Giới thiệu khái quát huyện Sơn Dương
Vị trí địa lý: Sơn Dương là một huyện miền núi nằm ở phía Nam của tỉnh Tuyên Quang, cách trung tâm thành phố Tuyên Quang 30km về phía Đông Nam cách Thủ đô Hà Nội 104 km và cách Cảng Hàng không Quốc tế Nội Bài 78 km theo hướng Quốc lộ 2C và đường Cao tốc 05 Nội Bài- Lào Cai qua các huyện Lập Thạch, Tam Đảo, thị xã Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc; phía Nam, Đông Nam giáp huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên và Trung tâm thành phố Thái Nguyên khoảng 60 km theo hướng Quốc lộ 37 Tuyên Quang- Thái Nguyên; phía Tây Nam cách Trung tâm huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ 44 km theo hướng Quốc lộ 2C sang Quốc lộ 2; phía Tây Bắc giáp huyện Yên Sơn và thành phố Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang; phía Đông giáp huyện Định Hoá, cách khu di tích lịch sử ATK Định Hóa khoảng 29 km theo Quốc lộ 2C Sơn Dương- Tân Trào…
– Điều kiện tự nhiên: Tổng diện tích tự nhiên là 78.795,2 ha; trong đó: Đất Nông nghiệp 69.206,4 ha, chiếm 87,83% tổng diện tích tự nhiên; đất phi nông nghiệp 9.169,9 ha, chiếm 11,64% tổng diện tích tự nhiên; đất chưa sử dụng 418,89 ha, chiếm 0,53% tổng diện tích tự nhiên. Khí hậu chia thành 2 mùa rõ rệt, mùa đông hanh khô, mùa hè nóng ẩm mưa nhiều; nhiệt độ trung bình hàng năm từ 22 – 24oC (cao nhất từ 33 – 35oC, thấp nhất từ 12 – 13oC); lượng mưa bình quân hàng năm 1.500mm – 1.800mm; huyện có hai sông lớn chảy qua, bao gồm sông Lô (chảy qua địa phận 11 xã của huyện Sơn Dương, với chiều dài 33km), sông Phó Đáy (chảy qua địa phận 10 xã của huyện, với chiều dài 50km), hệ thống suối, khe, lạch tạo nguồn nước phong phú. Đất đai của huyện Sơn Dương khá đa dạng về nhóm và loại (đất phù sa, đất dốc tụ, đất đỏ vàng, vàng đỏ, đất mùn vàng đỏ trên núi cao…) đã tạo ra nhiều vùng sinh thái nông- lâm nghiệp thích hợp cho việc trồng các loại cây như mía, chè, cây nguyên liệu giấy, các loại cây ăn quả, chăn nuôi gia súc, gia cầm và phát triển nông nghiệp sạch;
– Về tiền năng, thế mạnh phát triển kinh tế – xã hội: Kinh tế của huyện tiếp tục tăng trưởng khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng “tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ; giảm dần tỷ trọng nông, lâm nghiệp và thủy sản”. Công nghiệp có bước phát triển; nông lâm nghiệp chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với xây dựng nông thôn mới; du lịch bước đầu phát triển để từng bước trở thành ngành kinh tế quan trọng của huyện; hoạt động tài chính, tín dụng điều hành ngân sách có nhiều tiến bộ, thu ngân sách trên địa bàn hàng năm đạt trên 100 tỷ đồng; đời sống nhân dân được nâng lên, Thu nhập bình quân đầu người đạt khoảng 26,5triệu đồng/người/năm. Quốc phòng, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được củng cố, giữ vững. Thúc đẩy các thành phần kinh tế phát triển; củng cố nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể; khuyến khích phát triển kinh tế tư nhân; khơi dậy các nguồn lực trong dân; tăng cường hợp tác quốc tế, thu hút nguồn lực từ bên ngoài để phát triển kinh tế – xã hội, nhất là xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng hỗ trợ sản xuất hàng hoá;
Về giao thông: huyện có 2 tuyến quốc lộ chạy qua là Quốc lộ 37; Quốc lộ 2C và các tuyến đường Tỉnh lộ, huyện lộ, đường liên xã đã được nhựa hóa, bê tông hóa tạo điều kiện thuận lợi trong liên kết, giao thương hàng hoá, phát triển kinh tế với các tỉnh có nền kinh tế phát triển như Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Phú Thọ…;
Về Công nghiệp, thương mại: Huyện có 01 Khu công nghiệp và 03 điểm công nghiệp với trên 15 nhà máy công nghiệp đã được phê duyệt quy hoạch và thu hồi đất với tổng diện tích gần 400 ha, cụ thể như Khu công nghiệp Sơn Nam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng thể là 150 ha; Điểm công nghiệp độc lập Măng ngọt (Tổ nhân dân Măng Ngọt, thị trấn Sơn Dương) tổng diện tích Quy hoạch là 4 ha; Cụm công nghiệp An Hoà (xã Vĩnh Lợi) có tổng diện tích đất đã thu hồi, bồi thường GPMB là 222,6 ha (có Nhà máy giấy và Bột giấy An Hòa, công suất 270.000 tấn bột giấy và giấy cao cấp/năm); Đang xây dựng Cụm Công nghiệp tại xã Phúc ứng có tổng diện tích đất đã bồi thường 23 ha (đã thu hút được 01 nhà máy May của Tập đoàn Dệt may Việt Nam, 01 Nhà máy chế biến thức ăn gia súc và 01 tổ hợp sản xuất thức ăn chăn nuôi, giống gia súc, gia cầm của Tập đoàn DABACO). Để ngành công nghiệp, thương mại và dịch vụ phát triển tương xứng với tiềm năng và lợi thế, huyện luôn khuyến khích mời gọi, huy động các nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng các cụm công nghiệp trên địa bàn; cam kết thực hiện có hiệu quả các cơ chế khuyến khích đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi về đất đai, giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch để các doanh nghiệp triển khai các dự án…
Huyện đã thực hiện quy hoạch và thu hút các nhà đầu tư triển khai các công trình hạ tầng dịch vụ tại Khu dịch vụ ẩm thực và thương mại Tổ dân phố Xây dựng, Thị trấn Sơn Dương. Hiện tại huyện đang triển khai các thủ tục đầu tư dự án xây dựng đập dâng nước và khu thương mại, dịch vụ và nhà ở Tổ dân phố Cơ quan (dọc bờ sông Phó Đáy) theo hình thức BT; hiện nay huyện đang thu hút các dự án phát triển đô thị, thương mại dọc 02 bờ sông Phó Đáy và chỉnh trang đô thị thị trấn Sơn Dương để lên đô thị loại IV trước năm 2020…
Về phát triển du lịch: Sơn Dương có tiềm năng lớn về phát triển du lịch lịch sử – sinh thái, tâm linh, nơi có Khu di tích quốc gia đặc biệt Tân Trào – Thủ đô Khu giải phóng, Thủ đô Kháng chiến, nơi Trung ương Đảng, Bác Hồ, 13/14 bộ, ban, ngành của Trung ương đã ở và làm việc, với 4 cụm di tích chính: cụm di tích Tân Trào; cụm di tích Bác Tôn, Ban Thường trực Quốc hội, Mặt trận Liên Việt ở xã Trung Yên; cụm di tích Chính phủ tại thôn Lập Binh, xã Bình Yên; cụm di tích Nha Công an và các bộ ngành ở xã Minh Thanh; di tích Chùa Lang Đạo đang được khai quật và phục dựng. Hàng năm có trên 600.000 lượt người đến tham quan Khu di tích quốc gia đặc biệt Tân Trào. Ngoài ra có thể đầu tư phát triển dịch vụ, du lịch thác Đát (suối Tiên) xã Hợp Hoà, thác Cao Ngỗi xã Đông Lợi…Khuyến khích các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch; thu hút các nhà đầu tư phát triển các dịch vụ du lịch, xây dựng cơ sở lưu trú, khu nghỉ dưỡng, khu ẩm thực; phát triển các sản phẩm du lịch, xác định du lịch lịch sử là sản phẩm chính, sản phẩm chủ lực.
Về sản xuất nông lâm nghiệp: Huyện đang tập trung cơ cấu, tổ chức lại sản xuất theo hướng tập trung, chuyên canh, chú trọng đổi mới phương thức canh tác, thâm canh tăng năng suất cây trồng; Thực hiện quy hoạch ổn định vùng nguyên liệu mía (trên 3.700 ha), chè (trên 1.500 ha), cây nguyên liệu giấy (rừng trồng 35.000 ha), thức ăn chăn nuôi gia súc đảm bảo phù hợp; tập trung phát triển sản xuất nông lâm nghiệp theo chuỗi giá trị, chất lượng cao, gia tăng giá trị sản phẩm và thu nhập, tập trung các loại cây trồng, vật nuôi chủ lực như: cây mía, cây chè, cây nguyên liệu giấy, con lợn, bò thịt, bò sữa… Toàn huyện hiện có 214 trang trại lớn nhỏ và 42 Hợp tác xã đang hoạt động. Hiện tại huyện đang khuyến khích phát triển các hợp tác xã kiểu mới, xây dựng cánh đồng lớn để ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất; xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm chủ lực của huyện; hỗ trợ phát triển các trang trại chăn nuôi, trồng trọt theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP…; khuyến khích mời gọi các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư xây dựng và phát triển hệ thống nôn nghiệp sạch, nông nghiệp an toàn…
Về nguồn nhân lực: Dân số của huyện có trên 181.052 người, trong đó số người trong độ tuổi lao động của toàn huyện là trên 121.000 người chiếm 61,6% (trong đó trên 50,4% lao động đã qua đào tạo nghề) đây là nguồn lao động dồi dào, có điều kiện phát triển để đáp ứng cho sản xuất các ngành công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp và sản xuất nông lâm nghiệp sạch tại địa phương.
Về cải cách hành chính: Huyện xác định cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng công vụ, công chức là nhiệm vụ trọng tâm; hoàn thành việc xây dựng bộ phận “một cửa” tại huyện theo hướng hiện đại; duy trì hoạt động của bộ phận “một cửa” tại 33 xã, thị trấn. Phấn đấu trước năm 2020 hoàn thành việc cung các cấp dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 3, 4.
UBND huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang
Địa chỉ: Thị trấn Sơn Dương, huyện Sơn Dương , tỉnh Tuyên Quang.
Điện thoại: 0207 3835 697 – Email: [email protected]