Giới thiệu khái quát huyện Sông Lô

huyện Sông Lô - Tỉnh Vĩnh Phúc

Giới thiệu khái quát huyện Sông Lô

Sông Lô là huyện miền núi của tỉnh Vĩnh Phúc có 15.031,77ha diện tích đất tự nhiên và 104.429 nhân khẩu, có 42 chi, Đảng bộ trực thuộc và 17 đơn vị hành chính. Địa giới huyện Sông Lô, phía Đông giáp huyện Lập Thạch tỉnh Vĩnh Phúc, phía Tây giáp huyện Phù Ninh tỉnh Phú Thọ, phía Bắc giáp huyện Sơn Dương tỉnh Tuyên Quang.

Huyện Sông Lô có truyền thống cách mạng lâu đời, là mảnh đất có nhiều di tích lịch sử, tự hào về những tên làng, tên núi, tên sông đã đi vào lịch sử: Hồ Điển Triệt, Núi Sáng, Ghềnh Khoan Bộ… Cùng với đó là những giá trị văn hóa dân gian đặc sắc còn bảo tồn lưu giữ mãi đến nay trên miền đất sông núi bao bọc. Trải qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, nhân dân các dân tộc huyện Sông Lô có tinh thần thượng võ, giàu lòng yêu nước, xây dựng nên truyền thống gắn bó lâu đời, có bản sắc văn hóa phong phú và đa dạng, cùng với quân dân cả nước viết lên những bản hùng ca bất hủ trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược. Đảng bộ và nhân dân huyện Sông Lô luôn tự hào về truyền thống cao đẹp đó.

Dân số

  1. Tổng số dân toàn huyện: 104.429 người
  2. Mật độ dân cư: 694 người/km2
  3. Dân số các xã, thị trấn
 

STT

 

Đơn vị

 

Tổng số hộ gia đình

 

Tổng số nhân khẩu

 

1

 

Thị trấn Tam Sơn

 

916

 

3720

 

2

 

Bạch Lưu

 

711

 

3203

 

3

 

Cao Phong

 

2278

 

9229

 

4

 

Đôn Nhân

 

1293

 

5381

 

5

 

Đồng Quế

 

1251

 

4759

 

6

 

Đồng Thịnh

 

2208

 

9564

 

7

 

Đức Bác

 

1765

 

8714

 

8

 

Hải Lựu

 

1669

 

7110

 

9

 

Như Thụy

 

1280

 

4560

 

10

 

Phương Khoan

 

1361

 

5512

 

11

 

Quang Yên

 

2186

 

9128

 

12

 

Tân Lập

 

1517

 

5638

 

13

 

Tứ Yên

 

1216

 

4808

 

14

 

Yên Thạch

 

1889

 

6843

 

15

 

Lãng Công

 

1724

 

7099

 

16

 

Nhạo Sơn

 

1003

 

3642

 

17

 

Nhân Đạo

 

1346

 

5519

 

Tổng

 

25613

 

104429

Nguồn: Trung Tâm Dân số huyện Sông Lô

 

Lịch sử hình thành, phát triển

 Huyện Sông Lô được thành lập theo Nghị định 09/NĐ-CP ngày 23/12/2008 của Chính phủ trên cơ sở điều chỉnh địa giới hành chính huyện Lập Thạch, chính thức đi vào hoạt động từ 1/4/2009.

            Người dân Sông Lô luôn tự hào về truyền thống đấu tranh dựng nước, giữ nước, truyền thống cách mạng lâu đời và một nền văn hóa rực rỡ. Đây là mảnh đất có nhiều di tích lịch sử văn hóa gắn liền với quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc, có nhiều lễ hội dân gian đậm đà bản sắc dân tộc và giá trị tâm linh to lớn, nơi đây có một quần thể danh lam thắng cảnh tự nhiên nổi tiếng tạo ra sức hấp dẫn và tiềm năng to lớn về du lịch tự nhiên và nhân văn, thời tiền sử có di chỉ gò Hội, gò Đồn (Hải Lựu), gò Sỏi, gò Đặng, đồng Ba Bậc (Đôn Nhân) đã tìm thấy những chứng tích của người Việt cổ sinh sống. Cụm di tích Chùa Tháp Bình Sơn xây dựng bằng gạch nung từ thế kỷ thứ XIII thời Lý – Trần; nơi đây còn có dãy núi Sáng Sơn oai linh là đồn lũy của Hoàng Hoa Thám đánh Pháp (đầu thế kỷ XX); có dòng Sông Lô đi cùng năm tháng với những chiến công hiển hách tại ghềnh Khoan Bộ, góp phần vào chiến thắng Việt Bắc Thu – Đông 1947 mãi mãi còn ghi dấu ấn lịch sử vẻ vang trong cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm; có Chùa cổ Kim Tôn (Đồng Quế) cách đây trên 600 năm, được phục hồi xây dựng Thiền viện Trúc Lâm Tuệ Đức, có núi Thác Bay thơ mộng với thác nước chảy quanh năm tựa mây trắng; có rừng cò Hải Lựu; có làn điệu Trống quân Đức Bác; có lễ hội chọi trâu Hải Lựu được tổ chức vào ngày 16 và 17 tháng riêng hàng năm thu hút đông đảo du khách gần xa từ mọi miền quê hương; có làn điệu hát dân ca của người Cao Lan (Quang Yên) và bao lễ hội dân gian nổi đình nổi đám một thời, là các phường Chèo Cao Phong, Đồng Thịnh, Nhân Đạo… tiếng bay xa khắp tỉnh và ra cả tỉnh bạn; có Hồ Điển Triệt (Tứ Yên) là nơi luyện thủy quân đánh giặc từ thời Lý Nam Đế, nay được phục dựng Lễ hội bơi trải mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc.

            Xác định phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm, nên thời gian qua huyện Sông Lô đã tập trung chỉ đạo phát triển kinh tế. Vì vậy, bình quân lương thực đầu người đạt 363,8kg/năm. Về chăn nuôi được xác định là thế mạnh của huyện, tổng đàn trâu có gần 4.200 con, đàn bò có gần 20.000 con, đàn lợn có 65.000 con, đàn gia cầm có 718.000 con. Đặc biệt trong thời gian gần đây phong trào chăn nuôi động vật hoang dã thông thường (nhím, rắn, lợn đen) trên địa bàn huyện đã mở ra một hướng đi mới trong chuyển địch cơ cấu ngành chăn nuôi. Doanh thu từ các hộ nuôi động vật hoang dã thông thường đạt trên 6,3 tỷ đồng/năm, đem lại thu nhập cao, góp phần xóa đói, giảm nghèo. Cùng với đó huyện tập trung đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả các dự án một lúa, một cá. Các địa phương đã khai thác tốt diện tích mặt nước, phát huy tốt các dự án khoanh nuôi vùng trũng, các hồ, đập, nội đồng. Công tác trồng và bảo vệ rừng luôn được trú trọng, thực hiện tốt việc giao rừng đến các hộ nên việc chăm sóc, bảo vệ và phòng cháy chữa cháy rừng được làm tốt hơn, không để xảy ra cháy rừng, bình quân mỗi năm trồng mới được 40,7ha với độ che phủ 24,47%. Các dịch vụ nông nghiệp như: khuyến nông, thú y, bảo vệ thực vật, thuỷ lợi… luôn được cấp uỷ, chính quyền quan tâm, tạo điều kiện để nâng cao chất lượng và hiệu quả phục vụ sản xuất. Hệ thống lưới điện trên địa bàn được đầu tư nâng cấp, đến nay 100% thôn , xóm được sử dụng lưới điện quốc gia. Cùng với sự phát triển chung, ngành tiểu thủ công nghiệp cũng được quan tâm, tổng giá trị sản xuất của ngành năm 2010 ước đạt 49 tỷ đồng. Phát huy lợi thế của huyện nằm dọc Sông Lô, huyện trú trọng phát triển khai thác vật liệu xây dựng, mặt hàng truyền thống như: cát, sỏi, gạch ngói, đá mỹ nghệ, mây, tre đan, đồ gỗ gia dụng, sửa chữa . . . Huyện luôn khuyến khích phát triển các doanh nghiệp, đến nay toàn huyện có 71 doanh nghiệp, trong đó: Công ty TNHH 39 đơn vị, Doanh nghiệp tư nhân 17 đơn vị, Hợp tác xã 15 đơn vị. Tổng thu ngân sách 5 năm (2006-2010) đạt 611,6 tỷ đồng. Thu nhập bình quân đầu người (2010) đạt 6,5 triệu đồng/người/năm.

            Phong trào văn hoá văn nghệ – TDTT phát triển rộng khắp. Hiện nay toàn huyện có 38 đội văn nghệ, 175 sân chơi, bãi tập; nhiều câu lạc bộ với các loại hình sinh hoạt văn hóa đa dạng được ra đời. Phong trào xây dựng gia đình văn hoá, làng văn hoá ngày càng được chú trọng. Toàn huyện có 67,7% hộ đạt gia đình văn hoá; 90/175 thôn, khu dân cư đạt danh hiệu văn hoá; 41/175 thôn đạt 3 năm đạt danh hiệu tiên tiến. Công tác giáo dục phát triển cả quy mô và chất lượng, cơ sở vật chất, trang thiết bị được đầu tư theo hướng chuẩn hoá. Hiện nay toàn huyện có 17 trường Mầm non, 17 trường THCS, 19 trường Tiểu học và 02 trường THPT; 100% các trường được kiên cố hoá; 14 trường đạt chuẩn Quốc gia, trong đó: bậc mầm non đạt 5/17 trường, tiểu học đạt 7/19 trường, THCS đạt 2/17 trường; tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn 99,18%; số học sinh thi đỗ vào các trường CĐ, ĐH năm sau cao hơn năm trước. Năm 2009 BCH Đảng bộ lâm thời huyện Sông Lô ban hành Nghị quyết số 02 – NQ/HU về phát triển sự nghiệp GD – ĐT huyện Sông Lô giai đoạn 2010 – 2015 định hướng đến năm 2020. Thực hiện tốt các chương trình y tế Quốc gia, cơ sở vật chất, trang thiết bị cho khám chữa bệnh được quan tâm đầu tư. Tuyên truyền và phòng ngừa tốt các dịch bệnh: HIV/AIDS, dịch cúm AH1N1, dịch sốt xuất huyết, cúm gia cầm… Công tác chăm sóc sức khoẻ, khám chữa bệnh ban đầu cho nhân dân cơ bản đáp ứng yêu cầu. Công tác lao động việc làm, xoá đói giảm nghèo luôn được cấp uỷ, chính quyền các cấp quan tâm thực hiện, mỗi năm giải quyết việc làm cho trên 1.500 lao động. Làm tốt công tác an sinh xã hội như: trợ cấp khó khăn, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho hộ nghèo. Thực hiện đầy đủ kịp thời, đúng chế độ cho các đối tượng chính sách và người có công.

            Những thành tựu nổi bật mà Đảng bộ và nhân dân huyện Sông Lô đã đạt được trong thời gian qua là công lao đóng góp to lớn của toàn Đảng bộ và các tầng lớp nhân dân trong huyện, đã thể hiện được năng lực lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, khả năng điều hành của các cấp chính quyền từ huyện tới cơ sở, khẳng định sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng bộ, sự đồng thuận trong nhân dân và sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân đã được phát huy.     

VĂN HÓA

Huyện Sông Lô là vùng đất cổ, có truyền thống văn hóa lâu đời, là vùng đất địa linh nhân kiệt có ngọn núi Sáng sừng sững oai linh, nơi thủ lĩnh nghĩa quân Đề Thám lập căn cứ chống thực dân Pháp xâm lược, có dòng Lô Giang ôm ấp, nơi có chiến thắng ghềnh Khoan Bộ góp phần làm nên chiến thắng Việt Bắc Thu – Đông năm 1947, mãi mãi ghi dấu ấn lịch sử vẻ vang trong cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm của dân tộc. Là huyện mới thành lập, với khí thế mới, Đảng bộ và nhân dân Sông Lô phấn đấu xây dựng huyện ngày càng giàu đẹp văn minh, đóng góp vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Huyện Sông Lô bao gồm 17 xã, thị trấn, vẫn còn đó những tên gọi xa xưa: Kẻ Then, Kẻ Thiều, Kẻ Bạch, Kẻ Lạn, Kẻ Tràng, Kẻ Sáng… tại Gò Đồn xã Hải Lựu, Gò Trâm Dài, xã Đôn Nhân, các nhà khảo cổ học đã tìm thấy công cụ thuộc thời kỳ văn hóa Sơn Vi. Đó là thời kỳ con người nguyên thủy săn bắt, hái lượm dựa vào công cụ được ghè đẽo từ đá cách ngày nay khoảng 2 vạn 3 ngàn năm. Điều đó chứng tỏ những người Việt cổ thời tiền sử, cộng đồng thị tộc mẫu hệ nguyên thủy đã có mặt khai phá và xây dựng nền văn minh ở mảnh đất Sông Lô từ xã xưa. Đất Sông Lô là đất địa linh, núi cao, sông sâu. Từ xa xưa nhân dân Sông Lô đã quần tụ đông đúc “Sầm uất bến Then”. Đến giữa thế kỷ XIX nhóm dân tộc Cao Lan di cư đến lập nghiệp ở xã Quang Yên. Cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX có nhóm dân tộc Dao đến lập bản nay là thôn Thành Công, xã Lãng Công tụ hội thành 3 dân tộc: Kinh, Dao, Cao Lan; với bản sắc văn hóa phong tục tập quán riêng cùng bên nhau xây dựng quê hương Sông Lô giàu đẹp.

Sông Lô là mảnh đất có truyền thống đánh giặc giữ nước hào hùng. Thời nhà Triệu có tể tướng Lữ Gia, tên thật là Nguyễn Triêu Lệ chống giặc Hán; tiếp đến là Lý Nam Đế xây dựng căn cứ Hồ Điển Triệt – xã Tứ Yên chống giặc Lương; Hà Đặc, Hà Chương đánh quân Nguyên Mông; cụ Đề Thám lập căn cứ núi Sáng chống thực dân Pháp với trận núi Sáng kinh hồn. Trong chiến dịch Thu – Đông năm 1947 tại ghềnh Khoan Bộ xã Phương Khoan đã bắn chìm tàu chiến Pháp góp phần làm nên chiến thắng Sông Lô.

Đất anh hùng sinh ra những bậc anh hùng. Kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ cứu nước thời kỳ nào nhân dân Sông Lô cũng lập công xuất sắc, điển hình như: Anh hùng Trần Cừ – quê xã Đức Bác đã dẫn đầu tiểu đội đánh giáp lá cà với giặc Nhật, đuổi bọn Quốc dân đảng về Vĩnh Yên và tiếp tục lập công trong chiến thắng Việt Bắc Thu – Đông năm 1947, trong chiến dịch biên giới đã hy sinh anh dũng khi lấy thân mình lấp lỗ châu mai; Anh hùng Phùng Quang Phong – xã Đồng Thịnh anh dũng ngã xuống khi mới 24 tuổi; Anh hùng liệt sỹ Hà Văn Chúc quê hương Hải Lựu lái máy bay chiến đấu bắn rơi nhiều máy bay Mỹ; Anh hùng lái xe tăng Lê Xuân Tấu – xã Đôn nhân được nhà nước phong quân hàm thiếu tướng – Tư lệnh binh chủng tăng thiết giáp; Anh hùng Triệu Xuân Hòa – quê hương Đồng Thịnh hiện là Trung tướng; Nguyễn Đăng Sáp – quê hương Đôn Nhân; Thiếu tướng Nguyễn Xuân Yêm  – quê Đồng Thịnh.

Đất địa linh sinh nhân kiệt, huyện Sông Lô có tới 5 vị Tiến sỹ nho học. Đó là Khổng Cư Lỗ – xã Cao Phong thi đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sỹ khoa Tân Sửu đời vua Lê Thánh Tông; Đó là ông trạng Triệu Nghị Phù – thôn Nam Giáp – xã Đức Bác; Tiến sỹ Lê Đĩnh Chi – xã Nhạo Sơn; Tiến sỹ Hà Sỹ Vọng – thôn Sơn Cầu – xã Như Thụy; Tiến sỹ Hà Nhiệm Đại là anh em ruột của Tiến sỹ Hà Sỹ Vọng (huynh đệ đăng khoa). Ngày nay con em Sông Lô có nhiều người đỗ đạt học hàm, học vị cao, nắm giữ cương vị quan trọng ở các bộ ngành, tỉnh, huyện. Từ thời Lý – Trần, huyện Sông Lô đã có những công trình văn hóa nổi tiếng, trải bao thăng trầm của lịch sử vẫn còn đó giá trị văn hóa vật thể chói lọi của Tháp Bình Sơn. Cùng thời với Tháp Bình Sơn là cây Tháp Xanh đại danh lam Kim Tôn xã Đồng Quế nay xây dựng Thiền Viện Trúc Lâm Tuệ Đức trên nền chùa cổ Kim Tôn. Còn đó những giá trị văn hóa phi vật thể, đó là hát Trống quân – Đức Bác mang sắc thái của huyện Sông Lô nói riêng và tỉnh Vĩnh Phúc nói chung. Hát Sịnh ca của người Cao Lan – xã Quang Yên. Hát Trống quân và hát Sịnh ca mãi mãi là những giá trị văn hóa phi vật thể điển hình của quê hương Sông Lô.

Về lễ hội, trên địa bàn Sông Lô có các lễ hội: Rước cây bông – xã Đồng Thịnh có từ thời Hùng Vương, cầu cho mùa màng tốt tươi, nhân dân no ấm; lễ hội Trống quân – Đức Bác; lễ hội Chọi Trâu xã Hải Lựu có từ thời Lữ Gia (nhà Triệu) nổi tiếng khắp gần xa, hàng năm thu hút hàng vạn du khách thập phương đến xem; Người Cao Lan có lễ hội xuống đồng với các điệu ca vũ lên nương, xuống ruộng độc đáo, cây nêu vút cao, quả còn bay chao trong cái cười khúc khích trao duyên của trai, gái, trong làn điệu Sịnh ca tình tứ; Người Dao Lãng Công thì mở hội Tết nhảy thâu đêm…Trên Hồ Điển Triệt nơi ngày xưa luyện thủy quân của Lý Nam Đế dậy vang tiếng hò reo cổ vũ lễ hội Bơi Chải…Mùa lễ hội cũng là mùa các làng quê thi nhau làm những món ẩm thực độc đáo dâng lên Thành Hoàng, các vị Phúc Thần và mời nhau, mời khách thưởng thức: Bánh tẻ Tứ Yên trong suốt mà dẻo thơm, dai, giòn không đâu có được; Bánh nẳng Nhân Đạo, mắm Gỏi Đức Bác, cá Thính Sông Lô, xôi vò, xôi xéo… Huyện Sông Lô còn là mảnh đất giàu tiềm năng du lịch: Tuyến du lịch Hồ Bò Lạc – Thác Bay – Núi Sáng – Hải Lựu là một trong 5 điểm quy hoạch du lịch chính của Vĩnh Phúc, vào Bản Dao Thành Công du lịch sinh thái Hồ Suối Sải ta như bị hút hồn bởi vẻ đẹp của thác Lát Mưa bụi nước tung trắng xóa. Đi thăm quan làng nghề đục đá xã Hải Lựu với nhiều chủng loại hàng hóa: sư tử hý cầu, voi, ngựa, chó đá, đèn vườn bằng đá, phù điêu, thiếu nữ, bàn đá, sập đá, đỉnh đá… Sân bãi chọi trâu cũng được xây bằng đá; rừng cò Hải Lựu, với hàng ngàn con cò trắng, cò bợ, cò lửa, cò tôm…

Trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng nông thôn mới, huyện Sông Lô đã có 21 làng văn hóa được UBND tỉnh công nhận; 71% số gia đình đạt văn hóa, các thôn đều đã xây dựng hương ước, quy ước. Có 14 nhà văn hóa xã/17 xã, thị trấn; 153 nhà văn hóa thôn/175 thôn. Huyện có di tích lịch sử văn hóa xếp hạng Quốc gia là di tích Chùa – Tháp Bình Sơn. Huyện đã tổ chức rất thành công Đại hội TDTT từ huyện đến cơ sở và tham gia Đại hội TDTT tỉnh lần thứ III đạt 15 huy chương: 1 Huy chương Vàng, 6 Huy chương Bạc, 8 Huy chương Đồng. Sự nghiệp văn hóa và thông tin ngày càng phát triển.

Với bề dày truyền thống lịch sử văn hóa, huyện Sông Lô quyết tâm xây dựng nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, làm nền tảng phát triển kinh tế – xã hội, xây dựng huyện ổn định về chính trị, mạnh về kinh tế, vững về an ninh quốc phòng, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. 

                            

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây