Ba Lan tôn vinh các dịch giả Việt Nam

Ba Lan tôn vinh các dịch giả Việt Nam

Các nhà văn – dịch giả Việt Nam tại buổi lễ tôn vinh.

Tối 11 tháng 5 vừa qua, nhân dịp kỷ niệm Quốc khánh Ba Lan, Đại diện lâm thời Cộng hòa Ba Lan tại Việt Nam, bà Justyna Pabian, đã công bố quyết định và trao Bằng khen của Bộ trưởng Ngoại giao Ba Lan tặng 7 dịch giả văn học Ba Lan vì “Những đóng góp đặc biệt cho sự phát triển các mối quan hệ Ba Lan-Việt Nam thông qua việc giới thiệu và quảng bá văn học Ba Lan tại Việt Nam”.

Các dịch giả Việt Nam được nhận vinh dự đặc biệt này gồm: Lê Bá Thự, Nguyễn Hữu Dũng, Nguyễn Thị Thanh Thư, Nguyễn Chí Thuật, Tạ Minh Châu, Nguyễn Văn Thái và Nguyễn Thái Linh. Đây là những dịch giả, bằng tình yêu văn học Ba Lan cháy bỏng, bằng tình cảm sâu nặng với đất nước và con người Ba Lan, đã lao động miệt mài, sáng tạo, mang đến cho bạn đọc Việt Nam tất cả những là tinh hoa của văn học Ba Lan, nền văn học Ba Lan đã sản sinh ra 5 nhà thơ, nhà văn được trao Nobel Văn học.

Việc giới thiệu và quảng bá văn học Ba Lan tại Việt Nam đã được thực hiện ngay trong những năm tháng nhân dân Việt Nam tiến hành cuộc kháng chiến chống Pháp. Trong chiến khu Việt Bắc, một số nhà văn, nhà thơ Việt Nam đã viết bài ca ngợi sự hồi sinh của văn học Ba Lan sau chiến tranh thế giới thứ hai và trích dịch những tác giả quan trong nhất của thời kỳ này. Năm 1955, ngay sau chiến thắng Điện Biên Phủ, nhân kỷ niệm 100 năm ngày mất của đại thi hào dân tộc Ba Lan, Adam Mickiewicz, một cuốn sách về ông gồm thân thế, sự nghiệp và trích dịch tác phẩm đã được ấn hành. Các nhà thơ lớn của Việt Nam như Tế Hanh, Nguyễn Xuân Sanh, Hoàng Trung Thông… đều tham gia dịch thơ Ba Lan qua tiếng Pháp.

Năm 1985 đánh dấu sự kiện quan trọng trong việc dịch văn học Ba Lan tại Việt Nam. Dịch giả Nguyễn Hữu Dũng cho in bản dịch tác phẩm Quo vadis nổi tiếng của Henryk Siekiewicz, mở đầu thời kỳ văn học Ba Lan chủ yếu được dịch trực tiếp từ tiếng Ba Lan, không qua ngôn ngữ trung gian như trước đây. Từ đó đến nay hàng chục tác phẩm văn học Ba Lan quan trọng, có giá trị văn học cao, đã được dịch và xuất bản tại Việt Nam. Tất cả các tác giả Ba Lan được trao Nobel Văn học, thơ cũng như văn xuôi, đã lần lượt được giới thiệu.

Đội ngũ những người dịch văn học Ba Lan tuy không đông đảo về số lượng, song tất cả đã hoặc đang có những năm tháng sinh sống, học tập, làm việc tại Ba Lan, có vốn sống, vốn kiến thức sâu rộng về văn học Ba Lan, tạo điều kiện thuận lợi cho họ trong công việc lao động sáng tạo của mình. Phần lớn các dịch giả được nhận bằng khen đợt này đều có thành tựu dịch thuật đáng ghi nhận, thể hiện qua số lượng đầu sách được in ra. Dịch giả Lê Bá Thự có 30 đầu sách, các dịch giả Nguyễn Hữu Dũng, Nguyễn Thị Thanh Thư và Nguyễn Chí Thuật đều đã xuất bản trên dưới hai mươi tác phẩm dịch văn học Ba Lan. Các dịch giả văn học Ba Lan ở Việt Nam có nguồn động viên lớn từ phía Viện Sách Ba Lan và Đại sứ quán Ba Lan tại Hà Nội. Viện Sách tổ chức 4 năm một lần Đại hội toàn thế giới những người dịch văn học Ba Lan nhằm tôn vinh các dịch giả và tạo điều kiện giao lưu giữa những người có chung đam mê dịch văn học Ba Lan trên khắp thế giới. Đại sứ quán Ba Lan tại Hà Nội thường xuyên tổ chức gặp gỡ, giao lưu, giới thiệu những cuốn sách Ba Lan được dịch ra tiếng Việt.

Các dịch giả văn học Ba Lan ở Việt Nam tỏ ra rất “có duyên” với các giải thưởng văn học trong nước. Dịch giả Nguyễn Hữu Dũng hai lần được nhận Giải thưởng Văn học dịch của Hội Nhà văn Việt Nam. Dịch giả Lê Bá Thự được trao Giải thưởng Văn học của Hội Nhà văn Việt Nam và Hội Nhà văn Hà Nội. Các dịch giả Nguyễn Văn Thái và Nguyễn Chí Thuật, mỗi người một lần được nhận Giải thưởng Văn học dịch của Hội Nhà văn Việt Nam. Dịch giả Nguyễn Thị Thanh Thư và Nguyễn Chí Thuật được trao Giải Văn học dịch của Hội Nhà văn Hà Nội. Ngoài ra, tại Ba Lan, dịch giả Nguyễn Thị Thanh Thư được trao huy hiệu của Bộ trưởng Ngoại giao Ba Lan, dịch giả Nguyễn Chí Thuật được Thượng viện Ba Lan trao tặng danh hiệu “Đại sứ tiếng Ba Lan ở nước ngoài”.  

Ngoài ra các dịch giả Lê Bá Thự, Nguyễn Hữu Dũng, Tạ Minh Châu, Nguyễn Thị Thanh Thư đã được trao Huân chương công trạng của Tổng thống Cộng hòa Ba Lan. Đây là sự ghi nhận đầy đủ những đóng góp của họ cho việc giới thiệu và quảng bá văn học Ba Lan tại Việt Nam.

V.N

 

 

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây