Những tiếng leng keng – Tùy bút Trần Thiên Hương

Tin Xuân - Câu lạc bộ Văn học nghệ thuật Liên Chiểu thành phố Đà Nẵng

Leng keng leng keng leng keng…

– Kẹo kéo! Kẹo kéo chú ơi!

Vẫn là chú ấy với chiếc xe đạp cà tàng. Vẫn tiếng leng keng quen thuộc. Chú bán kẹo kéo nghe tiếng gọi liền dừng trước cổng nhà tôi.

– Chú bán cho con hai cây đi. À bốn cây luôn ạ!

Chú hất chiếc mũ lưỡi trai lên nhìn tôi cười và lấy gói kẹo ra…kéo. Như một thói quen, mỗi lần chú đi ngang ngõ là tôi hay gọi để mua vài cây, tôi không hảo ngọt nhưng vẫn mua, đơn giản vì tôi thương quý con người ấy.

– Ở quê mình còn mấy người bán kẹo như chú nữa ạ?

– Còn có hai người chứ mấy

– Dạ, bây giờ nhiều thứ quà vặt, người ta ít ăn kẹo kéo chú ạ.

-Ừ. Ngày xưa gia đình tui sáu bảy người đều sống nhờ nghề này đó. Giờ thì bán làm vui, giữ lấy nghề là chính.

Chú lại nhìn tôi cười, nụ cười không mấy tươi vui. Tôi biết chứ. Con cái chú không ai theo nghề cha, họ đi làm ăn xa cả, chẳng mấy khi về quê.

– Tết năm nay các anh chị có về quê không chú?

– Có thằng lớn về, còn thì ở lại trong nớ chứ mấy năm ni dịch dã nên làm ăn thua lỗ, tiền bạc cũng eo hẹp lắm con.

– Dạ, tình hình chung mà chú.

– Ừ. Nhưng người ta có của ăn của để dư dả thì răng cũng được, còn mấy đứa nhà tui thì rứa đó. Trông đến Tết để sum vầy,   thăm    quê cha đất tổ, thắp cho ông bà cây hương mà sao khó quá chừng…

Chú vừa nói vừa chìa mấy cây kẹo cho tôi. Chạnh lòng, tôi thấy cay cay nơi sống mũi…

– Thôi tui đi

– Dạ. Con chào chú, chúc chú bán đắt về sớm ạ.

– Cảm ơn

Cầm cây kẹo trên tay tôi nôn nao nhớ về thời thơ ấu của mình. Ngày xưa khi còn nhỏ tôi ở gần một gia đình làm nghề kẹo kéo. Mỗi khi đi học về tôi hay chạy sang xem họ làm. Nồi nước đường sóng sánh trên bếp chờ cho nguội rồi đổ ra khay. Thú vị nhất là thao tác kéo đường. Giống như một nghệ sỹ xiếc đang biểu diễn, chú ấy kéo khay đường cho thật dài ra rồi làm động tác xoay người điệu nghệ vắt sợi dây đường lên xà ngang nhà rồi lại kéo tiếp, rồi gập sợi đường lại, rồi lại xoay người kéo vắt lên xà nhà… Mồ hôi lấm tấm trên trán, rồi thánh thót rơi thành từng giọt xuống nền đất. Cái áo bạc màu ướt đẫm lưng. Chỗ chú đứng để kéo sợi đường lâu ngày đã trở nên trơn nhẵn. Cái xà cũng lên nước sáng bóng như bôi dầu. Cứ mải miết như thế cho đến khi sợi đường chuyển dần từ trắng trong sang màu trắng vôi và rất dẻo, lại đem cán mỏng ra rồi cho đậu phụng rang vào cuốn lại. Xem đến đây thì không thể nào cưỡng lại được mùi vị thơm lừng ngọt bùi béo ngậy của kẹo, nước miếng ứa ra, và thế nào cũng chạy về xin tiền mẹ sang mua…

Ngày xưa đã có một thế hệ lớn lên nhờ những thanh kẹo ấy. Những đồng tiền khó nhọc chắt chiu từ mồ hôi nước mắt của mẹ cha nuôi con ăn học. Nhiều người thành đạt vững bước trên những con đường thênh thang. Nhưng không ít người vẫn lận đận long đong bươn chải, bởi đó là cuộc đời, là số phận. Dẫu sao cũng không thể phủ nhận một điều rằng chính những giọt mồ hôi thấm đất đã ươm mầm cho những ước mơ, nuôi lớn tâm hồn và dáng vóc mỗi người. Và tuổi thơ của thế hệ chúng tôi đã gắn bó với những thanh kẹo ngọt bùi thuở ấy…

Có cả cuộc đời rồi bỗng nhớ

Những đoạn đường xa lắc tuổi thơ đi…” (*)

Tuổi thơ chúng tôi đã đi cùng những tiếng rao quen thuộc “Cà rem cây đây”, “kẹo kéo đây”…Cái thời nghe tiếng rao ngoài ngõ là cả mấy chị em rộn ràng gọi nhau í ới chạy ra mua. Nhiều khi chỉ đủ tiền mua một hai cây rồi ba bốn chị em cùng xúm xít lại ăn chung, cùng nhau mút cà rem kẹo kéo vô tư mà chẳng bao giờ nghĩ rằng như thế là “không hợp vệ sinh”…

Tôi biết có thằng bạn đầu trần chân đất bên nhà, suốt ngày chạy theo ông bán kẹo chỉ để nhìn ông kéo từng thanh kẹo trắng ngà, xong lại nhìn sang những đứa trẻ khác mút kẹo bằng cặp mắt hau háu thèm thuồng, để rồi nuốt nước miếng ừng ực, nuốt cả sự thèm khát và tủi phận vào lòng.

Ba chị em nhà nọ nghe tiếng leng keng đầu ngõ đã vội chạy quanh nhà tìm sắt, nhựa, ve chai… để đổi kẹo. Nhưng những thứ quý giá ấy không phải khi nào cũng sẵn, mà tiếng leng keng thì vẫn lanh lảnh thúc giục ngoài kia. Thôi thì:

– Chú ơi, đổi cho con đi chú! Hai em nhìn chị ngơ ngác…

Chị cúi xuống ngần ngừ vài giây rồi cầm đôi dép nhựa đang mang dưới chân lên, cắn môi cố bứt cho đứt quai… Rồi vội vã chạy ra…

Cầm ba thanh kẹo chia nhau mà lòng chị cảm thấy bùi ngùi…

Ôi cái vị ngọt bùi của kẹo kéo ngày xưa đến giờ vẫn khiến tôi cảm thấy rưng rưng… Những thanh kẹo và hình ảnh những người làm ra nó ám ảnh tôi mỗi khi ngược dòng ký ức. Có lẽ tôi nợ ân tình với họ, với cả những người tôi gặp gỡ trong cuộc đời này nên suốt đời luôn áy náy vì thấy mình quá bé nhỏ, chẳng đủ sức làm được điều gì lớn lao để trả nghĩa cho đời.

Mùa Xuân đang về trên từng ngõ nhỏ, nắng Xuân nhuộm thắm muôn hoa, lòng người cũng phơi phới rộn ràng… Nhưng không hiểu sao, tôi vẫn thấy đắng lòng và tiếc nuối khi nghĩ về một thuở xa xôi, những tiếng leng keng và cuộc đời của “những người bao năm cũ”  ấy có thể nào ta còn gặp lại trong cuộc đời này? Ngày mai, ngày kia… những tiếng leng keng ấy biết có còn văng vẳng trên những nẻo đường quen?

T.T.H
     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây