Truyện ngắn Haruki Murakami: Trên gối đá (kỳ 1) – Trương Thùy Linh dịch

Truyện ngắn Haruki Murakami: Trên gối đá (kỳ 1) - Trương Thùy Linh dịch

Tranh: Sangeetha Bansal.

Truyện ngắn “Trên gối đá” do Trương Thùy Linh dịch được in trong cuốn “Ngôi thứ nhất số ít”, mới xuất bản tại Việt Nam.

Chuyện mà tôi sắp kể ở đây là về một cô gái. Nói vậy chứ tôi hoàn toàn chẳng có kiến thức nào về cô. Đến cả tên lẫn mặt cô tôi cũng không còn nhớ. Tôi chắc là cô cũng không nhớ cả tên lẫn mặt của tôi.

Khi gặp cô, tôi chưa tới hai mươi, đang là sinh viên năm hai, còn cô thì tôi nghĩ là khoảng hai nhăm, hai sáu. Chúng tôi làm thêm tại cùng một nơi, cùng một thời điểm. Và do hoàn cảnh đưa đẩy, đã trải qua một đêm cùng nhau. Sau đó chúng tôi không gặp nhau lần nào nữa.

Tôi hồi mười chín tuổi chẳng biết mấy về những rung động trong tâm hồn mình, đương nhiên, cũng không hiểu những rung động trong tâm hồn người khác. Mặc dầu vậy, riêng trạng thái vui buồn thì tôi nghĩ là mình nắm bắt được phần nào. Chỉ là chưa nhìn thấu được nhiều hiện tượng ở giữa vui và buồn và mối quan hệ giữa chúng. Việc này luôn khiến tôi có cảm giác bất lực, bồn chồn không yên.

Mặc dầu vậy, tôi vẫn muốn kể về cô.

Điều tôi biết về cô là cô sáng tác thơ tanka* và đã xuất bản một tập thơ. Gọi là tập thơ nhưng chỉ là một cuốn sách đơn giản với những tờ giấy in được đóng lại bằng dây dù rồi gắn thêm một tờ bìa sơ sài, thậm chí khó có thể nói đó là sách tự xuất bản. Nhưng một số bài trong tập thơ đó đã hằn sâu đến mức kỳ lạ trong tâm trí tôi. Hầu hết bài cô viết là về tình yêu đôi lứa và cái chết của con người. Như để chỉ rằng, tình yêu và cái chết nhất quyết không bao giờ chịu tách rời – ly tán.

Anh và em

Có ở xa nhau

Không nhỉ?

Lẽ nào nên nối chuyến

Bằng Sao Mộc?

Áp một bên tai

Vào gối đá

Nghe thấy

Vô thanh,

Vô thanh của máu chảy

“Này, lúc lên đỉnh, có thể tôi sẽ gọi tên người đàn ông khác, cậu không phiền chứ?”, cô hỏi. Chúng tôi đang trần truồng nằm trong chăn.

“Không sao”, tôi đáp. Dù không chắc lắm nhưng tôi nghĩ việc nhỏ như vậy chắc không sao. Chỉ là cái tên thôi mà. Sẽ chẳng có gì thay đổi chỉ vì một cái tên.

“Có thể tôi sẽ hét to đấy”.

“Thế thì sẽ hơi rắc rối”, tôi vội nói. Bởi lẽ căn phòng cũ kỹ bằng gỗ tôi đang ở có tường mỏng và yếu như miếng bánh xốp tôi ăn hồi nhỏ. Lúc này cũng đã khuya rồi, cô mà hét to thì phòng bên cạnh sẽ nghe thấy hết.

“Vậy tôi sẽ cắn vào khăn bông”, cô nói.

Tôi chọn chiếc khăn sạch và chắc chắn nhất từ chỗ rửa mặt đem ra đặt cạnh gối.

“Thế này chắc được nhỉ?”.

Cô cắn thử chiếc khăn vài lần, hệt như chú ngựa thử chiếc hàm thiếc mới. Xong rồi cô gật đầu. Ý bảo được rồi.

Lần quan hệ đó chỉ là do hoàn cảnh đưa đẩy. Không phải tôi ham muốn cô, cũng chẳng phải cô ham muốn tôi (tôi nghĩ vậy). Chúng tôi làm chung chỗ được khoảng nửa tháng nhưng vị trí làm việc lại hơi xa nhau nên hầu như tôi không có cơ hội nói chuyện đàng hoàng với cô.

Suốt mùa đông năm ấy, tại một quán ăn Ý bình dân ở gần ga Yotsuya, tôi làm chân phụ bếp và rửa bát, còn cô thì chạy bàn. Những người làm thêm ở đó đều là sinh viên, chỉ riêng cô thì không. Có lẽ vì thế mà cách cư xử của cô có chút gì đó xa cách.

Vì cô sẽ nghỉ làm vào giữa tháng mười hai nên một hôm, sau khi quán đóng cửa, vài nhân viên rủ nhau đi uống tại một quán rượu gần đó. Tôi cũng được rủ đi. Cũng không hoành tráng tới mức gọi là tiệc chia tay. Mọi người chỉ uống bia, nhắm mấy món đơn giản, nói chuyện linh tinh trong khoảng một tiếng.

Lúc đó tôi mới biết trước khi làm tại quán ăn này, cô từng làm ở một công ty bất động sản nhỏ và làm nhân viên hiệu sách. Cô bảo chỗ nào cô cũng không hợp với cấp trên và chủ. Ở quán ăn này, tuy không đụng chạm với ai nhưng lương thấp quá, cứ thế này thì khó mà sống tiếp nên dù không muốn, cô buộc phải tìm việc mới.

Ai đó hỏi cô muốn làm công việc gì.

“Việc gì cũng được”. Cô vừa nói vừa lấy ngón tay gãi cánh mũi (trên cánh mũi cô có hai nốt ruồi nhỏ, đứng cạnh nhau như một chòm sao). “Bởi làm gì có việc nào ra hồn dành cho tôi”.

Hồi đó tôi sống ở Asagaya, còn nhà cô ở Koganei. Thế nên chúng tôi cùng lên chuyến tàu nhanh Chuo ở ga Yotsuya để đi về. Hai chúng tôi ngồi cạnh nhau trên băng ghế. Lúc này đã hơn 11 giờ. Một buổi tối lạnh buốt, nhiều gió. Thoáng chốc đã tới mùa phải dùng đến găng tay và khăn quàng.

Khi gần đến Asagaya, tôi đứng dậy chuẩn bị xuống tàu thì cô ngẩng lên nhìn tôi, khẽ nói: “Này, nếu không phiền thì hôm nay tôi ngủ lại chỗ cậu được không?”.

“Được, nhưng tại sao?”.

“Vì tới Koganei còn xa quá”, cô nói.

“Phòng em chật lắm, lại bừa bộn nữa”, tôi nói.

“Tôi không bận tâm đâu”, cô nói rồi túm lấy tay áo khoác của tôi.

Về tới phòng trọ chật chội và tồi tàn của tôi, cô và tôi cùng uống bia. Thư thả uống bia xong, cô lập tức trút bỏ quần áo ngay trước mặt tôi như thể đó là chuyện đương nhiên, trong chớp mắt, cô khỏa thân hoàn toàn rồi chui vào chăn. Tôi cũng làm theo, cởi quần áo rồi chui vào chăn.

Tuy đã tắt đèn nhưng căn phòng vẫn sáng nhờ chiếc lò sưởi ga. Nằm trong chăn, chúng tôi lóng ngóng làm ấm cơ thể nhau. Chẳng ai nói năng gì suốt một lúc lâu. Biết nói gì bây giờ khi bỗng dưng khỏa thân đây. Nhưng chúng tôi có thể cảm nhận được qua làn da, đúng theo nghĩa đen, rằng cơ thể cả hai đang dần ấm lên và bắt đầu thả lỏng. Một cảm giác gần gũi có phần kỳ lạ.

Đó là lúc cô hỏi tôi câu: “Này, lúc lên đỉnh, có thể tôi sẽ gọi tên người đàn ông khác, cậu không phiền chứ?”.

“Chị thích người đó à?”. Tôi hỏi sau khi chuẩn bị xong khăn tắm.

“Ừ, rất thích”, cô nói. “Cực, cực thích. Không thể ngừng nghĩ đến. Nhưng anh ấy thì không thích tôi đến vậy. Nói đúng hơn là anh ấy có người yêu rồi”.

“Nhưng hai người vẫn qua lại?”.

“Ừ. Khi nào thấy thèm cơ thể tôi, anh ấy sẽ gọi cho tôi”, cô nói. “Giống như nhấc điện thoại lên và gọi giao hàng vậy”.

Vì chẳng biết phải nói gì nên tôi im lặng. Cô dùng đầu ngón tay vẽ hình gì đó lên lưng tôi. Hoặc có thể là chữ viết theo lối thảo thư**.

“Anh ấy nói mặt tôi thô nhưng cơ thể thì hoàn hảo”.

Tôi không nghĩ mặt cô thô nhưng có lẽ để gọi là đẹp thì quả thật hơi khiên cưỡng. Giờ tôi không còn nhớ gương mặt cô cụ thể trông thế nào nên không miêu tả được chi tiết.

“Nhưng chị sẽ đi khi anh ấy gọi?”.

“Thì bởi tôi yêu mà, nên đâu còn cách nào khác”, cô nói như thể đó là chuyện đương nhiên. “Dù bị nói gì đi nữa thì thi thoảng tôi vẫn muốn được đàn ông ôm ấp”.

Tôi thử suy nghĩ một chút về điều cô nói. Nhưng tôi hồi ấy không hình dung được cụ thể “thi thoảng muốn được đàn ông ôm ấp” là trạng thái cảm xúc thế nào đối với cô (ngẫm thử thì ngay cả bây giờ tôi cũng cảm giác là mình vẫn chưa hiểu).

“Yêu một người giống như mắc một căn bệnh tâm thần không được bảo hiểm y tế ấy”, cô nói. Giọng bình thản như thể đọc chữ viết trên tường.

“Ra là vậy”. Tôi thán phục.

“Vì thế cậu cũng nghĩ tôi là người khác đi”, cô nói. “Cậu có người mình yêu mà, đúng không?”.

“Em có”.

“Vậy thì lúc lên đỉnh, cậu cứ gọi tên người đó, không sao đâu. Tôi cũng sẽ không bận tâm”.

Nhưng tôi đã không gọi tên cô gái đó – cô gái mà tôi yêu nhưng vì hoàn cảnh, mối quan hệ của chúng tôi không tiến xa. Tôi đã định gọi nhưng rồi lại cảm thấy ngớ ngẩn sao đó…

Quả nhiên, cô toan hét to tên người đàn ông nên tôi phải vội chặn cái khăn vào giữa hai hàm răng của cô. Hàm răng cô có vẻ rất chắc khỏe. Đến mức nếu nha sĩ nhìn thấy thế nào cũng xúc động. Tôi cũng không nhớ cái tên mà cô đã gọi khi ấy. Chỉ nhớ là một cái tên phổ biến, không nổi bật.

Tôi còn nhớ mình đã rất thán phục trước việc một cái tên tẻ nhạt như vậy lại có ý nghĩa lớn đối với cô. Đôi lúc, một cái tên thôi cũng có thể khiến trái tim người khác rung động mạnh mẽ.

Đúng ra thì hôm sau tôi có giờ học từ sáng sớm và phải nộp một báo cáo quan trọng thay cho bài thi giữa kỳ, nhưng tất nhiên là tôi mặc kệ (hậu quả là sau đó tôi gặp đủ mọi rắc rối, nhưng thôi, đó là chuyện khác).

Mãi gần trưa chúng tôi mới tỉnh dậy, đun nước pha cà phê và nướng bánh mì ăn. Còn mấy quả trứng trong tủ lạnh, tôi cũng đem luộc nốt. Trời trong vắt không một gợn mây, ánh nắng chói chang buổi sáng càng khiến tôi thêm uể oải.

Vừa cắn miếng bánh mì phết bơ, cô vừa hỏi tôi học ngành gì ở đại học. Tôi đáp là khoa văn.

Cô hỏi tôi muốn trở thành nhà văn à.

Tôi thành thật đáp là không. Hồi đó, tôi hoàn toàn không có ý định trở thành nhà văn. Cũng chưa bao giờ nghĩ đến chuyện đó (dù trong lớp có khối kẻ tuyên bố rằng sẽ trở thành nhà văn). Nghe tôi đáp vậy, có vẻ như cô mất luôn hứng thú với tôi. Dù vốn dĩ có thể cô chẳng hứng thú với tôi đến thế.

Dưới ánh sáng rực rỡ ban ngày, chiếc khăn tắm còn hằn vết răng của cô trông thật kỳ lạ. Hẳn là cô đã nghiến mạnh lắm. Ngay cả bản thân cô khi nhìn vào ban ngày cũng có cảm giác không phù hợp. Thật khó hình dung cô gái nhỏ nhắn, gầy gò, nhợt nhạt đang ngồi trước mặt lại chính là cô gái đã ở trong vòng tay tôi đêm qua, hét lên những tiếng hân hoan nhục cảm dưới ánh trăng mùa đông rọi vào từ cửa sổ.

“Tôi làm thơ tanka đấy”, cô đột nhiên nói.

“Thơ tanka?”.

“Cậu biết thơ tanka mà?”.

“Tất nhiên”. Một kẻ ngu ngơ sự đời như tôi cũng biết thơ tanka là gì. “Nhưng ngẫm thử thì đây là lần đầu em gặp một người làm thơ tanka ngoài đời”.

Cô cười sảng khoái. “Nhưng trên đời này có người như vậy mà”.

“Chị tham gia trong câu lạc bộ à?”.

“Không, không phải kiểu đó”, cô nói rồi nhẽ nhún vai. “Vì tanka là thứ có thể làm một mình được. Chẳng phải vậy sao? Có phải chơi bóng rổ đâu”.

“Thơ tanka của chị như thế nào?”.

“Cậu muốn nghe không?”.

Tôi gật đầu.

“Thật chứ? Không phải là cậu chỉ đang hùa theo câu chuyện?”.

“Thật”, tôi nói.

Tôi không nói dối. Tôi tương đối nghiêm túc khi muốn biết cô gái mới vài giờ đồng hồ trước còn thở hổn hển trong vòng tay tôi và hét to tên người đàn ông khác rốt cuộc làm những bài thơ tanka thế nào.

Sau một hồi lưỡng lự, cô nói: “Giờ mà đọc ở đây thì ngại lắm, tôi không làm được. Vẫn còn đang buổi sáng mà. Nhưng tôi đã ra một tập thơ rồi nên nếu cậu thực sự muốn đọc thì tôi sẽ gửi tặng cậu. Cho tôi tên và địa chỉ của cậu nhé?”.

Tôi ghi tên và địa chỉ vào tờ giấy nhớ rồi đưa cho cô, cô nhìn mẩu giấy rồi gấp lại làm tư, nhét vào túi áo khoác. Chiếc áo khoác màu xanh lá cây nhạt đã sờn cũ. Ở cổ áo tròn có cài chiếc ghim màu bạc hình hoa huệ tây.

Tôi vẫn còn nhớ chiếc ghim ấy đã sáng lấp lánh khi ánh nắng từ cửa sổ hướng nam rọi vào. Tuy không am hiểu về hoa nhưng không hiểu sao riêng hoa huệ tây thì từ bé tôi đã thích.

“Cảm ơn cậu cho tôi ngủ lại. Tôi không muốn đi tàu một mình về Koganei đâu, thật đấy”. Cô nói khi chuẩn bị rời khỏi phòng trọ của tôi. “Con gái thi thoảng lại như vậy”.

Khi ấy, hai chúng tôi đều biết rõ. Rằng cả hai sẽ không gặp lại nhau nữa. Rằng buổi tối hôm ấy, chỉ là cô không muốn đi tàu một mình về Koganei… Chỉ thế thôi.

Trương Thùy Linh dịch

___

Chú thích:

*Tanka (đoản ca): một thể thơ cổ của Nhật, mỗi bài thơ gồm năm dòng, lần lượt có số lượng âm tiết là 5-7-5-7-7.

**Lối viết chữ theo phong cách phóng khoáng, giản lược.

——————

Truyện ngắn Haruki Murakami: Trên gối đá (kỳ 2) – Trương Thùy Linh dịch

 

 

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây