93 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam: Những thành tựu lịch sử to lớn và bài học xây dựng, chỉnh đốn Đảng

93 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đặc biệt qua hơn 30 năm thực hiện Cương lĩnh 1991 và 37 năm thực hiện đường lối đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo, với sự nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử.

“Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như hiện nay”

Theo PGS.TS Lê Quốc Lý (nguyên Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh), nhìn lại chặng đường lịch sự, phải khẳng định sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định sự thắng lợi của cách mạng. Sự lãnh đạo ấy được thể hiện trên cương lĩnh, đường lối đúng đắn của Đảng từ năm 1930 tới nay.

Theo PGS.TS Lê Quốc Lý, Cách mạng Việt Nam trong 93 năm qua đi từ thắng lợi này tới thắng lợi khác để có thành quả ngày hôm nay. Không chỉ lãnh đạo đất nước giành được những thắng lợi vĩ đại trong công cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm giữ nước, trong 37 năm qua (từ năm 1986), Đảng đã khởi xướng, lãnh đạo thành công công cuộc đổi mới đất nước. Trên cơ sở đánh giá tình hình đất nước và qua quá trình tìm tòi, khảo nghiệm, Đại hội VI của Đảng (tháng 12/1986) đã đưa ra đường lối đổi mới toàn diện đất nước, mở ra bước ngoặt quan trọng trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta.

PGS TS Le Quoc Ly min - 93 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam: Những thành tựu lịch sử to lớn và bài học xây dựng, chỉnh đốn ĐảngPGS.TS Lê Quốc Lý (nguyên Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh).

Trước bối cảnh mô hình chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới tạm thời lâm vào thoái trào, Đại hội VII của Đảng (tháng 6/1991) khẳng định tiếp tục đổi mới đồng bộ, triệt để trên các lĩnh vực với những bước đi, cách làm phù hợp và giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa. Đại hội đã thông qua Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, xác định những quan điểm và phương hướng phát triển đất nước, khẳng định chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động của Đảng.

Các nghị quyết của Đảng từ Đại hội VIII đến nay tiếp tục khẳng định sự kiên định, kiên trì thực hiện đường lối đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế. Hệ thống quan điểm lý luận về công cuộc đổi mới, về chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, về xây dựng và chỉnh đốn Đảng trong tình hình mới không ngừng được bổ sung và phát triển.

Theo PGS.TS Lê Quốc Lý, qua hơn 30 năm thực hiện Cương lĩnh 1991 và 37 năm thực hiện đường lối đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo, với sự nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử. Đất nước ta vượt qua khủng hoảng kinh tế đã trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình; đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Đại hội XIII của Đảng (tháng 2/2021) đã nhận định: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như hiện nay”. Diện mạo đất nước và đời sống của nhân dân có nhiều thay đổi. Chính trị – xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được tăng cường. Sức mạnh về mọi mặt của đất nước được nâng lên. Ðại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố và tăng cường. Xây dựng Nhà nước pháp quyền và cả hệ thống chính trị được đẩy mạnh. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã và đang đạt được một số kết quả tích cực. Số lượng đảng viên không ngừng gia tăng (đến nay khoảng 5,2 triệu đảng viên).

Quan hệ đối ngoại được mở rộng và ngày càng đi vào chiều sâu, tính đến tháng 1/2023, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 191 quốc gia và vùng lãnh thổ. Dân chủ xã hội chủ nghĩa được phát huy và ngày càng mở rộng.

PGS.TS Lê Quốc Lý khẳng định, những thành tựu qua 37 năm thực hiện đường lối đổi mới đất nước đã tạo đà cho sự phát triển trong những năm tiếp theo; đồng thời cũng là minh chứng sinh động khẳng định vai trò lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt của Đảng.

Xây dựng, chỉnh đốn Đảng là nhiệm vụ sống còn đối với sự tồn vong của Đảng và chế độ

Liên quan đến công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng đang được đẩy mạnh thời gian qua, PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc (nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng) cho rằng, ngay từ Hội nghị toàn quốc giữa nhiệm kỳ khóa VII (tháng 1/1994), Đảng đã nhận định những biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên. Chỉ rõ những biểu hiện của tình trạng này, Đảng đã coi đó là một trong bốn nguy cơ đối với cách mạng Việt Nam.

Tại các kỳ Đại hội Đảng và nhiều hội nghị Trung ương tiếp theo, Đảng đã có những đánh giá thẳng thắn về các nguy cơ này. Các nghị quyết Trung ương 4 khóa XI năm 2012, đặc biệt là từ Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII thì nhiệm vụ chống tiêu cực, chống suy thoái của một bộ phận cán bộ, đảng viên được làm bài bản hơn, với quyết tâm chính trị cao hơn. Do đó cũng mang lại kết quả rõ rệt hơn.

PGS TS Nguyen Trong Phuc min - 93 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam: Những thành tựu lịch sử to lớn và bài học xây dựng, chỉnh đốn ĐảngPGS.TS Nguyễn Trọng Phúc (nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng).

Theo PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, Kết luận số 21-KL/TW ngày 25/10/2021 của Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” nhận định: “Bước vào giai đoạn phát triển mới, đất nước ta tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, bốn nguy cơ mà Đảng đã chỉ ra vẫn đang hiện hữu, có mặt còn gay gắt hơn; tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” còn diễn biến phức tạp”.

Vì vậy, đòi hỏi phải đặc biệt coi trọng và đưa công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng lên tầm cao mới, gắn liền với xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. “Đây là nhiệm vụ có ý nghĩa sống còn đối với sự tồn vong của Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta”.

Ban Chấp hành Trung ương quyết định đẩy mạnh công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”./.

Xuân Trường

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây