Di sản phi vật thể – nguồn lực lớn cho công nghiệp văn hóa

Di sản phi vật thể - nguồn lực lớn cho công nghiệp văn hóa

Các vai diễn tham gia lễ hội Gióng đền Phù Đổng năm 2023.

Kể từ 1/8/2008 sau khi mở rộng địa giới hành chính, Thành ủy, HĐND, UBND TP Hà Nội đã luôn quan tâm chỉ đạo, sự vào cuộc của các cấp, ngành, đặc biệt là sự tâm huyết đồng lòng của các tầng lớp Nhân dân, nhất là các bậc nghệ nhân cùng cộng đồng thực hành di sản.

Vì vậy sự nghiệp quản lý, bảo tồn phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn TP đã và đang đạt được nhiều kết quả tốt đẹp.

Đến nay, Hà Nội có 3 di sản được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại: Hội Gióng ở đền Phù Đổng và đền Sóc; Kéo co ngồi ở Hội đền Trấn Vũ và Kéo mỏ ở Hội đền Vua Bà (Hồ sơ đa quốc gia “Nghi lễ và trò chơi Kéo co”); Di sản tư liệu thế giới 82 bia Tiến sĩ ở Văn Miếu – Quốc Tử Giám.

Một số di sản văn hóa của Việt Nam được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại nhưng đang được lưu giữ, thực hành nhiều ở Hà Nội như ca trù (nằm trong danh mục cần phải được bảo vệ khẩn cấp); tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ của người Việt. Thực hiện Luật Di sản văn hóa, đến nay TP đã có 21 di sản được ghi vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Trong sự nghiệp bảo tồn phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể, những năm qua, TP đã luôn quan tâm chỉ đạo nhằm tôn vinh, động viên, tạo điều kiện cho các hoạt động thực hành của nghệ nhân. Hiện nay trên địa bàn TP có hàng ngàn nghệ nhân thuộc các lứa tuổi đang cầm giữ, thực hành, trao truyền, quảng bá các loại hình Di sản văn hóa phi vật thể.

Sau 3 đợt Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu (năm 2015, năm 2019 và 2022), toàn TP có 131 nghệ nhân trong đó có 18 Nghệ nhân Nhân dân và 113 Nghệ nhân Ưu tú (chưa tính số nghệ nhân làng nghề). Để tiếp tục động viên, khuyến khích các hoạt động thực hành, bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể, ngày 8/12/2022 HĐND TP đã ban hành Nghị quyết số 32/NQ-HĐND quy định cụ thể chế độ đãi ngộ, hỗ trợ với các CLB, nghệ nhân, nghệ sĩ…

Công tác quản lý lễ hội hằng năm luôn được TP quan tâm chỉ đạo. Các hoạt động lễ hội truyền thống đã đáp ứng được nhu cầu văn hóa tâm linh, tín ngưỡng của Nhân dân. Việc gìn giữ yếu tố gốc trong thực hành di sản, khắc phục tồn tại trong phần Hội, ngăn ngừa các hành vi trục lợi từ hoạt động lễ hội luôn được quan tâm.

Một số lễ hội đã giảm thiểu được hiện tượng bạo lực như: Lễ hội Gióng ở Sóc Sơn và Phù Đổng đã chú ý hơn đến khâu tất lộc nên không còn tình trạng tranh cướp phản cảm. Lễ hội Chạy Lợn ở Phú xuyên đã thực hành phần chém lợn trong rạp che kín nên Nhân dân và du khách không còn chứng kiến cảnh sát sinh.

Từ năm 2017 đến nay, thực hiện công tác bảo vệ các di sản văn hóa phi vật thể có nguy cơ mai một cần bảo vệ khẩn cấp, Sở Văn hóa và Thể thao đã tiến hành hỗ trợ các lớp truyền dạy tại cộng đồng, như: hát ca trù, hát dô, hát chèo tàu, hát xẩm, múa rối, múa cồng chiêng, hát chèo, hát Trống quân… Phối hợp với ngành giáo dục đào tạo triển khai thành công đề án thí điểm giáo dục di sản trong trường phổ thông…

Kết quả đạt được trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa của Thủ đô, mà ở đó có sự đóng góp quan trọng của lĩnh vực di sản văn hóa là điều kiện hết sức thuận lợi để ngành du lịch Hà Nội phát triển. Hệ thống di tích, phố cổ, làng cổ, làng nghề, lễ hội truyền thống, Văn hóa ẩm thực cùng với các hoạt động nghệ thuật truyền thống đặc sắc… đã tạo sản phẩm du lịch hấp dẫn riêng có của Thủ đô.

Đã 15 năm trôi qua kể từ khi mở rộng địa giới hành chính của Hà Nội nhưng những giá trị di sản văn hóa phi vật thể được hội tụ, kết tinh lan tỏa trở thành mạch ngầm chảy mãi , góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của Nhân dân Thủ đô.

Điều ấy lại càng có ý nghĩa từ khi Hà Nội trở thành thành viên Mạng lưới các TP sáng tạo của UNESCO và đang triển khai thực hiện Nghị quyết 09/NQ-TU của Thành ủy về công nghiệp văn hóa, những giá trị di sản văn hóa đã và đang là nhân tố chủ đạo, từng bước trở thành nguồn lực quan trọng góp phần tạo động lực phát triển Thủ đô.

Trương Minh Tiến

(Chủ tịch Hiệp hội UNESCO Hà Nội)

 

 

 

 

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây