Giới thiệu khái quát huyện Đăk Glong

Giới thiệu khái quát huyện Đăk Glong

Giới thiệu khái quát huyện Đăk Glong

Vị trí địa lý: Đăk Glong nằm ở phía Đông Nam của tỉnh Đăk Nông, có tổng diện tích tự nhiên là 144.875,46 ha (số liệu đã được đo đạc lại trên thực địa do sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu và UBND tỉnh Đăk Nông ra quyết định số 846/QĐ-UBND, ngày 4/6/2009 về việc phê duyệt thông kê, kiểm kê dất đai nă,m 2008 của tỉnh Đăk Nông), giáp với các huyện Lăk ở phía Đông Bắc, Đam Rông ở phía Đông, Lâm Hà ở phía Đông Nam, Di Linh và Bảo Lâm ở phía Nam, Đăk R’lấp và thị xã Gia Nghĩa ở phía Tây Nam, Đăk Song ở phía Tây và Krông Nô ở phía Bắc.

Địa hình: Huyện Đăk Glong  có địa hình đa dạng và phong phú, xen kẽ là các thung lũng; độ cao trung bình trên 800m.Đây là khu vực có đất bazan là chủ yếu, rất thích hợp với phát triển cây công nghiệp lâu năm như cà phê, cao su, điều, tiêu và chăn nuôi gia súc, gia cầm.

Khí hậu: Đăk Glong vừa mang tính chất  khí hậu cao nguyên nhiệt đới ẩm vừa chịu ảnh hưởng của gió mùa Tây Nam khô nóng. Khí hậu có 2 mùa rõ rệt là mùa mưa và mùa khô. Mùa mưa bắt đầu từ tháng 4 đến hết tháng 11 tập trung 90% lượng mưa hàng năm. Mùa khô từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau, lượng mưa không đáng kể.

Nhiệt độ trung bình năm khoảng 21-220C, nhiệt độ cao nhất 330C, tháng nóng nhất là tháng 4, nhiệt độ thấp nhất là 140C; tháng lạnh nhất vào tháng 12. Lượng mưa trung mình năm khoảng 2200 – 2400 mm, lượng mưa cao nhất 3000mm. tháng mưa nhiều nhất vào tháng 8,9; mưa ít nhất vào tháng 1,2. Độ ẩm không khí trung bình 84%. Độ bốc hơi mùa khô 14,6 – 15,7 mm/ngày.

Tiềm năng thủy điện: Là huyện giáp ranh với tỉnh Lâm đồng được ngăn cách bởi thượng nguồn của sông Đồng Nai, do địa hình nhiều núi cao, rất thích hợp cho việc phát triển thủy điện. Ngoài ra, trên địa bàn còn rất nhiều những con suối nhỏ thích hợp cho việc xây dựng các nhà máy thủy điện vừa và nhỏ. Hiện nay trên địa bàn huyện có 4 nhà máy thủy điện đã đi vào hoạt động là: Nhà máy thủy điện Đồng Nai 3, Nhà máy thủy điện Đồng Nai 4, Nhà máy thủy điện TuSa và Đăk Nten.

Tài nguyên thiên nhiên: Tài nguyên thiên nhiên lớn nhất của huyện là rừng tự nhiên, với diện tích 125.793,2 ha, độ che phủ 65%. Diện tích đất nông nghiệp 16.673 ha chiếm 11,56%, hệ thống sông suối đa dạng, có sông Đồng Nai  chảy qua ở phía Nam và nhiều suối lớn. Đường giao thông thuận lợi, có Quốc lộ 28 đi Lâm Đồng, Bình Thuận và Tỉnh lộ 4. Nguồn nước mặt do mưa cung cấp tương đối dồi dào, thuận lợi cho sản xuất và sinh hoạt dân cư trên địa bản toàn huyện. Song vào mùa khô mưa ít, nắng nóng kèo dài  làm khô hạn, nhiều lúc thiếu nước gây ảnh hưởng không nhỏ tới sản xuất nông nghiệp, sinh hoạt của dân cư.

Nguồn nước ngầm, phân bổ ở hầu hết trên địa bàn trong huyện, có trữ lượng lớn ở độ sâu 60-90m. Đây là nguồn cung cấp nước bổ sung cho sản xuất và sinh hoạt vào mừa khô, được sử dụng phổ biến cho sinh hoạt, làm kinh tế vườn, kinh tế trang trại. Tuy nhiên trên một số nơi trong vùng nguồn nước ngầm hạn chế. Nước ngầm được khai thác chủ yếu thông qua các giếng khoan, giếng đào, nhưng do nguồn nước nằm ở tầng sâu nên muốn khai thác cần có đầu tư lớn và pahir có nguồn năng lượng.

Tài nguyên khoáng sản dồi dào, theo số liệu điều tra sơ bộ cho thấy trên đại bàn huyện có một số loại khoáng sản là: mỏ vàng, Volflam, thiếc, antimony, bauxite, sét cao lanh làm gốm sứ cao cấp. Trên bề mặt của mỏ quặng có lớp đất Bazan tốt, phù hợp cho trồng rừng hoặc cây công nghiệp dài ngày. Khó khăn cho việc khai thác hiện nay là chưa có đường giao thông, thiếu năng lượng, nguồn nước để rửa quặng và vốn đầu tư.

Tài nguyên du lịch: Trên địa bàn huyện đã có và trong tương lai có nhiều thắng cảnh thiên nhiên đẹp như: các khu rừng nguyên sinh Tà Đùng (28000 ha), Thác Gấu xã Quảng Sơn, lòng hồ thủy điện Đồng Nai 3, Đồng Nai 4, Thủy điện Buôn TuSa, Đăk Nten, các hồ chứa nước tự nhiên và nhân tạo rất thích hợp cho du lịch sinh thái và đã ngoại. các buôn, làng, đồng bào dân tộc ít người với những  nét sinh hoạt văn hóa truyền thống độc đáo như : lễ hội cồng chiêng, uống rượu cần, lễ hội đâm trâu,… là những tiềm năng cho phát triển du lịch văn hóa, nhân văn. Đặc biệt là dân tộc M’Nông có truyền thống văn hóa độc đáo, giàu bản sắc dân tộc có các sử thi, các lễ hội, đây là yếu tố có thể khai thác phát triển du lịch. Những tiềm năng đa dạng cho phát triển du lịch như: Du lịch sinh thái tham quan thác, suối, hồ, đập, vườn, rừng; du lịch vui chơi giải trí như: leo núi, săn bắn, đua ngựa; du lịch văn hóa: tham gia các lễ hội của các đồng bào dân tộc, lễ hội cồng chiêng, lễ hội ăn trâu,…

Những tiềm năng trên là điều kiện để hình thành các cụm du lịch, tour du lịch của huyện nếu được gắn kết với các tuyến du lịch Bình thuận, Lâm Đồng, TP. Hồ Chí Minh sẽ tạo nên hành trình du lịch hấp dẫn đối với du khách.

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây