Giới thiệu khái quát thành phố Phúc Yên

thành phố Phúc Yên - Tỉnh Vĩnh Phúc

Giới thiệu khái quát thành phố Phúc Yên

Thành phố Phúc Yên thuộc Châu thổ sông Hồng, nằm ở phía Đông Nam tỉnh Vĩnh Phúc, giới hạn bởi các địa danh sau:

      – Phía Bắc giáp tỉnh Thái Nguyên.

      – Phía Nam giáp huyện Mê Linh tỉnh Vĩnh Phúc.

      – Phía Tây giáp huyện Bình Xuyên tỉnh Vĩnh Phúc.

      – Phía Đông giáp huyện Sóc Sơn thành phố Hà Nội.       

Địa phận Thành phố Phúc Yên nằm cạnh Quốc lộ 2, có đường sắt Hà Nội – Lào Cai chạy qua; cách sân bay quốc tế Nội Bài 8 km, cách thành phố Hà Nội 30 km. Thành phố Phúc Yên có vị trí địa lý rất thuận lợi: gần với thủ đô Hà Nội, các khu công nghiệp của Hà Nội, sân bay quốc tế Nội Bài; có thị trường rộng lớn để cung cấp và tiêu thụ hàng hoá; có hệ thống giao thông thuận tiện: quốc lộ 2, quốc lộ 23, đường sắt Hà Nội – Lào Cai, tương lai gần có đường cao tốc xuyên Á đi cảng Cái Lân Quảng Ninh và Côn Minh Trung Quốc.

ĐỊA HÌNH ĐỊA CHẤT

Địa hình

Thành phố Phúc Yên có địa hình đa dạng, tổng diện tích là 12.029,55 ha, chia thành 2 vùng chính là vùng đồi núi bán sơn địa (Ngọc Thanh, Cao Minh, Xuân Hoà), diện tích 9700 ha; vùng đồng bằng gồm các xã, phường: Nam Viêm, Tiền Châu, Phúc Thắng, Hùng Vương, Trưng Trắc, Trưng Nhị, diện tích 2300 ha, có hồ Đại Lải và nhiều đầm hồ khác có thể phát triển các loại hình du lịch.

Địa chất

Nhìn chung, đất đai của Phúc Yên không nhiều, không giàu chất dinh dưỡng nhưng lại nằm gần kề thủ đô Hà Nội cho nên tài nguyên đất của Thành phố đã trở thành tài nguyên có giá trị kinh tế cao.

Tài nguyên khoáng sản quý hiếm của Thành phố hầu như không có gì ngoài  đá granit, nước mặt và nước ngầm phong phú đáp ứng nhu cầu phát triển trong tương lai.

Khí hậu, thủy văn

Thành phố Phúc Yên nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, nhiệt độ bình quân năm là 23oC, có nét đặc trưng nóng ẩm, mưa nhiều về mùa hè, hanh khô và lạnh kéo dài về mùa đông. Khí hậu tương đối thuận lợi cho phát triển nông nghiệp đa dạng.

      Nhiệt độ không khí có các đặc  trưng sau:

      Cực đại trung bình năm là 20,5oC

      Cực đại tuyệt đối 41,6 oC

      Cực tiểu tuyệt đối 3,1 oC

      Độ ẩm không khí tương đối trung bình năm là 83%, độ ẩm cực tiểu tuyệt đối là 16%.

Hướng gió chủ đạo về mùa đông là Đông – Bắc, về mùa hè là Đông – Nam, vận tốc gió trung bình năm là 2,4 m/s. Vận tốc gió cực đại có thể xảy ra theo chu kỳ thời gian 5 năm là 25m/s; 10 năm là 32m/s, 20 năm là 32m/s.

DÂN SỐ

Thành phố Phúc Yên có 12.013,05 ha diện tích tự nhiên và dân số 155.435 người (tính đến 12/2017); gồm 10 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc với 08 phường: Trưng Trắc, Trưng Nhị, Hùng Vương, Phúc Thắng, Xuân Hòa, Đồng Xuân, Tiền Châu, Nam Viêm và 02 xã: Cao Minh, Ngọc Thanh.

Mật độ dân số của thành phố đạt khoảng 772 người/km2, tốc độ tăng dân số tự nhiên khoảng 1,1‰ (năm 2017). Dân số của thành phố trong những năm qua có xu hướng tăng nhanh ở khu vực thành thị và tăng không nhiều ở nông thôn.

Dân số thường trú khu vực nội thành là 77.835 người, tổng số lao động đang làm việc trong các ngành kinh tế quốc dân trên địa bàn khu vực nội thành là 64.436 người; số lượng lao động phi nông nghiệp đang làm việc trong ngành nghề thương mại – dịch vụ, công nghiệp – xây dựng là54.642 người; tỷ lệ lao động phi nông nghiệp đạt 84,8%.

LỊCH SỬ

Thành phố Phúc Yên được thành lập ngày 31/10/1905, là tỉnh lị tỉnh Phúc Yên. Trong kháng chiến chống Pháp, chuyển thành thị trấn rồi được tái lập làm thị xã ngày 1/2/1955.

Ngày 26/6/1976, một lần nữa Phúc Yên chuyển thành thị trấn thuộc huyện Yên Lãng, tỉnh Vĩnh Phú. Khi huyện Yên Lãng hợp nhất với huyện Bình Xuyên thành huyện Mê Linh, thì thị trấn Phúc Yên là huyện lỵ huyện Mê Linh.

Từ năm 1978 đến năm 1991 thị trấn Phúc Yên cùng với huyện Mê Linh chuyển về Hà Nội. Sau đó thị trấn Phúc Yên lại trở về tỉnh Vĩnh Phú, rồi thuộc tỉnh Vĩnh Phúc (từ 1997).

Ngày 5/7/1977 Hội đồng chính phủ có Quyết định 178-CP, trong đó hợp nhất huyện Bình Xuyên và huyện Yên Lãng thành một huyện, lấy tên là huyện Mê Linh và sáp nhập 4 xã của huyện Yên Lạc: Văn Tiến, Nguyệt Đức, Minh Tân và Bình Định, 2 xã của huyện Kim Anh: Quang Minh và Kim Hoa vào huyện Mê Linh.

Tháng 12/1977, các xã Phúc Thắng, Nam Viêm, Cao Minh, Ngọc Thanh và Thị trấn Xuân Hòa được cắt chuyển về huyện Mê Linh, thuộc thành phố Hà Nội.

Ngày 29/12/1978, theo Nghị quyết của Quốc hội khoá VI, kỳ họp thứ 4, chia tách huyện Mê Linh, một phần thuộc quản lý của tỉnh Vĩnh Phú; phần còn lại thành huyện Mê Linh mới trực thuộc Thành phố Hà Nội. Địa bàn thành phố Phúc Yên ngày nay thuộc huyện Mê Linh. Đảng bộ huyện Mê Linh trực thuộc Đảng bộ Hà Nội.

Ngày 1/4/1979, huyện Mê Linh trong đó có địa bàn các, phường, xã, thị trấn thuộc thành phố Phúc Yên hiện nay chính thức chuyển về trực thuộc Hà Nội.

Sau đó, thị xã Phúc Yên được tái lập theo Nghị định số 153/NĐ-CP ngày 9/12/2003 của Chính phủ và chính thức ra mắt hoạt động từ ngày 1/1/2004.

Ngày 07/02/2018, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV đã ban hành Nghị quyết số 484/NQ-UBTVQH14 về việc thành lập phường Tiền Châu, phường Nam Viêm thuộc thị xã Phúc Yên, thành lập thành phố Phúc Yên thuộc tỉnh Vĩnh Phúc./.

VĂN HÓA

Trên toàn địa bàn thành phố Phúc Yên, đến nay đã có 18 di tích lịch sử văn hoá đã được xếp hạng. Trong đó có 6 di tích cấp quốc gia gồm: Đền Ngô Miễn (phường Phúc Thắng), Chùa Bảo Sơn (phường Nam Viêm), Đình Khả Do (phường Nam Viêm), Đình Cao Quang (xã Cao Minh), Chiến khu cách mạng Ngọc Thanh (xã Ngọc Thanh), Đình Đạm Xuyên (phường Tiền Châu). 12 di tích cấp tỉnh gồm: Chùa Cấm (chùa Báo Ân) thuộc phường Trưng Nhị, Đình chùa Nam Viêm (phường Nam Viêm) ,  Đình Thanh Lộc (xã Ngọc Thanh), Đền Đồng Chằm (xã Ngọc Thanh),  Đền Ngọc Mỗ (xã Ngọc Thanh),  Đình Xuân Hoà (xã Cao Minh), Khu lăng mộ Đỗ Nhân Tăng – Trần Công Tước (phường Phúc Thắng), Đền Thiện (phường Phúc Thắng), Đình – chùa Hiển Lễ (xã Cao Minh), Đình Đức Cung (xã Cao Minh), Đình Yên Điềm (xã Cao Minh), Đền Đạm Nội (phường Tiền Châu).

Thành phố Phúc Yên từ lâu đã có nhiều người đỗ đạt khoa bảng, tiêu biểu là tướng công Ngô Miễn (1371-1407). Ông là tiến sĩ xuất thân khoa bảng cuối đời Trần, là người tham gia tích cực trong cuộc sống cách tân dưới triều Hồ Quý Ly, được thăng tới chức Đặc tiến quân sử, vinh tộc đại phu, kiêm xương phủ tổng quản Chi Lăng, thượng thư lệnh, Đồng Bình Chuông quốc trọng sự, ông đã có công to lớn giúp nhân dân địa phương ổn định kinh tế, phát triển sản xuất, tổ chức cho dân di cư, lập ấp, khai khẩn đất hoang vùng bờ biển Sơn Nam (Phủ Thiên Trường) lập nên các xã Xuân Hùng, Xuân Thuỷ, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định ngày nay. Khi nhà Minh xâm lược nước ta, Ngô Miễn cùng Vua tôi nhà Hồ, trực tiếp kháng chiến chống giặc Minh. Cuộc kháng chiến thất bại, ông không chịu khuất phục quy hàng đã cùng vợ tuẫn tiễn tại cửa biển Kỳ La (Nghệ An) năm ông 36 tuổi.

Cùng thời với tướng công Ngô Miễn còn có tiến sỹ Nguyễn Tôn Miệt người Phúc Thắng thành phố Phúc Yên. Ông đỗ tiến sĩ năm 1481 và là thành viên của hội tao đàn, tác phẩm của ông để lại đời sau còn có 8 bài thơ chữ Hán trong cuốn sách: “Toàn việt thi lục”. Đất Phúc Thắng còn lưu giữ lại nhiều di sản văn hoá vật thể và phi vật thể, điển hình là tấm bia thời Lý Cao Tông niên hiệu Trị Bình Long ứng thứ 5 (1209).

KINH TẾ

Nằm ở phía Đông Nam của tỉnh Vĩnh Phúc, thị xã Phúc Yên có diện tích hơn 12 nghìn héc-ta, dân số hơn 15,5 vạn người, với vị trí địa lý: liền kề thủ đô Hà Nội, giáp sân bay quốc tế Nội Bài; có hệ thống giao thông thuận tiện gồm các tuyến đường QL2, QL23, đường sắt và đường cao tốc Hà Nội – Lào Cai,.v…v..

Từ khi được thành lập đến nay, thị xã Phúc Yên đã có nhiều lần chia tách, tái lập và chuyển cấp đơn vị hành chính. Trong suốt chặng đường ấy, với vùng đất có bề dày lịch sử và văn hoá lâu đời, nhân dân thị xã Phúc Yên có truyền thống yêu nước trong đấu tranh cách mạng; cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất; cùng với cả nước vượt qua mọi khó khăn trong các thời kỳ đấu tranh giành độc lập, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đổi mới, phát triển đất nước, xây dựng quê hương.

Với vị trí, tiềm năng và truyền thống ấy, thị xã Phúc Yên đã được tỉnh Vĩnh Phúc xác định là trung tâm kinh tế, du lịch, dịch vụ trọng điểm của tỉnh. Trong những năm qua, Phúc Yên đã trở thành địa chỉ hấp dẫn thu hút đầu tư của nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước, trong đó có những tập đoàn kinh tế nổi tiếng hàng đầu thế giới như Toyota, Honda,… Nhiều khu đô thị mới, khu du lịch – nghỉ dưỡng, trung tâm thương mại được hình thành như: Khu đô thị Đồng Sơn, Khu đô thị Xuân Hòa, Khu đô thị Hùng Vương – Tiền Châu, khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng tiêu chuẩn 5 sao Flamingo Đại Lải; Trung tâm thương mại Phúc Yên Plaza, trung tâm thương mại Đồng Sơn, v…v…

Nhiều năm qua, Phúc Yên luôn đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, giá trị sản xuất công nghiệp hàng năm của thị xã chiếm trên 80% tổng giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh, đóng góp quan trọng trong tổng thu ngân sách của tỉnh Vĩnh Phúc.

Thu ngân sách trên địa bàn năm 2016 là 22.799 tỷ đồng, vượt so với chỉ tiêu quy định; chi ngân sách là 536,585 tỷ đồng; trong đó ngân sách chi đầu tư phát triển là 198,3 tỷ đồng.

Thu nhập bình quân đầu người của thị xã đạt 75,2 triệu đồng/người/năm, cao gấp 1,55 lần bình quân cả nước (cả nước năm 2016 là 48,6 triệu đồng/người/năm), vượt so với quy định (từ 1,05 trở lên. Tỷ lệ hộ nghèo bình quân 3 năm (2014-2016) của thị xã: 2,57%, thấp hơn so với bình quân của tỉnh Vĩnh Phúc ( 3,35%)

Tỷ trọng  công nghiệp, xây dựng và dịch vụ trong cơ cấu kinh tế đạt 99,43%. Tỷ lệ lao động phi nông nghiệp: Dân số thường trú khu vực nội thị thị xã là 77.835 người, tổng số lao động đang làm việc trong các ngành kinh tế quốc dân trên địa bàn khu vực nội thị thị xã là 64.436 người; số lượng lao động phi nông nghiệp đang làm việc trong ngành nghề thương mại – dịch vụ, công nghiệp – xây dựng là 54.642 người; tỷ lệ lao động phi nông nghiệp đạt 84,8%.

Trở thành thành phố thuộc tỉnh Vĩnh Phúc, Phúc Yên đang đặt mục tiêu phấn đấu giữ vững tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2017 – 2020 đạt từ 7 đến 8,5%; giai đoạn 2021 – 2030 đạt từ 9 đến 10,5%; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng: công nghiệp, dịch vụ, du lịch và nông nghiệp, tạo ra cơ cấu kinh tế bền vững phù hợp hơn với tiềm năng phát triển thành phố. Phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường, bảo vệ tài nguyên tự nhiên và những giá trị văn hóa của địa phương./.

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây