Vài nhận xét về lễ hội cung đình triều Nguyễn – Tác giả: Lê Văn Thuyên

Tin Xuân - Câu lạc bộ Văn học nghệ thuật Liên Chiểu thành phố Đà Nẵng

Lễ hội cung đình ở Việt Nam bắt đầu có từ thời Lý, quan trọng nhất là lễ tế Giao. Tuy vậy không phải triều đại quân chủ nào ở nước ta cũng có tế Giao. Một triều đại văn hưng võ thịnh như triều Trần, suốt 180 năm không có tế Giao. Điều đó cho thấy rằng không phải các triều đại phong kiến Trung Quốc tổ chức lễ nghi gì thì các vua chúa Việt Nam cũng làm theo như thế. Tất nhiên, văn hóa Việt Nam nói chung, lễ hội nói riêng có chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung Quốc nhưng cái gốc của văn hóa Việt Nam đã có từ lâu đời, đó chính là tâm hồn, tình cảm, trí tuệ của dân tộc Việt Nam được thể hiện sâu sắc trong tất cả các sinh hoạt văn hóa của người Việt, bất luận là văn hóa dân gian hay văn hóa cung đình. Văn hóa Việt Nam dưới thời Nguyễn cũng vậy.

Về lễ hội, các vua Nguyễn tổ chức nhiều lễ hội cung đình nhất, đặc biệt là dưới các triều Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức. Tính chất phong phú về loại hình lễ hội, cách thức tổ chức hết sức long trọng với đầy đủ các nghi tiết, các đại lễ đều do nhà vua đích thân làm chủ lễ… là những đặc đIểm “ngoại hàm” của lễ hội cung đình triều Nguyễn. Song để hiểu sâu hơn các “lớp” nghĩa văn hóa của những lễ hội ấy thì không thể “cưỡi ngựa xem… hội” mà đòi hỏi một công trình nghiên cứu công phu, nghiêm túc. Ở đây, bước đầu chỉ xin nêu một vài nhận xét về lễ hội cung đình triều Nguyễn, nhìn từ góc độ văn hóa – lịch sử:

1. Một nhu cầu tâm linh vừa có tính chất tín ngưỡng thần quyền, vừa tôn vinh vương quyền

Nếu hiểu nhu cầu tâm linh là toàn bộ khát vọng của con người muốn vượt lên khỏi thế giới hiện thực để được thăng hoa về tâm hồn, tình cảm thì việc con người đối với lễ hội là một nhu cầu chính đáng, đặc biệt trong các lễ hội dân gian thể hiện rất rõ điều đó. Ở đây sự đồng cảm, cộng cảm giữa thế giới hiện thực phi hiện thực được chấp nhận như một ước lệ của cộng đồng. Sợi dây giao cảm nói liền giữa hai thế giới ấy, trong lễ hội, là đức tin, đôi khi được con người tuyệt đối hóa, trở thành tín ngưỡng (như tín ngưỡng dân gian chẳng hạn). Nói như nhà nghiên cứu văn hóa Ngô Đức Thịnh “…phải luôn luôn nhớ rằng lễ hội thuộc phạm trù cái thiêng, cái biểu tượng, vượt lên trên thế giới trần tục, hiện tại, nếu biến lễ hội thành cái trần tục thì lễ hội với đúng nghĩa của nó không còn nữa”. (Xem tài liệu tham khảo I). Biểu tượng của “cái thiêng” ấy chính là “thần linh”. Thế nên, suy cho cùng, yếu tố tín ngưỡng trong lễ hội là tín ngưỡng thần quyền. Tuy nhiên, cũng cần thấy rằng nhà vua vừa tin vào quyền năng của thần linh, đồng thời cũng tự cho mình cái quyền được sai bảo các thần vì vua là con trời (Thiên tử), cho nên vua thường ban sắc phong thần. Vì vậy lễ hội cung đình còn bao hàm cả ý nghĩa thể hiện sự tôn vinh vương quyền.

2. Nặng phần lễ, nhẹ phần hội

Xét về tổng thể, với tư cách là một sinh hoạt văn hóa – một khái niệm văn hóa hoàn chỉnh thì không nhất thiết phải phân chia tách bạch lễ hội ra thành hai phần lễ và hội. Mối quan hệ giữa lễ và hội là mối quan hệ nhất thể hữu cơ tạo thành một chỉnh thể. Không có hội nào lại bắt đầu từ lễ và lễ thường đi kèm với hội. Song vì lễ hội diễn ra trong quá trình vận động và phát triển của cuộc sống nên lễ hội không phải là một khái niệm bất biến; nó luôn luôn được điều chỉnh, bổ sung những giá trị văn hóa qua từng thời kỳ lịch sử. Cho nên cách tổ chức lễ hội ngày xưa khác với ngày nay, lễ hội thời quân chủ khác với lễ hội hiện đại, lễ hội dân gian khác với lễ hội cung đình.

Vai nhan xet ve le hoi cung dinh trieu Nguyen min - Vài nhận xét về lễ hội cung đình triều Nguyễn - Tác giả: Lê Văn ThuyênLễ tế Đàn Nam Giao năm 1924 – cảnh đoàn rước lễ trở về kinh thành Huế.

Nguyên nhân quan trọng tạo nên sự khác nhau ấy nằm trong mối quan hệ giữa hai thành tố LỄ và HỘI. Hầu hết các lễ hội cung đình triều Nguyễn (và những triều đại trước đó) đều nặng về phần lễ. Điều đó cũng dễ hiểu, vì theo Nho giáo, lễ là “trật tự của Trời” (Lễ giả, thiên chi tự – Kinh Lễ) (xem TLTK II). Vua là người thay Trời để điều hành cái trật tự ấy nên phải lấy lễ làm gốc. Dù biện giải thế nào thì đó cũng là một thực tế trong các lễ hội cung đình thời Nguyễn làm hạn chế sự tham gia của con người vào các lễ hội vốn là một nhu cầu hết sức hấp dẫn đối với cộng đồng.

3. Tính nhân văn trong lễ hội cung đình triều Nguyễn

Một trong những giá trị văn hóa đáng trân trọng trong lễ hội cung đình triều Nguyễn là tính nhân văn được thể hiện qua mục đích, ý nghĩa của việc tiến hành các lễ hội. Việc tổ chức tế lễ để cầu cho quốc thái dân an, phong điều vũ thuận là công việc các vua thường làm hằng năm. Các đại lễ do đích thân nhà vua đứng chủ lễ như tế Giao, tế Xã Tắc, lễ Tịch điền… đều hàm chứa những giá trị nhân văn sâu sắc. Việc triều đình tổ chức trọng thể lễ tế các vua triều đại trước như tế đền vua Đinh Tiên Hoàng (Ninh Bình), miếu Lịch Đại Đế Vương

(Kinh đô Huế)… thể hiện sự trọng thị và biết ơn đối với các triều đại đã qua. Đối với các giá trị văn hóa truyền thống như Tết Nguyên đán, thờ cúng tế lễ ông bà tổ tiên, tưởng niệm các bậc tiền bối có công với nước… được triều Nguyễn coi trọng. Nhằm tôn vinh việc học và để tuyển chọn được người có tài ra giúp nước, triều đình đặt ra lễ Truyền lô… Tất cả những nét tích cực ấy là phần cốt lõi tạo nên những giá trị nhân văn trong lễ hội cung đình thời Nguyễn.

Nhìn tổng thể, lễ hội cung đình thời Nguyễn là bước tiếp thu và phát huy một cách phong phú, đa dạng hơn lễ hội cung đình của các triều đại trước đó. Loại trừ những phần hạn chế do thời đại và hệ tư tưởng phong kiến sang một bên, lễ hội cung đình triều Nguyễn với những giá trị văn hóa tích cực của nó đã góp phần làm giàu thêm cho văn hóa dân tộc, là một bộ phận không thể thiếu của di sản văn hóa nhân loại. Ảnh hưởng của lễ hội cung đình triều Nguyễn đối với hoạt động lễ hội của nhiều địa phương trên cả nước đến nay vẫn còn rõ nét, chẳng hạn một số lễ hội cổ truyền ở miền Bắc, đã có người nhận xét: “Tế là nghi thức tưởng niệm, tôn vinh thần linh với ngôn ngữ, ăn mặc và điệu bộ mô phỏng phong cách cung đình Huế thế kỷ XVIII – XIX. Đã có lúc người ta bàn tới việc có nên duy trì nghi thức tế mang đậm tính cung đình phong kiến này nữa không. Nếu xóa bỏ nó thì thay bằng cái gì để nó có thể biểu hiện được sự tôn vinh của cộng đồng đối với thần linh và ước vọng được thần linh che chở, phù hộ độ trì” (xem TLTK I). Có lẽ đó vẫn còn là một vấn đề cần được tiếp tục nghiên cứu hết sức nghiêm túc không chỉ đối với các chuyên gia về lễ hội, mà còn là trách nhiệm của những ai có quan tâm đến lĩnh vực này, đặc biệt là muốn phục dựng một số lễ hội quan trọng để phục vụ nhu cầu phát triển văn hóa hiện nay.

L.V.T

—————-

Tài liệu tham khảo:

I. Ngô Đức Thịnh, “Mấy nhận thức về lễ hội cổ truyền”, tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, số 14,

II. Hữu Ngọc (chủ biên), “Từ điển văn hóa cổ truyền Việt Nam”, NXB Thế Giới, Hà Nội,

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây