Văn học trong nhà trường: Tư tưởng lý luận văn học Trung đại Việt Nam – Tác giả: PGS.TS Đoàn Lê Giang

Do văn học Trung đại Việt Nam chia ra 3 thời kỳ nên mỗi thời kỳ có những ý thức văn học hoàn toàn khác biệt. Điều này đã ảnh hưởng và quyết định đến tư tưởng lý luận văn học của mỗi giai đoạn.

Mot tiet hoc ngu van o bac THPT min - Văn học trong nhà trường: Tư tưởng lý luận văn học Trung đại Việt Nam - Tác giả: PGS.TS Đoàn Lê GiangMột tiết học ngữ văn ở bậc THPT. Ảnh: Anh Khôi

Nhiều tác phẩm ra đời ở giai đoạn sơ kỳ lấy văn học làm phương tiện để tìm sự cảm thông giữa con người và thần linh. Có lẽ đây là một quan niệm cổ xưa nhất về văn học. Văn học, theo quan niệm ấy, có loại đi ra từ nguồn gốc thần thánh. Có khi đó là “sách trời” (Tiệt nhiên định phận tại thiên thư), có khilà sự mách bảo của thần linh, như trường hợp bài Nam quốc sơn hà chẳng hạn. Trước mắt quân dân Đại Việt ở hữu ngạn sông Như Nguyệt thời ấy, bài thơ ấy không phải là tác phẩm văn học hiểu theo nghĩa thông thường, không phải của con người mà là của thần thánh.

Để xây dựng và bảo vệ đất nước, các trí thức Đại Việt đã ý thức rất rõ về tầm quan trọng của văn; họ ra sức xây dựng nền văn chương học thuật riêng. Đây là thời thịnh hành thể loại bi ký như: Văn bia chùa Linh Xứng, Văn bia chùa Sùng Nghiêm Diên Thánh… Văn chương có giá trị lớn lao cần thiết phải dùng vào công cuộc giữ nước và xây dựng đất nước. Quan niệm này còn được thể hiện rất rõ trong thực tế lịch sử thời Lý Trần mà tiêu biểu là bài thơ Thần của Lý Thường Kiệt, Hịch tướng sĩ của Trần Quốc Tuấn. Văn chương thời kỳ đầu Trung đại là biểu hiện của cái đẹp, là tinh hoa của con người. Khuynh hướng chung là hướng về cái đẹp có tính chất cao quý, linh thiêng và siêu phàm

Sang giai đoạn trung kỳ Trung đại, văn học rẽ hướng chịu ảnh hưởng sâu sắc ý thức văn học nho giáo. Đây là giai đoạn nở rộ các công trình sưu tập, chỉnh lý thơ văn và các thi văn tập. Bên cạnh những tác phẩm có lời bình ngắn đã xuất hiện các tác phẩm nghiên cứu phê bình quy mô hơn. Ý thức văn học giai đoạn này nổi lên 3 vấn đề lớn: Văn học phải gắn bó với vận mệnh của đất nước và nhân dân; Văn học là phương tiện thể hiện chí, tâm, đạo của kẻ sĩ quân tử; Đề cao hứng, thần và vẻ đẹp cao, cổ, hùng, đạm, nhã, hậu.

Cụ thể hơn, ý thức văn học của nhà nho chính thống hậu kỳ Trung đại không thể chỉ đơn giản là “Văn dĩ tải đạo” mặc dù đạo là vấn đề lớn nhất trong mối quan tâm của nhà nho. Khái niệm đạo này lại thiên về đạo đức và coi học vấn là cái gốc. Họ nhấn mạnh ý nghĩa giáo dục – giáo hóa của văn chương. Văn học của các nhà nho so với văn học của tăng sĩ đã có một bước tiến đáng kể về mặt phản ánh hiện thực. Các tác phẩm chú trọng đề cao tính hiện thực trong sáng tác văn học. Chúng ta bắt gặp khá nhiều cảnh hạn hán, lụt lội, mất mùa đến cả con cua, con cò, hoa xoan, le vịt… trong thơ Trần Nguyên Đán, Nguyễn Phi Khanh, Nguyễn Trung Ngạn, Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm… Nhưng hiện thực bề bộn về sự cùng khổ của dân chúng thông qua số phận của từng con người thì phải đợi đến Nguyễn Du, Lê Hữu Trác, Ngô gia văn phái, Cao Bá Quát… mới đậm đặc hơn.

Thực tế đã chứng minh, văn chương nghệ thuật là lĩnh vực của cái riêng, của “cái tôi” hơn tất cả các lĩnh vực sáng tạo tinh thần khác. Cá tính sáng tạo trước hết thuộc phạm trù chất lượng của văn chương. Ngay từ thời xa xưa, văn chương đã mang đậm màu sắc cá nhân. Vì vậy con người cá nhân ở đây rất khác với vấn đề con người và cá tính trong sáng tác văn học từ trung kỳ Trung đại trở về trước. Trong sáng tác văn học, họ đề cao tài, tình và cá tính. Điều này rất khác với nhà nho chính thống chỉ thiên đề cao chí, tâm, đạo. Lúc bấy giờ chí, tâm, đạo là vấn đề của con người phận vị, còn tài, tình và cá tính là vấn đề của con người cá nhân. Bên cạnh đó thì việc đề cao nghệ thuật tài tử cũng là một “điểm nhấn” trong ý thức văn học của nhà nho tài tử. Trước hết người tài tử quan niệm tài không chỉ là tài kinh bang tế thế mà là phải tài hoa, tình không chỉ là những tình cảm nằm trong ngũ luân mà còn là sự nhạy cảm đa tình và đặc biệt là ngợi ca tình yêu nam nữ. Không những thế, giai nhân lý tưởng cũng phải là người đa tình và tài hoa. Đó là nét nhận dạng dễ thấy giữa họ với nhà nho chính thống.

Khác với quan niệm của nhà nho trước đó, các nhà nho tài tử hậu kỳ Trung đại lại tìm mọi cách để bênh vực, cổ xúy và đề cao thơ chữ nôm, truyện thơ và ca dao dân ca. Bằng mọi cách họ đã ra sức bảo vệ tiểu thuyết và văn chương tiếng Việt. Nhiều ý kiến đã chứng minh được rằng tiểu thuyết – truyện thơ nôm cũng mang nội dung đạo đức. Tuy nhiên cách thức này chưa thật sự mới mẻ vì cũng không khác mấy với cách nhìn văn học có tính chất đạo đức của các nhà nho chính thống. Cách thứ hai mà các nhà nho tài tử dùng để bảo vệ tiểu thuyết – truyện thơ nôm là chỉ ra những đặc điểm nghệ thuật riêng biệt của thể loại này. Đây là điểm mới mẻ trong ý thức văn học của nhà nho tài tử. Điều này thể hiện khá rõ qua cuộc phê bình về Truyện Kiều và cuốn “tục Truyện Kiều” – Đào hoa mộng ký của Nguyễn Đăng Tuyển.

PGS.TS ĐOÀN LÊ GIANG

 (Trường ĐH KHXH & NV TP.HCM)

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây