Vạn Xuân nghị chính – Truyện lịch sử Phùng Văn Khai

Vạn Xuân nghị chính - Truyện lịch sử Phùng Văn Khai

Nhà văn Phùng Văn Khai.

Sau buổi vi hành tới đất Phong Châu, đích thân xem xét kỹ lưỡng các khu điện thờ, đình, chùa, lăng miếu từ thời các vua Hùng khai nguyên lập quốc trải hàng nghìn năm đã phong hóa biến đổi không còn như trước, Nam Việt Đế Lý Phật Tử trở về kinh thành Long Biên lập tức cho triệu các trọng thần cùng hương thân phụ lão Phong Châu mười bảy vị tới thương nghị. Đức vua còn cho đắp một chiếc sa bàn ngay trong điện Vạn Thọ để tiện chỉ rõ những việc cần kíp phải làm. Hai mươi bảy hiệp thợ các vùng Câu Lậu, Luy Lâu, Gia Ninh, Cổ Pháp, Phong Khê, Phong Châu, Chu Diên cũng được mời tới.

Ngay trong buổi khảo sát các đền Hạ, Trung, Thượng trên núi Nghĩa Lĩnh, đức vua đã nhiều lần căn dặn Thái úy Ngô Bân và Đề đốc Phùng Thanh ghi nhớ rõ những điểm chính yếu để tiện cho công cuộc trùng tu, phục dựng các điện thờ trên núi. Các trọng thần ai nấy đều khâm phục trí nhớ và sức tưởng tượng của đức vua. Việc cho mời đại diện các làng nghề, những lão thợ cả, các vị tiền bối, huynh trưởng chuyên việc tôn tạo đình, đền, chùa, miếu tới luận bàn cũng là cách trưng tập ý tưởng, tham góp trí tuệ trong chốn nhân gian. Chỉ riêng điểm này, đức vua đã cho thấy sự toàn tâm nhập cuộc việc tôn tạo, trùng tu nơi thờ tự các vua Hùng chính là kết thông mối giềng quốc thống. Cũng nhân cuộc này, đức vua cho mời ba mươi bảy vị chủ các thương đoàn, tiêu cục, chủ điền trang, thái ấp lớn trong ngoài thành Long Biên tới cùng nghị sự. Đây là việc lớn quốc gia, việc đầu tiên sau hơn nửa năm làm chủ ngôi cao nên đức vua muốn mở rộng việc nước tới chúng dân cũng là một cách nhìn mới mẻ.

Trong đại điện, khi mọi người đã tề tựu đông đủ, đức vua hôm nay mặc bộ trường bào giản dị màu tía thêu đóa sen hồng trang nhã lập tức kéo các quần thần, bô lão tới chiếc sa bàn nơi góc điện phấn chấn nói:

– Các vị ái khanh! Các vị bô lão, thương đoàn, tiêu cục, các lão thợ cả! Hôm nay, trẫm muốn nghe lời nói thẳng. Vạn Xuân nhất thống, việc đầu tiên phải trùng tu, tôn tạo các đình đền thờ quốc tổ vua Hùng cùng các bậc quân vương, hoàng đế phương Nam trên núi Nghĩa Lĩnh cho thật tôn nghiêm, quy củ. Trẫm đã đích thân tới đó, nay cho đắp chiếc sa bàn này thể hiện hình sông thế núi, những khu đền, miếu, đình, chùa, những bến sông, bãi đá nhất loạt đều có ở đây. Hùng Vương dựng nước trải mấy nghìn năm huân công hiển hách, vương đạo sáng ngời, nhất là văn đức, các phép tắc luân thường đạo lý, các phong tục tập quán ích nước lợi dân, các kỹ nghệ, bí thuật ngành nghề tinh xảo đều truyền thừa tới hôm nay. Nay trẫm ra đề bài để chúng thần cùng tham góp trí tuệ, sức lực vào việc nước.

Nói tới đó đức vua chợt dừng nhìn khắc lượt rồi lại nói:

– Điện thờ quốc tổ, thứ nhất phải khang trang vững chãi, trước sau quy củ tôn nghiêm. Thứ hai, phải gần gũi, tiện lợi để bách tính thị tộc dễ dàng tới dâng hương tỏ tấm lòng thành. Thứ ba, phải kế thừa tinh hoa của phép dựng điện thờ tổ tiên để lại. Thứ tư, phải bố cục hài hòa với cảnh sắc thiên nhiên, tuyệt không được xẻ núi chặt cây bừa bãi phương hại tới không chỉ dân chúng trong vùng mà ngay cả muông thú cũng không được để chúng kinh hãi bỏ đi. Thứ năm phải thể hiện rõ cốt cách Vạn Xuân: cứng mà không nhọn sắc, phô trương; mềm mà không nhụt lùi, buông bỏ; trường mà không phơi lộ, gồ ghề; cao mà không rợn ngợp, chói lòa; sâu mà không lạnh lùng, hun hút. Thứ sáu, phải tập hợp được tinh hoa của bách tính thị tộc, nhất là tinh túy riêng của các thị tộc lớn nhỏ, sao cho khác biệt mà vẫn hòa đồng, sắc riêng hòa trong đại cảnh như trăm sông dồn về biển lớn yên bình. Thứ bảy, phải hài hòa sắc thái các dòng đạo lớn đang thịnh hành ở Vạn Xuân. Bất luận là đạo pháp gì, hễ có lợi cho quốc kế dân sinh đều được suy tôn thờ tụng. Đạo Phật có cái cao cường của đạo Phật. Đạo Nho, đạo Lão, đạo Mẫu, đạo Trang,… đều có mặt hay để học hỏi. Ngay như đạo thờ cúng Tổ tiên cũng phải được trọng thị công bằng. Bách tính thị tộc Vạn Xuân được an yên chính là nhờ sự tự cân bằng trong tâm thức của mỗi thị tộc. Ngay như thần núi, thần sông, thần rừng, thần biển, thần hổ, thần voi… đều có chỗ hữu dụng riêng, tuyệt không nên phân biệt hơn kém mà hãy căn cứ vào nguyện vọng từng thị tộc mà sắp xếp tôn thờ sao cho thỏa đáng. Thứ tám, cũng là điều cuối cùng, trẫm từng coi là quan trọng nhất, song không vì thế mà phân biệt để lên hàng đầu, chính là truyền thuyết về tổ tiên bách tính thị tộc người phương Nam là truyền thuyết RỒNG – TIÊN. Bởi vậy, tinh thần thể hiện việc tôn tạo, trùng tu các điện thờ trên núi vừa phải uyên nguyên, thâm viễn, ẩn hiện như rồng vùng vẫy giữa mây mưa sấm chớp, vừa phải thanh cao thoát tục, uyển chuyển thướt tha như các tiên nữ nơi chốn thiên đình. Trẫm tạm thời nói trước như thế, có điều gì chúng thần hãy bàn thêm giúp trẫm.

Các vị đại thần, trưởng lão, thương đoàn vây quanh chiếc sa bàn nghe đức vua nói tới đâu ai nấy đều như thấy một luồng khí huyết chảy ào ạt trong người tới đó. Đã nhiều năm Vạn Xuân khai quốc, bởi quốc lực hãy còn hạn hẹp, nên từ quan tướng tới chúng dân, dẫu trong lòng rất muốn, song chưa thể thực hiện một nơi thờ tự thật quy củ trang nghiêm cho các bậc hoàng đế quân vương tiên tổ của mình. Nay đức vua nói ra những điều gan ruột, ai cũng thấy như được nói thay suy nghĩ chất chứa bấy lâu của mình. Vị bô lão họ Vững ở Phong Châu hôm trước từng hầu giá đức vua tới các điện thờ núi Nghĩa Lĩnh lập tức bước ra rưng rưng nói:

– Bẩm hoàng thượng! Tám điều hoàng thượng giáo huấn chúng thần làm tiêu chí cho cuộc trùng tu, tôn tạo nơi thờ tự của nước quả vô cùng sâu sắc. Nhất là điểm thứ tám chính là sự khẳng định căn tính đầy đủ nhất của người phương Nam chúng ta. Ôi chao! Lão hủ sống đến ngần này tuổi rồi mới thấy mình được mở rộng tầm mắt, thỏa chí nguyện trong lòng. Lão hủ quyết sống thêm ba năm nữa để còn chúc mừng hoàng thượng ngày khánh thành khu quốc điện.

Mọi người ai nấy cười ồ trước ước muốn giản dị cũng là quy mốc thời gian rất khéo của vị trưởng lão họ Vững. Trong các vị khách thương đoàn, tiêu cục, một vị tuổi khoảng lục tuần chòm râu đốm bạc bước ra trang nghiêm nói:

– Khấu trình hoàng thượng! Thương đoàn Lê Giáp chuyên buôn bán gỗ quý từ vùng thượng du, hạ bạn Gâm giang, Lô giang, Thao giang, Lục Đầu giang đã từ lâu muốn dâng ngàn cây gỗ quý lên triều đình mà chưa có dịp. Nhân dịp hoàng thượng chuẩn bị tu sửa quốc điện, thương đoàn Lê Giáp nguyện dâng hai ngàn cây gỗ quý ba trăm năm tuổi thuộc các chủng tứ thiết, ngũ quý, lục dụng để triều đình sử dụng. Xin hoàng thượng ân chuẩn!

Đức vua trong lòng rất phấn chấn còn chưa kịp tuyên chỉ đã thấy vị trưởng lão tiêu cục Vạn Hành An vốn đứng đầu trong thập đại tiêu cục Long Biên đứng ra khẳng khái nói:

– Khấu trình hoàng thượng! Lê trưởng lão đã rộng lòng nghĩa hiệp dâng gỗ quý làm điện thờ, quả thực Vạn gia rất khâm phục xin được noi theo gương huynh trưởng. Khẩn xin hoàng thượng ân chuẩn cho phép tiêu cục Vạn Hành An góp công chuyên chở tất thảy gỗ, đá, gạo, muối, đồng, sắt, thợ thuyền trong quá trình trùng tu, tôn tạo quốc điện. Vạn Hành An chúng thần có tám mươi tư cành nhánh bảo tiêu thủy bộ trên toàn cõi Vạn Xuân xin toàn lực gánh vác việc chuyên chở mọi thức vật, thợ thuyền xây chùa dựng điện, tu sửa bến thuyền quyết không sai chậm. Xin hoàng thượng gia ân!

Đức vua toan nói lời cảm ơn các vị thương nhân, tiêu cục đã lại thấy một vị trưởng lão khoan thai bước ra thi lễ nói:

– Khấu trình hoàng thượng! Lão hủ Phạm Công đại diện mười bảy làng nghề dệt lụa đất Ô Diên xin được dâng đến quốc điện tất thảy thảm trải, vải treo tường, rèm cửa, áo mũ, khăn choàng, các thức đồ thờ cúng liên quan tới vải lụa. Xin hoàng thượng ân chuẩn!

Thấy mọi người muốn đứng ra xin góp của góp công còn nhiều, đức vua ra hiệu cho bốn phía lặng yên rồi thật bất ngờ, ngài ngự thủ lễ với mọi người rồi xúc động nói:

– Trẫm hôm nay thực là vô cùng cảm động! Thật không ngờ tấm lòng của bách tính thị tộc Vạn Xuân đều muôn người như một, tất cả đều sẵn sàng vì nước hiến tặng những thứ quý giá của mình. Đây là vị lão trượng họ Vững nhà có bốn anh em trai đã ba người bỏ mình vì nước, ngày trước ở hồ Điển Triệt, quốc chủ Lý Bí đã đích thân cho về quê giữ gìn tổ nghiệp, dòng giống. Vậy mà khi nghe tin nước nhà lâm nạn đã kíp cho cả hai con trai sung quân theo Triệu Vương phục quốc đều đã hy sinh cả, may kịp còn hai cháu nội nối dõi tông đường. Còn đây là trưởng lão Phạm công vốn là gia thần của lão tướng Phạm Tu nơi đất Ô Diên. Từ ngày Phạm lão tướng vì nước hy sinh nơi cửa sông Tô Lịch đã trở về đất cũ vừa hương khói thờ tự Phạm lão tướng vừa miệt mài chỉ bảo nghề dệt lụa cho các hộ tộc, năm nay cũng đã hơn bảy mươi tuổi vẫn quyết góp sức mình cho nước thật quý lắm thay! Lại ngay ở đây, thương đoàn Lê Giáp, tiêu cục Vạn Hành An cùng hàng chục, hàng trăm thương đoàn, tiêu cục trong cả nước đều muốn tham góp sức mình, muôn người như một. Trẫm từ khi vâng theo di chiếu Triệu Vương tạm giữ ngôi nước, lúc nào cũng thấy mình như ngồi trên giáo sắc băng mỏng, đêm nào cũng muốn trời thật mau sáng để sớm dậy làm việc khỏi uổng sự trông cậy của bách tính thị tộc. Mọi việc khởi đầu nan mà đều dần thông suốt đúng là phúc nước. Nay, trẫm sẽ lập ra một hội đồng trọng thần, kỳ lão, thương đoàn, tiêu cục, thợ cả giúp trẫm việc tôn tạo quốc điện. Trước mắt, trẫm mời Thái úy Ngô Bân làm Đại Tổng quản việc này.

Hoàng thượng vừa mới nói đến đó, mọi người ai nấy đều gật gù tán thưởng, song Thái úy Ngô Bân có vẻ như muốn nhường chức vị quan trọng này nên toan đứng dậy có ý kiến. Thấy vậy, đức vua bèn nói:

– Ngô Thái úy! Khanh chớ có chối từ phụ lòng bách tính thị tộc! Không phải ai sinh ra cũng để làm Đại Tổng quản. Ngay như trẫm đây cũng có được học làm vua, làm hoàng thượng bao giờ đâu? Thôi thì đều phải gắng sức mà làm, chớ có phụ lòng dân nước mới là tròn chức trách của mình. Cũng nhân đây, trẫm nói để mọi người cùng rõ, Vạn Xuân còn rất nhiều việc phải trông cậy ở các khanh. Vùng biển nơi vạn đảo Trường Châu tiếp giáp biển Hợp Phố cương vực lãnh hải đều chưa rõ ràng, tàn quân của bọn Dương Sằn, Dương Tiến từ thời Lương Vũ Đế, Trần Tuyên Đế còn ẩn nấp hành hoành cướp bóc cần phải sớm chế phục. Vạn Xuân phải định rõ hải phận, gây dựng đội hải thuyền tuần hành nghiêm ngặt mới có thể giúp giao thương trên biển thuận tiện. Nơi cửa biển Cửu Đức, Hàm Hoan tiếp giáp đất Lô Dung, Nại Thị của người Lâm Ấp, bọn chúng cậy thạo nghề đi biển thường chèn ép các chủng thuyền trên biển của ta, nhiều lúc gây hiểu lầm, nhiễu loạn, khiến các thương đoàn từ Java, India, Chapa, Siva… xuống buôn bán, giao lưu đạo pháp gặp cản trở đều phải mau chóng phân định rõ ràng. Khai thông hàng ngàn dặm biển chính là mở ra quốc lực mới cho Vạn Xuân. Còn một việc nữa trẫm luôn canh cánh trong lòng, đó là các sách, động, thị tộc vùng Tây Bắc, Đông Bắc tiếp giáp với các châu, quận phương Bắc thường bị chúng câu móc, xúi giục làm loạn. Việc hôm trước anh em Đào Bá Thạc, Đào Bá Tùng làm phản ngầm dâng quan ải cho Ngô Minh Triệt khiến quân ta lỡ mất thời cơ khóa chặt ải phải khổ chiến với chúng mãi mới đuổi được bọn giặc về phía bên kia chính là một bài học. Các tộc nơi biên giới Đông Bắc, Tây Bắc, triều đình hãy còn chưa chăm lo được nhiều, khiến gốc rễ lỏng lẻo, thân cành lung lay cũng là việc cần phải làm của nước. Lại như, vùng biên viễn, cương vực phía tây giáp với người Di Lạo cũng chưa bền vững. Đức vua Xang Muông tộc người Champasak dẫu bên ngoài vờ nhún nhường nhịn nhục, song bên trong vẫn ôm hận muốn đuổi cùng giết tận thị tộc Kadai để độc chiếm thung lũng Dong Chuôm cần phải có tướng giỏi trấn thủ phía tây. Lại ở phía nam, bốn huyện mới quận Xuân Khang là Xuân Lôi, Xuân Bình, Xuân Lương, Xuân Thanh đều phần nhiều đưa người Ái Châu, Dã Năng, Cửu Đức, Hàm Hoan vào khai mở, ắt sẽ có đụng độ ngầm với các thị tộc Bố Đa, Mạn Đà, Ma Da, Ka Tu… rất cần thời gian yên ổn sâu rễ bền gốc. Vua Rudravaman dẫu đã già cả lú lẫn, song vương triều Lâm Ấp chưa thể ngày một ngày hai sụp đổ được đâu? Mong chúng thần cùng các vị trưởng lão hãy cùng chia sẻ với trẫm.

Quần thần cùng các vị trưởng lão trong điện một lần nữa kinh ngạc trước lời nói của đức vua. Quả thực hoàng thượng hoài bão trong lòng không chỉ lớn lao mà còn vô cùng thiết thực cụ thể từng việc từng vùng phân minh rành mạch. Chỉ ra rõ những tàng ẩn sâu xa tới sự an nguy trước mắt cũng như lâu dài của nước càng thêm vững tin ở sức mình chính là tầng cao trí tuệ của bậc đế vương. Càng thấy rõ một điều, việc Triệu Việt Vương nhường ngôi nhất thống cho Đào Lang Vương là chính đáng vậy.

Ngay như Thái úy – Tổng trấn Ngô Bân, từ giờ khắc đầu khâm phục tài năng đức độ của tân vương nhưng phải đến tận hôm nay, trong chính điện Vạn Thọ, trước quần thần cùng các vị trưởng lão nghe từng lời gan ruột của đức vua mới thấy Vạn Xuân quả đã có vị minh quân ngàn năm hiếm thấy.

Suy nghĩ trước sau cẩn thận, Ngô Thái úy trang nghiêm quỳ xuống nói:

– Hạ thần xin lĩnh mệnh! Thần nguyện cùng hội đồng kỳ lão quyết không phụ thánh ân!

Thật không thể ngờ, những khúc phân ưu của hoàng thượng ngay trên điện Vạn Thọ lại được bách quan, nhất là giới sĩ lâm thị tộc, thương đoàn, tiêu cục hết sức ủng hộ còn lập tức xin dâng tặng cả ngàn cây gỗ, công sức, vàng bạc, vải lụa cho công cuộc trùng tu quốc điện. Tin vừa truyền ra ngoài, sĩ lâm thị tộc các vùng trong ngoài thành Long Biên khắp mười mấy huyện đều nô nức xin dâng lên những thức vật quý hiếm để triều đình tiện chi dùng cho công việc.

Chỉ chưa đầy ba năm sau quốc điện trên núi Nghĩa Lĩnh được dựng lập khang trang nhiều dấu tích vẫn còn hiển hiện cho tới ngày nay.

 

 

 

 

 

 

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây