Triết lý sống hợp lý của Nhà văn Nhị Ca

Triết lý sống hợp lý của Nhà văn Nhị Ca - Văn Học - vansudia.net

Triết lý sống hợp lý của Nhà văn Nhị Ca

Vương Trí Nhàn

Sở dĩ bảo sự tỉnh táo là phẩm chất chủ yếu làm nên định hướng phê bình văn học của Nhị Ca, bởi trước khi có quan hệ với cách viết của ông, nó quan hệ tới cuộc sống của ông nữa.

Khi tâm sự về những vui buồn trong việc làm tập Thi nhân Việt Nam 1932-1941, Hoài Thanh không quên thú nhận là mình đến với nghề một cách bất đắc dĩ và thường rất ngại khi nghe ai đó nói mình là nhà phê bình văn học.

Theo tôi hiểu, trường hợp vào nghề như Hoài Thanh không phải là ít. Bởi nói chung nghề này quá mới lại quá khó khăn, đứng ở ngoài cũng đủ ngại nên không ít người thường lảng tránh và cho đến phút cuối cùng không bỏ được mới phải sống với nó. Sau lứa Hoài Thanh, đến cả lứa sau, tình trạng trên vẫn còn là phổ biến, trong số này, có một người từng là thầy dạy nghề của tôi, người đã ảnh hưởng nhiều đến tôi về nghề nghiệp.

Người đó là nhà phê bình Nhị Ca.

Nhị Ca tên thật là Chử Đức Kính, sinh năm 1926 tại Hà Nội. Sau khi nhập ngũ, ông đã chuyển qua đủ thứ công việc, cuối cùng gần 40 tuổi, mới đi hẳn vào nghề phê bình văn học. Không kể những tác phẩm dịch, không kể tập sách mỏng Viết hồi ký, thì mãi 1972, khi đã 46 tuổi, tập bài phê bình đầu tiên của Nhị Ca mới được in ra.

Đó là tập Từ cuộc đời vào tác phẩm. Sự thực số đầu sách của Nhị Ca đâu có nhiều: Về sau, ông cũng chỉ cho in thêm có tập bài Dọc đường văn học (1977) và một cuốn chuyên khảo mang tên Gương mặt còn lại – Nguyễn Thi (1983).

Trong cuộc đời có phần tẻ nhạt của số đông người viết phê bình chúng tôi, kể ra như thế là Nhị Ca cũng đã đạt được cái mức mà những người khoẻ mới làm được. Và nếu tính cả việc làm báo, biên tập, hướng dẫn những người đi sau, thì đây đã là một nhà phê bình có đóng góp, trong đó cái đóng góp chủ yếu của ông, cái phần để lại sâu đậm nhất trong tâm trí chúng tôi, là ông tìm được một cách sống bình tĩnh, thoải mái, một cách sống khá phù hợp với nghề nghiệp và con người mình.

*

* *

Sự làng nhàng của một số phận như Nhị Ca – xin phép được tạm gọi như vậy – bắt đầu từ cái vẻ “làng nhàng” của hoàn cảnh xuất thân. Mỗi khi soát xét lại quá trình trưởng thành của mình, Nhị Ca thường quay nhìn tuổi trẻ với nhiều lưu luyến. Một nếp nhà bình thường nhưng nó vẫn là một cái nhà, mà ở xó xỉnh nào, người ta cũng có bao kỷ niệm.

Đời sống an bài đâu vào đấy, trường sở nghiêm chỉnh, đến mức dù là con một công chức xoàng thôi, người ta cũng có điều kiện để vừa học vừa chơi mà tiếng Pháp học được vẫn đủ để kiếm công ăn việc làm khi ra đời.

Bảo rằng Nhị Ca là một người thất bại, cũng không hoàn toàn đúng. Sự thực là ông cũng đã có một tuổi trẻ anh hùng. Khi Cách mạng 1945 xảy ra, con người đó vừa đúng 19 tuổi. Cũng như đám bạn bè cùng lứa, ông đã sống những ngày từ 9/1945 qua cả năm 1946 một cách náo nức, dù không có một việc gì cụ thể.

Khi tiếng súng kháng chiến bùng nổ, vốn sẵn “có tí văn hoá”, ông được cử vào một đội tuyên truyền văn nghệ, đi các nơi động viên kháng chiến. Thoạt đầu ông thuộc biên chế một trung đoàn, rồi sau mới về công tác ở phòng chính trị một khu.

Tại đây, có thời gian Nhị Ca được đề bạt trưởng tiểu ban văn nghệ, thường xuyên thay mặt đơn vị, đến làm việc với Ban chấp hành chi hội Văn Nghệ liên khu I lúc ấy, gồm toàn những nhân vật nổi tiếng Nam Cao, Ngô Tất Tố, Trần Văn Cẩn, Tú Mỡ, Nguyên Hồng…

Không phải chỉ riêng Nhị Ca, mà nhiều văn nghệ sĩ nổi tiếng của nền nghệ thuật Cách mạng đã bắt đầu bằng những bước đi tương tự.

Giá như dấn lên một chút, Nhị Ca cũng thành ra một nhà văn nhà thơ hay một nhạc sĩ nào đó. Thì bè bạn của ông, những Xuân Thiêm, Cao Nhị, mà ông cùng học ở trường, những Chính Hữu, Ngọc Tự mà ông cùng công tác, lúc xuất phát nào có gì khác.

Nhưng rồi bệnh tật đã tới.

Việc này về sau Nhị Ca sẽ kể với một người bạn thân tình:

– Mọi người bắt tay tôi thường bảo: “Sao tay ông nóng thế?”, “Mình vẫn làm việc bằng một phổi, làm sao bình thường cho được”. Bấy giờ, bệnh lao còn là một bệnh đáng sợ lắm. Nhiều thằng bệnh không nặng như tôi, song vì bi quan quá, hoảng quá, nhắm mắt chờ vi trùng đục ruỗng lá phổi. Có thằng tự tử. Cả cái lán bệnh mười hai thằng nằm dài như thế này, đã bao nhiêu lần, mười một thằng đi, còn lại mình tôi. Rồi lại bổ sung. Rồi lại mười một thằng ấy đi tiếp. Tôi sống được một phần chỉ tại tôi cố sống, tôi nhất định không tin rằng mình sẽ chết.

Nhị Ca đón hoà bình lập lại (1954) ở một bệnh viện bên Nam Ninh Trung Quốc, sau đó, từ đấy ông về thẳng Hà Nội.

Ông đã trở về với thủ đô hoa lệ mà cũng là quê hương, là mảnh đất nuôi dưỡng tuổi thơ của mình.

Nhưng dấu vết của trọng bệnh không bao giờ xoá sạch.

Hãy thử tưởng tượng một người ra khỏi cái ốm – mà cũng tức là ra khỏi chỗ chết như thế – lại có dịp trở về với đời sống Hà Nội những năm 1955-1956 – một Hà Nội có đèn điện, có nước máy, có những biệt thự bên bóng cây xanh, một Hà Nội vẫn giữ được những nền nếp thanh lịch, mà hồi ở kháng chiến, giữa cái u tì của núi rừng, người ta thường nắc nỏm ao ước.

Có hai tâm trạng nảy ra trong Nhị Ca lúc ấy: Vừa sung sướng nhớ lại tuổi trẻ êm đẹp, vừa đau đớn vì nay mình đã là người ngoài cuộc, không còn sung sức để đóng góp cho đời sống, mà cũng là để tận hưởng đời sống.

Một lần nào đó, Nhị Ca có dịp đến dự một buổi biểu diễn ca nhạc ở Nhà hát lớn. Người diễn viên lộng lẫy dưới ánh đèn sân khấu kia, hôm qua, từng là cô gái quê được người cán bộ này dìu dắt, bảo ban, rồi đề nghị cấp trên cho đi học bên nước bạn. Nhưng làm sao mà bây giờ cô ta còn có thì giờ đoái hoài tới người khán giả ốm yếu bệnh tật, vừa ở bệnh viện trở về và đã bị cắt hẳn một bên phổi!

Đứng nép sau hàng cột, bần thần một hồi, Nhị Ca lẳng lặng trở về với căn phòng làm việc của mình, ở Thư viện Quân đội. Kể ra có người từng cũng bệnh tật nặng nề như Nhị Ca, cũng bị lao, cũng sang Trung Quốc chữa bệnh, song khi về nước, đã làm một cuộc hồi sinh, như con phượng hoàng bay lên từ đám tro tàn vùng vẫy trở lại: Đó là trường hợp Chế Lan Viên. Nhưng làm sao mình có thể so sánh với tác giả Điêu tàn cho được – Nhị Ca tự nhủ, và cùng với việc lo lấy vợ, sinh con, chỉ còn nghĩ rằng may lắm là được mầy mò giữa các trang sách.

Từ đấy, ngòi bút dịch thuật Nhị Ca bắt đầu hoạt động đều đặn.

Rồi cũng nhân ở thư viện, ông viết vài bài đọc sách gửi đi các nơi. Bấy giờ lực lượng văn học trong quân đội, dù đã qua tám năm kháng chiến, vẫn chưa có điều kiện để đào tạo những nhà nghiên cứu lý luận.

Nói cụ thể hơn vào khoảng những năm 1960-1962 gì đó, khi mà Văn nghệ quân đội ra công khai đã được vài năm, cần có người giữ gôn mục phê bình trên báo thì cũng chỉ có Nhị Ca là ứng cử viên duy nhất, và ông đã trở thành một thành viên chính thức của Văn nghệ quân đội, ngay từ trước khi xảy ra cuộc chiến tranh phá hoại (5/8/1964).

Con đường Nhị Ca đến với phê bình văn học có mấy đặc điểm: 1/Ông đến với nó hơi muộn; 2/Ông đến trong cái tư thế của một người đã lữa, đã chán ra rồi, đã cam tâm chấp nhận rằng mình thất bại trong việc đời, giờ làm gì thì cũng chỉ coi là một nhiệm vụ được giao phó.

Trong bài viết mang tên ý nghĩa phê bình văn học, Nhị Ca tóm tắt quan niệm phê bình văn học của mình như sau:

“Từ trong nguồn gốc sâu xa của nó, sáng tác và phê bình chỉ là hai mặt nhất trí của một nhu cầu tinh thần: Sáng tác là hành động, phê bình là nhận thức và lương tri của các hành động đó.

… Phê bình ở ta luôn luôn tìm cách khẳng định những điều tốt đẹp có thực, những đóng góp dù nhỏ nhoi của những người làm ra của cải tâm hồn.

… Phê bình cũng như sáng tác đều đại diện cho lợi ích xã hội và phê bình rất có quyền và cần phải đưa đơn đặt hàng cho nhà văn, hướng nhà văn vào việc góp phần giải quyết những vấn đề trung tâm của cuộc đấu tranh cách mạng”.

Đây cũng là những quan niệm được ông tuân theo mỗi khi cầm bút. Với ông, dù mỗi bài phê bình có ký tên ai đi nữa, thì đấy vẫn là tiếng nói của dư luận, của chỉ đạo, và sau đó mới là ý kiến riêng, yêu thích riêng của cá nhân. Vậy thì phải tỉnh táo, lý trí phải vững, dù có bị chê một tí cũng chẳng sao. Trên cương vị một người phụ trách công tác lý luận phê bình của Văn nghệ quân đội trong những năm ấy, Nhị Ca thường phải lo mấy loại bài sau đây:

Một là những khi các sách sáng tác, lý luận của các lãnh tụ được in ra, như thơ Hồ Chủ tịch, thơ đồng chí Sóng Hồng, thơ Tố Hữu, tạp chí cần có tiếng nói của mình; hoặc những khi kỷ niệm 25 năm, 30 năm ngày thành lập Quân đội, tạp chí cần có bài tổng kết một giai đoạn v.v… và v.v…

Hai là những khi có các sáng tác của anh em ở chiến trường gửi ra, hoặc một số đồng chí ở tạp chí đi công tác về viết được những cuốn sách tốt, cần khẳng định một phương hướng, một cách làm việc.

Trước những yêu cầu của cơ quan, Nhị Ca bao giờ cũng vui vẻ đón nhận, và viết bài với tất cả tâm sức của mình. Ông đã viết về Những cuốn sách của Bác Hồ dẫn chúng tôi đi, về Những trang thơ hùng tráng và thiết thực. Ông đã viết về văn xuôi Nguyễn Đình Thi, Nguyên Ngọc, Hữu Mai, Nguyễn Minh Châu, về thơ của Chính Hữu và Phạm Tiến Duật…

Trên đây là mấy nét sơ lược về cuộc đời Nhị Ca. May mắn cho tôi là chính lúc Nhị Ca đã vào tuổi “tứ thập nhi bất hoặc” và cốt cách của nhà phê bình nơi ông đã ổn định, thì tôi được làm việc nhiều với ông. Ban đầu là mối quan hệ cấp trên cấp dưới rõ rệt, nhưng ngoài cái đó ra, giữa chúng tôi còn có tình người, và không phải chỉ là tình đồng nghiệp thông thường mà là trong cái nghề người ta biết mọi nóng lạnh của nhau: nghề cầm bút.

Rồi đến một lúc nào đó, tôi bắt đầu nhận ra trước mặt mình là một nhân cách độc đáo, thú vị. Tôi không dám chắc mình đã hiểu hết người đồng nghiệp lớn tuổi ấy, chỉ biết mang máng là bên cạnh cái phần bề nổi có phần chìm, thậm chí có thể có nhiều Nhị Ca trong một Nhị Ca.

… Nhưng đó là một câu chuyện hơi dài dòng một chút.

*

* *

Phải thú thực là với sự non dại của mình, thời gian mới gặp Nhị Ca, tôi chưa thể thú ông ngay được. Hồi tưởng lại mấy năm 1966-1967, khi thập thò gửi những bài viết đầu tiên đến cho Văn nghệ quân đội, và thường tới làm việc với Nhị Ca ở chỗ ông sơ tán – nó chính là căn phòng trên gác hai 104 Nguyễn Thái Học, nơi gia đình ông ở – tôi không nhớ gì lắm mà chỉ mang máng cảm thấy sao mà ông muốn răn dạy mình quá nhiều, hình như ông hơi công chức, ông không có những bột phát tự do của người làm nghề sáng tạo.

Tới khi tôi được xếp về ở cùng phòng với ông trong cái buồng ngách phía nam ngôi nhà 4 Lý Nam Đế, thì sự ngờ ngợ của tôi ngày càng trở nên rõ rệt. Các bạn hãy thử tưởng tượng, hồi ấy là những ngày cuối 1968, đơn vị vừa từ sơ tán chính thức trở về Hà Nội ít lâu.

Sau một lúc làm việc buổi sáng, phần lớn lớp cán bộ lâu năm như Vũ Cao, Từ Bích Hoàng, Nguyễn Khải, Hải Hồ… đều về gia đình riêng ăn cơm trưa, chỉ còn một vài anh em gia đình ở xa hoặc có hoàn cảnh đặc biệt, như Xuân Sách, Nguyễn Minh Châu, kể cả Nhị Ca và tôi ở lại, ăn bếp tập thể.

Sau này, tôi mới biết rằng đấy là nếp sống đã sẵn có ở Văn nghệ quân đội từ trước chiến tranh và sau mấy năm sơ tán, mọi chuyện có vẻ đang được an bài trở lại thành thử không ai bỡ ngỡ gì hết.

Riêng đối với tôi lúc ấy thì không phải thế, thường xuyên tôi sống trong tâm trạng bồn chồn, và cảm thấy ngôi nhà như quá rộng, căn gác như quá vắng. Tôi chỉ vừa được chuyển về đây làm việc hồi đầu năm; vả lại địa điểm mà tôi đến nhận công tác là một làng quê Sơn Tây, còn đây là Hà Nội, là cái ngôi nhà 4 Lý Nam Đế, mà hồi đi học, tôi chỉ dám ngước mắt nhìn thật nhanh chứ không bao giờ dám nghĩ được bước chân vào sống trong đó, bởi vậy làm sao tôi không bỡ ngỡ cho được.

Nhưng điều quan trọng khiến tôi sốt sáy không yên còn là ở một điều khác: Về đây nghĩa là tôi được sống với những người mà thời đi học, tôi từng ước ao; tôi sẽ được làm cái nghề mà trước đây tôi mơ tưởng, tôi sẽ được dự vào sinh hoạt chung của giới sáng tác văn học mà xưa nay tôi chỉ nghe hóng và coi là cả một sự bí mật ghê gớm.

Ôi! mới ngây ngô làm sao, những sốt sắng của tôi lúc ấy! Rất nhiều trưa, tôi đã không ngủ, bụng dạ bồn chồn, loanh quanh đi lại trong hai tầng gác mênh mông, rồi lại về nghĩ ngợi vẩn vơ và dù không làm gì nữa, thì cũng như đám trẻ con hay la cà buổi trưa không sao ngủ nổi.

Chính ở điểm này, mà tôi nhận ra sự khác biệt đầu tiên giữa mình với người đồng nghiệp cao tuổi hơn, người phụ trách trực tiếp và cũng là người ở cùng phòng với mình. Hầu như Nhị Ca hoàn toàn vô tâm, và cứ sống như một cái máy. Trưa nào, ông cũng đánh một giấc đàng hoàng, trở dậy, mang chậu xuống dưới nhà, rửa ráy, rẽ đầu ngôi đâu vào đấy, rồi mới bắt tay vào công việc.

Lại ví như khi mà thỉnh thoảng, cái buồng của bọn tôi trở thành địa điểm để những Nguyễn Khải, Nguyễn Minh Châu, Xuân Sách đến tụ họp rồi tán phét… thì thái độ của chúng tôi cũng khác hẳn nhau.

Trong khi tôi hồi hộp lắng nghe, sẵn sàng quên cả ăn, quên cả khách khứa để ngồi nghe, và chỉ sợ mọi người ra về quá nhanh mà mình không nghe được những điều thú vị, thì Nhị Ca khá đủng đỉnh. Lúc có thì giờ rỗi rãi, ông cũng ngồi đấy nhưng chỉ ngồi để tủm tỉm cười thầm, hoặc thỉnh thoảng đế vào một hai câu cho vui. Và có việc gì vội đi, là ông cho mọi người giải tán ngay, rồi dứt ra thật nhanh, chứ không một thoáng lưu luyến.

Khỏi phải nói, trước một thái độ sống mực thước đều đều, chỉ biết tuân theo những nhịp điệu có sẵn như thế, tôi không hiểu nổi. Cũng may với kinh nghiệm sẵn có, Nhị Ca không lấy đó làm lạ, vẫn từ tốn tìm cách dạy cho tôi những điều mà càng về sau này, tôi càng thấy là thiết yếu.

Tôi không khách sáo tí nào trong việc dùng chữ dạy ở đây cả. Thấy bọn tôi có vẻ viết được, một cơ quan chuyên trách như Văn nghệ quân đội lấy về làm báo và trong ánh mắt mọi người – những nhà văn nổi tiếng – hầu như luôn luôn có sự ưu ái cùng những khuyến khích: Cố lên, cố mà viết!

Chết một cái là hầu như chúng tôi chỉ được khuyến khích để tiến lên, gạt phăng mọi trở ngại mà lập nên những kỳ tích, nhưng còn lùi về ra sao, sống bình thường trong nghề này thế nào, thì không có luật lệ nào quy định, mà hầu như trong các buổi họp cũng không bao giờ có ai nói tới.

Nếu tôi không nhầm, không ít tài năng trẻ bọn tôi, bởi thiếu sự bảo ban cặn kẽ như thế này, nên đã lầm lạc, mà về phần tôi, nếu như có khôn ra được phần nào, cũng là nhờ có nhiều người, trước tiên là Nhị Ca, thường xuyên dội cho những gáo nước lạnh.

Chẳng hạn năm ấy, anh C. là một nhà thơ, tiếng tăm lừng lẫy. Từ chiến trường trở về, anh được chào đón như một tài năng lớn, có người bạo miệng bảo đó là một hiện tượng giống như Apollinaire của nền thơ Pháp hiện đại. Ai cũng yêu chiều kính nể, ai cũng dạt ra để nhường anh đi.

Trong chiến tranh, đồng tiền không có sức mạnh vạn năng như bây giờ, và nhu cầu về tiền của mọi người cũng chẳng là bao, nhưng C. cũng đã được nhiều người đưa tiền hoặc tặng cho cái đài Orionton bấy giờ thuộc loại vật kỷ niệm vào hạng quý hiếm. Có điều, với thói quen thời chiến, và sự vô tư của tuổi trẻ, C. đối với tiền rất chểnh mảng, vứt mỗi chỗ một ít, đến lúc sạch túi cũng không biết đã tiêu vào những việc gì nữa!

Mọi người không ai lấy làm ngạc nhiên, chỉ riêng Nhị Ca là nói với tôi: “Loại nghệ sĩ tài tử, loại nghệ sĩ lang thang không cần biết đến đồng tiền, đi đến đâu cũng có người nuôi thực ra là mẫu người của các thế kỷ trước. Ở thời này, bọn thiên tài như Picasso, Charlie Chaplin nhìn kỹ đều là bọn kinh nghiệm lõi đời, kiếm tiền đã bợm mà giữ tiền cũng giỏi.

Ông C. nhà ta mới nho nhoe có mấy đồng bạc đã không biết giữ lại vung tay quá trán, rồi ra còn làm được cái gì? Cái cách coi thường đồng tiền như thế, tưởng là nghệ sĩ, là hơn đời lắm, thực ra là một cách sống rất cũ”.

Cũng là tận tụy với nghề nghiệp, nhưng trong khi bàn về nghề, mọi người thích nói tới sự cao sang, thì Nhị Ca thích nói những chuyện thiết thực, nói chung gần như ông không hề bị cái danh hiệu nghệ sĩ lừa dối, mà luôn coi đây là công việc. Theo ông, không có gì sai, nếu bảo sự sáng tác là thiêng liêng trọng đại, cần có cảm hứng, cần sự xuất thần.

Nhưng vẫn theo lời Nhị Ca, trong thời này mà nói, nhất lại là trong chiến tranh, còn bao nhiêu việc trọng đại, có ý nghĩa quyết định bằng mấy. Người ta còn phải lo gạo, lo đạn, lo cho bộ đội có tinh thần chiến đấu…

Vậy thì hãy xếp cái thảng thốt của anh lại, đừng có tố nó lên, và nhất là đừng có vớ vẩn nói chuyện không đâu, hãy lo công việc cụ thể đi. Vâng, đừng có vớ vẩn nói chuyện đâu đâu, đấy là lời chê trách nặng nhất mà Nhị Ca dành cho những cơn nóng lạnh của chúng tôi. Ông không thích kiểu vớ vẩn ấy, ông thích nói tới phần trách nhiệm mà chúng tôi phải gánh vác.

Công việc cơ quan ông làm đều đều, đến mức, không cần tinh ý lắm, nhiều người cũng nhận ra rằng có lẽ những công chức ngày xưa cũng mẫn cán như thế. Lại nữa, một trong những điều ông hay dặn dò tôi: Phải công bằng trong đánh giá. Trên tạp chí có tồn tại những cách viết khác nhau, như trong cuộc sống mỗi người có cách sống khác nhau thì cũng là chuyện tất nhiên, tác giả nào có độc giả riêng của người ấy.

Trong số những kỷ niệm về quan hệ Nhị Ca với những người sáng tác, tôi còn nhớ như in câu chuyện sau đây. Một lần, do vô tình thế nào đó, Nhị Ca làm cho nhà văn Hồ Phương cảm thấy bị chê. Hồ Phương giận lắm. Khi cho in cuốn Kan Lịch, không tặng Nhị Ca nữa. Nhưng Nhị Ca vẫn mượn Kan Lịch về đọc tới trang cuối cùng, sau đó, bảo bọn tôi đi đặt bài viết khen ngợi.

Ông bảo riêng với tôi: “Trong khu vực sách về người thật việc thật, Hồ Phương vẫn là tay bợm nhất”. Tôi chưa bao giờ kể lại chuyện này cho Hồ Phương nghe, song xem đây là một bài học đối với công việc.

Chăm chỉ làm vậy song được cái không phải Nhị Ca cay nghiệt bắt người ta hùng hục ngày tám tiếng như thợ đấu. Một trong những thói xấu của tuổi trẻ – tuổi trẻ bọn tôi năm ấy và những thế hệ trước – là đồng thời với sự thiêng liêng hoá nghề nghiệp, lại thường hơi có vẻ khổ hạnh, lúc điên lên chỉ nghĩ đến công việc, không biết nghỉ ngơi để giữ sức lâu dài.

Dường như Nhị Ca đã có đủ kinh nghiệm về chuyện này rồi, khoảng trống từ một lá phổi bị cắt trong ngực đã nói với ông đầy đủ tất cả, nên ông chỉ nhìn bọn tôi mủm mỉm, và lựa lúc tôi có vẻ nghe được, ông mới xa xôi buông mấy lời khuyên bằng cách kể chuyện mình đã làm việc ra sao. Một lần sau khi tặng tôi tập sách dịch, Nhị Ca bảo:

– Ồ, có gì đâu, hè năm ngoái cơ quan cho đi nghỉ ngoài Đồ Sơn, tôi mới mang bản tiếng Pháp đi, cùng với cuốn tự vị. Lội ra một quãng ngâm nước mặn và nhảy sóng chán, lên vừa lau khô người là bắt tay dịch, rồi lại nhảy tùm xuống nước, rồi lại lên dịch, suốt ngày vừa nghỉ vừa dịch độ một tháng là hòm hòm rồi, về đọc lại và sửa chữa là nộp bản thảo chứ gì. Năm nay, bên nhà xuất bản Thanh Niên nó lại đang nhờ quyển nữa, rồi cũng phải xin đi nghỉ để trả cho xong nợ mới được.

Vừa làm vừa nghỉ, chơi trong lúc làm, làm trong lúc chơi, lối sống của Nhị Ca, tóm lại là lối sống của một người từng trải và biết tính chuyện đường dài có lui có tới. Hàng tuần, sau những giờ miệt mài bên bàn làm việc đến chiều thứ bảy, nếu không có gì bận lắm, Nhị Ca đến Câu lạc bộ quân nhân.

Nhìn ông ngồi trước vại bia mới thấy hết vẻ bình thản và lòng yêu đời của ông. Tuy Nhị Ca không nói gì nhưng cả con người ông, cả nét mặt ông như muốn kêu to lên: “Tôi không đòi hỏi gì hơn! Như thế này đã là mãn nguyện lắm rồi! Được sống trên đời này đã là sung sướng lắm rồi”. Chính đó là nhận thức chủ đạo của ông về đời sống, điều không những ông thành tâm hướng theo mà còn muốn mọi người cũng tin theo như vậy.

Sở dĩ bảo sự tỉnh táo là phẩm chất chủ yếu làm nên định hướng phê bình văn học của Nhị Ca, bởi trước khi có quan hệ với cách viết của ông, nó quan hệ tới cuộc sống của ông nữa.

V.T.N

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây