Giới thiệu khái quát huyện Trạm Tấu
Trạm Tấu là một huyện vùng cao thuộc tỉnh Yên Bái. Toàn huyện có 11 dân tộc anh, em đoàn kết chung sống trên các triền núi cao. Trong đó: Dân tộc Mông chiếm 77% ; Dân tộc Thái 16% còn lại là các dân tộc khác như Khơ Mú, Tày, Mường,v,v.
Huyện Trạm Tấu được thành lập ngày 05/10/1964, cơ cấu hành chính có 11 xã và 01 thị trấn. Bao gồm: Thị trấn Trạm Tấu, xã Bản Mù, xã Bản Công, xã Hát Lừu, xã Xà Hồ, xã Trạm Tấu, xã Pá Hu, xã Pá Lau, xã Túc Đán, xã Phình Hồ, xã Làng Nhì và xã Tà Si Láng. Trong đó: Xã vùng cao là 10 xã chủ yếu là đồng bào Mông sinh sống.
– Về địa lý: Huyện Trạm Tấu cách trung tâm Tỉnh lỵ 114 km. Nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa. Độ cao trung bình so với mặt biển khoảng 800m. Đỉnh núi cao nhất là 2.985m. Địa hình dốc cao thuộc dãy núi Hoàng Liên Sơn rất phù hợp với việc phát triển du lịch sinh thái.
– Phía đông – Đông bắc giáp với huyện Văn Chấn
– Phía Tây – Tây nam giáp với huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La
– Về khí hậu: Trạm Tấu nằm trong vùng nhiệt đới gió mùa. Do địa hình núi cao nên nhiệt độ về mùa hè không cao. Mùa đông giá rét, có năm nhiệt độ về mùa đông xuống tới 0oC, tuyết phủ trên các cành cây và núi cao.
– Về tài nguyên thiên nhiên: Huyện Trạm Tấu có diện tích tự nhiên là 74.618,53 ha. Trong đó đất lâm nghiệp 57.799,2 ha; Đất nông nghiệp 5.117,5 ha; Đất trồng cây hàng năm 4.302,44 ha còn lại là các loại đất khác. Đất chưa sử dụng là 10. 525,63 ha rất phù hợp với việc trồng rừng, trồng cỏ chăn nuôi và phát triển cây hàng năm.
+ Tài nguyên rừng: Hiện nay Trạm Tấu có 38.361,1 ha đất có rừng. Trong đó rừng phòng hộ 36.504,3 ha, Rừng khoanh nuôi tái sinh 9.829,7 ha. Tỷ lệ che phủ của rừng đạt khoảng 51,4 %.
+ Tài nguyên nước: Trạm Tấu có 02 con suối lớn và nhiều suối nhỏ, độ dốc cao rất phù hợp với việc khai thác thuỷ điện vừa và nhỏ. Trạm Tấu có nguồn nước khoáng tự nhiên thuộc nhóm Sunf canxi – Magiê có hàm lượng Silic và lưu huỳnh cao có tác dụng chữa bệnh.
+ Tài nguyên khoáng sản: Theo khảo sát ban đầu Trạm Tấu có một số loại quặng như chì, kẽm, sắt, đá xây dựng ..v,v..
+ Về con người: Dân số toàn huyện hiện có trên 31 nghìn người, với 5.961 hộ. Là huyện vùng cao có nhiều dân tộc song đồng bào các dân tộc trong huyện sống đoàn kết, cần cù chịu khó, thông minh, sáng tạo. Con người thân thiện và rất yêu mến nghệ thuật, có nhiều loại hình văn hoá nghệ thuật dân tộc đặc sắc như khèn Mông, khèn Môi của đồng bào Mông; sáo Pí ló, Pí thiu của đồng bào Thái, múa Cồng chiêng của đồng bào Khơ Mú và các loại hình hát Dân ca, Dao duyên, Hát đối của các dân tộc v v..
Lịch sử văn hóa
Trạm Tấu trước kia thuộc Châu Văn Chấn, tỉnh Nghĩa Lộ, là huyện vùng cao được tách ra từ huyện Văn Chấn và được thành lập từ ngày 05/10/1964. Trong các cuộc kháng chiến trước kia cũng như ngày nay. Đồng bào các dân tộc trong huyện luôn đoàn kết sát cánh bên nhau xây dựng và phát triển kinh tế, giữ vững ổn định chính trị. Tham gia tích cực phong trào xây dựng và bảo vệ tổ quốc, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.
* Di tích lịch sử Kế Khấu Ly
Kế Khấu Ly theo tiếng của đồng bào Mông có nghĩa là đường ngã tư. Di tích lịch sử Kế Khấu Ly thuộc địa phận thôn Khấu Ly, xã Bản Mù liên quan đến con dốc cùng tên có chiều dài khoảng 300m. Đây chính là điểm du kích huyện Trạm Tấu đặt bom hất tung tên bang tá Cầm Ngọc Ninh xuống đầm lầy.
Theo lịch sử Đảng bộ huyện Trạm Tấu ghi: Ngày 8/12/1948, bang tá Cầm Ngọc Ninh, Lò Văn Ót đưa lính ngụy kéo lên Bản Hát, ngày hôm sau lên Bản Mù. Bang tá Cầm Ngọc Ninh cưỡi con ngựa hồng, tay lăm lăm súng Xten, bên hông là khẩu súng lục. Cán bộ và bộ đội ta đang ở Ít Ong được tin rút lên Bản Lừu. Các đồng chí Bùi Lạc, Nguyễn Duy Sinh, Quốc Trần và một số đồng chí họp bàn phương án tác chiến. Kế Khấu Ly được chọn làm trận địa vì đây là con đường mòn độc đạo, uốn cong như một vòng cung ôm lấy bãi đầm lầy. Nếu ta chiếm được các điểm cao và hai đầu con đường, phát hỏa lực mạnh bằng bom ba càng và súng máy thì có thể đẩy địch xuống bãi lầy. Đúng như dự đoán của ta, khoảng 1 giờ chiều, địch mới lên tới Bản Mù. Chờ địch nằm gọn trong ổ phục kích ta mới cho phát hỏa. Ba quả bom phát nổ hất cả người lẫn ngựa của Cầm Ngọc Ninh xuống sình lầy. Ngoài bang tá Cầm Ngọc Ninh phải đền tội, ta còn thu nhiều súng đạn, bắt một số lính đi lầm đường, giáo dục tư tưởng rồi thả cho về.
Trận Kế Khấu Ly thắng lợi không chỉ củng cố thêm vững chắc lòng yêu nước, niềm tin tất thắng của đồng bào các dân tộc vùng cao Trạm Tấu vào Đảng, vào cách mạng mà nó còn làm hoảng loạn tinh thần của quân Pháp tại Phân khu Nghĩa Lộ, tạo dựng cơ sở mở rộng hoạt động của đội vũ trang tuyên truyền tại địa bàn Trạm Tấu. Đặc biệt, với địa thế rừng núi hiểm trở, ta đã tạo thế trận bí hiểm, gây hoang mang trong hàng ngũ địch, đồng thời xây dựng khối đại đoàn kết các dân tộc trong vùng.
Chiến thắng Kế Khấu Ly còn là biểu trưng cho tinh thần dũng cảm, mưu trí, khả năng phán đoán, phân tích tài tình và lối đánh du kích, sử dụng vũ khí sáng tạo của quân, dân ta. Cách đánh trận Kế Khấu Ly trở thành điểm sáng vể chiến tranh du kích diệt tề trừ gian của nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái.
Năm 2008, địa danh Kế Khấu Ly được UBND tỉnh công nhận là di tích lịch sử, với diện tích được quy hoạch rộng 2,3 ha tại bản Khấu Ly. Chiến thắng Kế Khấu Ly và phong trào du kích ở Trạm Tấu đã nêu cao lòng yêu nước của đồng bào các dân tộc Mông, Thái vùng Trạm Tấu. Tinh thần cách mạng ấy đang tiếp lửa nhiệt huyết để lớp lớp thế hệ trẻ đồng bào các dân tộc huyện Trạm Tấu hôm nay góp sức dựng xây nông thôn mới, dựng xây vùng cao Trạm Tấu ngày thêm giàu đẹp.
Những tiềm năng thế mạnh của huyện Trạm Tấu:
1. Tiềm năng lợi thế
Trong tổng số diện tích tự nhiên của huyện còn tới trên 15.000 ha đất lâm nghiệp chưa được sử dụng. Đây là tiềm năng rất lớn để phát triển nghề rừng và chăn nuôi đại gia súc. Ngoài ra trên địa bàn huyện còn có mỏ quặng chì kẽm (chưa đánh giá được trữ lượng); nhiều điểm nước khoáng nóng tại trung tâm huyện được dùng để tắm và chữa bệnh; nhiều suối khe có độ dốc lớn là nguồn thủy năng vô tận để xây dựng các nhà máy thủy điện. Hiện nay trên địa bàn huyện đang xây dựng 2 nhà máy thủy điện Nậm Đông 3 và 4 có công suất 40MW với tổng vốn đầu tư trên 400 tỷ đồng. Đặc biệt, những cánh đồng lớn còn tạo ra cảnh quan hấp dẫn cho du lịch sinh thái…
2. Về cơ sở hạ tầng định hướng phát triển đến năm 2020
Là huyện vùng cao tuy còn khó khăn xong những năm gần đây bằng sự đầu tư, hỗ trợ từ các nguồn vốn của Chính phủ, của tỉnh và các tổ chức trong và ngoài nước huyện Trạm Tấu tập trung chỉ đạo tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong việc xây dựng cơ sở hạ tâng nông thôn, chuyển dịch cơ cấu sản xuất, quan tâm xây dựng và nâng cao chất lượng cuộc sống cho đồng bào các dân tộc trong huyện ngang bằng với các huyện trong khu vực.
– Định hướng phát triển chủ yếu là kết hợp chặt chẽ phát triển nông nghiệp với lâm nghiệp như chuyển đổi phương phương thức sản xuất, cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng bán công nghiệp và sản xuất hàng hoá. Tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển thương mại, dịch vụ nhằm giải quyết tốt việc làm cho người nông dân để ổn định và nâng cao mức sống.
+ Về lâm nghiệp chủ yếu tập trung trồng rừng phòng hộ và rừng kinh tế.
+ Về nông nghiệp tập trung đẩy mạnh khai hoang ruộng nước, trồng ngô, đậu, lạc. Giảm dần diện tích lúa nương.
+ Về chăn nuôi: Tập trung phát triển đàn trâu, bò, dê theo hướng bán công nghiệp để tạo ra nguồn thực phẩm sạch đủ tiêu dùng và xuất bán ra thị trường có nhu cầu.
+ Về tài nguyên khoáng sản: Khai thác các công trình hiện có. Đồng thời thu hút đầu tư xây dựng thuỷ điện vừa và nhỏ, khai thác quặng trì và chế biến nông sản, thực phẩm khai thác tại địa phương như chè san, nguyên liệu gỗ, quặng trì, vật liệu xây dựng.
+ Về du lịch tập trung khai thác và thu hút đầu tư xây dựng khu du lịch sinh thái, xây dựng khu tắm nước khoáng và thẳng cảnh thiên nhiên.
+ Về xây dựng cơ sở hạ tầng tập trung nâng cấp xây dựng đường giao thôn liên xã, liên huyện và liên tỉnh, các công trình thuỷ lợi. Xây dựng các điểm sinh hoạt cộng đồng tại trung tâm các xã, nâng cấp và xây dựng mới các trạm truyền thanh, truyền hình xã.
3. Chè Shan tuyết Phình Hồ
Được trồng trên độ cao từ 900- 1500m so với mực nước biển, độ ẩm cao, quanh năm mây mù, khí hậu ôn hoà, chè Shan tuyết Phình Hồ phát triển hoàn toàn tự nhiên, chắt lọc những tinh tuý của đất trời tạo nên một loại chè thơm ngon tinh khiết. Cho đến nay, vẫn chưa biết chính xác các cây chè Shan tuyết có trên đất Phình Hồ từ bao giờ nhưng tuổi thọ nhiều cây đã gần trăm năm tuổi, thân to, đường kính lên đến 40 – 50cm, lá và búp chè to khác hẳn với các loại chè khác. Cây chè mọc thẳng, tán rộng, cành lá xum xuê, lá chè to dày, xanh ngắt, búp mẩy, có nhiều lông tơ, trắng mịn trông như tuyết. Xã Phình Hồ, Trạm Tấu hiện có 150 ha chè Shan tuyết cổ thụ với hơn 300 nghìn cây chè cổ thụ hàng trăm năm tuổi. Những cây chè này đang tập trung chủ yếu ở các bản Tà Chừ, Phình Hồ, Chí Lư.
Thời gian qua, qua các kỳ hội chợ và giới thiệu của bạn bè, sản phẩm chè Shan tuyết Phình Hồ được quảng bá, giới thiệu đến người tiêu dùng và đã được nhiều người tiêu dùng chấp nhận. Chất lượng chè ở đây được đánh giá không kém chè Suối Giàng ở xã Suối Giàng, Văn Chấn. Hiện nay bình quân 1 kg chè sao bằng phương pháp thủ công sẽ bán được từ 130- 200 nghìn đồng. Với diện tích chè của xã Phình Hồ thì một năm sẽ thu hái đươc trên 120 tấn búp tươi, với giá bán hiện nay là trên 10 nghìn đồng/kg, mỗi năm thu về khoảng 1,6 tỷ đồng. Nhận thấy hiệu quả kinh tế của chè Shan Phình Hồ, huyện Trạm Tấu đã có những chiến lược quảng bá giới thiệu chè Phình Hồ với mong muốn đây không chỉ là thương hiệu của Phình Hồ mà trong một tương lai không xa, chè Shan sẽ mang thương hiệu của Trạm Tấu trở thành nông sản mang giá trị kinh tế cao, và là điểm du lịch hấp dẫn với du khách thập phương.
Song song với quá trình mời gọi đầu tư, triển khai thực hiện dự án khi có nhà đầu tư đến đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất chế biến chè Shan tại huyện Trạm Tấu, Trung tâm khuyến công Sở Công Thương Yên Bái sẽ phối hợp với Phòng Kinh tế và hạ tầng huyện Trạm Tấu, đơn vị đầu tư và các đơn vị liên quan xây dựng đề án khuyến công, xin hỗ trợ từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia với mục đích hỗ trợ, khuyến khích đơn vị trong việc đầu tưu xây dựng, góp phần xây dựng thương hiệu, phát triển sản phẩm chè Phình Hồ trên thị trường, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của vùng nguyên liệu cũng như lao động địa phương, nâng cao giá trị cây chè Shan Phình Hồ của huyện Trạm Tấu nói riêng và của tỉnh Yên Bái nói chung để sản phẩm không chỉ nổi tiếng trong nước và còn đủ sức chinh phục dân sành chè trên thế giới.
4. Du lịch mạo hiểm
Đỉnh Tà Chì Nhù thuộc xã Xà Hồ có độ cao 2.979m, đây là đỉnh núi cao nhất của huyện Trạm Tấu, núi cao thứ 6 của Việt Nam, nằm trong khối núi Pú Luông thuộc dãy Hoàng Liên Sơn, trên đỉnh Tà Chì Nhù có những câu chuyện đẹp như cổ tích với biển mây trắng ngập trời thu hút du khách đến khám phá và chiêm ngưỡng.
Đỉnh Tà Xùa, thôn Tà Xùa, xã Bản Công có đỉnh cao nhất 2.865m xếp thứ 10 trong những ngọn núi cao nhất Việt Nam, là nơi có “sống lưng khủng long”, một cung đường đầy thử thách. Từ trung tâm huyện vào bản Tà Xùa là quãng đường dài chừng 7km, nhưng để lên tới đỉnh cao nhất chỉ có một con đường đất độc đạo có độ dốc rất lớn là thử thách không dễ vượt qua dành cho bất kỳ ai muốn chinh phục. Dãy Tà Xùa mọc lên sừng sững tạo nên ranh giới tự nhiên giữa Yên Bái và Sơn La, với ba đỉnh hợp thành một kỳ quan vô cùng hùng vĩ. Đỉnh cao nhất chính là nơi dựng cột cờ Việt Nam trên độ cao 2.850m, tại đỉnh thứ hai hiện vẫn còn dấu tích của cột cờ cũ vốn được dựng từ thời Pháp thuộc. Đỉnh cao thứ ba nằm ở giữa, nó giống như vạch nối tạo thành sống lưng của một con khủng long thời tiền sử.