Tùy bút về Nhà thơ Hữu Thỉnh – Tác giả: Nhà văn Phùng Văn Khai

Bây giờ, khi nhà thơ Hữu Thỉnh đã thôi mọi công tác quản lý được vài năm, đã có độ lùi nhất định để có cái nhìn toàn diện về ông, chúng ta mới thấy sự phong phú, sâu sắc và cũng rất bình dị của Hữu Thỉnh. Ông đã bước vào tuổi 82 (Hữu Thỉnh sinh ngày 15/2/1942). Lứa bè bạn văn chương thời ông nhiều người đã trở về với thế giới của người hiền. Nhiều lúc, tôi thấy ông trong cuộc họp, ánh mắt cứ nhìn đâu đâu như tìm bạn hữu một thời giờ thưa vắng. Ông ngồi đó, với tư cách cố vấn Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam, một chức danh có phần hư vô nhưng dường như mọi người đều cảm nhận được sự cần thiết khi ông có mặt. Dù ông ở đó, không mấy khi nói câu gì, càng không có ý kiến về các hoạt động Hội, Đoàn, mà chỉ thuần như một người anh quan sát, chăm chút cho đàn em nhỏ.

Hội Nhà văn Việt Nam đã gặp phải một số sóng gió thời “hậu Hữu Thỉnh”. Ông có lỗi trong việc này không? Trong đại hội diễn ra kỳ ông kiên quyết xin nghỉ không giới thiệu ứng cử vào chức Chủ tịch Hội, nhiều người đã làm ầm lên, có tới hàng trăm đại biểu vẫn muốn ông tiếp tục đảm đương cương vị Chủ tịch Hội Nhà văn thêm một nhiệm kỳ nữa. Bởi thế, sau khi ông nghỉ, một số sóng gió nổi lên cũng là lẽ đương nhiên.

Nhưng Hữu Thỉnh đã chọn cách ứng xử tuyệt hay. Ông luôn im lặng và mỉm cười trước những chất vấn như sóng vỗ, khi sai khi đúng khắp nơi. Tân Chủ tịch Nguyễn Quang Thiều cũng là người rất bản lĩnh, khi ông bình tĩnh xử lý tất cả những lình xình một cách nhân văn và sáng suốt.

Dường như giới nghiên cứu phê bình chưa đánh giá hết tầm vóc của Hữu Thỉnh, nhất là ở khu vực lý luận phê bình? Chỉ riêng tập tiểu luận phê bình Bến văn và những vòng sóng (Nxb Hội Nhà văn, 2020), được trao giải A của Ban Bí thư Trung ương Đảng năm 2021, đã cho thấy chiều kích lớn lao của Hữu Thỉnh ở khu vực lý luận phê bình.

Tiểu luận phê bình của Hữu Thỉnh có khi là những bài tổng kết các nhiệm kỳ hoạt động của Hội Nhà văn. Những bài đề dẫn trong các cuộc phát động thi sáng tác. Các tham luận trong hội thảo khoa học xã hội nhân văn. Những đề dẫn nhân kỷ niệm ngày sinh của các bậc lão thành cách mạng trong khu vực văn học nghệ thuật… Bởi vậy, các tiểu luận phê bình của Hữu Thỉnh chính là tổng kết các chặng đường, phân tích, đánh giá các khu vực khác nhau của nền văn học; tổng kết thành tựu và đánh giá toàn diện những đóng góp văng chương nghệ thuật của những văn nghệ sĩ lớn… Chính vì vậy, nó là một phần quan trọng của nền lý luận văn học nghệ thuật của chúng ta.

Nha tho Huu Thinh 3 min - Tùy bút về Nhà thơ Hữu Thỉnh - Tác giả: Nhà văn Phùng Văn Khai

Nhà thơ Hữu Thỉnh. 

Cũng phải nhắc một điều ở đây, từ một người lính chiến trở về sau chiến tranh, Hữu Thỉnh là người tự học một cách chăm chỉ, thần kỳ nhất. Ở một cương vị như ông, tham gia Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam từ năm 1983 khi mới 41 tuổi, đến lúc thôi chức Chủ tịch Hội năm 2020 là gần bốn mươi năm với 7 nhiệm kỳ, trong đó có 3 nhiệm kỳ ông là Chủ tịch Hội. Ông còn đảm đương một chức vụ cao hơn: Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam mà trước đó là những tên tuổi lừng lẫy, những nhà văn hóa lớn như học giả Đặng Thai Mai, nhà thơ Nguyễn Đình Thi, nhà thơ Huy Cận, nhạc sĩ Trần Hoàn, họa sĩ Vũ Giản Hương.

Có thể nói, ở cương vị làm công tác quản lý cấp cao về văn hóa, văn học nghệ thuật, nhà thơ Hữu Thỉnh đã có những đóng góp xuất sắc với độ dài thời gian đáng khâm phục. Ông chính là hiện tượng về độ dài thời gian làm công việc rất khó, đó là quản lý ở lĩnh vực văn học – nghệ thuật.

Đây cũng là thế mạnh của ông trong lĩnh vực lý luận phê bình chăng? Ở vị trí của Hữu Thỉnh, vừa phải đánh giá và quy hoạch, nhận định, định hướng, tìm ra những khung trời mới, định vị những nền tảng cổ truyền một cách thanh thoát nhất, để nền văn học nghệ thuật của chúng ta góp tiếng nói quan trọng trong bồi đắp nền văn hóa dân tộc.

Những bài tiểu luận phê bình về các tên tuổi như Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan, Vũ Trọng Phụng, Nguyên Hồng, Nguyễn Tuân, Nguyễn Huy Tưởng, Nam Cao, Tô Hoài, Tố Hữu, Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên, Nguyễn Bính, Lưu Trọng Lư, Thanh Tịnh, Thanh Châu, Ngọc Giao, Vũ Bằng, Mạnh Phú Tư, Nguyễn Đình Lạp, Bùi Hiển… đã cho thấy năng lực khái quát và sự tinh tường, nhạy bén, một chiều sâu văn hóa thăm thẳm trong các tiểu luận phê bình của Hữu Thỉnh. Để từ đó, lứa văn bút đồng thời và sau thời Hữu Thỉnh có thêm nguồn tư liệu phong phú, phong cách lý luận phê bình khoa học và mới mẻ với những con người tác phẩm đã góp phần làm nên nền văn học cách mạng.

Ở khu vực khác còn chưa được đánh giá hết của Hữu Thỉnh chính là các Điếu văn mà ông viết cho các nhà văn trong tang lễ của họ. Nhiều người còn coi đây là câu chuyện “mị dân”, “lấy phiếu”, bàn tán sau lưng ông. Điều đó quả không công bằng với ông, nhưng ông chưa bao giờ lên tiếng phân bua mà cứ lặng lẽ, cần mẫn, chắt chiu từng dòng điếu văn đích đáng nhất, nhân văn nhất, tha thiết nhất cho người quá cố. Đây cũng chính là nét đẹp vô bờ bến không phải ai cũng nhìn thấy ở nhà thơ Hữu Thỉnh.

NHa tho Huu Thinh 2 min 800x533 - Tùy bút về Nhà thơ Hữu Thỉnh - Tác giả: Nhà văn Phùng Văn KhaiNhà thơ Hữu Thỉnh.

Dường như đã có những tiểu luận, khóa luận tốt nghiệp, có khi cả những luận văn thạc sĩ đã và đang làm về khu vực Điếu văn của Hữu Thỉnh? Nếu là như vậy, cũng để người đời thêm hiểu nhà thơ Hữu Thỉnh hơn.

Nhưng Hữu Thỉnh trước tiên là một nhà thơ. Ông là một trong những nhà thơ đầu đàn của thế hệ thơ chống Mỹ với hai thể loại: thơ và trường ca. Đây chính là thế mạnh của Hữu Thỉnh. Chính vai trò nhà thơ đã bổ sung rất hữu ích cho cương vị nhà quản lý Hữu Thỉnh và sự thâm trầm, thanh thoát của nhà lý luận phê bình Hữu Thỉnh.

Chỉ có Hữu Thỉnh, trong một tiểu luận công phu ông viết có tên Một nền thơ đang chuyển đã thể hiện một cách xuất sắc, toàn diện, tường tận, khoa học, thanh thoát với con số trích dẫn lên tới trên một trăm nhà thơ. Và trong trường ca gần đây nhất, Trăng Tân Trào viết về Hồ Chủ tịch – một đề tài rất khó, thì chính nhà quản lý Hữu Thỉnh, nhà lý luận phê bình Hữu Thỉnh đã làm nền tảng một cách xuất sắc để có được trường ca Trăng Tân Trào của nhà thơ Hữu Thỉnh khi ông đã vào ngưỡng U80.

Nha van Phung Van Khai va Nha tho Huu Thinh min - Tùy bút về Nhà thơ Hữu Thỉnh - Tác giả: Nhà văn Phùng Văn KhaiNhà thơ Hữu Thỉnh (thứ 2 từ phải sang) và nhà văn Phùng Văn Khai (mặc quân phục).

Đối với thơ Hữu Thỉnh, tôi cũng là loại thuộc nhiều. Thơ chiến tranh của ông, tôi thích nhất câu thơ: Không có sách chúng tôi làm ra sách/ Chúng tôi làm thơ ghi lấy cuộc đời mình. Câu thơ ấy cùng với câu thơ: Cây cúc đắng quên lòng mình đang đắng/ Trổ hoa vàng dọc suối để ong bay của nhà thơ Phạm Tiến Duật đã cho tôi sự trưởng thành hơn, biết hy sinh hơn, chừng mực hơn từ những hy sinh của bậc cha chú mình trong cuộc sống hết sức sôi động và phức tạp hôm nay.

Thơ Hữu Thỉnh đã quá nhiều người phân tích. Xin trích ra vài câu thơ ông viết về thời cuộc gần đây: Anh cứ tưởng sau chiến tranh thì toàn là hạnh phúc/ Chúng ta đã từng vò võ đợi nhau/ Nhưng không phải em ơi, cuốc kêu không phải thế (Nghe tiếng cuốc kêu).

Thơ Hữu Thỉnh đã khác đi chăng? Không phải như trước chăng? Không! Thơ Hữu Thỉnh vẫn luôn nhất quán một mạch từ đầu, chỉ có điều, nó thẳm sâu hơn, con người hơn: Ta đâu có đề phòng từ phía những người yêu/ Cây đổ về nơi không có vết rìu/ Ôi hoa tặng, chiều nay ai giẫm nát/ Mưa dập vỡ trên đường em trở gót (Tự thú); Cõi thiện xa xăm câu kinh vượt dốc/ Mây vừa đi vừa ngoái lại trông người (Ngẫu cảm); Kẻ phản phúc vừa lau tay sạch sẽ/ Cười xúng xính trong bộ cánh thớ lợ (Bất hạnh)…

Tôi rất thích một câu thơ của Hữu Thỉnh, đó là câu Nước lã đổ đi nước lã lại đem thờ, mặc dù chắc gì đã hiểu hết chiều sâu của nó? Nhưng những câu thơ như thế, rất có ích với mỗi cuộc đời văn chương chữ nghĩa dài đằng đẵng kiếp người. Hãy cứ nhìn vào sức lao động, cống hiến, vượt mọi thách thức trùng điệp của Hữu Thỉnh, mới thấy cuộc đời ông bình dị và lẫm liệt biết bao nhiêu.

Tôi còn nhớ cách đây gần hai năm, buổi tối ngày 8 tháng 5 năm 2022, hàng trăm văn nghệ sĩ đã vô cùng xúc động khi tới dự buổi Lễ trao tặng Huân chương Độc lập Hạng Nhì của Chủ tịch nước cho nhà thơ Hữu Thỉnh tại Nhà hát lớn Hà Nội. Hình ảnh Hữu Thỉnh đứng trang nghiêm trên sân khấu, nghe lời tuyên đọc văn bản trao tặng Huân chương thật xiết bao xúc động. Tôi như thấy ông đứng trước tầng tầng liệt sĩ, đồng đội ông đã nối nhau ngã xuống trong dằng dặc mấy cuộc chiến tranh. Hữu Thỉnh lặng yên, phăng phắc và lồng lộng như một tượng đài trên sân khấu. Ngay cả khi Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tiến tới trao tặng Huân chương và bó hoa tươi thắm, Hữu Thỉnh vẫn dường như còn chưa tỉnh hẳn. Ông mỉm cười đấy mà ánh mắt như ở một cõi khác, cõi của các liệt sĩ, nhất là các liệt sĩ khuyết danh.

Bên dưới sân khấu là những bậc trưởng lão của làng văn cũng là đồng đội của Hữu Thỉnh, là những lứa văn nghệ sĩ kế cận kề vai sát cánh với ông cũng như trân trọng sự thiêng liêng của thi ca, của trái tim nồng hậu từ lứa nhà thơ chống Mỹ mà Hữu Thỉnh là một trong những đỉnh cao, người dẫn dắt cho tới hôm nay.

Chương trình nghệ thuật đặc biệt chúc mừng và tôn vinh Hữu Thỉnh cũng bình dị và sâu sắc như chính cuộc đời ông. Chúng tôi đến sớm, cũng là để học tập cách thức tổ chức một sự kiện và đã thật kinh ngạc, trầm trồ trước sự chí nghĩa chí tình, thơm thảo đến tận cùng từ lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các ban, ngành, giới văn nghệ sĩ và nhất là các văn nghệ sĩ trẻ, một số còn là sao trong showbiz như Tự Long, Xuân Bắc, Đàm Vĩnh Hưng, Lan Anh, Lê Anh Dũng… đã thể hiện hết mình những diễn ngôn nghệ thuật từ thơ ca của Hữu Thỉnh.

Chứng kiến buổi Lễ trao tặng Huân chương Độc lập Hạng Nhì của Hữu Thỉnh, mọi người càng thấu tỏ trái tim và cuộc đời nghệ sĩ của ông. Xưa nay, người đời đã không ít lần trách Hữu Thỉnh chuyện này chuyện khác, thực ra là những chuyện cơm áo gạo tiền đã vít chúng ta xuống thấp hơn chính bản thân mình. Rồi bỗng đâu có vật chất, có địa vị và tiền bạc, lại cũng không ít người quay ra trách Hữu Thỉnh, kì kèo, xin xỏ những thứ không phải của mình, nhưng Hữu Thỉnh chỉ cười hiền và nói “Tuyệt, tuyệt”. Còn tuyệt, tuyệt cái gì, thiên hạ hãy tự hiểu chứ một người thông thái như Hữu Thỉnh sao lại phải lần lượt trả lời những sự thường để lại gây thêm những phiền phức khác?

NHa tho Huu Thinh va nha tho Bui Xuan min - Tùy bút về Nhà thơ Hữu Thỉnh - Tác giả: Nhà văn Phùng Văn KhaiNhà thơ Hữu Thỉnh (bìa trái) và nhà thơ Bùi Xuân.

Chúng ta đã quá quen thuộc với thi ca và cuộc đời Hữu Thỉnh. Bạn văn chương nhiều thế hệ lúc trầm tư một mình cũng như lúc trà dư tửu hậu, ai cũng tự hào đã quen biết, vừa trò chuyện, vừa bàn soạn, thậm chí vừa trách cứ chuyện gì đó với Hữu Thỉnh. Hữu Thỉnh luôn nói “Tuyệt, tuyệt” về bất cứ ai, về bất cứ chuyện gì. Ông càng tuyệt nhiên không bao giờ tỏ ý trách cứ người đã “chế tạo” những giai thoại, trong đó có không ít là ác ý về ông.

Nhà thơ Hữu Thỉnh sinh năm 1942 tại Tam Dương – Vĩnh Phúc. Ông đã có hàng chục năm đảm đương cương vị Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Chủ tịch Liên hiệp các hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, Đại biểu Quốc hội các khóa X và XI, với những đóng góp đặc biệt xuất sắc về văn học nghệ thuật và cũng là người dẫn dắt hết sức tài tình và khéo léo trong từng chặng đường trưởng thành của Hội Nhà văn Việt Nam – một hội nghề nghiệp luôn ăm ắp những sóng to gió cả nhưng cũng đầy cảm xúc và có những đóng góp lớn trong thời đại chúng ta đang sống.

Nhà thơ Hữu Thỉnh đã in khoảng trên 20 tập thơ, trường ca, tiểu luận phê bình văn học và được trao tặng các Giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam; Giải thưởng văn học ASEAN; Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật. Ông là một người lính chiến – nhà thơ thực thụ luôn có mặt ở những khu vực nóng bỏng nhất không chỉ trong chiến tranh mà còn trong cả thời bình. Chương trình tôn vinh ông trong Lễ đón nhận Huân chương Độc lập Hạng Nhì có tên Sức bền của Đất đã phần nào khái quát về cuộc đời và sự nghiệp của ông. Ai trong số chúng ta chẳng thuộc ít nhiều thơ Hữu Thỉnh? Còn luôn nhẩm hát khúc khải hoàn: Năm anh em mỗi đứa một quê/ Đã lên xe là cùng một hướng/ Nổ máy lên ta một dạ xung phong/ Trước quân thù chỉ biết có tiến công… (Năm anh em trên một chiếc xe tăng) hoặc như tuyên ngôn bình dị mà sâu sắc: Gió không phải là roi mà đá núi phải mòn/ Em không phải là chiều mà nhuộm anh đến tím (Thơ viết ở biển).

Nhắc tới nhà thơ Hữu Thỉnh, chúng ta thấy ngay sự gánh vác và tận tâm, tận tụy của lứa nhà thơ chống Mỹ tới hôm nay với thi ca, với dân tộc. Lứa các ông như những bóng cây xòe tán vừa hứng bão táp phong ba vừa trao truyền nguồn xanh mát cho đời. Lại có lúc, thế hệ các ông, điển hình là Hữu Thỉnh, giống như cây bàng góc phố quanh năm chắn trời mà thấu tận cùng chìm nổi thịnh suy cơ hàn gân cốt riêng một mình ngẫm nghĩ cao xanh. Trong cuộc sống, không dễ gì tìm được sự bằng lòng. Trong thơ ca càng như vậy. Càng chẳng dễ dàng đâu tìm được một sự bằng lòng, nhất là của công chúng, nhất là của nhân dân cần lao đang đòi hỏi sự sáng suốt của chúng ta, sự hữu ích của thi ca với những khốn khó trăm bề, trước những sự tha hóa đến tận cùng của đời sống kim tiền vây bủa. Hữu Thỉnh đã từng chặng, từng chặng trả lời xuất sắc câu hỏi thơ ca phải làm gì? Phải có trách nhiệm ra sao trong đời sống của nhân dân. Hữu Thỉnh không né tránh những ngặt nghèo, đã đương đầu với giả dối và ti tiện bằng bản lĩnh và sâu sắc của thơ ông, của đời ông. Chính sự thong thả và bát ngát của thi ca đã giữ cân bằng cho cuộc đời Hữu Thỉnh, để có những câu thơ thanh thoát đến dị thường: Bỗng nhận ra hương ổi/ Phả vào trong gió se/ Sương chùng chình qua ngõ/ Hình như thu đã về/ Sông được lúc dềnh dàng/ Chim bắt đầu vội vã/ Có đám mây mùa hạ/ Vắt nửa mình sang thu (Sang thu). Đi suốt cả ngày thu/ vẫn chưa về tới ngõ/ dùng dằng hoa quan họ/ nở tím bên sông Thương… Nước vẫn nước đôi dòng/ chiều vẫn chiều lưỡi hái/ những gì sông muốn nói/ cánh buồm đang hát lên (Chiều sông Thương).

Cá nhân tôi có vô vàn kỉ niệm với nhà thơ Hữu Thỉnh. Tôi cũng đã học được không ít nết đất nết người từ toàn bộ đời sống và tác phẩm của ông. Một lần, gần đây thôi, trong buổi ra mắt sách của nhà văn Thiếu tướng Nguyễn Chí Trung, người mà Hữu Thỉnh rất kính trọng và luôn dành nhiều thời gian, tâm huyết với ông anh cấp tướng. Cuốn sách tôi tham gia biên soạn và tổ chức thực hiện rất được giới văn bút khen ngợi, trong đó có Chủ tịch Hội Nhà văn khi đó là Hữu Thỉnh. Hôm đó, tôi đã phát biểu bằng tất cả tâm huyết và nhận thức của mình về văn học, về chiến tranh, và nhất là về lứa nhà văn đi trước. Chẳng hiểu Hữu Thỉnh tai nghe thế nào, ông đột ngột kết luận tôi phát biểu như thế là… phản động, là sai lệch với máu xương của người chiến sĩ ta, nhân dân ta; là dễ bị mắc bẫy luận điệu của một số người muốn lật lại lịch sử… Mọi người ở đó sững sờ. Tôi vừa ấm ức vừa bàng hoàng, song đã bình tĩnh không nói lại. Lập tức, các nhà văn Nguyễn Trí Huân, Trần Đăng Khoa, Nguyễn Quang Thiều, Khuất Quang Thụy… và nhất là đại diện gia đình nhà văn Nguyễn Chí Trung đã thông cảm, động viên tôi và đính chính với Hữu Thỉnh. Đương nhiên, mọi chuyện mau chóng hướng về phía nhân văn và đúng đắn. Thật may tôi đã không cự cãi ngay ở đó. Hữu Thỉnh là như vậy. Hữu Thỉnh chính là Hữu Thỉnh, luôn cởi mở dễ dàng và lúc cần gay gắt sát sạt, đều một mực vì văn học, vì thế hệ trẻ.

Những kỷ niệm như thế, thật nhớ đến suốt đời.

Nhà thơ Hữu Thỉnh, cả trong những lúc thấy ông hôm nay lơ mơ trong cuộc họp, mỉm cười và im lặng, đôi lúc nhìn đâu đó quá đỗi xa xăm, tôi bỗng thấy sự nghèo nàn, cạn cợt của chính mình, của lứa chúng tôi, dẫu vật chất đủ đầy, thừa thãi, cuộc sống thanh nhàn, chức tước xum xuê, sách ra tới tấp, thì cũng còn cách Hữu Thỉnh và lứa văn bút các ông một khoảng xa vời vợi.

Vừa trong mơ cùng tôi/ Cây ra đường đã bụi/ Vừa dào dạt cùng tôi/ Biển đã thành sương khói… Ôi! Những câu thơ của Hữu Thỉnh, dù trước đó mấy chục năm hoặc mới tinh sương thơm mùi mực hôm qua đã là ở một đai đẳng rất khác, phải là một trí tuệ rộng dài, sâu sắc, và một tấm lòng bao dung biển cả mới mong có được.

Lứa văn bút thế hệ chúng tôi, chắc hẳn còn lâu lắm mới hiểu hết về nhà thơ Hữu Thỉnh!

 

 

 

 

 

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây