Giới thiệu khái quát huyện Yên Bình

huyện Yên Bình - Tỉnh Yên Bái

Giới thiệu khái quát huyện Yên Bình

Yên Bình là huyện miền núi nằm ở phía đông nam tỉnh Yên Bái. Trung tâm huyện cách thành phố Yên Bái 8Km về phía đông nam, cách thủ đô Hà Nội 170Km về phía tây bắc, phía đông nam giáp huyện Đoan Hùng của tỉnh Phú Thọ, phía tây nam giáp thành phố Yên Bái, phía tây bắc giáp thành phố Yên Bái, huyện Trấn Yên và Huyện Văn Yên, phía đông bắc giáp huyện Hàm Yên của tỉnh Tuyên Quang, phía bắc giáp huyện Lục Yên. Trên địa bàn có tuyến quốc lộ 70  từ Hà Nội đi Yên Bái và đi Lào Cai chạy qua trung tâm và một số xã của huyện. Huyện Yên Bình có tổng diện tích tự nhiên là 77.319,67 ha trong đó diện tích đất nông nghiệp có 57.690,43 ha chiếm 74,61% tổng diện tích tự nhiên. Yên Bình nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa có nhiệt độ trung bình hàng năm là 22,90C. Lượng mưa bình quân hàng năm là 2.121,2mm, số ngày mưa trung bình là 136 ngày, tập trung từ tháng 5 đến tháng 9 hàng năm. Độ ẩm trung bình là 37% và không có sương muối. Do đặc điểm là huyện có diện tích mặt nước nhiều (hồ Thác Bà trên 15.000 ha) nên khí hậu vùng này mang tính chất vùng hồ: mùa đông ít lạnh, mùa hè mát mẻ, thuận lợi cho việc phát triển nông, lâm nghiệp, trồng rừng phòng hộ và rừng nguyên liệu; trồng cây công nghiệp chè, cao su, cây ăn quả và là tiềm năng để phát triển ngành nuôi trồng thuỷ sản, phát triển du lịch dịch vụ.

Địa hình của huyện Yên Bình khá phức tạp, với đặc điểm địa hình chuyển tiếp từ Trung du lên miền núi, địa hình cao dần từ Đông Nam lên Tây Bắc được tạo bởi hai dãy núi: Cao Biền nằm phía tả ngạn sông Chảy ( phía Đông hồ Thác Bà) và Con Voi nằm phía hữu ngạn sông Chảy( phía Tây hồ Thác Bà ).

Đặc điểm đất đai thổ nhưỡng của Yên Bình là nhiều loại đất, nhóm đất đỏ vàng (Feralit) là nhóm đất chiếm phần lớn diện tích trong huyện (61%) gồm nhiều loại đất có khả năng phát triển cây công nghiệp (chè, cà phê, cao su, cây ăn quả), cây lương thực, thực phẩm, cây công nghiệp ngắn ngày (mía…) và phát triển đồng cỏ để chăn nuôi đại gia súc. Nhóm đất dốc tự phân bổ rải rác ở các thung lũng sông suối có khả năng cải tạo thâm canh trồng cây lương thực, thực phẩm và cây công nghiệp ngắn ngày. Nhóm đất phù sa phân bố dọc hai bên bờ sông Chảy có đặc tính độ phì cao của phù sa đáp ứng được yêu cầu của các loại cây màu và cây lương thực.

Các tài nguyên thiên nhiên của huyện khá phong phú, ngoài tài nguyên nước và tài nguyên rừng còn kể đến một số khoáng sản: đá vôi hoa hoá có độ trắng cao, đá vôi vật liệu xây dựng, chì, kẽm, pyrit, cao lanh, fenpat; ngoài ra có đá quý, bán đá quý và các loại cát, quặng vàng, than nâu…những loại tài nguyên này đều có trữ lượng khá lớn. 

Là địa phương có nhiều lợi thế so sánh về vị trí địa lý, là đầu mối giao lưu kinh tế quan trọng của Tỉnh Yên Bái và Lào Cai với Hà nội, là cửa ngõ của vùng Tây Bắc,đó là thuận lợi quan trọng để phát triển kinh tế dịch vụ. Huyện có nhiều tiềm năng về khoáng sản, có thể phát triển công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng. Có nhiều tiềm năng để phát triển nông nghiệp: đất đai, thổ nhưỡng phù hợp với nhiều loại cây trồng công nghiệp, cây ăn quả có múi, cây lương thực và có nhiều điều kiện tốt để phát triển chăn nuôi đại gia súc, nuôi trồng thuỷ sản.

Tài nguyên nước

Nguồn nước mặt: Yên Bình có nguồn nước khá phong phú, diện tích mặt nước lớn; Sông suối trải đều trên địa bàn huyện, nhất là hồ Thác Bà và sông Chảy nằm trong địa bàn huyện.

– Hệ thống ngòi, suối: Yên Bình có gần 40 con suối lớn nhỏ, suối phân bố tương đối đều trên địa bàn, đặc điểm của ngòi, suối ngắn, có độ dốc nhỏ về mùa mưa thường xảy ra lũ ống, lũ quét gây thiệt hại đối với sản xuất và gây khó khăn cho việc đi lại của nhân dân.

– Hồ Thác Bà có tổng diện tích trên 15.900 ha là tiềm năng lớn cho việc nuôi trồng và đánh bắt thuỷ sản cũng như xây dựng các điểm du lịch sinh thái trong tương lai.

– Nước ngầm: Yên Bình nằm trong vùng chứa nước đệ tam, đệ tứ nhưng lưu lượng nhỏ 0,11 m3/s, sử dụng tốt cho việc đào giếng phục vụ cho sinh hoạt của nhân dân. Về chất lượng nước (trừ khu dân cư tập trung ở thị trấn, thị tứ) còn lại nhìn chung nước chưa bị ô nhiễm, độ khoáng hoá thấp 190mg/lít, độ cứng nhỏ từ 3 – 4mg/lít, độ PH từ 7 – 8, phần lớn đảm bảo xây dựng các công trình nước sạch.

Tài nguyên rừng 

Tổng diện tích đất có rừng đến năm 2010 là 42.310,37 ha, chiếm 54,76% so với diện tích đất tự nhiên, giảm 4.624,38 ha so với năm 2005. Dự báo đến năm 2015: 45.384 ha và duy trì đến 2020.

– Rừng sản xuất: Đến năm 2010 có 34.720,7 ha, tăng 6.994,14 ha so với năm 2005, trong đó: rừng tự nhiên sản xuất 9.936,5 ha và ổn định đến năm 2020; rừng trồng 24.784,2 ha; dự báo đến năm 2015 rừng sản xuất 37.781 ha, trong đó: rừng trồng 27.845,8 ha và ổn định đến năm 2020.

– Rừng phòng hộ: Đến năm 2010 có 7.589,67 ha; dự báo đến năm 2015 – 2020 rừng phòng hộ có 7.603 ha.

Nhìn chung rừng của huyện Yên Bình chủ yếu là rừng tái sinh, trữ lượng thấp và thuộc khu vực phòng hộ ít xung yếu. Rừng trồng chiếm tỷ lệ 71,3% có trữ lượng khá, hàng năm đưa vào khai thác từ 1.200 – 1.300 ha, với sản lượng 60.000-70.000 m3

Tài nguyên đất 

heo tài liệu điều tra những năm 1965-1972-1989, huyện Yên Bình có các loại đất chủ yếu sau:

        * Phân theo sự hình thành:

– Nhóm đất đỏ vàng (Feralit): Là nhóm đất chiếm phần lớn so với diện tích tự nhiên của huyện (61%), đặc điểm của loại đất này là hàm lượng mùn và đạm thấp, hơi chua. Thích hợp với phát triển cây công nghiệp, cây ăn quả và trồng rừng.

+ Đất đỏ vàng trên đá biến chất và đất sét (Fs) chiếm 18% diện tích tự nhiên, loại đất này có tỷ lệ đạm và mùn trung bình, môi trường có phản ứng chua. Có khả năng phát triển cây công nghiệp chè, cây ăn quả và phát triển đồng cỏ phục vụ chăn nuôi đại gia súc.

+ Các loại đất pha (Feralit biến đổi do canh tác): Fp, Fq có thành phần cơ giới nhẹ, dễ bị rửa trôi, đất chua, tỷ lệ mùn nghèo có diện tích chiếm 13% (chú ý khi canh tác trên loại đất này cần tăng mùn và nâng cao sự hấp thụ của đất).

+ Các loại đất khác: Feralit trên đất đá vôi Fk, Fv, Fl có tầng dầy trung bình, có tỷ lệ đạm và mùn trung bình. Có khả năng phát triển cây lương thực, thực phẩm, cây công nghiệp ngắn ngày (mía, lạc, đậu tương,…), diện tích chiếm 8%.

– Nhóm đất dốc tụ: Phân bố rải rác ở các thung lũng, sông suối, thành phần cơ giới thô, lẫn sỏi đá, nghèo mùn, đạm trung bình, có khả năng cải tạo thâm canh cây lương thực, cây thực phẩm và cây công nghiệp ngắn ngày.

– Đất phù sa sông Chảy có tỷ lệ mùn bụi mịn nhỏ, tỷ lệ cát mịn lớn, đất giàu Kaly, nghèo Lân, Ca, Mg, môi trường có phản ứng chua, đặc tính độ phì của phù sa đáp ứng được yêu cầu của các loại cây mầu và lương thực.

– Đất phù sa sông suối nhìn chung hàm lượng Lân nghèo, giàu Kaly; Ca, Mg trung bình, môi trường có phản ứng chua, thành phần cơ giới thô nhẹ, đất có khả năng phù hợp với cây trồng như đất phù sa sông Chảy

              * Phân theo độ dốc:

– Loại đất có độ dốc từ 0 – 8o: diện tích 3.549,85 ha, chiếm 6,19% diện tích toàn huyện, thuận lợi cho phát triển nông nghiệp.

– loại đất có độ dốc từ 9 – 15o: diện tích 298,26 ha, chiếm 0,52% diện tích toàn huyện, thuận lợi cho phát triển nông nghiệp.

– Loại đất có độ dốc từ 15 – 25o: diện tích 27.914,58 ha, chiếm 48,7% diện tích toàn huyện, có thể phát triển cả nông nghiệp, lâm nghiệp.

– Loại đất có độ dốc trên 25o: diện tích 25.561,62 ha, chiếm 44,59% diện tích toàn huyện, thuận lợi cho phát triển lâm nghiệp.

               * Phân theo mục đích sử dụng:

Theo số liệu thống kê đất đai ngày 01 tháng 1 năm 2011, huyện Yên Bình có tổng diện tích đất tự nhiên 77.261,79 ha, bao gồm:

– Đất nông nghiệp 54.360,51 ha, chiếm 70,36% diện tích tự nhiên, giảm 2.356,55 ha so với năm 2005, trong đó: Đất sản xuất nông nghiệp 11.556,49 ha chiếm 21,25%, đất lâm nghiệp 42.310,37 ha chiếm 77,83%, đất nuôi trồng thuỷ sản 487,98 ha, chiếm 0,89%, đất nông nghiệp khác 5,67 ha.

– Đất phi nông nghiệp 22.243,62 ha, chiếm 28,79% diện tích tự nhiên, tăng 3.718,14 ha so với năm 2005, trong đó: Đất ở 585,04 ha, đất chuyên dùng 2.583,49 ha, đất tôn giáo tín ngưỡng 5,29 ha, đất nghĩa trang, nghĩa địa 61,26 ha, đất sông suối mặt nước chuyên dùng 18.995,02 ha, đất phi nông nghiệp khác 13,52 ha.

– Đất chưa sử dụng 657,66 ha, chiếm 0,85% diện tích tự nhiên, giảm 327,54 ha so với năm 2005, trong đó: Đất bằng chưa sử dụng 7,7 ha, đất đồi núi chưa sử dụng 89,68 ha, đất núi đá không có rừng cây 560,28 ha.

Tài nguyên khoáng sản 

heo tài liệu nghiên cứu khảo sát địa chất bản đồ tỷ lệ 1:500.000 (năm 1965); bản đồ tỷ lệ 1:200.000 (năm 1972); bản đồ tỷ lệ 1:500.000 (năm 1989-1995). Với đặc điểm địa hình Yên Bình nằm ở cả hai đối cấu trúc địa chất sông Hồng và sông Chảy có liên quan đến một số khoáng sản sau:

      – Đá vôi hóa chất (đá vôi hoa hóa): Có độ trắng cao trên 54%, diện tích khoảng 300 ha, tập trung ở các xã Mông Sơn, Mỹ Gia trữ lượng trên 200 triệu m3.

     – Đá vôi dùng làm vật liệu xây dựng, sản xuất xi măng có cường độ chịu lực trên 500kg/cm2, trữ lượng trên 250 triệu m3 có ở các xã Mỹ Gia, Mông Sơn, Phúc Ninh.

     – Chì (Pb); Kẽm (Zn) có ở xã Mỹ Gia, xã Cảm Nhân trữ lượng khoảng 200.000 tấn.

      – Pyrit: Trữ lượng khoảng 100.000 tấn có ở Mỹ Gia.

      – Cao lanh: Trữ lượng khoảng 273.000 tấn tập trung ở xã Đại Minh

      – Fenspat: Có ở Chóp Dù xã Đại Đồng trữ lượng khoảng 1.050 tấn, ở thôn Quyết Tiến xã Đại Minh có khoảng 27.075 tấn.

      – Barit: Trữ lượng khoảng 100.000 tấn ở xã Đại Minh.

Ngoài những khoáng sản kể trên còn có đá quý, bán đá quý trữ lượng khoảng 4.000 kg nằm trên diện tích khoảng 50 km2 tạo thành dải ở phía Bắc và phía Tây Hồ Thác Bà gồm các loại đá: Rubi, Sfinef, Tuamalin, Grơna, Thạch anh… và không dưới 3 triệu m3 cát quặng, vàng, Galen, Photphorit, Than nâu…

Tiềm năng thế mạnh

Yên Bình có diện tích tự nhiên 77.261,79 ha, là địa phương có nhiều lợi thế so sánh về vị trí địa lý, là đầu mối giao lưu kinh tế quan trọng của tỉnh Yên Bái với Lào Cai và Hà Nội, là cửa ngõ của vùng Tây Bắc, thuận lợi quan trọng để phát triển kinh tế dịch vụ. Có nhiều tiềm năng để phát triển nông nghiệp: Sản lượng chè búp tươi hàng năm đạt từ 15.000 – 17.000 tấn; sản lượng sắn củ tươi đạt trên 70.000 tấn; sản lượng gỗ khai thác hàng năm đạt 100.000 m3; Diện tích mặt nước hồ Thác Bà trên 15.900 ha, đây là lợi thế để phát triển nuôi trồng thủy sản có giá trị cao. Đất đai, thổ nhưỡng phù hợp với nhiều loại cây trồng công nghiệp, cây ăn quả có múi, cây lương thực và có nhiều điều kiện tốt để phát triển chăn nuôi đại gia súc.

Tài nguyên thiên nhiên của huyện khá phong phú, ngoài tài nguyên nước và tài nguyên rừng, còn kể đến một số khoáng sản như: Mỏ Chì, Kẽm ở xã Xuân Lai, Cảm Nhân với diện tích có khả năng khai thác khoảng 350 ha; mỏ Felspat phân bố chủ yếu ở xã Hán Đà, thị trấn Thác Bà, trữ lượng khai thác khoảng 7,5 triệu m3; đá vôi làm vật liệu xây dựng phân bố chủ yếu ở xã Mỹ Gia, trữ lượng khai thác khoảng 20 triệu m3; đá vôi trắng phân bố chủ yếu ở Mông Sơn, trữ lượng khai thác khoảng 465 triệu m3; Cát, sỏi xây dựng ở lòng sông Chảy thuộc xã Hán Đà, Đại Minh và thị trấn Thác Bà, trữ lượng khai thác khoảng 313.352 m3; Đá quý phân bố ở các xã Tân Hương, Bảo Ái, Tân Nguyên… những loại tài nguyên này đều có trữ lượng khá lớn. 

Ngoài ra, Yên Bình còn có tiềm năng để phát triển du lịch: Vùng hồ Thác Bà với diện tích khoảng 15.900 ha với hơn 1.300 đảo lớn nhỏ và hang động tự nhiên như Động Thủy Tiên (xã Tân Hương, Mông Sơn), Động Cẩu Quây (xã Xuân Long), trong tương lai khu du lịch sinh thái hồ Thác Bà sẽ là khu du lịch sinh thái mang tầm cỡ Quốc gia, ngoài ra còn có các điểm di tích lịch sử văn hóa như Đền thờ Mẫu Thác Bà, Đình Khả Lĩnh…đó là những tiềm năng để đáp ứng cho phát triển du lịch.

Đòn bẩy cho du lịch phát triển

Lễ hội bưởi Đại minh và đua thuyền trên hồ Thác Bà năm 2017 được tổ chức trong 02 ngày từ ngày 10 đến ngày 11/11 tại xã Đại Minh và thị trấn Thác Bà, huyện Yên Bình. Đây là Lễ hội được tổ chức lần đầu tiên nhưng hứa hẹn sẽ là sản phẩm văn hóa du lịch độc đáo và hấp dẫn, riêng chỉ  có trên quê hương hồ Thác.

Với chuỗi các hoạt động phong phú, mang đậm nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc vùng sông Chảy như: Hội chợ quê; hội thi trang phục các dân tộc vùng hồ; liên hoan các câu lạc bộ dân gian; đua thuyền trên hồ Thác Bà; tham quan các di tích lịch sử, khám phá vẻ đẹp thiên nhiên hồ Thác; trưng bày và giới thiệu các loại bưởi, các giống cây bưởi và các món ăn đặc sản được chế biến từ giống bưởi quý Đại Minh, dự kiến thu hút hàng nghìn người dân của 26 xã, thị trấn tham gia vào Lễ hội.

Điểm nhấn của Lễ hội bưởi Đại Minh và đua thuyền trên hồ Thác Bà, huyện Yên Bình năm 2017 là hội chợ trưng bày trái bưởi và cây bưởi giống Đại Minh. Tất cả 15 thôn của xã Đại Minh sẽ lựa chọn những trái bưởi to và ngon nhất hái trên những cây bưởi đã có hàng trăm năm tuổi, được gắn nhãn mác để trưng bày và giới thiệu với du khách. Gần 100 cô thôn nữ duyên dáng, trong trang phục độc đáo của đồng bào các dân tộc vùng hồ sẽ đua tài bóc bưởi và chế biến các sản vật đặc trưng của vùng hồ từ giống bưởi quý Đại Minh sẽ hứa hẹn đem đến cho du khách nhiều điều thú vị.

Đây là Lễ hội lần đầu tiên được tổ chức hưởng ứng Năm Du lịch Quốc gia 2017 Lào Cai – Tây Bắc của huyện Yên Bình. Do vậy để tổ chức Lễ hội thành công, hấp dẫn, tạo nhiều ấn tượng tốt đẹp trong lòng khách du lịch trong và ngoài nước, hiện tại mọi công tác chuẩn bị cho Lễ hội đang được huyện Yên Bình triển khai và thực hiện chu đáo. Huyện đã chỉ đạo tăng cường đẩy mạnh công tác tuyền truyền quảng bá, đồng thời yêu cầu tất cả các cơ quan, ban ngành, đoàn thể, các xã, thị trấn nhất là hai địa phương Đại Minh và thị trấn Thác Bà là nơi diễn ra Lễ hội tập trung mọi nguồn lực để nâng cấp cơ sở hạ tầng và chuẩn bị tốt các điều kiện để tổ chức Lễ hội. Ông Phạm Văn Hiền – Bí thư Đảng ủy xã Đại Minh cho biết: “Xã đã chỉ đạo mỗi thôn lựa chọn từ 03 đến 05 vườn bưởi đẹp, có chất lượng để phục vụ nhu cầu tham quan của khách du lịch, đồng thời chuẩn bị đủ sản phẩm bưởi ngon để trưng bày, giới thiệu quảng bá tại Lễ hội. Đặc biệt, mỗi thôn trong xã cũng đã cử ra 05 cô gái đẹp, duyên dáng, khéo tay để thi bóc bưởi và chế biến các món ăn đặc sản từ bưởi. Nhân dân ở 15 thôn của xã cũng đã tổ chức ra quân vệ sinh môi trường, đường làng ngõ xóm xanh, sạch đẹp và luyện tập văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao để phục vụ Lễ hội”.

Đại Minh là quê hương của vùng đất bưởi Khả Lĩnh, toàn xã có gần 900 hộ, hầu như nhà nào cũng trồng bưởi với tổng diện tích gần 150ha. Nhà trồng nhiều có vài trăm gốc, nhà ít cũng có vài chục gốc bưởi. Trung bình mỗi năm người dân Đại Minh thu khoảng hơn 20 tỷ đồng tiền bưởi, riêng năm 2017 dự kiến thu từ 50 tỷ đồng trở lên. Chị Nguyễn Thị Hồng Ngà ở thôn Minh Thân chia sẻ: “Gia đình chị trồng gần 300 gốc bưởi, trong đó có khoảng chục cây có tuổi đời từ 60 năm tuổi trở lên. Năm ngoái, ở thời điểm này, chị đã bán hết vườn bưởi cho các thương lái, nhưng năm nay gia đình giữ lại chưa bán để phục vụ Lễ hội”. Được biết vườn bưởi của gia đình chị Ngà cũng là một trong những mô hình bưởi đẹp mà xã Đại Minh lựa chọn để khách du lịch tới tham quan trong những ngày diễn ra Lễ hội.

Song song với đó, công tác chuẩn bị cho Hội đua thuyền trên hồ Thác Bà cũng đang được các địa phương trên địa bàn huyện Yên Bình triển khai thực hiện nghiêm túc. Lễ khai mạc Hội đua sẽ được tổ chức tại chân đền Mẫu Thác Bà và địa điểm đua thuyền diễn ra tại bến Cano thuộc khu phố 7, thị trấn Thác Bà, với sự tham gia của gần 100 vận động viên đến từ các xã, thị trấn trong huyện, tranh tài ở 03 nội dung đôi nam, đôi nữ và đôi nam nữ. Ông Hoàng Công Thành – Chủ tịch Ủy ban nhân dân thị trấn Thác Bà cho hay: “Thị trấn đã phối hợp với Công ty cổ phần Thủy điện Thác Bà chuẩn bị an toàn điểm bơi, hồ bơi cũng như ca nô cứu hộ, áo phao cho các vận động viên và có kế hoạch đảm bảo an ninh trật tự trước, trong và sau Lễ hội. Đồng thời chỉ đạo 8/8 khu phố chuẩn bị 20 sản vật địa phương để tham gia gian hàng hội chợ quê tại Lễ hội bưởi Đại Minh và thành lập đội thi ẩm thực tham gia Lễ hội. Thị trấn cũng đã tổ chức ra quân chỉnh trang cảnh quan, vệ sinh môi trường sạch đẹp để đón chào du  khách”.

Lễ hội bưởi Đại Minh và đua thuyền trên hồ Thác Bà sẽ chính thức khai mạc vào lúc 19 giờ 30 phút ngày 10/11/2017 tại sân vận động xã Đại Minh. Đến với Lễ hội, du khách sẽ có dịp tham quan cây bưởi tổ có tuổi đời hơn 100 năm, tham quan 13 cây bưởi đầu dòng của làng bưởi Khả Lĩnh, tham quan những vườn bưởi đẹp quả sai trĩu cành, thưởng thức vị thơm ngọt, dịu mát của trái bưởi tiến vua và các món ăn đặc sản mang đậm “hương vị hồ Thác” được chế biến từ những nguyên liệu sẵn có, do chính bàn tay khéo léo của người dân bản địa làm nên. Ngoài ra, du khách còn được trải nghiệm, tham gia vào các chò chơi mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc của đồng bào vùng sông Chảy và thưởng thức các tiết mục văn nghệ dân gian của các dân tộc Tày, Nùng, Dao, Cao Lan; khám phá vẻ đẹp bí ẩn, kỳ diệu của thiên nhiên hồ Thác qua các tour du lịch: Thủy điện Thác Bà – Phúc An – Xuân Long; Thác Bà – Ngòi Tu – Động Thủy Tiên; Thác Bà – động Cẩu Quây – Tân Hương; Thác Bà – Đát Ô Đồ; các tour du lịch tâm linh như Đình Khả Lĩnh, Chùa Nổi, Đền Cửa Ngòi, Đình, Chùa Phúc Hòa, Đền Mẫu Thác Bà…

     


     

Mã QR Code ủng hộ vansudia.net


BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây