Giới thiệu khái quát huyện Văn Lãng

Giới thiệu khái quát huyện Văn Lãng

Giới thiệu khái quát huyện Văn Lãng

Văn Lãng là một huyện vùng cao, biên giới của tỉnh Lạng Sơn, tiếp giáp với huyện Văn Quan, Cao Lộc, Tràng Định, Bình Gia, Bằng Tường (Trung Quốc). (Việt Nam) và huyện

Tại Văn Lãng có 4 dân tộc chính sinh sống là Kinh, Tày, Nùng và Hoa. Tổng dân số là 40.172 người (2007), tỷ lệ người dân tộc là 95%.

Diện tích tự nhiên là 56.330,46 hécta. Huyện có 19 xã (Tân Việt, Trùng Quán, Trùng Khánh, Thuỵ Hùng, Thanh Long, Nam La, Hội Hoan, Gia Miễn, Bắc La, Tân Tác, Tân Lang, An Hùng, Thành Hoà, Hoàng Việt, Tân Thanh, Tân Mỹ, Hoàng Văn Thụ, Hồng Thái, Nhạc kỳ) và 1 thị trấn Na Sầm. Có tổng số 50 trường học, 6 cụm chợ chính là chợ Na Sầm, chợ Tân Thanh, chợ Nà Hình, chợ Hoàng Văn Thụ, và chợ Hội Hoan.

Huyện có chợ biên giới với Trung Quốc, nổi tiếng nhất là chợ cửa khẩu Tân Thanh. Huyện có ngọn núi cao là Khâu Khú thuộc xã Thanh Long, với độ cao khoảng 800m so với mặt nước biển.

Nơi đây là quê hương của đồng chí Hoàng Văn Thụ, một nhà cách mạng Việt Nam.

1. Điều kiện tự nhiên:

a) Vị trí địa lý:

Văn Lãng là một Huyện miền núi, biên giới nằm ở phía Đông Bắc tỉnh Lạng Sơn, cách trung tâm Tỉnh Lỵ 30 km, có đường quốc lộ 4A đi qua dài 32km. Có đường biên giới Quốc gia giáp với nước cộng hoà nhân dân Trung Hoa dài 36 km. Huyện có 20 đơn vị hành chính (19 xã và 1 thị trấn).

Địa giới hành chính như sau:

– Phía Bắc giáp huyện Tràng Định.

– Phía Nam giáp huyện Cao Lộc và huyện Văn Quan.

– Phía Đông giáp nước cộng hoà nhân dân Trung Hoa.

– Phía Tây giáp huyện Bình Gia.

Với vị trí địa lý như trên, rất thuận lợi cho huyện Văn Lãng phát triển, giao lưu kinh tế, văn hoá – xã hội, từng bước hoà nhập với nền kinh tế của Tỉnh và khu vực. Đặc biệt là phát triển thương mại, du lịch, dịch vụ tại cửa khẩu và các cặp chợ đường biên giữa huyện Văn Lãng với Thị Xã Bằng Tường, tỉnh Quảng Tây – Trung Quốc.

b) Địa hình:

Địa hình chia cắt mạnh, có nhiều núi cao, xen kẽ là các cánh đồng thung lũng hẹp ven sông, suối và núi đá vôi.

Dạng hình núi đất là chủ yếu, có độ dốc trên 250 chiếm 88% diện tích tự nhiên, thích hợp cho trồng rừng, khoanh nuôi tái sinh rừng tự nhiên, một số vị trí thấp có thể phát triển trồng cây ăn quả, trồng hồi…

Dạng địa hình núi đá, chủ yếu ở xã Tân Thanh, Tân Mỹ, Tân Lang, Hoàng Việt, Hoàng Văn Thụ, Trùng Quán, An Hùng với diện tích khoảng 2.800 ha chiếm 4,99% diện tích đất tự nhiên.

Các dải thung lũng hẹp, vùng cánh đồng phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp, có diện tích 3.505 ha chiếm 6,25% diện tích tự nhiên.

Các dải đồi có độ dốc thấp (8-250) không nhiều, diện tích khoảng 950 ha rất thuận lợi cho trồng cây ăn quả, cây công nghiệp dài ngày như chè, hồi…

c) Khí hậu:

Huyện Văn Lãng nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa. Hàng năm được thể hiện 4 mùa rõ rệt (Xuân, Hạ, Thu, Đông). Mùa Hạ nóng ẩm, mưa nhiều; mùa đông lạnh,  khô hanh và ít mưa. Nhiệt độ trung bình hàng năm là 240C.

Lượng mưa bình quân hàng năm: 1.540 mm số ngày có mưa 134 ngày. Do sự phân bố lượng mưa không đồng đều nên gây khó khăn cho sản xuất nông nghiệp và giao thông đi lại. Hạn hán kéo dài vào mùa khô.

Độ ẩm không khí bình quân từ 82% trở lên.

Hướng gió thịnh hành là Đông Bắc và Tây Nam. Đây là vùng không bị ảnh hưởng của gió bão, nên thích hợp cho trồng các loại cây dài ngày, đặc biệt là cây ăn quả.

d) Các nguồn tài nguyên thiên nhiên:

* Tài nguyên đất: Đất đai của Huyện gồm 8 loại chính sau:

– Đất đỏ vàng trên đá sét (Fs): 26.200 ha chiếm 46,71% đất tự nhiên.

– Đất vàng nhạt trên đá cát ( Fq): 3.500 ha chiếm 6,24% diện tích đất tự nhiên.

– Đất vàng đỏ trên đá macma axít (Fa): 20.450 ha chiếm 36,46% diện tích tự nhiên.

– Đất đỏ vàng biến đổi do trồng lúa (Fl): 850 ha chiếm 1,52% diện tích tự nhiên.

– Đất màu vàng trên phù xa cổ (F/P): 40 ha chiếm 0,07% diện tích tự nhiên.

– Đất phù xa ngòi suối (Py): 100 ha chiếm  0,18% diện tích tự nhiên.

– Đất phù xa (P): 509,42 ha  chiếm 0,91% diện tích tự nhiên.

– Đất dốc tụ (D): 1050 ha chiếm 1,87 % diện tích tự nhiên.

+ Sông suối: 592,58 ha chiếm 1,06% diện tích tự nhiên.

+ Núi đá: 2.800 ha chiếm 4,99% diện tích tự nhiên.

Tổng diện tích đất tự nhiên của Huyện là: 56.092,2 ha.

Tiềm năng đất đai của Huyện còn khá lớn với 26.090,3 ha đất đồi núi chưa sử dụng, là nguồn lực để khai đưa vào phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp.

Tài nguyên rừng: theo tài liệu thống kê năm 2005, đất có rừng của Huyện khá lớn 17.132,95 ha chiếm 30,54% tổng diện tích đất tự nhiên. Trong đó:

– Diện tích rừng tự nhiên:14.248,49 ha chiếm 83% diện tích đất có rừng.

– Diện tích rừng trồng: 2.884,46 ha chiếm 17% diện tích đất có rừng.

* Tài nguyên nước:

Huyện Văn Lãng có nguồn nước ngầm và nước mặt khá lớn, rất thuận lợi cho phát triển sản xuất và đời sống của nhân dân. Huyện có 2 sông lớn chảy qua đó là: Sông Kỳ Cùng và sông Văn Mịch. Có hệ thống suối dày đặc, có 4 suối lớn là suối Tân Mỹ, Khuổi Slin, Khuổi Rào, Thanh Long và hệ thống mạng lưới các khe suối có khả năng cung cấp nước cho sinh hoạt và phục vụ sản xuất. Ngoài các hệ thống sông suối ra, trên địa bàn Huyện còn có các hồ, đập lớn, nhỏ như: Nà Pàn (Hoàng Văn Thụ); Kéo Páng (Nhạc Kỳ); Nà Piya     (Tân Việt)…có khả năng phục vụ nước tưới cho sản xuất nông nghiệp.

* Tài nguyên khoáng sản: Tài nguyên khoáng sản trên địa bàn huyện Văn Lãng nghèo nàn, trữ lượng nhỏ như: Quặng sắt ở xã An Hùng, Tân Thanh… ngoài ra còn có núi đã vôi, cát, sỏi… có thể khai thác để sản xuất vật liệu xây dựng.

2. Điều kiện kinh tế – xã hội:

Trong những năm qua, thực hiện công cuộc đổi mới đất nước, nền kinh tế của huyện Văn Lãng luôn được ổn định và phát triển. Tăng trưởng GDP trong năm (2000-2005) tăng 12%. Thu nhập bình quân đầu người từ 3,5 triệu đồng năm 2000 lên 5 triệu đồng năm 2005. Tỷ lệ hộ đói nghèo giảm từ 18,2% năm 2000 xuống còn 7,8% năm 2005. Thu ngân sách năm 2000 đạt  5,8 tỷ đồng, năm 2005 đạt 17,8 tỷ đồng. Bình quân lương thực đạt 430 kg/người/năm.

Nhìn chung nền kinh tế của Huyện có sự chuyển dịch đúng hướng giảm dần tỷ trọng ngành nông – lâm nghiệp, tăng dần tỷ trọng ngành công nghiệp – xây dựng, thương mại và dịch vụ. Tuy nhiên tốc độ tăng trưởng nền kinh tế còn chậm, chưa vững chắc; sản xuất công nghiệp – thủ công nghiệp còn nhỏ bé; sản xuất nông- lâm nghiệp vẫn là chủ yếu…

a) Thực trạng phát triển các ngành kinh tế:

* Ngành nông – lâm nghiệp: Huyện Văn Lãng xác định phát triển nông nghiệp là ngành sản xuất chính, đây chính là nguồn thu chính của người dân trong huyện. Trong mấy năm gần đây nhờ có sự chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng các loại giống mới có năng xuất cao, tích cực chuyển giao kịp thời các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, cho nên mặt trận nông nghiệp đã thu được những kết quả tốt, diện tích năng xuất, sản lượng các cây trồng đều tăng năm sau cao hơn năm trước. Diện tích từ 3.900 ha năm 2000 lên 4.200 ha năm 2005 (do khai phá); năng xuất từ 30 tạ/ha năm 2000 lên 45 tạ/ha năm 2005; sản lượng lương thực có hạt  từ 17.050 tấn năm 2000 lên 21.250 tấn năm 2005…

Song song với trồng trọt ngành chăn nuôi luôn ổn định và có chiều hướng phát triển, tăng cả số lượng và chất lượng. Đến năm 2005 toàn huyện có hơn 17.000 con trâu; 4000 con bò; 25.270 con lợn và 320.000con gia cầm…

Từ ngày thực hiện chính sách giao đất, giao rừng cho hộ gia đình, cộng với việc thực hiện các chương trình dự án đến nay công tác trồng rừng, khoanh nuôi bảo vệ rừng đã thu được kết quả đáng khích lệ. Toàn Huyện có trên 21.000 ha rừng sản xuất gần 2.000 ha rừng phòng hộ đầu nguồn… góp phần đưa độ che phủ của rừng đạt 48%. Kinh tế trang trại nhỏ, vừa từng bước được phát triển.

* Công nghiệp – thủ công nghiệp (CN-TCN);

Để hình thành và phát triển một số cơ sở sản xuất nhỏ như: Xay xát, chế biến lâm sản, sản xuất vật liệu xây dựng (gạch, ngói)… toàn Huyện có hơn 70 cơ sở và 28 hợp tác xã sản xuất thủ công nghiệp, thu hút gần 1000 lao động. Giá trị sản xuất CN-TCN đạt 20,594 tỷ đồng.

* Thương mại – dịch vụ:

Hoạt động thương mại dịch vụ có tốc độ phát triển tăng trưởng khá. Hệ thống chợ trung tâm cụm xã, chợ trung tâm huyện và các cặp chợ cửa khẩu phát triển cơ bản đáp ứng được nhu cầu lưu thông hàng hoá, phục vụ thiết thực cho sản xuất và đời sống của nhân dân địa phương, thương nghiệp Quốc doanh bảo đảm tốt việc cung ứng các mặt hàng thiết yếu cho đồng bào vùng sâu, Khu kinh tế cửa khẩu Tân Thanh, các dịch vụ bốc xếp hàng hoá, sửa chữa, vận tải, bưu chính viễn thông phát triển. Hiện nay toàn huyện có trên 300 cơ sở kinh doanh, thương mại, dịch vụ, khách sạn, nhà hàng. Tiếp tục kêu gọi các nhà đầu tư vào các cặp chợ cửa khẩu đặc biệt vào Khu kinh tế cửa khẩu Tân Thanh…

b) Thực trạng cơ sở hạ tầng:

* Về giao thông: Mạng lưới giao thông luôn được huyện quan tâm phát triển. Bằng nguồn vốn của địa phương, của Tỉnh, của Trung ương, nhất là chương trình 120, 135 của Chính phủ. Đến nay đường giao thông đến trung tâm các xã đạt 100% trong đó có 90% đi lại được 4 mùa. Đường Quốc lộ 4A, đường Tỉnh lộ được Nhà nước quan tâm đầu tư nâng cấp…đã góp phần lưu thông, vận chuyển hàng hoá thúc đẩy kinh tế – xã hội phát triển, bảo đảm Quốc phòng – An ninh.

* Thuỷ lợi: Tập trung xây dựng và nâng cấp các công trình thuỷ lợi hiện có như:  các hồ đập, kênh mương nội đồng được kiên cố hoá. Toàn Huyện có 12 công trình thuỷ lợi kiên cố, 96 công trình thuỷ lợi nhỏ…đã đáp ứng phần lớn diện tích sản xuất nông nghiệp.

c) Giáo dục – đào tạo, y tế văn hoá xã hội:

* Giáo dục: Toàn huyện có 50 đơn vị trường trong đó Mầm non là 15; Tiểu học 20; Trung học cơ sở 13; Trung học phổ thông 01; Giáo dục thường  xuyên 01. Toàn Huyện đã phổ cập song giáo dục tiểu học và trung học cơ sở. Xây dựng được 4 trường đạt chuẩn Quốc gia. Chất lượng dạy và học của nhà trường ngày càng được nâng lên, cơ sở vật chất trường lớp được đầu tư xây dựng cơ bản được đáp ứng…

* Y tế: Mạng lưới y tế của Huyện phát triển đến tận thôn bản. Toàn Huyện có 1 bệnh viện trung tâm, 2 phân viện đa khoa khu vực, 20/20 xã, thị trấn đều có trạm xá. Đội ngũ cán bộ y tế cơ bản được đáp ứng, bảo đảm chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân. Tiêm chủng hàng năm đạt 97% trở lên.

* Văn hoá – xã hội: Cùng với sự phát triển kinh tế văn hoá – xã hội của Huyện cũng được phát triển, phong trào văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao được tăng cường; các tệ nạn xã hội được đấu tranh ngăn chặn và thu được kết quả tốt. Toàn Huyện có 5 trạm tiếp sóng truyền hình, dần dần đáp ứng nhu cầu nghe nhìn của nhân dân.

d) Dân số và lao động:

Toàn huyện có 40.172 người (năm 2007) trong đó: Dân số nông thôn có 46.225 người; thành thị 3.651 người. Toàn Huyện có 10.135 hộ gồm 4 dân tộc chính (Tày, Nùng, Kinh, Hoa) sinh sống trên 215 thôn bản. Mật độ dân số khoảng 90 người/km2, sự phân bố dân số không đều, chủ yếu là tập trung ở thị trấn, thị tứ, tại cửa khẩu và ven đường giao thông chính.

Tổng số lao động trong toàn Huyện là 26.250 người chiếm 53% tổng số dân. Theo đánh giá chung, mức sống của người lao động còn thấp, nhất là vùng nông thôn, vấn đề dân số, lao động và tạo việc làm được huyện quan tâm như: Thực hiện các biện pháp kế hoạch hoá gia đình; chuyển đổi ngành nghề để thu hút lao động; tham gia xuất khẩu lao động…

3. Thực trạng môi trường:

 Với đặc thù là Huyện miềm núi, địa hình dốc bị chia cắt mạnh, nên hiện tượng suy thoái đất bị xói mòn, bạc màu diễn ra nhanh chóng. Cùng với việc phát triển mạnh sản xuất nông nghiệp, dùng nhiều phân bón hoá học, thuốc trừ sâu trên đồng ruộng; việc thu gom và xử lý rác thải chưa tốt nên tác động đến môi trường nước, không khí và ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất.

4. Đánh giá chung về thực trạng phát triển kinh tế – xã hội:

Trong những năm gần đây nền kinh tế xã hội của Huyện luôn ổn định và có bước phát triển mới.Tốc độ tăng trưởng trung bình trong 5 năm là 12%. Cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch đúng hướng, song tỷ trọng giữa các nhóm ngành còn chênh lệch cao: Ngành nông – Lâm nghiệp 51%; Ngành công nghiệp – xây dựng 20%; Ngành thương mại – dịch vụ 29%. Như vậy tỷ trọng trong ngành nông – lâm nghiệp còn rất cao; trong khi đó tỷ trọng của 2 nhóm ngành còn lại đạt được còn thấp. Nếu như đánh giá khách quan thì nền kinh tế phát triển với tốc độ chậm, chưa bền vững.

Kết cấu hạ tầng cơ sở đã được quan tâm đầu tư cải tạo, sửa chữa, nâng cấp, đáp ứng tương đối tốt sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội, an ninh – quốc phòng của Huyện nhà. Tuy nhiên so với nhu cầu vẫn chưa được đáp ứng đầy đủ.

Khu vực thương mại – dịch vụ có vị trí rất quan trọng trong cơ cấu kinh tế, nên cũng đã được Huyện quân tâm đầu tư xây dựng, nhất là tại Khu kinh tế cửa khẩu Tân Thanh, các chợ trung tâm, các chợ trung tâm cụm xã. Các dịch vụ, thương mại đang có chiều hướng phát triển mạnh.

Tài nguyên thiên nhiên tuy đã được đầu tư khai thác, song tiềm năng vẫn còn khá lớn, nhất là tài nguyên về đất đai, tài nguyên rừng, tài nguyên nước. Cùng với đó là nguồn nhân lực khá dồi dào chưa được khai thác hết

Văn hoá – xã hội đã có sự chuyển biến tích cực, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được cải thiện và nâng cao rõ rệt. Số hộ nghèo có chiều hướng giảm dần, các chính sách xã hội khác được quan tâm, các tệ nạn xã hội tiếp tục được đẩy lùi.

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây