Đường công danh – Truyện ngắn của Nhà văn Vu Gia

Đường công danh - Truyện ngắn của Nhà văn Vu Gia - VSD Văn Học
Chân dung tự họa của Nhà văn, nhà báo Vu Gia

Đường công danh

Truyện ngắn của VU GIA

Khi máy bay cất cánh rời phi trường Tân Sơn Nhất, tôi phấn khởi mỉm cười. Cuộc đời tôi sẽ thay đổi theo hướng tích cực từ đây. Nhưng tương lai như thế nào cũng phải dựa vào nỗ lực tự thân chứ không thể phó mặc dòng đời đưa đẩy. Tôi lẩm nhẩm câu thần chú cuối cùng trong Bát nhã tâm kinh, muốn tự dặn lòng “Yết đế, yết đế, ba la yết đế, ba la tăng yết đế, bồ đề tát bà ha” (Cố lên, cố lên, cố lên tí nữa, cố lên thêm tí nữa, bờ giác đã đến rồi, (cười sung sướng) ha… ha… ha… ha…). Với người khác, câu thần chú này là… thần chú, cứ đọc, cứ tụng sẽ gặp nhiều may mắn trong cuộc sống. Với tôi, đó là phương châm sống. Nếu tôi cũng như nhiều bạn bè cùng lớp, cùng trường thì không thể cưỡi mây đạp gió gần một ngày một đêm như thế này.

#

Sau ngày cả nhà, cả dòng họ liên hoan mừng tôi tốt nghiệp đại học sư phạm, thì tôi cứ rong chơi dài dài. Những ngày hưng phấn đã qua, tôi phụ giúp cha mẹ mấy việc đồng áng. Bà con trong làng chỉ sống dựa vào mấy sào đất, cha mẹ tôi cũng như thế mà lại có thêm lương hưu nên thuộc diện “có máu mặt” trong làng. Cha mẹ tôi là giáo viên tiểu học, chưa ngồi giảng đường đại học ngày nào, nên tôi tốt nghiệp đại học, sắp tới là giáo viên cấp 3, rất xứng đáng được tôn trọng. Không chỉ cha mẹ tôi mà còn cả dòng họ, thậm chí cả làng đều tự hào về tôi. Theo họ, tôi là người đầu tiên mở mạch khoa bảng cho làng, nên chắc chắn con cháu trong làng sẽ được theo gót tôi.

Thời gian vô tình đi qua. Không phải ai tốt nghiệp đại học sư phạm, muốn đi dạy là đi dạy. Tất cả đều phải chờ địa phương có chỉ tiêu, rồi phải nộp đơn thi tuyển công chức. Mọi việc thông qua mới được bổ nhiệm đi dạy. Thi tuyển công chức ở đâu không biết, ở địa phương tôi khó lắm. Nhiều người tốt nghiệp đại học được ký hợp đồng làm việc tại các ban ngành trong huyện những mấy năm, mà rớt 3 lần thi tuyển công chức là phải cuốn gói về nhà cuốc đất. Lần đầu tiên trong đời, tôi cảm thấy tương lai mờ mịt.

Một hôm, có tin nhắn của Dũng – người bạn cùng trong Top 10 tốt nghiệp đại học, hối tôi mở mail ngay. Trong mail, bạn tôi nói chưa có việc làm thì vào Thành phố Hồ Chí Minh làm việc với anh ta. Việc làm chính đáng lại có thu nhập, mỗi tháng có thể gửi về giúp gia đình một vài triệu đồng. Một vài triệu đồng đối với không ít người chẳng là bao, nhưng với bà con quê tôi lớn lắm. Ngày xưa, ông cha ta làm ruộng là làm thuê cho chính mình, không ai tính toán rạch ròi. Ngày nay, người ta thử tính công cày, công cấy, công dọn cỏ, công phát bờ, công phun thuốc, công gặt hái,… Nói chung, tính tất cả công sức bỏ ra cho một sào ruộng, quy ra tiền thuê người khác làm giúp mình, thì một sào ruộng lúa trúng mùa, chỉ còn lãi… 100.000 đồng, vị chi một tháng kiếm được khoảng hơn 30 đồng. Nếu mỗi tháng, tôi gửi về được cho gia đình với số tiền như bạn tôi nói, thì bà con ở làng tôi không biết làm bao nhiêu mẫu ruộng được trúng mùa.

Sức hấp dẫn quá lớn! Tôi bàn với cha mẹ cho tôi vào Thành phố Hồ Chí Minh tìm việc. Mẹ tôi thở dài. Cha tôi suy nghĩ một lúc, đồng ý cho tôi đi: “Đi cho biết đó biết đây. Đi cho khuây khỏa cũng được. Nếu tìm được việc làm thì tốt, không có việc làm thì quay về nhà. Vào đó, con có thể làm bất cứ việc gì để kiếm sống, nhưng không được làm những việc vi phạm pháp luật. Nghèo cho sạch, rách cho thơm. Con lớn rồi, chữ nghĩa cũng nhiều hơn mọi người trong làng, nên cha chỉ dặn dò chừng ấy”.

#

Xuống Bến xe Miền Đông, tôi đang chờ nhà xe chuyển chiếc xe honda xuống, thì Dũng vỗ mạnh vai tôi, cười hơ hớ: “Chúc mừng ông bạn đến Thành phố Hồ Chí Minh hoa lệ, nghĩa tình”.

Tôi cười, bớt đi sự hồi hộp, lo âu. Đây là lần đầu tiên, tôi xa nhà hơn một ngàn cây số, không một ai quen biết ngoài người bạn học cùng lớp đại học này. Lúc xe đến cầu Đồng Nai, tôi gọi cho Dũng, và tưởng đâu phải chờ đợi một đỗi, ai ngờ bạn tôi nhiệt tình như thế.

Dũng đưa tôi về nhà của nó ở một vùng ngoại ô. Nơi đây, trồng rau màu chẳng khác gì ở quê nhà. Một căn nhà cấp 4 đơn sơ, tạm đủ che mưa che nắng trong mảnh vườn rộng khoảng 2 sào. Dũng cho biết chú của nó giao nó giữ mảnh vườn này và tập trung lo học tiếng Anh, trong 2 năm không đạt điểm IELTS từ 6.5 trở lên thì phải về quê cày ruộng. Tiền học, tiền ăn, chú nó lo. Tiền tiêu vặt thì tranh thủ trồng rau mà xài. Rau trồng ra bao nhiêu, ông thu mua bấy nhiêu theo giá thị trường. Theo Dũng kể thì chú nó nói điểm tốt nghiệp đại học loại giỏi là đủ tiêu chuẩn xin học bổng học sau đại học ở nước ngoài, nó chỉ thiếu trình độ tiếng Anh. Và ông bắt nó học thật cơ bản tiếng Anh trong vòng một năm, năm sau ông sẽ đăng ký cho nó luyện tiếng Anh tại Hội đồng Anh để thi chứng chỉ IELTS (International English Language Testing System – Hệ thống kiểm tra tiếng Anh quốc tế). Chú nó tính rất đúng. Ngoại ngữ là điểm yếu nhất của học sinh, sinh viên tỉnh lẻ, nhất là ở vùng sâu vùng xa như chúng tôi. Và tôi cũng mừng cho bạn mình được người chú biết nhìn xa trông rộng, đầu tư việc học cho cháu một cách thích đáng. Cách làm này, nói như ông cha ta là cho cần câu chứ cương quyết không cho con cá.

Nó dặn tôi, mấy ngày đầu nghỉ cho khỏe, cuối tuần nó dẫn tôi đi giới thiệu việc làm. Nó còn đưa tôi tấm bản đồ Thành phố Hồ Chí Minh, muốn đi dạo cho biết Sài Gòn thì theo bản đồ mà đi. Những ngày đầu, nó đến Thành phố Hồ Chí Minh, muốn đi đâu cũng dựa vào bản đồ ấy.

Lớn lên từ gốc rạ, nên tôi cũng phụ giúp Dũng chăm sóc mảnh vườn chẳng chút khó khăn nào. Chung quanh vườn chỉ giăng mấy mấy sợi dây thép gai, tôi lấy dao lớn ra chặt mấy bụi cây mật gấu mà chủ đất trước trồng hoặc tự mọc, đẵn từng khúc như hom sắn, rồi cắm dọc theo hàng rào dây thép gai. Thứ này dễ trồng, mau lớn, chừng vài ba tháng sẽ có bờ rào xanh um. Khi Dũng đi học thì tôi cũng đi dạo Sài Gòn. Trước khi đi, tôi lên mạng tìm địa chỉ một số trung tâm bồi dưỡng văn hóa với hy vọng xin được một chân dạy học.

Qua vài trung tâm, tôi nhìn ra chỗ yếu kém cần phải khắc phục. Đó là cách phát âm. Nơi nào cũng đều có nhận xét kiến thức tôi tốt, trình bày bài giảng mạch lạc, nhưng “tiếng nói miền ngoài còn nặng quá, không phù hợp đứng lớp”. Mặt phẳng nói là mẹt phẻng; không gian nói là không gioan; âm ao nói thành âm ô; âm oi, âm oai đều phát âm thành ua,… Phát âm “trật đường rầy” như rứa mà người dân quê tôi rất chi tự hào rằng thời nhà Nguyễn tiếng nói quê tôi được chọn là tiếng nói chính ở triều đình. Mỗi lần có chiếu chỉ, triều thần phải chọn những ông quan quê tôi đọc, bởi đó là lệnh vua, ai dám làm trái. Chuyện này sách vở ghi hẳn hòi chứ chẳng phải nói chơi. Như vậy, ước mơ làm thầy giáo của tôi xem như “đắp chiếu” ở đất Sài Gòn này.

#

Cuối tuần, Dũng đưa tôi đến một quán cà phê ở trung tâm Sài Gòn. Quán cà phê này cũng bình thường, chẳng có gì sang trọng, chỉ hơn mấy quán cà phê cóc một chút, nhưng người uống khá đông. Người phục vụ toàn là trai trẻ như tôi, ăn mặc bình dị, không có những em gái ưỡn ẹo qua lại.

Dũng gọi hai ly cà phê. Một lát sau, có một cô đẳng tuổi mẹ tôi, đến ngồi cùng bàn. Qua giới thiệu, tôi biết cô là chủ quán này và là bạn của chú của Dũng. Những người phục vụ ở đây, hầu hết là sinh viên, đăng ký làm việc vào những giờ rảnh.

– Nghe Dũng nói về cháu. Cô đồng ý nhận cháu vào làm việc.- Cô đưa tôi hai bài báo, nói tiếp: Cháu đọc trước những thông tin này, rồi quan sát chút công việc. Cháu uống xong cà phê, cô cháu ta bàn tiếp.

Lúc cô chủ rời khỏi bàn, tôi hít một hơi thật sâu, đọc hai bài báo. Càng đọc, hai đầu chân mày tôi càng nhíu lại như sợ mắt mình đọc nhầm. Về đại thể, có đoạn: “Theo quy định của Bộ Nội vụ, lương của bác sĩ hiện tại có mức lương cơ bản (cơ sở) của là 1.150.000 đồng/tháng. Bác sĩ ra trường được hưởng lương của cử nhân (trình độ đại học nói chung), có hệ số 1 là 2,34. Cứ 3 năm được tăng lương một lần lên 0,33 thành hệ số 2 (2,67), rồi hệ số 3 (3,00) … Tối đa sẽ có 9 bậc lương (hệ số 9 là 4,98).

Bác sĩ sau khi tốt nghiệp ra trường, cần phải qua một quá trình học việc hoặc thử việc, nếu may mắn được ký hợp đồng sẽ được hưởng 85% của hệ số lương 2,34 tức là 2,34 x 1.150.000 x 0,85 = 2.287.350 đồng, nếu trừ bảo hiểm còn khoảng 2,2 triệu đồng/tháng.

Đối với cấp học thạc sĩ, bác sĩ đó sẽ được hưởng lương khởi điểm bậc 2 là 2,67 và tiến sĩ sẽ được hưởng lương khởi điểm bậc 3 là 3,00.

Nếu là Bác sĩ chính, Phó giáo sư được công nhận tương đương Giảng viên chính (tương đương Chuyên viên chính), Giảng viên chính, sẽ được hưởng lương bậc 1 là 4,40 và cứ 3 năm tăng một bậc thêm hệ số 0,34 cho tới tối đa là bậc 8 (hệ số 6,78).

Nếu là Bác sĩ cao cấp, Giảng viên cao cấp, Giáo sư được công nhận tương đương Giảng viên cao cấp (tương đương Chuyên viên cao cấp) sẽ được hưởng lương bậc 1 là 6,20 và cứ 3 năm tăng thêm một bậc là 0,36 cho tới tối đa là bậc 6 (hệ số là 8,00).

Theo quy định của Bộ Nội vụ thì mức lương của bác sĩ hiện tại cũng không khác nhiều so với lương của giáo viên, của kỹ sư, của các ngành nghề khác. Nếu để so sánh với nghề khác thì người làm nghề bác sĩ phải luôn luôn đi học để trau dồi kiến thức thì mới mong cải thiện thu nhập. Tiền lương của họ đôi khi chỉ “đủ tiền đi học thêm”.

Theo một bác sĩ tại Bệnh viện Chợ Rẫy chia sẻ: làm bác sĩ nói chung là nghèo! Số bác sĩ có thu nhập cao, có nhà lầu, xe hơi chỉ đếm được trên đầu ngón tay, hoặc đó phải là những bác sĩ rất giỏi”.

Một bài báo khác của vị trưởng khoa, có chức danh, có học vị của Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết tiến sĩ ở khoa của ông, lương mỗi tháng từ 3 triệu đồng đến 3,5 triệu đồng.

Khi tôi đặt hai bài báo xuống bàn, Dũng cười hớ hớ, hỏi tôi có thấy thú vị không. Tôi thở dài, hỏi lại:

– Mi còn nhớ lời thầy hiệu trưởng thường nói mỗi lần khai giảng không?

– Đứa mô học sư phạm không nhớ, thậm chí còn thuộc lòng.- Lúc này, Dũng như học trò ngoan, trả bài trước mặt thầy giáo: “Quan điểm “Giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu” được đưa ra lần đầu tiên trong Nghị quyết số 04-NQ/TW Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa VII) về tiếp tục đổi mới sự nghiệp giáo dục và đào tạo, ngày 14.01.1993”.

Tôi sém chút bị sặc bởi ngụm cà phê chưa trôi qua khỏi cuống họng. Tôi hớp một ngụm trà, trở lại trạng thái tươi tỉnh, nói:

– Giỏi! Thầy cho em điểm tuyệt đối. Cố gắng học để sau này phụng sự Tổ quốc.

Chúng tôi đều cười. Và tôi bắt đầu quan sát công việc phục vụ ở quán cà phê.

VuGia vansudia.net min - Đường công danh - Truyện ngắn của Nhà văn Vu GiaNhà văn, nhà báo Vu Gia

#

Đến nhà, tôi báo tin ngay cho cha mẹ biết là tôi đã tìm được việc làm, phù hợp với khả năng của mình. Tôi hồ hởi thông báo thu nhập hằng tháng cao hơn lương bác sĩ, hơn cả lương tiến sĩ giảng dạy ở trường đại học trọng điểm.

Qua giọng nói, tôi biết cha mẹ tôi vui mừng lắm, nhưng vẫn tra gạn tôi làm việc gì, có hợp pháp không. Tôi khẳng định cho cha mẹ biết đây là việc làm lương thiện, sau vài ba tháng nếu tôi thấy phù hợp thì sẽ ký hợp đồng lao động, có đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế theo pháp luật lao động, vì nơi tôi làm là doanh nghiệp tư nhân có giấp phép kinh doanh.

Nghe vậy, cha tôi mừng lắm, giao điện thoại lại cho mẹ tôi. Mẹ tôi khóc trong niềm vui của người mẹ biết con mình đã chính thức vào đời. Bà chỉ dặn tôi cố gắng sống cho ra người, đừng làm gì sái quấy để làng xóm, dòng họ chê cười.

Qua thời gian, tôi và Dũng được bà con chòm xóm quý mến, có đám tiệc nào, họ cũng mời chúng tôi tham dự. Học sinh ở vùng ngoại thành này cũng chẳng khác nào ở quê tôi, nên tôi và Dũng đồng thuận dạy kèm miễn phí cho mấy em từ lớp 9 đến lớp 12. Vì chuyện dạy kèm này, tôi cũng phải mất tiền công mấy buổi tối, nhưng bù lại là tìm thấy niềm vui trong nghề dạy học, và càng được mọi người trong xóm xem như con cháu, anh em trong nhà. Nhiều người còn giúp chúng tôi làm vườn, hướng dẫn tháng này, mùa này nên trồng rau gì, bông gì thu nhập khá hơn,… Có người còn khuyên chúng tôi nên nuôi ốc sên. Với họ, nuôi ốc sên chẳng cần đầu tư gì nhiều lại có thu nhập, cùng lắm thì thay thịt cá cũng tốt, nhất là sống tự lập như chúng tôi.

Với Dũng, mọi việc không liên quan tới tiếng Anh thì như gió thoảng qua tai, còn tôi thì lại khác. Làm hết sức, không thẹn với lương tâm liền có thể. Nhìn những can rượu trắng mà phụ huynh biếu cùng một số gợi ý tưởng chừng vu vơ của bà con trong xóm, nhưng vô tình đẩy giúp tôi cánh cửa.

Tôi mở trang mạng Google, tìm hiểu về những gì đã hiện trong óc và những gợi ý tưởng chừng không đâu. Thì ra, cây mật gấu là một loại thảo mộc giàu protein, beta-carotene, vitamin và các khoáng chất. Thực tế, tác dụng của cây mật gấu đối với điều trị bệnh rất đa dạng. Dựa trên tác dụng dược học và kinh nghiệm sử dụng trong nền y học dân gian, một số nước như Ấn Độ, Congo, Nam Phi, khu vực Tây Phi,… dùng cây mật gấu để chữa nhiều bệnh. Nói chung, lá cây mật gấu có tác dụng hỗ trợ các thuốc khác trong việc điều trị nhiều bệnh như xương khớp, đái tháo đường, tiêu chảy, viêm gan, vàng da, huyết áp cao, kiết lỵ, viêm ruột. Bên cạnh đó, lá cây mật gấu còn giúp cơ thể thanh nhiệt, giải độc gan, điều hòa huyết áp, và ngăn chặn sự phát triển của các tế bào ung thư, đặc biệt ung thư cổ tử cung.

Ốc sên cũng thế. Một số người ở các nước phương Tây làm giàu nhờ nuôi ốc sên, chế biến thực phẩm bằng ốc sên, dùng ốc sên massage mặt, làm kem thoa da,… Các nhà khoa học Việt Nam cũng khẳng định ốc sên ăn rất ngon và bổ dưỡng. Ốc sên dễ nuôi hơn bất kỳ sinh vật nào. Nó ăn rất tạp. Rau xanh, củ, quả non già gì nó đều xơi tuốt, kể cả lá chuối, vỏ dưa hấu, cỏ dại. Nếu sang hơn, thì cho nó ăn thêm cám. Ốc sên một tháng tuổi đã trưởng thành, mỗi 2 tháng đẻ một lần, đẻ quanh năm; con nào cũng đẻ, không phân biệt đực hay cái. Mỗi lần đẻ khoảng 200 trứng. Sau 7-8 ngày trứng nở con. Đặc biệt, ốc sên khó mắc bệnh, nếu có thì tỷ lệ dưới 1%. Nuôi 6 tháng, ốc sên đạt tiêu chuẩn thương phẩm (nặng 100g); nuôi một năm có thể nặng 250g,…

Mọi việc thông suốt, tôi xin nghỉ làm ở quán cà phê, bắt đầu đi bán hàng rong vào buổi tối. Hàng rong của tôi đơn giản, chỉ có ốc sên xào sả ớt và ốc sên xiên nướng lá chanh, kèm “rượu đặc sản” do chính tôi pha chế. Chỉ cần đẩy xe tới những quán nhậu, mời mỗi bàn một ly rượu uống thử, thế là mỗi tối, tôi bán hơn chục lít rượu và hơn chục ký ốc sên. Những lúc rảnh, Dũng phụ tôi làm sạch ốc sên và bán hàng. Sinh hoạt ở Sài Gòn lạ hơn ở quê tôi là đàn ông ngồi rao hàng, bán hàng ở chợ, ở lề đường là chuyện bình thường, nên chúng tôi chẳng ngại ngùng gì. Đã vậy, Dũng hay quảng cáo với khách nhậu, hàng của chúng tôi chính hiệu là Organic (thực phẩm hữu cơ). Đồ ăn, thức uống của chúng tôi không có hóa chất, không có chất kích thích, kháng sinh hay sinh vật biến đổi gien. Và “người tiêu dùng thông minh” hưởng ứng.

Thu nhập ổn định, tôi quyết chí nâng cao trình độ học vấn. Từ nhỏ, cha tôi hay nói cái gì người ta cho mình, người ta có quyền lấy, chứ trí tuệ của mình không ai lấy được, nếu ai muốn lấy thì phải ra tiền tương xứng. Dẫu biết ở đời, không phải ai nỗ lực cũng thành công, nhưng không có nỗ lực thì nhất định sẽ không có thành công.

#

Thức khuya, chợp mắt chưa được bao lâu, chuông điện thoại réo vang, tôi mệt mỏi, hỏi ai ở đầu dây, thì nghe tiếng cha tôi. Qua giọng nói, tôi biết ông nén giận, chỉ bình thản hỏi mà như tra vấn, rồi cho biết ông đang ở Bến xe Miền Đông. Tôi tỉnh người, nhìn lại đồng hồ đã gần 6 giờ sáng. Ở quê nhà, từ nhỏ đến lớn, chưa lúc nào tôi dậy trễ như thế, dù là những ngày nghỉ hè, nên giờ này mà giọng tôi còn ngái ngủ, cha tôi không giận mới lạ. Nhưng cha tôi vào đây có việc gì? Tại sao không báo trước cho tôi biết?

Nghĩ thì nghĩ, nhưng tôi vội mặc áo quần, không kịp làm vệ sinh cá nhân, chạy ra bến xe đón cha tôi.

Thì ra, lời nói xói vàng. Không biết từ đâu, bà con làng tôi đồn dậy, tưởng tôi vào Sài Gòn làm vương làm tướng gì lại lê la bán hàng rong cho mấy bợm nhậu. Ăn mặc còn thua người ăn mày. Các bợm nhậu nói gì cũng cúi đầu dạ thưa, và nụ cười nịnh nọt luôn nở trên môi. Người tốt bụng thì khuyên cha tôi nên kêu tôi về cuốc đất còn sang quý hơn bởi chẳng quỳ lụy ai; rảnh rỗi dạy thêm cho các cháu trong làng cũng được người ta tôn trọng gọi thầy.

Rất tin con mình, nhưng tiếng đồn làm cha mẹ tôi không yên lòng, nên ông quyết tâm vào đột xuất để xem tôi ăn ở, làm việc ra sao. Mấy tháng đầu, cha mẹ còn nhận tiền tôi gửi về sau đó bảo tôi đừng gửi nữa, giữ lấy mà lập thân. Cuộc sống gia đình ở quê, nhìn lên thì chẳng bằng ai nhưng khi nhìn xuống chẳng mấy ai bằng mình, nên động viên tôi cố gắng sống cho tốt.

Sau khi ăn sáng, tắm rửa xong, cha tôi thấy tôi ngồi trước máy tính, ông nhìn và sắc mặt có vui hơn, vì ông thấy tận mắt tôi đang… học tiếng Anh. Thực tế, tôi đang viết bài báo khoa học, dự định sẽ gửi đăng trên tạp chí quốc tế. Bảo vệ luận văn, luận án trong nước không cần phải như thế nhưng tôi lại muốn thế. Thời gian qua, tôi luyện tiếng Anh từ bạn tôi. Trong sinh hoạt hằng ngày, hai đứa đều trao đổi bằng tiếng Anh, nên có những tiến bộ nhất định. Một tuần, đôi lần, chúng tôi còn xuống “phố Tây” Phạm Ngũ Lão luyện tiếng với người nước ngoài. Việc học, việc làm như thế, tôi không nói với cha mẹ tôi, bởi từ khi vào cấp 3, tôi có ý thức chú trọng đến kết quả chứ không nói đến quá trình. Vào bậc đại học, chúng tôi tự nhắc nhở nhau và cũng tự dặn mình “nổ quá có khi banh xác”.

Sau vài ngày, cha tôi về lại quê nhà và có phần yên tâm về cuộc sống con mình. Ông giao cho tôi tài liệu thi tuyển công chức, bảo tôi gắng học thuộc lòng. Theo kinh nghiệm của những người đi trước, thì “học thuộc lòng từng dấu chấm, dấu phẩy” mới đậu được. Ông sẽ theo dõi khi nào tỉnh có tổ chức thi tuyển công chức thì ông sẽ báo và tôi tranh thủ về thi. Tiền bạc lãng phí có thể kiếm về, nhưng thời gian lãng phí thì không có cách nào kiếm lại được.

Cha tôi nghiêm khắc, nhưng tôn trọng sự chọn lựa của con, nên không ép tôi về theo lời khuyên của những người tốt bụng. Ông cho hay mẹ tôi nghe những lời đồn không vui, thường thở dài và nói với ông, nếu biết tôi như thế thì lúc nhỏ chỉ cho tôi học hết bậc tiểu học rồi ở nhà giữ vài ba con bò có lợi hơn, đến nay có khi đã có cháu nội để bồng, để nâng niu.

Tiễn cha về, lòng tôi rưng rưng và quyết tâm không để cha mẹ buồn phiền về con. Giàu có, tài năng như doanh nhân Bill Gates sau ba mươi năm vào đời còn trở lại trường, học lấy văn bằng đại học để thỏa lòng mong ước của cha mẹ, nên tấm gương ấy không thể không học.

#

Ngày Dũng lên đường du học, thì tôi cũng nhận được thông báo của khoa về ngày bảo vệ luận văn tốt nghiệp thạc sĩ. Tôi soạn thư mời rồi in ra mấy tấm, nhờ giáo sư hướng dẫn đương nhiệm trưởng khoa ký. Dường như giáo sư hướng dẫn hiểu lòng tôi, nên vui vẻ ký, đóng dấu khoa và nhắc nhở tôi chú trọng sự nghiệp hơn chú trọng công danh. Tôi cám ơn, hứa sẽ cố gắng. Ai cũng biết chiếc áo không làm nên thầy tu, nhưng khoác áo thầy tu, trước mắt ai cũng biết đó là thầy tu, còn thầy tu thật hay thầy tu giả thì hạ hồi phân giải. Xưa nay, người mình vẫn chuộng công danh. Hiện tại, cha mẹ tôi muốn thế, bà con quê tôi cũng muốn thế và tôi tin nhiều người vẫn muốn thế, nên câu thơ của Nguyễn Công Trứ hơn 100 năm qua còn nguyên giá trị: “Không công danh thà nát với cỏ cây”. Nếu không chuộng công danh làm gì có chuyện bằng thật học giả mà báo chí thường vạch mặt chỉ tên.

Thư mời, tôi gửi phát nhanh về cho mẹ tôi, trong đó có mời đại diện dòng họ và đại diện ban dân chính thôn. Quả nhiên hôm sau, mẹ tôi gọi điện cho tôi với giọng vừa vui mừng, vừa hốt hoảng: “Thiệt hả con!”. Tôi cũng vui mừng nói cho mẹ tôi biết đó là chuyện thiệt. Khi dòng họ và ban dân chính thôn chọn ai đi thì cha tôi hoặc mẹ tôi nhắn tin đầy đủ tên họ, năm sinh, số chứng minh nhân dân để tôi mua vé máy bay. Dự kiến sẽ là ngày đi, ngày dự lễ bảo vệ luận văn, ngày tham quan thành phố và ngày về, tựu trung là bốn ngày.

Chú của Dũng nhận được thư mời, vui lắm. Ông nói tôi tiếp tục ở nhà đó như hồi còn có Dũng, nếu tôi học tiếp tiến sĩ thì có khó khăn gì cần ông giúp đỡ trong khả năng cho phép, ông sẵn sàng. Trước mắt, ông nói tôi dự kiến người dùng bữa trưa sau buổi bảo vệ để ông đặt nhà hàng. Chuyện này, xem như quà ông mừng tôi bảo vệ thành công luận văn thạc sĩ. Ông cười vui cho rằng không ngờ cuộc đất ấy lại phát chuyện học hành. Ông sẽ giữ lại miếng đất ấy để làm chỗ học cho con cháu sau này, chứ không bán lại cho ai dù giá đất có tăng gấp năm, gấp mười lần.

Luận văn của tôi đạt điểm gần như tuyệt đối và được chuyển tiếp nghiên cứu sinh. Nghe chủ tịch hội đồng chấm luận văn thông báo, cha mẹ tôi khóc trong niềm vui rộng mở. Dẫu biết thanh giả tự thanh, ai muốn cắn đầu lưỡi để họ tự nhai, nhưng làm sao bịt miệng thế gian. Thư mời đại diện dòng họ và đại diện ban dân chính thôn đến dự buổi lễ này là giúp cho cha mẹ tôi giải nỗi muộn phiền chất chứa lâu nay.

#

Hay không bằng hên. Một hôm lên mạng tìm tài liệu để viết bài báo khoa học, tôi thấy có vị giáo sư có đề tài nghiên cứu có phần liên quan tới đề tài bài báo khoa học của tôi, đang tìm 5 nghiên cứu sinh giúp việc, kèm theo điều kiện ăn ở, đi lại, lương hằng tháng, bảo hiểm y tế, kể cả có luật sư riêng trợ giúp khi gặp rắc rối về pháp luật,… Cơ bản, những điều kiện dành cho nghiên cứu sinh khá rõ ràng, ai tự thấy có khả năng đáp ứng được những yêu cầu của giáo sư nêu ra, thì nộp hồ sơ đăng ký dự tuyển.

Qua hồ sơ xin học bổng của Dũng, tôi không nói với ai nhưng âm thầm từng bước chuẩn bị, và tôi tích cực bổ sung một vài yêu cầu của giáo sư rồi… nhấp chuột chuyển đi.

Thời đại kỹ thuật số có khác. Mấy ngày sau, tôi được phỏng vấn qua điện thoại, nhưng chẳng biết kết quả thế nào. Tôi cũng không hy vọng gì lắm, nên tiếp tục bán hàng rong và tiếp tục theo đuổi việc học. Cũng may, biết tôi tiếp tục việc học, nên mẹ tôi vào phụ giúp một số công việc nên cũng khá thảnh thơi. Tôi cố gắng rèn luyện ngoại ngữ để thi chứng chỉ IELTS nhằm thử vận may. Và chưa kịp thử thì vận may liền đến.

Qua mail của giáo sư tuyển 5 nghiên cứu sinh, cho biết ông đã đọc và thích 2 bài báo khoa học của tôi, nên đích thân qua Việt Nam trực tiếp phỏng vấn tôi. Ông hẹn ngày giờ, địa điểm gặp mặt, hy vọng được hợp tác với tôi.

Cuộc phỏng vấn trực tiếp dễ dàng hơn tôi tưởng. Ông sẽ chuyển mail ngay cho tôi, đồng thời chuyển mail cho Tổng lãnh sự tại Thành phố Hồ Chí Minh. Ông dặn tôi về, lên mạng của Tổng lãnh sự, điền ngay hồ sơ phỏng vấn. Khi người phỏng vấn báo ngày lấy visa thì mail cho ông để ông mua vé máy bay. Xuống phi trường sẽ có người đón, tôi không cần phải bận tâm. Chỗ ở thì khi mua vé máy bay, ông sẽ thuê cho một căn hộ gần trường, bởi nghiên cứu sinh phải phụ giáo sư dạy một số tiết nên không thể ở cùng ký túc xá với sinh viên. Đồ dùng cũng không cần phải mang xách gì cho nặng. Mọi thứ ở nước sở tại đều có và không đắt. Thu nhập hằng tháng của tôi được xếp vào hàng trung lưu, nên đừng quan tâm những việc lặt vặt, cố gắng tập trung tốt vào chuyên môn. Nếu qua thời gian một năm, tôi làm việc không đạt yêu cầu thì ông thôi tiếp nhận. Theo ông, thiên hạ không thiếu nhất là nhân tài, cho dù thiên tài cũng phải cần 99% nỗ lực mới thu được kết quả mong muốn. Ông hy vọng chúng tôi sẽ cộng tác lâu dài, không phải nửa đường gãy gánh. Tôi cũng hứa sẽ không làm cho ông thất vọng.

Về đến nhà thấy mẹ tôi đã chuẩn bị sẵn hàng rong của tôi trên xe đẩy. Tôi hào hứng cho mẹ biết tối nay nghỉ bán và không cần bán nữa, bởi tôi chính thức được chọn làm tiến sĩ ở nước ngoài và chậm nhất là lưng nửa tháng sau sẽ đi.

Mẹ tôi như tỉnh như mê, điện cho cha tôi rằng tôi nói gì bà không hiểu. Nghe tôi trình bày mạch lạc mọi chuyện, cha tôi mừng lắm, dặn khi nào sắp đi thì điện cho ông vào đưa tiễn. Thế là cuộc đời mới của tôi đã khởi động.

Từ trong loa, tiếp viên hàng không thông báo máy bay chuẩn bị đáp xuống phi trường, yêu cầu mọi hành khách dựng thẳng lưng ghế, thắt dây an toàn,… tôi mỉm cười một mình, nhưng trong bụng cũng hơi lo lo. Thứ quý giá nhất ở thế gian này không phải danh vọng, địa vị, tiền bạc mà chính là sinh mệnh. Cha tôi đã dặn như thế./

V.G

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây