Võ Hổ năm Dần – Thạc sĩ, Nhà báo Phan Thanh Đà Hải

Võ Hổ năm Dần - Thạc sĩ, Nhà báo Phan Thanh Đà Hải
Con Hổ là nguồn cảm hứng để các bậc danh võ sáng tác ra võ Hổ

VÕ HỔ NĂM DẦN

Thạc sĩ, Nhà báo Phan Thanh Đà Hải

Hình tượng của Hổ với những động tác, tư thế và sức mạnh phi thường của loài chúa sơn lâm được thể hiện qua nhiều bài quyền, đòn thế, thậm chí được đặt tên môn phái. Võ Hổ được phổ biến nhiều nước trên Thế giới nhưng nhiều nhất là ở Việt Nam, Trung Quốc. Nhân năm Nhâm Dần, vansudia.net xin giới thiệu bạn đọc về võ Hổ.

Tuyệt kỹ Hổ hình quyền

Với kỹ năng chiến đấu tuyệt vời, sức mạnh và sự lanh lẹn hung dữ của mình, Hổ đã làm các loài vật khác phải khiếp sợ. Khả năng chiến đấu của Hổ rất cao, đặc biệt là Hổ trảo. Hổ thường tận dụng sức bật, sự dẻo dai cùng móng vuốt sắc nhọn và các cú vả, bạt như trời giáng khi cận chiến với đối thủ cùng với những vũ khí của hổ như hàm răng nanh dài nhọn, rằng hàm khỏe, bộ móng vuốt sắc nhọn, sức mạnh của những cú tát, cú vồ, những cú cắn chí mạng vào chỗ hiểm cùng tiếng gầm gừ dữ tợn.

Hổ trảo hình thành bằng cách quặp các ngón tay theo dáng của móng hổ. Đây là một đòn tấn công thẳng, ngắn để kéo, bẻ, xé hoặc ép tới. Đích nhắm của hổ trảo là mặt, cổ, háng, cánh tay hoặc cổ tay. Khi va chạm, ức bàn tay áp mạnh để giúp các ngón tay bấu chắc hơn, rồi bẻ quặt hoặc lôi thẳng xuống.

Hổ trảo khác Long trảo ở điểm Long trảo là một kỹ thuật bắt, khóa còn Hổ trảo là một cử động ép hoặc xé bất chợt. Dù hầu hết kỹ thuật Hổ hình quyền xoay quanh hổ trảo nhưng cũng có một số thế sử dụng nắm tay, trong đó có thế Lão hổ đái đầu dùng nắm tay xiết chặt phỏng theo cách tấn công bằng đầu của hổ. Nhưng nổi bật và đậm màu sắc vẫn là các thế đánh bằng trảo thủ như Mãnh hổ hồi đầu, Ngoạ hổ khiên dương, đặc biệt là Lão hổ tiển đầu. Ứng dụng kỹ thuật sau này có nhiều cách khác nhau. Hoặc biến một tay thành hổ trảo chụp lấy cổ tay đối thủ trong khi tay kia dùng quyền đánh xuống. Hoặc một tay chộp ngược cổ tay rồi bẻ cánh tay đối thủ, trong lúc tay kia nắm lại áp mạnh xuống một điểm ở phía sau và trên cùi chỏ đối thủ. Đây là một thế khóa kép tạo ra đau đớn dữ dội. Hổ hình quyền cũng sử dụng chưởng, chẳng hạn như kỹ thuật Mãnh hổ thôi sơn, một tay biến thành hổ trảo chộp nắm tay tấn công của đối thủ đồng thời ức bàn tay kia đánh vào sườn đối thủ.

H2. Ngũ hình quyền min - Võ Hổ năm Dần - Thạc sĩ, Nhà báo Phan Thanh Đà Hải

Ngũ Hình quyền (Long – Hổ – Xà – Hạc – Báo)

Điểm cần lưu ý là khi sử dụng Hổ trảo thì không phải các ngón tay mà chính toàn thể bàn tay mới thật sự quan trọng. Đây là chiếc khóa để triển khai ngón tay, ức bàn tay và cả chân nữa.

Để luyện Hổ trảo, người ta tung lên không những túi cát nặng, nhỏ rồi dung ngón tay bắt lại. Các túi cát này cũng được dùng khi luyện các thế vồ chụp của hổ trảo nhưng với tốc độ cực nhanh.

Về việc tăng cường sức mạnh của các ngón tay và cánh tay thì phương pháp tương tự như phương pháp luyện Long trảo công. Trước đây, để biến đổi và tăng sức cho ngón tay, bàn tay và cánh tay luyện Hổ trảo, các võ sinh vồ chụp và bấu cành cây. Ngày nay, cành cây được thay thế bằng trái banh cao su.

Vì bàn tay được vận dụng để tạo hiệu năng cho hổ trảo nên cánh tay và ngón tay được phát triển qua cách thực tập đẩy bằng ngón tay. Việc hoàn thiện lưng và cổ được thực hiện với một phương pháp đẩy đặc biệt nhằm tạo lực cho cả cánh tay, lung và chân. Phương pháp ấy đòi hỏi kéo toàn thân về phía trước cho tới khi ngực gần như sát đất thì vận dụng các cơ bắp trên lung đảo ngược cử động lôi toàn thân về phía sau.

Nhiều kỹ thuật đá đặc biệt cũng được biểu hiện trong Hổ hình quyền; trong đó, một kỹ thuật trở nên quen thuộc với tên gọi là Hổ vĩ thoái hoặc Hổ vĩ cước. Khi thực hiện kỹ thuật đá này phải giữ cho thân hình song song với mặt đất, hai cánh tay dang về phía trước.

Hổ hình quyền có nhiều kỹ thuật thở để phát triển sức mạnh và uy lực. Khi thở phải phát ra những tiếng động với số lượng được quy định rõ theo thời khắc. Hơi thở có tiếng động là một nét đặc biệt quan trọng vì nó tạo ra sức bền bằng cách thúc ép tống xuất hết thán khí để thay bằng dưỡng khí cần thiết cho phát lực. Bật ra hơi thở có tiếng động còn là cách giữ vững tinh thần ở độ cao, một yếu tố quan trọng khi cử động mạnh mẽ và nhớp nhoáng. Cho nên, võ sinh bao giờ cũng bật thở và phát ra một tiếng “oác” khi tung một đòn hổ trảo.

H3. hoquyen min - Võ Hổ năm Dần - Thạc sĩ, Nhà báo Phan Thanh Đà Hải
Biểu diễn Hổ quyền

Không có phần nào trong Hổ hình quyền đề cập tới tinh thần. Khi thực hiện Hổ hình quyền, chỉ cần chiếc cổ căng thẳng và cặp mắt giận dữ. Võ sinh phải cảm và nghĩ như mình là một con Hổ hoang vừa rời núi. Uy lực luôn luôn đến do lòng tự hào. Đây là lúc tinh thần của con hổ hoang hiển hiện để tăng thêm uy lực phi thường cho mọi cuộc chiến đấu. Tinh thần tự hào của loài Hổ vươn lên cũng khiến tiêu giảm nhược điểm trước bất kỳ đối thủ nào.

Ngoài ra, đuôi hổ giữ vai trò quan trọng trong các động tác vồ, nhảy qua trái hoặc phải, xoay trở trước, sau, cùng với sức bật tốt, Nó có thể cắn họng một con bê, nhảy vọt qua hàng rào cao vài mét khiến Hổ trở thành sức mạnh được coi là vô địch. Đối với con mồi thì hổ chế ngự con mồi của chúng từ mọi góc độ, thông thường từ những cuộc tập kích và cắn cổ, thông thường là để làm gãy cột sống  hay khí quản của con mồi, hay làm tổn thương tĩnh mạch hoặc động mạch chủ. Đòn mạnh nhất của loài hổ là vả thật mạnh vào khu vực mặt và cổ của đối phương, với nanh vuốt cực sắc nhọn, chiêu đòn này thường khiến con mồi bất động ngay tại chỗ.

Trong khi chiến đấu, Hổ còn có một tuyệt chiêu mà giới võ học gọi là thế Trâu vằn với việc con hổ khi chiến đầu thường nằm ngửa, chổng bốn chân lên trời để thế để giết con mồi, nếu con mồi hoặc con người sơ ý nhảy vào tấn công là sẽ bị tấn công bằng một đòn chí mạng.

Hổ quyền không chỉ xuất hiện trong võ thuật Trung Quốc và Việt Nam, mà còn xuất hiện trong các môn võ Karate (Nhật Bản), Pencak Silat (Indonesia) và Kalaripayattu, môn võ cổ truyền lâu đời của Ấn Độ.

Hổ quyền trong võ thuật Trung Quốc

Võ công nguyên thủy Thiếu Lâm gồm 18 thế căn bản là La Hán Thập Bát Thủ do Bồ Đề Đạt Ma truyền dạy. Cuối đời Minh (1368 – 1644), một nhà sư Thiếu Lâm là Giác Viễn đến Lan Châu gặp đại sư Lý Tẩu và cao thủ võ lâm Bạch Ngọc Phong phối hợp sáng tác ra Ngũ Hình quyền (Long – Hổ – Xà – Hạc – Báo), bổ sung cho võ công nguyên thủy Thiếu Lâm.

Đặc điểm của kỹ thuật quyền Thiếu Lâm là: kết cấu tư thế nghiêm ngặt, động tác thiết thực chất phát, phát lực cứng mạnh, tiết tấu rõ ràng mau lẹ, tay dung tiếng phát, tiếng theo tay xuống, đi thẳng về thẳng, yêu cầu giấu chứ không lộ liễu, trong tĩnh ngoài mạnh; phải “nhẹ như mèo, vọt như hổ, đi như rồng, động như chớp, tiếng như sấm”.

H4. Tư thế đặc trưng của Hồ hình quyền min - Võ Hổ năm Dần - Thạc sĩ, Nhà báo Phan Thanh Đà HảiHổ quyền trong võ Thiếu Lâm (Trung Quốc)

Trong Hình ý quyền, lấy “thập đại hình” (mười hình lớn là long, hổ, kê, ưng, xà, mã, miêu, hầu, dao, yến tức rồng, hổ, gà, ưng, rắn, ngựa, mèo, khỉ, diều, én) làm quyền pháp cơ bản.

Quyền phổ Bát quái chưởng ghi: “Hình như rồng lượn, nhìn như vượn giữ, ngồi như hổ ngồi, chuyển như ưng liệng”.

Nam quyền lưu hành ở bờ Nam sông Trường Giang, có nhiều hệ phái. Nam quyền Quảng Đông có Hổ hạc song hình quyền, Nam quyền Quảng Tây có Hồng môn phục hổ quyền, Nam quyền Phúc Kiến có Ngũ hành quyền (Long, hổ, xà, hạc, báo quyền Nam Thiếu Lâm), Nam quyền Triết Giang có Hắc hổ quyền.

Trong Tượng hình quyền, Hổ quyền thì lấy luyện cốt (xương) là chính, khi luyện thì phải đẩy khí của toàn thân, tay cứng hông thực, sức ở nách phải đầy đủ, một khí liền đủ, từ đầu chí cuối không lơi lỏng. Thường dùng Hổ chưởng, lấy đốt phát kình, lấy khí thức lực, thế quyền hung mãnh.

Trường quyền là loại quyền lấy động tác đánh xa làm chính. Trong đó, có Tra quyền có đặc điểm khi diễn luyện phải “đi như gió, đứng như đinh, lên như vượn, xuống như ưng, động như hổ mạnh, tĩnh như núi đồi, nhanh chậm xen nhau, cứng mềm giúp nhau, chiêu pháp rõ ràng, chuyển gấp đột ngột.

Bạch Hổ quyền của Lâm Đạo Thai chuyên đánh vào tử huyệt (hạ bộ), bắt nguồn từ việc quan sát trận chiến giữa hổ trắng nhỏ và khỉ đột khổng lồ. Con Hổ trắng có vẻ thất thế trước một địch thủ quá to lớn. Cuối cùng con khỉ đột chụp được con hổ và sửa soạn xé ra làm hai mảnh, thì bất ngờ hổ trắng vùng dậy tát mạnh vào hạ bộ của khỉ đột. Con khỉ rú lên rồi ngã xuống chết.

Từ thời Tam Quốc có danh y Hoa Đà sáng tác ra Ngũ cầm hí: Hổ, hươu (nai), gấu, vượn, hạc. Các động tác trông mềm mại mà có kình lực “miên lí tàng kim” (bông gòn bọc thép).

Hổ quyền trong võ thuật Việt Nam

Hổ quyền được ứng với một con vật trong Đồ hình Bát quái tám con vật, gồm: Rồng, Hổ, Gà, chim Phụng, chim Nhạn, Khỉ, Rắn, chim Hạc. Mỗi con vật ứng với một quẻ, được thiết lập ở một hướng khác nhau, trong đó ở quẻ con Hổ (trong võ học gọi là Hổ tấn- tức là bộ ngựa con Cọp). Căn cứ theo “Bát quái hoành đồ” thì Hổ tấn thuộc quẻ “Khôn tam đoạn”, thuận hướng Tây – Nam hồng Hổ (tấn Cọp hồng).

Đặc biệt, khi biến chuyển vào biểu đồ “Ngũ hành pháp”, tạo thành bộ tay vận động theo quy luật “Tương sinh” (Kim sinh Thủy, thủy sinh Mộc, Mộc sinh Hỏa, Hỏa sinh Thổ, Thổ sinh Kim). Để từ đó nhanh chóng biến ngọn Kim thành thế “Mãnh hổ thôi sơn” (cú đấm như con Hổ dũng mãnh “đâm” vào ngọn núi).

Các bài quyền mô phỏng động tác chiến đấu của các loài động vật, đồng thời vận dụng theo đồ hình “Bát quái pháp” và các nguyên lý chuyển động liên hoàn, tương tác của học thuyết Âm – Dương, Ngũ hành để tạo thành những bài quyền độc đáo như: Long quyền, Hổ quyền, Hầu quyền, Kê quyền, Xà quyền, Miêu quyền…

Võ Bình Định – Tây Sơn nửa sau thế kỷ XVIII, với phái võ An Thái – Bình Định góp phần hình thành hệ thống quyền thuật của môn phái khá chặt chẽ, được xây dựng dựa trên 4 bộ chính: Hổ quyền, Long quyền, Hầu quyền và Xà quyền. Trong đó, Hổ quyền và Long quyền thuộc Ngạnh công được coi là nền tảng, Miên công chỉ được truyền thụ khi đã luyện qua Hổ quyền và Long quyền… Cũng ở vùng Bình Định trong môn phái An Thái có Thảo Tam Cước Hổ, tức là ba bước chân hổ chứ không phải là con hổ có ba chân, bộ quyền này thuộc Hổ quyền có các bài quyền như Thần Đồng, Ngọc Trản, Lão Mai, Lão Hổ…

H5. Quyền ba chân hổ min - Võ Hổ năm Dần - Thạc sĩ, Nhà báo Phan Thanh Đà HảiVõ sư cao cấp Hà Trọng Ngự (Chưởng môn phái võ Ta – Tây Sơn Bình Định và là đệ tử của cố võ sư Hà Trọng Sơn) thi triển một đòn thế của Quyền ba chân hổ.

Cũng có Quyền ba chân hổ là tuyệt kỹ công phu có từ hơn 200 năm trước, được khai sinh tại khu vực núi Bà thuộc huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định xuất phát từ đụng độ người tiều phu với con Hổ ba chân to lớn và hung dữ. Sau hồi giao đấu, khi sức cùng lực kiệt, cả thân người và vật đều thấm đẫm mồ hôi và máu tươi, người tiều phu đành ngồi xếp bằng ôm đòn gánh nhọn chống lên với hy vọng mong manh từ một cú phóng tới chộp mồi của hổ dữ. Không ngờ sự tưởng tượng lại trở thành sự thật, con mãnh hổ lao người lên không trung rồi định chồm lên gã tiều phu, nhưng đã bị dính bẫy. Trở về làng, người tiều phu nhớ lại cảnh chiến đấu cùng hổ dữ và nhận thấy những cú vồ của mãnh hổ như những đòn thế võ học tuyệt kỹ, ghi nhận thành những thế võ rồi dụng công tập luyện để nó trở thành tuyệt kỹ Quyền ba chân hổ lừng danh. Võ sư Hà Trọng Sơn (1920 – 2010) được giới võ học Bình Định biết đến với tư cách là truyền nhân của Quyền ba chân hổ. Sau nhiều năm luyện tập và hoàn thiện, ông đã truyền bài quyền cho đệ tử Hà Trọng Ngự.

Ngoài ra, các võ sư ở Việt Nam còn nghiên cứu từ các loài vật trong tự nhiên, sáng tạo thành những bài hình tượng quyền như Ngũ cầm quyền (Long, hổ, báo, xà, hạc), Mãnh hổ xuất sơn… muốn thành đạt môn Hổ quyền phải tập luyện đều đặn từ 1 đến 3 năm.

Ở Việt Nam có bài Ngũ hổ cứ sơn tả về năm con hổ gồm Ngũ hổ là Hắc hổ, Thanh hổ, Xích hổ, Hoàng hổ, Bạch hổ. Màu sắc và phương vị trấn giữ của Ngũ hổ cũng theo Ngũ hành mà sắp đặt. Hắc Hổ tướng quân màu đen, trấn nhậm ở phương Bắc, thuộc Thuỷ. Thanh Hổ tướng quân màu xanh, trấn nhậm ở phương Đông, thuộc Mộc. Xích Hổ tướng quân màu đỏ, trấn nhậm ở phương Nam, thuộc Hoả. Hoàng Hổ tướng quân màu vàng, trấn nhậm ở Trung ương tứ quý, thuộc Thổ. Bạch Hổ tướng quân màu trắng, trấn nhậm ở phương Tây, thuộc Kim.

H6. Thế Hồi Đầu Thối Toạ trong bài Lão Hổ thượng sơn min - Võ Hổ năm Dần - Thạc sĩ, Nhà báo Phan Thanh Đà HảiĐại võ sư Tấn Vương (môn phái Thiếu Lâm Tây Sơn) biểu diễn thế Hồi đầu thoái tọa trong bài quyền Lão hổ thượng sơn)

Lão hổ thượng sơn (Cọp tinh trên núi) là bài quyền quy định của Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam. Xuất xứ ban đầu của bài quyền thuộc võ phái Nam Tông, một võ phái cổ truyền Việt Nam do Võ sư Lê Văn Kiển (tục gọi là thầy Tám Kiển) sáng lập. Dựa trên hình tượng của Hổ là một trong 5 loài: Long – Xà – Hổ – Báo – Hạc. Hổ là loài được xếp vào hàng chúa sơn lâm, bài quyền mang thần thái uy nghi, tự chủ. Các chiêu thức dựa trên triết lý “dĩ nhu chế cương” nên dứt khoát mà không thô kệch, cứng rắn; mạnh mẽ nhưng biến ảo trong những thủ pháp đặc dị. Bộ pháp và thân pháp nhịp nhàng biến hóa, hỗ trợ cho thủ pháp luôn che phủ kín thân mình khi phòng thủ và dũng mãnh khi tấn công. Khi chậm thì ung dung, thư thái, khi nhanh thì uy lực, dữ dội.

Lời bài thiệu:

1: Bạch hổ khởi động

Chấp thủ khai mã/ Song thủ phá cước/ Đồng tử dâng quả/ Lưỡng thủ khai môn

2: Đại bàng triển dực

Đơn tọa phục hổ/ Hữu thủ yểm tâm/ Hồi đầu thoái tọa/ Tả thủ yểm tâm/ Nhất cước phá đao

3: Hồi mã đả hổ

Nhất quyền đả khứ/ Lão hổ vồ mồi/ Ngũ phong đả bồi/ Song đao phạt mộc

4: Hoành thân thoái toạ

Song phi cước khứ/ Long quyền đả khứ/ Tả hữu đả diện/ Cuồng phong tróc nã

5: Thối tọa hữu biên

Tả thủ phá cước/ Hoành thân phục hổ/ Hữu thủ yểm tâm/ Ngũ phong đả diện

6: Thoái tọa tả biên

Hữu cước đảo địa/ Đơn tọa phục hổ/ Tả thủ yểm tâm/ Ngũ phong đả diện

7: Hoành thân đoạt ngọc

Tả cước tảo địa/ Đơn tọa phục hổ/ Hữu thủ yểm tâm/ Lưỡng thủ vạn năng

8: Âm dương nhứt bộ

Đơn tọa phục hổ/ Tả thủ yểm tâm/ Long quyền đoạt nhãn/ Lưỡng thủ tả cước

9: Thanh sư xuất động

Hoành than, thoái toạ/ Hữu thủ yểm tâm/ Long quyền đoạt nhãn/ Lưỡng thủ hữu cước

10: Tàng hoa đơn toạ

Tướng quân bạt kiếm/ Bái tổ thâu mã.

Hổ có vị trí chủ đạo trong Võ cổ truyền Việt Nam, có nhiều bài quyền về Hổ như: Lão hổ thượng sơn, Mãnh hổ xuất sơn, Long hổ quyền, Hổ hạc song hình quyền, Hổ hầu quyền, Hồng hổ quyền, Hổ giáng long thăng quyền…

Trong môn phái Vovinam (Việt Võ Đạo) do cố võ sư Nguyễn Lộc sáng lập có bài quyền Long Hổ quyền. Người học võ Vovinam được tập luyện bài Long Hổ quyền này ở cấp Lam đai đệ nhị cấp. Khẩu quyết của Bài Long Hổ quyền: Long môn ngư vượt thủy/ Hổ khẩu viên thượng phi/ Long hổ phong vân hội/ Hổ long đồng xuất vũ/ Hồi đầu long hổ tụ.

Có rất nhiều chiêu thức chiến đấu tượng hình đặc thù mang tên loài Hổ để diễn tả các thế đánh Võ thuật cổ truyền thường gặp ở các bài quyền truyền thống: Bạch hổ khởi động, Nhị hổ tiềm tung, Mãnh hổ xuất sơn, Hắc hổ hạ sơn, Ngọa hổ phục lâm, Hắc hổ ẩn nham Hiện Long tàng hổ, Hồi đầu hổ vĩ, Hổ bằng báo lang, Mãnh hổ phục địa, Ngạ hổ tha dương, Sơn trung cầm hổ, Lãn hổ thân yêu,  Bạch hổ xuất động, Đại Phục Hổ quyền, Tiểu Phục Hổ quyền, Cung Tự Phục Hổ quyền… Ngoài ra, còn có các tuyệt chiêu như Hổ vĩ cước, Hổ Hạc Song hình quyền, Phục hổ la hán quyền, Hắc hổ thâu tâm.

H7. Võ sư Nguyễn Văn Tư biểu diễn tuyệt kỹ “hổ trảo” min - Võ Hổ năm Dần - Thạc sĩ, Nhà báo Phan Thanh Đà Hải
Đại võ sư Nguyễn Văn Tư (môn phái Võ lâm vườn trầu) biểu diễn tuyệt kỹ “Hổ trảo”

Đặc biệt, trong kỹ thuật thủ pháp, sử dụng khá nhiều đòn tay mô phỏng bàn tay hổ và được gọi là Hổ trảo. Năm ngón tay mở ra, đầu ngón thứ nhất, thứ hai co lại vào lòng bàn tay với công dụng: dùng để bắt, đỡ, đánh, vả, vồ vào các nơi yếu hại trên thân thể đối phương.

Trong chương trình thống nhất Võ cổ truyền, Tấn pháp được hệ thống hóa thành Thập nhị tấn nằm trong 3 bộ: Thượng, Trung và Hạ bộ. Hổ tấn nằm ở Trung bộ tấn, bộ chân loài Hổ rất mạnh khi phóng tới chộp vào con mồi. Khó loài nào có thể đối kháng trực tiếp với sức mạnh đó mà không bị ngã ngữa. Sức mạnh của đôi chân Hổ là nhờ cấu trúc của bộ xương rất vững chắc. Vì thế, Hổ tấn rất quan trọng khi luyện về đường xương sống.

Hổ không chỉ đặt tên cho bài quyền, đòn thế mà còn dùng để đặt tên môn phái: Long Hổ Không Hồng, Bạch Hổ Sơn Quân, Bạch Hổ Môn, Bạch Hổ Lâm, Thiếu Lâm Bạch Hổ, Thiếu Lâm Nam phái Bạch Hổ, Thiếu Lâm Hắc Hổ, Hắc Hổ Thiết quyền đạo, Hắc Hổ Triệt quyền đạo, Hắc Hổ Môn, Hắc Hổ ly sơn, Hổ hình công, Nam Hổ quyền, Võ ta Hổ quyền đạo, Thiếu Lâm Nững Xị – Long Hổ Hội, Sơn Lâm Hắc Hổ (Pháp), Thần Long Thiên Đại Hổ (Pháp), Nam Hổ quyền (Pháp).

Thạc sĩ, Nhà báo Phan Thanh Đà Hải

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây