Giới thiệu khái quát thành phố Yên Bái

thành phố Yên Bái - Tỉnh Yên Bái

Giới thiệu khái quát thành phố Yên Bái

Thành phố Yên Bái nằm ở khu vực phía Đông của tỉnh; Phía Bắc giáp xã Cường Thịnh, huyện Trấn Yên; Phía Đông – Đông Bắc giáp xã Đại Đồng và thị trấn Yên Bình; Phía Nam giáp xã Văn Lãng, huyện Yên Bình; Phía Tây giáp xã Lương Thịnh huyện Trấn Yên. Địa hình tự nhiên có độ cao trung bình từ 50-75m so với mực nước biển với 3 địa hình chủ yếu: Địa hình bậc phù sa sông Hồng bằng phẳng; địa hình đồi bát úp đỉnh bằng, sườn dốc; địa hình thung lũng xen giữa các đồi.

Vị trí địa lý – kinh tế – chính trị

     Thành phố Yên Bái là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá, khoa học kỹ thuật của tỉnh Yên Bái và là trục động lực của vùng trọng điểm phát triển kinh tế phía Đông của tỉnh; được xác định là một trong những Trung tâm tiểu vùng của 14 tỉnh miền núi Trung du Bắc Bộ.

Thành phố có 17 đơn vị hành chính với 9 phường, 8 xã; dân số trung bình đến năm 2016 là 100.433 người.

     Với mạng lưới giao thông khá thuận lợi bao gồm đường sắt, đường bộ, đường thuỷ, giữ vị trí quan trọng trong đầu mối giao thông huyết mạch nối vùng Tây Bắc với đồng bằng Bắc Bộ và các tỉnh Đông Bắc; có tuyến đường sắt liên vận quốc tế và đường cao tốc xuyên Á nối Hải Phòng – Hà Nội – Lào cai – Vân Nam (Trung Quốc); cách Lao Cai 156 km về phía Bắc, cách thủ đô Hà Nội 170 km về hướng Đông; thành phố Yên Bái có nhiều thuận lợi trong giao thương phát triển kinh tế với các địa phương trong khu vực, cả nước và quốc tế để xây dựng thành phố văn minh, hiện đại trong hiện tại và tương lai.

Khí hậu

Đặc trưng của khí hậu Yên Bái là nhiệt đới gió mùa, nắng và mưa nhiều, nền nhiệt cao. Nhiệt độ trung bình ít biến động trong năm (khoảng 18-20oC), cao nhất 37-39oC, thấp nhất 2-4oC. Gió thịnh hành là gió mùa đông bắc và gió mùa đông nam. Mưa nhiều nhưng phân bố không đều, lượng mưa trung bình 1.800 – 2.000mm/năm, cao nhất tới 2.204mm/năm và thấp nhất cũng đạt 1.106mm/năm. Một số vùng tiểu khí hậu vào tiết xuân thường có mưa dầm triền miên.

Các mùa chính trong năm

       Khí hậu Yên Bái có 2 mùa rõ rệt gồm:

 – Mùa lạnh: từ tháng11 đến tháng 3 năm sau, vùng thấp lạnh kéo dài từ 115 -125 ngày, vùng cao mùa lạnh đến sớm và kết thúc muộn nên dài hơn vùng thấp, vùng cao từ 1.500m trở lên hầu như không có mùa nóng, nhiệt độ trung bình ổn định dưới 20oC, cá biệt có nơi xuống 0oC, có sương muối, băng tuyết; thường bị hạn hán đầu mùa lạnh (tháng 12- tháng 1), cuối mùa thường có mưa phùn.

 – Mùa nóng: từ 4 đến tháng 10 là thời kỳ nóng ẩm, nhiệt độ trung bình ổn định trên 25o C, tháng nóng nhất 37- 380C, mùa nóng cũng chính là mùa mưa nhiều, lượng mưa trung bình từ 1.500 – 2.200 mm/năm và thường kèm theo gió xoáy, mưa lũ  gây ra lũ quét ngập lụt. Sự phân bố ngày mưa, lượng mưa tùy thuộc vào địa hình theo hướng giảm dần từ Đông sang Tây theo địa bàn tỉnh. Theo thung lũng sông Hồng giảm dần từ Đông Nam lên Tây Bắc.

Chế độ mưa

            Yên Bái thuộc vùng có lượng mưa trung bình, theo số liệu của khí tượng thủy văn tỉnh, lượng mưa bình quân ở trạm Yên Bái là: 1.740,6 mm/năm.

            Phân bố lượng mưa theo xu hướng tăng dần từ vùng thấp đến vùng cao và lượng mưa phân bố không đồng  đều các tháng trong năm, tháng mưa nhiều nhất là tháng 5 đến tháng 9 (từ 114,8 đến 429,4 mm ); các tháng mưa ít nhất là tháng 12 đến tháng 3 (từ 1,1 đến 80,3 mm ).

              Do lượng mưa không đều giữa các tháng (10,11,12) là mùa khô, lượng mưa trung bình chỉ đạt 16,7 mm/tháng nên gây ra hạn hán, thiếu nước cho sản xuất và đời sống của nhân dân.

Chế độ ẩm

            Theo số liệu khí tượng thì độ ẩm tương đối, trung bình năm tại trạm Yên Bái là 86 %. Sự chênh lệch về độ ẩm giữa các tháng trong năm của các vùng trong tỉnh lệch nhau không lớn, từ 3- 50C. càng lên cao độ ẩm tương đối giảm xuống. Độ ẩm giữa các tháng có sự chênh lệch, do độ ẩm phụ thuộc vào lượng mưa và chế độ bốc hơi (chế độ nhiệt và chế độ gió), tháng có độ ẩm lớn nhất là tháng 2,3,4,5,6,7 từ 80%- 89%, những tháng có độ ẩm thấp nhất là tháng 11,12,1 có độ ẩm từ 77% 85%.

              Yên Bái có lượng mưa hàng năm lớn, độ ẩm tương đối cao nên thảm thực vật xannh tốt quanh năm, thể hiện rất rõ tính chất gió mùa.

  Các hiện tượng thời tiết khác

           Sương muối: Xuất hiện chủ yếu ở độ cao trên 600m, càng lên sao số ngày có sương muối càng nhiều.

           Mưa đá: Xuất hiện rải rác ở một số vùng, càng lên cao càng có nhiều mưa đá, thường xuất hiện vào cuối mùa xuân đầu mùa hạ và thường đi kèm với hiện tượng đông và gió xoáy cục bộ.

Dân cư

Thành phố Yên Bái là một thành phố trực thuộc tỉnh Yên Bái, hiện nay thành phố Yên Bái có diện tích tự nhiên là: 108,15 km2; Dân số: 100.433 người; 17 đơn vị hành chính trực thuộc bao gồm 9 phường: Yên Thịnh, Yên Ninh, Minh Tân, Nguyễn Thái Học, Đồng Tâm, Nguyễn Phúc, Hồng Hà, Hợp Minh, Nam Cường và 8 xã: Minh Bảo, Tuy Lộc, Tân Thịnh, Văn Phú, Văn Tiến, Phúc Lộc, Âu Lâu, Giới Phiên.

Cơ sở hạ tầng

Về kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội

Công tác quản lý đô thị

     Hiện nay, thành phố Yên Bái có 17 xã, phường đã được quy hoạch chi tiết; hình thành rõ nét các phân khu chức năng như: Khu trung tâm chính trị, hành chính, giáo dục, các khu dịch vụ – thương mại, các khu, cụm công nghiệp.

Xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật

     Bộ mặt đô thị từng bước đổi mới với kết cấu hạ tầng kỹ thuật được đầu tư theo hướng hiện đại, trên nền của một đô thị xanh với những công trình kiến trúc đan xen tiếp nối giữa truyền thống và hiện đại.

* Hệ thống giao thông:

     – Giao thông đường bộ:

     + Giao thông đối ngoại: Đầu tư nâng cấp như Quốc lộ 70 Lao Cai- Hà Nội; Quốc lộ 37,

đoạn thành phố Yên Bái đi Ba Khe được đầu tư nâng cấp đạt tiêu chuẩn đường cấp IV miền núi; nâng cấp quốc lộ 32C từ Hà Nội – Yên Bái, tuyến Yên Bái – Khe Sang; Đường Cao tốc Nội Bài – Lào Cai đoạn qua thành phố đã được khởi công xây dựng.

     + Giao thông nội thành: Các tuyến đường giao thông nội thành với gần 100 km được xây dựng, đầu tư nâng cấp khá đồng bộ với hành lang hè phố, hệ thống cây xanh đang được chỉnh trang; hệ thống chiếu sáng đạt tiêu chuẩn Việt Nam, với 02 cầu vượt sông có khả năng kết nối cao với hệ thống đường giao thông đối ngoại. Đường tránh ngập từ Trung tâm tỉnh đến cầu Văn Phú và đường cao tốc, tương lai là tuyến Quốc lộ 70 (km 10 thị trấn Yên Bình) đến cầu Văn Phú. Hiện đang triển khai thi công 02 cầu nối hai bờ sông Hồng là cầu Tuần Quán và Cầu Bách Lẫm.

     + Đường sắt: Đường sắt xuyên Việt nối Hà Nội- Yên Bái- Lao Cai đang được đầu tư nâng cấp trên toàn tuyến, trong đó ga Yên Bái ở vị trí Trung tâm thành phố là một trong những ga hành khách – hàng hóa đầu mối trên tuyến; Ga Văn Phú đang được đầu tư để trở thành ga hàng hóa chủ yếu, đáp ứng năng lực lưu thông trực tiếp cho khu công nghiệp phía Nam của tỉnh.

cosohatang3 - Giới thiệu khái quát thành phố Yên Bái

Hệ thống điện chiếu sang tại trung tâm thành phố

* Hạ tầng viễn thông:

     Đáp ứng yêu cầu thông tin liên lạc; hiện trên địa bàn thành phố đang sử dụng mạng truyền dẫn bằng vi ba số; hệ thống cáp quang; mạng ngoại vi sử dụng cáp gốc đi ngầm; 04 tổng đài kỹ thuật số (01trạm Host và 03 trạm vệ tinh) với dung lượng khoảng 30.000 số. Trên địa bàn hiện có 7 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông với 39 trạm BTS thu phát sóng di động, bình quân có 55% dân số sử dụng Internet.

* Cấp điện:

     Toàn thành phố hiện có 169 trạm biến áp với 178 máy biến áp, tổng công suất lắp đặt đạt 43.081,5 KVA, đáp ứng được nhu cầu cho sản xuất công nghiệp và sinh hoạt trên địa bàn thành phố.

* Cấp nước:

     Thành phố Yên Bái hiện đang sử dụng nước phục vụ cho sinh hoạt, sản xuất từ nhà máy nước Yên Bình bằng nguồn nước hồ Thác Bà có chất lượng tốt với công suất 11.500m3/ngày đêm (hiện đang sử dụng khoảng 70% công suất).

* Về giáo dục đào tạo:

     Thành phố Yên Bái hiện là Trung tâm giáo dục đào tạo của tỉnh với hệ thống các trường cao đẳng như Cao đẳng y tế, Cao đẳng sư phạm, Cao đẳng nghề… các trường thuộc các cấp học có từ 50% – 70% đạt chuẩn Quốc gia; đặc biệt Trường Cao đẳng nghề Yên Bái đang được đầu tư xây dựng trở thành Trung tâm đào tạo nghề của các tỉnh miền núi phía bắc trong đó 01 nghề đạt chuẩn Quốc tế và 03 nghề đạt chuẩn ASEAN

* Về y tế:

     Trên địa bàn đã được đầu tư xây dựng hệ thống y tế gồm các bệnh viện Đa khoa, bệnh viện Đông Y, bệnh viện Nội tiết, các Trung tâm y tế chuyên ngành và hệ thống các trạm y tế khá hoàn chỉnh; Hiện đang đầu tư xây dựng Bệnh viện 500 giường trên địa bàn xã Phúc Lộc; Bệnh viện chất lượng cao 103 trên địa bàn phường Minh Tân… Tạo điều kiện để thành phố trở thành một trong các trung tâm khám chữa bệnh chất lượng cao trong khu vực phía Bắc.

TRUYỀN THỐNG LỊCH SỬ

Từ thuở xa xưa cho đến nay, mảnh đất của thành phố Yên Bái luôn có vị trí quan trọng mang tính chiến lược về chính trị, quân sự của vùng địa đầu phía Bắc của Tổ quốc. Trải qua mấy ngàn năm giữ nước của dân tộc, nhiều thế lực phong kiến, thực dân, đế quốc coi đây là mảnh đất màu mỡ, từ đây có thể làm bàn đạp tấn công lên phía Bắc, xuống phía Nam. Với truyền thống yêu nước nồng nàn, với ý chí kiên cường bất khuất, mưu trí và sáng tạo, nhân dân Yên Bái đã kiên quyết đấu tranh chống lại mọi kẻ thù xâm lược để bảo vệ quê hương, bảo vệ độc lập, chủ quyền của dân tộc.

Phát huy truyền thống yêu nước trong đấu tranh chống các thế lực phong kiến, đế quốc, cần cù trong lao động sản xuất, Đảng bộ và nhân dân thành phố Yên bái đã không ngừng đoàn kết, vươn lên thực hiện 2 nhiệm vụ chiến lược là xây dựng và bảo vệ quê hương. Ghi nhận những thành quả và những đóng góp của thành phố trong cuộc kháng chiến của dân tộc, ngày 22/8/1998 thành phố Yên Bái đã vinh dự được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”.

Tiềm năng Du lịch

Thành phố Yên Bái có tiềm năng về phát triển du lịch nhưng chưa được đầu tư khai thác có hiệu quả. Với cảnh quan thiên nhiên khá độc đáo, thành phố như một bồn địa trải dài được che chắn về phía tây và tây bắc bởi dãy Hoàng Liên với nhiều tầng núi như bức tường thành tự nhiên. Với môi trường sinh thái tràn ngập màu xanh “thành phố trong rừng, rừng trong thành phố”. Dòng sông Hồng một chứng nhân của lịch sử như dải lụa đào mềm mại uốn quanh suốt chiều dài thành phố. Ở vị trí địa lý là trung điểm giữa hành trình Hà Nội –  Lào Cai, thành phố đồng thời là cửa ngõ đi vào vùng Tây Bắc, nơi lưu giữ những giá trị văn hóa phong phú và độc đáo, mang đậm bản sắc của các dân tộc vùng cao Tây Bắc. Thành phố là điểm dừng chân hợp lý, là xuất phát điểm của nhiều tour du lịch, nhất là sau khi tuyến đường cao tốc xuyên Á được đưa vào khai thác sử dụng. Đón chào ở cửa ngõ vào thành phố Yên Bái là biển hồ Thác Bà mênh mang, danh thắng – di tích Quốc gia, có diện tích hơn 20.000ha; nổi bật trên làn nước xanh là hơn 1.300 hòn đảo hiện hữu, đan xen giữa những đảo cây xanh mướt mát là những đảo đá thẳng đứng, rêu phong, dây leo chằng chịt, thâm nghiêm như những tòa thành cổ, những núi đá vôi được bóc bỏ lớp ngoài phô ra những thớ đá gân guốc mà trắng lóa như băng tuyết, tất cả vẽ lên nền trời xanh, trên nền nước xanh lục như một bức tranh thủy mạc sống động và đầy sắc màu; trên hồ có nhiều hang động đẹp như động Thủy Tiên, Xuân Long, Mông Sơn… Cả một quần thể núi non, mênh mông sóng nước đã được coi như “Vịnh Hạ Long trên núi”; Phía hạ lưu sừng sững nhà máy thủy điện Thác Bà với cảnh quan thiên nhiên kỳ thú, với văn hóa phong phú của các dân tộc anh em đang sinh sống ven hồ; với rất nhiều tiềm năng phát triển kinh tế, hứa hẹn trở thành khu du lịch tổng hợp mang tầm Quốc gia, đang vẫy gọi các nguồn lực đầu tư khai phá.

Trên địa bàn thành phố có nhiều di tích lịch sử quan trọng được xếp hạng cấp quốc gia và cấp tỉnh như khán đài A sân vận động thành phố, nơi ghi đậm dấu ấn khi Bác Hồ lên thăm và làm việc với tỉnh Yên Bái năm 1958; Khu mộ, tượng đài Nguyễn Thái Học và các liệt sỹ trong cuộc khởi nghĩa Yên Bái; Khu tưởng niệm nghĩa quân Giáp Dần; Bến phà Âu Lâu lịch sử là tuyến vận chuyển vượt sông quan trọng bậc nhất vào vùng Tây Bắc góp phần đắc lực cho thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ. Hệ thống đền chùa trong thành phố được xếp hạng di tích cấp tỉnh như Đền Than (xã Tuy Lộc), Chùa Ngọc Am (phường Hồng Hà); chùa Cổ Am (xã Giới Phiên); Chùa đền Bách Lẫm, đền Tuần Quán (phường Yên Ninh) trải dọc theo sông Hồng; Cùng với đình làng Yên; đình Lương Nham, chùa Minh Pháp – Đền Rối (xã Tân Thịnh); chùa, đền, đình Nam Cường với lịch sử hàng trăm năm tuổi và nhiều di tích quan trọng khác làm nên lịch sử của thành phố hơn 100 năm thấm đẫm những giá trị văn hóa nhân văn gắn liền với nền văn hóa, văn minh sông Hồng rực rỡ. Thành phố cũng là điểm xuất phát đi đến các điểm du lịch khác trong tỉnh như đền Đông Cuông – Văn Yên; Chiến khu Vần – Trấn Yên, đồn Căng Phú Trạng –  Nghĩa Lộ; khu Suối Giàng ở độ cao 1.200m, có khí hậu mát mẻ như Tam Đảo, Sa Pa, có rừng chè cổ thụ hàng trăm năm tuổi; Hệ thống Ruộng bậc thang huyện Mù Cang Chải được coi là công trình nghệ thuật – kinh tế – văn hóa bậc nhất Quốc gia. Trên địa bàn thành phố đã hình thành các khu công viên, các điểm du lịch sinh thái như hồ công viên Yên Hòa, hồ sinh thái Nam Cường; Hệ thống hồ trên địa bàn các xã Hợp Minh, Giới Phiên, Phúc Lộc cùng với suối Âu Lâu tạo nên cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp có thể đầu tư xây dựng khu vui chơi giải trí tổng hợp có quy mô khu vực, kết nối được với du lịch sinh thái hồ Thác Bà, khu sinh thái Đầm Hậu (xã Minh Quân), khu sinh thái Vân Hội (xã Việt Hồng) và các khu du lịch khác trong và ngoài nước.

Tiềm năng kinh tế

Giao thông vận tải: Là một trong những cửa ngõ để tiến sâu vào miền Tây Bắc với một mạng lưới đường sắt, đường bộ, đường thuỷ khá thuận lợi. Thành phố Yên Bái có một vị trí khá quan trọng trong đầu mối giao thông huyết mạch nối vùng Tây Bắc với trung du Bắc Bộ. Tuyến đường sắt liên vận quốc tế từ Hải Phòng – Hà Nội – Yên Bái – Lào Cai – Vân Nam (Trung Quốc). Tuyến đường thuỷ sông Hồng từ thành phố Yên Bái xuôi về Hà Nội rồi đi tiếp đến cảng Hải Phòng. Tuyến ngược cập bến cửa khẩu quốc tế Lào Cai. Trong tương lai, đường băng sân bay Yên Bái sẽ được mở rộng thành sân bay dân dụng khai thác đón khách đến với Yên Bái.

            Mạng lưới đường giao thông trong nội thành được đầu tư khá hoàn chỉnh. Các đường trục chính như Quốc lộ 37, đại lộ Nguyễn Thái Học, đường Yên Ninh, đường Trần Phú, đường Kim Đồng… đã được xây dựng theo quy hoạch đô thị với hệ thống hành lang, cống thoát nước, đèn chiếu sáng, cây xanh. Hệ thống cầu xây dựng tương đối đồng bộ bắc qua các suối, hồ trong đó có cây cầu lớn nhất bắc qua sông Hồng là cầu Yên Bái tạo điều kiện cho giao thông thuận tiện vào miền Tây Bắc. Bến xe khách Yên Bái đã mở nhiều tuyến liên tỉnh, liên huyện tạo điều kiện cho việc luân chuyển hành khách, hàng hoá.

            Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp: Là trung tâm kinh tế của tỉnh, thành phố đã phát huy được sức mạnh tổng hợp bằng chính nội lực của mình. Những công ty lớn của tỉnh đóng trên địa bàn như gạch Xuân Lan, Sứ kỹ thuật Hoàng Liên Sơn đã vươn lên chiếm lĩnh thị trường trong nước và quốc tế. Toàn thành phố năm 2002 có 677 cơ sở sản xuất công nghiệp bao gồm kinh tế Nhà nước, kinh tế ngoài quốc doanh và kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài với 5.799 lao động. Giá trị sản xuất công nghiệp đạt 340.458 triệu đồng. Phát triển tiểu thủ công nghiệp cũng là một trong những thế mạnh của thành phố.. Nhiều cơ sở như tổ hợp cơ khí Hồng Hà, công ty TNHH Tân Thành, HTX Thành Công… đã mạnh dạn đầu tư nâng cao năng lực sản xuất, chất lượng sản phẩm. Một số nhánh hàng sản xuất ổn định có mức tăng khá về giá trị sản lượng như: chế biến lương thực, thực phẩm, sản xuất vật liệu xây dựng, sản xuất các sản phẩm từ kim loại. Một số sản phẩm được giữ vững và phát triển tốt như chế biến chè khô, đũa gỗ, máy vò chè, cao lanh tinh lọc.

            Về sản xuất nông – lâm nghiệp: Thành phố hiện nay có diện tích gieo trồng cây lương thực có hạt là 670 ha với sản lượng là 2.721 tấn, trong đó diện tích trồng lúa là 560 ha với sản lượng lúa là 2.430 tấn. Do địa hình ở ven sông, đất đai màu mỡ nên thành phố có một vùng chuyên canh rau là 113 ha với sản lượng là 1.899 tấn. Diện tích trồng chè là 521 ha, sản lượng là 2.607 tấn. Đàn gia súc, gia cầm của thành phố có chiều hướng giảm. Đến nay tổng đàn trâu là 334 con, đàn bò 317 con và đàn lợn là 17.107 con.

            Toàn thành phố có 2.225,27ha đất lâm nghiệp, trong đó đất có rừng trồng là 1.988,55ha, rừng phòng hộ là 266ha chủ yếu là trồng các cây nguyên liệu giấy như bạch đàn, bồ đề, keo, nứa, vầu…

            Trong sản suất nông – lâm nghiệp, công tác khuyến nông, khuyến lâm, đưa giống mới có năng suất cao, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất được coi trọng. Hiện nay các dự án trọng điểm như trồng giống chè mới, trồng luồng Thanh Hoá. Uỷ ban nhân dân thành phố đã ban hành quy hoạch về quản lý trồng rau sạch, hình thành vùng rau sạch ở xã Tuy Lộc với diện tích 30ha. Với điều kiện thổ nhưỡng của thành phố, phát triển kinh tế trang trại đang là một mô hình tốt. Cơ cấu cây trồng, vật nuôi của trang trại khá đa dạng điển hình là các trang trại ở phường Nguyễn Phúc, xã Nam Cường, xã Minh Bảo.

            Thương mại, dịch vụ: Trước đây hoạt động buôn bán, thông thương của Yên Bái một thời sôi động với phiên chợ Bách Lẫm. Ngày nay, thành phố đã có một hệ thống chợ đã đáp ứng được nhu cầu trao đổi, mua bán của thị trường. Chợ Yên Bái (chợ Ga) là trung tâm thương mại của tỉnh nằm ở vị trí tập trung các đầu mối giao thông. Hàng hoá ở đây được chuyển đi các nơi trong tỉnh và các vùng lân cận. Có thể gọi đây là một chợ đầu mối. Chợ có diện tích là 10.000m2 trong đó 4.000m2 được xây dựng kiên cố. Trong thời gian tới chợ Yên Bái sẽ được nâng cấp thành chợ loại I. Hoạt động dịch vụ của thành phố đa dạng phong phú. Chủ yếu là dịch vụ chế biến phục vụ sản xuất và tiêu dùng.

            Thông tin, liên lạc đang tăng tốc phát triển để tiến kịp với trình độ chung. Hệ thống ăng ten viba và mạng cáp quang hiện đại đã đảm bảo liên lạc viễn thông bằng điện thoại tự động, fax, Internet. Mạng điện thoại Vinaphone và Mobiphone được phủ sóng. Số thuê bao điện thoại tăng đáng kể. Nếu như năm 1995 toàn thị xã có 1.808 máy cố định thì năm 2002 đã là 9.773 máy, số máy di động là 2.058. Tất cả các xã, phường đều được trang bị điện thoại liên lạc.

            Văn hoá – xã hội: Cùng với sự phát triển về kinh tế, sự nghiệp văn hoá xã hội của thành phố có nhiều tiến bộ góp phần phục vụ kịp thời các nhiệm vụ chính trị của địa phương và nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân. Mạng lưới giáo dục được duy trì, chất lượng dạy và học được nâng lên. 100% xã, phường đạt chuẩn phổ cập trung học cơ sở. Mấy năm gần đây một số cơ sở tư thục mầm non được đầu tư và phát triển. Tỷ lệ trường tiểu học, trung học cơ sở, mầm non đạt chuẩn quốc gia của thành phố đạt cao nhất trong toàn tỉnh.

            Các trung tâm y tế của thành phố, trạm y tế xã, phường, đã hoàn thành tốt các chương trình y tế, đảm bảo duy trì tốt công tác bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ ban đầu, khám, chữa bệnh cho nhân dân. Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên là 0,64%, tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng chỉ còn 15,8%.

            Thông qua các chương trình giải quyết việc làm, xoá đói, giảm nghèo, năm 2001, thành phố đã giải quyết việc làm cho trên 1.100 lao động, giảm tỷ lệ nghèo xuống còn 3,9%, tỷ lệ thấp nhất so với các nơi khác trong tỉnh.

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây