Từ Quất Động đến Tú Thị: Từ làng lên phố, từ truyền thống đến hiện đại – Tác giả: Nhà nghiên cứu Phạm Minh Quân

Nha nghien cuu Pham Minh Quan min - Từ Quất Động đến Tú Thị: Từ làng lên phố, từ truyền thống đến hiện đại - Tác giả: Nhà nghiên cứu Phạm Minh QuânNhà nghiên cứu Phạm Minh Quân.

Từ làng Quất Động (Thường Tín, Hà Nội) tới đình Tú Thị (phố Yên Thái, Hàng Gai, Hoàn Kiếm, Hà Nội), hai địa danh tưởng như cách nhau vỏn vẹn 25km, vừa xa lại vừa gần. Bởi, đó là một mối liên hệ thiêng liêng hình thành trong quá khứ, và vẫn hằng tồn tại cho tới ngày nay giữa một bối cảnh đầy hơi thở đương đại, xoay xung quanh một nhân vật lịch sử địa phương quan trọng – ông Tổ nghề thêu Lê Công Hành.

Dưới triều Nguyễn, xã Quất Động là một trong 9 xã thuộc tổng Bình Lăng Phú, Thường Tín trấn, Sơn Nam Thượng. Làng Quất Động là một làng lớn với dân số chiếm 2/3 dân số toàn xã. Xã Quất Động có nhiều thôn, xóm làm nghề thêu, nhưng được coi là gốc của nghề thêu tay người ta thường nhắc đến làng Quất Động. Bởi theo những ghi chép còn được lưu giữ ở đình Ngũ Xã, Quất Động và đền Tú Thị, Hà Nội, ông Tổ nghề thêu Quất Động cũng như nghề thêu chung của 3 miền Bắc – Trung – Nam là Tiến sĩ Lê Công Hành, sinh thời sống và khởi sự vào thời Lê Trung hưng thế kỷ XVII tại làng Quất Động.

Hành trạng của Lê Công Hành, dựa trên tổng hợp các nguồn chép sử, có thể được khái quát như sau: Ông sinh năm Bính Ngọ (1606), đỗ Tiến sĩ năm Đinh Sửu (1637) đời vua Lê Thần Tông làm quan đến chức Tả thị lang bộ Công. Năm Bính Tuất (1646), ông được cử đi sứ nhà Minh. Trong lần đi sứ này, ông đã học được nghề thêu và đem nghề thêu dạy cho dân làng Quất Động, rồi sau đó phát triển rộng ra các tỉnh khác, sang cả Bắc Ninh, Hưng Yên. Để ghi nhớ công ơn, sau khi Lê Công Hành mất (năm 1661), ông được truy tặng Thượng thư, tước Quận công, nhân dân trong vùng đã lập đền thờ và tôn vinh ông là ông Tổ nghề thêu.

Nv pvk lam viec tai phong van hoa thong tin huyen Thuong Tin ve Hoi thao Le Cong Hanh min - Từ Quất Động đến Tú Thị: Từ làng lên phố, từ truyền thống đến hiện đại - Tác giả: Nhà nghiên cứu Phạm Minh QuânNhà văn Phùng Văn Khai làm việc tại phòng văn hóa thông tin huyện Thường Tín về Hội thảo Lê Công Hành. 

Nghiên cứu về làng nghề Quất Động, với công lao gây cơ tạo nghiệp không nhỏ của Lê Công Hành, do đó, cho thấy một bức tranh sâu sắc về một mối liên hệ sâu rộng và quan trọng trong lịch sử, giữa các làng nghề truyền thống và kinh đô, phản ánh nền kinh tế – xã hội đặc thù của làng xã Việt Nam, cũng như sự chuyển đổi không gian từ nông thôn tới thành thị.

Nói về nghề thêu, nước ta thời vua Hùng người Lạc Việt đã biết “mặc áo chui đầu, cài khuy bên trái, các cô gái mặc váy áo thêu”. Sử sách cũ còn ghi: Đời Trần vua quan nước ta đã dùng lọng và đồ thêu. Như vậy nghề thêu đã có ở nước ta từ rất sớm nhưng rất tiếc không được ghi chép đầy đủ. Một số tài liệu củng cố thêm rằng trước khi Lê Công Hành truyền dạy nghề thêu và làm lọng cho dân chúng, những nghề này đã tồn tại ở nước ta. Tuy nhiên, chúng phát triển nhỏ lẻ, kỹ thuật khá đơn sơ, quanh quẩn với vài màu chỉ.

Nv pvk va doan cong tac tang sach lanh dao huyen Thuong Tin truoc Hoi thao Le Cong Hanh min - Từ Quất Động đến Tú Thị: Từ làng lên phố, từ truyền thống đến hiện đại - Tác giả: Nhà nghiên cứu Phạm Minh QuânNhà văn Phùng Văn Khai và đoàn công tác tặng sách lãnh đạo huyện Thường Tín trước Hội thảo Lê Công Hành.

Tại xã Quất Động, dựa trên danh mục làng nghề Hà Nội theo cơ sở dữ liệu về làng nghề, Bộ Tài nguyên và Môi trường, có 8 làng nghề được công nhận: Làng nghề Thêu ren Quất Lâm, Làng nghề thêu ren Lưu Xá, Làng nghề Thêu ren Đô Quan, Làng nghề Thêu ren Nguyên Bì, Làng nghề Thêu ren Bì Hướng, Làng nghề Thêu ren Đức Trạch, Làng nghề Thêu ren Quất Tỉnh, Làng nghề Thêu ren Quất Động, ngoài dệt may, sợi, thêu ren là những nghề truyền thống chủ đạo từ lâu đời, ngày nay còn sản xuất đồ gỗ, mây tre đan, gốm sứ, thủy tinh, đan lát, cơ khí nhỏ.

Nghề thêu làng Quất Động được chia thành 3 loại hình chính: Thêu tranh (phong cảnh, hoa, động vật, địa danh…); thêu chân dung (Vua chúa, nhân vật lịch sử, nguyên thủ quốc gia…); thêu trang phục cung đình, phục chế trang phục… Các nghệ nhân thêu làng Quất Động đã cho ra đời rất nhiều sản phẩm đa dạng, từ các nhóm hàng truyền thống như: câu đối, nghi môn, lọng, cờ, trướng, khăn trải bàn, các loại trang phục sân khấu cổ truyền… đến các bức tranh thêu phong cảnh, thêu chân dung như: nhà sàn Bác Hồ, chùa Một Cột, chân dung lãnh tụ… Ngoài thêu, nhiều hộ còn kiêm khâu vá, đính hạt cườm, gắn sừng, ráp túi xách… trên sản phẩm thêu. Cho tới thời điểm hiện tại, sản phẩm thêu Quất Động đã có mặt tại hơn 20 nước, với những thị trường nổi tiếng như Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Anh, Pháp, Mỹ…

Nha van Phung Van Khai dung thong qua chuong trinh hoi thao ve ong to nghe theu Le Cong Hanh min - Từ Quất Động đến Tú Thị: Từ làng lên phố, từ truyền thống đến hiện đại - Tác giả: Nhà nghiên cứu Phạm Minh QuânNhà văn Phùng Văn Khai (đứng) thông qua chương trình hội thảo về ông tổ nghề thêu Lê Công Hành.

Đình Tú Thị là một trong những ngôi Đình trong Phố tiêu biểu, đánh dấu mắt xích liên kết từ làng lên phố giữa làng thêu Quất Động với đô thị Thăng Long – Kẻ Chợ. Xưa kia, cùng với dòng người hội tụ về Thăng Long làm ăn, những người thợ thủ công làng Quất Động đã di cư vào Thăng Long và đến định cư tại làng Yên Thái, vốn là đất thôn Yên Thái, tổng Tiền Túc (sau đổi là tổng Thuận Mỹ), huyện Thọ Xương, phủ Hoài Đức để sinh cơ lập nghiệp theo nghề cổ truyền do tổ tiên để lại. Tại đây, người làng Quất Động đã xây dựng một ngôi đình để thờ ông tổ nghề thêu – Lê Công Hành vào năm 1891. Đình có tên Nôm là “Đình Chợ Thêu”, tên chữ là “Tú Đình Thị” nghĩa là “Chợ đình Thợ Thêu”. Năm 2012, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ra Quyết định số 4066/QĐ-BVHTTDL ngày 24 tháng 10 năm 2012 Về việc xếp hạng di tích quốc gia di tích kiến trúc nghệ thuật đình Tú Thị, phường Hàng Hai, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội.

Lại nói thêm, những ngôi đình trong phố khi xưa vốn từng có một vị trí hết sức quan trọng trong cộng đồng người dân ở chốn Kinh kỳ xưa kia. Theo thống kê, tại khu Phố cổ hiện nay vẫn còn khoảng 60 ngôi Đình trên tổng số 112 công trình tôn giáo tín ngưỡng từng có tại đây. Khu phố cổ được hình thành từ hệ thống các bến chợ, nằm xen lẫn với các làng nông nghiệp. Theo dấu vết của những bản đồ cổ về Hà Nội, có thể thấy rất nhiều ao hồ, kênh rạch với các công trình tín ngưỡng như đình, chùa, đền cũng đã được xây dựng xung quanh đó. Ngôi đình làng trở thành một trung tâm không thể thiếu trong không gian của các cộng đồng làng nghề quần tụ với nhau trong suốt nhiều thế kỷ. Chức năng chính của các ngôi đình trong khu phố cổ là thờ thành hoàng – vị thần bảo hộ cho người dân trong khu vực. Có nhiều ngôi đình thờ chính các vị thần được tôn vinh là Thành hoàng của kinh thành Thăng Long như thần sông Tô Lịch, thần rừng Thiết Lâm…; Ngoài ra, một phần rất lớn các ngôi đình được lập nên để thờ tổ nghề của các làng nghề tứ trấn lên đất kinh thành lập nghiệp.

Đến nay, còn nhiều ngôi đình thờ tổ nghề nổi tiếng vẫn còn giữ được nguyên trạng kiến trúc như đình Hàng Quạt (thờ tổ nghề quạt), đình Lò Rèn (thờ tổ nghề rèn), đình Kim Ngân (thờ tổ nghề vàng bạc), đình Hoa Lộc Thị (thờ tổ nghề nhuộm vải), đình Hà Vĩ (thờ tổ nghề sơn), đình Tú Thị (thờ tổ nghề thêu), đình Trang Lâu (thờ tổ nghề mộc), đình Hàng Thiếc (thờ tổ nghề thiếc), đình Kiếm Hồ (thờ tổ nghề vôi), đình Phả Trúc Lâm (thờ tổ nghề da), đình Hài Tượng (thờ tổ nghề giấy), đình Nhị Khê (thờ tổ nghề tiện)… Các ngôi đình thờ tổ nghề đó đã trở thành ngôi nhà chung, nơi kết nối, hội tụ những người cùng họ tộc, quê quán, góp phần tăng thêm tính gắn kết của các mối quan hệ cộng đồng.

Do tác động của lịch sử, nên chỉ một số ít ngôi đình thực sự vẫn giữ được vẻ cổ kính xưa kia, phần lớn các ngôi đình còn lại đã bị biến đổi hình thù và công năng. Có ngôi đình chỉ còn lại một phần trên tầng hai, có ngôi đình chỉ còn lại phần hậu cung, hoặc có ngôi đình đã bị gộp chung vào không gian của đền, chùa. Tuy nhiên sau nhiều năm đầu tư tiến hành các dự án nghiên cứu trùng tu, quận Hoàn Kiếm đã cơ bản phục hồi được hình hài trạng thái của rất nhiều ngôi đình có giá trị trong khu phố cổ.

Trong dịp kỷ niệm ngày Di sản Việt nam trong tháng 11 năm 2023, dự án đã được tiếp nối thực hiện với 3 ngôi đình, đình Hà Vĩ, đình Tú Thị và đình Trung Yên. Ba ngôi Đình này sẽ được những hoạ sĩ trẻ mang những tác phẩm nghệ thuật từ tranh vẽ sơn mài, lụa, sắp đặt, nhiếp ảnh, màu nước, ký họa, collage art,…trưng bày tương tác trong không gian để kể những câu chuyện về chính các ngôi Đình, về sự độc đáo của những nghề truyền thống như nghề sơn, nghề thêu…đã mang tới những giá trị mới cho đời sống biết bao thế hệ người dân nơi đây, góp phần tạo dựng nên câu chuyên phố nghề của Hà Nội 36 phố phường.

Nha van Phung Van Khai thong qua chuong trinh hoi thao ve ong to nghe theu Le Cong Hanh min - Từ Quất Động đến Tú Thị: Từ làng lên phố, từ truyền thống đến hiện đại - Tác giả: Nhà nghiên cứu Phạm Minh QuânNhà văn Phùng Văn Khai thông qua chương trình hội thảo về ông tổ nghề thêu Lê Công Hành.

Nhân dự án Chuyện Đình trong Phố, tại Đình Tú Thị, ngôi đình thờ ông tổ nghề thêu Lê Công Hành, đã diễn ra hoạt động trình diễn thời trang áo dài và trưng bày sản phẩm, tác phẩm tranh lụa kết hợp kỹ thuật thêu tay của nghệ nhân tại khu giếng trời trong không gian đình. Ngoài ra, còn có sự kết hợp thêm một số sản phẩm thủ công mỹ nghệ thêu tay của một số thương hiệu nổi tiếng trên phố Hàng Gai. Đặc biệt, tại đây còn trưng bày tác phẩm của các nghệ sĩ kết hợp với nghệ nhân là cháu nhiều đời của ông Lê Công Hành để làm chung tác phẩm, những tác phẩm này giống như sự đối thoại mở với cả ngôi đình.

Câu hỏi “Làm thế nào để bảo tồn hiệu quả những giá trị truyền thống?” trong xã hội hiện đại hôm nay đã có nhiều hàm ý mới. Nếu chỉ đơn thuần là bảo lưu giữ gìn nguyên trạng vốn có (theo kiểu status quo), thì di sản sẽ chỉ là di sản tĩnh, bất động, kém thu hút. Muốn di sản tồn tại và tiến tới phát triển bền vững, cần phải có hơi thở của đương đại và ký thác cho thế hệ trẻ, để luôn được lưu giữ thường hằng trong tâm thức người Việt. Chuyện phát triển nghề thêu và bảo tồn di sản ở làng thêu Quất Động, hay đưa di sản truyền thống đô thị kết hợp với nghệ thuật đương đại ở đình Tú Thị, là những kinh nghiệm quý giá. Và với Lê Công Hành cũng vậy. Không chỉ tồn tại trong sách giáo khoa và di tích lịch sử, ông cần được tôn vinh hơn, lồng ghép khéo léo vào những sản phẩm văn hóa gần gũi hơn đối với giới trẻ nói riêng và công chúng nói chung.

Nhân đây, từ thực tiễn những đóng góp của danh nhân Lê Công Hành với đất nước và nhất là với nghề thêu đã trở thành một giá trị văn hóa tiêu biểu có sức ảnh hưởng sâu sắc tới đời sống xã hội của người dân trong hàng trăm năm; từ nguyện vọng của nhân dân các làng nghề đang sản xuất chuyên ngành thêu, chúng tôi mong muốn các cấp chính quyền sớm có đánh giá toàn diện và có những bước đi cụ thể về danh nhân Lê Công Hành và việc phát huy các ngành nghề cổ truyền, góp phần làm giàu bản sắc văn hóa dân tộc và nâng cao đời sống vật chất cũng như tinh thần cho người dân. Chắc chắn, khi chúng ta thực hiện tốt những điều trên, sẽ góp phần thực hiện đúng đường lối văn hóa của Đảng trong tinh thần của Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ II (ngày 24 tháng 11 năm 2021) để góp phần xây dựng một đất nước Việt Nam thịnh vượng.

Nhà nghiên cứu Phạm Minh Quân

(Phó Viện trưởng Viện Nhân học Văn hóa)

 

 

 

 

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây