Tác giả Lê Minh Quốc

Lê Minh Quốc

LÊ MINH QUỐC

Sinh 1959 tại Thành phố Đà Nẵng; 1977 – 1983 đi bộ đội, chiến đấu ở chiến trường Kampuchia; 1984 – 1987 học Khoa Ngữ văn Đại học Tổng hợp Tp.HCM; từ 1988 đến nay công tác tại báo Phụ Nữ TP.HCM (311 Điện Biên Phủ, Q.3 – TP.HCM). Hội viên Hội Nhà báo Việt Nam; Hội viên Hội Nhà báo TP.HCM; Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam; Hội viên Hội Nhà văn TP.HCM.

Tác phẩm 

Thơ:

Trong cõi chiêm bao, NXB Trẻ, 1989
Ngày mai còn lại một mình tôi, NXB Trẻ, 1990
Thơ tình Lê Minh Quốc, NXB Trẻ, 1995
Tôi vẽ mặt tôi, NXB Văn hóa Thông tin, 1994
Nếu không còn cổ tích, NXB Đồng Nai, 1997
Đất bên ngoài Tổ quốc, NXB Văn học, 1998 (chung với Đoàn Tuấn)
Yêu em, Đà Nẵng, NXB Trẻ, 1999
Tôi chạy theo thơ, NXB Trẻ, 2003
Thơ với tuổi thơ, NXB Kim Đồng, 2005
Hành trình của con kiến (Trường ca), NXB Trẻ, 2006
Thơ tình của Quốc, NXB Trẻ, 2010
Yêu một người là nuôi dưỡng đức tin, NXB Hội Nhà văn, 2107

Tiểu thuyết:

Nguyễn Thái Học, NXB Văn học, 1995
Tướng quân Hoàng Hoa Thám, NXB Văn học, 1996
Nguyễn An Ninh – Dấu ấn để lại, NXB Văn học, 1997
Chiến tướng Tôn Thất Thuyết, NXB Kim đồng, 2003
Bạch Thái Bưởi – Khẳng định doanh tài đất Việt, NXB Trẻ, 2007
Đời, thế mà vui, NXB Văn hóa Văn nghệ, 2014

Tùy bút:

Du lịch của người câm, NXB Trẻ, 1999
Một ngày ở Mỹ, NXB Trẻ, 2007
Người Quảng Nam, NXB Trẻ, 2007
Gái đẹp trong tôi, NXB Văn hóa Văn nghệ, 2011
Tôi và đàn bà, NXB Hội Nhà văn, 2013
Khi tổ ấm nhảy Lambada, NXB Văn hóa Văn nghệ, 2014
Tình éo le mà lý oái oăm, NXB Phụ nữ, 2015
Ngày trong nếp ngày, NXB Hội Nhà văn, 2015
Ngày viết mỗi ngày, NXB Hội Nhà văn, 2016
Có một mầm hoa đã nhú dưới tro tàn, NXB Hội Nhà văn, 2016
Trong tàn phai có nụ hồng thơm lên, NXB Hội Nhà văn, 2017
Ngày sống đời thơ, NXB Văn Học, 2017
Ngày đi trên chữ, NXB Hội Nhà văn, 2017
Tình ta đang nhảy Rock, NXB Hội Nhà văn – 2017
Thật tuyệt, tình ta thôi trúc trắc, NXB Văn hóa Văn nghệ -2018
Mẹ đã đi chợ về, NXB Trẻ, 2018

Và nhiều thể loại khác.

 

Tản mạn bài chòi

Lê Minh Quốc

“Muốn tĩnh tâm, anh cứ hỏi lòng mình”. Câu thơ viết lúc nào? Chẳng nhớ nữa. Chắc hẳn trong tâm thế nhiều người, vẫn luôn nghĩ đến sự lạc quan để có niềm vui sống. Vậy là cớ gì, lúc gặp nhau đang vui lại gieo rắc những sắc màu u ám? Mới vừa đi Đà Nẵng về. Giỗ đầy năm của mẹ. Thời gian trôi qua cái vèo. Lá đang xanh nõn, một chiều héo rụng. Mất hút. Đời người cũng phù du mây trắng. Ngụm cà phê vừa tan trong lưỡi, ngọt đắng. Ngoài trời mưa bay. Lặng lẽ ngắm nhìn lại con đường đã từng ngày, nhiều ngày lưu giữ bước chân hoa niên. Nhớ và quên. Đột nhiên một người bảo: “Phải đến lúc đưa con vào bệnh viện mới biết thế nào là sự bi đát của lúc làm cha”. Rồi thao thao kể lại những nhọc nhằn, gian khó, lo sốt vó, bạc cả tóc, tái cả mặt… Một người nhắc khẽ: “Chớ nói gở”. Một người bảo: “Không sao, cũng cần phải biết trước, chứ sao không?”.

Y chỉ im lặng. Mỉm cười.

Nghĩ đi nghĩ lại, mới thấy sự vận hành trong hỗn man trời đất rất diệu kỳ. Có người trong đời sống cực kỳ hanh thông, bạc tiền như nước lại rơi vào trường hợp éo le là phải bỏ ra hàng trăm triệu mới có thể tay bế tay bồng; ngược lại, có người trên răng dưới ca-tút lại sinh nở sồn sồn dễ dàng như gà đẻ trứng. Thế thì về tiền của, cả hai nào có khác gì nhau? Lại nghĩ, một người nuôi con nhỏ nhưng nó không bệnh hoạn, ốm đau thì khác gì người được trúng số độc đắc? Ai đó đã nói một câu, ngẫm lại chí lý ghê: “Hạnh phúc là bằng lòng với những gì đang có”. Một khi người ta đã bằng lòng, mình nói thêm làm chi, nhất là những gì thuộc về riêng tư như chuyện con cái chẳng hạn. Vì thế, tâm tình với nhau, tốt nhất hãy hướng đến sự lạc quan cho người đang nghe. Chẳng việc gì phải chia sẻ những nỗi khổ mà mình đã trải qua. Để bày tỏ sự quan tâm là mình cũng đã từng có kinh nghiệm? Thật ra, kinh nghiệm người này, khó có thể áp dụng hoàn hảo cho người khác. Hơn nữa dù mình đã trải qua, những chắc gì người khác sẽ gặp? Vậy, nói ra những “dự báo” u ám ấy để làm gì?

Sực nhớ đến mẫu chuyện thời còn nhỏ, ngày xưa ngoại y luôn dặn dò, khi nghe người lớn nói những chuyện thù hằn, chết chóc, quái gỡ, đâm chém, gây gổ, xích mích… thì phải bịt tai, lánh đi nơi khác. Thậm chí từ miệng thốt ra cũng không nên sử dụng các từ hắc ám, xúi quẩy ấy. Âu cũng là cách dạy con của người xưa. Xét ra không khác gì nhà văn hóa Phạm Đình Hổ đã có sự lựa chọn ngay từ thời trẻ: “những trò chơi thanh sắc, nghề cờ bạc, rủ rê chơi đùa thì ta bịt tai không muốn nghe”. Có được ý thức đó, do sự giáo dục từ gia đình chứ còn gì nữa?

Lúc y lớn lên một chút, bà ngoại lại kể câu chuyện xưa thời bà đã trải qua. Rằng, vùng Nam, Ngãi, Bình, Phú – dọc theo miền Trung rất nổi tiếng với trò hát bài chòi. Vào đời vua Đồng Khánh, dịp hội hè nọ có bà chánh phi muốn khoây khỏa bèn la cà trong đám đông nghe những câu hô bài chòi lúc trầm, khi bổng, du dương vần điệu. Đột nhiên bà nghe đám đông cười rộ lên, khoái chí, vỗ tay ầm ĩ khi anh hiệu vừa dứt lời. Anh ta hô con bài gì mà nhộn thế?  À, anh ta hô con Đỏ mỏ: “Nàng dâu để chế mụ gia/ Bận quần lãnh trắng lại tra lưng điều”. Chế là tang chế, để chế, mặc đồ chế. Khi người thân mất thì phải để tang, con dâu mà lại quần lãnh trắng, thắt lưng màu đỏ, còn ra thể thống gì? Nổi giận lôi đình, bà chánh phi sai người nọc anh hiệu ra giữa sân rồi phết cho dăm roi, căn dặn từ đây cấm không được hô những câu xấc láo, xấc xược ấy nữa. Xin một tràng pháo tay tán thưởng cho thái độ chấn chỉnh kịp thời này. Còn nhớ, ca dao Nam bộ có câu: “Bậu để chế cho ai mà tóc mai rành rành rạnh/ Để chế má chồng, chớ hiếu hạnh bậu đâu?”.

       Cà chớn nhất trên đời vẫn là những tay ba lăm (35), hễ gặp dịp là “thả dê” lố bịch. Thí dụ như cô nàng nọ đang tang chồng, hắn ta bèn sỗ sàng “thả thính”: “Em để chế cho ai? Xé cho tôi phân nửa”. Nghe ra cũng cảm động, cứ như muốn xẻ chia nỗi khổ đau của người đối diện. Cô ấy trả lời: “Em để chế cho chồng”, lập tức hắn ta ngoác mồm trơ trẽn: “Chất lửa đốt đi”. Tán gái kiểu này mà không ăn cái tát mới là lạ.Trên đời, liệu có những gã đàn ông ba láp ba xàm cỡ ấy không? Có chứ sao không? Nếu không, làm sao nó lại đi vào ca dao? Những gã tầm phào, chớn cháo ấy đích thị là loại 35 dê.

         Mà này, vì sao người ta lại dùng con số 35 lại ám chỉ con dê – khi đi vào tiếng lóng lại hàm nghĩa chỉ những kẻ chuyên giở trò tán tỉnh, sàm sỡ, rù quến phụ nữ? Tùy theo cấp độ còn có dê xồm, dê cụ. Dám quả quyết rằng, từ trò đỏ đen của dân chơi số đề, con số này dần dà trở nên phổ biến chung. Trong quyển Đoán điềm giải mộng – chơi chữ, tìm số, in trước năm 1975 tại miền Nam giải thích: “35: Cát phẩm; tên riêng: Con dê”. Loại nhảm nhí này, chỉ có thể gọi “sách rác”, chớ nên đọc. Đề đóm chớ nên chơi làm chi, chỉ có ngày vác chiều lác ra đê Yên Phụ, kênh Nhiêu Lộc mà náu thân. Thời y còn bé, có nghe tay làm chủ đề tuyên bố: “Tiền thắng đề không bao giờ giữ được trong nhà, chỉ trừ khi lấy tiền đó đem xây mồ mả”. Đã biết, vậy chớ dại lao đầu vào.

         Hãy trở lại với chuyện hô bài chòi vẫn lý thú hơn.

Chẳng hạn, về con Đỏ mỏ vừa nêu trên, ở quê y có anh hiệu hô như vầy: “Con chim mỏ đỏ lông vàng/ Đậu trên cây khế đố chàng giống chi?/ Giống chi hỏi giống con chi/ Đậu trên cây khế tức thì giống chim/ Chẳng tin em cứ nhìn xem/ Nó là con chim mỏ đỏ lại thêm lông vàng”. Ngày xưa, khi chơi bài chòi trong phủ chúa ở ngoài Huế, về hai con Bạch tuyết (Bạch huê), Nọc đượng (Nhứt nọc), các bà chánh cung phi cho là thô tục nên anh hiệu phải đổi câu hô cho thanh nhã.

Trong khi đó, trò chơi này phổ biến trong dân gian lại khác. Ở Quảng Nam, khi ra con Bạch tuyết, anh hiệu ngang nhiên gióng mồm: “Đàn bà sao quá vô duyên/ Mặc quần thủng đáy hớ hênh kia kìa/ Có chi mà nọ nọ kia kia/ Chẳng qua vô ý mới chìa nó ra…”. Thiên hạ chỉ mới nghe đến đó đã cười cái rần. Chưa hết, lại có lúc nghe hô: “Có bông có cuống không cành/ Ở trong có nụ, bốn vành có tua/ Nhà dân cho chí nhà vua/ Ai ai có của cũng mua để dành/ Tử tôn do thử nhi sanh/ Bạch huê mỹ hiệu xin phành ra coi”. Cái cười trong quảng đại quần chúng xét ra khỏe khoắn, không gì phải úp úp mở mở. Thích thì hô lên thôi, miễn là không quá thô tục: “Xu xoa chị bán mấy đồng/ Chị ngồi chị để cái mồng chị ra/ Con gà tưởng hột ổ qua/ Nó mổ cái đớp chị la quớ làng”. Thử hỏi, ai không cười?

Thế nhưng cũng con Bạch huê đó, nhưng khi xuất hiện trong phủ chúa, phục vụ cho các tầng lớp vương quyền, ăn trên ngồi tróc, anh hiệu phải khôn ngoan hô kiểu khác, nếu không muốn bị mắng té tát. Những câu vừa nêu trên, có thế áp dụng? Tất nhiên là không. Chớ dại. Bà ngoại của y kể, người ta phải lồng nó vào trong điển tích, điển cố văn chương nhì nhằng, khác hẳn cảm thức của người bình dân ít chữ. Anh hiệu phải hô như vầy: “Đổng Trác bẻ nạng chống trời/ Nuôi thằng Lữ Bố nối đời làm con/ Dốc lòng chiếm đoạt áo son/ Nối đuôi thiên tử gả con Điêu Thuyền/ Chỉ vì đám ruộng con Điêu Thuyền/ Cho nên Đổng Trác trao duyên má đào/ Thương thay Vương Doãn mưu cao/ Đem dâng Lữ Bố cho vào Đổng Chương/ Nhất điền lưỡng chủ lươn ươn/ Cho nên phụ tử hai đường cản tranh/ Lữ Bố xưa thôi một anh/ Giết người Đổng Trác lưu danh trận tiền/ Cũng vì đám ruộng con Điêu Thuyền…”. Tích xưa, không bàn đến, chỉ quả quyết hình ảnh con Bạch tuyết đã ngụ ý trong cụm từ “đám ruộng”/ “nhất điền”.

       Vậy, cách hô bài chòi cũng mang tính “giai cấp” đấy chứ? Tùy đối tượng chơi mà chữ nghĩa về từng con bài  cũng phải biến hóa đi.

Đã nói đến con Bạch tuyết, sao lại không nói đến con Nọc đượng? Can cớ gì phải né tránh? Ở Hội An,  có câu hô: “Đói no, no đói mặc lòng/ Đàn bà cứ thiếu, đàn ông cứ thừa/ Cả ngày cứ việc đong đưa/ Ban đêm vừa gáy lại vừa đóng nêm/ Nọc đượng ra bớ chị em/ Ai cần tới hắn thì lên trên này”. Gợi tình gợi ý nhất vẫn là hai từ “đong đưa/ đu đưa”. Trong văn học dân gian ở Quảng Nam, nhiều người còn nhớ đến đoạn hò đối đáp cũng có hai từ này. Nữ hò: “Gặp anh Ba đây mới khiến hỏi anh Ba/ Làm ăn lâu nay vẫn khấm khá hay vẫn sát da như bọn mình?”. Không một chút ngại ngùng, chàng trai cất giọng bỡn cợt một cách kín đáo: “Thời buổi bây chừ công việc sớt sưa/ Dư không dư, thiếu không thiếu, vẫn đu đưa như mọi ngày”. Câu hò chỉ có thế, ủa, cơn cớ làm sao các cô thôn nữ rộ lên tiếng cười mà lại đỏ mặt tía tai?

Ngày xưa, một trong cái thú ở nông thôn còn là những dịp la cà hội hè đình đám, nghe tiếng hát câu hò dù quê kệch, bình dân nhưng lại có được há mồm ra một phát cho sướng. Chẳng hạn, bàn về chuyện nghiêm túc như chống xâu cao thuế nặng thời Pháp thuộc, sau đó, đã nổ ra cuộc chống thuế long trời lở đất vào ngày 3.11.1908, người dân quê y vẫn lạc quan trong hò đối đáp: “Em ơi! Chừ anh muốn làm đàn bà, không muốn làm đàn ông/ Khỏi xâu cao thuế nặng, khỏi ba đồng sáu mao/ Thôi! Chị em ơi! Đừng nói lao xao/ Có chị mô đi Huế, tôi gửi rèn một con dao cho tinh thần/ Tôi về, tôi hớt trất cục gân/ Hớt luôn cái nớ cho ra thân đàn bà”. Nghe khoái chưa? Cũng cái “cục gân” đó, anh hiệu hô bài chòi lại vận dụng rất khéo vào con Nọc đượng: “Năng cường, năng nhược/ Năng khuất, năng sanh/ Nói thiệt cục gân/ Ngồi gần con gái trân trân chẳng xìu”.

Sở dĩ ghi lại những dòng này vì mới đây lúc về Đà Nẵng đã thấy khác trước nhiều lắm. Phố xá đã đổi thay. Chỉ cần bước chân qua bên kia cầu sông Hàn, chạm ngay vào một khu đô thị mới. Nhà hàng, khu nghỉ mát vui chơi đã mọc lên như nấm, nếu không nhìn các bảng hiệu tiếng Việt thì cứ nghĩ đang du lịch ở một xứ sở hào hoa, sang trọng nào đó. Cảm thấy xa lạ. Cảm giác này ùa về lúc cùng Sanh phóng xe lên chiêm bái chùa Linh Ứng nằm trên bán đảo Sơn Chà. Thiên nhiên thoáng đãng. Lòng nhẹ nhàng. Và mới thấy đây mới chính là sức sống của một vùng đất. Bạt ngàn cỏ. Cỏ biếc xanh.

Lúc ấy, chợt nhớ đến một đoạn văn trong tập tùy bút 100 ngày trước tuổi hai mươi của Đoàn Tuấn sẽ in nay mai: “Lá cỏ rụng xuống, héo dần, se lại. Nhưng từ những nắm cỏ se se ấy, chúng tôi ngửi thấy mùi thơm. Một mùi thơm với rất nhiều hương. Vừa nồng nàn vừa hoang dại; vừa có hương của rừng vừa có vị của đất trung du. Và tôi đã thèm, đã thử. Trong khoảnh khắc, hãy biến mình thành con dê, con bò, thử nhai cỏ xem sao. Có những lúc, chúng tôi phải cắt cỏ. Nhưng ít ngày sau, cỏ lại mọc lên. Tinh khôi. Thanh mảnh. Như chưa từng đau đớn. Có những ngày, vì công việc, chúng tôi phải cuốc cỏ lên. Những rễ, những mầm cỏ trắng ngà, bật tung, lộn ngược. Nhưng ít ngày sau, từ những rễ, những mầm bị cắt ấy, những ngọn cỏ lại bật ra, nhú lên. Tôi nhìn cái mầm nhỏ nhoi ấy mà lòng đầy cảm phục. Và có những chiều, chúng tôi phải đốt cỏ. Lửa cháy đùng đùng trên cỏ. Thân cỏ cháy, nổ lép bép. Và những đống than ân ỉ cháy trên cỏ. Nhưng chỉ sau một trận mưa, chính chỗ đất ấy, chính chỗ cỏ ấy, những ngọn xanh nhọn hoắt lại tua tủa mọc lên. Tôi thầm hỏi: cỏ ơi, mày là ai mà sức sống bền bỉ vậy?”.

Câu kết đã khiến lòng y dịu lại. Vừa rồi, bài chòi được UNESCO vinh danh di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Liệu chừng những nơi đô thị hóa tương tự như ở quê y, mai này, còn có nghe vang lên những câu hô bài chòi nữa không? Bi quan làm chi, hãy đọc lại câu kết đoạn văn trên. Nghĩ cho cùng các loại hình sinh hoạt nghệ thuật dân gian cũng là một thứ cỏ đấy thôi. Làm sao có thể tàn lụi và mất đi?

L.M.Q

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây