Xuân Diệu một lãng tử không theo phép cũ – Nhà văn Vu Gia

Tượng đồng Xuân Diệu

XUÂN DIỆU

MỘT LÃNG TỬ KHÔNG THEO PHÉP CŨ

Đời văn của Xuân Diệu, chỉ có mỗi tập truyện ngắn. Đó là tập Phấn thông vàng, nhà xuất bản Đời nay ấn hành, 1939. Khi đưa in tập Phấn thông vàng (tháng 2-1939), Xuân Diệu xin người đọc “đừng tìm trong “Phấn thông vàng” những truyện có đầu có đuôi, có công việc, có sáng hôm trước và chiều hôm sau” [258, 7], vì ông “muốn làm một lãng tử không theo phép cũ, bỏ nhà như bọn “chó mèo hoang”, đi theo sức xô đẩy của tâm hồn” [258, 9]. Tập Phấn thông vàng không nổi tiếng bằng tập Thơ thơ, nhưng cũng được người đương thời chú ý, như Vũ Ngọc Phan; sau ngày đất nước đi vào công cuộc đổi mới, Nguyễn Hoành Khung, Lưu Khánh Thơ… có viết về tập Phấn thông vàng. Những ý kiến này, tôi đã đưa vào chương Của hai vũ trụ chứa đầy bí mật – một câu thơ được Xuân Diệu viết trước Cách mạng Tháng Tám.

Tập Phấn thông vàng có 16 bài, trong đó Trong vườn mơn trớn, Xuân Diệu ghi “Tùy bút” [258, 115]; Ba nàng công chúa, Xuân Diệu “Kể theo chuyện Ả Rập” [258, 83]; 14 bài còn lại, Xuân Diệu không ghi thể loại, nhưng theo ông “trong những bài văn ấy, vẫn không có những việc xảy ra; những bài ấy không phải thơ tản văn, không phải bút ký, cũng không hẳn là truyện ngắn: ấy là tất cả các lối ấy hợp nhau” [258, 7-8]. Xuân Diệu gọi những bài văn này là truyện ý tưởng. Theo ông, “Ở lối truyện ý tưởng, truyện là một cái cớ để cởi mở tấm lòng; ở lối truyện luận đề, truyện là một phương kế để chiến thắng.  Truyện ý tưởng không phải là khô khan như truyện triết lý; truyện ý tưởng thường gồm các lối: truyện tâm lý, truyện tượng trưng, truyện hý lộng, truyện “kiểu cách” vừa làm duyên, vừa mỉm cười” [258, 8].

Với tôi, truyện ý tưởng, truyện tâm lý, truyện hí lộng… gì gì đó của Xuân Diệu cũng là “truyện”. Nhưng những “truyện” trong tập Phấn thông vàng là truyện ngắn, truyện vừa hay truyện dài? Về hình thức, người đọc thấy các truyện này đều “ngắn”. Vậy những truyện ấy có phải là truyện ngắn không?

Theo Từ điển Tiếng Việt, truyện ngắn là “Truyện bằng văn xuôi, có dung lượng nhỏ, số trang ít, miêu tả một khía cạnh tính cách, một mẩu trong cuộc đời của nhân vật” [232, 1054]. Trong Từ điển Văn học (bộ mới), Lại Nguyên Ân, cho biết truyện ngắn là “Một thể loại tự sự cỡ nhỏ, thường được viết bằng văn xuôi, đề cập hầu hết các phương diện của đời sống con người và xã hội. Nét nổi bật của truyện ngắn là sự giới hạn về dung lượng; tác phẩm truyện ngắn thích hợp với người tiếp nhận (độc giả) đọc nó một mạch không nghỉ (…) – truyện ngắn thường nhằm khắc họa một hiện tượng, phát hiện một đặt tính trong quan hệ con người hay trong đời sống tâm hồn con người. Truyện ngắn thường ít nhân vật, ít sự kiện phức tạp, chồng chéo. Nhân vật truyện ngắn ít khi trở thành một thế giới hoàn chỉnh, một tính cách trọn vẹn, thường khi là hiện thân cho một trạng thái quan hệ xã hội, ý thức xã hội hoặc trạng thái tồn tại của con người” [83, 1846-1847].

Tô Hoài cho biết: “Đã có nhiều cách định nghĩa về truyện ngắn, nhưng nếu nói nôm na với nhau, đưa ra một định nghĩa để làm việc thì truyện ngắn chính là cách cưa lấy một khúc đời sống” [222, 9]. Với Nguyễn Công Hoan: “Truyện ngắn không phải là truyện mà là một vấn đề được xây dựng bằng chi tiết với sự bố trí chặt chẽ và bằng thái độ với cách đặt câu dùng tiếng có cân nhắc” [128, 15]. Với Bùi Hiển, thì “Truyện ngắn lấy một khoảnh khắc trong cuộc đời một con người mà dựng lên” [10, 19]. Theo Nguyên Ngọc, “Không nên nhất thiết trói buộc truyện ngắn vào những khuôn mẫu gò bó. Truyện ngắn vốn nhiều vẻ. Có truyện viết về cả một đời người, lại có truyện chỉ ghi lại một giây phút thoáng qua” [123, 30]. Vũ Thị Thường cho rằng “tầm nghĩ, tầm nhìn, đấy là cái gốc của truyện ngắn” [250, 33], vân vân và vân vân.

Từ những ý kiến này, tôi xếp tập Phấn thông vàng thuộc thể truyện ngắn.

Đọc qua 16 truyện trong tập Phấn thông vàng, tôi thấy Xuân Diệu ảnh hưởng lối… “Kể theo chuyện Ả Rập”, bởi về cơ bản, khá giống “truyện ý tưởng” mà ông quan niệm. Trong truyện Ba nàng công chúa có 3 mẩu chuyện nhỏ: Suối cá vàng, Suối tóc đẹpBà chúa vinh quang. Truyện Suối cá vàng là truyện cổ ở tận xứ Ả Rập được Xuân Diệu kể lại nghe cũng thú vị.

Người ta gọi con suối này là Suối cá vàng, “Bởi vì: Suối hồng và vàng, như một con cá vàng có màu ửng đỏ.

Và họ gọi Suối cá vàng cũng bởi vì: Người trinh nữ xinh tươi nhất của thành Lâm Xanh mát mẻ, nàng công chúa có hai tay hồng vàng, đã tới đó múc nước vào bình ngọc, và đã nhờ suối làm chỗ ẩn thân, một chiều êm hơn mọi buổi chiều.

Và suối đã dâng lầu ngọc bích cho nàng, lầu thủy tinh lóng lánh minh châu.

Và từ ấy, đến giờ Tịch Dương, đến giờ phương tây mây ám đậm màu và trái tim của mặt trời chảy máu vì phải chết một ít, công nương hát lại chuyện mình” [258, 73-74] …

Người trinh nữ kể chuyện gì? Chuyện tình tang của cô gái mới lớn, chớm yêu khi “Chàng tình ái” tỏ tình. Xấu hổ khi lần đầu được nghe những lời mật ngọt. Nàng thú thật: “Em không biết gì nữa, em lặn chìm xuống nước, mắt em nhắm lại với mắt của suối, em khuất trong lầu thủy tinh” [258, 75]. Chàng tình ái đòi chết vì nàng, nhưng “Thượng Đế đã hóa phép cho em hiện lên mặt nước thành hình con cá đỏ có ánh vàng, và em bảo:

– Xin hãy nguôi lòng, hỡi chàng, người can đảm nhất, người cao quý và đẹp đẽ nhất, hỡi chàng, thần ái tình; từ đây em như nước trôi, anh không sao giữ bắt em được…” [258, 75-76].

Ấy vậy mà chiều nào, nàng cũng nghe “người rất yêu van vỉ” [258, 76]. Và nàng phải lên tiếng nhờ những người đi đường “xin nói giùm chàng hãy quên em đi, bởi vì:

Em muốn luôn luôn trinh tiết trong lầu ngọc tiết trinh;

Em muốn luôn luôn trong ngần như nước trong trẻo của Suối Cá Vàng” [258, 76].

Với ý tứ này, Xuân Diệu xây dựng truyện Cái giâyCái giây không đứt, nhưng kém hơn và… đượm màu cải lương hơn. Truyện Cái giây được Xuân Diệu xây dựng dưới hình thức lá thư của cô gái gửi cho người yêu. Vì sự thử thách lòng tin của người yêu, cô gái giận mà viết nên lá thư này. Và sự thử thách lòng tin của nhau, đối với cô giống như “cái giây giằng lâu phải đứt” [258, 27]. Và lá thư này là dịp để cô tỏ rõ lòng mình. Cô chỉ cần biết yêu là yêu, “không biết gì xa xôi nữa” [258, 28], còn người yêu thì cứ thử lòng cô. “Anh tìm “vĩnh viễn”, muốn “vô cùng”, rồi chằng sợi giây ái tình” [258, 28] … Với cô, tình yêu là “sợi giây tơ treo vài đóa hoa mảnh khảnh” [258, 28], còn anh thì “muốn tình yêu là một sợi thừng buộc những chiếc thuyền to” [258, 28], nên… cuộc tình tan vỡ. “Đứt rồi, không thể nữa, anh a! Em không chán anh, em biết lòng anh, nhưng em nhọc quá chừng, em thấy hết, hết (…).

Thôi hết rồi, cùng tận rồi, chúng ta chỉ còn là hai bạn xưa. Em lúc nào cũng thực thà, em nói những điều thực lòng em cảm thấy. Anh đừng buồn mà khổ em lắm, anh hiểu dùm em, anh thương hại em cũng như em thương hại anh. Đứt rồi, anh ơi! Anh đừng nối lại làm chi. Dù khéo nối thế nào, cái giây cũng sẽ còn cái gút” [258, 29].

Đọc xong lá thứ này, ai đã có một vài mảnh tình vắt vai, đều nghĩ nếu người yêu của cô ta cũng như mình, thì sẽ… “khéo nối” thôi. Và người thanh niên ấy không vội vã chạy đến năn nỉ hoặc kêu than, van vỉ mỗi chiều như “chàng tình ái” ở Suối Cá vàng, mà bình thản viết thư trả lời.

Mở đầu lá thư, anh cũng làm ra vẻ có chút lo lắng cho cuộc tình, song rất tự tin: “Thế sao em? Em đã hết với anh? Thực chăng? Anh thấy như đã thực lắm rồi, lời của em sao mà đoạn tuyệt! Nhưng Thu ơi, anh vẫn mong còn dư lại ít nữa là một chút yêu thừa, để em còn chịu đọc những lời biện bạch sau đây, và để em còn đoán nghe sự đầy tràn trong tiếng gọi “em”, trong bức thư này mà anh tin không phải là bức cuối cùng, và vẫn gửi nhờ con chim xanh nhỏ” [258, 30]. Và dựa theo ý của cô gái, anh biện bạch rằng: “Giây đàn thì nhỏ mà điệu nhạc thì cao, lòng em thì yếu mà tình anh thì mạnh, tránh sao cho khỏi chếch mếch! Anh đã khờ quá! Mê bản đàn mà làm đứt cả giây tơ” [258, 40]. Nghe lời biện bạch này mà cô gái mới biết yêu sống cách nay hơn bảy mươi năm không khóc mới lạ! Nhưng nào đã hết. Anh viết tiếp: “Lòng người và tình yêu là hai sự thực khác nhau và đối nhau; một đằng chỉ ưa sự lỳ lợm, sự bình yên, một đằng muốn lay chuyển, sôi nổi, cử động. Lòng người như vật chất luôn luôn sắt đá, chích chích chi chi. Ái tình như sự sống, làm việc luôn, nồng cháy luôn, vào xây dựng cho vật chất. Phải, lòng người như đất, chỉ cốt nằm ỳ, ái tình là ý xuân, bắt sự lười biếng phải hăng hái, bồng bột lên, để sinh sắc hương, hoa quả” [258, 40-41].

Sau lời biện bạch “khôn ngoan”, “có lý có tình”, anh lại… tấn công: “Bảo anh không phiền hà em sao được; tình yêu mạnh hơn lễ độ, đã yêu nhau thì hóa làm rầy nhau. Em mất tự do, nhưng kẻ lấy không phải là anh, mà chính là tình của chúng ta, và anh cũng mất tự do, và cũng không phải em lấy. Hai người đều vui lòng chịu sự trói buộc của tình ái, để được cái thoát ly, thoát ly mọi điều cặn bã thấp kém của đời thường” [258, 41]. Với anh, “yêu như thế là đổ dầu cho đèn sáng mãi, thêm củi cho lửa không tàn, là giữ màu tươi thắm, thêm bao thú vị cho tình yêu, yêu như thế quả là se thêm tơ chỉ cho sợi giây thêm bền, chứ đâu phải giằng kéo sợi dây cho mỏng?” [258, 42].

Cuối thư, anh viết: “Thu cười đi, em thua rồi đấy nhé. Nhưng Hứa chẳng được đâu, Thu ạ. Bao giờ cũng thắng cuộc, ấy chính là tình yêu của hai ta” [258, 43].

Qua thư này, Xuân Diệu khẳng định Cái giây không đứt. Đúng thế! Nhưng qua thư này, và qua kinh nghiệm bản thân, tôi cầu mong cái dây này đứt hẳn, bởi không đứt thì cô gái tên Thu ấy, chỉ… từ chết tới bị thương trong cuộc tình này.

Trở lại câu chuyện kể Ả Rập: Ba nàng công chúa. Sau chuyện kể về sự tích Suối cá vàng là chuyện kể về sự tích Suối tóc đẹp. Nguyên cớ để có suối tóc đẹp xuất phát từ suối tóc của nàng công chúa. Chính nàng cũng tự hào về suối tóc của mình: “Và mỗi sáng sớm nồng giọng thư cưu, và mỗi đêm khuya chập chờn sóng ngủ, công nương cho tóc chạy dài trước ngực, làm màn che ấm ngực non, và rủ rỉ:

– Tóc ơi, tóc đẹp, ta vuốt ve tóc, tóc hãy vuốt ve ta. Ta nhớn lên thì tóc cũng thêm dài, hai bên cùng một tuổi. Và tóc làm thành lưới: Bao nhiêu ái tình đã mắc lưới như chim!” [258, 77-78]. Một hôm vô tình có chàng trai vô tình gặp nàng đang tắm, bèn cầu xin ngắm mái tóc này. Y bạo gan, lùa tay vào suối tóc. “Công chúa kêu to lên một tiếng, lấy tóc che mình cho khỏi lộ thân, kinh hãi quá nên lặn vào đáy nước” [258, 79]. Và từ đó, con suối có những sợi rong vàng. “Năm tháng qua mà không làm sao phai được sắc vàng kỳ ảo của mớ rong lạ lùng, như còn hình ảnh của tóc công nương, nơi dòng trong của Suối Tóc Đẹp” [258, 79].

Chuyện Bà chúa vinh quang kể về nàng công chúa thành Lâm Xanh. Sắc đẹp của công chúa làm cho nhân dân trong thành tự hào xem như báu vật. Và vua thành Phệ “muốn cho nàng là chúa hoa hồng đến làm chúa của những hoa hồng trong cung cấm” [258, 80], nếu nghịch lời, hắn sẽ vây thành, bắt dân trong thành phải chết đói. Thế nhưng nàng không đồng ý và dân trong thành cũng không đồng ý. Họ quyết chết vì nàng. Và thành Lâm Xanh bị vây khổn những bảy năm, lương thực, thực phẩm cạn kiệt, “cả thành phố đã gầy gò như một con chó rừng đói khát. Và công chúa đau lòng nhìn thấy thiên hạ đau thương” [258, 81-82]. Nàng van xin thượng đế. Sau khi “đọc” được ý thượng đế, nàng dạy dân hãy lấy “thóc để dành cho ta khỏi đói. Hãy bắt trong vườn ở cung ta con dê độc nhất còn dành lại để có sữa cho ta khỏi khát. Hãy cho con dê ăn cả thóc, và khi nào con dê mập tròn như trăng rằm, hãy đem đưa cho ông vua bạo tàn đương vây chúng ta. Thấy dê mập tròn như kia, hắn sẽ tưởng kho ta thóc lúa còn đầy, hắn sẽ nản chí mà bỏ đi” [258, 82-83].

Mọi việc diễn ra như tính toán của nàng. Cũng từ đó, nàng tập trung tu hành, không lập gia đình để tạ ơn thượng đế. Khi nàng mất, “dân chúng chôn nàng trên núi cao nhất phòng ngự cho thành Lâm Xanh. Và Bà Chúa Vinh Quang muôn đời còn phảng phất hương hồn, vô hình mà ngự trị” [258, 83]. Lòng dân ở đâu cũng thế, thời nào cũng thế.

Phấn thông vàng, là truyện mở đầu và nhan đề của truyện được Xuân Diệu chọn làm nhan đề chung cho tập truyện. Truyện Phấn thông vàng kể về người họa sĩ trẻ đa tình đã thất bại qua hai cuộc tình và đang tìm cuộc tình thứ ba. “Lần đầu, người chàng yêu chỉ coi chàng như một người bạn, thua nữa, như một người anh. Lần thứ hai, người ta lãnh đạm hẳn với chàng” [258, 12]. Đây là thứ tình yêu đơn phương của tuổi học trò. Và Xuân Diệu cho người đọc hiểu rằng “sự cố nhiên của lòng mình không cố nhiên chút nào cả đối với đời…” [258, 12]. Tác giả xen vô ý này, phải chăng suy từ bản thân mình? Cũng có thể, bởi thời đi học được bao người không gặp “sự cố” ấy?

“Đến lần thứ ba. Sau khi đau khổ ê chề, lòng trẻ trai lại thử sống lại với mùa xuân, bởi vì mỗi khi đi vẽ ngoài đồng, họa sĩ nghiệm rằng lá non mũm mĩm quá. Chàng lại thấy tình yêu mượn hình một người tuyệt sắc, một nữ thần có tóc óng dài và thân hình như tượng xưa” [258, 13]. Với người yêu này, chàng họa sĩ tin tình yêu sẽ dài lâu, và đây sẽ là… tình yêu cuối! Nhưng mọi chuyện không như chàng nghĩ. “Những tranh chàng vẽ, dẫu rằng đẹp, song không có tinh thần sự sống, sắc màu không hồi hộp niềm yêu. Khi người ta quá lên cao, người ta càng xuống thấp; chàng đã tin lắm, nên bây giờ chàng thấy hết, hết rồi. Chỉ còn đôi bàn tay, chúng tô hình sắc một cách thờ ơ.

Có đổi khung cảnh, mà sầu tình vẫn không thay; ba lần, ba lần thất vọng! Chàng đã có tài phục sinh, nhưng còn gì đâu, sau lần mà chàng đã quyết là cuối cùng? Và những người chàng gặp trên con đường phiêu lưu vạn dặm phong trần chỉ làm chàng ghê sợ” [258, 14].

Ba năm thất thơ như người mất hồn, chàng họa sĩ trẻ “tỉnh lại” khi một buổi chiều bước vào rừng thông, gặp lúc gió tung nhị vàng của thông đi khắp chốn. “Không gian đã trở thành một điệu vàng mênh mông; nắng vàng nhuộm vàng những cây và phấn thông vàng lẫn vàng trong nắng” [258, 15]. Chàng họa sĩ giống như vị thiền sư giải được công án thiền sau mấy năm diện bích: “Gió hơi se, rừng thông rún rẩy, tiếng ngân hữu ý, khí trời thành một sự đổi trao: muôn cây chắc đương khoái lạc vì đương sống việc ái tình: đó là nhị thông thoát hoa đực bay tìm hoa cái. Rừng thông sung sướng, ái tình tản mạn ôm ấp không gian: ấy là rừng thông đang yêu…” [258, 15-16].

Với chàng họa sĩ, tình yêu ấy “dồi dào gấp mấy của loài người. Phấn thông vàng không đi có chỗ có nơi, mà khởi hành một cuộc viễn du vô hạn. Gió chở đi qua trời rộng, nhị của thông đầu rừng lại đến gặp thông cuối rừng, và tất cả nhị của thông rừng này đi đến một rừng thông nào khác” [258, 16]. Từ ý nghĩ này, chàng họa sĩ sau mấy lần thất bại thê thảm trên tình trường, ngộ ra rằng yêu “là gửi đi, là cho” [258, 16] cũng giống như “Gió đem đến giữa lòng ấm áp của hoa cái thì nhị sẽ thành những quả vĩnh viễn đời đời, mà gió đem vào sự trống rỗng hay vào chốn bùn lầy, cái ấy tùy lòng gió (…) Và chàng họa sĩ đã ngửng đầu hứng lấy bao nhiêu nhị vàng từ trên trời tỏa xuống trên mái tóc đen, và chàng đã mở lòng nhận lấy bài học ngụ trong bài thơ của phấn thông vàng. Ờ, sao chàng không phung phí như thông? Sao chàng nghĩ chi đến sự thiên hạ nhận? Chàng yêu không đủ sao? Thấp thỏi gì hơn sự chọn lựa, tính toán, yêu để mà được!” [258, 16-17].

Buông bỏ được là tốt, người đọc như tôi cũng mừng cho chàng họa sĩ đa tình. Nhưng với tôi, đó chỉ là liệu pháp tinh thần, chứ khó lắm. Trong cuộc đời con người gặp rất nhiều người, quên rất nhiều người, song có những người đã gặp một lần không thể quên được. Trai cũng như gái; đàn ông cũng như đàn bà, ai cũng có những góc khuất tâm hồn mà không biết tỏ cùng ai, dẫu đó là người đầu ấp tay gối. Sống để dạ, chết mang theo. Hai tiếng “tình yêu” nghe thì đơn giản nhưng nó được hình thành bởi thứ gì đây? Sao nó có thể làm cho một người kiên cường dễ dàng bỏ cả tương lai, đau đớn không muốn sống nữa? Chỉ biết rằng yêu có thể làm cho một người đang bệnh nan y có thêm dũng khí sinh tồn và tràn đầy hy vọng, tuy nhiên nó cũng có thể làm cho một người khỏe mạnh trong nháy mắt sụp đổ, tuyệt vọng, thậm chí tự sát. Tình yêu rốt cuộc là gì đây? Không ai có thể trả lời rõ ràng được cả. Vĩnh viễn không có. Ở đây, Xuân Diệu xây dựng một nhân vật “có tài phục sinh” [258, 14]. Điều này cũng tốt, và cũng là chủ trương chung của Tự lực văn đoàn, không muốn cho thanh niên lâm vào cảnh khốn cùng khi gặp phải thất bại trong tình yêu. Xuân Diệu viết: “Chỉ sợ ta nghèo, không đủ tình để phung phí. Ta không thèm nghĩ sự thiên hạ cho lại, nhưng ta cứ cho, tự khắc thiên hạ cũng đem đến cho ta. Mà nếu thiên hạ không cho, thì đã sao chứ? Phấn thông vàng đã làm đẹp không gian, tình của ta sẽ thêu mộng cho tấm vải xoàng xĩnh của cuộc đời, bầu trời sẽ vang động những tiếng đàn hát, những phấn vàng của lòng yêu; và cuộc đời, nhờ bọn đa tình, sẽ kém bề hững hờ nhạt tẻ…” [258, 18].

Một người khi cảm thấy tịch mịch thường nhớ tới rất nhiều chuyện cũ, nhớ tới rất nhiều chuyện bình thường không thể nhớ. Quên! Hãy quên chuyện cũ! Hãy tìm niềm vui mới! Và chàng họa sĩ trẻ đa tình của Xuân Diệu đã tìm ra… chân lý: “Trời ơi, chàng họa sĩ sung sướng quá khi nghĩ xong những điều đó, vội vàng chạy về quán trọ để rồi đi tìm lại cuộc đời, lăn vào sự sống mà yêu, yêu, mà cho, cho tất cả lòng tươi thắm của chàng, ba năm ròng chàng tưởng đã cạn rồi, nhưng kỳ thực vẫn là một nguồn vô tận…

Và khi những bước hồi hộp của chàng trai chạy đến cuối rừng, chàng suýt mê ngã trên cỏ xanh, vì thấy trên trời bao la, phấn thông vàng đương bay lan trong tám hướng của cõi đời…” [258, 18].

Đọc đến đây, ta thấy Phấn thông vàng thuộc loại truyện ngắn luận đề, dù Xuân Diệu không thừa nhận. Đây là truyện ngắn đọc được, và ở đời không phải không có người tìm quên những cuộc tình như thế, trong những công việc như thế. Về trạng thái tâm lý, những cuộc tình đầu đời như thế dễ làm cho một số người mắc bệnh tâm thần; ai có thần kinh vững vàng hơn thì luôn tránh phụ nữ và kết quả là… sống độc thân. Chuyện này không phải tôi suy đoán, mà từ thực tế cuộc sống mà tôi biết khá rõ. Tôi có người bạn bác sĩ, thì giải quyết chuyện “riêng tư” trên tinh thần… y học; một người bạn cùng cơ quan, thì… ăn bánh trả tiền; trái tim anh cứ như đã chai lỳ trước phụ nữ. Qua thực tế này, và qua truyện Phấn thông vàng, tôi nghĩ, Xuân Diệu viết về bản thân mình, chứ không phải họa sĩ nào cả, dù ông “rào đón” rằng đó là “một thi sĩ không làm thơ” [258, 13].

Có một số việc phải chính bản thân mình trải qua mới có thể hiểu được, nếu không có kinh nghiệm của chính bản thân thì cho dù có thể hiểu được đạo lý thế nào đi nữa cũng chỉ là biết mà thôi, trên thực tế sẽ rất khác biệt. Biết được một đạo lý cùng với việc chính thức hiểu được nó là một việc cách nhau một trời một vực. Qua cuộc đời mình, tôi thấy trong tình yêu hay trong công việc, nếu ta muốn được hạnh phúc thì phải nắm giữ vận mệnh của mình trong tay. Nếu không thì rốt cuộc người bị thương chính là bản thân mình. Nhiều người gặp phải chút trục trặc trong cuộc sống (trong đó có tình yêu), thì than trời trách đất, thậm chí điên loạn. Người thương thì bảo cái số nó thế; người ghét thì bảo dại. Kỳ thật, ông trời đối xử với mọi người đều công bằng cả, ai cũng có thể có điều mình muốn, nhưng quan trọng là mình có nắm bắt được hay không. Sống ở đời, lắm lúc phải biết buông xả. Tôi đọc đâu đó, dường như một câu chuyện của nhà Phật, là khi đã dùng bè qua sông, tới nơi rồi, thì phải bỏ bè chứ vác theo làm gì cho khổ. Thế nhưng trong cuộc sống, lắm người cứ phải khòm lưng vác chiếc bè theo, dù đoạn đường trước mặt không còn phải dùng đến nó nữa.

Khi viết Phấn thông vàng, chắc Xuân Diệu chỉ muốn nhắc nhở cho mình và cho bạn bè cùng trang lứa với mình, cuộc đời luôn tươi đẹp, nếu ta biết quên những sầu khổ. Bây giờ, đã vượt qua đẳng tuổi “Lục thập nhi nhĩ thuận” vài ba năm rồi, dẫu chưa đạt tới mức độ hoàn hảo về mặt tri hành, kiến văn và kinh nghiệm lắm lắm về cuộc sống để có thể nhận xét và phán đoán được ngay tức khắc và chính xác về các sự kiện, các nhân vật trong thiên hạ, như đúc kết của Khổng Tử, nhưng qua Phấn thông vàng, tôi nhận ra thông điệp: “Hãy luôn có một nguyện vọng đẹp hoặc là một tín niệm bất di bất dịch”. Tôi nghĩ, câu này, người sống ở đời cần nhớ nằm lòng, tốt nhất là đừng quên nó, bởi khi chính thức lâm vào tình huống gian nan, khó khăn nhất, nó sẽ là động lực cho sự sinh tồn.

Thương vay cũng được Xuân Diệu viết theo cảm hứng “ý tưởng”. Nhan đề Thương vay và nội dung của Thương vay đúng như câu nói thường ngày trong dân gian: Thương vay khóc mướn, nghĩa là thương xót không phải chỗ. Nhân vật chính trong truyện là Tôi. “Tôi càng đi, trời càng tối” [258, 19], “Tôi khởi sự đi trong ánh sáng” [258, 19], “Tôi tới lần trong bóng tối” [258, 19], v.v. Xuân Diệu thương cảnh vật bị bóng đêm bao trùm, thương tiếng ễnh ương “ảo não, hơi phồng, như trong ấy có sự gắng sức, tiếng rậm, và nhiều, và thê lương như sự chết, làm sôi bóng hoàng hôn” [258, 20]. Xuân Diệu thương xóm nghèo với “chụm nhà lụp xụp, tranh xám như lợp bằng tro” [258, 21]; thương “giọng đưa em thì buồn bã như mọi giọng ru trẻ con, thấm bao nhiêu mênh mông kinh hãi của cánh đồng, bao nhiêu u uất của đêm không đủ đèn sáng, bao nhiêu thương nhớ xa xôi của những linh hồn mộc mạc, buồn xa mà không biết mình buồn” [258, 22] … Và Xuân Diệu tưởng chừng mình đang “mang giùm những nỗi khổ của đời” [258, 23].

Trên đường về, ông gặp một bà già lưng còng chân chậm và… “nghĩ vơ, nghĩ mờ mịt. Bà già hay hiện hình của sự đau khổ? Nghèo như vậy, sao lại làm thinh mà đi, gặp khách không đón xin tiền? Cũng không nói, cũng không rên, cũng không ngừng. Cứ tha đôi chân vào mất trong tối” [258, 25]. Đúng là… thương vay! “Bà lão về đâu? Một ổ rơm nép bên đường, hay một cái chòi lạc giữa những bụi cây? Về một túp lều xa, hay không về túp lều nào cả? Trên vùng  hẻo lánh kia, còn nhà cửa nào nữa? Ai sẽ nấu cơm cho bà ăn? Diêm ở đâu để bà nhóm lửa? Về đâu? Ngừng lại ở đâu?

Đêm dày thêm. Chỉ còn mực xạ. Không kẻ dẫn đường, không một chiếc gậy, bà lão mất trong u uất, lặng im, trong giấu che, bí mật. Lòng tôi thắc mắc, lẫn kinh dị trong vô hạn xót thương” [258, 26].

Nếu Xuân Diệu dừng lại ở đây thì Thương vay là một truyện hay, nhưng muốn giải thích thành ra… đáng tiếc! Xuân Diệu viết: “Sự thương vay của tôi trẻ con và tưởng tượng hay chăng? Đời nào! Bao giờ lòng thương cũng có duyên cớ ở trên đời cùng cực, đau đớn, khốn khổ, rách rưới, cô đơn này, mà những kẻ nghèo đói là những trang anh hùng, cắn chặt hai hàm răng ngậm giữ lấy đau thương” [258, 26]. Tôi tin, ở đời không ai muốn làm những “trang anh hùng” ấy, nhưng dẫu sao đó cũng là chút thiện lương của Xuân Diệu khi nghĩ về người nghèo. Với tôi, thiện lương sưởi ấm thế gian, thiếu thiện lương thì trần thế là địa ngục. Song với lớp người đọc trẻ sau này, tôi mong đừng có “thương vay” kiểu ấy. Người nghèo khó cũng là con người. Là con người, thì phải bình đẳng với người. Là con người, tất phải được tôn kính. Dù xã hội có nhiều giai cấp, song giai cấp không phải là mức đo lường phẩm cách con người. Không ai có quyền xem rẻ phẩm cách và sinh mạng của đồng loại.

the nha bao XD min - Xuân Diệu một lãng tử không theo phép cũ - Nhà văn Vu Gia
Thẻ nhà báo của Xuân Diệu sau Cách mạng Tháng Tám 1945.

Người học trò tốt là truyện ngắn tốt mang tính luận đề. Nhân vật chính có tên là Tư, một học trò tốt, không chê vào đâu được. Tư chỉ biết học và học; học ngày, học đêm, học… thêm giờ nghỉ. Tư “Học với hai mắt, học với hai tai, học với một đầu, học với một miệng. Trường trung học, giám thị rất nghiêm, nên khó thắp đèn riêng. Thì trong khi bạn bè ngủ thẳng, Tư lại nơi đèn chong trước nhà xí. Ở đấy khá sạch sẽ, chẳng mùi mè gì. – Hơn thế nữa, một lần Tư để lộ một hộp đựng bích qui (tội lỗi gì chứ?). Trong ấy có hai cây nến, có một cặp vợ chồng nến. Tội lỗi đã rành rành. Thầy gác hung hăng:

– Anh muốn đang đêm thắp cháy mùng, và đốt luôn cả trường, và thiêu luôn cả các bạn anh sao? Sáu giờ phạt!

Muốn ra gương, ông hiệu trưởng nhân ba lên, thành mười tám giờ. Nhưng khi người ta yêu tình nhân, thì sét có đánh, trời có đày, người ta vẫn yêu tình nhân; đã mê sách đèn, thì phụ sách đèn sao nỡ? Tư chả thua; không yêu được cách này, chàng yêu cách khác. – Thú thật rằng không hay cách khác đó là cách gì. Nhưng ai nói toạc cách yêu của mình bao giờ? Hẵng biết rằng bao nhiêu sử ký và địa lý đều bị Tư thuộc cả. Thuộc cả cho đến tự nhiên học, cái kinh hãi của mọi người” [258, 34]. Nghĩa là “Tư cày chứ không phải học” [258, 33]. Kết quả cái học ấy đã giúp Tư luôn đứng đầu lớp, và đỗ thành chung hạng tư. Khi vào học ban tú tài (trung học phổ thông ngày nay), “chế độ học đổi khác, không quá kể phân điểm và ngôi thứ, Tư có hơi sút” [258, 33], bởi Tư vẫn “đem theo cách làm việc não nùng, vàng, não nùng; những bạn chàng muốn khóc vì tội nghiệp” [258, 33].

Qua đây, tôi thấy thương cho Tư, vì anh sinh bất phùng thời. Nếu anh sinh sau mấy chục năm, thì cái học của anh sẽ được tôn vinh. Qua đây, tôi cũng thấy nhà trường của bọn đế quốc sài lang cũng bậy bạ, tại sao lên bậc trung học phổ thông, thì “chế độ học đổi khác”? Đổi làm gì? Phải chăng chúng muốn lớp trẻ chúng ta đừng nhớ gì cụ thể để chúng dễ lừa bịp? Học thuộc lòng thì tốt quá đi chứ, phải nhớ chính xác từng con số mới giỏi chứ; và phải nhớ chính xác như vậy mới thấy Đảng ta vĩ đại, mới thấy chủ nghĩa Mác-Lênin bách chiến bách thắng, chứ nhớ chung chung thì còn thể thống gì. Đề thi tuyển sinh đại học mấy năm gần đây, dường như cũng muốn theo cái học của bọn đế quốc sài lang, bày đặt ra đề mở, làm cho thí sinh lúng túng, thậm chí bài thi môn sử có hàng ngàn thí sinh bị điểm 0, để ngành giáo dục nước nhà bị đàm tiếu. Bậy bạ hết sức! Hiện nay, chúng ta mở cửa làm bạn với các nước, thì cái gì tốt đẹp hãy đưa ra, còn cái gì tào lao thì giấu đi chứ. Cứ tập trung nuôi “gà nòi” để kiếm huy chương vàng, huy chương bạc tại các kỳ thi quốc tế, cho các nước thấy trí tuệ Việt Nam là như thế trở lên. Sau này có lạc hậu, tụt hậu gì gì đó thì thế hệ con cháu nó lo. Nó chửi thì nó nghe, chứ mình còn sống đâu mà nghe. Xuân Diệu chỉ thuộc lòng tám bài nói chuyện, mà sử dụng cho đến cuối đời và ai cũng khen; các nhà nghiên cứu ca ngợi ầm ầm đó sao. Thương cho Tư lắm! Xuân Diệu viết thế, chứ Xuân Diệu sao bằng Tư. “Tư thành ông tú hẳn rồi. Tư lại thành ông tú ba, nghĩa là Tư đỗ đến ba thứ: tú tài bản xứ, tú tài toán pháp, tú tài triết lý, ba cái tú tài” [258, 35].

Nghe cũng giỏi, và tôi nghĩ nguồn gien này được phát rộ sau này. Bây giờ, tú tài chẳng là cái “đinh” gì, mà phải là đại học, thạc sĩ, tiến sĩ, và cần phải làm sao được phong chức danh phó giáo sư, giáo sư mới oai, chứ học vị thạc sĩ, tiến sĩ đã quá xoàng! Tại hội thảo “Giáo dục Đại học Việt Nam hội nhập quốc tế” do Quỹ Phát triển Đại học Quốc gia TPHCM, tổ chức sáng ngày 9-11-2012, GS Nguyễn Văn Tuấn (ĐH New South Wales, Úc) đưa ra con số: “Việt Nam hiện có khoảng 24.000 tiến sĩ và 9.000 giáo sư và phó giáo sư nhưng số công trình nghiên cứu khoa học công bố lại nằm vào nhóm thấp nhất các nước Đông Nam Á.

Khoảng 70% tiến sĩ không làm nghiên cứu khoa học mà chỉ làm các chức vụ hành chính và quản lý” [237]. Đây là cách nhìn “thiển cận” của người sống và làm việc ở các nước tư bản giãy chết. Tại sao có ý chê “Khoảng 70% tiến sĩ không làm nghiên cứu khoa học mà chỉ làm các chức vụ hành chính và quản lý”? Đây chính là tính ưu việt của xã hội chủ nghĩa. Phải tập trung nguồn lực trí tuệ để đảm đương “các chức vụ hành chính và quản lý” mới có thể tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội, chứ chẳng lẽ để những người một chữ bẻ đôi không có đảm đương các công việc trọng đại ấy, còn nguồn lực trí tuệ lại tập trung cho nghiên cứu khoa học? Thế giới lo tập trung nghiên cứu khoa học, các nước Đông Nam Á lo tập trung nghiên cứu khoa học, thì kệ người ta, mình ung dung ngồi mà hưởng. Nước Úc của GS Nguyễn Văn Tuấn đã có mấy người lên vũ trụ? Các nước châu Á, Đông Nam Á có ai lên vũ trụ? Nên nhớ, năm 1980, Phạm Tuân là người đầu tiên của Việt Nam và châu Á bay lên vũ trụ, mà Việt Nam có cần nghiên cứu, chế tạo phi thuyền đâu. Việt Nam đâu cần nghiên cứu máy vi tính, điện thoại di động, máy bay… nhưng hiện nay, người dân Việt Nam mấy ai không biết máy vi tính, điện thoại di động, máy bay? Ở đời phải biết tập trung cái gì trước, cái gì sau; cái gì chính, cái gì phụ… Do đó, Việt Nam không cần phải nghiên cứu khoa học. Nguồn trí tuệ ấy (70% tiến sĩ) tập trung cho sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội là đúng bài bản. Lấy kinh nghiệm của một anh đang giãy chết đành đạch, phê phán một anh tràn đầy sinh lực quả thật buồn cười! Mới đây, ông Trần Hữu Phước, người “trực tiếp giúp việc cho đồng chí Bí thư Thành ủy TPHCM Võ Văn Kiệt” [284] sau ngày giải phóng, có khẳng định trên báo Sài Gòn giải phóng: “Thật ra, chỉ có giọng lưỡi của Lê Hiếu Đằng là lạc điệu và cũng chỉ có cái đầu nguội lạnh nhiệt tình, phai nhạt lý tưởng của ông cùng với những cái đầu của bọn đầu hàng, phản biến Goócbachốp, Iacốplép, Xêvạcnátze… đã bị sụp đổ mà thôi. Còn chủ nghĩa xã hội giàu sinh lực đã được đổi mới và trẻ hóa, vẫn đang đứng vững và tỏa sáng như ngọn hải đăng từ sông Áp Lục xuống tận vùng đất mũi của bán đảo Cà Mau trù phú, từ cánh đồng Chum nổi tiếng của xứ “Triệu voi” nối dài tới hòn đảo tự do của đất nước Cuba, tới châu Mỹ Latinh và vùng biển Caribê mênh mông bát ngát” [284]. Nghe mà sướng cả người. Như thế “chủ nghĩa xã hội giàu sinh lực” của ta đã gần bao trùm cả quả địa cầu này rồi. Đợt này nhất định bọn tư bản chỉ có chết chứ không thể giãy chết lâu được nữa. Nhưng đọc những gì Trần Hữu Phước, tôi càng giận Tổng thống Nga V. V. Putin. Ông nguyên là sĩ quan Ủy ban Anh ninh Quốc gia (KGB) của Liên bang Xô viết hùng mạnh, được Đảng cho ăn học tới nơi tới chốn (tốt nghiệp đại học), được Đảng tín nhiệm cử đi công tác nước ngoài (1985-1990, tại Dresden – Đông Đức). Biết “bọn đầu hàng, phản biến Goócbachốp, Iacốplép, Xêvạcnátze”… làm sụp đổ chế độ xã hội chủ nghĩa tươi đẹp muôn màu, thì khi quyền lực vào tay cả chục năm nay (từ tháng 3-2000), Putin phải phục dựng lại, chứ sao cứ như không biết? Và hàng triệu đảng viên của thời Liên bang Xô viết đã chết hết rồi hay sao mà để “bọn đầu hàng, phản biến Goócbachốp, Iacốplép, Xêvạcnátze”… muốn làm gì thì làm? Không chỉ hàng triệu đảng viên mà còn toàn dân Liên bang Xô viết lúc ấy ở đâu, bây giờ lại giả câm giả điếc, không lên tiếng, không phục dựng lại xã hội chủ nghĩa? Kém quá! Tệ quá!

Nhìn qua nước Đức, tôi cũng giận cho bà Angela Dorothea Merkel. Bà sinh ra và lớn lên dưới chế độ xã hội chủ nghĩa tốt đẹp, được nhà trường xã hội chủ nghĩa dạy dỗ, đào tạo trở thành tiến sĩ vật lý, đoàn viên Đoàn Thanh niên Tự do Đức, ủy viên quận đoàn, rồi bí thư chuyên trách dân vận và tuyên truyền tại Viện Hàn lâm Khoa học của Cộng hòa Dân chủ Đức. Thế mà khi Bức tường Berlin sụp đổ (1989), bà và các đồng chí của bà, nhân dân sống giữa lòng chế độ xã hội chủ nghĩa tốt đẹp không một lời phản ứng. Tôi giận lắm, rồi cũng phải cảm thông, bởi gặp thời thế thế thời phải thế. Nhưng khi thực sự nắm quyền lực (Thủ tướng nước Đức thống nhất từ tháng 11-2005 đến nay), bà không hề có ý định phục hồi lại chế độ tốt đẹp đã nuôi dạy, đào tạo bà nên người. Bậy quá đi mất! Lòng người sao tệ thế nhỉ? Thế lực thù địch hù dọa bà chăng? Tinh thần đảng viên và bí thư của bà bay đi đâu rồi? Tại sao lại theo đuôi bọn phản động quyết tâm xóa bỏ cái tốt đẹp, cái ưu việt, cái xã hội dân chủ vạn lần hơn…, để theo đuổi con đường mà cả Putin lẫn Merkel đều biết, đều thuộc nằm lòng từ thời trai trẻ, đó là con đường giãy chết tất yếu của bọn tư bản, dẫu chúng có cố kéo dài đến vạn năm, triệu triệu năm sau. Nếu tôi là Putin, hoặc Merkel, tôi sẽ không chút ngần ngại mời công dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Trần Hữu Phước đến nói chuyện khắp đất nước về “chủ nghĩa xã hội giàu sinh lực đã được đổi mới và trẻ hóa, vẫn đang đứng vững và tỏa sáng như ngọn hải đăng từ sông Áp Lục xuống tận vùng đất mũi của bán đảo Cà Mau trù phú, từ cánh đồng Chum nổi tiếng của xứ “Triệu voi” nối dài tới hòn đảo tự do của đất nước Cuba, tới châu Mỹ Latinh và vùng biển Caribê mênh mông bát ngát”, bởi nếu không có xã hội chủ nghĩa tươi đẹp muôn màu thì không có Putin, Merkel hôm nay.

Và qua Putin, Merkel, ta thấy nhà trường xã hội chủ nghĩa đâu có tệ, nên giáo dục của ta kiên định lập trường hơn nữa, cứ ghi và chép, cứ học thuộc lòng, mở rộng thêm hệ bổ túc văn hóa, vừa học vừa làm, đặt thêm nhiều chỉ tiêu thạc sĩ, tiến sĩ, thêm nhiều phó giáo sư, giáo sư để cho bọn đế quốc sài lang khiếp vía. Nhưng học như Tư trong truyện Người học trò tốt cũng không nên. “Hai tuần trước ngày thi, Tư chỉ còn là một tàu lá; tức thật, cách so sánh này dùng đã mòn quá, không còn mới mẻ để tả nổi màu xanh, dáng nhẹ, cái bộ xương anh Tư” [258, 35]. Học như vậy, thì chết sớm còn đâu thời gian để hưởng sự vui thú ở đời. Cứ lo phấn đấu để có quyền, có tiền rồi… thuê người khác học thay là tốt nhất, hoặc mua bằng là khỏe nhất, bởi có đứng lớp đâu mà sợ sinh viên phát hiện học giả học thật. Tôi tiến sĩ, anh tiến sĩ, chúng ta tiến sĩ có gì không vui? Nhưng nghĩ lại, Xuân Diệu viết cũng có lý: “Thanh xuân đã qua bên cạnh chàng, trong khi chàng nhắm mắt không trông mặt trời sáng, ngày ngày phân phát ánh tươi đẹp và tình yêu mến. Chàng tự đày mình trong sự học hành, trong sự chinh phục ngôi thứ, bằng cấp, và chỗ làm; và khi chàng thành công là lúc chàng thất bại hẳn” [258, 38].

IMG 2746 aaaaaaa min - Xuân Diệu một lãng tử không theo phép cũ - Nhà văn Vu Gia
Cổng nhà ông bà ngoại của Xuân Diệu (1930), nay là Nhà Lưu niệm Nhà thơ Xuân Diệu ở Gò Bồi, Bình Định.

 

Nhìn chung, truyện ngắn Người học trò tốt là truyện đọc được. Hồi còn đi học, tôi cũng thích câu “Một tinh thần minh mẫn trong một thân thể tráng kiện” (Anima sana in corpora sano). Sau này, tôi cũng biết “sức khỏe là vàng” và cũng thường rao giảng “sức khỏe là vàng”, nhưng chẳng có chút thực tế. Khi nằm viện đối diện với cái chết, tôi mới ý thức được cơ bản câu “sức khỏe là vàng”, và định nghĩa về sức khỏe của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO – World Health Organization): “Sức khỏe là một tình trạng thoải mái hoàn toàn về thể chất, tâm thần và đoàn thể (cộng đồng/ xã hội) chứ không hẳn chỉ là một tình trạng không có bệnh hoạn hay tật nguyền” (A state of complete physical, mental and social wellbeing and not merely the absence of disease or infirmity). Nhưng cũng không như lời khuyên của Xuân Diệu: “Trời ơi, chủ nhật, xuân hát ngoài kia, sao ông hậu Tư, năm nay mới hăm ba tuổi đầu, không chạy ra đuổi vài con bướm?”. Học mà chơi, chơi mà học. Khi học phải cố gắng hết sức, nhưng không chăm bẳm vào “cày” như Người học trò tốt của Xuân Diệu. Lúc chơi cũng phải biết cái quyền được chơi. Chơi cho tâm hồn thanh thản, cho thể lực sung mãn, chứ không phải “chạy ra đuổi vào con bướm” là chơi. Truyện Người học trò tốt, bây giờ đọc vẫn còn được, vì qua truyện này, người đọc trẻ tuổi sẽ thấy quãng đời đẹp nhất của con người (tuổi trẻ, tuổi học trò), thì cần biết chơi mà cũng phải biết học. Bây giờ có nhiều cách học, nhiều cách lấy văn bằng cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ,… nhưng với tư cách của người làm cha có con đi học, tôi khuyên lớp trẻ một khi đã học thì phải học thật, bởi nói như người xưa: “Nhân bất học bất tri lý” (Người không học, không phân biệt được phải trái, đúng sai).

Ở truyện Người học trò tốt, có chỗ Xuân Diệu dùng từ chưa đúng lắm: “Tư nền nếp, thùy mị, không hề ganh gổ với ai” [258, 31]. Thùy mị là dịu dàng, hiền hậu, biểu hiện ở nét mặt, cử chỉ, cách nói năng… và thường nói về con gái, chứ con trai mà “thùy mị” thì… khó đấy!

Và ý thức từ câu “Một tinh thần minh mẫn trong một thân thể tráng kiện”, Xuân Diệu viết nên truyện Thân thể. Truyện kể về bảy chàng trai trẻ mới đậu tú tài, tổ chức chơi thuyền trên sông, và bàn về tinh thần này để góp thêm hành trang vào đời. Giống như thời của tôi, ban tú tài (trung học đệ nhị cấp, nay là trung học phổ thông), nhất là lớp đệ nhất (nay là lớp 12), thì bạn học không chỉ những người cùng trang lứa mà còn có những người đã có vợ, có con, thậm chí đã có vài đứa con. Và cũng tò mò như họ: “Anh nào đã nếm mùi đời?” [258, 45] khi có dịp ngồi lại với nhau.

Bảy chàng trai của Xuân Diệu, trong đó có Khuông – người lớn tuổi nhất – đã có vợ theo nguyện ý của gia đình. Và Khuông thấy những bạn trẻ của mình khá… “Tội nghiệp! Bọn trai tân ấy nhiều tưởng tượng quá; họ nói chuyện một cách ngon lành; họ ca tụng và dường như ganh tị với Khuông, cho rằng Khuông đã vào trong một nguồn khoái lạc. Họ tin chắc như thế; họ giàu cái thân thể mới của họ, họ có biết đâu…” [258, 47].

Dân gian thường nói: Con cá trong lờ trõm lơ con mắt/ Con cá ngoài lờ lấm lét muốn vô. Khuông thấy “câu chuyện hơi nặng, hơi thô gia vị một thứ thầm trộm rì rào, ngập ngừng như ăn vụng, thèm muốn như trẻ con. Bởi vì bóng trăng trong cũng thở những ý điếm đàng, và trên nước chóa vòng vàng, tợ hồ một thân thể lõa lồ đang tắm. (Hàn Mặc Tử cũng có ý này trong bài thơ Bẽn lẽn: … Ô kìa, bóng nguyệt trần truồng tắm/ Lộ cái khuôn vàng dưới đáy khe – V.G)

Khuông im lặng. Phải, chàng đã già, so với sự mơ ước của sáu bạn chàng, chắc tất cả đương còn trinh. Bóng trăng như có vị đắng cay; khi chàng ngửa mặt lên, ánh sáng vào miệng chàng, chàng mỉm miệng lại.

Sáu chàng trẻ hoa tay múa chân, như trẻ nhỏ sắp được đi xem hát… Họ vui vẻ khoe bày những điều nghe góp được bấy lâu, hay xem lén trong sách vở rơi vào tay họ. Thỉnh thoảng giọng đổi thấp, kéo ra nhè nhẹ rồi bùng lên giữa một cái thác cười. Ý chừng họ đương tiếc sao họ chỉ đẩy một chiếc thuyền suông không có đàn bà, như uống một chén nước lã” [258, 47-48].

Xuân Diệu viết chuyện này, chỗ này sao giống cái thời tuổi trẻ của tôi quá, nên cứ như sống lại cái thuở cắp sách tới trưởng nghĩ toàn những chuyện tào lao, nếu không nhắc chẳng ai nhớ tới làm gì, nhưng khi được ai đó nhắc lại thì thương lắm, nhớ lắm… Trong lúc đó, “Khuông vô ý ngồi chệch sang một bên, như ngồi riêng. Chàng não nùng nghĩ đến cái kho từng trải nhem nhuốc như chàng. Chàng cũng chẳng làm chi quá đáng, chàng đã sống như mọi người, thế thôi; song chàng có một điểm trong sạch trong linh hồn, nó càng trái ngược với sự dơ bẩn mà nó khinh, mà thân thể chàng đã và vẫn yêu, khốn nạn! Chàng tiếc sáu cái thanh niên kia, chúng sẽ hấp tấp lăn vào bụi đời. Và ngực nở kia sẽ lép, và những cánh tay kia, khi co lại, sẽ còn đâu những bắp thịt nổi như những ổ bánh mì! Và còn đâu sức lực kia, vạm vỡ, chắc chắn, phồng tròn, hiện giờ đương hoài vọng như cách để tự phá!” [258, 48]. Tôi nghĩ đây là ý muốn chủ quan của Xuân Diệu, chứ không phải của anh Tú Khuông mới hai mươi lăm tuổi và cũng đã có vợ được mấy năm. Thanh niên trưởng thành lập gia đình làm gì có chuyện hễ quan hệ tình dục thì “ngực nở kia sẽ lép, và những cánh tay kia, khi co lại, sẽ còn đâu những bắp thịt nổi như những ổ bánh mì!”? Sự tưởng tượng tào lao của những người chưa hề biết mùi trai gái, không thích chuyện “âm dương tương hợp”.

Từ sự tưởng tượng phi thực tế, Khuông lên giọng dạy dỗ: “Ồ! Các em bé của tôi thèm khát đến thế sao? Tội nghiệp! Các em còn mới mẻ thực. Thân thể! Ôi thân thể của chúng ta! Tôi biết hắn đã rõ lắm rồi, các em ạ!” [258, 49]. Qua “kinh nghiệm” của mình, Khuông cho biết: “Ta vồ lấy thú vui, như mất trí. Tôi biết một người chỉ tiêu trọn cái thanh niên của họ trong hai tháng mà thôi!

Và có những người, các anh nghe chưa? Sụp ngay sau nước đầu. Ai thấy họ mà không nói: một tòa thân thể, một lầu sức lực, nghĩa là một kho khoái trá. Song họ chỉ chắc chắn ngoài mã; mới vừa châm có một mồi lửa, thì ôi thôi, họ đã sụp đổ, ho lao…” [258, 50]. Đây cũng là sự tưởng tượng tầm phào của Xuân Diệu. Mới cưới vợ, “sụp ngay sau nước đầu” là chuyện bình thường, và phần lớn là phải thế, nhưng những lần sau đó mà giống như lần đầu thì sức khỏe có vấn đề phải lo tìm thầy tìm thuốc chữa trị thôi. Và làm gì có chuyện “mới vừa châm có một mồi lửa, thì ôi thôi, họ đã sụp đổ, ho lao…”? Ba chuyện này thiếu thực tế là nói bậy ngay!

Xuân Diệu đơn cử chuyện của Thuyên nào đó: “Một đêm kia, anh lò mò trong một cái nhà lá tối om, sờ soạng đi tới chum nước, ngụm đầy một ngụm nước lạnh. Để làm gì? Để phun vào dưới cửa buồng, đặng mở khỏi kêu. Đi rón rén, sợ vấp, sợ đụng chạm, sợ té ngã, sợ bị nghe. Sợ tiếng ồn, sợ ánh sáng, sợ mình, sợ người. Để làm gì? Để nhận một cái tát tai mà không dám kêu, chỉ lo rằng cái tát kêu quá, làm người ta thức dậy. May mà người con gái đần độn ngủ lại ngay, nếu la lên thì chết. Thuyên mừng rỡ, vội vàng về chỗ để sáng sớm cút ngay” [258, 50-51]. Và Xuân Diệu thay mặt “thân thể” nói: “Ngươi đừng như thế nữa. Ngươi làm ta khó chịu vô cùng. Ngươi lại làm ta xấu hổ, nhục nhã” [258, 50]. Lại nói tào lao! Thanh niên nào huyết khí phương cương mà chưa một lần “đi chân nhện”? Thường muốn “đi chân nhện” thì đối phương phải bằng lòng và chờ đợi; còn chuyện “bất đắc dĩ”, thì có nhận cái tát tai cũng… vui thôi, bởi thân thể có khỏe mạnh mới có đòi hỏi mạnh, chứ kiểu “thùy mị” như Người học trò tốt thì ai mời cũng đỏ mặt, bỏ chạy thôi. Do đó, Xuân Diệu mượn lời thân thể trách hành động của Thuyên là… sai cả cây số.

Xuân Diệu còn dẫn chứng thêm trường hợp của Đông “khi xưa mập mạp”, thế rồi bị đau mắt. Đi khám bác sĩ. “Ông đốc tờ khám, ban cho Đông một câu: “Mắt anh rất thường, rất như thường”. Đáng lẽ phải sung sướng, Đông lại năn nỉ: “Không, tôi đau… đau mờ…”, chưa kịp nói hết thì đốc tờ bảo:

– Mắt anh chả cận thị mà chả viễn thị, không đau gì hết. Tôi biết lắm, người ta chỉ ưng mang kính trắng để ra vẻ trí thức. Anh về đi!

Đông tiu nghỉu. Về ngạc nhiên với tôi: “Mắt mờ thế này mà tốt”. Thằng ấy ngây thơ quá, tốt bên ngoài chứ sao; xấu bên trong, đốc tờ sao biết được. Đông nức tiếng là “hoang”…” [258, 52]. Lại rất chi tào lao! Chuyện này, chắc chắn Xuân Diệu suy từ câu nói dân gian: Sướng con cu mù con mắt. Và do Đông “hoang”, nên mắt mờ là phải!? Thật lòng mà nói, đây là nghĩa đen chứ không phải nghĩa bóng, song rất hiếm gặp, nhất là thời của Xuân Diệu. Bây giờ, có nhiều loại tân dược giúp cho cơn hứng dục tình khởi động nhanh và dễ bị “tối mắt”, song nằm yên chừng mấy phút là mắt sáng lại bình thường, chứ không có chuyện mắt mờ đến độ phải đi khám bác sĩ. Sức khỏe không tốt, thì chắc chắn “trên bảo dưới không nghe”, chứ không phải muốn “hoang” là “hoang” được.

Cứ theo mạch tưởng tượng, Xuân Diệu cho Khuông bàn lung tung rồi khẳng định, thanh niên mạnh khỏe cách mấy mà lao vào chuyện ái ân, thì… “Tim sẽ vỡ hơn tiếng còi vỡ nổ, hơn chiếc bình thủy tinh chạm cán quạt ngà; nếu ta thấy bao nhiêu tủi nhục đớn đau vì thân thể ta, trái tim sẽ nổ như một cái hộp gang dòn đập dưới một ngọn búa lớn!” [258, 54]. Nói chung, qua truyện Thân thể, Xuân Diệu khuyên thanh niên không nên có quan hệ tình dục, đừng dại có vợ mà hại thân thể mình. Với tôi, đây là một suy nghĩ bệnh hoạn, và chỉ dành cho những chàng trai “thùy mị” thôi!

Sợ là truyện kể về cuộc tình của người con trai tên Châu và người con gái tên Phi. Truyện này, về cơ bản là “tổng hợp” ý tưởng của hai truyện Cái giâyCái giây không đứt. Cái khác ở truyện Sợ và hai truyện Cái giây, Cái giây không đứt là cái dây ái tình ấy bị đứt, không nối lại được. Phi là cô gái mới lớn. “Mắt đẹp của cô che giấu một linh hồn luôn luôn ở trong thầm kín mơ hồ. (…) Phi không lả lơi, bồng bột. Nàng vừa lớn lên. Nàng ít nói, tuy hay cười, cười vừa đủ để có duyên thôi. Nàng chỉ nhè nhẹ, thơ thới không sâu sắc, đắm mê; nàng Á đông, Á đông từ đầu xuống chân, từ trong lòng ra ngoài mặt” [258, 57-58].

Qua một thời gian ngắn yêu nhau, “Châu không ngừng lại nơi sự êm dịu buổi đầu. Chàng yêu, chứ chẳng thương hay mến. Tình của chàng không như giòng sông thỏa mãn chảy vào trong một cái hồ rồi thì đứng lại để tự ngắm nghía sự bình yên. Tình chàng mãnh liệt đi phăng, tới luôn, tới trước, càng lâu càng rộng lớn, để một ngày kia ra nơi biển cả, được biết cuộc sống phong ba của những làn sóng không nghỉ bao giờ.

Chàng quan niệm ái tình như một sự tiến tới: cho thêm, đòi mãi, yêu dấu thêm luôn. Chàng không hề ghì sự mãnh liệt để nở dưới ánh mặt trăng, nhưng thế nào rồi cũng phải soi ánh mặt trời mới có những màu nguy nga rực rỡ” [258, 58-59]. Trong lúc đó, “Phi, trái lại, chỉ có một tâm hồn đàn bà. Nàng ưa sự xinh xẻo, sự vừa vặn, đều đều khuôn khổ như núi Ngự, sông Hương. Nàng thực lòng yêu “anh Châu” của nàng, nhưng tình cô thiếu nữ mơ hồ điềm đạm quá. Nàng sung sướng được Châu yêu, nhưng nàng không dám thấy Châu yêu đến bực nào” [258, 59]. Kết quả là cuộc tình tan vỡ, vì “Châu cho Phi nhiều quá, Phi nhận không kịp, nhận không hết, và linh hồn con gái của Phi không biết làm gì nhiều như thế kia, Phi không dám nhận nữa, Phi vẫn yêu Châu, nhưng tay nàng tự thấy rời tình, cứ muốn buông ra, để được thong thả xếp vào nơi ngực, Phi sợ!” [258, 61].

Sợi dây tình ái ấy đã đứt, Châu biết không thể nào chắp nối. Anh rầu rĩ nói: “Nàng như con ngọc trai, chỉ hé mở khi nước biển bình tĩnh êm đềm. Tôi quá xôn xao, tôi ưa sóng gió, nên trai đã đóng lại rồi, và than ôi! Đã giữ lòng tôi lại trong ấy” [258, 62]. Hiểu được như Châu là tốt và cũng là bài học cho người trai trẻ nào đó khi vướng vào những chuyện tình tương tự (không nhiều), chứ không phải cuộc tình nào cũng thế. Người xưa nói: Dục tốc bất đạt. Thực tế ở đời cũng cho thấy người càng gấp gáp sẽ càng dễ sai sót, thậm chí làm ra những việc ngu ngốc, bậc trí giả nên tránh.

Ai đã đọc Hồi ký song đôi (tập 1) của Huy Cận, và Đi hoang của Tịnh Hà (em cùng cha cùng mẹ với Xuân Diệu) sẽ thấy truyện Cái hỏa lò là truyện Xuân Diệu viết về những điều mắt thấy tai nghe ở gia đình mình. Đi hoang là nhan đề được Tịnh Hà chọn in thành sách sau này, chứ ở bản thảo ban đầu có tên là Gió cuốn bụi đời. Xuân Diệu đánh giá rất cao tác phẩm này, vì “Trong tập hồi ký của Tịnh Hà, nó viết rất cụ thể và rất sâu” [70, 121]. Ngoài ra, Xuân Diệu còn viết: “Trở lại tuổi nhỏ của tôi ở Gò Bồi. So với hồi ký của Nguyên Hồng, thì tôi kể về tuổi nhỏ của tôi còn ít quá. Em tôi, Tịnh Hà (tức Ngô Xuân Sanh), nó có viết một tập lấy tên là “Gió cuốn bụi đời”, kể cuộc đời đi hoang của nó. Trong tập ấy có rất nhiều cảnh xã hội cũ, rất nhiều sự kiện về con người thời đó. Rất nhiều mảng xem rất bổ ích. Tôi nhắc tập văn hồi ký của em tôi vì tuổi thơ của nó cũng một phần phản ánh tuổi nhỏ của tôi” [70, 120].

Nhân vật Siêu trong Cái hỏa lò chính là Xuân Diệu. Bà ngoại, má, chị Bốn trong truyện là những người có thật trong gia đình. Nhà chỉ có cái hỏa lò, má của Siêu lo tranh thủ cơm nước trước cho Siêu ăn; chị Bốn cũng tranh thủ lo cơm nước cho bà ngoại, kẻo bà ngoại rầy. Chỉ có chừng ấy mà sinh chuyện.

Má của Siêu đã ra riêng, lẽ ra phải mua riêng cho mình cái bếp lò, nhưng chắc vì tiếc tiền bởi thấy mình nấu có bao nhiêu đâu mà mua. Con trai thì cha nó bắt về ở chung nhà với mẹ cả, lâu lâu mới được cho phép tới thăm nhà đôi bữa, thì tranh thủ sử dụng cái hỏa lò trước một chút hoặc chậm một chút cũng chả sao. Và vì muốn cho con có cái ăn trước mà hai dì cháu lời qua tiếng lại. Dì nói dì phải. Cháu nói cháu đúng. Cuối cùng, bà ngoại là người đứng ra giải quyết sự bất đồng ấy. Sau khi đánh chị Bốn mấy roi, “Bà giận lắm, đá ngay vào cái hỏa lò:

– Còn giành nhau nữa thôi? Giành! Kình!

Cá với lửa, với đất trộn nhau, nước vào than, kêu xèo xèo. Luôn giận, bà đổ rổ rau, bà đập trã canh, bà hắt mớ tôm chị Bốn vừa bóc vỏ. Chỉ trong nửa phút, bao nhiêu thức ăn tan tành” [258, 69].

Bà ngoại tự nấu ăn và gọi Siêu vào ăn với bà. “Siêu nuốt cơm vào, Siêu nghe đau đau. Cơm bà nấu cứng quá. Ăn chẳng thấy ngon. Ôi, cái hỏa lò, cái hỏa lò đáng ghét!” [258, 71]. Tâm lý đứa trẻ nào chẳng thế. Đúng là “cái hỏa lò đáng ghét”, làm cho Siêu mất bữa ăn ngon, làm cho hai người thân quý của mình là má và chị Bốn mặt nặng mày nhẹ, để ngoại phải nổi giận…

Và cũng vì thấy cái hỏa lò đáng ghét, nên Siêu không chịu coi giùm nhà cho chị Bốn để chị có thời gian “đem bỏ cái hòa lò nơi gốc đa, bên cạnh đình làng” [258, 71]. Với Siêu, “Cái hỏa lò kia không được sung sướng thế; chỉ đáng vứt nó vào đống rác thôi, Siêu bèn nắm lấy hai tay chị Bốn, hăm dọa:

– Mèo ăn hết cá, bà ngầy mặc chị; em không coi đâu, chị ở nhà đó, em không coi đâu!” [258, 72].

Thù vặt của đứa trẻ sáu tuổi cũng… đáng yêu. Sinh ra và lớn lên ở vùng quê nghèo của miền Trung, nên tôi hiểu cái nghèo ở nhà nào của thời nào cũng có nhiều chuyện tương tự như thế, nhưng truyện Cái hỏa lò, không phải truyện hay, dù nó rất hiện thực. Sau này, Xuân Diệu có kể: “Trong truyện “Cái hỏa lò” (Trong tập “Phấn thông vàng”), tôi có viết là tôi thấy bà tôi lấy cán chổi đót đánh vào chị Bốn. Tôi thấy chị Bốn vừa xoa người vừa nói: “Tội quá, tội quá bà ơi!”” [70, 123].

Mèo hoangChó hoang là hai truyện ngắn trong tập Phấn thông vàng. Mới đọc qua thì tưởng hai truyện này thuộc dạng “thương vay”, nhưng đọc vài ba lần thì thấy cả hai truyện đều có ý nghĩa, buộc người đọc nghĩ khác, bởi mèo hoang không còn là mèo hoang, chó hoang không còn là chó hoang. “Dầu đói khát, dầu phải tìm vỏ tôm hay xương cá ở nơi thùng rác, dầu phải đánh cắp những bộ ruột gà người ta vứt đi, dầu khổ sở thế nào, những con mèo hoang vẫn giữ lấy vẻ quý phái – quý phái chứ không trưởng giả. Cách đi đứng, cách nhai nuốt, cách nâng nhẹ những vật thừa thãi đều có cái duyên của những bà hoàng sẩy ngôi hay những cung nữ hết thời. Chúng bước dè dặt, không muốn dính mình vào đất dơ, chúng có cái đặc tài giữ chân cẳng trơn tru, dù phải dậm qua nhớp nhúa. Và hễ thong thả, chúng liền tỷ mỷ tắm gội. Những cơn đói không bắt chúng lành tính sạch sẽ; tuy là mèo hoang, chúng vẫn còn là mèo” [258, 92]. Ông cha ta từng dạy: Đói cho sạch, rách cho thơm, nhưng cuộc sống bây giờ, nhất là một số những công bộc của dân không “đói”, không “rách” sao lại không “sạch”, không “thơm” nhỉ? Chẳng lẽ, họ thua cả thứ mèo hoang?

Sáng ngày 11-9-2013, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã họp cho ý kiến về báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế giai đoạn 2009-2012, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan “đặt vấn đề: Tại sao có sự “nhờn thuốc”, vô lương tâm của cán bộ ngành y tế từ việc bác sĩ kê đơn thuốc đắt để nhận hoa hồng, mang thiết bị vào bệnh viện thu tiền. Thanh tra, kiểm tra không phát hiện thì phải làm rõ trách nhiệm. “Ăn của dân không từ một chỗ nào, từ tiền bảo hiểm y tế của thương binh đến các cháu nghèo trường dân tộc cũng bị hiệu trưởng, ban giám hiệu “ăn” gần 3 tỉ đồng, ngay đến liều vắc-xin con con của các cháu cũng bị ăn” – bà Doan bức xúc” [192]. Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn thẳng thắn: “Báo cáo không làm rõ vấn đề y đức và dẫn vụ Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức (Hà Nội) “nhân bản” kết quả xét nghiệm và một trạm y tế xã ở tỉnh Quảng Nam làm cả giấy giả, đóng dấu giả để trục lợi. “Tôi thấy 2 vụ này bức xúc vô cùng, có đem ra bắn cũng đáng” – ông Huỳnh Ngọc Sơn gay gắt” [192].

Con người mà đem so sánh với thứ mèo hoang, thì bậy quá, nhưng đọc Mèo hoang lẫn Chó hoang của Xuân Diệu, tôi thấy dường như ông mượn chúng làm cái giá để treo tư tưởng của mình. Về Chó hoang, Xuân Diệu viết: “Húc mũi vào đống rác. Lè lưỡi trên bụi cỏ. Cào đất lên như những con gà. Con chó hoang cũng vẫn nhớ rằng không có gì trong ấy đâu, rác và cỏ, và cả đất nữa đều bị nó lục soát mấy mươi phen rồi. Nhưng tìm để mà tìm, để an ủi hay lừa dối cơn đói mà thôi. Vả lại biết đâu ông trời của loài chó lại ông rủ lòng thương mà cho gặp gỡ” 258, 97].

Cái nghèo, cái khổ của kiếp người có khác chi. Do đó, không phải vô tình mà ông cha ta nói về cái đói, cái nghèo của kiếp người “chỉ hơn con chó đôi đũa”. Và đâu phải con chó không biết phận mình. “Nó đã xin lòng thương. Nó đã được lòng thương, nhiều lắm, nhiều ngập cả tâm hồn của người đã đành tâm bỏ nó. Nhưng nó không được nghe trên lông những ngón tay chạy dài, những ngón tay lượn ngược. Lấy hai chân, lấy một chân đè lên mình nó mà mơn trớn nó cũng được; nhưng không!” [258, 99-100]. Cả nghĩ thấy cũng buồn!

Truyện cái giường cũng thế. Qua những con chữ thì người đọc thấy cái giường kể lại đời mình, nhưng ngẫm lại thì đời người có khác gì đâu. Cái giường đã có một thời… “tôi đẹp, tôi mới. Tôi lại đẹp nhất, mới nhất, không một kẻ nào cùng loài có thể sánh được kiểu tối tân của tôi. Suốt tỉnh nhỏ, người ta đều biết tiếng cái giường ở tiệm đồ gỗ X… Bao nhiêu người thèm thuồng đã đến mặc cả, nhưng túi tiền không đương nổi; và bao nhiêu người đã trầm trồ nhưng không hề dám mộng, chỉ đành tới nhìn tôi để lại về ngủ trên chiếc chõng tre” [258, 126].

Rồi đến một ngày, có cặp vợ chồng trẻ đến rước cái giường về, và cái giường “vênh vang kiêu hãnh trên chiếc xe bò nó kêu như xe thắng trận; ôi sung sướng đi qua giữa phố, khiến nghìn con mắt phải ngước lên chờ tôi, để khen ngợi tôi và ganh tị chủ mới của tôi” [258, 126]. Và cái giường đã được sống trong những tháng ngày với “một nỗi ngất ngây dìu dịu lúc khởi sự có ánh đèn trong bóng hoàng hôn chập chựng” [258, 128]. Nhưng rồi, đời cái giường cũng như đời con người: “Mười bốn năm trời, đời của tôi chẳng mấy chốc mà già với đời của người. Mọi vật đều thay bậc đổi ngôi, sự dâu bể của cuộc đời, cho đến gỗ cũng phải chịu.

Xưa kia, tôi đẹp, tôi mới. Bây giờ tôi cũ, tôi xấu, tôi hư. Những hình dáng thuở trước tân thời, bây giờ lại cổ hủ (…) Tôi càng cũ đi, sự hư hỏng càng đến gấp, cũng như một người càng già, những sự yếu đuối càng rủ nhau ùa đến thật nhanh” [258, 133-134] …

Và cái giường cũng phải chấp nhận quy luật đào thải. “Thôi, thế là hết. Người ta dựng tôi trong nhà chứa đồ bỏ này. Bắt tôi chờ đợi cái gì đây?” [258, 134]. Ngẫm lại sự đời, tôi thấy suy nghĩ này của cái giường còn hơn chán vạn người đang sống trên thế gian này. Họ cứ tưởng, họ còn có ích và sẽ được cuộc đời trọng dụng, thậm chí còn tưởng họ vẫn đẹp như thời “kẻ đón người đưa”, nên đã có những việc làm chẳng giống ai. Họ bêu tiếng xấu mà không biết, trong lúc đó cái giường tưởng như vô tri vô giá ấy lại biết hơn họ: “Lửa hồng đâu? Ta nhớ rừng xanh! Ta nhớ đời cây! Ta muốn về quê hương, quê hương chung của muôn vật muôn loài, ở đó tất cả đều như nhau, không phân biệt gì nữa.

Lửa hồng ở đâu? Lửa hồng ở đâu?” [258, 134].

Với tôi, Truyện cái giường là truyện ngắn hay.

Truyện ngắn Đứa ăn mày là truyện “máu thịt” của Xuân Diệu. Truyện này, Xuân Diệu viết về đứa em cùng cha cùng mẹ với mình. Đọc cuốn Đi hoang của Tịnh Hà, tôi nghĩ, Xuân Diệu chép từ bản thảo Gió cuốn bụi đời được Tịnh Hà nhờ đọc từ lúc ông làm tham tá nhà Đoan ở Mỹ Tho và ông giữ kỹ suốt mấy chục năm. Trích một đoạn rồi thêm thắt, sửa chữa chút xíu cho phù hợp thể truyện ngắn. Xuân Diệu chỉ đổi tên nhân vật, đưa đăng báo thành truyện ngắn Đứa ăn mày. “Thằng Miêng cũng chỉ là một con chó hoang hay một con mèo hoang. Sơn biết thế rõ lắm. Mỗi lần thấy dáng bộ thất thơ không cửa không nhà của một con mèo hay con chó, Sơn lại thương thằng Miêng, đứa em xấu số, bị nhà bỏ và cũng bỏ nhà, đi hoang” [258, 101]. Miêng là Tịnh Hà. Sơn là Xuân Diệu.

Truyện kể, một lần, Sơn và bạn bè chung lớp rủ đi ra biển chơi. Áo quần tuy không bằng bạn, nhưng Sơn có được cái áo xuyến Sài Gòn. Nhờ nó mà “Sơn hóa ra xinh đẹp, đáng yêu thêm; cậu đi dọc đường, bước hăng, tự ngắm nghía mình trong tưởng tượng. Cái áo xuyến Sài Gòn láng mướt, đẹp quá. Cô của Sơn đã may cho hết một chục bạc. Nhờ nó mà những chiều thứ năm Sơn ra vẻ học trò sang, đến nỗi đôi người bạn ngượng nghịu không dám lại gần. Anh em cười đùa Sơn, và Sơn cũng cười đùa, vô tâm, sung sướng. Cả đoàn học sinh cùng đi…” [258, 102].

Đến bãi biển, mặc cho anh em đi trước, Sơn lùi lại, định trèo hái mấy trái tra lây, thì Sơn thấy… “Dưới gốc cây, ở giữa cát vì nhớp nên đen, có lẫn những viên phẩn dê bé và tròn như hạt thuốc tể, một đứa nhỏ, một thằng ăn mày nằm ngủ. Tay nó co lại dưới đầu, làm gối. Chân nó vì lạnh gió nên cũng co lại; mặt nó khuất vì cả mình nó rút cong như con tôm. Áo quần nó bằng vải đen, nhưng cái dơ bẩn lộ trắng hẳn ra cùng những vệt mồ hôi khô, thứ mồ hôi người ta gọi “mồ hôi muối”, vì mặn lắm và đọng trắng như nước biển.

Thằng nhỏ nằm xây lưng ra ngoài đường. Cổ đầy ghét. Tóc dài phủ tai, xuống ót, làm thành một cái đuôi nhọn. Tồi tàn, gớm ghiếc, hôi hám: một đứa ăn mày. Sơn tự hỏi:

– “Con nhà ai ban ngày đến nằm ngủ nơi đây?”.

Khi ấy Sơn còn trẻ lắm, tình hay thương người hơn bây giờ, nên Sơn hay bâng khuâng lẩn thẩn như thế.

Sơn tò mò trông, trông kỹ hơn. Chân Sơn động vào cát; thằng nhỏ bỗng thức dậy, ngửa mặt ra nhìn. Thì hỡi ôi! Đó là thằng Miêng!

Đó là thằng Miêng. Thực Sơn không ngờ rằng thằng Miêng lại có thể ngủ ở đó; nếu Sơn ngờ trước, thì Sơn đã nhận ra ngay là nó, chứ không đợi phải nhìn lâu.

Sơn mất hồn, không tin hẳn rằng thằng Miêng em Sơn nằm đó” [258, 103] … Thảm quá! Nhìn nỗi sợ và cái bần, cái đói của thằng em lộ hẳn trên mặt nó. Sơn ứa nước mắt, nhưng giận quá, đánh em mấy cái. Nghe tiếng khóc và tiếng van xin của em, Sơn cũng khóc theo. “Một cậu nhỏ mười sáu tuổi, một thằng bé mười hai tuổi, hai đứa đâu là người lớn để sửa lại một cảnh đời? Chỉ có nước mắt, và những cơn quặn lòng, ruột gan xoáy lại” [258, 105].

Sơn cởi cái áo lót trắng đưa cho em thay, nhưng tiếc không mặc quần đùi nên Sơn không thể cởi quần cho em được. Sơn nhờ người bạn lớn tuổi làm ở nhà thương gần đó đưa giúp thằng Miêng về nhà. “Sơn thở dài một tiếng: không có một xu mà cho em.

– Em ơi, em về nhà; anh vào trường, em ạ!

Lời nói nhỏ và nghẹn. Sơn đi vội đến chỗ anh em bạn chơi, cách mấy trăm thước.

Không ai ngờ gì cả. Bọn thiếu niên cười đùa vui sướng. Gió biển mát, tung cái áo xuyến đẹp của Sơn lên. Một người bạn hỏi Sơn, cho sự ấy là một điều chưa từng thấy:

– Sơn, mày ăn mặc hay thực! Không có áo cánh lót trong, mà lại mặc áo dài” [258, 106].

Đoạn kết thú vị, nâng tầm hiện thực lên làm cho người đọc xúc động. Sau này nhớ lại, Xuân Diệu viết: “Tội nghiệp! “Thằng ăn mày” là em tôi. Không hiểu “Thằng ăn mày” bấy giờ nó còn ở Qui Nhơn hay lưu lạc phương nào” [70, 187].

Tỏa nhị kiều là truyện mà theo Nguyễn Lương Ngọc là “hiện thực một trăm phần trăm” [146, 136]. Truyện kể về “hai cô gái của ông chủ nhà dưới. Nhất là hai nàng Kiều không kiều diễm, mà người ta cũng chẳng chịu khóa hẳn để tôi thương xót cho được vẹn toàn.

Hai cô ở trong một gian nhà có đủ sập gụ, tủ chè, câu đối, hoành phi, có cả bộ bàn ghế Vân Nam chạm chim với trái và nạm cẩm thạch. Nhưng tôi chỉ trông qua cũng biết không phải là giàu.

Quỳnh và Giao, hai tên ngọc đặt cho hai người hiền. Họ ngây ngây thơ thơ (chứ không được là ngây thơ), họ lặng lẽ và ngơ ngác; ấy là hai hột cơm” [258, 108].

Xuân Diệu quan sát được và biết ít nhiều về hai cô gái này là nhờ Phan – người bạn ở trọ trên gác. Mỗi lần Xuân Diệu đến thăm bạn phải đi qua phần nhà dưới này. Quỳnh và Giao chỉ là “hai hột cơm”, nên tác giả “cảm thấy rõ rệt sự mờ nhạt của cuộc đời, khi trông hai cô” [258, 110]. Tác giả không ghi thời gian viết nên truyện này, nhưng nếu chiếu với thời gian ra đời cuốn sách (1939), thì Xuân Diệu viết trong thời gian học 2 năm ban tú tài (thi tú tài bán phần) ở Hà Nội; hoặc sau khi đỗ tú tài toàn phần ở Huế, Xuân Diệu trở ra Hà Nội lần thứ hai để theo học Đại học Luật và tham gia viết báo, dạy học ở Trường Thăng Long, thi ngạch tham tá… Tôi tin truyện Tỏa nhị Kiều được Xuân Diệu viết vào giai đoạn sống ở Hà Nội lần thứ hai, vì giai đoạn đầu, Xuân Diệu mới có ý định viết và tập viết. Con đường tương lai đang nở hoa đón bước người thanh niên Tây học Xuân Diệu, nên Xuân Diệu nhìn đời bằng cặp mắt tươi vui. Do đó, khi thấy hai cô con gái của ông chủ nhà của bạn đang trọ như thế, Xuân Diệu không buồn, không chán mới lạ. Với niềm vui rộng mở đang đón chờ phía trước, Xuân Diệu cũng mong muốn… “Giá họ đừng hiền lành như thế thì hơn; giá họ đàng điếm, hung dữ, trơ trẽn, lẳng lơ, tôi sẽ được vui vì thấy họ có việc. Tôi sẽ được cười nếu thấy họ đi đua xe đạp; tôi sẽ được thản nhiên, nếu thấy họ đỏm dáng chòng ghẹo bất cứ người nào.

Tôi ước được gặp họ chửi mắng người ở, đánh đập con sen, tôi mong họ ngoa mồm lên, lay động hai cặp môi đắp son đỏ choét. Tôi muốn mặt họ bự phấn, tôi cầu cho họ làm bộ làm tịch, lố lăng bao nhiêu cũng được; thà họ làm cho tôi ghét còn hơn làm cho tôi thương.

Nhưng không! Hai cô buồn buồn ngồi đó, trên trường kỷ, chờ đợi một sự gì xảy đến. Phố vắng, nhà cũng vắng: hai người anh đi chơi luôn, bà mẹ về nhà quê, ông cha lặng lờ hết ra lại vào. Hai cô cũng hết vào lại ra” [258, 111].

Đây cũng là thứ “thương vay” của người đang hớn hở đón chào tương lai rực sáng nhìn xuống phận hèn, và có những mong muốn chỉ làm toại lòng mình. Nếu hai cô Quỳnh và Giao là em, là người thân thì tác giả có mong muốn họ như thế không? Thời ấy (thập niên 30 của thế kỷ trước), ảnh hưởng lễ giáo phong kiến còn nặng; tam tòng, tứ đức vẫn còn là nguyên tắc sống của phụ nữ Việt Nam, làm sao “hai Kiều” có thể có những hành động chiều lòng Xuân Diệu? Trong lúc đó, “hai cô không có việc làm” [258, 111]. Đã không có việc làm thì lấy tiền đâu để họ sắm áo quần, son phấn, tiêu vặt… mà trách họ “chẳng mấy lúc đi chơi. Họ để cho ngày tháng qua; họ là hai cái cây” [258, 111]. Chưa hết. Xuân Diệu còn… mạt sát: “họ lại còn thua hai cái cây, bởi cây còn ra hoa, ra trái, chứ đời con gái của họ, họ biết làm gì? Không sắc, không duyên, và cũng không tiền; chỉ có hiền lành” [258, 111]. Không sắc, không duyên đâu phải là cái tội? Hiền lành đâu phải là cái tội?

Tác giả cho biết cô chị “đã có một đời chồng: chồng cô đã ly dị với cô” [258, 111]. Thế thì cô chị cũng có “duyên” đấy chứ, chỉ tiếc là không có “nợ” với người đã từng đầu ấp tay gối ấy thôi. Ông cha ta đã chẳng từng nói: Chồng con là cái nợ nần, đó sao? Dân gian cũng chẳng đã kết hợp và giản dị hóa thuyết tiền định, nhân duyên, luân hồi thành quan niệm duyên nợ rất thú vị: Chồng gì anh, vợ gì tôi/ Chẳng qua là cái nợ đời chi đây/ Mỗi người một nợ cầm tay/ Người xưa nợ vợ, người nay nợ chồng, đó sao? Lẽ ra, tác giả phải thương cho cô chị, cầu mong cô chị sớm tìm được “cái nợ chồng con” để hưởng được sự vui buồn cần thiết trong cuộc đời chứ, huống gì cô chị “có một tật nhỏ nơi chân: Bước của cô cao thấp không đều” [258, 109]?

“Cô em có một chờ đợi: là chồng. Nhưng có lẽ cô đã hơi biết rằng nỗi mong mỏi ấy gần với một viễn vọng” [258, 111]. Sao biết? Thầy bói à? Ở đời, không ai có thể nói trước được chuyện gì. Ngay trong sự nghiệp văn chương, Xuân Diệu vẫn nghĩ: Ta là Một, là Riêng, là Thứ Nhất (Hy Mã Lạp Sơn) và nhận được nhiều lời tụng ca, kể cả tụng ca nhảm kiểu như: “Chính cả cái vẻ xù xì, thô thiển nhiều khi vụng về đến mức làm phật lòng bạn đọc khó tính, chính cả cái đó đã làm nên trọng lượng những câu thơ của ông” [35, 144]. Xin lỗi, người đọc tinh tường lắm chứ không như Đoàn Thị Đặng Hương nói đâu. Đông Trình kể trên chuyến tàu lửa từ Hà Nội vào Thanh Hóa, có mấy cô sinh viên đang bình thơ Xuân Diệu mà không biết Xuân Diệu và Đông Trình ngồi ở phía sau. “Một ngày sau khi đến Thanh Hóa, chừng như đêm hôm rồi, anh Xuân Diệu khó ngủ. Gặp nhau ở bàn trà nhà khách, anh nói với tôi: Này ông, mình rút ruột ra mà làm, ấy thế mà có bài bị người ta “phê” đấy ông anh ạ! Nghe họ “phê”, mình nóng mặt, chứ từ lâu nay có ai dám cả gan phê thơ tình Xuân Diệu? – Ôi! Cái chuyện vớ vẩn trên xe trên tàu ấy mà… Đến ga rồi, một tiếng còi hú lên là xóa! Xuân Diệu cãi: Xóa thế nào được! Đêm qua mình nằm đọc lại mấy bài ở cuối tập – NHẬP VÀO CÁNH SINH VIÊN ĐI TÀU ẤY MÀ ĐỌC – HÓA THÂN VÀO NGƯỜI KHÁC MÀ ĐỌC LẠI MÌNH – Đúng là mấy bài ấy không hay như mình vẫn chủ quan, do nhà xuất bản muốn có “cái mới” nên phải chiều! Rồi nghiêm túc và một chút bùi ngùi, ít khi thấy anh Xuân Diệu đáng thương như vậy: Là nhà phê bình, ông phải nói hộ điều ấy cho anh em!…” [39, 164-165]. Dẫn như vậy để thấy chuyện đời cứ tưởng thế mà không phải thế đâu. Thơ mà “thô thiển”, “thô thiển nhiều khi vụng về”, thì làm sao gọi là thơ được, làm sao có thể “làm nên trọng lượng những câu thơ của ông”? Đọc không được nhiều, nhưng tôi tin chắc ngoài Đoàn Thị Đặng Hương, không có ai đọc văn chương mà lại cho rằng “những tì vết trong những bài thơ, trong sáng tác của ông quyết không phải là một sự cẩu thả mà đó là những điều cố tình để làm nên một Xuân Diệu” [35, 144]. Cũng là người sống bằng nghề cầm bút, tôi rất thích nịnh, song gặp phải ai nịnh kiểu ấy, chắc tôi nhanh chóng co giò tháo chạy cho xa, chứ không thì máu dồn lên mặt rồi đứt gân máu mà chết, tiếc lắm.

Chuyện văn chương còn như thế, huống gì chuyện đời sớm nắng chiều mưa? Biết chăng đâu cô Quỳnh, cô Giao ấy sau này một bước lên bà, thậm chí có khi Xuân Diệu phải bẩm phải trình mà không nghĩ tới đấy thôi. Nhìn chung, Tỏa nhị kiều là truyện đọc được, song tôi không thích cách nghĩ của tác giả.

Dưới nhan đề Thư tình, mùa thu, Xuân Diệu ghi: Tùy bút. Nếu đây là tùy bút thì bài tùy bút duy nhất trong tập Phấn thông vàng. Nhưng tùy bút là gì? Theo Từ điển Tiếng Việt, tùy bút là “Thể ký ghi lại một cách tương đối tự do những cảm nghĩ của người viết, kết hợp với việc phản ánh thực tế khách quan” [232, 1067]. Theo Nguyễn Xuân Nam, tùy bút là “Một thể loại văn xuôi phát sinh từ thể loại ký, gần với bút ký, nhưng cách viết tự do và tùy hứng nhiều hơn. Nhà văn dựa vào sự lôi cuốn của cảm hứng, có thể nói từ sự việc này sang sự việc khác, từ liên tưởng này sang liên tưởng kia… để bộc lộ những cảm xúc, những tâm tình, phát biểu trong những suy nghĩ, những nhận xét về con người và cuộc đời. Bản ngã của nhà văn được thể hiện trong tùy bút gần như trong thơ trữ tình. Tùy bút là thể giàu chất trữ tình nhất trong các loại ký.

Không nên lẫn lộn lối viết phóng khoáng với lối viết tản mạn tùy tiện. Những sự việc, những con người trong tùy bút tuy có thể không kết thành một hệ thống theo một cốt truyện, hay theo một tư duy luận lý chặt chẽ, nhưng tất cả vẫn phải tuân thủ trật tự của dòng cảm xúc, cái logic bên trong của cảm hứng tác giả. Và tất nhiên là sự việc được kể lọc qua các nhìn của chủ thể thẩm mỹ vẫn phải chân thực.

Giá trị của tùy bút là những suy nghĩ thâm trầm sâu sắc rút ra từ những sự việc tưởng như riêng tư, bình thường. Sức lôi cuốn của nó còn ở ngôn ngữ chứa đựng nhiều hình ảnh bất ngờ kỳ thú, và sự khám phá chất thơ của cuộc sống” [159, 1888].

Từ “ni tấc” ấy, tôi đọc lại Thư tình, mùa thu và chẳng thấy tùy bút, tùy viết gì. Mở đầu bài viết, Xuân Diệu giới thiệu: “Đây là tám bức thư tình của một người trẻ gửi cho một người trẻ. Này, bạn đọc! Hôm nay mùa thu đã rõ rồi đấy. Tôi biết lòng bạn run run, lành lạnh, nho nhỏ ngân nga vì hơi heo may. Tám bức thư tình. Một kho ấm áp bạn đừng ngay thẳng quá. Những bức thư hờ như thế, bỏ quên trong ngăn kéo, ta bắt được tội gì không xem? Đây, tôi đọc cho bạn nghe, – hay là tôi chép lại” [258, 115]. Và Xuân Diệu đã chép lại “tám bức thư tình” ấy. Tám bức thư bình là nói cho sang, chứ thật ra chỉ tám mẩu ghi chép vụn vặt của chàng trai mới lớn đang mơ về một cô gái tên Chi nào đó, giống như ghi nhật ký:

Cửa sổ nhà em khép lại như những mí mắt buồn ngủ.

Lỗi của gió, của mưa, của mù.

Anh cứ đi qua luôn, ngừng lại một chút, rồi thẳng đường đi…

Lỗi của đôi chân không biết trái lệnh lòng yêu sai khiến” [258, 123]

Theo Xuân Diệu, tám bức thư tình ấy là “Tình yêu phác họa từng nét đơn sơ. Đây hẳn là một chàng trai Á đông, muốn dùng những câu ngắn để tả mối tình dài, muốn văn chương một chút, biến những bức thư con thành những bài thơ nhỏ” [258, 123].

Nếu tám bức thư tình này là “những bài thơ nhỏ”, thì Thư tình, mùa thu là bài bình thơ, mà bình thơ không tới nơi tới chốn. Nhìn lại sáng tác của Xuân Diệu trước 1945, ngoài hai tập Thơ thơ  và Gửi hương cho gió, Lưu Khánh Thơ viết: “Khao khát tình yêu cuộc sống, trải lòng ra đến tận cùng với tình yêu. Đó là âm hưởng chính trong truyện ngắn và bút ký của Xuân Diệu trước Cách mạng. Nhưng bên cạnh âm hưởng chính đó còn một mảng đề tài nữa mà Xuân Diệu hướng tới. Đó là số phận của những con người nhỏ bé, cam chịu và nghèo khổ. Chúng tôi nghĩ rằng ở mảng đề tài này văn xuôi Xuân Diệu có nhiều đóng góp thiết thực hơn. Bởi vì tình yêu, những trạng thái của tình yêu đã được Xuân Diệu nói đến nhiều trong thơ một cách tài hoa và đạt hiệu quả hơn. Xu hướng văn chương lãng mạn nhưng không tách rời hiện thực đã tạo cho văn xuôi của ông một bộ mặt đầy đủ và hoàn chỉnh hơn” [274, 14].

Qua những gì tôi đã trình bày, thì nhận định này có phần quá ngưỡng so với những gì Xuân Diệu đã thể hiện trên giấy. Theo Thanh Lãng: “Xuân Diệu là một nhà thơ lãng mạn nhất, lãng mạn trong ý thơ, lãng mạn trong lời thơ, táo bạo trong cả lời lẫn ý. Ngần ấy thứ, táo bạo, lãng mạn, Xuân Diệu đã đem nó gửi thác trong Phấn thông vàng” [188, 751]. Ở chương Tiểu thuyết thế hệ 32, trong cuốn Bảng lược đồ Văn học Việt Nam, quyển hạ, Thanh Lãng tạm chia ra làm 8 ý hướng (đấu tranh, tình cảm, thi vị, truyền kỳ, hồi ký, hài hước, phong tục, tả thực). Và tập truyện ngắn Phấn thông vàng, được Thanh Lãng xếp vào ý hướng thi vị.

Ở giai đoạn cầm bút này của Xuân Diệu, về cơ bản, tôi thống nhất với Vũ Ngọc Phan là “dù ở văn xuôi hay ở văn vần, bao giờ Xuân Diệu cũng là một thi sĩ, một thi sĩ rất giàu lòng yêu dấu” [244, 724], dẫu trong các tập thơ văn của ông vẫn còn có những bài… ăn độn.

Trên báo Ngày nay, ngày 20-2-1938, Xuân Diệu có vở kịch ngắn một hồi một cảnh: Đóa hồng. Vở kịch này có bốn nhân vật: Dung, Huyền, Con chó Tyty và Đóa hồng. Những lời thoại của nhân vật quá kém. Bây giờ, đọc lên nghe… ngượng ngượng, và chẳng mạch lạc gì cả. Chẳng hạn:

“HUYỀN, câu muốn nói lại đến – Em không… (khó quá, nói chếch đi) em không thấy con ong đằng kia ư? Nó kêu vù vù. Lại như trước: em không… em có lần bị ong đốt chứ? chỉ một con đi lạc thôi, ta còn nhỏ, cho là ruồi, giơ hai tay chụm lại làm vợt, úp lấy… (quyết định) này Dung, em không… chờ anh sao, mà ra vẻ ngạc nhiên khi thấy anh đến.

DUNG – Anh nghi ngờ thêm chút nữa; không chờ anh thì ra đây đứng… Em chỉ ngạc nhiên vì đóa hoa hôm qua còn nhỏ, hôm nay bỗng lớn, thêm vào, nhân lên, tung ra, như sẵn lò xo ở trong.

HUYỀN – Hôm qua gói lại, cánh sắp xoắn nhau, bây giờ mở bung. Búp thì bằng mấy tuần, mà chỉ trong một chốc, đã thành đóa. Sắp đặt thì lâu, chứ hoàn thành là công việc nhanh chóng cuối cùng. Cũng như em bắt anh mòn mỏi trong hàng năm, nhưng mà cái ngó sáng và nghiêng để cho anh đọc lòng chỉ thoáng trong một liếc; bao nhiêu thời giờ mới được một giây không có thời giờ…

DUNG, ngó Huyền vừa mân mê đóa hoa – Biết đâu búp hoa không nở thầm trong dạ.

HUYỀN, mắt lim dim xa – Ờ, biết bao nhiêu cái thầm… Mạch nước trong lòng đất ở dưới chân ta, thầm chảy cho đến lúc người ta đào cái giếng kia… (Nói lảng) giọt sương thầm giữa hai cánh hoa này, Dung, em trông”, vân vân… Nói chung từ kém tới kém, nên sau kịch ngắn này, tôi không thấy Xuân Diệu viết kịch nữa.

Trên báo Ngày nay, ngày 13-3-1938, Xuân Diệu có viết truyện vui: Cái thiếp mời. Truyện này không dài gì lắm, nên tôi xin chép lại để biết thêm ngày đó, Xuân Diệu có “thử bút” qua nhiều thể văn.

Cái thiếp mời

Truyện này, khi xưa tôi nghe thì tôi cười nhiều lắm; nhưng giờ tôi kể lại, tôi chắc nhạt phèo.

Ở trường công nọ, ông Chính làm giám thị, ông Hưng làm thư ký, và ông Tạo giáo sư. Ông Tạo thích yến ẩm (mồm ông rộng và dày); ông Chính môi mỏng, và ông Hưng thì hà tiện, ít giao thiệp với ai. Năm ấy con ông vừa đậu thành chung, sau mười năm học ở trường. Người ta đều nghĩ rằng ông Hưng nên đặt một bữa tiệc là phải, mời các ông giáo, bạn ông đã dạy con ông lâu ngày: thủa ấy, đíp-lôm là văn bằng lớn, và lại cậu A… sắp đi tây.

Nhưng món nợ này, ông Hưng làm lơ không trả. Ông Chính hóm hỉnh và ỷ rằng ông Hưng hiền lành, bèn sắp đặt một mưu: viết thiếp giả làm lời ông Hưng mời các ông Đàn, Minh, Thâu và nhất là ông Tạo…

Đêm ấy, ông Hưng vui rằng nhà ông bấy lâu vắng vẻ, lại có bốn khách đến, mặt mày hớn hở, áo quần bảnh bao. Khách hơi ngờ ngợ vì trong nhà bàn ghế vẫn như thường, đèn không sáng thêm, và không có mùi gì báo trước. Nhưng họ liền nhớ rằng chủ giản tiện, đơn sơ.

Hai bên uống trà, nói chuyện. Tình cờ trà thêm ngon hơn mọi bận, ông Tạo cho rằng vì… Mười lăm phút qua. Đã đến giờ hẹn. Nửa giờ qua. Giờ hẹn qua rồi. Chủ tình cờ trông ra đường, khách cho rằng mong người đến trễ. Chủ tình cờ ngó vào nhà trong, khách cho rằng để dò xem đã “xong” chưa.

Chủ đương vui, bảo tiếp thêm trà. Khách không dại gì choảng cả bao tử bằng nước. 45 phút qua… Đã nóng ruột, ông Tạo nhìn ra đường, cốt chờ người nào đó tới trễ; chủ tưởng khách muốn về, nên niềm nở hơn. Một giờ qua… Khách hiểu ý nhìn vào trong nhà ngỡ là muốn cậu tân khoa ra chào…

Một giờ mười lăm phút qua. Khách ngó nhau, chân rục rịch không yên, và bụng đã bắt đầu đói gắt. Một giờ rưỡi qua… khách không chờ được nữa, mặt hơi nhăn vì đói. Chủ cũng chẳng no gì. Khách la rằng chủ cứ ngồi ỳ, không mời vào tiệc. Chủ tức rằng khách sao ngồi mãi, để trong nhà vợ con chờ cơm, và dưới bếp, đứa con nít đã khóc inh lên.

Và như thế, vân vân… cạn hết hai giờ chờ đợi. Khách không ngu gì mà không hiểu rằng bị lừa. Chủ cũng mang máng thấy điều ấy… Gượng gạo từ giã nhau, vân vân…

Hôm sau, ông Hưng kình lộn lần đầu với ông Chính, vì một cái ngòi bút. Và đêm hôm ấy, ông Chính cùng ông Tạo làm vỡ năm cái bát và một bóng đèn vì nhau.

XUÂN DIỆU

Qua đây, chúng ta thấy rằng không phải ai sinh ra đời muốn làm nhà thơ, nhà văn ắt là sẽ thành nhà thơ, nhà văn mà phải học, phải đọc, phải thử bút, phải rèn luyện… mới có chút hy vọng thực hiện phần nào ước mơ của mình. Cuộc sống không có mục tiêu/ mục đích thì trở nên vô nghĩa. Khi con người xác định được mục tiêu/ mục đích cho đời mình, thì nó sẽ hướng dẫn ta biết cách sử dụng thời gian và năng lượng. Dẫu Nỗi đời cơ cực đang giơ vuốt/ Cơm áo không đùa với khách thơ, nhưng lắm người thường sẵn sàng chịu đựng để đạt được những mục tiêu/ mục đích mà họ cho rằng đáng giá trong cuộc sống. Do vậy, những gì được gọi rằng đúng rằng sai ở đây cũng chỉ là nói theo tinh thần “Mua vui cũng được một vài trống canh” mà thôi. Và hãy mạnh dạn xác định mục tiêu/ mục đích cho đời mình!/

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây