Giới thiệu khái quát huyện Thạch An

Giới thiệu khái quát huyện Thạch An

Giới thiệu khái quát huyện Thạch An

1. Đặc điểm, tình hình kinh tế – xã hội.

Huyện Thạch An nằm ở phía đông nam của tỉnh Cao Bằng, cách thành phố Cao Bằng 39 km, phía bắc giáp huyện Hòa An, Thành phố Cao Bằng; Phía đông nam giáp huyện Tràng Định (tỉnh Lạng Sơn); Phía tây giáp huyện Ngân Sơn (tỉnh Bắc Kạn); Phía đông giáp huyện Long Châu (tỉnh Quảng Tây – Trung Quốc). Huyện có đường biên giới Việt – Trung dài 5,5 km, Diện tích tự nhiên của huyện là 690,79 km2; do kiến tạo của địa chất, địa hình của huyện khá phức tạp, thấp dần từ tây sang đông, có nhiều nếp gấp tạo nên những khe sâu và được hình thành 3 vùng rõ rệt: Vùng núi đá, vùng núi đất và thung lũng trong đó rừng và đất rừng chiếm trên 90% diện tích canh tác toàn huyện. Dưới lòng đất có nhiều loại khoáng sản quý, hiện nay chưa có điều kiện thăm dò, khai thác xác định trữ lượng. Khí hậu huyện Thạch An mang đặc điểm nhiệt đới gió mùa vùng núi, chia thành hai mùa rõ rệt, mùa đông lạnh có sương muối; mùa hè nóng ẩm, mưa nhiều nước lũ dâng cao, chảy xiết. Ngoài các con sông chính Thạch An còn có nhiều suối mạch nước ngầm chảy qua các dãy núi đá vôi đảm bảo nguồn nước tưới tiêu và nước sinh hoạt của nhân dân.

Với 16 đơn vị hành chính, bao gồm 01 thị trấn và 15 xã. Thạch An có vị trí khá thuận lợi so với các huyện khác của tỉnh Cao Bằng, là điều kiện thuận lợi trong việc giao lưu phát triển kinh tế, khoa học kỹ thuật với trung tâm thành phố Cao Bằng và các huyện trong tỉnh, lưu thông với các tỉnh bạn (Lạng Sơn, Bắc Kạn) và nước bạn Trung Quốc qua lối mở Nà Lạn – Đức Long, huyện có một hệ thống đường giao thông tương đối hoàn chỉnh gồm tỉnh lộ, huyện lộ và đường liên xã, liên thôn; có đường Quốc lộ 4A đi qua đây là con đường chiến lược về kinh tế – quốc phòng. Đồng thời là tuyến đường quan trọng để thông thương giao lưu kinh tế – văn hóa, xã hội với cả nước và phát triển kinh tế – xã hội.

Dân số toàn huyện khoảng 30.850 người, gồm 06 dân tộc chính cùng sinh sống đó là các dân tộc Tày, Nùng, Mông, Dao, Kinh, Hoa. Đồng bào các dân tộc sống xen canh, xen cư ở tất cả các xã, thị trấn nhưng vẫn giữ được bản sắc văn hóa riêng của mình. Nhân dân các dân tộc có truyền thống đoàn kết giúp đỡ nhau trong lao động sản xuất, chống giặc ngoại xâm, chế ngự thiên nhiên, khắc phục thiên tai và xây dựng quê hương đất nước. Mỗi dân tộc có sắc thái, bản sắc văn hoá riêng góp phần tạo nên sự đa dạng, phong phú của nên văn hoá Việt Nam thống nhất. Các dân tộc chủ yếu sống ở vùng nông thôn (chiếm trên 90%) lao động chủ yếu là nông nghiệp, các dân tộc trồng lúa nước kết hợp sản xuất trên khô để trồng lúa nương, trồng ngô, bước đầu trồng các cây công nghiệp lâu năm (cây hồi, cây quế…), thay thế cho rừng tự nhiên. Sống trên những nếp nhà sàn, mặc quần, váy, áo màu chàm với nhiều mô típ hoa văn mô phỏng hoa rừng, thú rừng. Đồng bào có tục uống rượu bằng men lá tự nấu thể hiện tình cảm cộng đồng sâu sắc. Người uống ngây ngất bởi hơi men và đắm say bởi tình người..

2. Truyền thống văn hoá lịch sử.

Đến với Thạch An mọi người sẽ có cơ hội tham gia, hưởng thụ và khám phá các nét văn hoá đa dạng và phong phú như: múa chầu, phong slư, sli nùng, lượn slương, nàng ới, hoa tình, hát then, đàn tính cùng các lễ hội truyền thống như Hội pháo hoa (ngày 02 tháng 02 âm lịch) hàng năm được tổ chức tại thị trấn Đông Khê, Lễ Hội Nàng Hai tại thôn Chu Lăng xã Kim Đồng. Đồng thời được tham quan các di tích lịch sử văn hoá cấp Quốc gia là: Khu di tích lịch sử Chiến thắng Đông Khê trong Chiến dịch Biên giới 1950 tại thị trấn Đông Khê; Đài quan sát của Bộ chỉ huy Chiến dịch Biên giới 1950 nơi Bác trực tiếp quan sát mặt trận Đông Khê (xã Đức Long, huyện Thạch An); Các di tích lịch sử cấp tỉnh như: Hang Nà Mẹc (xã Vân Trình) nơi thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên huyện Thạch An, Hang Cốc Đứa (xã Đức Long) nơi đặt sở Chỉ huy tiền phương của Chiến dịch Biên giới 1950, Đồn Nà Lạn (xã Đức Long), Địa điểm Cốc xả – Điểm cao 477 (xã Trọng Con), … Ngoài ra còn có thể đến thăm các nghề Đan cót (Tẹm slát) tại xã Quang Trọng, Minh Khai.

Sau khi tham quan và tham gia các hoạt động quý khách quay về thị trấn Đông Khê lưu tại các nhà nghỉ như: Thiên Việt, Yến Oanh, Mai Hiến, Bảo Vân để ngắm cảnh và thưởng thức các món ẩm thực truyền thống đặc sắc của địa phương gồm: Ba chỉ rán, Khau nhục (Nằm khau), Vịt quay, Lợn quay, Hoa chuối rừng, … được chế biến từ các sản phẩm do nhân dân địa phương cung cấp của các nhà hàng Tân Dân, Nguyên Cúc, Bảo Vân, Hải Yến để thấy được cái vị ngọt ngào của quê hương Thạch An.

3. Tiềm năng và định hướng phát triển.

Phát huy những kết quả đã đạt được Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Thạch An quyết tâm vượt qua khó khăn, thách thức đưa nền kinh tế huyện nhà tiếp tục phát triển. Đẩy mạnh phát triển vùng nguyên liệu và các cây trồng thế mạnh của huyện, ưu tiên phát triển công nghiệp và dịch vụ, khai thác và sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên của địa phương. Khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư và phát triển sản xuất kinh doanh, đóng góp tích cực cho sự nghiệp xây dựng quê hương. Đẩy mạnh xã hội hoá các lĩnh vực giáo dục và đào tạo, y tế. Kêu gọi thu hút đầu tư hạ tầng giao thông, chợ lối mở Nà Lạn, Đức Long để thúc đẩy giao lưu hàng hoá với nước bạn, đẩy mạnh phát triển thương mại, dịch vụ và du lịch. Khai thác tốt khu di tích Đức Long … Thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với đặc điểm, điều kiện tự nhiên của huyện, nâng cao năng xuất chất lượng và hiệu quả kinh tế nông nghiệp, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ trong phát triển nông – lâm theo hướng sản xuất hàng hoá. Đẩy mạnh công tác chuyển giao tiến bộ Khoa học kỹ thuật và ứng dụng vào sản xuất cho nhân dân, nâng cao hiệu quả canh tác; phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng bền vững, đảm bảo kiểm soát dịch bệnh và kiểm soát ô nhiễm môi trường. Huy động và phát huy hiệu quả các nguồn lực, xây dựng Thạch An ngày càng phát triển.

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây