm trưa, đành mang về cho con.

Hôm sau tôi cũng mua được tấm vé, trả tiền, bỏ tấm vé vào túi mới thấy yên lòng. Lộ trình Tuyên Quang – Hà Giang 164 cây số đường đất quá xấu, toàn ổ voi ổ gà. Chiếc xe vượt dốc Đèn (Hàm Yên) như bị hụt hơi, chậm chạp bám theo con đường ven bờ sông Lô, mải miết với lộ trình đã định sẵn. Chỉ có điều chiếc xe cũ nát có thể đưa vào bảo tàng lưu giữ, những lúc vào cua, mọi chi tiết trong xe muốn rời ra. Xuất phát từ 5 giờ sáng, nhưng quá chiều mới đến được cái thị xã địa đầu…Tôi đi dọc công viên ven bờ sông Lô, tìm nhà trọ nghỉ qua đêm để sớm mai lên Phó Bảng, dự lễ thông đường Đồng Văn – Lũng Cú. Khuya, tôi thả bộ trên những con đường nhỏ, dạ lan hương ngào ngạt trong đêm vắng.

Mặc dù là cán bộ Văn hóa Hà Tuyên (Tuyên QuangHà Giang), nhưng tôi có cảm nhận được có cái gì đó nghiêm trọng, to lớn sắp xảy ra ở mảnh đất này. Đường Đồng Văn – Lũng Cũ, tuyến đường Quyết Thắng, Từ Mậu Duệ sang Mèo Vạc, là tầm nhìn chiến lược của các cấp lãnh đạo, đặc biệt là về an ninh quốc phòng…

Sáng hôm sau tôi chen chúc lên chiếc xe thùng, khách đã ngồi chật kín từ lúc nào, nhưng được lên xe, tôi cảm nhận rất hạnh phúc. Đến con đèo Pác Xum, tôi chợt nhớ một câu Thơ “Muỗi Pác Xum, hùm làng Đán”, cảnh sắc bí ẩn, hoang vu… Sương sớm tràn dày đặc vào trong xe, xe đi trong mây, người đi trong sương lãng đãng như một cõi thần tiên. Bốn giờ chiều, tôi cũng đã đến được Phó Bảng (Thủ phủ của huyện Đồng Văn) có cửa khẩu Tà Lùng, thuận lợi cho người dân buôn bán hàng hóa…

THÔNG ĐƯỜNG ĐỒNG VĂN – LŨNG CÚ

Lần đầu đến Phó Bảng, cảm giác đầu tiên của tôi là cảnh sắc đìu hiu man mác buồn, cái buồn muôn thuở khi bầu trời xám xịt, hơi đá từ những rặng núi cao phả ra lạnh buốt và khi bầu trời sắp phủ lên màn đêm mênh mông bí ẩn. Phía cửa khẩu Tà Lùng đặc quánh một màu sương trắng vương trên những đỉnh núi cao.

Càng về chiều Phó Bảng càng lạnh, khách đến dự lễ thông đường Đồng Văn – Lũng Cú, cán bộ sở tại sau nghi thức xã giao đã vào nhà hết, ngồi sưởi ấm bên những chảo than rừng rực (thời kỳ này cán bộ vùng cao được cấp than để chống rét). Dọc những dãy phố sầm uất, chủ yếu là là nhà trình tường đất, lợp ngói âm dương, thấp thoáng bóng người qua lại, áo bông dày hết cỡ. Hoa lê trắng điểm trên cành báo hiệu một mùa xuân đang về.

Đêm Phó Bảng mênh mang gió lùa và sương giăng, tôi nằm thao thức nghe giọt nước rỏ vào thùng tôn thánh thót. Phó Bảng vào mùa đông thiếu nước nghiêm trọng, ở trung tâm duy nhất có chiếc bể lớn, cạn khô, đồng bào chờ hứng nước suốt đêm, có lúc nước đóng băng, phải lấy xà beng đục vỡ từng mảng mang về…

Sáng hôm sau tôi lên chiếc xe Hải Âu của đội thông tin lưu động ngành Văn hoá Thông tin Hà Tuyên sang Đồng Văn để lên Lũng Cú. Tiếp sau là mấy chục chiếc xe Ru-ma-ni, U-oát của các cơ quan ban ngành Trung ương, của tỉnh, nối đuôi nhau như một con tàu uốn lượn trên những cung đường hiểm trở. Đồng bào các làng bản bên đường kéo nhau đứng thành dãy dài, tay vẫy chào đoàn xe đi qua. Đến đoạn Séo Hồ, một không gian được mở ra vô cùng, vô tận, mùa đông đá núi phơi bày đủ hình hài xám lạnh đến nhức mắt. Có lẽ sau con đường Hạnh Phúc, con đường Đồng Văn – Lũng Cú cũng là một kỳ tích…

Đến Ma Lé (nơi đồn Biên Phòng Lũng Cú đứng chân) thì đã xế chiều, đoàn xe dừng lại chỉnh tề đội ngũ để chuẩn bị lên Lũng Cú. Từ Đồng Văn – Lũng Cú là 26,5 km, đến Ma Lé là đã được già nửa chặng đường. Đường từ Ma Lé vào Lũng Cú phải qua cổng trời Pán Tính cực kỳ hiểm trở mà đồng bào các dân tộc huyện Đồng Văn làm đúng 30 ngày thì xong, có đoạn thuận lợi hơn nhưng phải vòng sang đất đai của nước bạn Trung Quốc và điều đó là không thể được, do vậy phải bạt đi hàng mảng núi lớn để mở đường, gian lao không tài nào kể xiết. Bí quyết gì mà đoạn đường Ma Lé – Lũng Cú hoàn thành nhanh với nhiều kỷ lục. Nhà thơ Hùng Đình Quý –  người chỉ huy công trường hồi đó tâm sự với tôi, đó chính là nhờ sáng kiến chia đường cho từng hợp tác xã, rồi hợp tác xã lại chia cho từng gia đình, phần đường mà mỗi gia đình đảm nhiệm bằng diện tích một nền nhà chừng 7-10 mét vuông. Ông nói thêm: Không phải ở chỗ dài hay ngắn, khó khăn hay thuận lợi, vấn đề là đồng bào các dân tộc hiểu rất rõ lợi ích con đường đem lại. Và như vậy là ý Đảng, lòng dân đã được cộng hưởng và khi lòng dân đã đồng thuận thì lấp biển, ngăn sông chẳng có gì là khó…

Gần 4 giờ chiều, đoàn xe đã chạm vào phần đất Lũng Cú, lúc này đã có hàng ngàn đồng bào các dân tộc Lũng Cú và những xã xung quanh tập trung thành một khối để chứng kiến giờ phút trọng đại này. Đoàn xe tiếp tục lăn bánh trên cánh đồng Thèn Pả, đến chân núi Rồng (nơi trạm biên phòng tiền tiêu Lũng Cú bây giờ) thì dừng lại… Gió thổi lồng lộng buốt giá, nhưng không làm nguội lạnh những trái tim nhiệt huyết. Ông Ly Sìa Pó, Phó Chủ tịch UBND xã được giao nhiện vụ cùng 24 thanh niên khỏe mạnh, chuyển một cây pơ mu dài 12 mét, đường kính khoảng 20 cm lên đỉnh núi Rồng để làm cột cờ và lá cờ Tổ quốc có kích thước 8×5 mét lần đầu tiên đã được kéo lên khiến ai ai cũng hân hoan, xúc động. Hiện lá cờ còn được lưu giữ ở Bảo tàng tỉnh Hà Giang.

LÀM MỚI CỘT CỜ

Tôi lặng lẽ nhìn ngắm lá cờ màu đỏ sao vàng trên đỉnh núi Rồng như ngọn lửa giữa một biển sương. Lúc như bão nổi sóng cồn, lúc lại rì rầm như biển lúc êm trời, chợt nhận ra: Lũng Cũ đêm đêm không ngủ. Cà Mau đêm đêm thao thức, lắng nghe tiếng sự sống sinh sôi ở hai đầu Tổ quốc… Chính nơi tôi đang đứng, ngày xưa Hoàng đế Quang Trung đã cho đặt một chiếc trống lớn để báo động mỗi khi biên giới có giặc ngoại xâm. Đây cũng là nơi Lý Thường Kiệt đã có lần hội quân lớn nhằm biểu dương sức mạnh và ý chí bảo vệ bờ cõi, và cột cờ đầu tiên bằng cây sa mộc đã được Lý Thường Kiệt dựng lên trên đỉnh núi Rồng… Sau đó vào năm 1887 dưới thời thuộc Pháp, cột cờ đã được dựng lại… Vào năm 1992, 2000 và đặc biệt vào năm 2002, cột cờ tiếp tục được trùng tu, xây lại nhiều lần với kích thước, quy mô lớn dần theo thời gian. Trong đó năm 2002, cột cờ được dựng với độ cao khoảng 20 mét, chân và bệ có hình lục lăng và dưới chân cột là 6 mặt phù điêu hoa văn, họa tiết giống bề mặt trống đồng Đông Sơn. Trên đỉnh cột là cán cờ cao 09 mét cắm quốc kỳ có chiều dài 09 mét, chiều rộng 06 mét và tổng diện tích rộng 54 m2 tượng trưng cho 54 dân tộc cùng chung sống trên đất nước Việt Nam.

Được khởi công, nâng cấp và đến ngày 02/9/2010 đã hoàn thành. Vào thời điểm trước lá cờ trên đỉnh cột được lắp trong cán cờ làm bằng nguyên một thân gỗ cây pơ mu cao gần 13 mét (nay cán cờ được thay bằng chất liệu Inox theo thiết kế cột cờ mới được xây dựng). Ngày 08/3/2010 cột cờ quốc gia Lũng Cú đã hoàn thành với chiều cao 33,15 mét (hơn cột cờ cũ 10 mét), trong đó phần chân cột cao 20, 25 mét, đường kính ngoài thân cột rộng 3,8 mét, kiểu dáng bát giác khá gần với kiểu dáng cột cờ Hà Nội. Chân bệ cột có 8 mặt phù điêu bằng đá xanh, mô phỏng hoa văn, họa tiết bề mặt trống đồng Đông Sơn và những hình ảnh minh họa qua từng giai đoạn lịch sử của đất nước, cũng như con người, tập quán của các dân tộc ở Hà Giang. Thân cột cờ có cầu thang bộ đi lên đỉnh. Trên đỉnh cột là quốc kỳ của Việt Nam với cán cờ cao 12,9 mét và lá cờ có diện tích như trước (54 m2)

Đường lên đỉnh cột cờ được xây dựng lại với 839 bậc đá lên theo lối cũ, có thành lan can bằng Inox và hệ thống đèn chiếu sáng, có nhà nghỉ lưng chừng núi để khách tham quan nghỉ chân, đồng thời xây một lối đi mới cũng có số lượng 839 bậc đá đi xuống. Dưới chân cột cờ là nhà lưu niệm trưng bày các dụng cụ lao động, trang phục, sản phẩm văn hóa của các dân tộc Hà Giang…

TỔ HỢP DI SẢN CẤP QUỐC TẾ

 Khu vực Lũng Cú thực chất là một nếp lồi lớn với hai cánh cắm đơn nghiêng về phía đông bắc – tây nam, bị đứt gãy phương tây bắc – đông nam, phá hủy dọc trục, cắt qua đá vôi hệ tầng Chang Pung tạo nên Lũng Cú. Từ đỉnh núi Rồng, nơi đặt cột cờ có thể thấy rất rõ địa hình Cuesta điển hình và cực kỳ ngoạn mục trên đá với hệ tầng Chang Pung, về phía đông bắc và tây nam dưới chân cột cờ trên cánh đồng Thèn Pả có hai hồ nước được coi là đôi mắt rồng. Đá vôi núi Rồng thuộc hệ tầng Chang Pung là loại đá cổ nhất lộ ra ở Cao nguyên đá Đồng Văn. Ngay trên bề mặt phong hóa của đá vôi đã phát hiện được phần đuôi rất đẹp của hóa thạch Bọ Ba Thùy (Trilobita) gống hệt một chiếc vương miện. Cơ chế tạo thành của địa hình Cuesta là do thế nằm đơn nghiêng của các lớp đá qua quá trình bào mòn, xâm thực đã hình thành nên những sườn núi bên thoải, bên dốc. Đôi mắt rồng thực chất là hai phễu Karst cổ đã ngừng hoạt động, bị sét bịt kín. Tên gọi núi Rồng, có lẽ bắt nguồn từ sự liên tưởng về thế núi hình đầu rồng và đôi mắt rồng mà ra. Hóa thạch Bọ Ba Thùy là bằng chứng về khoảng tuổi 500 triệu năm của đá vôi núi Rồng…

THƯỢNG CỜ TRÊN ĐỈNH NÚI RỒNG

 Cuối năm 2000 tôi lại có chuyến công tác tại xã kết nghĩa Sủng Máng (Mèo Vạc), dự Hội nghị tổng kết xong, tôi quyết định ngược Lũng Cú. Nhận phòng nghỉ, đặt cơm tại nhà khách xong, tôi dạo một vòng Lũng Cú. Sương chiều ẩm ướt, rét hanh, cánh đồng Thèn Pả im lìm sau mùa gặt, cũng là lúc mùa hoa cải vàng rực làm cho đất trời Lũng Cú ấm lên.

Dùng bữa tối xong, trở về nhà khách trời đã vào khuya, phòng nghỉ rộng rãi khang trang, chăn, gối thơm phức nhưng tôi không tài nào ngủ được. Đã quen với ồn ào, náo nhiệt phố thị, còn Lũng Cú đêm nay im vắng quá, im vắng đến cô đơn, mênh mông, cái sự im vắng này cũng khiến con người trở nên khó ngủ, bởi vậy tiếng lá cờ Tổ quốc trên đỉnh núi Rồng càng rõ, càng mạnh, ở Séo Lủng, Lô Lô Chải, Tả Giá Khâu… đều nghe được tiếng cờ, lúc thì như tiếng xé gió, bão cồn, lúc lại rì rầm mênh mang như biển lúc êm trời… Lũng Cú đêm đêm không ngủ, Cà Mau đêm đêm thao thức lắng nghe sự sống sinh sôi ở hai đầu Tổ quốc…

Buổi sáng thức dậy, nhiều giọng nói lao xao phía trạm biên phòng tiền tiêu vọng sang, chị Vương Thị Sinh người quản lý nhà khách bảo: Hôm nay các chiến sỹ thay cờ Tổ quốc. Tôi vội vàng giày dép, lặng lẽ cùng các chiến sỹ chuẩn bị lên ngọn tháp. Lá cờ Tổ quốc mới tinh xếp gọn, đặt trên chiếc khay lớn, các chiến sỹ chỉnh tề quân tư trang, súng ống… Trạm trưởng đồn biên phòng tiền tiêu: Nguyễn Ngọc Minh 30 tuổi quê ở Phú Thọ, nâng lá cờ Tổ quốc trước ngực đi trước, hai chiến sỹ đi sau. Gió buổi sớm mạnh, buốt giá, những cành cây vươn ra bên đường, trên mặt lá còn nguyên sương muối, lạo xạo trắng muốt, vượt qua hàng trăm bậc đá, chúng tôi đã có mặt dưới chân cột cờ, ngắm núi non, làng bản một lượt, các anh xếp hàng ngang làm lễ chào cờ. Lời Quốc ca trầm hùng, rạo rực vang xa… Ánh mắt chúng tôi đăm đắm nhìn lá cờ bạc màu sương gió và nhiều chỗ đã bị rách… Xong xuôi, một chiến sỹ khỏe mạnh, nhanh nhẹn ôm lá cờ mới đi ngược lên đỉnh ngọn tháp cao gần 20 mét bằng chiếc thang sắt đặt phía trong. Trái tim tôi rộn ràng, hồi hộp nhìn theo bóng dáng người lính trẻ trên đỉnh ngọn tháp, bàn tay khéo léo, thuần thục gỡ lá cờ cũ, lồng lá cờ mới vào trụ thép, neo buộc dây vào mép vải cẩn thận, chắc chắn… Lá cờ đỏ sao vàng rừng rực tung bay lồng lộng giữa bầu trời biên cương, các anh xếp hàng ngang, chào cờ lần nữa rồi xuống núi.

Lúc ngồi uống nước ở trạm biên phòng tiền tiêu, Nguyễn Ngọc Minh giải thích: Không cứ một ngày, ba ngày hay một tuần, khi lá cờ Tổ quốc bạc màu, rách sờn vì gió đều phải thay ngay. Lũng Cú cao hơn mặt nước biển 1.600 – 1.800 mét, kèm theo gió mạnh, lá cờ lại rộng 54 mét vuông, sức bền của vải như vậy cũng là tốt rồi…

THƠ KHẮC DƯỚI CHÂN NÚI RỒNG

Tổ quốc nơi đây tượng hình từ đá
Từ bếp lửa khuya chưa tắt bao giờ
Tôi thấm hết nghĩa tình nơi cực Bắc
Để lòng mình không thẹn trước hoa lê…

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây