Tác giả Nguyễn Nhật Ánh

Nguyễn Nhật Ánh

NGUYỄN NHẬT ÁNH

  • Sinh ngày 7/5/1955 tại xã Bình Quế, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam. Học trung học tại các trường Tiểu La (Thăng Bình), Trần Cao Vân (Tam Kỳ) và Phan Châu Trinh (Đà Nẵng). Học Đại học Sư Phạm tại Sài Gòn 1973.

 Đã xuất bản trên 100 tác phẩm văn học, trong đó có những tác phẩm quen thuộc với bạn đọc như Kính vạn hoa, Mắt biếc, Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ, Cô gái đến từ hôm qua, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh…

  • Đã nhận Giải thưởng Văn học ASEAN 2010 do Hoàng gia Thái Lan trao tặng.
  • Và các giải thưởng trong nước từ Hội nhà văn Việt Nam, Hội Nhà văn TP. HCM, Hội Xuất bản Việt Nam, Trung ương Đoàn TNCS HCM, Ủy ban Nhân dân TPHCM, Thành đoàn TPHCM; Giải thưởng sách bán chạy nhất của các nhà xuất bản và công ty phát hành sách; Giải thưởng sách được bạn đọc yêu thích nhất của báo chí.

MỘT SỐ TÁC PHẨM ĐÃ DỊCH SANG TIẾNG NƯỚC NGOÀI:

  • Mắt biếc (đã dịch sang tiếng Nhật, 2004)
  • Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ (đã dịch sang tiếngThái Lan, 2011; tiếng Hàn Quốc, 2013; tiếng Anh, 2014)
  • Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh (đã dịch sang tiếng Nhật, 2017, tiếng Anh, 2018)
  • Cô gái đến từ hôm qua (đã được biên soạn và xuất bản thành giáo trình giảng dạy tiếng Việt tại Đại học Tổng hợp Moskva M.V.Lomonosov ở CHLB Nga, 2012)
  • “Năm 2013, Kính vạn hoa Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ của Nguyễn Nhật Ánh là hai tác phẩm được chọn vào cuốn “105 tác phẩm được đọc nhiều nhất ở các nước trên thế giới” do Nxb Ten-Books (Nhật Bản) ấn hành.”

“Nhiều sách của ông đã được chuyển thể thành truyện tranh, thành sách nói, và sách chữ nổi, thành phim truyền hình và phim truyện điện ảnh.”

 

Người Quảng đi ăn mì Quảng

1
Ở Sài Gòn, nếu bạn nhìn thấy một người khách bước vô một quán bán mì Quảng, kêu một tô mì, ăn xong gật gù khen ngon, trả tiền rồi đi ra, lòng không hề vướng bận một điều chi thì bạn có thể đàng hoàng kết luận: khách không phải là người Quảng Nam.

2
Người Quảng Nam đi ăn mì Quảng không có được một thái độ hồn nhiên như thế. Họ thường trực bận tâm “Chả biết mì Quảng quán này có đúng là… mì Quảng không?”. Trước khi kêu một tô mì Quảng, họ hỏi chủ quán “Đúng không?”, sau khi ăn một tô mì Quảng, họ bảo chủ quán “Không đúng!”. Họ là người Quảng.

3
Ăn phở, ăn hủ tiếu, ăn bún bò hoặc ăn bất cứ thứ nào khác, người Quảng ăn trong thinh lặng. Còn khi bắt gặp một thực khách người Quảng vừa ăn vừa oang oang nhận xét, đánh giá, bình phẩm, thậm chí cằn nhằn, càu nhàu cái món mà họ đang ăn, bạn có thể quả quyết ngay là họ đang ăn mì Quảng. Khách A bảo “Sợi mì không đúng”. Khách B phán “Rau sống sai rồi”. Khách C khẳng định “Nhưn trật lất”. Cũng có khách khen “ngon”, nhưng quay sang con gái ngồi cạnh, thòng thêm một câu “Nhưng bà nội mày nấu ngon hơn”…

4
Có phải đó là đặc tính của “Quảng Nam hay cãi”? Không rõ lắm. Nhưng điều này thì rất rõ: mì Quảng là món ăn đặc trưng và phổ biến bậc nhất ở Quảng Nam. Xét về tính đại chúng (trong phạm vi cộng đồng của nó), có lẽ mì Quảng đứng hàng đầu trên… thế giới. Không một khu phố, làng mạc, chợ búa, ngóc ngách nào ở Quảng Nam là không bán mì Quảng. Nhưng điều này mới đáng đưa vào sách Ghi-nét: Có thể có người Bắc suốt đời chưa từng nấu phở, có thể có người Nam từ bé đến già chưa từng nấu hủ tiếu, nhưng chắc chắn không một người Quảng Nam nào chưa từng nấu mì Quảng tại gia.

5
Có gì đâu! Ra ngoài chợ mua vài lá mì, ít rau sống, ít tôm thịt, miếng bánh tráng, rang thêm mấy hột đậu phộng là có ngay một tô mì Quảng nóng hổi và thơm phức cho cả nhà xì xụp. Mì Quảng là món ăn bình dân bậc nhất và cũng dễ nấu bậc nhất.

6
Mì Quảng dễ nấu còn ở chỗ nó là món ăn thích nghi với mọi hoàn cảnh. Tất nhiên có một số “chi tiết” căn bản phải tuân thủ: lá mì phải thoa dầu phộng, rau sống phải có bắp chuối, tô mì phải có rắc đậu phộng, phải có bánh tráng bẻ rôm rốp, có quả ớt cắn lụp bụp, không có những thứ này sẽ “bất thành mì Quảng”. Riêng “nhưn” mì Quảng thì đa dạng và “biến ảo” vô cùng. Thông thường là nhưn tôm thịt heo, nhưng lúc tìm không ra thịt heo thì người miền biển bắt cua bắt cá, người miền núi bắt gà bắt vịt làm nhưn, ăn vẫn thấy ngon, vẫn ra hương vị mì Quảng. Mì Quảng là món ăn của người bình dân, vì vậy không khép mình vào những đòi hỏi khe khắt như những món ăn dành cho giới thượng lưu. Và chính nhờ vậy, mì Quảng có một sức sống mạnh mẽ, nó tồn tại và phổ biến ở mọi thủy thổ.

7
Ngay tại Quảng Nam vẫn tồn tại những quán mì Quảng nổi tiếng với các loại nhưn khác nhau: mì gà, mì vịt, mì tôm, mì tôm thịt heo, mì cua… Thị trấn Hà Lam bé xíu, nơi kẻ viết bài này trải qua suốt thời thơ ấu, mà cũng đã có mì gà Ba Tựvà mì tôm bà Rì nổi tiếng song song, thuở nhỏ xách gà mên đi mua về cho ba mẹ, dọc đường cứ phải nuốt nước miếng ừng ực.

8
Tất cả những lời con cà con kê nãy giờ rốt lại chỉ nhằm giải thích cái cốt cách “hay cãi” của người Quảng Nam khi đi ăn mì Quảng. Thì ra, có gì đâu: Người Quảng Nam từ bé đến lúc rời khỏi quê đi lập nghiệp phương xa, đa số thường sinh sống, hít thở và lớn lên trong cái kiểu mì Quảng mà mình biết, mà mình quen thuộc gần gũi. Người thuở nhỏ thường ăn mì tôm nhất quyết mì Quảng nhưn gà là “lai căng vô số tội”, “phải nấu như quán bà Cả Ngô ở đầu làng tôi mới đúng”, người lớn lên trong mì gà lại một mực khăng khăng mì Quảng nấu tôm là sai bét bè be, “không tin về hỏi… bà nội tôi coi”. Cứ thế mà đỏ mặt tía tai! Giả dụ bây giờ mở một cuộc thi nấu mì Quảng thế nào cho đúng, chắc chắn thí sinh sẽ ấu đả với thí sinh, giám khảo sẽ ấu đả với giám khảo ba ngày ba đêm chứ chẳng chơi! Mà tô mì Quảng đúng nhãn hiệu sẽ không bao giờ được xác định trên cõi đời này! Bởi mì Quảng là món ăn chỉ đúng với ký ức và trải nghiệm của từng người!

9
Nhưng “đúng” hay “không đúng” phỏng có gì mà phải buồn bực đến thế? Tới một quán ăn, ngon thì quay lại, dở thì đi luôn, đơn giản quá mà! Việc gì phải càu nhàu, tức tối, buồn khổ cho mệt người rối trí?Hỏi như vậy là chưa hiểu sự gắn bó giữa người Quảng và món mì Quảng. Người Quảng xa xứ đi ăn mì Quảng không giống như khi đi ăn những thứ khác như lẩu dê hay bò bảy món. Họ không chỉ ăn bằng miệng, bằng vị giác hay khứu giác, không phải đơn thuần chỉ để thưởng thức cái ngon. Người Quảng đi ăn mì Quảng là đi ăn bằng tâm trạng. Họ bước vào quán bán mì Quảng với bước chân hồi hộp, thắc thỏm, với tất cả nỗi háo hức phập phồng như đến điểm hẹn với người quen cũ.Gặp tô mì Quảng giữa Sài Gòn, với người Quảng đó là nỗi mừng rỡ “tha hương ngộ cố tri”. Bẻ một miếng bánh tráng hay cắn một trái ớt là biết bao nhiêu kỷ niệm ấu thơ ùa về trong tâm trí. Người Quảng ăn mì Quảng bằng cả tấm lòng, bằng kỷ niệm. Vì vậy, khi thấy “người quen cũ” mà họ náo nức muốn hội ngộ lại không giống với “người quen cũ” họ từng gặp nơi “quán bà Cả Ngô” mấy mươi năm trước, họ càu nhàu thất vọng là chuyện hoàn toàn dễ hiểu. Gặp “người quen cũ” (hay “người tình cũ”), thấy cố nhân mắt mũi, cách ăn vận không giống thời đi học, thấy “tình đã khác xưa”, làm sao bắt họ không nhận xét, đánh giá, bình phẩm, làu bàu, bực bội.

10
Nhưng người Quảng đi ăn mì Quảng không chỉ làu bàu bực bội. Giận thì giận mà thương thì thương. Sau khi tuôn một tràng bình phẩm, cuối cùng bao giờ cũng là những góp ý nhiệt tình: Nhưn phải thế này, rau phải thế này, bánh tráng phải thế này…. Điều đó thật ra là gì? Chẳng qua họ nóng lòng muốn món mì Quảng quê hương phải ngon hơn, phải “đúng” hơn, phải danh giá hơn để họ có cái mà giới thiệu, mà kể lể, mà tự hào với bè bạn xứ người và với đám con cháu sinh ra và lớn lên nơi đất ngụ cư. Khi rời khỏi vùng đất sản sinh ra nó, mì Quảng không còn thuần túy là món ăn nữa mà trở thành một trong những biểu tượng văn hóa của một vùng đất lắm kẻ tha hương. Về điều này có thể mạo muội mượn hai câu thơ của thi sĩ Chế Lan Viên để cải biên cho hợp:

Khi ta ở chỉ là nơi “mì” ở
Khi ta đi “mì” đã hóa tâm hồn!

11
Tất nhiên, nghe khách góp ý, chủ quán nếu là người Quảng Nam chính gốc sẽ gân cổ cãi lại cho kỳ được để vừa bảo vệ cho món “mì Quảng của làng mình” vừa bảo vệ cho câu tục ngữ “Quảng Nam hay cãi”. Nếu không phải là người Quảng, chủ quán sẽ cười cười “Vâng, tôi sẽ tiếp thu và cố gắng sửa chữa…”. Dĩ nhiên sau đó, chẳng chủ quán nào chịu mất công sửa chữa, vì nếu sửa theo thực khách A, chắc chắn thực khách B sẽ nổi trận lôi đình…

12
Thôi thì cứ để vậy, cái chính là ăn cho đỡ nhớ quê hương. Không biết làm sao cho “đúng”, chỉ cố làm cho “ngon”. Vì vậy, mãi mãi về sau ai cả gan mở quán bán mì Quảng, đành phải mỉm cười chấp nhận công thức: Một tô mì Quảng đúng nghĩa gồm: lá mì, nhưn, rau sống, đậu phộng, bánh tráng… và món gia vị “Đúng không?”. Bán mì Quảng mà không bị khách trố mắt nghi ngờ “Đúng không?” thì dứt khoát là… không đúng!

Nguyễn Nhật Ánh

 

Về giọng nói ở một nơi không có xe lam

1. Xưa nay Quảng Nam có lẽ là địa phương mà giọng nói bị đem ra trêu ghẹo nhiều nhất nước. Nói cho công bằng, so với một số vùng miền Bắc và miền Nam, người Quảng phát âm rất chuẩn xác các phụ âm đầu. Giọng Quảng phân biệt một cách rõ ràng giữa âm TR và CH, S và X, D và V, R và G… Nhưng âm giữa và âm cuối, người Quảng thường phát âm chệch.

“En không en tét đèn đi ngủ” (Ăn không ăn tắt đèn đi ngủ) có lẽ là câu nói phổ biến nhất nhằm giễu cợt cách phát âm của người Quảng. Người ta còn bảo ở Quảng Nam không có xe lam, xe đạp. Hỏi tại sao, đáp: Tại Quảng Nam chỉ có xe “lôm”, xe “độp”. Liên quan đến chiếc xe đạp, còn có câu chuyện hài: Người Quảng Nam đi vào một cửa hàng bán phụ tùng xe ở Sài Gòn, cố uốn giọng để phát âm cho chuẩn, oái ăm sao rốt cuộc lại thành: “Bán cho tôi một cái… láp xe độp”. Người bán sau một hồi gặng hỏi, bực mình: “Lốp xe đạp” thì nói đại là “lốp xe đạp” ngay từ đầu, còn bày đặt… nói lái là “láp xe độp”. Nào có cố tình lái liếc gì đâu, thật oan còn hơn oan Thị Kính! Những câu chuyện như thế , ngẫm ra còn rất nhiều.

2. Nhà thơ Tường Linh sáng tác nguyên một bài thơ theo giọng Quảng, trong đó mọi âm “ô” ở cuối câu đều biến thành âm “ơ”:

Rủ nhau vô núi hái chơm chơm
Nhớ bạn hồi còn học chữ Nơm
Sáng sáng lơn tơn đi nhử cuốc
Chiều chiều xớ rớ đứng câu tơm
Mùa đông tơi lá che mưa bấc
Tiết hạ hiên tranh lộng gió nờm
Nghe chuyện xóm xưa thời khói lửa
Sảng hồn, sấm nổ tưởng đâu bơm!”.

Nhà thơ trào phúng Tú Rua cũng có một bài tương tự, nhưng trong bài thất ngôn bát cú này “a” biến thành “ô”:

Rứa mới kêu là chất Quảng Nôm
Ăn hòn nói cục chẳng thôm lôm
Có chàng công tử quê Đà Nẽng
Cưới ả Thúy Kiều xứ Phú Côm
Cha vợ đến thăm chào trọ trẹ
Mẹ chồng không hiểu nói cồm rồm
Thêm ông hàng xóm người Hà Nội
Chả hiểu mô tê cũng tọa đồm”.

Cả hai bài đều hay.

3. Trong tác phẩm Quán Gò đi lên của tôi, nhân vật chính là một cô gái xứ Quảng: con Cúc “nước mắm Nam Ô”. Con Cúc phục vụ trong quán Đo Đo “chuyên bán các món ăn xứ Quảng”, nói giọng Quảng đặc sệt. Lúc con Cúc mới vô làm ở quán, xảy ra câu chuyện sau đây:

“Khách đòi mua bánh bèo đem về, con Cúc kêu con Lệ:
– Chị kiếm cho em cái “bô”!
Chữ “cái bao” qua cái giọng nguyên chất của con Cúc biến thành “cái bô” khiến con Lệ thừ ra mất một lúc. Rốt cuộc, tuy không hiểu con Cúc kiếm cái bô làm chi, con Lệ vẫn vào toa lét cầm cái bô đem ra:
– Nè.
Con Cúc ré lên:
– Trời, lấy cái ni đựng bánh bèo cho khách răng được?”

Như vậy, giọng Quảng Nam không chỉ xuất hiện trong những câu chuyện tiếu lâm dân dã, mà còn đi vào cả văn thơ. Ở đây, không thể không để ý đến một điểm đặc biệt: nhà thơ Tường Linh, nhà thơ Tú Rua và tôi đều là… người Quảng Nam. Và tôi e rằng những mẩu chuyện cười về giọng Quảng đa phần đều do người Quảng Nam sáng tác.

4. Người Quảng Nam sao lại đem cái giọng của quê mình ra giễu cợt? Hỏi vậy là chưa hiểu đúng cốt cách người Quảng.Chỉ những cộng đồng tự tin cao độ và có óc hài hước mới không ngại “tự trào” về mình. Ở đây có điều gì đó tương tự thái độ của người dân xứ Gabrovo (Bulgaria): họ sáng tác những câu chuyện cười về tính keo kiệt của mình, thậm chí còn thành lập cả một nhà bảo tàng nghệ thuật trào phúng Gabrovo để lưu giữ và tìm cách quảng bá những giai thoại cười ra nước mắt đó ra thế giới.

Nếu để ý, bạn sẽ thấy trong những bàn trà, cuộc rượu, chính dân Quảng Nam là những người kể một cách sảng khoái nhất những mẩu chuyện cười về giọng Quảng chứ không ai khác.Những người dân của xứ “xe lôm”, “xe độp” đó cũng là những độc giả đón nhận những vần thơ “tự trào” của Tường Linh, Tú Rua một cách vô cùng nồng nhiệt.

5. “Tự trào” là xét về phương diện thái độ. Nhưng nếu chỉ thuần đề cao khía cạnh tinh thần, những mẩu chuyện khôi hài, những vần thơ cuốn truyện nói về giọng Quảng đã không được dân Quảng tâm đắc đến vậy.Bên cạnh sự thích thú, còn có sự thân thương. Nhất là những người Quảng tha hương, đã bao nhiêu năm không được sống trong khung cảnh quê nhà, bây giờ bỗng đọc thấy, bỗng nghe nói chữ “con tơm” thay vì “con tôm”, “cái bô” thay vì “cái bao”, “thôm lôm” thay vì “tham lam” tự nhiên thấy bao nhiêu kỷ niệm ấu thơ ùa về. Cái giọng nói mộc mạc, quê kiểng đó là giọng nói của ông bà, cha mẹ, thầy cô, bạn bè, hàng xóm láng giềng mà mình đã quen tai từ nhỏ, ngay từ lúc còn nằm u ơ trong chiếc nôi ru. Chất giọng đó đã ngấm qua bao mưa nắng, trải qua bao bão giông của thiên nhiên và cuộc đời mà hình thành và trụ lại cho đến hôm nay.Nó gợi lên những vùng đất, những mặt người, những ký ức mà người Quảng xa xứ nào cũng chất chứa trong lòng như một hành trang vô hình. Nó là một giá trị phi vật thể, không phải để tổ chức UNESCO công nhận mà để những người Quảng tự hào như một tấm “căn cước tinh thần” mà mình mang theo suốt cả đời người. Có thể nói, giọng Quảng là một phần của văn hóa Quảng.

6. Giọng Quảng như vậy đã đi vào văn vào thơ, vào những giai thoại dân gian.Bây giờ với Ánh Tuyết, một ca sĩ Quảng Nam, nó đi vào nhạc.Âu cũng là một lẽ tự nhiên.

Khi có nhà thơ (cũng người Quảng Nam) gửi cho tôi qua email bài Mưa chiều kỷ niệmđược hát bằng giọng Quảng, tôi nghe, thoạt đầu thì bật cười, nhưng càng nghe càng xúc động, cuối cùng là rưng rưng nước mắt. Lúc đó tôi chưa biết người hát là Ánh Tuyết.Tôi nghe đi nghe lại nhiều lần, mường tượng đó là giọng của người chị họ yêu dấu năm xưa, của cô bạn gái ngây thơ thời trung học.Càng nghe càng thấy nhớ và bồi hồi nhận ra cái chân chất trong giọng hát, trong tâm tình người Quảng chân quê.

Ánh Tuyết chưa ra album, những bài hát demo kia đã phát tán trên mạng nhanh như gió. Và tôi đọc thấy biết bao lời chia sẻ đượm thương yêu, trìu mến của người Quảng đang lưu lạc ở khắp nơi trên thế giới.Họ cảm ơn Ánh Tuyết, cảm ơn những ca khúc hát bằng giọng Quảng đã giúp những người Quảng tha hương được một lần thổn thức hoài vọng quê nhà.

Hiển nhiên, giọng Quảng không phải là giọng để chinh phục và phổ biến những ca khúc một cách chính thức, đại trà.Bên cạnh giọng Quảng, những ca khúc trong album Duyên kiếp còn được Ánh Tuyết trình bày bằng giọng Bắc – dành cho những thính giả chưa có “bằng B tiếng Quảng”.

Rõ ràng, Ánh Tuyết thực hiện album này như là một cuộc chơi của người con xứ Quảng. Như các nhà thơ Tường Linh, Tú Rua đã từng chơi những cuộc chơi của mình.

Những cuộc chơi nghiêm túc. Và giàu ý nghĩa, ít ra là với người Quảng Nam!

Nguyễn Nhật Ánh

 

Áo trắng ra chơi

Giọt nắng nào rơi trúng vai tôi
Tôi ngước lên, mùa đã xuân rồi
Tình như áo cũ lâu không mặc
Chiều lòng nắng mới lấy ra phơi.

Tiếng chim nào rơi trúng vai tôi
Tôi ngước lên, mùa vải chín rồi
Tu hú về bên hè đánh thức
Ngôi sao buồn mọc phía xa xôi.

Chiếc là nào rơi trúng vai tôi
Tôi ngước lên, trời chớm thu rồi
Chợt thấy mây giăng ngoài cửa lớp
Biết rằng áo trắng đã ra chơi…

 

Hoa hướng dương

Có một mặt trời
Trong ngực em
Mỗi ngày
Em mỗi sớm mai lên
Lòng tôi buổi ấy
Tương tư nắng
Không phải hoa quỳ
Vẫn hướng dương.

 

Tự khúc

Mùa xuân có gì?
– Có hoa vàng ngoài kia mấy độ
Có trong ta một chiều cả gió.

Kỷ niệm có gì?
– Có sợi tơ mỏng mảnh lên trời
Có mắt em nhòa lệ thảnh thơi

Tình yêu có gì?
– Có hai người ở bên cửa sổ
Một người đứng yên một người đổi chỗ

Thời gian có gì?
– Bên này bức tường đôi mắt nhăn nheo
Bên kia bức tường dây thường xuân leo…

 

Trước giờ nhổ neo nói chuyện cùng viên sĩ quan tùy tùng*

Hỡi chú thỏ tai hồng
Viên sĩ quan tùy tùng của ta
Hãy trương buồm lên
Đã đến giờ nhổ neo
Cuộc hải trình không thể nào trì hoãn

Đêm nay ta sẽ bắt đầu cuộc thám hiểm đại dương của lòng nàng
Vùng biển tối nhiều đá ngầm mai phục
Đã từng đánh đắm bao cuộc đời xấu số trước ta

Không cần phải chất theo nhiều nước ngọt và lương khô
Trong những ngày đói khát lênh đênh
Ta có thể nhai những tấm da bò, mùn cưa và các loại dây chão
Chỉ cốt sao mang theo thật nhiều hy vọng
Hãy chất khẳm các khoang thuyền
Những giấc mơ lớn lao
Những giấc mơ rắn hơn đá núi

Hỡi viên sĩ quan tùy tùng của ta
Hãy trương buồm lên
Không có buồm thì mái tóc ta sẽ làm cánh buồm
Trái tim ta làm la bàn và đôi mắt ta thay cho đèn tín hiệu
Trong chuyến ra khơi đầy bất trắc đêm nay
Cốt sao chú mày đừng do dự

Đại dương của lòng nàng
Dù đó là vùng biển của những đảo san hô với từng vốc xà cừ
Hay là nơi trú ngụ của những thổ dân hung hãn
Dù nàng sẽ đón ta với những vòng hoa
Hay bêu ta trên đầu mũi giáo
Ta vẫn phải nói với chú mày
Đã đến giờ nhổ neo
Cuộc hải trình không thể nào trì hoãn

Hỡi viên sĩ quan tùy tùng của ta
Dù đêm nay sấm động ngoài khơi xa
Và trên bầu trời những cơn giông đang vần vũ
Dù lũ cá mập đang từng đàn, từng đàn
Lao như tên bắn trên mặt biển ngầu sóng
Sẵn sàng nuốt chửng ta bất cứ lúc nào
Ta vẫn phải ra khơi
Vì phước lành chỉ đến với những ai
Biết tìm sự yên bình trong cơn hung hiểm
Và tình yêu chỉ đến với những trái tim nào
Đã ít nhất một lần rướm máu

Hỡi chú thỏ tai hồng
Kẻ luôn ở bên cạnh ta trong những lúc khó khăn
Ta muốn chú mày hiểu điều này
Nếu bây giờ ta sợ hải mà quay mũi thuyền
Chẳng khác nào ta dang tay quay ngược mũi lao
Vào chính ngực ta vậy.

Nguyễn Nhật Ánh

*Bài thơ này đã được in trong tuyển tập Thơ miền Trung thế kỷ XX, Nxb Đà Nẵng, 1995.

 

 

 

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây