14 năm Ukraine nuôi giấc mộng NATO

14 năm Ukraine nuôi giấc mộng NATO - Tư Liệu - vansudia.net
Người dân Ukraine diễu hành thể hiện tinh thần đoàn kết tại Kharkov hôm 5/2. Ảnh: Reuters.

14 năm Ukraine nuôi giấc mộng NATO

Ukraine nuôi tham vọng gia nhập NATO từ năm 2008, nhưng mong muốn đó vẫn là giấc mơ xa vời ngay cả trước khi căng thẳng với Nga tăng nhiệt.

Năm 2008, các lãnh đạo NATO hứa hẹn với Ukraine rằng quốc gia này một ngày nào đó sẽ có cơ hội gia nhập liên minh, thắp lên niềm hy vọng tràn trề ở Kiev. Mong muốn được xích lại gần với phương Tây ngày càng lớn dần ở Ukraine, dù nó từng khiến đất nước này phải trả giá đắt.

Đầu năm 2014, một cuộc nổi dậy nổ ra ở Ukraine để phản đối xu hướng thân Nga của tổng thống Viktor Yanukovych, sau khi ông từ chối một thỏa thuận lớn với Liên minh châu Âu (EU). Phong trào biểu tình Maidan bạo lực đã khiến ông Yanukovych bị phế truất và phải sống lưu vong.

Chứng kiến những gì xảy ra trong phong trào Maidan, Tổng thống Nga Vladimir Putin gọi đây là “cuộc đảo chính đẫm máu” và quyết định sáp nhập bán đảo Crimea cũng như hậu thuẫn phe ly khai ở vùng Donbass, miền đông Ukraine.

Tuy nhiên, Ukraine vẫn không từ bỏ giấc mộng NATO. Năm 2019, quyết tâm gia nhập các tổ chức phương Tây thậm chí được đưa vào hiến pháp Ukraine. “Ukraine sẽ gia nhập EU, Ukraine sẽ gia nhập NATO”, chủ tịch Hạ viện Andriy Parubiy tuyên bố.

Tuy nhiên, những gì diễn ra trong vài tuần qua cho thấy giấc mơ của Ukraine giờ đây trở nên xa vời hơn bao giờ hết.

Lãnh đạo Mỹ và châu Âu không chấp thuận yêu cầu của Putin về một cam kết mang tính ràng buộc rằng Ukraine không được gia nhập NATO. Nhưng họ thừa nhận rằng chưa có kế hoạch sớm cho Kiev trở thành thành viên của liên minh, khi chỉ ra những vấn đề còn tồn đọng của Ukraine như nạn tham nhũng và hệ thống pháp quyền yếu kém.

Washington và các cường quốc châu Âu cũng khẳng định không gửi lực lượng chiến đấu tới Ukraine để chống lại Nga, điều mà họ sẽ phải làm nếu Ukraine là một phần của NATO. Liên minh châu Âu (EU) cũng sẽ bị ràng buộc phải hành động nếu Kiev gia nhập khối 27 thành viên này theo các quy tắc phòng thủ chung.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đầu tuần trước đã gần như thừa nhận thực tế rằng mục tiêu gia nhập NATO có thể chỉ là “giấc mơ”. Ngày 16/2, NY Times đưa tin lãnh đạo Ukraine thậm chí còn cân nhắc tổ chức trưng cầu dân ý, sự kiện có thể ngăn quốc gia của ông gia nhập NATO theo đúng yêu cầu của Putin.

“Ukraine nên tiếp tục con đường này bao lâu nữa?”, Zelensky nói. “Ai sẽ ủng hộ chúng ta?”.

Câu hỏi của Zelensky cho thấy nỗi thất vọng của một quốc gia đang khao khát có tương lai thịnh vượng như những nước từng thuộc Khối phía Đông cũ như Ba Lan, nước đã gia nhập EU và NATO. Tư cách thành viên NATO và EU là khác nhau, nhưng về cơ bản chúng có mục đích chung là đưa Ukraine xích lại gần hơn với phương Tây.

NATO và EU đã để ngỏ cơ hội này cho Ukraine suốt nhiều năm. Tại hội nghị thượng đỉnh ở Bucharest năm 2008, tổng thống Mỹ George W. Bush ủng hộ ý tưởng kết nạp Ukraine và Gruzia làm thành viên NATO trong tương lai, nhưng Pháp và Đức lại phản đối. Kể từ đó, Nga đã cảnh báo rõ ràng về cái giá phải trả nếu hai quốc gia gia nhập liên minh.

Chính sách mở cửa của NATO, nguyên tắc nền tảng của liên minh cho phép tất cả quốc gia châu Âu có thể gia nhập, được xem là tuyên bố thể hiện quyền tự trị. Nhưng lãnh đạo phương Tây cũng nhận ra thực tế địa chính trị và nhu cầu bảo đảm an ninh châu Âu khiến Ukraine khó có thể được trao tư cách thành viên NATO chừng nào Putin còn dẫn dắt nước Nga.

Mỹ công khai phản đối ý tưởng Nga tiếp tục duy trì phạm vi ảnh hưởng ở khối Xô viết cũ, nhưng một số lãnh đạo châu Âu dường như phần nào thừa nhận kịch bản này.

“Chúng tôi phản đối Gruzia và Ukraine gia nhập NATO bởi chúng tôi nghĩ đó không phải là hành động phù hợp với cán cân quyền lực ở châu Âu, cũng như giữa châu Âu và Nga”, cựu thủ tướng Pháp François Fillon từng nói.

Đến nay, điều này vẫn đúng. “An ninh của châu Âu không được đảm bảo nếu không đảm bảo an ninh cho Nga”, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói tuần trước, sau cuộc gặp với Tổng thống Nga Putin.

bando min - 14 năm Ukraine nuôi giấc mộng NATOKhu vực biên giới Nga – Ukraine và bán đảo Crimea. Đồ họa: Washington Post.

NATO, cho phép 7 quốc gia Đông Âu gia nhập vào năm 2004, đã mở rộng liên minh trong những năm gần đây khi kết nạp thêm Montenegro và Bắc Macedonia. Nhưng để kết nạp Ukraine, nước mà Putin khẳng định cùng “một dân tộc” với Nga, là chuyện phức tạp hơn rất nhiều.

Năm 2004, khi các quốc gia vùng Baltic như Litva, Latvia và Estonia, đều thuộc Liên Xô, gia nhập NATO, Moskva cũng có phản ứng quyết liệt, nhưng không có hành động quân sự nào ở khu vực biên giới.

“Suy nghĩ của giới lãnh đạo Nga đã thay đổi”, Barry Pavel, phó chủ tịch tại Hội đồng Atlantic, nói. “Một đất nước thân phương Tây nằm ngay sát biên giới sẽ gây ra những vấn đề lớn cho Putin, về an ninh và cơ sở quyền lực”.

Một số chuyên gia cho rằng những hứa hẹn nửa vời của phương Tây đã mang đến hy vọng viển vông cho Ukraine, khiến họ tiếp tục đối đầu với lực lượng ly khai ở Donbass hay tuyên bố sẽ bằng mọi giá giành lại Crimea, thay vì chỉ đơn giản thừa nhận lợi thế của Nga.

“Mỹ và châu Âu nói kiểu ‘chúng tôi sẽ giúp bạn nhưng chúng tôi không bảo vệ bạn'”, Benjamin H. Friedman, giám đốc chính sách của Defense Priorities, nói. “Tôi không chắc thông điệp chính xác được gửi tới Kiev, nhưng Ukraine có thể đã xem phương Tây như vị cứu tinh. Điều đó đã làm kéo dài cuộc nội chiến ở miền đông và khiến họ từ chối giải quyết các yêu cầu của Nga”.

Tuy nhiên, một số người khác cho rằng phương Tây đã làm hết những gì có thể cho Ukraine trong bối cảnh địa chính trị như hiện nay. Và quyết định từ chối yêu cầu của Nga về một cam kết chấm dứt cơ hội gia nhập của Ukraine với NATO và EU nên được ca ngợi.

Hiện tại, nguy cơ chiến tranh hạt nhân khiến cuộc đối đầu quân sự với Nga ở Đông Âu trở nên bất khả thi. Nhưng phương Tây vẫn giữ tia hy vọng cho Ukraine trong tương lai, khi quốc gia này có đủ những thay đổi cần thiết và không còn bị Putin ngăn cản.

Với khoảng 150.000 quân Nga ở biên giới Ukraine, tương lai đó có thể còn rất xa vời, nhưng nó dường như không hoàn toàn biến mất.

“Tôi từng nhớ những tranh luận về trường hợp của Ba Lan vào năm 1989, khi nhiều người nói không nên cho họ hy vọng viển vông”, Daniel Fried, cựu đại sứ Mỹ ở Ba Lan, nói. “Nhưng mọi người đã sai. Tôi nghĩ họ cũng đang sai với trường hợp của Ukraine hiện tại”.

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây