Ôi ngát hương thời gian… – Tuỳ bút của Huỳnh Dũng Nhân

Nhà văn, nhà báo Huỳnh Dũng Nhân vừa trở thành hội viên mới Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Ông sinh năm 1955 ở Thanh Hoá lớn lên ở Hà Nội, nguyên quán tỉnh Bến Tre, tốt nghiệp Khoa Ngữ văn Đại học Tổng hợp TPHCM và cử nhân báo chí Trường Tuyên huấn Trung ương Hà Nội, hiện sống tại TPHCM.

Huỳnh Dũng Nhân từng là Phó Chủ tịch Hội Nhà báo TPHCM, Tổng biên tập Tạp chí Nghề Báo; Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn TPHCM, giảng viên môn phóng sự điều tra Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn TPHCM và Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí Hội Nhà báo Việt Nam.

Các tác phẩm của Huỳnh Dũng Nhân đã xuất bản: Về truyện thiếu nhi có Nối dây cho diều (viết chung – NXB Kim Đồng), Những vòng sóng (viết chung – NXB Kim Đồng), Kỷ niệm ngày sinh (viết chung – NXB Kim Đồng), Nghệ sĩ Đặng Thái Sơn (NXB Kim Đồng), Lãng mạn cùng cá sấu (NXB Kim Đồng); Các tập phóng sự: Ăn Tết trong rừng chó sói (NXB Lao Động), Ký sự Xuyên Việt (NXB CAND), Tôi đi bán tôi (NXB Văn Nghệ TP HCM), Những người đi trong gió (NXB Trẻ), Kính thưa Ô Sin (NXB Thông Tấn) Từ hầm lò Mông Dương đến nóc nhà Tây Tạng (in chung với Đỗ Doãn Hoàng); Tập truyện ngắn: Ba hồi chuông, Ký ức tình (bút danh Kỳ Lâm); Tập tản văn: Giọt lệ trên trời (NXB Thông Tấn), Sao băng (NXB Văn Nghệ TP HCM); 7 tập thơ: Dã  quỳ tím, Tự tình với Facebook, Ký ức chao nghiêng, Bỗng lại hờn lại nhớ, Riêng một góc nhìn, Một chút riêng tư, Ngoảnh lại thương yêuHồi ký: Chúng tôi – Một thời mũ rơm mũ cối, Nguyễn Trọng Trúc – Bóng bàn một đời tôi đam mê. Tác phẩm Chúng tôi – Một Thời Mũ Rơm Mũ cối của ông đã nhận được Tặng thưởng Hội Nhà văn TP HCM 2020.

Nha van Huynh Dung Nhan min - Ôi ngát hương thời gian… – Tuỳ bút của Huỳnh Dũng NhânNhà văn Huỳnh Dũng Nhân.

Có lẽ tôi chỉ có vài năm ở Hà Nội tử thủa lên 9-10, còn lại là đi sơ tán tránh máy bay Mỹ liên miên ở các tỉnh Hà Đông, Hà Bắc. Khi lớn lên tôi đi bộ đội thì đóng ở vùng rừng núi Hòa Bình. Nhờ những năm sống ở vùng nông thôn gián đoạn và hơi vội vã ấy tôi cũng có những tình yêu quê hương non nước Việt mà bây giờ tôi như vẫn như cảm thấy mùi hương đang vương vấn trong trí nhớ. Thuở ấy các cô gái trẻ hay gội tóc bằng lá bưởi chứ làm gì có đủ loại dầu thơm như bây giờ. Ngồi sau bàn một cô bạn học mà cứ phải lén lút hít thở khoan khoái cái hương bưởi tỏa ngát từ mái tóc dài mượt của cô bạn cùng lớp.

Còn quanh hồ Thiền Quang Hà Nội, dọc đường Quang Trung, Nguyễn Du… có một hương thơm nổi tiếng đặc trưng cho Hà Nội. Đó là hoa sữa. Nhưng hoa sữa thoang thoảng thì thơm , thì nhớ , nhưng mùi hoa nặng quá , đậm đặc quá thì lại phải hạ bớt độ nồng nàn, nhưng có ở độ thơm nào, hương hoa sữa cũng đã đi vào ký ức của Hà Nôi một thời như câu hát: “Nhớ phố Quang Trung, đường Nguyễn Du – những đêm hoa sữa thơm nồng”. (Một câu hát trong bài hát “Nhớ về Hà Nội” của nhạc sĩ Hoàng Hiệp)…

Nhà thơ Xuân Diệu đã từng viết: “Đố ai phân chất một mùi hương” Bởi ai cũng thích hương hoa nhưng để hiểu được phân tích được mỗi mùi vị hương thơm thì e rằng rất khó . Trước đây tôi có đi thăm một nhà máy sản xuất nước hoa của Hàn Quốc. Ông giám đốc kể rằng nhà máy của ông trả lương rất cao cho một chuyên gia phân tích các mùi hương , có thể phân biệt hàng chục mùi nước hoa khác nhau.

Nhà văn Nguyễn Tuân của chúng ta cũng từng viết về một vùng sản xuất rượu nổi tiếng. Ở đầu làng có một ông lão chuyên làm một việc duy nhất là nếm rượu. Ai mua bán rượu cũng phải mang cho ông nếm thử một hớp nhỏ rồi mới yên tâm về chất lượng rượu của mình.

Thời gian cũng có hương sắc của nó.

Ngày Tết, tự những tờ lịch Tết cũng đã có sự nghỉ ngơi an lành, tự mỗi mâm quả cũng có hương vị tuỳ lựa chọn của mỗi gia đình. Hương thơm phảng phất bay lên từ trái Phật thủ. Mùi thơm sột soạt từ những đứa trẻ khoe tà áo mới. Và sau này không còn đốt pháo nữa, thì những đêm giao thừa cũng có sắc màu thơm ngát của những vầng sáng pháo hoa tầm thấp.

Khi đi về nông thôn, không gian lại có những bình nước hoa vô hình của đất trời.

Đó là cái mùi thơm của củi lửa mới nhen, của tro than mới tản, và vẫn như đâu đây vương vấn khói chiều hoà quyện.

Mùi của phố thị lúc nào cũng như có mùi thơm của vôi vữa gạch đá, nhựa đường. Còn hương thơm của núi rừng đồng quê thì có mùi của gió của mây, hương thơm ấy như từ cánh đồng hoa đem đến, rừng xanh thối về. Cả đời tôi không thể quên cái Tết mừng lúa mới của đồng bào dân tộc ở cao nguyên Lang Biang Đà Lạt. Gạo mới gặt về, còn thơm phức, ít phải xay phải giã và như còn chút áo bột bọc ngoài. Khi nấu cơm lên đi ngoài sân còn thấy nuốt nước miếng…

Và tôi phải cảm ơn những năm tháng đi sơ tán tránh máy bay Mỹ về nông thôn… những cánh đồng và đường làng đã cho tôi những ký ức và trải nghiệm tuyệt vời về cuộc sống giản dị mộc mạc nhưng đầy triết lý hoa sen “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn” chân chất diệu kỳ của người nông dân. Cái mùi thơm khen khét của lá tranh, cái vị thơm nồng nàn của bùn đất cứ đi vào trong cả giấc ngủ. Tôi nhớ hồi nhỏ dân sơ tán chúng tôi rất thích đi làm đồng, đi nhổ sắn, đi tưới rau với các anh chị con bác chủ nhà. Và bù lại, chúng tôi được thưởng mấy sản vật đồng quê, được tận hưởng những củ sắn nướng rơm vàng ruộm trên đồi , những bát cơm gạo mới thơm phức đầu mùa gặt…

Và chính trong những năm tháng sống ở các vùng nông thôn quanh Hà Nội ấy, chúng tôi đã có những cái Tết xa nhà đầu tiên trong đời. Khi ấy chúng tôi được người dân ở đây nhường cái ăn, cái ở là vì nghĩa tình đùm bọc… Ngày Tết, bọn trẻ chúng tôi cùng nấu bếp, đi chùa với người dân ở đây. Những ngày ấy không gian xung quanh đầy mùi thơm của nhang khói trầm mặc trong những ngôi chùa cổ kính. Nhiều khi vào chùa chỉ để được thở trong cái hương vị yên bình đó cùng tiếng ngân nga chuông chùa.

Những phong tục tập quán địa phương là những pho truyền thuyết đậm màu sắc cổ tích mà bọn trẻ đường nhựa cứ tròn xoe mắt, há hốc mồm đón nhận. Mấy đứa con gái mới lớn chả biết kiếm đâu được ít hoa nhài hoa bưởi, hoa ngâu, chúng gói vào khăn tay, giấu trong túi áo, kẹp lên cả mái tóc tuổi mới lớn, chỉ là chỉ để lung lạc những thằng con trai tinh nghịch mà thôi.

tet nguyen dan vansudia.net min - Ôi ngát hương thời gian… – Tuỳ bút của Huỳnh Dũng Nhân

Cái Tết trên vùng rừng núi Hòa Bình của tôi là cái Tết bộ đội với khẩu phần ăn, thuốc lá, bánh kẹo nhỉnh hơn ngày thường đôi chút. Nhưng đáng nhớ nhất là bữa liên hoan với thanh niên dân tộc Mường ở bản. Tôi còn nhớ như in cái vị rượu Cần của người Mường, nó chua chua ngọt ngọt, nồng say, mới uống thấy nhẹ, nhưng uống rồi thấy nó thấm đậm, sau té ngửa lúc nào không biết. Mà uống rượu cùng các cô gái Mường “không phải dạng vừa” đâu nhé. Mắt cô ấy cứ lúng liếng, má cứ hồng lên, uống kiểu gì cũng chỉ có “anh chết chứ em không chết”. Mà có khi không phải “chết vì rượu“ mà vì :

“Cổ tay em trắng như ngà

Đôi mắt em liếc như là dao cau

Miệng cười như thể hoa ngâu

Cái khăn đội đầu như thể hoa sen…”

Cái Tết miền Trung yên ả hơn nhiều vùng khác. Thời tiết lại lành lạnh khiến người ta thêm cái cảm giác ấm cúng, quây quần. Ăn Tết quê nghèo miền Trung, tự hào nhắc truyền thống kháng chiến, rồi ngẫu hứng thơ ca hò vè với những âm sắc đặc biệt của xứ Quảng. Khi mấy đứa cháu về Sài Gòn, một bà dì lưng còng như trái me, đưa cho vợ chồng tôi hai cái bánh tét và dặn: “Các con mang vào SG chia cho bốn đứa cháu trong đó, mỗi đứa nửa cái nghe con, nói là dì nghèo chỉ có chút quà quê vậy thôi”. Đó là thơm tình thơm nghĩa. Đó là thơm thảo.

Đúng là:

“Hoa thơm xuống đất cũng thơm. Em giòn, rách áo đói cơm cũng giòn…”

Khi đi Đà Lạt hay về Sa Đéc những xứ hoa nổi tiếng của đất nước, tôi đều tìm cách đi thăm các nơi trồng hoa. Và khi trở về tôi và nhiều người đều mua hoa về SG, tôi đã viết: “Cả chuyến bay như một vườn hoa nhỏ. Hoa của người còn hương thơm của ta”…

Sau này lớn lên, trong các hành trình đi các vùng miền đó đây, tôi còn cảm nhận được những mùi thơm đặc trưng của làn da trên cơ thể con người. Hình như đó là mùi nắng sau lưng một người lính trẻ tôi gặp trên thao trường , hay có thể là mái tóc thơm mùi xả của cô thôn nữ chở tôi đi công tác giữa rừng. Hay là mùi mồ hôi mặn mà của vạt áo cô gái vùng biển chèo thuyền thúng cho tôi ra đảo…

Tôi cảm thấy ngay cả nhan sắc cũng có hương thơm và hương thơm cũng có hình hài dáng dấp của nó.

Vậy mà thương vậy mà nhớ.

Trong Truyện Kiều, thi hào Nguyễn Du khi kể – tả về “nỗi tương tư” có một câu thơ thật ý nhị: “Hương gây mùi nhớ, trà khan giọng tình”.

Mấy năm gần đây tôi ít ăn Tết xa nhà, không có dịp nào được ăn Tết cùng lính, cùng người dân quê hương các vùng miền, nên những ấn tượng, những ký ức về những cái Tết xưa càng thao thiết nhớ, càng sâu đậm, càng miên man. Những cái Tết đậm đà tình nghĩa quê hương, gia đình, dân tộc đó mấy khi gặp lại được trong mỗi đời người, và dù cuộc sống có đổi thay, phôi phai hay cách tân thế nào đi nữa, nó vẫn đời đời mang hương vị nghĩa tình ấm cúng của Tết Việt Nam.

H.D.N
     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây