Giới thiệu khái quát huyện Lục Yên

huyện Lục Yên - Tỉnh Yên Bái

Giới thiệu khái quát huyện Lục Yên

Lục Yên là huyện miền núi nằm ở phía đông bắc của tỉnh Yên Bái,  tiếp giáp với các tỉnh Lào Cai, Hà Giang và Tuyên Quang, có số dân trên 10 vạn người thuộc 18 dân tộc anh em sinh sống trên địa bàn 24 xã và thị trấn, là 1 trong những vựa lúa của tỉnh Yên Bái.

Phía Bắc và phía Đông giáp huyện Hàm Yên – Tuyên Quang, huyện Quang Bình, huyện Bắc Quang – Hà Giang, phía Tây Bắc giáp huyện Bảo Yên – Lào Cai; phía Tây và phía Nam giáp huyện Văn Yên, huyện Yên Bình – Yên Bái.

Cùng dòng chảy lịch sử dân tộc, Lục Yên là một trong những điểm sáng về lòng yêu nước của nhân dân miền núi, chính tinh thần yêu nước đã tích tụ, đến khi có sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đã bùng lên thành bão lửa bất diệt thiêu cháy ách nô dịch của chủ nghĩa thực dân và phong kiến, hun đúc lên truyền thống yêu nước, tinh thần đấu tranh bất khuất, đoàn kết các dân tộc, cần cù, sáng tạo trong lao động và truyền thống văn hoá giàu giá trị thẩm mỹ và nhân văn.

Trước cách mạng tháng 8/1945, huyện có tên gọi là Châu Lục Yên, nằm án ngữ sườn phía tây căn cứ địa Việt Bắc, giữ vị trí hết sức quan trọng trong tuyến hành lang bảo vệ căn cứ hậu phương kháng chiến của cả nước, là cầu nối liền giữa căn cứ địa Việt bắc với chiến trường Tây bắc và tỉnh Lào Cai – Hà Giang. Lục Yên tự hào là vùng quê nhiều truyền thống đấu tranh cách mạng, có khu căn cứ Cổ văn với đội du kích áo chàm, nghe theo lời Đảng, cùng nhân dân các dân tộc trong huyện đứng lên đấu tranh vũ trang giành chính quyền về tay cách mạng sớm nhất tỉnh Yên Bái và trước tổng khởi nghĩa 19/8/1945 ở Hà Nội tới 40 ngày.

Ngay sau ngày giải phóng, nhân dân các dân tộc Lục Yên “Vừa kháng chiến, vừa kiến quốc “, hăng hái khôi phục kinh tế, hàn gắn vết thương chiến tranh, tích cực ủng hộ kháng chiến góp quỹ nuôi quân, lo gạo kháng chiến. Trong các chiến dịch lớn, mà đỉnh cao là chiến dịch Điện Biên Phủ, Lục Yên là huyện đóng góp nhiều nhất tỉnh Yên Bái về sức người, sức của. Tiễn đưa trên 1.700 thanh niên tòng quân ra mặt trận, giết giặc lập công, từng đoàn dân công Lục Yên hoà cùng dòng người hối hả ra trận, đóng góp trên 3 triệu ngày công mở đường phục vụ các chiến dịch, 350 công thuyền, trên 1.600 xe đạp thồ vận chuyển 300 tấn gạo vượt chặng đường gần 500 cây số đến tận mặt trận Điện Biên Phủ, góp phần cùng quân và nhân dân cả nước làm nên chiến thắng  lịch sử Điện Biên Phủ chấn động địa cầu. Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Đảng bộ và nhân dân Lục Yên đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của huyện hậu phương vừa chiến đấu, vừa sản xuất với tinh thần “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”. Trên 5.300 người con ưu tú của quê hương nối tiếp truyền thống “Lớp cha trước lớp con sau” lên đường cầm súng “xẻ dọc Trường sơn đi cứu nước” tham gia chiến đấu trên khắp các chiến trường. Ngoài sức người, Lục Yên còn chi viện cho tiền tuyến lớn trên 7.000 tấn lương thực, gần 3.000 tấn thực phẩm và trên 1 triệu ngày công phục vụ chiến đấu, góp phần công sức cùng cả nước làm nên Đại thắng mùa xuân 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thu non sông về một mối.

Bước ra khỏi chiến tranh, Lục Yên cũng là huyện miền núi có nhiều mất mát và hi sinh xương máu cho độc lập, tự do của dân tộc. Hơn 800 người con của quê hương Lục Yên là liệt sỹ, góp máu xương cho quê hương, đất nước được hoàn toàn độc lập – tự do, thêm vào đó là hơn 500 thương binh, bệnh binh; hàng nghìn người có công với cách mạng và 32 Bà mẹ Việt nam anh hùng. Chính những đóng góp to lớn đó và thành tích đặc biệt xuất sắc trong kháng chiến và trong sự nghiệp Đổi mới, Đảng bộ, Nhân dân các dân tộc và lực lượng vũ trang huyện Lục Yên vinh dự được Đảng và Nhà nước trao tặng danh hiệu cao quý “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”, “Anh hùng lao động” thời kỳ đổi mới.

Bước vào công cuộc đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo, với ý chí quyết tâm và tinh thần cần cù sáng tạo, lại được vun đắp bởi truyền thống lịch sử vẻ vang của đơn vị anh hùng, Đảng bộ huyện Lục Yên tiếp tục xác định công tác xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt, phát triển kinh tế bền vững là trọng tâm. 

Trên lĩnh vực phát triển kinh tế, trong những năm qua, mặc dù gặp không ít khó khăn do tác động của suy thoái kinh tế toàn cầu, tình hình thời tiết diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất, đời sống và thu nhập của nhân dân. Song vượt lên trên những khó khăn ấy, Đảng bộ huyện đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, bám sát địa bàn cơ sở, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nông dân, triển khai đồng bộ các giải pháp, tháo gỡ những vướng mắc, rào cản để đẩy mạnh sản xuất phát triển. 5 năm qua, Lục Yên luôn duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 16,5%/năm, cơ cấu kinh tế của huyện đã có những chuyển dịch tích cực: Năm 2014, sản xuất nông nghiệp chiếm 23%; công nghiệp, xây dựng 46,1%, thương mại, dịch vụ 31%, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 20 triệu đồng/năm, vượt thời gian và chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XX đề ra.

Sản xuất nông, lâm nghiệp có sự chuyển dịch tích cực, giảm dần tỷ trọng ngành trồng trọt, tăng tỷ trọng ngành chăn nuôi; chú trọng đẩy mạnh việc chuyển giao, ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất; xây dựng và triển khai thưcc hiện một số mô hình đạt hiệu quả tốt như cánh đồng mẫu lớn, hình thành vùng sản xuất lúa, ngô, tre măng Bát Độ, cây ăn quả có múi. Đưa vào sản xuất các loại giống mới có năng suất, chất lượng và giá trị kinh tế cao, đã đưa sản lượng lương thực hàng năm đạt trên 56.000 tấn, góp phần đảm bảo an ninh lương thực và cung cấp một phần lương thực cho thị trường.

Nhận thức đầy đủ xây dựng nông thôn mới là một chương trình tổng thể lớn, làm thay đổi cơ bản diện mạo nông thôn, thiết thực nâng cao đời sống nhân dân, Huyện đã xác định đây là một trong ba khâu đột phá của nhiệm kỳ 2010 – 2015. Qua 4 năm triển khai thực hiện, phong trào xây dựng nông thôn mới bước đầu đã đạt được những kết quả rõ rệt, diện mạo nông thôn mới của huyện không ngừng khởi sắc. Với sự chỉ đạo quyết liệt của Huyện ủy – HĐND –  UBND và Ban chỉ đạo chương trình xây dựng NTM của huyện, đến năm 2015, có 23/23 xã đạt từ 5 tiêu chí trở lên, trong đó có 10 xã đạt từ 10 tiêu chí trở lên, xã Liễu Đô là địa phương đầu tiên của huyện đạt chuẩn nông thôn mới.

Công nghiệp đã phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương, từng bước trở thành khâu đột phá trong phát triển kinh tế của huyện. Trong 5 năm gần đây, huyện khuyến khích, thu hút các thành phần kinh tế trong và ngoài nước tiếp tục đầu tư phát triển công nghiệp trên địa bàn, đầu tư xây dựng cụm công nghiệp Yên Thế theo qui hoạch, đến nay, huyện đã có 18 nhà máy, cơ sở sản xuất công nghiệp hoạt động có hiệu quả, trong đó có 02 doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài. Các ngành nghề thế mạnh của địa phương như sản xuất tranh đá quí, tượng đá, đá cảnh, sản xuất vật liệu xây dựng, khai thác, chế biến gỗ rừng trồng…phát triển mạnh mẽ. Giá trị sản xuất CN-TTCN đến năm 2015 đạt 1.025 tỷ đồng.

Điểm nổi bật quan trọng, đó là trong những năm qua, huyện đã tập trung chỉ đạo khai thác, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho việc xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội. Trọng tâm đầu tư các công trình giao thông, thủy lợi, điện và phục vụ sự nghiệp giáo dục, y tế và nhà văn hóa…Trong 5 năm 2010 – 2015 đã thu hút, đầu tư 4.520 tỷ đồng xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội. Các công trình đã và đang được khai thác sử dụng có hiệu quả, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ các giá trị văn hóa, tinh thần của nhân dân.

          Cùng với những thành tựu nổi bật, toàn diện trên lĩnh vực phát triển kinh tế, Huyện Lục Yên thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển văn hóa – xã hội từng bước nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân. Chất lượng giáo dục toàn diện không ngừng được nâng lên, năm 2015, toàn huyện có 31 trường học từ Mầm non đến THCS đạt chuẩn Quốc gia; 24/24 xã, thị trấn đạt chuẩn về y tế. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội đã trở thành nếp nghĩ và hành động tự giác của đa số cán bộ, đảng viên và nhân dân. Đến nay có 78% số thôn, bản, tổ dân phố; 94,5% số cơ quan, đơn vị và 73% số hộ gia đình đạt chuẩn văn hóa; 10 xã ra mắt xây dựng đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới. Khôi phục và tổ chức nhiều lễ hội truyền thống như hội chọi trâu, lễ hội đền Đại Cại, đền Suối Tiên…Các chính sách an sinh xã hội, đền ơn đáp nghĩa thường xuyên được các cấp ủy Đảng, Chính quyền, MTTQ và các đoàn thể từ huyện đến cơ sở quan tâm thực hiện tốt.

          Công tác quốc phòng, an ninh được xác định là nhiệm vụ trọng yếu thường xuyên, từ nhận thức đúng đắn ấy, trong những năm qua, huyện Lục Yên đã làm tốt công tác đảm bảo an ninh trật tự, nhất là an ninh tôn giáo, an ninh nông thôn, xây dựng nền quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân ngày càng được củng cố vững chắc. Tập trung chỉ đạo giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân, xử lý dứt điểm vụ việc phức tạp, tồn đọng kéo dài, giữ ổn định tình hình chính trị ở địa phương. Công tác cải cách hành chính đã được thực hiện đồng bộ, tạo nhiều chuyển biến rõ nét, việc giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế “một cửa” đã đi vào nền nếp.

Trong công tác xây dựng Đảng, Đảng bộ huyện đã chú trọng nâng cao chất lượng công tác giáo dục tư tưởng chính trị, đẩy mạnh “học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XI). Coi trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng và luân chuyển cán bộ, công chức, viên chức từ huyện đến xã, thị trấn và các trường học… Hoạt động của MTTQ và các đoàn thể từ huyện đến cơ sở có nhiều tiến bộ, nhiều phong trào thi đua đã thu hút đông đảo đoàn viên, hội viên tham gia như phong trào 5 xung kích phát triển kinh tế – xã hội, phong trào thi đua lao động sản xuất kinh doanh giỏi trong các cấp hội nông dân, phong trào công nhân giỏi, sáng kiến, sáng tạo của công đoàn… 

Trong thời gian tới, để tiếp tục thực hiện thắng lợi mục tiêu nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2015 – 2020 và Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của huyện đến năm 2020, phấn đấu xây dựng huyện có nền kinh tế vững mạnh, các tiềm năng thế mạnh của huyện được khai thác tối đa; trên cơ sở phát triển nông nghiệp bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới tạo tiền đề cho ngành công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp phát triển vượt bậc. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện  Lục Yên tiếp tục tập trung thực hiện 3 khâu đột phá chiến lược, phát triển kinh tế theo hướng năng suất, chất lượng, hiệu quả, bảo đảm phát triển nhanh và bền vững, nhất là lĩnh vực công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp; nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Nâng cao chất lượng chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp – công nghiệp – dịch vụ; chú trọng công tác bảo vệ và cải thiện môi trường, hoàn thành chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới, tăng cường quản lý đất đai, xây dựng quy hoạch và quản lý theo quy hoạch; tích cực chăm lo phát triển văn hóa; bảo đảm an sinh xã hội; thực hiện tốt công tác quân sự quốc phòng địa phương, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội; tiếp tục tạo bước chuyển biến mạnh mẽ về công tác xây dựng Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức Đảng; năng lực chỉ đạo, điều hành của bộ máy chính quyền; chất lượng hoạt động của MTTQ và đoàn thể nhân dân các cấp. 

Tài nguyên đất

Tài nguyên đất ở huyện về nguồn gốc phát sinh phân ra thành 2 hệ đất chính, đó là hệ đất phù sa do sông Chảy bồi đắp và hệ đất Feralit phát triển trên nền địa chất đa dạng của địa hình đồi núi. Đất thung lũng ven sông chảy, ven hồ có khả năng trồng hoa màu, lúa nước, cây công nghiệp ngắn ngày, gồm nhiều cánh đồng phì nhiêu, vựa lúa của huyện như Mường Lai, Vĩnh Lạc, Liễu Đô, Yên Thắng, Minh Xuân, Minh Chuẩn…Với diện tích đất tự nhiên là 80.694,8ha trong đó đất nông nghiệp là 9.851 ha chiếm 14,7% tổng diện tích tự nhiên, đất lâm nghiệp là 29.686ha, đất chuyên dùng là 5.230 ha; đất ở là 649 ha; đất hồ Thác Bà là 3.920 ha; đất đưa vào canh tác là 31.357 ha.

Tài nguyên rừng

Trước đây, ở Lục Yên diện tích rừng tự nhiên khá rộng với nhiều loại gỗ quí như lát hoa, sến, táu, chò chỉ…và bạt ngàn tre nứa. Thú quí có hổ, gấu, lợn rừng, cầy hương, nai, hoẵng…Nhưng do phá rừng làm nương rẫy và khai thác khá ồ ạt, kéo dài dẫn đến diện tích rừng bị giảm mạnh. Một số loài thú quý không còn. Diện tích rừng tự nhiên hiện nay chỉ còn 18.315 ha, diện tích rừng sản xuất là 3.042 ha, rừng phòng hộ là 15.273 ha. Rừng và tài nguyên rừng một trong những thế mạnh của huyện.

Tài nguyên nước

Chế độ thủy văn của huyện khá phong phú nhờ hệ thống sông, suối, ngòi phân bổ đều, nguồn nước dồi dào phục vụ nhu cầu đời sống sinh hoạt và nhiều ngành kinh tế quốc dân, có tiềm năng thủy lợi, thủy điện. Nguồn nước tự nhiên của huyện phong phú, có 6,6% diện tích tự nhiên là mặt nước cung cấp nước cho sinh hoạt, sản xuất và phát triển nghề thủy sản. Tuy nhiên, về mùa mưa lũ, khi mưa lớn, đột ngột thường xảy ra lũ cục bộ vài nơi, gây trở ngại cho đời sống và sản xuất của địa phương.  

Tài nguyên khoáng sản

Tài nguyên, khoáng sản cũng là một trong những tiềm năng, thế mạnh của huyện. Về khoáng sản quý có pirit, phôtphorit, đá quy, than đã được xác định trữ lượng và bước đầu đi vào khai thác. Vàng sa khoáng phân bổ ở nhiều vùng. Những năm trước đây, nói về các vùng đá quý nổi tiếng không chỉ trong nước mà cả trên thế giới, không thể không nhắc đến vùng đá quý Lục Yên của tỉnh Yên Bái. Với thứ đá Ruby quý hiếm với độ cứng và mầu sắc của nó được xếp vào loại đầu bảng được phát hiện tại đây, Lục Yên một thời được mệnh danh là vùng đất ngọc. Còn giờ đây, khi nhắc đến Lục Yên, người ta lại nói về vùng đất của đá hoa trắng với trữ lượng lớn phục vụ xuất khẩu và làm đồ mỹ nghệ đạt chất lượng cao. Nguồn tiềm năng thiên nhiên ban tặng đã tạo nhiều cơ hội cho phát triển kinh tế – xã hội của huyện Lục Yên.

Dân số huyện Lục Yên

Tổng dân số của huyện trên 100.000 người, với trên 48.000 lao động trong độ tuổi. Huyện có 23 xã và 1 thị trấn, trong đó có 7 xã nằm dọc quốc lộ 70 và 11 xã ven hồ Thác Bà.

Di tích lịch sử – Văn hóa ở Lục Yên

Truyền thống lịch sử của huyện Lục Yên gắn liền với lịch sử mấy ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Là miền đất có bề dày truyền thống văn hóa, lịch sử, nhân dân các dân tộc huyện Lục Yên có tinh thần yêu nước nồng nàn, đấu tranh bất khuất chống các thế lực phong kiến và ngoại xâm; cần cù sáng tạo trong lao động sản xuất. Truyền thống tốt đẹp đó được nhân lên một tầm cao mới kể từ khi có sự lãnh đạo của Đảng mà trực tiếp là Đảng bộ tỉnh Yên Bái và Đảng bộ huyện Lục Yên.

Ghi nhận những đóng góp và thành quả của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân và các lực lượng vũ trang huyện. Đảng, Nhà nước đã trao tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân trong thời kỳ chống thực dân Pháp cho Huyện Lục Yên và xã Mường Lai; danh hiệu Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới cho nhân dân và cán bộ huyện Lục Yên.

Hang Hùm: Dấu vết cổ xưa nhất về người Việt cổ ở Lục Yên, là một trong nhiều hang của dãy núi chùa thuộc xã Tân Lập huyện Lục Yên, đây là nơi cư trú khá lý tưởng của người cổ đại (hiện nay đã bị ngập nước do hồ thủy điện Thác Bà). Tại đây năm 1964 các chuyên gia khảo cổ học người Đức và Viện khảo cổ học Việt Nam phát hiện hàng trăm hóa thạch của những động vật sống Kỷ Cảnh Tân cùng 4 răng của người vượn niên đại 14,8 vạn năm trước.

Văn hóa Sơn Vi

Tại Lục Yên những di tích văn hóa Sơn Vi đầu tiên phát hiện vào năm 1980 đến nay đã có 6 địa điểm trong đó đáng lưu ý nhất là điểm Làng Mủng cùa khu Đền Đại Cại (đều thuộc xã Tân Lĩnh) đây là những công cụ bằng đá cuội không có dấu vết gia công hoặc được ghè đẽo thô sơ nhưng có dấu vết sử dụng, niên đại cách ngày nay trên dưới 1 vạn năm.

Thời đồ đồng, đồ sắt

Đây là thời đại của văn hóa Đông Sơn cách đây trên dưới 2000 năm, hiện vật tiêu biểu được phát hiện là Trống Đồng làng Vặc (xã Minh Xuân), Rìu, Giáo đồng ở Khau Xẻn (xã An Phú) hiện đang được lưu giữ ở Bảo tàng tỉnh, mũi tên đồng ở Hang São (xã Tân Lập).

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây