Để những cánh rừng thêm xanh

TP Hạ Long là một trong những địa phương có diện tích rừng lớn nhất tỉnh. Nhằm phát huy giá trị từ rừng, thời gian qua, thành phố đã tập trung triển khai những giải pháp cụ thể để bảo vệ, phát triển rừng.

Can bo kiem lam phoi hop voi nguoi dan tuan tra min - Để những cánh rừng thêm xanhCán bộ kiểm lâm phối hợp với người dân tuần tra, bảo vệ rừng tại Khu bảo tồn thiên nhiên Đồng Sơn – Kỳ Thượng.

Khu bảo tồn thiên nhiên Đồng Sơn – Kỳ Thượng (TP Hạ Long) với diện tích tự nhiên 15.593,8ha được ví như “lá phổi xanh” của tỉnh, có giá trị to lớn về bảo tồn đa dạng sinh học và giàu tiềm năng phát triển du lịch sinh thái. Theo kết quả điều tra đa dạng sinh học tại Khu bảo tồn thiên nhiên Đồng Sơn – Kỳ Thượng, có 546 loài, thuộc 332 chi của 97 họ các loài cây thân gỗ. Đây là môi trường sống của 64 loài thực vật quý hiếm thuộc 52 chi, 38 họ, trong đó có 43 loài được ghi trong Sách đỏ Việt Nam; 31 loài được ghi trong Danh mục sách đỏ của IUCN.

Khu bảo tồn hiện có 56 loài thú, trong đó, có 16 nằm trong Sách đỏ của Liên minh quốc tế Bảo tồn thiên nhiên và Tài nguyên thiên nhiên… Thời gian qua, một trong những nhiệm vụ trọng tâm, mang tính “sống còn” đối với Khu bảo tồn thiên nhiên Đồng Sơn – Kỳ Thượng là công tác bảo vệ rừng, ngăn chặn nạn phá rừng và giữ được rừng nguyên sinh.

Nhận thức được vai trò quan này, tập thể lãnh đạo, cán bộ của khu bảo tồn thường xuyên tuần tra, giữ gìn, bảo vệ nghiêm ngặt toàn bộ diện tích quản lý, đặc biệt là vùng lõi với nhiều loài động vật, thực vật quý hiếm đang sinh trưởng. Ông Ngọc Lê Huy, Giám đốc Khu bảo tồn thiên nhiên Đồng Sơn – Kỳ Thượng, chia sẻ: Ngoài công việc tuần tra, bảo vệ rừng, lực lượng kiểm lâm còn thường xuyên phối hợp với chính quyền các xã kết nối với người dân sinh sống trên địa bàn để nắm bắt thông tin và tuyên truyền để người dân cùng tham gia quản lý bảo vệ rừng, bảo vệ màu xanh của rừng hiệu quả, giảm dần tình trạng khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép.

Cùng với Khu bảo tồn thiên nhiên Đồng Sơn – Kỳ Thượng, công tác bảo vệ, phát huy giá trị sinh thái môi trường rừng được TP Hạ Long tập trung thực hiện với những giải pháp đồng bộ. Hiện trên địa bàn thành phố có 87.614,36ha rừng và đất lâm nghiệp, chiếm 78,28% diện tích. Phần lớn diện tích đất lâm nghiệp được quy hoạch là đất rừng phòng hộ, rừng đặc dụng do các đơn vị quản lý.

Thực hiện Chương trình phát triển KT-XH của 12 xã gắn với ngành nông, lâm nghiệp và thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TU (ngày 28/11/2019) của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, thành phố chỉ đạo 12 xã xây dựng Chương trình phát triển KT-XH gắn với nông, lâm nghiệp trên địa bàn từng xã. Qua đó, các địa phương có rừng đã lồng ghép công tác bảo vệ, phát triển rừng với việc thực hiện các nhiệm vụ trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, người dân các xã đã tích cực tham gia trồng và chăm sóc rừng. Riêng năm 2022 diện tích trồng rừng đạt 1.966,53ha, tăng 187,28% so với chỉ tiêu kế hoạch thành phố đề ra; độ che phủ rừng duy trì ổn định ở tỷ lệ 61%.

Đặc biệt, thành phố xác định, chất lượng rừng được nâng lên phải thông qua việc trồng rừng gỗ lớn và tập trung bằng các loài cây bản địa. Để người dân hưởng ứng tham gia, bên cạnh tuyên truyền các cơ chế chính sách của tỉnh cho nhân dân, Phòng Kinh tế thành phố đã phối hợp với Hạt Kiểm lâm thành phố, Ngân hàng CSXH tỉnh làm việc với các xã và các hộ dân có nhu cầu trồng rừng gỗ lớn để hướng dẫn, hỗ trợ người dân viết đơn đăng ký tham gia. Với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, ngành của thành phố, năm 2022, trên địa bàn TP Hạ Long đã trồng được 492,8ha lim, giổi, lát tập trung và trồng được 17.700 cây phân tán tại các tuyến đường liên thôn, nhà văn hóa, trường học… gồm các loài cây sấu, long não, giổi, lát hoa, phi lao…

Đối với diện tích rừng ngập mặn trên địa bàn, thành phố thường xuyên tiến hành rà soát diện tích này; kiểm soát chặt chẽ việc chuyển mục đích sử dụng rừng ngập mặn, hạn chế tối đa việc chuyển đổi diện tích bãi triều, rừng ngập mặn sang nuôi trồng thủy sản và mục đích phi nông nghiệp. Đồng thời, xử lý dứt điểm tình trạng lấn, chiếm, xây dựng công trình trái phép trên đất có rừng ngập mặn, góp phần đảm bảo hài hòa giữa mục tiêu phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường bền vững cho thành phố.

Để chủ động trong công tác quản lý, bảo vệ, PCCCR, giảm thiểu thiệt hại do cháy rừng gây ra, lực lượng kiểm lâm cũng đẩy mạnh thông tin tuyên truyền đến các chủ rừng, từng hộ dân biết khu vực dễ xảy ra cháy; tổ chức ký cam kết bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng giữa các chủ rừng, các hộ gia đình, cộng đồng dân cư; xây dựng kế hoạch huy động lực lượng, phương tiện theo phương châm “4 tại chỗ”, sẵn sàng ứng phó với các tình huống có thể xảy ra.

Theo ông Lê Văn Thắng, Phó trưởng Phòng Kinh tế TP Hạ Long, để phát triển rừng bền vững, thành phố tiếp tục triển khai những nội dung trong các nghị quyết của tỉnh ban hành thời gian qua, nhất là Nghị quyết số 10-NQ/TU (ngày 26/9/2022) của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh. Năm 2023, thành phố đặt chỉ tiêu kế hoạch trồng rừng gỗ lớn là 420ha lim, giổi, lát. Để hoàn thành các mục tiêu đề ra, thành phố tiếp tục tuyên truyền, vận động chủ rừng là hộ gia đình và doanh nghiệp tham gia trồng rừng gỗ lớn, trồng cây bản địa. Đồng thời, chỉ đạo các chủ rừng tổ chức rà soát diện tích rừng trồng thay thế, diện tích rừng trồng loài cây mọc nhanh để khai thác, trồng lại rừng gỗ lớn nhằm nâng cao chất lượng rừng…

Nguyễn Thanh

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây