Đám cưới của hai liệt sĩ

Đám cưới của hai liệt sĩ
Người thân hai họ làm lễ cưới trước phần mộ hai người đã khuất. Ảnh: Gia đình cung cấp

NGHỆ ANSau 50 năm hy sinh, hai liệt sĩ Nguyễn Thị Diễn và Đặng Văn Cự được gia đình tổ chức đám cưới, thông gia sau đó thường xuyên kết nối thăm hỏi.

Cuối tháng 7, trong căn nhà cấp bốn ở xã Nam Sơn, huyện Đô Lương, ông Nguyễn Hữu Tường, 72 tuổi, sửa soạn bàn thờ gia tiên. Vài ngày tới, ông sẽ sắm lễ dâng hương tưởng nhớ chị gái, liệt sĩ Nguyễn Thị Diễn và anh rể Đặng Văn Cự nhân ngày thương binh liệt sĩ (27/7).

Vì sức khỏe yếu, không thể vào thăm mộ anh chị ở Quảng Bình nên ông Tường đã nhờ cháu họ và ân nhân từng cất bốc, chăm sóc mộ anh chị làm giúp. “Lễ tết, ngày rằm, mùng một, tôi đều thắp hương khấn chị gái được hạnh phúc bên anh rể, sau khi gia đình tổ chức đám cưới 3 tháng trước”, ông Cự nói.

Ong Nguyen Huu Tuong em trai liet si Nguyen Thi Dien min - Đám cưới của hai liệt sĩÔng Nguyễn Hữu Tường, em trai liệt sĩ Nguyễn Thị Diễn. Ảnh: Nguyễn Hải

Lật giở những lá thư chị gái gửi về, ông Tường kể chị Diễn sinh năm 1947, trong gia đình sáu chị em. Năm 1968, khi 21 tuổi, chị tham gia thanh niên xung phong, sau đó chuyển sang Đội sản xuất C25, Công ty Đường sắt 769, hoạt động ở Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình.

Ở đơn vị, chị Diễn gặp anh Đặng Văn Cự, sinh năm 1946, quê xã Đông Lỗ, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang, cả hai yêu thương nhau. Trong lá thư gửi về gia đình cuối năm 1972, chị Diễn viết: “Con dự định cắt phép sau 4 năm công tác vào dịp Tết Nguyên đán 1973 để đưa chàng rể miền Bắc về ra mắt…”. Tuy nhiên, hơn một tuần sau, gia đình nhận tin chị Diễn, anh Cự trong lần đi thuyền qua sông Đò Vàng ở Quảng Bình đã bị máy bay Mỹ đánh bom và hy sinh.

Dẫu biết chị gái nằm nơi đất khách, song điều kiện kinh tế eo hẹp, phương tiện đi lại khó khăn nên người thân chưa thể tổ chức tìm mộ chị ngay. Tới năm 1994, sau khi phục viên, ông Tường xin nghỉ việc đi tìm mộ chị. Sau ba chuyến đi kéo dài gần một tháng, ông Tường tìm được nghĩa trang liệt sĩ phường Hải Thành, TP Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình và nhận ra phần mộ chị gái.

“Tôi quỳ gối trước mộ chị, nước mắt tuôn rơi vì sung sướng không nói nên lời”, ông Tường kể lại. Bên cạnh mộ chị gái là phần mộ anh Đặng Văn Cự. Một năm sau, chị Diễn được công nhận liệt sĩ, trao bằng Tổ quốc ghi công. Còn mộ anh Cự, gia đình ông Tường không hay biết người thân đã tìm được hay chưa.

Di anh liet si Nguyen Thi Dien min - Đám cưới của hai liệt sĩDi ảnh liệt sĩ Nguyễn Thị Diễn. Ảnh: Gia đình cung cấp.

Về phần anh Đặng Văn Cự, tháng 3 vừa qua người thân tình cờ đọc thông tin một người đăng tải trên mạng nên tìm đến Quảng Bình và tìm được mộ, sau đúng 50 năm hy sinh.

Ông Đặng Văn Lợi (em ruột anh Đặng Văn Cự) kể, trước lúc nằm lại chiến trường, anh trai từng gửi thư về thông báo “có bạn gái tên Diễn, quê Nghệ An cùng đơn vị, dự định đưa về ra mắt họ hàng dịp Tết Nguyên đán 1973”.

Từ những lá thư này, hai gia đình ở Nghệ An và Bắc Giang liên tục kết nối. Họ kể về những lá thư, nghe thêm câu chuyện từ người cùng đơn vị, biết rằng anh Cự và chị Diễn đã yêu thương nhau và dự định kết hôn. Vì thế, hai họ thống nhất tổ chức lễ cưới cho người đã khuất, hoàn thành ước nguyện của họ.

Ngày 3/4/2022, gần 10 người thân của anh Đặng Văn Cự sắm sửa cau trầu, rượu, bánh phu thê…, lái xe từ Bắc Giang vào nhà gái ở Nghệ An để thưa chuyện. Đại diện nhà trai trình bày nguyện vọng được tổ chức đám cưới cho đôi trai gái hy sinh ở chiến trường. Đáp lễ, ông Tường – đại diện nhà gái, thắp hương vái gia tiên thông báo, “xin ý kiến của chị gái”.

Sau khi nhà gái chấp nhận lời đề nghị của nhà trai, quan viên hai họ sửa vài mâm cơm ngay tại nhà ông Tường, theo đúng nghi lễ đám cưới. Ngày 5/4, đại diện người thân hai họ tới nghĩa trang liệt sĩ phường Hải Thành, TP Đồng Hới, nơi phần mộ chị Diễn và anh Cự kề nhau, để làm lễ.

Trên hai phần mộ được ốp đá màu đỏ tươi, họ bày biện bánh kẹo, hương, cau trầu, khấn xin anh chị nơi xa cùng về chứng kiến lễ kết duyên. “Anh, chị từng yêu thương nhau nhưng chưa kịp kết hôn. Giờ đây người dương làm việc này là để người đã khuất luôn được ở bên nhau”, ông Tường nhớ lại lời khấn.

Đám cưới cho hai liệt sĩ hôm đó không ồn ào, nhưng những ai có mặt đều rưng rưng. Đại diện nhà trai đã mời nhà gái ra Bắc Giang chứng kiến lễ nhập gia phả cho cô dâu là liệt sĩ Nguyễn Thị Diễn.

Ông Đặng Văn Lợi chia sẻ: “Chúng tôi đều thấy ấm lòng khi tổ chức được lễ cưới cho anh và chị dâu, thông gia thì kết nối, động viên nhau trong cuộc sống”. Gia đình cũng đã sắm sửa hương hoa để sáng 27/7 tưởng nhớ anh chị. Còn ngày giỗ chính thức của vợ chồng anh Cự được ấn định vào 24/11 âm lịch hàng năm.

Điều người thân anh Cự mong mỏi nhất là sớm hoàn tất hồ sơ trình cơ quan có thẩm quyền để anh Cự được công nhận liệt sĩ. Họ cũng dự định chuyển hài cốt của anh Cự chị Diễn về Bắc Giang để tiện hương khói.

Nguyễn Hải

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây