Cộng hòa Xlô-va-ki-a (The Slovak Republic)

Cộng hòa Xlô-va-ki-a (The Slovak Republic)
Quốc kỳ Cộng hòa Xlô-va-ki-a

Cộng hòa Xlô-va-ki-a (The Slovak Republic)

Mã vùng điện thoại: 421   Tên miền Internet: .sk

Vị trí địa lý: Ở Trung Âu, giáp Séc, Ba Lan, U-crai-na, Hung-ga-ri, Áo. Tọa độ: 48040 vĩ bắc, 19030 kinh đông.

Diện tích: 49.036 km2

Thủ đô: Bra-ti-xla-va (Bratislava)

Lịch sử: Xlô-va-ki-a nằm trong vương quốc Hung-ga-ri từ thế kỷ XI. Đến giữa thế kỷ XVI, miền Nam của Xlô-va-ki-a bị đế chế Ố-tô-man (Thổ Nhĩ Kỳ) chiếm và phần còn lại đế chế Háp-xbuốc chiếm. Đến cuối thế kỷ XVII, toàn bộ lãnh thổ Xlô-va-ki-a thuộc đế chế Hápxbuốc. Năm 1867, Xlô-va-ki-a nằm trong đế chế Áo – Hung. Sau năm 1918, Séc và Xlô-va-ki-a thành lập Liên bang Tiệp Khắc. Năm 1939, Xlô-va-ki-a tuyên bố là nước độc lập dưới sự bảo trợ của Đức. Năm 1945, Xlô-va-ki-a được giải phóng khỏi phát-xít Đức và trở lại thành một bộ phận của nước Tiệp Khắc. Từ tháng 1-1993, Xlô-va-ki-a tách ra và trở thành nước cộng hòa độc lập.

Quốc khánh: 1-9 (1992)

Tổ chức nhà nước:

Chính thể: Dân chủ nghị viện.

Các khu vực hành chính: 8 vùng: Banskobystricky, Bratislavsky, Kosicky, Nitriansky, Presovsky, Trenciansky, Trnavsky, Zilinsky.

Hiến pháp: Thông qua ngày 1-9-1992; có hiệu lực vào năm 1993.

Cơ quan hành pháp:

Đứng đầu Nhà nước: Tổng thống.

Đứng đầu Chính phủ: Thủ tướng.

Bầu cử: Tổng thống do Hội đồng Quốc gia bầu theo hình thức bỏ phiếu kín và phải giành được đa số 3/5 số phiếu, nhiệm kỳ 5 năm; sau khi bầu cử Hội đồng Quốc gia, thủ lĩnh của đảng đa số hay thủ lĩnh của liên minh đa số thường được Tổng thống bổ nhiệm làm Thủ tướng.

Cơ quan lập pháp: Hội đồng Quốc gia (150 ghế, được bầu theo phổ thông đầu phiếu, nhiệm kỳ 4 năm).

Cơ quan tư pháp: Tòa án Tối cao, các thẩm phán do Hội đồng quốc gia lựa chọn; Tòa án Hiến pháp.

Chế độ bầu cử: Từ 18 tuổi trở lên, phổ thông đầu phiếu.

Các đảng phái chính: Phong trào dân chủ Xlô-va-ki-a (HZDS), Liên minh dân chủ Xlô-va-ki-a (SDK), Đảng Dân chủ cánh tả (SDL), Đảng Dân tộc Xlô-va-ki-a (SNS), Liên minh dân chủ, Hiệp hội công nhân Xlôvắc (ZRS), Đảng Dân chủ xã hội Xlô-va-ki-a (SSDS), Đảng Xanh ở Xlô-va-ki-a (SZS), Đảng Dân chủ (DS), v.v..

Khí hậu: Ôn đới; mùa hè mát mẻ; mùa đông lạnh, nhiều mây, ẩm. Nhiệt độ trung bình tháng 7: 200C. Lượng mưa trung bình: 500 – 700 mm.

Địa hình: Núi ở vùng trung tâm và phía bắc, vùng đất thấp ở phía nam.

Tài nguyên thiên nhiên: Than nâu và than non, sắt (trữ lượng nhỏ), đồng, mangan, muối.

Dân số: 5.477.038 người (7/2011).

Các dân tộc: Người Xlô-vác (85,7%), Hung-ga-ri (10,7%), Di-gan (1,5%), Séc (1%), các dân tộc khác (0,3%).

Ngôn ngữ chính: Tiếng Xlô-vác; tiếng Hung-ga-ri cũng được sử dụng.

Tôn giáo: Đạo Thiên chúa (60,3%); Đạo Tin lành (8,4%); Đạo Chính thống (4,1%); các tôn giáo khác (17,5%).

Kinh tế: Cuộc chuyển đổi từ nền kinh tế tập trung sang nền kinh tế thị trường hiện đại, vào cuối những năm 1990, Xlô-va-ki-a gặp rất nhiều khó khăn: tốc độ tăng trưởng GDP chậm, thiếu hụt ngân sách rất lớn, nợ nước ngoài tăng lên, tỷ lệ thất nghiệp cao, v.v.. Hiện nay chỉ còn các ngành giáo dục, y tế, văn hóa, giao thông vận tải và bưu chính viễn thông thuộc sở hữu nhà nước. Cơ cấu kinh tế: nông nghiệp 3,5%, công nghiệp 31,1% và dịch vụ 66,4% GDP. Ngành kinh tế mũi nhọn của Xlô-va-ki-a là lắp ráp xe hơi, chế tạo máy, thiết bị điện và luyện kim. Chính phủ mở rộng một số loại thuế và điều chỉnh giá cả, mở rộng tư nhân hóa đến các công ty trước đây vốn được coi là có tính chiến lược, cơ cấu lại ngành tài chính, khuyến khích đầu tư nước ngoài, v.v..

Sản phẩm công nghiệp: Kim loại và các sản phẩm kim loại; thực phẩm và đồ uống; điện, ga, than cốc, dầu mỏ, nhiên liệu hạt nhân, hóa chất, máy móc, giấy và in ấn, đồ gốm sứ, phương tiện vận tải, hàng dệt, thiết bị điện và quang học, các sản phẩm cao su.

Sản phẩm nông nghiệp: Lúa mì, khoai tây, củ cải đường, hoa bia, hoa quả, gia súc, gia cầm, lâm sản.

Đơn vị tiền tệ: Euro (sử dụng từ năm 2009).

Văn hóa: Nghệ thuật Xlô-va-ki-a có thể truy nguồn gốc từ thời Trung Cổ, khi một số trong những tuyệt tác lớn nhất trong lịch sử quốc gia được sáng tác. Các nhân vật đáng chú ý của thời kỳ này gồm nhiều bậc thầy, trong số đó có Master Paul of Levoča và Master MS. Nghệ thuật đương đại gần đây hơn có các nhân vật Koloman Sokol, Albín Brunovský, Martin Benka, Mikuláš Galanda, và Ľudovít Fulla. Những nhà soạn nhạc quan trọng nhất Xlô-va-ki-a là Eugen Suchoň, Ján Cikker, và Alexander Moyzes, ở thế kỷ 21 là Vladimir Godar và Peter Machajdik.

Xlô-va-ki-a cũng nổi tiếng về các học giả của mình, trong đó có Pavol Jozef Šafárik, Matej Bel, Ján Kollár, và các nhà cách mạng và cải cách chính trị như Milan Rastislav Štefánik và Alexander Dubček. Có hai nhân vật hàng đầu đã hệ thống hoá ngôn ngữ Slovak. Người đầu tiên là Anton Bernolák với ý tưởng của ông dựa trên phương ngữ tây Slovak năm 1787. Đây là sự hệ thống hoá của ngôn ngữ văn học đầu tiên của người Slovak. Người thứ hai là Ľudovít Štúr, ông đã lập ra ngôn ngữ Slovak dựa trên các nguyên tắc từ phương ngữ trung Slovak năm 1843.

Về thể thao, những người Slovak có lẽ nổi tiếng nhất (tại Bắc Mỹ) nhờ các ngôi sao môn hockey của họ, đặc biệt là Stan Mikita, Peter Šťastný, Peter Bondra, Žigmund Pálffy và Marián Hossa.

Về ẩm thực, thịt lợn, thịt bò và thịt gà là ba loại thịt chính được tiêu thụ ở Xlô-va-ki-a, và thịt lợn là phổ biến nhất. Rượu Slovak chủ yếu tới từ các vùng phía nam dọc sông Danube và các phụ lưu; nửa phía bắc đất nước quá lạnh và nhiều đồi núi để trồng nho.

Giáo dục: Giáo dục miễn phí đối với các trường công, bắt đầu từ 6 tuổi và bắt buộc trong 9 năm. Giáo dục và nghiên cứu được ưu tiên cao. Mặc dù vào các trường đại học công không phải đóng học phí, nhưng để được vào học trường loại này là hết sức khó khăn. Trường đại học lâu đời nhất trong số 13 trường đại học của Xlô-va-ki-a là trường Đại học Comeninh ở Bratixlava. Những người không học đại học có thể theo học các trường dạy nghề.

Các thành phố lớn: Kosice, Brezno, Presov…

Quan hệ quốc tế: Tham gia các tổ chức quốc tế EBRD, ECE, FAO, IAEA, IBRD, ICAO, ILO, IMF, IMO, Interpol, IOC, ISO, ITU, UN, UNCTAD, UNESCO, UNIDO, UPU, WFTU, WHO, WIPO, WMO, WTrO, v.v..

Danh lam thắng cảnh: Các khu trượt tuyết ở vùng núi Các-pát và Tatry, nhà thờ Gô-tích, nhà thờ Phranxixca, v.v.

Lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam: ngày 2/2/1950

Địa chỉ Đại sứ quán:

Đại sứ quán Xlô-va-ki-a tại Việt Nam:

Địa chỉ: Số 12 Bà Huyện Thanh Quan, Hà Nội, Việt Nam.

Điện thoại: 84-04-37347601, 37347602

Fax: 84-04-37347603

Email: [email protected]

Đại sứ quán Việt Nam tại Xlô-va-ki-a

Địa chỉ: Số 15, Dunajska, Xlô-va-ki-a, PO 81108

Điện thoại: +421252451263;

Fax: +421252451273

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây