Văn hóa dân gian Cơ Tu – Nhà nghiên cứu Võ Văn Hòe – Phần 13

Văn hóa dân gian Cơ Tu - Nhà nghiên cứu Võ Văn Hòe - Phần 13

Untitled 2 min 2 - Văn hóa dân gian Cơ Tu - Nhà nghiên cứu Võ Văn Hòe - Phần 13

CHƯƠNG VII

LỄ HỘI

Nhà nghiên cứu Võ Văn Hòe

Người Cơ Tu trong năm có lễ hội đâm trâu, trong lễ hội này có nhiều lễ phối tế lễ: ăn mừng lúa mới, kết nghĩa ăn thề với làng anh em, cúng các dàng: rừng, sông, suối, cây cỏ,… và tạ ơn thần lúa và đôi khi có lễ cúng mừng gươl mới. Hiện nay, lễ đâm trâu tiến hành tổ chức hằng năm, nhưng thảng, có làng hai hoặc ba năm tổ chức một lần (theo cách tam niên nhứt lệ) trong lễ tế phối tế nhiều vị dàng/ thần linh, cảm tạ thần linh, trời đất. Còn nghi lễ cúng máng nước hay cúng mừng lúa mới (cha ha roo tơ me) là thời rất xa xưa trên vùng Đông Giang hay Tây Giang mới có. Thời nay, lễ tế này làng nào cũng tế dàng lúa, mừng được mùa.

Lớn hơn cả là lễ đâm trâu (của làng cũng như của từng nhà), lễ “dồn mồ – têng ping”, ăn tết theo làng, vào khoảng tháng giêng, tháng hai dương lịch, sau mùa tuốt lúa, trước hết có các nghi lễ cúng tế tại nhà và nhà gươl. Tết cũng là dịp ăn uống và đón tiếp khách vui vẻ. Nay nhiều nơi tổ chức Tết vào dịp tết Nguyên đán theo tiết người Kinh. Đây là sự biến đổi văn hóa trong điều kiện giao lưu, hội nhập ngày càng sâu rộng trong cộng đồng.

Lễ ăn mừng lúa mới (cha ha roo tơ me), lễ ăn mừng được mùa (bhuôih aví), lễ bỏ mả (têng ping), lễ ăn mừng gươl (lêêng tơrí), cả trong những giờ phút chia ly, đưa tiễn người thân, bạn bè, đón mừng ngày vui chiến thắng, lễ ăn thề kết nghĩa (pơ ngoót) anh em giữa hai làng người Cơ Tu (pơ rơ ngooch), … Cồng chiêng với họ không chỉ là một thế giới âm thanh lạ lùng mang cả nét kỳ bí lẫn tươi tắn lạc quan mà còn thể hiện những tình cảm vui buồn và niềm tin yêu đời. Cồng chiêng với nhảy múa nghi lễ tâng tung da dắh là hai thành tố cấu thành một lễ tế quan trọng, dường như không thể tách rời nhau. Bởi đấy là các yếu tố thiêng liêng nhất có thể mà người Cơ tu hướng đến với dàng trong quan niệm của họ về vũ trụ, nhân  sinh. Cái để hướng về thế giới thần thánh, nơi giao tiếp, cảm nhận và gửi gắm là hai thực thể không thể thiếu trong một lần tế lễ. Đó là cột lễ và cây nêu.

1. Cột lễ

Với người Cơ Tu ở Quảng Nam thuộc các huyện Nam Giang, Tây Giang, Đông Giang (và cả người Cơ Tu tại huyện Nam Đông, A Lưới của tỉnh Thừa Thiên – Huế) hay người Cơ Tu sinh sống tại huyện Hòa Vang thành phố Đà Nẵng, cây cột lễ (x’nur) luôn là vật linh thiêng, mang ý nghĩa kết nối với tổ tiên, với hệ thống dàng (trong quan niện thế giới quan của họ). Vì thế, đối với thành viên trong cộng đồng thể hiện nhân sinh quan tư duy chủ toàn, con người luôn gắn kết với cộng đồng, vì cộng đồng, tạo nên sự khép kín trong tổ chức xã hội truyền thống của họ. Thông qua x’nur, họ cầu xin có cuộc sống bình an, sức khỏe và nhiều của cải, không bệnh tật, ốm đau.

Thường gọi cây cột lễ là x’nur, nơi cột trâu hiến tế mỗi khi tổ chức các lễ hội truyền thống như: mừng lúa mới (cha ho roo tơ me), lập làng, … Cây cột lễ thường được trang trí gồm nhiều chi tiết, hoa văn với bốn màu chủ đạo là: đen, trắng, đỏ, vàng, thể hiện nét văn hóa truyền thống và yếu tố tâm linh trong tín ngưỡng của người Cơ Tu. Ngoài ý nghĩa tâm linh, cây cột lễ còn có vai trò là trung tâm của các lễ hội. Khi kết thúc lễ hội, người Cơ Tu tập trung quanh x’nur, cùng uống rượu cần, thưởng thức món ăn truyền thống và tham gia các trò chơi, nhảy múa tâng tung da dắh trong tiếng cồng chiêng rộn ràng của các nghệ nhân. Cột lễ là trụ gỗ lớn được trang trí hoa văn đặc trưng tộc người được trồng giữa sân gươl. Thân cột lễ được gắn hai cánh bằng gỗ mỏng, đối xứng với thân cột như hai cánh tay, được vẽ hình chim trĩ, gà trống và nhiều hoa văn: hoa a tút (hoa móc), … Hai cánh đối xứng (đôi khi là bốn cánh) là biểu tượng biểu đạt các tầng văn hóa, do đó giải mã tầng ngữ nghĩa này có sự khác nhau do tính đa nghĩa của biểu tượng. Bởi như hai cánh tay trong múa da dắh hay hình hai con gà trống, có làng lại trang trí cách điệu đôi chim tr’iing hoặc chim goóc thể hiện đặc trưng văn hóa tộc người. Và vì biểu trưng mang tính đa nghĩa nên ở mỗi góc nhìn có cách tiếp cận và hiểu về nó khác nhau. Ở mỗi lễ hội có cách nhìn nhận khác nhau về biểu trưng văn hóa, cho nên việc giải thích cũng khác nhau. Có ý kiến cho rằng đó là hình tượng hai cánh tay của của người phụ nữ Cơ Tu đang dâng lên thần lúa, dâng lên thần Trời tối cao, những sản phẩm do họ làm ra trong lúc thực hiện vũ điệu da dắh. Thân cột cũng được đẽo hình những chiếc cối giã lúa chồng lên nhau, xen lẫn giữa các cối là những mô hình tròn biểu trưng cho Mặt trời (chapoong tơngơới), với sức mạnh tỏa ra nguồn năng lượng khai sinh.

Cây nêu và cột lễ là nơi dân làng dâng cúng cho thần linh lễ vật, nơi dàng và thần linh ngự tọa nhận vật hiến tế. Vì thế, cây nêu được dựng lên bao giờ cũng phải có vật hiến tế kèm theo, được buộc vào cột lễ. Nếu vật hiến tế bị chết đột ngột hoặc bị sổng đi thì người Cơ Tu rất sợ hiện tượng không tốt xảy ra. Họ cho rằng yàng sẽ quở phạt và “bắt chết” người trong làng để thay thế! Những nghi thức cúng tế diễn ra tại cây nêu và cột lễ là những nghi thức đầy tính chất huyền bí mang yếu tố ma thuật. Lễ diễn ra giữa sân gươl chính là giải tỏa nỗi sợ hãi của người dân trước lực lượng siêu nhiên.

Với những ý nghĩa như vậy, cây nêu và cột lễ (x’nur) được trang trí đẹp nhất của người Cơ Tu trong các lễ hội, sắc màu hơn những vật trang trí khác. Đây là công trình sáng tạo, có yếu tố tạo hình, thể hiện đường nét mỹ thuật của tập thể nghệ nhân dân gian khéo tay nhất trong làng. Cột lễ là một biểu tượng trung tâm của các hoạt động văn hóa cộng đồng của người Cơ Tu, là chiếc cầu nối giữa thế giới con người và thế giới thần linh thông qua các nghi lễ hiến tế, dâng hiến và cầu xin. Khi được dàng chấp thuận cho làm lễ tế mới phân công dân làng chuẩn bị cho lễ chính như heo, gà, quan trọng là trâu và dựng cây nêu, …. Từng phần của lễ hội đều rất chu đáo, cẩn trọng. Mỗi một thành tố có dâng cúng lễ xin dàng trước khi thực hiện. Chẳng hạn, để cột trâu vào nêu thì trước hết làng phải dùng một con heo sống để cúng con trâu, sau mới dùng trâu để cúng yàng. Người ta chọn trâu và cột trâu vào trước một hay hai ngày mới đâm trâu.

2. Cây nêu

Dùng hai cây tre trồng đối diện với cây cột lễ giữa sân gươl. Hai đầu nêu có thể tỏa ra hai bên và cong xuống, ngọn cách đất chừng vài ba mét như cây bắp đang độ sung sức phát triển. Trên thân cây nêu người ta vót những thanh tre mỏng, làm cho cong chúng lên, cuộn lại trông như những cái bông trang trí trên thân nêu. Hoặc cây nêu được trồng giới hạng không gian, sau đó người Cơ Tu kéo hai đầu ngọn tre chụm lại với nhau qua sợi dây liên kết, biểu tượng cho giới hạng vùng thiêng liêng nhất, trông như hình răng cưa hoặc biểu tượng của núi rừng. Đây chính là giới hạn của không gian thiêng mà bất cứ ai đến dự lễ đâm trâu là đã bước vào thế giới và không gian dàng. Tại đây, họ có thể tự nguyện giao tiếp với các dàng, từ dàng tối cao – dàng Trời – đến dàng đất – dàng Dưới đất, dàng sông suối, dàng rừng, … và đặc biệt là dàng lúa. Như thế, trong lễ hội đâm trâu người Cơ Tu, cây nên là một thành tố, một biểu tượng không thể thiếu trong tiến trình diễn ra lễ hội. Và vì là biểu tượng nên có tính đa nghĩa, thể hiện đa tầng ước vọng của tộc người Cơ Tu trên rừng đại ngàn Trường Sơn hùng vỹ. Họ muốn hòa mình vào vũ trụ rộng lớn để sinh sôi, nẩy nở và tồn tại.

Cây nêu cùng với x’nur (cột lễ) là biểu tượng tính thiêng của lễ hội Cơ Tu, góp phần làm cho không gian lễ trở nên thiêng liêng mang yếu tố tâm linh huyền bí. Và đây chính là ngôn ngữ biểu đạt của các lực lượng siêu nhiên với con người.

3. Khóc lý thương trâu (Nơơi tơ rí)

Nơơi tơ rí thường diễn ra giữa nhà trai và nhà gái trong các lễ hội đâm trâu, tại gia đình nhà trai và nhà gái, nhằm tạ ơn công lao cha mẹ vợ của bên con rể.

Hoặc nơơi tơ rí diễn ra giữa hai làng trong các lễ hội pơ ngóch (ăn thề kết nghĩa) theo truyền thống người Cơ Tu.

* Trường hợp trong lễ hội đâm trâu tạ ơn công lao cha mẹ vợ (pơ đăh):

Chàng trai Cơ Tu lấy vợ, khi đã có một người con trở lên, họ lo trao đổi (tìm kiếm) cho được một con trâu (trong điều kiện có thể) để tổ chức (làm) lễ hội pơ đăh, tạ ơn công lao trời bể của bên cha mẹ vợ. Đây là loại hình lễ hội lớn thứ nhì (mang ý nghĩa giữa hai bên gia đình, nhưng có sự tham gia của cả làng giúp đỡ và hưởng thụ về vật chất, ăn uống).

* Trường hợp trong lễ hội đâm trâu mang ý nghĩa kết nghĩa giữa hai làng (pơ ngóch):

Hai làng cùng sắm trâu, các loại vật phẩm khác, bò, dê, gà,…thể hiện ý nghĩa kết nghĩa anh em. Hai làng cùng tham gia, hai làng cùng hưởng.

Hai trường hợp lễ hội trên, cả hai loại thường diễn ra trong hai ngày/ lễ hội:

  • Ngày “Dục”: ngày đầu tiên khi trâu còn sống;
  • Ngày “Chêêt”:

Thời gian nơơi tơ rí (khóc lý thương trâu) vào lúc đêm khuya thanh vắng (nhất định phải thế).

Người được chọn là người nơơi tơ rí phải là người có tuổi và có khả năng diễn xướng loại hình nghệ thuật khóc trâu này. (Thường, người nắm phần hát lý là một trong sáu thực thể quản trị làng được chọn thực hiện phần quan trọng này).

Trong lễ hội pơ ngóch, người nơơi phải chọn hai người, mỗi làng cử một người đại diện nơơi tơ rí.

Trong lễ hội pơ đăh, là đại diện giữa một bên là nhà trai và một bên là nhà gái. Nghệ thuật nơơi trong khóc lý thương trâu cũng giống như nghệ thuật và quy tắc hát giao duyên ba boch. Đấy là nghệ thuật ẩn dụ được sử dụng nhiều trong quá trình nơơi.

Nội dung nơơi tập trung vào chủ đề chính làm toát lên ý nghĩa của lễ hội (không được lạc đề). Bởi khi diễn trình lễ hội khai mở, dưới sự chứng kiến của dàng, nơơi cần phải tập trung làm nổi bật chủ đề.

Dưới đây là nơơi trâu trong trường hợp pơ đăh ca điêêu (tạ ơn công lao cha mẹ vợ):

Bên nhà trai nơơi với nội dung rằng: “…Bên nhà trai vô cùng thương yêu, kính trọng bên nhà gái, nên cố gắng tìm mua cho được con trâu, cườm, chiing (chiêng), ché, bát đĩa đem qua cho nhà gái,… Từ ngày hai bên thành sui gia (xa xao cha chuil), ngoài gái xinh đẹp chăm ngoan,…của mình, nhà gái đã thương yêu, giúp đỡ nhà trai chúng tôi rất nhiều thứ hay, điều tốt,… Tiếc rằng trâu chúng tôi đem tới không to, chiêng, ché, cườm, bát, đĩa,… không đẹp, không nhiều, mong nhà gái thông cảm cho,… Cầu mong hai bên gia đình chúng ta được Dàng phù hộ nhiều điều tốt lành.

Bên nhà gái nơơi với nội dung rằng: “…Bên nhà gái chúng tôi vô cùng xúc động trước lòng thành bên nhà trai,… Chúng ta tuy cùng nghèo vè vật chất, nhưng chúng ta cùng giàu về tình cảm,… Tiện thể, hôm nay mong phía nhà trai thông cảm, chúng tôi không kiếm được nhiều tấm dồ, tấm tút đẹp, rượu cần, tr’ đin, tơ vak ngọt, cơm, xôi, thịt gà, cá, chim,… ngon. Cầu mong Dàng phù hộ hai bên gia đình ta luôn được vui khỏe, gặp nhiều điều tốt lành trong cuộc sống.

Nơơi tơ rí là hình thức khóc trâu đặc sắc trong lễ hội đâm trâu của người Cơ Tu.

Đêm trước đâm trâu, cả làng múa hát trong không khí linh thiêng đến khuya, những người già vẫn còn thức đến sáng để khóc trâu (nơr). Nơr là một biểu hiện thương xót trâu trước khi thực hiện vai trò là thông điệp hiến tế thần linh.

Người già đến vỗ về trâu, những động tác thể hiện tình yêu thương đối với trâu, an ủi, cảm thông.

Tế, khóc trâu thường được mở đầu bằng câu:

Trâu ơi, giờ trâu đã buộc vào neo, biết gỡ vào đâu…“.  ”Trâu ơi, trâu đừng trách dân làng, tế trâu là tục lệ xưa nay của dân làng, hằng năm hiến sinh trâu cho trời, đất, tổ tiên ông bà để cầu cho dân làng được bình an, không bị dịch bệnh, lúa bắp tươi tốt, mọi người khoẻ mạnh, không đau ốm. Cầu cho linh hồn trâu được an lành.”

Năm 1938, Le Pichon đến làng A Pát,[1] người lính viễn chinh này chép được bài hát khóc trâu, ông gọi là Bài ca trâu:

Con trâu của tôi, con trâu to lớn của tôi làng thang trong núi. Tôi gọi nó nhưng nó không đến.
Hỡi các thần, hãy nghe tiếng của tôi!
Con trâu của tôi, con trâu to lớn của tôi lang thang trong núi!
– Trong làng con trâu của tôi to lớn nhất, nhưng trong núi đó chỉ là một hạt lúa
Những con cọp sẽ ăn thịt nó
Hỡi các thần hãy nghe tiếng của tôi!
Con trâu của tôi, con trâu to lớn của tôi lang thang trong núi!
– Tôi đã tìm trâu nhiều mùa trăng
Và tôi đã gặp người con gái của Trưởng làng Parok [2]
Parok là một làng đẹp
Và người con gái của Trưởng làng, người con gái đẹp nhất làng Parok
Tôi sẽ cưới cô gái đó nếu tôi tìm được trâu, vì hồi môn của cô ta là lớn và của cải của tôi ít
Hỡi các thần hãy nghe tiếng của tôi!
Con trâu của tôi, con trâu to lớn của tôi lang thang trong núi.
 

Nội dung khóc trâu thể hiện tình cảm, nỗi thương tiếc trâu đã đã hy sinh thân mình cho sự trường tồn của dân làng. Trâu làm vật hiến sinh cúng Yàng, điều mà dân làng thương xót lắm. Nhưng phải biết làm sao! Đêm trước ngày đâm trâu, vị chủ lễ tổ chức cúng trâu tại sân gươl. Lễ gọi là cúng dục t’trí. Lễ phẩm có đầu heo, con gà luộc và chai rượu, đặt tại trụ x’nur, khấn với dàng mọi việc đã chuẩn bị xong, ngày mai xin dàng cho dân làng đâm trâu.

Giữa đêm khuya tĩnh lặng của rừng núi bao la với vài ngọn lửa le lói cháy giữa sân gươl, vài ba người ngồi vừa hát khóc trâu, trống ca thu ngắt nhịp, lời khóc trâu ai oán, não nề. Không gian thiêng như cô đặc, niềm tiếc thương trâu dâng lên. Nghi thức khóc trâu thường được bắt đầu bằng một người già có uy tín trong làng, thường là vị nói – hát lý trong Hội đồng làng, am hiểu và từng trải trong cuộc mưu sinh.[3]  Người này đại diện cho dân làng than khóc trâu: “Trâu ơi, trâu đừng trách dân làng, đây là lễ bao đời của làng, trâu hy sinh hiến tế cho trời, cho đất, cho tổ tiên ông bà, cầu cho dân làng được bình an, không bị dịch bệnh.  Cầu cho linh hồn trâu về cõi Trời được an lành”.

Sau nghi thức khóc trâu tốp đàn ông, thanh niên, nam nữ nhảy múa vòng quanh x’nur trong vũ điệu tân tung da dắh. Tiếng chiêng rung trong đêm, thấu đến thần linh. Người ta cho rằng nghi thức này thể hiện sự thương xót của dân làng đối với con trâu vì phải hy sinh cho cuộc sống bình yên của dân làng. [4]

Sáng ra là lễ đâm trâu. Trâu ngã ! Người ta cắt đầu trâu dựng bên cột x’nur, cạnh bên hũ rượu cúng trời, đất, tổ tiên, ông bà. Máu trâu bôi lên cột x’nur. Mọi người dùng máu trâu bôi lên trán để thu nhận được năng lượng của dàng ban phát, cuộc sống sẽ gặp nhiều điều may mắn. Trâu được xẻ thịt chia cho từng hộ dân làng. [5]

Khi trâu chết, họ lấy tấm dồ, tấm tút đắp lên mình trâu, đặt lên đó các loại bánh, cơm lam, trái cây, chuối chín, gà, vịt, gạo, … (cho rằng trâu chết về thế giới bên kia cũng được no đủ). Dân làng lần lượt đến chỗ trâu tự lấy các loại bánh, cơm lam, chuối chin để ăn, máu trâu được họ bôi lên trán với ước nguyện sức khỏe luôn dồi dào, gia đình bình an, lúa được mùa, dân làng đoàn kết, thương yêu nhau.

Buổi sáng ngày đâm trâu, người ta làm một mâm cúng khấn dàng báo việc thực hiện đâm trâu. Trâu chết thì mổ thịt và lấy đuôi cùng với vật cúng tung lên giỏ pà pà được thiết kế sẵn trên đỉnh cây cột lễ. Nếu ném trúng vào giỏ thì coi như dàng chấp nhận mà nếu chưa thì khấn tiếp và tung tiếp cho đến khi nào vật lễ vào giỏ mới thôi.

Khóc trâu (Bài 1)
(Bà A Lăng Thị Sơi, thôn Giàn Bí, hát)
Chau ngơn, chau ngơn.
Nghé ngơn, nghé ngơn.
Cu ca sót a may ta ngay ma đoốc cu cha uônh may, sóc may ca tiênh, soi may gang ơi kénh. Cu têng đô châu ơi…ơi…ơi…!
Vì phưn ca noong ham may tà toóc oóc, toóc a di chau ơi !
May thà đưm chắc pem êm pa ra ngau, chau ơi !

Dịch nghĩa:

Trâu ngoan, trâu ngoan
Nghé ngoan, nghé ngoan
Ơi ! con trâu ơi từ thời thuở bé, ta nuôi mày khôn lớn, thân hình mày đẹp, đuôi tóc may suông. Nhưng giờ biết làm sao !
Vì buôn làng ta phải tiễn mày đi.
Nhìn máu chảy lòng ta đau xót.
Đừng oán than, đừng tức giận nghe trâu.[6]

Khóc trâu (Bài 2, chung cho tộc người Cơ Tu tỉnh Quảng Nam, Đà Nẵng)

Trong không khí vui nhộn của đêm lễ hội người ta lại hát một đến nhiều lần bài hát về trâu, gọi là “hát khóc trâu”. Bài hát chứa đầy nội tâm, thể hiện thông qua diễn xướng của nghệ nhân dân gian nói – hát lý. Lời hát khóc trâu tạo nên cảm xúc giữa người với trâu, diễn tả sự gắn bó giữa trâu và con người. Một một đoạn của bài hát:

Ta thương trâu đã mười năm nay
Ta chăn trâu vừa đủ trăm ngày
Mời trâu ăn nắm cỏ lần cuối
Mời trâu ăn ngọn cỏ tranh lần cuối
Trâu hãy ăn lá râng lần cuối
Trâu hãy kêu nghé ọ lần cuối
Người ta đã cột trâu vào cọc rồi
Khách mời “ăn trâu” đã đến đầy nhà.
Chờ sáng mau họ sẽ vào ngày hội
Ta thương tiếc trâu lắm trâu ơi
Ta không thể giúp gì cho trâu được
Trâu hãy rung cho ngả cọc nêu
Trâu vùng vẫy cho đứt chùm dây
Người ta sắp xẻ thịt trâu rồi đấy!
Nơi vũng nước trâu nằm vẫn còn
Chân trâu cào mặt đất còn dấu.
Bãi cỏ nơi trâu ăn còn đó.
Ngọn núi kia trâu đi với cái
Bụi tre kia trâu vỗ nghé ngủ
Cây to kia trâu thường cọ khi ngứa
Đôi mắt tròn trâu tìm đường đi
Dòng suối nơi trâu tắm vẫn còn
Ta gặp trâu đêm nay nữa thôi
Người ta đã cột dây đầy cổ trâu
Người ta cột trâu nhiều dây chắc lắm!
Người ta đã cho trâu đeo xâu cườm
Mũi sừng trâu đã cắm tang nêu.
Ta đành chịu không cứu được trâu
Người chặt vào lưng, xin trâu đừng khóc
Người đâm vào hông, trâu chớ kêu la
Người chặt vào đuôi, trâu đừng quất nữa
Nếu trâu quất e trúng lũ trẻ
Có bề gì ta phải chịu đền.
Trâu chết đi bỏ lại vũng nước
Trâu chết đi bỏ lại bãi cỏ
Trâu chết đi bỏ lại vợ con.
Trâu chết đi cho buôn làng vui
Cho thần lúa xuống ở trong nia
Cho thần lúa xuống ở trong thùng
Ta trao bột máu dê cho trâu
Ta cho trâu ăn bột củ nghệ
Ta cho trâu uống rượu ống nứa
Trâu uống đi trước khi trâu chết !
Ta tiếc thương trâu lắm trâu ơi !
Ta khóc thầm nơi bụi râng
Ta khóc thầm nơi bụi tre non
Lưng trâu đã từng mang nước cho ta
Lưng trâu đã từng chở tre về nhà
Cặp sừng trâu ta từng vuốt ve
Ta thường cởi trên cổ trâu
Trâu bỏ bãi cỏ sẽ mọc dài
Bỏ bụi tre, tre phải mọc trái
Thôi ta từ giã trâu từ đây
Trâu hãy ăn nắm cỏ này lần cuối
Trâu hãy ăn trước khi trâu chết
Để trâu về giữ con thần lúa.

Sau phần lễ là đến phần hội. Tiệc chiêu đãi là thịt trâu hiến tế và lợn, gà, chuối. Ẩm thực Cơ Tu phong phú được khai thác từ rừng về, qua các công đoạn chế biến thành những món ăn mang ra chiêu đã khách và dân làng.

1 min 5 - Văn hóa dân gian Cơ Tu - Nhà nghiên cứu Võ Văn Hòe - Phần 13

Khóc trâu (Ảnh: St)

Các món ăn đều ngon miệng. Ăn uống – ẩm và thực – có rượu cần, tavak, tr’đin dân làng thưởng thức, làm tăng thêm hương vị núi rừng. Lễ hội đâm trâu tập trung chủ yếu vào lễ mừng lúa mới (cha ha roo tơ me). Đây là thành tố quan trọng và chủ yếu trong lễ hội đâm trâu.

Vào dịp này, nhà nào cũng chuẩn bị sẵn một vài món ngon, sau lễ đâm trâu, mang đến gươl góp vào cuộc vui chung.

Năm 2017, trong bối cảnh đương đại, người Cơ Tu đã dần bỏ lễ tục đâm trâu trong lễ thức cúng dàng của tộc người đã tồn tại từ xưa trong lịch sử. Các làng Cơ Tu vẫn lạc quan vào hội vẫn tràn đầy niềm vui trong xây dựng nông thôn mới, phát huy nội lực trong khả năng thích ứng với các biến đổi phong tục tập quán phù hợp với thời kỳ công nghiệp hóa hiện đại hóa khu vực nông thôn. Sự chuyển đổi của người trong cuộc có tác động mạnh mẽ. Trong một lần điền dã về huyện Tây Giang, chủ làng Bh’ning, xã Lăng, huyện Tây Giang, nơi lần đầu tiên tự nguyện bỏ tục đâm trâu ngay tại cây cột lễ: “Bỏ đâm trâu là buồn, là có gì đó lo ngại cho làng. Bỏ đi một nghi thức cúng dàng qua nhiều đời của tổ tiên, nhưng chúng tôi cũng đã thấy rõ, đâm trâu bây giờ không còn phù hợp nữa, khi mà bệnh xá, bác sĩ có mặt tận các làng. Người đau ốm, dịch bệnh, được xe cấp cứu đến nhà, ngành y tế về lập trạm tại xã. Ngay vùng biên giới xa xôi cũng có bác sĩ quân y thì ốm đau, bệnh tật không thể nhờ cậy vào việc hiến tế máu cho thần linh, hay từ những lời cầu khẩn xin dàng Trời mà hết bệnh được. Chúng tôi được giải thích rõ lý do, vì vậy không phải tin vào những điều huyền bí từ xưa. Đâm trâu cũng thương xót con vật yêu quý của dân làng. Bỏ đâm trâu tuy buồn, nhưng hợp lý nên chúng tôi vận động dân làng không đâm trâu.” [7].

4. Lễ tiết mừng lúa mới (cho ha roo tơ me)

Thời gian ngả vào các tháng tám, chín, mười là lúc người Cơ Tu lên rừng tìm cây gỗ tốt, lá song lành lặn, cây nứa đủ già, dây mây đủ dẻo, … sửa sang lại nhà cửa, nhà moong, kho lúa, và các loại dụng cụ nhà nông, săn bắn cho năm đến. Sau tháng mười, hoặc ngay trong tháng mười, khi vùng đồng bằng đón nhận mùa mưa lầy lội là lúc vùng núi cao đông Trường Sơn, người Cơ Tu chuẩn bị vào vụ tuốt lúa mùa. Lúa trên rẫy đã bắt đầu chín tới và đang rộ dần đều. Một năm, người Cơ Tu miền Tây đất Quảng chỉ giao trỉa một vụ lúa. Đây là vụ lúa chính. Trên rẫy lúa bắt đầu ngã sang vàng mỡ gà, báo hiệu thời điểm thu hoạch đã đến gần.

Chủ làng và các vị trong Hội đồng già làng cùng với các chủ hộ dạo quanh khu vực rẫy, họ ước đoán xem lúa đã chín đều khắp được bao nhiêu phần. Khi xác định được lúa đã chín, chủ làng triệu tập cuộc thảo luận tại gươl và chọn ngày giờ tuốt lúa; đồng thời chọn ngày ăn mừng lúa mới tại gươl để các gia đình thành viên chuẩn bị được chu đáo.

5 min 13 - Văn hóa dân gian Cơ Tu - Nhà nghiên cứu Võ Văn Hòe - Phần 13Làm lễ xin dàng trước khi trỉa lúa.

Tại gươl, quyết định được đưa ra, liền đó vài hôm, người dân trong làng, nòng cốt là thanh niên nam nữ trong làng làm vệ sinh đường làng, nhà cửa, khu vực sinh hoạt cộng đồng, nhà kho, nhà moong đón khách, … được sửa sang lại cẩn thận tránh mưa giọt, chuột nhấm. Dụng cụ lao động làm rẫy, như liềm, rựa, cuốc quắm, cây chột lỗ, …và dụng cụ làm gạo, như chày, cối, nong, nia, trẹt, gùi,… được sửa sang lại cho bền chắc, chuẩn bị mang đến gươl báo với dàng trong ngày ăn mừng lúa mới về dụng cụ làm rẫy và kết quả thu hoạch lúa có sự giúp đỡ của dàng trong suốt vụ mùa.

Theo ngày giờ làng thống nhất chọn tuốt lúa, cả làng cùng nhau ra rẫy tuốt lúa, thu hoạch sản phẩm sau một vụ mùa. Do tuốt lúa cùng một ngày, một giờ nên rẫy nhà nào nhà nấy thực hiện thu hoạch mà không có sự giúp nhau qua lại. Tục của Cơ Tu mặc nhiên quy định từ rất lâu trong lịch sử phát triển tộc người, người ngứt bông lúa đầu tiên là người mẹ, hoặc người phụ nữ cao tuổi trong gia đình được quyền ưu tiên thực hiện điều này.

6 min 14 - Văn hóa dân gian Cơ Tu - Nhà nghiên cứu Võ Văn Hòe - Phần 13Tuốt lúa bỏ gùi arêê (Internet) 

4 min 4 - Văn hóa dân gian Cơ Tu - Nhà nghiên cứu Võ Văn Hòe - Phần 13Săn bắn (Internet)

Làm lúa rẫy, săn bắn là hai hoạt động chính của người Cơ Tu

Như là thực hiện phép bùa chú, người phụ nữ cao tuổi ngứt ba bông lúa, cột lại, bỏ vào gùi  đeo bên hông, xem như cột hồn lúa theo về với gia đình bà. Kế đến, người phụ nữ được ủy nhiệm bứt ba bông khác, hoặc hơn ba bông lúa trao cho các phụ nữ trong gia đình, ai cũng được phần như thế. Đó là tục chrây mà người Cơ Tu duy trì và thực hiện theo vòng đời không biến đổi từ 1975 về trước. Phân đều các bông lúa, mỗi người một bông, xem như chuyển hồn lúa cho mỗi người xong, người phụ nữ cao tuổi dàng hai tay lên trời, khấn rằng:

“A’roo t’mêê, k’bhêê chă đêệng;
 bịng zơng bịng đông;
 puôn c’nắt ch’pắt ch’nêếh bịng gọ goi;
 toi đớc hazi k’van k’bhố, crêê liêm…”
 (Lúa mới đừng tổn hao;
  nhà đầy kho;
 bốn miếng sáu hạt nở đầy nồi;  
tạo cho chúng tôi giàu no, yên ổn).[8]
 

Liên quan đến thời kỳ tuốt lúa, người Cơ Tu có truyện cổ dân gian, kể rằng: “Ngày xưa mẹ chồng lợn rừng và mẹ chồng hoẵng ở nhà giữ con cho lợn rừng và hoẵng đi lên rẫy tuốt lúa. Cuối ngày, khi con dâu gùi bên mình chiếc gùi arêê đựng lúa về nhà, hai bà mẹ chồng đều hỏi con dâu việc tuốt lúa thế nào! Lợn rừng luôn khoe công rằng lúa tuốt sắp xong, rẫy được mùa, nhiều thóc lắm, mặc dầu lợn rừng lười nhác trong việc tuốt lúa. Ra rẫy, nó tuốt bông được bông không, làm qua quýt cho xong việc, lại làm rơi rớt nhiều bông lúa chín. Do lười biếng lại còn lấy lúa rang lên cho thơm, giã gạo nấu ăn. Ngày nào cũng mang giỏ arêê về kho, nhưng trong kho chẳng có bao nhiêu lúa.

Trong khi đó, cùng đi tuốt lúa về, mẹ hoẵng hỏi, hoẵng trả lời mẹ chồng rằng ngày nào cũng tuốt được một ít lúa, mới tuốt đến chỗ cây chi vêng. Dẫu thế, hoẵng tuốt lúa rất chăm chỉ, tuốt kỹ và cẩn thận, hễ tuốt đầy một arêê, hoẵng phơi khô gieo sảy sạch hạt lép mang cất vào kho đâu ra đấy. Tuốt lúa như hoẵng chẳng mấy chốc lúa trên rẫy sẽ về nhà, về đầy kho.

5 min 4 - Văn hóa dân gian Cơ Tu - Nhà nghiên cứu Võ Văn Hòe - Phần 13

Giã gạo mừng lúa mới (VVH)

Một hôm, hai bà mẹ chồng gặp nhau, trò chuyện về con dâu giỏi giang của mình. Mẹ chồng lợn nhanh miệng khoe tính nết và công việc giỏi giang của con dâu, chăm chỉ, siêng năng tuốt lúa sắp xong trên đám rẫy rồi. Hiện tại, lúa đã về đầy kho. Năm nay chắc no đủ không đói kém. Ngược lại, trong cuộc trò chuyện, mẹ chồng hoẵng luôn phàn nàn con dâu bà tính nết chậm chạp, làm cái gì cũng chưa ra hồn ra vía, lại cái vụng về nên tỏ ra lười biếng. Mấy ngày rồi mà tuốt mới chỉ đến cây chi vêng. Lúa về kho đến nay chẳng được là bao.

Một bữa nọ, hoẵng từ rẫy mang gùi arêê về nhà, bà hỏi công việc nương rẫy thế nào, hoẵng vẫn trả lời bà như những ngày trước đó. Bà nổi giận mắng nhiếc con dâu thậm tệ. Hoẵng buồn tủi, bèn bỏ nhà ra đi. Trước khi ra đi hoẵng để lại lời nguyền: tôi ra đi, nếu sau này mọi người bắt được tôi về thì đừng có đánh trống đánh chiêng. Sét sẽ đánh chết các người!”

Bà mẹ chồng hoẵng biết phải xử sự ra sao!

Trong tâm thức người Cơ Tu, lợn rừng (heo rừng) là vật bốn chân chuyên phá hoại mùa màng, nhất là cây lúa và củ sắn, gây nhiều thiệt hại cho họ. Thế nên, cho dù phải bận bịu công việc đồng áng trên rẫy, trong mùa tuốt lúa hay đến lúc đốt rẫy lấy nương, mà hễ gặp bữa có thịt heo rừng săn bắn mang về, họ dừng công việc, cùng vui vẻ thưởng thức một bữa thịt heo rừng với t’đin, tavak, hôm sau tiếp tục công việc nương rẫy, không muộn.

Sau khi chủ làng dụng lễ xin dàng cho tuốt lúa, kế là mọi người bước vào rẫy tuốt lúa. Mỗi người tuốt đầy một gùi rồi về. Người mẹ hoặc người phụ nữ cao tuổi trong nhà dùng lễ phẩm là ba bông lúa bà ngứt đầu tiên trên rẫy, bà mang ra khấn với thần linh, dàng lúa, rằng: Lúa đã về nhà, mong được đầy kho, xin dàng giúp cho chúng tôi năm sau vụ mùa lúa được nhiều hơn nữa. Lời khấn với dàng mong dàng giúp cho gia đình bà luôn có nhiều lúa, không đói kém, không bệnh tật để làm ra nhiều lúa hơn nữa.

Vào ngày hội ăn mừng lúa mới tại gươl được tổ chức do chủ làng quyết định trước đó ít lâu, các bà mẹ, mang lúa mới tuốt ra rang cho hạt lúa dậy lên tỏa hương thơm mùi lúa mới, rồi giã – dừng – sàng thành hạt gạo. Nấu một nồi cơm mới in thành một chén/ tô cùng với chén/ tô xôi (ngày xưa chưa có tô, chỉ có lá rừng a ting, đến chén đẽo bằng gỗ, đến chén sành, họ un cơm lên, nén chặt lại như tô úp trong chén bằng gỗ và xôi cũng thế). Con gà trống vừa biết gáy, được luộc chín cùng với các loại thực phẩm mang lên gươl cúng dàng.[9] Thực phẩm có thể là: thịt nướng xông khói trong ống tre, ống lồ ô, hoặc ống giang, ống nứa và các loại canh, món rau dớn được chế biến thành các món ăn ngon miệng, các loại nấm và măng rừng,…Tại gươl, trước đây trong lễ cúng thần linh mừng lúa mới, ăn cơm mới, lễ này nếu trong làng có nhiều gia đình khá giả, họ hiến tế một con heo, vài ba gia đình như thế là có đầu heo cúng dàng và Mẹ Lúa.[10] Họ dâng cơm mới, lễ phẩm, khấn với dàng rằng: Lúa đã về nhà, mong dàng lúa giúp cho lúa đầy kho, cầu mong dàng ngó xuống chúng tôi, giúp đỡ gia đình tôi năm nào cũng được mùa, no đủ, không đói kém, bốn miếng sáu hạt nở đầy nồi. Mỗi gia đình tùy vào khả năng của mình mà có lễ phẩm mang lên gươl cúng dàng. Điều này không nhứt thiết và không buộc phải sắm nhiều lễ phẩm lên gươl. Gia đình có gì mang lên gươl loại đó, nhưng vị chủ nhà phải có mặt trong lễ cúng mừng lúa mới là không ngoại lệ. Với tinh thần trịnh trọng, không thiếu thái độ cung kính dâng lên thần linh – Mẹ Lúa lễ phẩm của gia đình. [11]

Sau một vụ mùa, niềm hy vọng lúa về đầy kho, hồn lúa theo chân người về tận gia đình vui cùng vụ mùa mới gặt hái được nhiều, cầu một năm không đói kém. Điều này thể hiện liên quan đến lễ cầu mùa, mang yếu tố tín ngưỡng dân gian thông qua hình ảnh con dế na noong là biểu trưng cho lúa gạo, cho sự đủ đầy trong năm. Truyện kể rằng: “Có hai chị em nhà dế, dế chị tên là La Lâng, bụng rỗng, ỏng, có hai đường rãnh lún sâu chạy dọc dưới bụng. Dế em là A noong thân hình thon nhỏ, gọn gàng, đẹp hơn dế chị. A noong nhờ được thần lúa (mẹ Lúa) phù hộ nên mỗi khi nấu cơm không cần nhiều gạo, chỉ cần bốn nửa hạt và sáu hạt [12]là nấu được nồi cơm, gạo nở đầy nồi, vài ba người ăn vẫn đủ. Dế chị La Lâng mỗi khi đi làm trên rẫy, do lười biếng nên bảo dế em Na Noong rằng hãy ở lại tiếp tục làm rẫy, còn La Lâng về trước nấu cơm. La Lâng đi khỏi rẫy, dế em Na Noong nới với theo, bảo chị: nấu puôn ka nắt cha pắt cha nê (nấu bốn nửa hạt và sáu hạt). Dế chị La Lâng nghe dế em dặn thế, nhưng nghĩ, nấu như vậy thì ít quá, làm sao cả nhà ăn no đủ, nên bỏ ngoài tai lời dặn của Na Noong. Về đến nhà, dế chị La Lâng cứ đong vào nồi nấu mỗi người một bơ gạo. Rồi thổi lửa nấu cơm. Đến khi cơm chín, La Lâng xới cơm đoạn bới ra cho vào mủng, thì nồi cơm lại đầy lên, lại bới ra nia, ra nong, cơm vẫn còn nhiều, không có gì đựng cho đủ xuể. La Lâng không biết phải tính sao cho được ổn!”

Truyện kể người Cơ Tu xây dựng biểu trưng của dế A noong là hình ảnh của sự no đủ, biểu trưng của lúa gạo đầy nhà. Theo đó, trong tâm thức, đối với người Cơ Tu khi lên rẫy bắt gặp dế A noong hay lúc về nhà lại có dế A noong xuất hiện, thì đấy là điềm tốt, gặp ân đức trọn vẹn, hy vọng trong năm cả nhà không đói kém, do có hạt lúa nằm chật cứng trong kho. Theo đó, người Cơ Tu xem dế na noong là biểu trưng gắn với lúa gạo được nhiều, chắc hạt, đầy kho, xua đi đói kém.

Năm được mùa, người Cơ Tu, nhất là phụ nữ cất lên niềm tin về cây lúa, biết ơn thần lúa. Bài ca của Lúa là thể hiện niềm tin sâu sắc đó:

Lúa, lúa tốt nấu trong nồi!
Tôi mang một chén đến mộ tổ tiên (ông bà) tôi
Vì các thần thích lúa
Cây lúa tốt mọc trong các rẫy
-Các thần làm lúa chín
Trải trên lúa nước mưa và nắng nóng mặt trời
Vì các thần thích lúa
Cây lúa tốt mọc trong các rẫy
-Vào dịp lễ mùa gặt
Chúng ta sẽ giết một con trâu
Tất cả các thần đều đến để chung vui
Ở chung quanh nhà gươl
-Bởi vì năm nay lúa đẹp
Và những bông lúa nặng chĩu
Và nghiên đầu chúng xuống đất
Mỗi người đàn bà đổ đầy lúa trăm gùi!
-Lúa cho sức mạnh và lòng can đảm
Những vựa lúa của chúng ta năm nay sẽ đầy
Chúng ta sẽ ăn lúa (cơm) mỗi ngày
Cây lúa tốt mọc trong các rẫy![13]

Trâu chết,[14] đội nhạc lễ và đội múa nghi lễ trong vũ điệu dâng trời, cồng chiêng, trống lễ giục lên cùng với tiếng hú, thét vang trong không gian thiêng của lễ vọng vào rừng núi đại ngàn. Vị chủ lễ với nghi thức giao tiếp các dàng, hai tay đưa lên trời vẫy máu trâu dâng hiến.

6 min 3 - Văn hóa dân gian Cơ Tu - Nhà nghiên cứu Võ Văn Hòe - Phần 13Lễ hội đâm trâu 1938 (Ảnh : Le Pichon trong Les chaseurs de sang của Le Pichon)

Đoạn, cắt đuôi trâu tung vào rổ pà pà trên đầu cây x’nur, và với con gà còn sống cũng được các vị già làng thay nhau tung vào rổ, biểu trưng hiến dâng trâu, gà cho dàng/ thần linh. Vào thời điểm này đội múa hùng mạnh hơn, chiêng trống tấu với tiết tấu nhanh hơn, âm thanh vang hơn, tiếng hú lớn hơn dài hơn; cây rung rang được nghệ nhân đưa lên cao rồi hạ xuống thấp cho gốc đập đất, cùng với cây mía cũng thể hiện tín gưỡng dâng trời như là kết nối ba thế giới thể hiện ba phần trên cây x’nur, cây rung rang, cây mía theo với trục thẳng đứng, hướng lên không gian thiêng của lễ.

Chiêng, trống, múa nghi lễ lại nổi lên, nhịp nhàng đưa linh hồn con trâu về với thế giới loài ma, trâu được xẻ thịt để làm thức ăn cho dân làng và cho khách. Đầu trâu được cắt ra (lấy cả phần đầu), đặt tại gốc x’nur làm lễ. Lễ tất, lại đem đầu trâu treo vào gươl trước khi lễ hội chấm dứt.

Sau lễ, toàn thể dân làng dùng bữa cơm, thưởng thức các món thực phẩm cùng với cơm gạo tẻ, xôi, gà trong ngày ăn mừng lúa mới với cộng đồng làng.[15] Thực phẩm được trích ra một phần, xong chia đều thành nhiều phần bằng nhau gửi về những hộ gia đình không đự hội được. Khách mời từ các làng lân cận đến cũng được biếu một phần thực phẩm đặc biệt của làng tổ chức lễ hội gửi tặng. Lệ này người Cơ Tu gọi là đh’bưy. Đồng thời với mang lương thực, thực phẩm lên gươl cúng dàng,[16] họ còn mang theo dụng cụ nhà nông lên gươl trưng bày, nhằm thông báo với dân làng những dụng cụ làm ra hạt lúa và đồng thời báo với dàng/ thần linh, rằng họ là một thành viên trong cộng đồng làng có thái độ, trách nhiệm đúng đắn trong công việc nhà nông, chế tác, sử dụng và giữ gìn công cụ lao động, để tăng cường khả năng tác động công cụ lao động vào tư liệu sản xuất có hiệu quả, mong đạt được thành tựu trong các vụ mùa tiếp sau.

Nhiều mâm cơm do hộ gia đình mang đến, được làng chấp nhận, đoạn tổ chức chiêu đãi, dân làng cùng nhau dùng bữa cơm thân mật trong ngày hội tràn đầy ý nghĩa gắn kết cộng đồng của dân làng.[17]

Mọi người đều mặc y phục cổ truyền Cơ Tu.[18] phụ nữ với váy bằng thổ cẩm, mang những chiếc gùi cài lên đó những cành hoa, như, hoa a’ai, k’bhớc mang lương thực, thực phẩm lên gươl – lên làng dự hội. Trong lễ hội ăn mừng lúa mới có nhạc lễ cồng chiêng ngân lên, trống chiêng được thể hiện theo tiết tấu đlộp, đhăng, nhịp sôi động 2/2, có sênh (thanh la) hòa âm (cơbhơơr). Đồng thời có tiếng trống cơ thu, châ gơr khõ nhịp pr’lư calới vui mừng.

Lễ hội ăn mừng lúa mới của người Cơ Tu là lễ hội lớn nhất trong năm được tổ chức trong quy mô chung, phối hợp với các lễ khác gọi là lễ hội đâm trâu. Ở đây thể hiện hầu hết văn hóa vật chất và văn hóa tinh thần của họ, từ quan niệm về vũ trụ quan, nhân sinh quan; đồng thời phản ảnh tín ngưỡng dân gian của tộc người gắn với cuộc sống núi rừng. Những đặc trưng văn hóa từ nghệ thuật tạo hình trên gươl, trên thổ cẩm, trên các dụng cụ thủ công truyền thống đến âm nhạc dân gian, ẩm thực, nhảy múa tâng tung da dắh, … phô diễn, thể hiện trọn vẹn trong mấy ngày lễ hội đâm trâu diễn ra. Đây cũng là lễ hội thắt chặt và nêu cao, củng cố tính cộng đồng làng trong ý thức mỗi cá nhân làng. Mặt khác còn là sự đoàn kết anh em giữa các làng chung quanh trong tồn tại, xây dựng để phát triển trên núi rừng Trường Sơn nắng gió mưa mù đầy khắt nghiệt.

Vài ba ngày sau lễ hội đh’bưy người Cơ Tu mới lên rẫy, và họ tập trung tuốt cho xong lúa trên rẫy trước khi những cơn mưa dông đổ xuống, lũ tràn về. Việc tuốt lúa trên rẫy được phân công cho phụ nữ (nhưng thời nay đàn ông, con trai cũng tham gia vào việc tuốt lúa cho mình) còn đàn ông thực hiện mang lúa về nhà, phơi khô và cho vào cất trong kho.[19]

Khi cho lúa vào kho dự trữ, vị chủ nhà cẩn thận sắp đặt lúa mới riêng, lúa cũ riêng, lúa giống riêng.[20] Cứ thế theo thời gian, họ kiểm tra bảo quản.

Khi trên nương rẫy đã được thu hoạch xong, người đứng đầu buôn làng dạo đồng kiểm tra xác định mùa tuốt lúa đã xong, cả làng lại chọn ngày họp mặt, ăn mừng kết quả lao động trong năm. Lễ ăn lúa mới lần này người ta có nấu cơm lam (vuốt gạo xong cho vào ống dàng, nứa và nướng chín), tổ chức đánh chiêng trống vang rền, đêm xuống múa hát làm vui, trai gái tìm bạn, tính chuyện đi sim, ngủ duông. Buổi ăn mừng lúa mới có mời bà con, họ hàng thân thích trong hoặc ngoài làng về nhà dự lễ mừng cơm mới.

Người Cơ Tu nấu các loại cơm theo mùa, mỗi mùa có mỗi cách nấu khác nhau.

– Trong lễ ăn mừng lúa mới họ rang lúa đang còn tươi, giã và nấu cơm. Do lúa mới nên rang lên và nấu nên có mùi lúa mới rất thơm (nếu phơi khô giê sạch, lúa trở thành lúa cũ, không còn mang ý nghĩa ăn mừng lúa mới).
– Lễ mừng sau khi thu hoạch, phơi khô, giã thành gạo xong, họ nướng trong ống lồ ô, ống nứa thành cơm lam (har a vich).
– Lễ mừng phát rẫy xong, dùng nếp nấu xôi (đhooh vich đep).
– Lễ trỉa lúa rẫy xong người Cơ Tu nấu bánh kút.
– Người Cơ Tu phát rẫy xong, tiết đã sang xuân, nắng ấm áp, hoa phong lan nở rộ, chim muông sinh trưởng hót vang rừng (kalang xul), mọi người vui mừng nấu xôi làm lễ ăn mừng gọi là lễ k’đắc pa’toọng.
– Sang hè, người Cơ Tu đốt rẫy và trỉa luá, trỉa xong là thời điểm nông nhàn, làng và nhà tổ chức sửa sang gươl, nhà cửa, đường làng, sân bãi, máng nước và liên hoan bằng bánh kút.

7 min 3 - Văn hóa dân gian Cơ Tu - Nhà nghiên cứu Võ Văn Hòe - Phần 13

Giã gạo ăn mừng lúa mới (VVH)

5.Lễ tiết ăn thề kết nghĩa (pơrơ ngót/ ngoah)

Từ lâu, lễ ăn thế kết nghĩa anh em giữa các làng diễn ra đã trở thành ngày hội truyền thống của mỗi làng khi tổ chức lễ hội này.

Người Cơ Tu tại miền Tây Quảng Nam và miền Tây Bắc Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng đã thất truyền lễ tiết ăn thề kết nghĩa (pơrơ ngoah) anh em giữa hai làng từ sau 1975.

Tại Hòa Vang, đến sáng ngày 13 tháng 4 năm 2018, lễ kết nghĩa anh em các làng Tà Lang – Giàn Bí – Phú Túc được phục dựng trong Liên hoan Văn hóa – Thể Thao truyền thống của người Cơ Tu tổ chức tại thôn Phú Túc xã Hòa Phú. Sinh hoạt, văn hóa của đồng bào Cơ Tu qua các hoạt động trình diễn cồng chiêng, múa tân tung da dắh; trưng bày những vật dụng, sản phẩm của các làng nghề truyền thống địa phương, như dệt thổ cẩm, nấu rượu Phú Túc; nghề đan đát, nghề dệt, … thưởng thức đặc sản của đồng bào Cơ Tu, thi bắn nỏ, kéo co, đi cà kheo[21], thi leo cột lồ ô, nói lý, hát lý.

Ban Tổ chức phục dựng một nghi lễ độc đáo của người Cơ Tu đã nhiều năm bị thất truyền chính là “Lễ ăn thề – kết nghĩa anh em giữa các làng”. Nghi lễ thể hiện tinh thần đoàn kết đời đời, giữa các làng người Cơ Tu. Từ đây, thắt chặt thêm mối thâm tình qua việc cộng đồng người dân địa phương giúp đỡ nhau mưu sinh trong cuộc sống, cùng nhau tìm phương kế thích ứng với sự khắc nghiệt của tự nhiên. Lễ hội này cũng là dịp thanh niên, nam nữ trong các làng có cơ hội được tìm hiểu và kết duyên mà không cần nhiều sính lễ.[22]

Người Cơ Tu ở Quảng Nam dù phân bố ba vùng như đã nói trên, nhưng lễ hội pơr ngoorh được họ gọi là “lễ ăn thề kết nghĩa (pơr ngoorh) anh em giữa hai làng Cơ Tu với nhau” (có thể làng người Cơ Tu vùng cao với làng người Cơ Tu vùng thấp và ngược lại). Để có ngày hội pơr ngoorh, trước đó trong các dịp lễ hội truyền thống như: lễ ăn mừng nhà gươl (leng tơ rih), lễ cưới hỏi, lễ tang ma, … người ta đã trao đổi và đã được thông qua. Nếu người Cơ Tu làng này chủ động mời làng Cơ Tu khác để kết nghĩa anh em thì Hội đồng Già làng (tacooh puol) đó đến làng được mời. Tại đây họ làm một con gà lấy tiết và một ít rượu đem đến nhà gươl để cúng dàng, cúng tổ tiên. Sau khi đã làm thủ tục cúng xong, hai chủ làng lấy tiết gà bôi lên trán cho nhau, những người tham dự cũng lần lượt lấy tiết gà bôi lên trán. Theo giải thích của họ, làm như thế là để cho dàng, thần linh, … chứng kiến lòng thành, sự kết nghĩa máu thịt anh em của hai làng. Họ vừa ăn uống, vừa trao đổi thống nhất ngày tổ chức lễ hội pơr ngooch.

Người Cơ Tu ở Quảng Nam từ vùng cao đến vùng thấp đều có chung một cách tổ chức lễ pơr ngooch. Thông thường, làng chủ động mời thì những thực phẩm, đồ cúng, … là gia súc như: heo, bò, … còn làng được mời thì thực phẩm, đồ cúng thường là gia cầm như: gà, chim hoặc cá … và các loại rau rừng. Trong hội pơr ngooch nếu có hiến trâu thì tổ chức lễ đâm trâu. Tất cả đều được mang đến nhà gươl của làng được mời để chung nhau cho hội pơr ngooch. Tại đây họ cùng chế biến các thức ăn truyền thống dâng lên cúng dàng, tổ tiên.

Mọi người làm một con gà trống, lấy tiết đặt vào mâm cơm cúng dàng gồm: gà luộc chín, tiết gà, những thức ăn như cá khô, ốc, nhiều loại rau rừng, rượu tavak. Hai chủ làng đều thực hiện bài cúng cùng một lúc. Họ đều cầu nguyện sự đoàn kết thương yêu nhau giữa hai làng như anh em một cội.[23]

Họ lấy máu gà bôi lên trán của nhau, mọi người dự buổi lễ hôm đó hoặc không dự cũng được bôi máu gà lên trán. Đây là nghi thức biểu hiện tình cảm sắt son, không gì thay đổi được giữa hai làng. Sau lễ kết nghĩa, mọi người hai làng dùng ẩm thực, thăm hỏi sức khoẻ thông qua cuộc nói – hát lý, hoặc thanh niên nam nữ hát đối đáp nhau, trao đổi nhau nhiều đề tài trong cuộc sống giữa hai làng. Để làm được lễ này, hai làng phải cùng nhau lo rượu ngon, thức ăn, một con trâu để làm lễ và nhiều thực phẩm khác, … Trước đó khoảng hai ngày, họ bận rộn làm cây nêu.  Những thanh niên khoẻ mạnh vào rừng tìm cây về làm cột đâm trâu (x’nur), với các hình thức trang trí mang tính thẩm mỹ theo cách trang trí cổ truyền. Chạm khắc, tô vẽ những đường nét tạo thành hoa văn, màu sắc rực rỡ, thể hiện quan niệm tộc người, với ước vọng cầu mong cho làng luôn no đủ, … Dựng hai cây nêu hai bên cột x’nur. Hai cây tre gắn kết nhiều hoa mây, hoa tre (chuốt tre thành hoa), kết nối, tạo nên những dải hoa rủ xuồng, đẹp mắt, tạo cho hai cây nêu sinh động, trang trí hoa, màu sắc nâng vẻ đẹp cho nêu và x’nur cột trâu trở nên độc đáo, có tính riêng biệt của tộc người Cơ Tu với các tộc người khác tại miền tây Quảng Nam. Sau đó họ đốt lửa, trâu cũng được mang đến cột vào x’nur. Dân làng tập trung quanh cây nêu trước gươl. Trống ca thu, chơ gơ, cồng chiêng vang lên. Hai già làng làm phép ma thuật, đuổi các tà ma bằng cây củi còn rực lửa, vừa nhảy múa vừa hú vang theo cách bắt ma trừ quỷ vang vọng vào núi rừng. Không gian lễ hội trở nên linh thiêng trong cảm nhận của dân làng. Họ tạo thành một vòng tròn, nhảy đủ sáu vòng trong tiếng hò reo của dân làng như quên đi tất cả mệt nhọc, lo toan hàng ngày.

Sáng hôm sau, dân làng tập trung quanh cột x’nur, chờ đợi thời điểm linh thiêng của sự hiến dâng. Sau khi làm các nghi thức cần thiết báo lên dàng, hai già làng thay phiên nhau khóc tế trâu: “Ơ… ơ… Trâu ơi, mày là đứa con của dân làng. Mày chết đi dân làng đau lòng lắm trâu ơi, trâu ơi… Ơ.. ơ… Trâu ơi, mày chết đi nhưng chính là để cho dân làng ta no đủ, cho dàng, cho thần linh biết cái bụng của làng ta. Ơ …ơ… Trâu ơi, mày chết đi rồi, hãy phù hộ cho dân làng… Ơ …ơ… Trâu ơi…”. Cùng lúc đó, con trâu được nới lỏng dây. Theo lệ làng thì chủ làng, những thanh niên của làng được mời dự lễ kết nghĩa anh em là người cầm giáo lao thực hiện việc đâm trâu; còn già làng và những thanh niên làng đi mời chỉ thực hiện mỗi việc là xua đuổi cho con trâu chạy. Nhạc lễ, trống chiêng vang lên, những thanh niên nam nữ trong điệu múa tâng tung da dắ uyển chuyển vang vọng cả núi rừng. Khi trâu bị đâm chết, họ lần lượt lấy tấm dồ đẹp nhất đắp lên mình trâu, các loại bánh cũng được bỏ vào chỗ trâu chết với ước vọng cầu cho trâu chết về thế giới thần linh cũng được no đủ. Các loại bánh này được dân làng lấy ăn, tiết trâu cũng được họ bôi lên trán, lên cổ cầu mong bệnh tật sẽ khỏi, sức khoẻ dồi dào, mùa màng tươi tốt, dân làng no đủ. Trâu được xẻ thịt chế biến các món ăn truyền thống, họ tụ tập lại nhà gươl ăn uống vui chơi, đôi khi kéo dài cả ngày đêm tới sáng hôm sau.

Lễ pơr ngooch đến đây chấm dứt, mọi người lần lượt ra về trong niềm hân hoan và thương yêu nhau.

Hàng năm, vào các dịp lễ hội của dân làng như: lễ ăn mừng lúa mới (cha ha roo tơ me), lễ cưới hỏi, tang ma, lễ bỏ mả… tình cảm anh em hai làng Cơ Tu được gắn bó hơn, họ được mời đến dự các lễ hội nói trên. Cứ thế con cháu của hai làng cũng được giáo dục về truyền thống cộng đồng, sinh con đẻ cái trong sự đùm bọc yêu thương của hai làng, nhiều cặp trai gái cũng được cưới nhau. Thông qua lễ pơ ngót, sự gắn bó giữa hai làng được nâng lên, hễ làng nào gặp phải khó khăn như ốm đau, bệnh tật, nhà cháy, thiếu ăn, … đều được họ đồng tâm hiệp lực hết mình giúp đỡ, … Đây được xem là nét văn hoá làng độc đáo của cộng đồng người Cơ Tu.

Ăn thề kết nghĩa (pơr ngooch) giữa các làng là lễ hội truyền thống, đặc sắc của người Cơ Tu, được tổ chức giữa hai làng hoặc nhiều làng để củng cố, xây dựng mối quan hệ đoàn kết gắn bó giữa các làng và giữa những người Cơ Tu anh em, được tổ chức hàng năm vào mùa xuân, thường là vào tháng Hai âm lịch. Trong quá khứ, do niềm tin tâm linh thần bí, họ có tục săn đầu người làng khác về cúng tế thần linh sau mỗi vụ mùa. Làng có người bị săn phải săn lại đầu người của làng đối thủ theo số lượng tương xứng. Bị mất một, phải lấy lại một. Từ niềm tin tâm linh, tập tục này gây ra những hận thù truyền kiếp từ đời này sang đời khác giữa các ngôi làng và số người bị giết cứ tăng lên. Tục trả nợ đầu được Cách mạng vận động bà con bỏ hoàn toàn vào khoảng những năm 1950 của thế kỷ XX.[24] Lễ ăn thề kết nghĩa (pơr ngooch) được người Cơ Tu tổ chức để hóa giải mối thù oán chất chồng này.

Tục kết nghĩa của người Cơ Tu có từ xa xưa. Nếu muốn hàn gắn mối quan hệ với làng nào đó, do có thù oán từ việc săn đầu hay trộm trâu của nhau, thì họ mời nhau làm lễ kết nghĩa để hoá giải những mối thâm thù, mở ra mối quan hệ mới đoàn kết anh em với nhau. Để tổ chức, các làng mời nhau thực hiện. Làng đăng cai đứng ra chuẩn bị lễ vật, heo năm gang[25] và rượu để cùng uống thề. Ngày trước người Cơ Tu có cắt máu hoà vào rượu uống để thề kết nghĩa anh em, đoàn kết đời đời, nhưng nay việc cắt máu đã được loại bỏ. Làng khách khi đến dự cũng mang heo để làm lễ và sau đó là để liên hoan. Theo nghi thức kết nghĩa, trước hết phải cúng dàng, thần linh và tổ tiên ông bà biết là từ nay hai làng đã là anh em của nhau. Tiếp đến là thanh niên nam nữ cùng nhau múa tâng tung da dắ giữa tiếng cồng chiêng âm vang, rộn ràng thúc giục . Các cụ già trong men rượu cần nói – hát lý cùng với câu chuyện nghĩa tình giữa những người Cơ Tu anh em. Sau khi làm lễ kết nghĩa, hai làng đặt một tượng gỗ bán thân cao tầm mét rưỡi, gọi là bhanooc ngay biên giới hai làng và úp một cái chiêng có núm bên cạnh, theo quy ước đây là dấu hiệu để người dân biết là hai làng đã làm lễ kết nghĩa, từ bây giờ đã là anh em nên phải đoàn kết gắn bó, không đụng chạm nhau và quan trọng hơn là không săn đầu nhau nữa. Ngày nay người Cơ Tu vẫn duy trì tục kết nghĩa nhưng vì hay có những vụ mất trộm nên người ta không còn úp chiêng đồng trên đường phân định giữa hai làng như trước kia.

Kết nghĩa thường chỉ làm một lần giữa hai làng rồi thôi. Thời gian sau đó tiếp tục duy trì, bởi biểu tượng một bức tượng khắc gỗ tại cổng làng và cái chiêng có núm đặt bên cạnh nhắc nhở dân làng rằng đã là anh em nhau thì nên giữ mối đoàn kết, thiết lập tình yêu thương nhau bền lâu. Tuy nhiên, nhiều làng muốn làm kết nghĩa lần hai, lần ba để củng cố mối quan hệ đoàn kết, thâm tình, cùng nhau khắc chế sự khắc nghiệt của thiên nhiên, giúp nhau trong làm ăn sinh sống. Trai thanh gái lịch giữa hai làng có điều kiện tìm hiểu, quen biết nhau, hoặc để đến với nhau trong các cuộc hôn nhân. Người giữa hai làng, theo đó có điều kiện thăm nhau, kết chặt tình làng, giúp nhau những khi hoạn nạn, những lúc khó khăn trong cuộc mưu sinh trên rừng núi đại ngàn.

Để có thể tổ chức thêm lễ kết nghĩa lần nữa là khi làng láng giềng đề xuất nhân dịp sang làng kia thăm nhau trong những ngày tết, những lần được tham dự lễ hội mừng lúa mới, mừng gươl mới, hoặc dự lễ cưới vợ, gả chồng cho con,… Những dịp như thế họ đặt vấn đề tổ chức lễ kết nghĩa anh em để hai làng thêm gần gũi.  Những lời đề nghị và thống nhất trên cơ sở tình làng được nhóm lên xem như là biểu tượng thay cho tinh thần đồng thuận giữa hai làng. Hoặc vào thời gian nông nhàn, các làng sang làng bên thăm bà con, người thân, anh em có vợ có chồng đang sinh sống ở đó, họ đề nghị tổ chức lễ kết nghĩa, cho dân hai làng qua lại, gần nhau hơn nữa. Việc tổ chức lễ kết nghĩa anh em giữa hai làng Cơ Tu từ 1975 về trước đã trở thành tục lệ gắn với cộng đồng làng.

Bấy giờ chủ làng và các thành viên Hội đồng già làng thảo luận và có thể họ chọn ngày để tổ chức lễ kết nghĩa anh em, đáp ứng nguyện vọng dân làng.

Nhà nghiên cứu Võ Văn Hòe


[1] Làng A Pat nay là thôn A Pát thuộc xã A Vương, huyện Tây Giang. A Pat là một loại cá nhỏ, mình dẹt. Nay thôn A Pát có 82 hộ, 342 nhân khẩu, diện tích 1.139.00 ha (2018).

[2] Nay không rõ.

[3] Tại thôn Giàn Bí là một phụ nữ, bà A Lăng Thị Sơi (Trương Thị Sơi) khóc trâu.

[4] Có ý kiến cho rằng khóc trâu là thể hiện tình cảm riêng tư cá nhân, gia đình, xã hội (Bh’riu Liếc). Họ mượn hình ảnh con trâu để thể hiện nỗi niềm thầm kín, khóc thương cho thân phận, kiếp người.

[5] Có ba hình thức đâm trâu trong các lễ hội: 1/ Với lễ hội mừng vui như lập làng, mừng lúa mới, đón xuân, người Cơ Tu đâm cho trâu chết từ từ. Khi trâu chết, đầu hướng về nhà nào thì nhà ấy may mắn, nhiều lộc. Máu trâu loang về hướng nhà thì đó là điềm tốt cho gia chủ. 2/ Lễ hội ăn thề kết nghĩa anh em, mừng sui gia, cưới hỏi, … cầu mong cho sự gắn kết bền lâu, sức khỏe vững bền, thì nghi thức đâm làm cho trâu chết từ từ. 3/ Với các lễ hội hiến tế khi làng có việc xấu, thiên tai, mất mùa, dịch bệnh, … dân làng cầu mong điều xấu qua mau, nghi thức đâm sao cho chỉ một lao là trâu ngã.

[6] Bà A Lăng Thị Sơi hát, ông Võ Văn Hòe thu âm, bà Bùi Thị Hạnh (người Cơ Tu) phiên âm, dịch tiếng Cơ Tu, tháng 5/2018 tại thôn Giàn Bí, xã Hòa Bắc.

[7] Tư liệu điền dã tại xã Lăng, 2017.

[8] Tư liệu sưu tầm (2019). Về thành ngữ bốn miếng sáu hạt, chúng tôi gặp trong hai bản truyện kể người Cơ Tu vào giai đoạn lúa rẫy chín, chuẩn bị tuốt lúa, nhưng chưa rõ bốn miếng sáu hạt hay bốn nửa hạt và sáu hạt như thế nào trong ý niệm Cơ Tu !

[9] Rang lúa bởi người Cơ Tu cho rằng lúa mới phải là lúa còn tươi mới gọi là mới, nếu phơi phóng cho khô ráo, bấy giờ lúa trở thành lúa cũ, không thể cúng dàng, Mẹ Lúa bằng lúa cũ được, nên phải rang cho hạt lúa khô, và dậy lên mùi lúa mới.

[10] Thời gian gần đây, để có con heo cúng dàng trong ngày ăn mừng lúa mới, các gia đình góp tiền chung, mỗi hộ một ít, mua heo về cúng dàng và chiêu đãi toàn thể người dân trong làng.

[11] Tư liệu điền dã tại huyện Đông Giang, do Mai Thị Ngọc Đinh (người Cơ Tu), nguyên Trưởng phòng Dân tộc huyện cung cấp, 15/ 2/2020).

[12] Chúng tôi chưa tìn hiểu được ý nghĩa biểu đạt bốn nửa hạt và sáu hạt là gì.

[13] Le Pichon (N04 – Otobre – Décembre 1938), trong Les chasseurs de sang, Bài ca của lúa, Nguyễn Phước Vĩnh Tùng, dịch.

[14] Sáng hôm sau đêm khóc trâu, lễ đâm trâu được tiến hành. Vị chủ làng cầm giáo/ dụ đâm lấy lễ một nhát. Sau đó, người được chọn đâm trâu thực hiện các mũi lao còn lại. Nhưng mũi lao đầu tiên không đâm trúng tim trâu mà chỉ là nhát khởi điểm cho đúng phép, rồi sau đó, các vị cao niên trong Hội đồng gìa làng theo thứ tự vào đâm trâu. Đây là sự chia sẻ chia cùng giao tiếp với dàng, hiện tượng biểu đạt một vụ mùa được nhiều lúa, bắp. Đến lúc không còn ai đâm trâu nữa, người được chỉ định đâm trâu, đưa mũi lao cuối cùng vào tim trâu. Trâu ngã. Trâu ngã quay đầu về gươl là điềm hạnh phục cho dân làng, bằng ngược lại, phải tìm nhiều cách quay đầu trâu về phía gươl trước khi trâu tắt thở.

[15] Ngày hội ăn mừng lúa mới của người Cơ Tu có thành tố tương đồng với ngày hội tắt bếp của làng Trà Kiểm, xã Hòa Phước huyện Hòa Vang. Vào một ngày trong năm, tại lễ cầu an của làng (lễ hội Đình làng), tất cả gia đình trong làng mang gạo và sản phẩm khác đến đình làng, tại đây họ cùng nhau nấu, chế biến các lễ phẩm dâng cúng Thành hoàng bổn xứ và các vị tiền bối lập làng và khai phá xây dựng nên ngôi làng. Sau lễ cầu an, dân làng tập trung tại Đình theo thứ bậc, vai vế, từ người già đến trẻ em cùng nhau dùng bữa cơm chung tại dình làng. Đây được xem là bữa cơm cộng cảm, nhân lên tinh thần đoàn kết, mở rộng vòng tay đùm bọc nhau trong những lúc khó khăn do thiên tai địch họa tác động đến làng. Hiện nay Lễ hội tắt bếp tại thôn Trà Kiểm, xã Hòa Phước, huyện Hòa Vang thực hiện theo chu kỳ tam niên nhứt lệ.

[16] Cơm trong lễ cúng dàng, người Cơ Tu tùy vào tính chất của lễ, họ nấu các loại cơm khác nhau: 1/ Lễ ăn cơm mới: cơm nấu từ lúa vừa tuốt về, được rang lên cho khô, dậy lên mùi lúa mới; 2/ Lễ sau thu hoạch lúa: cơm lam nướng trong ống tre, ống nứa; 3/ Lễ phát rẫy xong: xôi là chủ lực; 4/ Lễ tạ ơn dàng trỉa lúa xong: bánh cuốt (sừng trâu).

[17] Tuy nhiên, để không gian thiêng trong ngày hội ăn mừng lúa mới được trong sạch, gia đình nào có vợ đang mang thai và gia đình nào đang trong thời gian tang chế không được đến gươl tham dự bữa cơm chung của làng.

[18] Thời nay, người già trong làng còn sử dụng y phục truyền thống trong những ngày lễ hội; thanh niên nam nữ thời nay ít (hoặc không) mặc y phục cổ truyền Cơ Tu như trước kia ông cha họ đã từng giữ gìn nét đẹp truyền thống của mình.

[19] Tuy nhiên nếu tuốt lúa nhằm vào mùa săn bắt, việc phơi phóng lại phân cho đàn bà con gái, còn đàn ông, con trai nhất định vác dụng cụ săn bắn lên rừng để tham gia cùng trai tráng buôn làng vào việc đi săn. Đi săn là ngày hội của đàn ông Cơ Tu. Con trai Cơ Tu không bỏ săn bắn, trừ những người già.

[20] Lúa cũ dự phòng trong kho dùng vào những việc như việc tang, cúng lễ… (lúa mới không dùng vào các tục lệ có cúng tế).

[21] Người Cơ Tu đi cà kheo trong các lễ hội lớn, họ nghĩ rằng sẽ là đồng nhất với loài chim cao cẳng. Quan niệm thể hiện cho những ai đi được cà kheo sẽ đi khắp mặt đất, họ dọc ngang mà không hề bị suối, sông cản trở bước chân họ. Họ tự do và chinh phục được núi rừng. Đi cà kheo họ có thể có cảm giác cao hơn lên, vượt được khó khăn, thể hiện một quyền năng trước thiên nhiên. Đi cà kheo đồng thời thể hiện điệu nghệ, liên hệ đến một loài chim cao chân, với sự tự do được trao truyền vào tâm lý con người sự kết nối dài lâu trong điều kiện núi rừng.

[22] Tư liệu điền dã tại các thôn Tà Lang, Giàn Bí, xã Hòa Bắc, Hòa Vang, 2018.

[23] Theo tục lệ, hễ mở hội pơ ngót vào dịp hai làng quan hệ bình thường, người Cơ Tu thống nhất tổ chức trong làng, ngay tại sân gươl; còn nếu tổ chức ăn thề kết nghĩa anh em do có sự kiện có người chết xấu, người bị đâm hay một sự kiện nào đó xảy ra làm đổ máu trong làng, thì nhất thiết lễ pơ ngót không được tổ chức trong làng mà chọn thực hiện tại khu đất nào đó ngoài làng.

[24] Xem: Hồi ký Quách Xân.

[25] Heo năm gang: Đo sãi năm gang tay theo vòng bụng heo. Heo năm gang được cho là heo lớn.

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây