Miền tháp cổ – Tác giả Vũ Hùng – Kỳ cuối

Miền tháp cổ - Nhà nghiên cứu Vũ Hùng

Untitled 1 10 - Miền tháp cổ - Tác giả Vũ Hùng - Kỳ cuối

NHÀ XUẤT BẢN ĐÀ NẴNG

Untitled 2 - Miền tháp cổ - Tác giả Vũ Hùng - Kỳ cuối

Tác giả Vũ Hùng

 

Miền tháp cổ

Nhà nghiên cứu Vũ Hùng

Những dòng sông trong vắt đầy chất thơ lại nghèo phù sa. Tháng ngày mưa lũ dồi dào phù sa nhưng lại gấp gáp đổ ra biển cả. Sông của miền Trung là vậy. Con sông Thu Bồn trong xanh trải qua bao mùa lũ lụt miệt mài chắt chiu mới bồi tụ nên lớp màu mỡ đôi bờ, tạo nên những làng quê trù phú. Làng Đông Yên, làng Thanh Châu là những làng quê tằm tang ven sông Thu. Những tên làng đã gợi lên sắc xanh thanh bình êm ấm. Đông Yên là quê mẹ của tôi, Thanh Châu là quê cha. Hai làng cách nhau một nửa buổi đường đi bộ.

Thuở nhỏ, mỗi lần theo mẹ về ngoại có lúc đi tắt men bờ sông rồi qua Cụp Chiêm Sơn. Vào những ngày nắng gắt, đi dọc bờ sông qua những bãi dưa hồng, dưa gang, đôi chân trần như muốn dộp lên vì cát nóng. Nóng quá, tìm nơi có vài bụi cỏ thưa đứng lên một lát rồi lại đi tiếp. Cụp là hòn núi thấp nhô ra bãi bồi ven sông, có con đường đất nhỏ ngang qua chỗ nhô ấy để về bên quê ngoại.

Quê tôi có những con đường mòn qua núi vào rừng lấy củi gỗ gọi là dốc, như Dốc Dựng, nếu hiểm trở hơn gọi là đèo, như đèo Di Lộc, nhưng không hiểu vì sao nơi đây gọi là cụp. Có lẽ vì nó không hiểm trở như đèo, cũng không cao như dốc. Cụp Chiêm Sơn là Cụp Núi Chiêm. Không hiểu vì sao núi thì gọi là núi Chiêm, làng thì có làng Chiêm Sơn, nhưng để chỉ con người thì dân quê tôi không gọi là người Chiêm, mà thường gọi làngười Chàm hay người Hời, có khi gọi là người Chiêm Thành, người quê không phân biệt tên nước với tên dân tộc. Còn tháp của họ gọi là tháp Chàm hay tháp Hời, gạch Chàm hay gạch Hời, không nghe gọi tháp Chiêm, gạch Chiêm. Người Chàm cõi âm thì dân quê tôi gọi ma Hời, vàng có hình trái chuối, nải chuối nhặt được dưới lòng đất gọi là vàng Hời. Sau này ra học ở Huế, đọc về di tích thành Lồi, tôi mới hiểu thêm người Chàm còn gọi là Lồi. Tên Chăm mới có sau này. Chămpa hay Champa chỉ có trong sách vở.

Người Chàm là thần dân của nước Chiêm Thành xưa, là chủ nhân của những phế tích đền tháp bí ẩn trên mảnh đất này, nay chỉ còn mơ hồ trong ký ức người lớn tuổi. Chàm, chẳng có chút gì là miệt thị cả. Tôi thích tên Chàm, tên đất nước của họ là Chiêm Thành như dân làng tôi xưa nay thường gọi mỗi khi kể về họ.

Chiêm Sơn còn là tên của một làng gần cụp gắn liền với lễ hội Bà Chiêm Sơn hàng năm. Dân gian kể rằng, ngày xưa dân làng làm ruộng phát hiện một tượng đá hình người, tám người khiêng về, nhưng khi qua một ngọn đồi thì đứt dây, tượng như bám chặt vào đất không làm sao di chuyển được nữa. Người dân tin rằng Bà đã chọn nơi an vị, nên xây một am thờ tại đó. Am ấy bây giờ trở thành Dinh Bà Chiêm Sơn linh thiêng, pho tượng sa thạch xưa có bảy đầu rắn thần Naga đã được sơn son khoác y trang áo mão.

Là yết hầu của con đường nên trong chiến tranh hai bên thường phục kích tại cụp, trở thành nơi chết chóc, vất vưởng của những hồn ma. Người cô ruột của tôi đi chợ Trà Kiệu về lạc giữa hai làn đạn chết tại đây. Người ta tránh qua đây vào ban đêm hay giữa trưa hoang vắng.

Làng Đông Yên của mẹ tôi ở phía nam của cụp, gần cố đô Trà Kiệu tráng lệ một thời của nước Chiêm Thành. Trà Kiệu còn có tên gọi theo Phạn ngữ là Simhapura, kinh thành Sư Tử. Trải qua bao thăng trầm binh lửa, nay hầu như không còn dấu vết nào của một đế đô xưa vang bóng một thời. Không có một làng nào còn di duệ cư dân kinh thành xưa như họ Trà làng Đồng Dương, họ Ông làng Phong Lệ, họ Chế làng Cẩm Toại.

Những năm chiến tranh, nhiều lần mẹ gửi tôi về quê ngoại. Lúc đó ông bà ngoại đã qua đời do rừng thiêng nước độc thời tiêu thổ kháng chiến khi lên vùng Tý Sé Dùi Chiêng đầu nguồn sông Thu. Làng Đông Yên ngày ấy xanh rợp vườn tược cây trái. Có những buổi chiều cùng các anh con của cậu đi bắn chim bằng ná trong các khu vườn tôi không thể nào quên. Thoảng nghe mùi mít thơm, các anh trèo lên cây thả xuống một trái. Mít ướt vỡ ra thơm lừng một góc vườn. Dùng tay bóc múi mít ướt to tròn vàng ươm màu kén nhộng bỏ vào miệng, lừa hột nhả ra, ngậm mà nghe cái vị ngọt dịu từ từ trôi xuống dạ dày. Tối ngủ, vẫn thoang thoảng hương mít thấm ra da, qua hơi thở.

Quê ngoại tôi ngày ấy luôn luôn nhộn nhịp tiếng dệt cửi thoi đưa và ngưòi qua lại mua kén ươm tơ dệt lụa. “Mai vang tiếng cửi, chiều chiều tơ giăng”. Con gái làm nghề ươm tơ dệt lụa chỉ ở trong nhà nên tóc đen mượt, nước da trắng trẻo. Tương truyền, một vị chúa Nguyễn khi qua đây cũng đã say đắm một thôn nữ hái dâu tài sắc và trở thành quý phi, phong là Hoàng hậu, sau khi chết người dân trong vùng tôn vinh là Bà Chúa Tằm Tang.

Nhà cậu Ba của tôi ở làng Chiêm Sơn Đông, trong lòng cố đô Trà Kiệu, ba hướng là núi bao bọc, phía mặt trời mọc là dòng sông Bà Rén chảy qua, giữa vùng đất bằng phẳng nổi lên hòn Non Trược, gợi cho ta liên tưởng đến yoni – linga của người Chàm. Người lớn tuổi bảo rằng ngày xưa có một ngôi tháp Chàm bên hòn núi ấy. Trên hòn núi bây giờ là một nhà thờ công giáo. Ngôi nhà tranh tre của cậu Ba ở giữa cánh đồng, cạnh một ngôi tháp Chàm cổ rêu phong, gọi là tháp Dương Bi, xóm ở đó cũng gọi là xóm Dương Bi. Ban đêm nhìn sang âm u ma quái. Tôi còn nhớ nhiều người ở đây có màu da ngăm đen, mắt sâu, sống mũi dài, tóc gợn sóng.

Những lần về giỗ cậu Ba, anh chị con cậu tôi kể về khu tháp ấy. Trong chiến tranh ác liệt, khu đền tháp với ngọn tháp chính sừng sững và đống gạch đổ nát bên cạnh cây leo bu bám chằng chịt như che chở ẩn mình, chung quanh là nền tường gạch bao bọc nấp dưới cỏ xanh um tùm. Gia đình cậu tôi có thửa ruộng sát chân khu tháp, mỗi khi làm đồng áng các anh chị con cậu tôi thường vào khuôn viên khu tháp nghỉ ngơi. Họ kể rằng tường tháp có hoa văn rất lạ, trong lòng tháp chính tối tăm, dơi rất nhiều. Trong khuôn viên khu tháp có một ngôi chùa cũ, sụp đổ một phần.

Năm 1979, khu tháp vẫn còn, ngôi tháp chính hình lục giác như tháp Bàng An ở Điện Bàn, nhưng đồ sộ hơn(1). Do lỏng lẻo trong quản lý di sản vào thời ấy, vài năm sau đền tháp đã biến mất. Một số người dân chung quanh lấy gạch về sử dụng, vị sư trụ trì tại chùa có khuyên can cần gìn giữ bảo vệ di tích quý này(2). Nhưng khi xã sử dụng gạch tại đây để xây dựng các công trình của hợp tác xã thì tháp Dương Bi mới hoàn toàn biến mất.

Nhìn khu nhà hợp tác xã cũ xây từ gạch tháp nay vẫn còn, cách khu tháp năm ba trăm mét, ngẫm về sự bí ẩn và kỳ diệu của những viên gạch của người xưa, không khỏi xót xa về một di sản thấm đẫm hồn cốt ký ức của một miền đất, từng trụ vững trên ngàn năm tuổi trước sức tàn phá của thời gian nhưng nhanh chóng biến mất bởi bàn tay con người(3).

Một lần về giỗ cậu, tôi đến khu tháp, trên cái nền tháp cũ đã mọc lên một ngôi chùa nhỏ dưới bóng cổ thụ có tên chùa Dương Bi, còn có cái tên khác mang âm hưởng Chàm là chùa Trà Sơn, chánh điện có tượng phật Thích Ca, nhưng khung sườn của chùa là những phiến đá ốp của tháp Chàm xưa. Sau này, ngôi chùa ấy cũng tiếp tục dỡ bỏ, thay thế bằng ngôi chùa hoàn toàn mới và bề thế. Nhưng phía sau chùa vẫn còn giữ lại gò đất nền tháp cũ, chung quanh vương vãi gạch đá của khu tháp xưa. Những phiến đá ốp tháp được làm khung chùa cũ vẫn còn để riêng một góc khuôn viên chùa. Nền móng các tháp cổ, tường bao và hố thiêng của khu đền tháp cổ ngàn năm tuổi này chắc hẳn vẫn còn dưới lòng đất.

Trong giỗ cậu, có cụ bảo rằng nếu tháp vẫn còn chắc đã được tu bổ, du khách đến Mỹ Sơn sẽ dừng lại tham quan, cái xóm Dương Bi ni có thêm bóng dáng của người bốn phương lui tới.

Dọc dải đất miền Trung không hiếm những địa điểm người Chàm xưa chọn xây đền tháp đã trở thành nơi dựng chùa chiền, đền miếu mang dấu ấn tiếp biến văn hóa như chùa Trà Sơn quê ngoại tôi. Năm 1667, chúa Nguyễn Phúc Tần đi chơi tại cửa Tư Dung đã cho “dời” một tháp Chàm cổ nổi tiếng linh thiêng trên núi Quy Sơn đi nơi khác để xây một ngôi chùa thờ Phật(4).

Quê nội tôi cũng có nhiều dấu vết Chàm. Có chợ La Tháp, gần chợ có Gò Tháp là nghĩa địa của làng, liền kề là làng La Tháp, nơi một người cô của tôi làm dâu, có nhà máy gốm sứ La Tháp một thời. Theo những người cao niên trong làng, ngày xưa từng có một ngọn tháp Hời tại gò đất nghĩa địa ấy, tại địa danh Trà Nê trên lối vào làng La Tháp cũng từng có một tháp Hời.

Cây gáo đầu làng to lớn tỏa tán âm u là chốn thiêng liêng, có am thờ Bà Thu Bồn, còn gọi là Bà Phường Chào, Bà Bô Bô, một nữ thần Chàm. Mỗi năm làng tôi đều tham gia đua ghe vào lễ vía bà Thu Bồn. Ghe đua gọi là ghe Bà. Sau lễ, ghe được để ở trong cái chòi tranh ngoài bãi bồi. Có những đêm, nhìn ra bãi bồi, ánh đèn le lói ở chòi tranh như cõi ma Hời.

Bà nội tôi kể rằng, ngày xưa vùng đất này còn hoang vu, người Chàm và người Kinh sống gần nhau. Người Kinh bèn thách đố người Chàm bên nào làm tháp nhanh hơn sẽ thắng, người thua phải nhường đất. Người Kinh làm tháp bằng tranh tre và giấy nên rất nhanh, người Chàm làm bằng đất nung nên chậm, bị xử thua phải nhường đất, bỏ đi. Qua nhiều lần như vậy, người Chàm dần dần lùi xa, không còn trên quê tôi nữa.

Những câu chuyện như thế in sâu vào trí tưởng tượng ngây ngô của trẻ con chúng tôi.

Thi thoảng, tôi nghe người làng làm vườn còn đào được mảnh sành từ đồ dùng của Chàm, đào được cái mâm hay nải chuối cau bằng vàng Hời.

Cách làng tôi non nửa buổi đường đi bộ là khu rừng rậm phế tích thánh địa Mỹ Sơn thâm u huyền bí. Người ta tin rằng ai vào đó sẽ bị ma Hời bắt đau chết. Khi người Pháp phát hiện các công trình kiến trúc đồ sộ phủ đầy cây rừng ở đây, nghe nói trên các pho tượng bằng đá sa thạch cũng được trang trí bằng vàng.

Vàng gắn liền với các đền tháp thiêng liêng và kinh đô của người Chàm. Sử còn ghi, kinh đô Trà Kiệu bị đánh chiếm, tàn phá và lấy đi vô số vàng, tượng vàng. Một vị tướng Tàu là thứ sử Giao Châu, sau khi tàn phá Trà Kiệu, đã cướp đi hàng chục tấn vàng trên các đền tháp, về sau chết một cách bí ẩn.

Trong đời sống tâm linh người dân quê tôi cũng có bóng dáng người Chàm. Ông nội tôi bảo rằng treo đồ cúng trên cây nêu giữa sân nhà vào ba mươi Tết là cho ma Hời ăn Tết. Cúng âm linh, cúng đất đai cũng vái ma Hời.

Ngày trước, làng tôi còn nhiều cây gòn. Đầu làng, hai bên con đường đất là những cây gòn cao tỏa bóng mát. Tán cây vươn phủ mái nhà, thân màu xanh lục, trái cũng màu xanh treo lủng lẳng như trái xoài. Khi khô, trái ngả màu vàng xám, nứt bung chùm bông trắng tinh, tơ theo gió lơ lửng trên không, là đà xuống mặt đất. Người làng tôi lượm những trái gòn khô rụng lấy bông se làm tim đèn dầu hỏa thắp hằng đêm hoặc làm tim mồi cho hộp quẹt lửa. Bây giờ, đọc sách mới biết rằng người Chàm xưa từng dùng bông này dệt vải, cổ sử Tàu gọi là vải Cát Bố hay Cổ Bố. Có thể người Chàm ngày trước cũng đã dệt vải từ bông của những trái gòn này. Bây giờ làng tôi vắng hẳn bóng cây gòn.

Xứ Quảng, miền đất Chàm xưa mà dấu vết còn soi trên bóng tháp, lặng lẽ trong từng huyết quản, ẩn trong lòng người. Một thời sừng sững khắp miền Trung, nay chỉ còn rơi rớt những ngọn tháp lẻ loi giữa đất trời, như hồi quang của một thời vàng son, gợi lên bao suy ngẫm hưng phế tồn vong.

Làm sao mà biết được trong huyết quản của người dân quê tôi có bao nhiêu giọt máu Chàm, nhưng có những yếu tố Chàm đã hòa vào cuộc sống cho đến tận bây giờ. Một nhà nghiên cứu khả kính đưa ra giả thuyết gây chú ý rằng giọng Quảng quê tôi là giọng nói của ngươì cha Thanh Nghệ Tĩnh với người mẹ Chàm. Không hiểu vì sao người dân quê tôi, khi làm bánh thuẫn vào dịp Tết, lấy một đoạn lõi chuối non làm cốt, ghim tăm tre chung quanh để cắm những chiếc bánh vàng nâu chung quanh như hình cái tháp Chàm trang trọng để trên bàn thờ tổ tiên. Cái ăn hàng ngày của người dân quê là mắm cái mang dấu vết Chàm. Trong những ngày cúng đình, cúng xóm, chạp mả hay ngày giỗ tổ tiên, cùng với hương hồn tổ tiên nghi ngút khói trên bàn thờ, còn có thần Thiên Y A Na Diễn Phi Chúa Ngọc, chủ ngung Man nương, chúa Lồi, ma Hời cùng hưởng…

Những điều ấy cho thấy con người trên mảnh đất này ngày hôm nay chưa mất đi mối quan hệ tâm linh và máu thịt với một dân tộc đã từng chung sống với bao thăng trầm.

Như những chi lưu từ ngọn nguồn hòa vào làm nên dòng sông mẹ, từ khởi thủy và trong suốt quá trình tồn tại, nhiều dân tộc anh em đã hòa vào dòng chảy Việt. Lịch sử đã nhào nặn nên sự hòa huyết và dung hợp văn hóa Kinh – Chàm, cùng những chi lưu khác, văn hóa Chàm đã hòa vào và lắng đọng làm phong phú hương sắc phù sa dòng chảy lớn bản sắc Việt.

Bây giờ, mỗi lần về thăm quê ngang qua Cụp Chiêm Sơn hắt hiu bờ cỏ dại ven đường, như cái gạch nối giữa quê cha với quê mẹ, giữa quê nội với quê ngoại, giữa quá khứ và hiện tại, nhìn lên đỉnh núi Chiêm trống trơ, bao ký ức tuổi thơ len về, miên man dậy lên trong tâm hồn.

Mỗi bước đi trên mãnh đất linh này như đều dẫm lên vết chân còn hơi ấm của tiền nhân.

Những người thân yêu ngày nào không còn nữa. Ông bà ngoại, ông nội, bà nội, chú bác, cậu mợ, cha mẹ tôi đã lần lượt yên nghỉ trong lòng đất thiêng từng in bóng dáng tháp Chàm, lảng vảng bóng ma Hời./.

Nhà nghiên cứu Vũ Hùng

 


(1) “Chùa Trà Sơn và huyền sử biệt tích”, http://baoquangnam.vn/vanhoa-van-nghe/201101/chua-tra-son-va-huyen-su-biet-tich-60963/
(2) Theo Hòa thượng Thích Hạnh Niệm, 69 tuổi (tính đến năm 2019), Phó ban Trị sự Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Nam, trụ trì chùa Pháp Bảo, Hội An, từng trụ trì chùa Trà Sơn sau năm 1975. Theo ông Dương Đức Quý, người xã Duy Sơn, nguyên Trưởng phòng Văn hóa – Thông tin huyện Duy Xuyên từ năm 1990 đến 2004, ông Lưu Ban – Chủ nhiệm hợp tác xã nông nghiệp II Duy Sơn, người có trách nhiệm chính trong việc sử dụng gạch của đền tháp Dương Bi để xây công trình của hợp tác xã, về sau được phong Anh hùng Lao động do có công lớn với địa phương, cuối đời đã nhiều lần thừa nhận đây là một sai lầm nghiêm trọng của mình.
(3) Tháng 5.2019, Trường Đại học Khoa học xã hội nhân văn Hà Nội khai quật tháp Dương Bi. Theo báo cáo sơ bộ cho biết niên đại tháp Dương Bi tương đương khu đền tháp Đồng Dương, thế kỷ 9.
(4) Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, Tổ Phiên dịch Viện Sử học phiên dịch, tập 1, NXB Giáo dục, 2002, trang 81. Cửa Tư Dung, tên cũ là cửa Tư Khách, nay là của Tư Hiền, và núi Quy Sơn, nay là núi Linh Thái, xã Vinh Hiền, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên – Huế.

Untitled 1 10 - Miền tháp cổ - Tác giả Vũ Hùng - Kỳ cuối

Nhà xuất bản Đà Nẵng
Lô 103 – Đường 30 tháng 4 – Thành phố Đà Nẵng
ĐT: 02363 797814 – 3797823 – Fax 0236 3797875

Chịu trách nhiệm xuất bản:
Giám đốc: Trương Công Báo

Chịu trách nhiệm nội dung:
Tổng biên tập: Nguyễn Kim Huy

Biên tập : Trần Văn Ban
Bìa : Họa sĩ Phan Ngọc Minh
Trình bày : Lê Hoàng Quý
Sửa bản in : Thành Nam


In XXX cuốn, khổ 13,5 x 20,5 cm tại Công ty Cp In…… ĐC: ….. Số ĐKXB: 4761 2018/CXBIPH/01-212/ĐaN. QĐXB số xxx/QĐ-NXBĐaN, cấp ngày xx/xx/2019. Số ISBN: 978-604-84-xxx-x.
In xong và nộp lưu chiểu Quý III/2019.

 

Miền tháp cổ| Vũ Hùng | | Miền tháp cổ| Vũ Hùng | | Miền tháp cổ| Vũ Hùng || Miền tháp cổ| Vũ Hùng || Miền tháp cổ| Vũ Hùng || Miền tháp cổ| Vũ Hùng || Miền tháp cổ| 

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây