Giới thiệu khái quát huyện Văn Chấn

huyện Văn Chấn - Tỉnh Yên Bái

Giới thiệu khái quát huyện Văn Chấn

  1. Vị trí địa lý

            Huyện Văn Chấn là huyện miền núi, tổng diện tích tự nhiên 121.090,02 ha, chiếm 17% diện tích toàn tỉnh. Huyện nằm ở phía Tây Nam tỉnh Yên Bái, phía Bắc giáp huyện Mù Cang Chải, phía Đông giáp huyện Văn Yên và Trấn Yên, phía Tây giáp huyện Trạm Tấu, phía Nam giáp tỉnh Sơn La. Văn Chấn cách trung tâm chính trị – kinh tế – văn hoá tỉnh 72 km; cách thị xã Nghĩa Lộ 10 km; cách Hà Nội 200 km, có đường quốc lộ 32 chạy dọc theo chiều dài của huyện, là cửa ngõ đi vào thị xã Nghĩa Lộ, huyện Trạm Tấu, Mù Cang Chải, huyện Phù Yên, Bắc Yên tỉnh Sơn La và tỉnh Lai Châu. Đường quốc lộ 37 chạy qua 4 xã, đây là điều kiện thuận lợi cho giao lưu phát triển kinh tế với các huyện trong tỉnh và các tỉnh Sơn La, Phú Thọ, Lai Châu.          

  1. Đặc điểm địa hình

            Văn Chấn nằm ở sườn phía Đông Bắc của dãy Hoàng Liên Sơn. Địa hình phức tạp, có nhiều rừng, núi, hang động, suối khe chằng chịt, thung lũng bằng phẳng. Độ cao trung bình so với mặt nước biển 400m. Tuy địa hình khá phức tạp nhưng chia thành 3 tiểu vùng kinh tế: Vùng trong (vùng cánh đồng Mường Lò) gồm 12 xã, là vùng tương đối bằng phẳng, có cánh đồng Mường Lò rộng trên 2.400 ha đứng thứ 2 trong 4 cánh đồng Tây Bắc. Vùng ngoài: gồm 9 xã, thị trấn, có lợi thế về phát triển vườn đồi, vườn rừng và trồng lúa nước. Vùng cao thượng huyện: gồm 10 xã, có độ cao trung bình 600 m trở lên, có tiềm năng về đất đai, lâm sản, khoáng sản, chăn nuôi đại gia súc.

            Đồng bằng Mường Lò, phía Đông có dãy núi Bu và núi Dông; phía Tây là dãy núi Sà Phình, hai dãy núi này vòng ra như một vành đai kiên cố bảo vệ 9 xã vùng đồng bằng Mường Lò. Nhìn từ núi cao xuống, theo quan niệm xưa, đây là thế “tả Thanh Long –  hữu Bạch Hổ”, một thế địa hình để dựng nghiệp muôn đời.

            Vùng thượng huyện có một bộ phận thuộc dãy Hoàng Liên Sơn hũng vĩ kéo dài quá Đông Bắc Mù Cang Chải về gần đến Tú Lệ hình thành đèo Khau Phạ nổi tiếng. Vùng ngoài có đèo Lũng Lô và dãy núi Đá Xô, đèo ách hùng vĩ.          

  1. Khí hậu

            Văn Chấn nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, nhiệt độ trung bình 20 – 30 0C; mùa đông rét đậm nhiệt độ xuống dưới tới -2 đến -3oC. Tổng nhiệt độ cả năm đạt 7.500 – 8.100 oC; lượng mưa được chia thành hai mùa rõ rệt, từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau là mùa mưa ít, từ tháng 4 đến tháng 10 hàng năm là mùa mưa nhiều. Lượng mưa trung bình hàng năm từ 1200 đến 1600 mm. Số ngày mưa trong năm 140 ngày. Độ ẩm bình quân từ 83% – 87%, thấp nhất là 50%. Thời gian chiếu sáng nhiều nhất từ tháng 5 đến tháng 9, ít nhất từ tháng 11 đến tháng 3 năm sau; lượng bức xạ thực tế đến được mặt đất bình quân cả năm đạt 45%, thích hợp phát triển các loại động thực vật á nhiệt đới, ôn đới và các loại cây lương thực, thực phẩm, cây công nghiệp, lâm nghiệp.

            Do điều kiện địa hình đồi núi dốc mạnh, lượng mưa lớn và tập trung nên tạo cho Văn Chấn một hệ thống ngòi suối khá dày đặc, có tốc độ dòng chảy lớn và lưu lượng nước thay đổi theo từng mùa. Suối Thia do hệ thống các suối: Ngòi Nhì, Nậm Tăng, Nậm Mười, Nậm Đông hợp thành được bắt nguồn từ vùng núi cao trên 2000 m ngoài việc cung cấp nước để tưới cho sản xuất nông nghiệp, nước sinh hoạt còn là tiềm năng phát triển thuỷ điện nhỏ và vừa.

LỊCH SỬ VĂN HÓA

  1. Lịch sử hình thành

            Thời Hùng Vương, Văn Chấn thuộc bộ Tân Hưng, đến thời Âu Lạc thuộc bộ Giao Chỉ. Qua hàng nghìn năm Bắc thuộc và các triều đại Đinh, Lê (Tiền Lê), Lý, Trần nhiều lần thay đổi phiên hiệu, và đến cuối thời Trần Văn Chấn nằm trong châu Quy Hoá, trấn Thiên Hưng, một trong 16 châu Thái của Tây Bắc.

             Năm Quang Thuận thứ 7 (1446), để tăng cường sự thống nhất về hành chính, Lê Thánh Tông chia cả  nước thành 15 đạo thừa tuyên. Đến năm thứ 10 (1469), thì định lại bản đồ cả nước để thống nhất cả phủ, huyện vào các thừa tuyên. Lúc đó Văn Chấn thuộc phủ Quy Hoá, đạo thừa tuyên Hưng Hoá.

            Đến triều Nguyễn thuộc vùng Thập Châu, tỉnh Hưng Hoá, sau đó là vùng Tam tổng Nghĩa Lộ, thuộc tỉnh Hưng Hoá.

            Thời Pháp thuộc, châu Văn Chấn thuộc hạt Nghĩa Lộ, tỉnh Lào Cai.

             Ngày 11 tháng 4 năm 1900 thực dân Pháp đã lấy các hạt Bảo Hà, Nghĩa Lộ, Yên Bái và châu Lục Yên của tỉnh Tuyên Quang để thành lập tỉnh Yên Bái, theo đó Văn Chấn là một châu thuộc tỉnh Yên Bái.

            Từ năm 1940 đến năm 1945 châu Văn Chấn được đổi thành phủ Văn Chấn.

            Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, nước Việt Nam dân chủ Cộng hoà ra đời, Văn Chấn là một huyện  thuộc tỉnh Yên Bái.

            Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi, vùng Tây Bắc được hoàn toàn giải phóng, tháng 5 năm 1955, Đảng, Nhà nước quyết định thành lập Khu tự trị Thái – Mèo, Văn Chấn là một trong 16 châu thuộc Khu tự trị.

            Tháng 10 năm 1962, Quốc hội quyết định đổi tên Khu tự trị Thái – Mèo thành Khu tự trị Tây Bắc và lập các tỉnh trực thuộc. Ngày 24 tháng 12 năm 1962, tỉnh Nghĩa Lộ thuộc Khu tự trị Thái – Mèo chính thức được thành lập, Văn Chấn thuộc tỉnh Nghĩa Lộ.

            Sau khi đất nước hoàn toàn giải phóng, tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khoá V (1976) quyết định bỏ cấp khu trong hệ thống các đơn vị hành chính trong cả nước. Ngày 03 tháng 01 năm 1976, tỉnh Hoàng Liên Sơn được thành lập, huyện Văn Chấn trực thuộc tỉnh Hoàng Liên Sơn.

            Ngày 01 tháng 10 năm 1991, thực hiện Nghị quyết kỳ họp thứ 9 Quốc hội (khoá VII), tỉnh Yên Bái được tái thành lập, huyện Văn Chấn trực thuộc tỉnh Yên Bái  

  1.  Văn hoá

            Văn Chấn  là vùng đất hội tụ của nhiều dân tộc, trên địa bàn Văn Chấn có 18 dân tộc anh em cùng sinh sống. Dân tộc Thái, Tày là những người cư trú trên địa bàn từ lâu đời. Văn Chấn – Mường Lò còn là trung tâm đầu tiên của người Thái ở Việt Nam rồi từ đây toả đi các địa bàn khác. Xếp theo ngữ hệ có thể chia thành 5 nhóm: Thái – Tày; Việt – Mường; Nam Á (Khơ Mú); HMông – Dao; Hán. Văn hoá nghệ thuật phong phú, đa dạng; người Thái có tác phẩm “Sống trụ sôn xao”, tập thơ trữ tình “In khẩu khuống”, sách Cầm Hánh tạp Sấc Klương (Cầm Hánh đánh giặc cờ vàng) ca ngợi nghĩa quân Cầm Ngọc Hánh đánh giặc Cờ vàng, “Truyền thuyết rêu đá”… Ngoài ra các dân tộc khác cũng có nhiều truyền thuyết, truyện cổ tích như sự tích Nàng Han của người Khơ Mú, bà chúa Nả, Tạo Cút, Tạo Đuổn của người Tày.

            Dân ca, dân vũ đặc sắc, độc đáo chiếm một phần đáng kể trong đời sống của nhân dân, tiêu biểu là: múa xoè, múa xạp, hát khắp, hát nôm của dân tộc Thái, Tày; múa chiêng, hát Pi – ca – đô của người Khơ Mú; múa khèn của dân tộc H’Mông; hát đang của dân tộc Mường; tục hát “Tháng giêng” của người Giáy…

            Lễ hội, trò chơi dân gian phong phú, hấp dẫn thường tổ chức vào các dịp ngày lễ tết cổ truyền. Người Thái có lễ hội “Xên đông”, “Xên mường”, “Lồng tồng”, trò chơi tó mắc lẹ, ném còn. Lễ hội “Rước mẹ lúa”, “Mùa măng mọc” của người Khơ Mú. Hội ‘Gầu tào”, “Nào sồng”, cưỡi ngựa bắn súng, đánh yến, ném pao dân tộc H’Mông. Lễ hội “Tăm khẩu mẩu” (giã cốm), “Hội cầu mùa”, đu quay, gõ đuống dân tộc Tày. Lễ “Cấp sắc”, “Tết nhảy” dân tộc Dao…

            Di chỉ khảo cổ học: Tìm thấy công cụ bằng đá và xương cốt động vật cách đây khoảng 10 vạn năm ở hang Thẩm Thoóng xã Thượng Bằng La, hang Thẩm Han xã Sơn A; công cụ bằng đá thuộc nền văn hoá Hoà Bình và Đông Sơn cách đây từ 8 – 10 ngàn năm; trống đồng xã Nghĩa Sơn, Thạch Lương, Phù Nham cách đây 2000 năm cho thấy Văn Chấn là một địa bàn sinh tụ của người cổ xưa.

            Tín ngưỡng vạn vật hữu linh, thờ cúng tổ tiên; chịu ảnh hưởng của nhiều tôn giáo khác nhau như: đạo Phật, đạo Khổng, đạo Lão, Thiên Chúa giáo tạo cho Văn Chấn một miền đất đa tôn giáo kết hợp với những tín ngưỡng bản địa đặc sắc càng làm cho đời sống văn hoá, tín ngưỡng, tôn giáo thêm đa dạng.

            Những hoạt động văn hoá, văn nghệ dân gian đã tạo cho Văn Chấn một nền văn hoá giàu sắc thái, đa dạng nhưng thống nhất, là sắc mầu văn hoá dân gian độc đáo ở phía Tây của tỉnh và là trung tâm của vùng văn hoá Mường Lò – một trong 3 vùng văn hoá tỉnh Yên Bái. Đây là một lợi thế không nhỏ để Văn Chấn phát triển du lịch sinh thái và du lịch văn hoá trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.   

  1.  Xã hội

Huyện Văn Chấn, có 31 đơn vị hành chính cấp xã, thị trấn (03 thị trấn và 28 xã). Xã Sơn Thịnh đồng thời là huyện lỵ. Dân số 155.121 người, gồm 18  dân tộc anh em cùng sinh sống: Kinh, Thái, Tày, Mường, Dao, H’Mông, Nùng, Hoa, Khơ Mú, Phù Lá, Bố Y… Trong đó 8 dân tộc chủ yếu Kinh 32,4  %; Thái  23,71%; Tày 17,98%; Dao 10,18 %; Mường 7,16%; H’Mông 7,84 %; Giáy 1,47%; Khơ Mú 0,77 %, chia thành 3 vùng cư trú; vùng ngoài đại đa số dân tộc Tày; vùng đồng bằng đa số đồng bào Thái, đồng bào Kinh và Mường; vùng cao chủ yếu dân tộc Dao, H’Mông. Mật độ dân số 128 người/km2.

 Tổng số lao động trong độ tuổi 88.554 người; số lao động trong độ tuổi hoạt động kinh tế 70.866 người; số lao động trong độ tuổi không hoạt động kinh tế 17.688 người, với lực lượng lao động đông đảo chính là nguồn lực, tiềm năng phát triển kinh tế của huyện.

Huyện Văn Chấn: Điểm nhấn tiềm năng du lịch

Văn Chấn là nơi quần tụ của 23 dân tộc anh em cùng sinh sống. Sự hội tụ đa văn hóa ấy đã tạo cho Văn Chấn một nền văn hoá giàu sắc thái, nhưng thống nhất và độc đáo – là trung tâm của vùng văn hoá Mường Lò – một trong 3 vùng văn hoá tỉnh Yên Bái. Đây là một lợi thế không nhỏ để Văn Chấn phát triển du lịch sinh thái và du lịch văn hoá trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

  

Nồng say xoè Thái

Nhắc đến người Thái Mường Lò là người ta nhắc ngay đến 6 điệu xòe cổ, gồm: Đổn hôn, Phá xí, Ỏm nọm tốp mư, Khắm khen mơi lảu, Nhôm khăn, Xé voóng. Những điệu xòe này có nội dung mô phỏng lịch sử, canh nông, săn bắn, tín ngưỡng, tình yêu hôn nhân, quan hệ cộng đồng…

 Trong bất kì cuộc vui nào cũng đều có thể múa xòe. Những điệu xòe mời gọi mọi người cùng nhập cuộc vui khiến người lạ hóa quen, trai gái nên duyên chồng vợ. Xoè cũng khiến cho con người vui vẻ, sảng khoái lạ thường sau bao mệt mỏi nên có khi người ta say xòe từ chập tối đến tận đêm khuya chẳng ai muốn rời. Vì thế, xòe Thái Mường Lò từ lâu đã là một “đặc sản” hấp dẫn du khách và đang được các địa phương trong vùng khai thác để phát triển du lịch cộng đồng.

 Nếp tan Tú Lệ

Nếp Tan là giống lúa truyền thống có từ lâu đời ở xã Tú Lệ. Nếp Tan nổi tiếng dẻo, thơm, ngậy, bùi. Khách đi theo quốc lộ 32 ngược lên Lai Châu hay xuôi về Yên Bái, Hà Nội… đều muốn dừng chân tại Tú Lệ để thưởng thức xôi nếp Tan với thịt lợn nướng, gà ác rang gừng. Đặc biệt, mùa lúa chín, bà con người Thái ở đây thường làm cốm nếp Tan thơm dẻo.

Nếp Tan đã được Viện Cây lương thực xếp vào hàng các loại gen quý hiếm cần được bảo tồn. Điều lạ là giống nếp này nếu đem đi nơi khác gieo trồng dù chỉ cách Tú Lệ khoảng chục cây số thì lúa vẫn phát triển tốt, bảo đảm năng suất, hạt gạo đẹp nhưng khi chế biến lại không còn giữ được đặc trưng chất lượng của nếp Tan như ở Tú Lệ.

 Huyện Văn Chấn đã có sự phối hợp với một số cơ quan Trung ương, trường đại học để nghiên cứu bảo tồn nguồn gen nếp Tan Tú Lệ. Đồng thời, quy hoạch diện tích trên 100ha để gieo trồng nếp Tan theo hướng hàng hoá nhằm khai thác lợi thế đặc thù cũng như góp phần nâng cao đời sống của nhân dân.

 Non cao Suối Giàng

 Xã Suối Giàng ở khá độc lập trên độ cao hơn 1.000 m so với mực nước biển và cách trung tâm huyện lỵ Văn Chấn 12km. Đồng bào Mông sinh sống ở đây hàng trăm năm nay đã tạo nên một vùng văn hoá rất đặc thù của tộc người Mông. Thiên nhiên còn hào phóng ban tặng cho miền sơn cước này một vùng chè Shan tuyết trải rộng trên diện tích khoảng 300 ha với rất nhiều cây có tuổi đời lên tới vài trăm năm.

Sản phẩm chè Shan tuyết Suối Giàng đã nổi tiếng khắp trong và ngoài nước. Khí hậu nơi đây mát lành với nhiều nét đặc trưng của miền ôn đới nên có thể trồng quanh năm các loài rau ôn đới như cải Mèo, su su và các loại củ quả khác. Ngô nếp của người Mông trồng dưới chân những triền núi đá cũng mang vị ngon riêng có của Suối Giàng. Đặc biệt, thịt lợn đen, gà ác là những đặc sản mà ai đã từng thưởng thức đều không thể quên hương vị.

Suối Giàng còn là nơi đầy lợi thế để phát triển du lịch. Trong nhiều năm qua, dù chưa được đầu tư hạ tầng cơ sở cho hoạt động này nhưng mỗi năm vẫn có hàng nghìn du khách trong và ngoài nước đến với Suối Giàng. Với những lợi thế đó, chương trình đầu tư phát triển du lịch đang được triển khai ở đây chắc hẳn sẽ biến Suối Giàng trong một tương lai không xa thành điểm đến của hàng chục vạn du khách mỗi năm.

Nước nóng – nguồn tài nguyên quý hiếm

Trong 9 huyện, thị của Yên Bái chỉ có hai huyện là Văn Chấn và Trạm Tấu có các mỏ nước khoáng nóng đã được phát hiện và khai thác, trong đó Văn Chấn chiếm tới 4/5 điểm gồm: suối khoáng Bản Hốc thuộc xã Sơn Thịnh, Bản Bon ở xã Sơn A và các điểm khác ở xã Gia Hội, Tú Lệ.

 Theo các nhà chuyên môn thì nhiệt độ của nước khoáng nóng ở đây khá cao so với nhiều nơi khác trong nước. Vi chất trong nước khoáng bổ sung năng lượng cho người tắm khá dồi dào qua hấp thụ của da và đường hô hấp. Đặc biệt, nếu tắm nước nóng thường xuyên sẽ làm thông kinh mạch cho những người mang chứng bệnh huyết áp, phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, giảm béo do nhiệt độ của nước sẽ giải phóng bớt năng lượng và mỡ dư thừa trong cơ thể. Các hoạt chất trong nước khoáng nóng ở đây còn có tác dụng ngăn ngừa và trị một số bệnh về nấm ngoài da…

 Đã có nhiều đơn vị trong và ngoài tỉnh đến đặt vấn đề khảo sát nghiên cứu nguồn nước suối khoáng nóng ở Văn Chấn để hướng tới đầu tư khai thác tiềm năng kinh tế quý hiếm này gắn với du lịch nghỉ dưỡng.

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây