‘Cuộc chiến’ chống biến đổi khí hậu và hành động của Việt Nam vì một tương lai xanh

Là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu, Việt Nam đã đề ra Chiến lược quốc gia để ứng phó, xác định tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn là chiến lược quan trọng để phát triển bền vững, thể hiện trách nhiệm của Việt Nam chung tay giải quyết các thách thức toàn cầu.

Hai năm qua, tình hình thế giới có nhiều biến đổi, đặc biệt xung đột Nga-Ukraine ảnh hưởng mạnh mẽ đến tình hình an ninh thế giới, tác động không nhỏ đến quá trình thực hiện các cam kết về Thỏa thuận Paris.

Thỏa thuận COP 27 và Quỹ “tổn thất và thiệt hại”

Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP 27) do Ai Cập đăng cai từ 6-20/11/2022 đã thông qua Thỏa thuận khí hậu với việc thành lập Quỹ “tổn thất và thiệt hại” để bù đắp cho các nước đang phát triển chịu ảnh hưởng nặng nề của các hiện tượng thời tiết cực đoan do biến đổi khí hậu gây ra. Theo đó, các nước giàu có lượng phát thải lớn phải bồi thường cho những tổn thất và thiệt hại mà các nước đang phát triển phải gánh chịu.

Tuy nhiên, khủng hoảng năng lượng và đà suy giảm kinh tế toàn cầu sau đại dịch Covid-19 khiến nhiều quốc gia không thể triển khai thực hiện các cam kết đã nêu ra tại COP 26 ở Glasgow về giảm phát thải khí nhà kính và mức đóng góp tài chính cho ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu.

Việc nước nào chi trả và nước nào được hưởng lợi dự kiến được thảo luận ở Hội nghị COP 28 tổ chức tại Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) từ ngày 30/11-12/12/2023, đồng thời việc tài trợ quỹ này có nhiều điều kiện đi kèm. Ngoài ra, các quốc gia phát triển một lần nữa không đạt được Cam kết huy động 100 tỷ USD/năm cho tài chính khí hậu.

Ngay sau COP 27, hưởng ứng sáng kiến do Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio đề xuất tại Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) hồi tháng 1/2022, các quốc gia thành viên ASEAN cùng Australia và Nhật Bản tổ chức Hội nghị “Cộng đồng phát thải ròng bằng 0 châu Á” (AZEC) tại Tokyo ngày 4/3/2023.

Mục tiêu chính của Hội nghị bộ trưởng AZEC là để các quốc gia thành viên thúc đẩy hợp tác và cùng giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, hướng tới tương lai phát thải ròng bằng 0, song vẫn bảo đảm an ninh năng lượng, thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng phù hợp đà tăng trưởng kinh tế ở mỗi nước.

Các nước EU cùng với Vương quốc Anh là những nước tích cực thúc đẩy mạnh mẽ việc thực hiện Thỏa thuận Paris về khí hậu, trong đó có tổ chức COP 26 tại Glasgow tháng 11/2021, với những cam kết mạnh mẽ về đóng góp tài chính, giảm phát thải nhà kính thông qua Hệ thống thương mại phát thải khí nhà kính châu Âu (EU ETS).

Hệ thống này hoạt động trên nguyên tắc “hạn chế và mua bán” giấy phép phát thải (tín chỉ carbon). Tổng mức phát thải tối đa cho phép được đặt ra đối với các cơ sở gây ô nhiễm, sau đó được chia thành hạn ngạch và phân bổ giữa các cơ sở. Nếu lượng khí thải của một nhà máy vượt quá mức hạn ngạch, nhà máy đó phải mua tín chỉ carbon bổ sung. Tính đến năm 2021, khoảng 57% tổng hạn ngạch được giao dịch.

Tuy nhiên, trong tháng 5/2023 tờ Financial Times của Anh dẫn nguồn tin, EU muốn huy động 20 tỷ Euro thông qua việc bán hạn ngạch carbon bổ sung để tài trợ cho quá trình chuyển đổi khỏi nguồn năng lượng của Nga. Kế hoạch này của Ủy ban châu Âu kêu gọi bán 200 đến 250 triệu chứng chỉ từ quỹ dự trữ.

Mỹ-Trung đàm phán về biến đổi khí hậu

Đặc phái viên Tổng thống Mỹ về biến đổi khí hậu John Kerry đã thăm Trung Quốc trung tuần tháng 7/2023, đánh dấu việc nối lại đàm phán giữa hai nguồn phát thải khí nhà kính lớn nhất hành tinh. Theo ước tính, hiện Mỹ và Trung Quốc mỗi năm thải ra tới 40% lượng khí nhà kính toàn cầu.

Chuyến đi của ông Kerry có ba nhiệm vụ lớn là đàm phán với Trung Quốc về cắt giảm khí methane, giảm phá rừng và loại bỏ dần việc tiêu thụ than của Trung Quốc. Một vấn đề khác Mỹ muốn thúc đẩy Trung Quốc là thành lập một quỹ quốc tế để hỗ trợ các nước đang phát triển trong cuộc chiến khí hậu. Đây là lần thứ ba ông Kerry đến Trung Quốc trên cương vị Đặc phái viên về biến đổi khí hậu.

BRICS – Cân bằng an ninh và chuyển đổi năng lượng

Cuối tháng 8/2023, Hội nghị thượng đỉnh BRICS lần thứ 15 diễn ra tại Nam Phi thu hút sự chú ý đặc biệt từ việc kết nạp các thành viên mới gồm sáu nước, trong đó có ba nước xuất khẩu dầu hàng đầu thế giới gồm Saudi Arabia, Iran và UAE. Ngoài ra, một số nhà cung cấp nhiên liệu này ra thế giới như Algeria, Venezuela đang xếp hàng để được gia nhập.

Do đó, BRICS đề cập năng lượng xanh một cách thận trọng. Theo tuyên bố Johannesburg II được thông qua tại Hội nghị, các quốc gia thành viên BRICS đã nhấn mạnh: “BRICS tin rằng an ninh năng lượng, sự tiếp cận và quá trình chuyển đổi năng lượng là quan trọng và phải được cân bằng. BRICS hoan nghênh sự hợp tác và đầu tư ngày càng tăng vào quá trình chuyển đổi năng lượng, đồng thời lưu ý sự cần thiết phải tham gia đầy đủ vào chuỗi năng lượng sạch toàn cầu”.

Tổ chức này cũng khẳng định sự cần thiết của việc hỗ trợ các quốc gia đang phát triển tiếp cận các công nghệ và giải pháp giảm phát thải hiện có và đang nghiên cứu nhằm tránh, giảm thiểu và loại bỏ khí nhà kính, tăng cường hành động thích ứng trong cách tiếp cận đối với biến đổi khí hậu.

Việt Nam quyết liệt triển khai cam kết quốc tế

Tại Hội nghị COP 26, Việt Nam đưa ra cam kết giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, ủng hộ những tuyên bố và sáng kiến quan trọng về bảo vệ rừng, chuyển đổi sang năng lượng tái tạo, hỗ trợ thích ứng cho các cộng đồng địa phương và giảm thiểu khí methane; đồng thời, đề nghị Liên hợp quốc và các đối tác quốc tế tiếp tục hỗ trợ Việt Nam thực hiện các cam kết này.

Là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu, Việt Nam đã và đang tích cực tham gia thực hiện các cam kết xanh, được cộng đồng quốc tế đánh giá như là hình mẫu về một nước đang phát triển còn nhiều khó khăn nhưng có những đóng góp đi đầu cho “ngôi nhà chung” an toàn của nhân loại.

Phát biểu tại COP 26, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, “Việt Nam xác định đoàn kết ứng phó biến đổi khí hậu, phục hồi tự nhiên là ưu tiên cao nhất trong mọi quyết sách. Đây là bước đi dài để bảo đảm cuộc sống ngày càng tốt hơn cho mọi người dân và đóng góp trách nhiệm cùng cộng đồng quốc tế phát triển bền vững trong thời gian tới”.

Ngay sau COP 27, ngày 14/12/2022 tại Brussels (Vương quốc Bỉ), Việt Nam và nhóm các đối tác quốc tế (IPG) thông qua Tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (Tuyên bố JETP). Các đối tác quốc tế tham gia quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng với Việt Nam gồm có Liên minh châu Âu, Vương quốc Anh, Pháp, Đức, Mỹ, Italy, Canada, Nhật Bản, Na Uy và Đan Mạch.

Chương trình JETP ban đầu sẽ huy động 15,5 tỷ USD từ nguồn tài chính công và tư nhân trong vòng 3 – 5 năm tới, nhằm hỗ trợ Việt Nam hướng tới một số mục tiêu mới tham vọng hơn so với các cam kết trước đây. Cụ thể, đưa thời điểm đạt đỉnh phát thải khí nhà kính quốc gia dự kiến ở Việt Nam sớm hơn năm năm, vào năm 2030 thay vì năm 2035 theo lộ trình của Việt Nam. Tương ứng, ngành điện sẽ đạt đỉnh phát thải sớm năm năm với mức giảm phát thải đỉnh tối đa 30% vào năm 2030, từ 240 triệu tấn xuống còn 170 triệu tấn CO2.

Triển khai Tuyên bố JETP, Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan xây dựng Đề án triển khai Tuyên bố JETP được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 31/8. Đề án cũng xác định danh mục 48 nhiệm vụ cụ thể và ba nhóm nhiệm vụ ưu tiên triển khai từ nay đến năm 2025 gồm: Nhóm dự án đầu tư lưới điện truyền tải, Nhóm dự án về pin lưu trữ và thủy điện tích năng và Nhóm dự án phát triển điện gió ngoài khơi.

Mới đây, ngày 23/9, tại Phiên bế mạc Hội nghị thượng đỉnh Đối tác vì tăng trưởng xanh và Mục tiêu toàn cầu 2030 (P4G) năm 2023 tại thành phố Bogota, Colombia, thay mặt Chính phủ Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh đề xuất đăng cai tổ chức Hội nghị thượng đỉnh P4G năm 2025 và nhận được sự ủng hộ của các quốc gia P4G.

Việt Nam là một trong bảy thành viên sáng lập và là đối tác chính thức của P4G. Diễn đàn P4G có 12 quốc gia thành viên, bao gồm: Đan Mạch, Chile, Mexico, Việt Nam, Hàn Quốc, Ethiopia, Kenya, Columbia, Hà Lan, Bangladesh, Indonesia và Nam Phi cùng với sự tham gia của các tổ chức quốc tế và nhiều tập đoàn, doanh nghiệp trên khắp thế giới…

Những nội dung đề xuất P4G thúc đẩy khi Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị thượng đỉnh P4G 2025 là: bảo đảm an ninh lương thực gắn với xóa đói, giảm nghèo; quản lý, khai thác và sử dụng bền vững tài nguyên nước xuyên biên giới; xây dựng và vận hành hệ thống cảnh báo sớm, giám sát các hoạt động của biến đổi khí hậu; thúc đẩy tài chính Netzero và chuyển đổi năng lượng công bằng; phát triển nông nghiệp thông minh carbon thấp; phát triển kinh tế tuần hoàn nhựa, góp phần thực thi Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa.

Cơ quan Quản lý đại dương và khí quyển Mỹ (NOAA) xác nhận tháng 6/2023 là tháng nóng nhất trên toàn cầu trong 174 năm. Bên cạnh cái nóng như thiêu đốt, không ít khu vực rơi vào tình trạng lũ lụt gây chết người, từ thời tiết cực đoan ngày càng xảy ra thường xuyên trên khắp các lục địa. Để hành tinh chúng ta tránh hậu họa, tất cả các nước cần chung tay và quyết liệt hơn nữa. Trong đó, ngoại giao khí hậu cần đi trước một bước.

TÙNG LÂM (tổng hợp)

 

 

 

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây