Giới thiệu khái quát thành phố Bến Tre

Giới thiệu khái quát thành phố Bến Tre - Tỉnh Bến Tre - vansudia.net

Giới thiệu khái quát thành phố Bến Tre

Thành phố Bến Tre, trực thuộc tỉnh Bến Tre, được thành lập theo Nghị quyết số 34/2009/NQ-CP của Thủ tướng Chính phủ vào ngày 11 tháng 8 năm 2009; với tổng diện tích tự nhiên là 6.748,62 ha, quy mô dân số là 147.140 người, gồm 16 đơn vị hành chính cấp xã: phường 1, phường 2, phường 3, phường 4, phường 5, phường 6, phường 7, phường 8, phường Phú Khương, phường Phú Tân, xã Sơn Đông, xã Bình Phú, xã Phú Hưng, xã Mỹ Thạnh An, xã Phú Nhuận, xã Nhơn Thạnh.

Thành phố Bến Tre cách thành phố Hồ Chí Minh 86km, cách thành phố Mỹ Tho 15km, cách thành phố Cần Thơ 114km.  Thành phố Bến Tre là nơi có Quốc lộ 60 đi qua để đi đến các tỉnh Vĩnh Long, Trà Vinh, Sóc Trăng. Đây là tuyến giao thông huyết mạch dọc biển Đông, có ý nghĩa quan trọng về an ninh quốc phòng, hình thành tuyến phòng thủ ven biển. Là một mắt xích quan trọng trong việc nối kết chuỗi các đô thị Thành phố Hồ Chí Minh – Long An – Tiền Giang – Bến Tre – Trà Vinh – Vĩnh Long.

Nằm trong vùng chịu ảnh hưởng của yếu tố khí hậu nhiệt đới gió mùa quanh năm nóng ẩm, có chế độ nhiệt tương đối cao, nhiệt độ không khí trung bình hàng năm 27oc. Độ ẩm không khí trung bình từ 83 đến 90%. Trong năm, khí hậu chia thành 2 mùa rõ rệt: mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 11, mùa khô từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau. Lượng mưa bình quân năm 1.210-1.500 mm/năm; lượng mưa phân bố không đều giữa các tháng trong năm, trong mùa mưa lượng mưa chiếm 94-98% tổng lượng mưa cả năm.

Thành phố Bến Tre có địa hình tương đối bằng phẳng với hệ thống kênh rạch khá chằng chịt, cao độ trung bình so với mặt nước biển từ 1-1,5m; là vùng đất nổi phù sa trên nền đất thấp được bao bọc bởi sông Hàm Luông về phía Tây, sông Bến Tre về phía Nam, kênh Chẹt Sậy về phía Đông. Trong khu vực nội ô có rạch Cái Cá, rạch Cá Lóc, rạch Kiến Vàng và rạch Gò Đàng.

Tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm khoảng 14%, cơ cấu các ngành kinh tế đến năm 2012: Thương mại – dịch vụ chiếm khoảng 62,71%, công nghiệp – xây dựng chiếm 33,88%, nông lâm thuỷ sản chiếm 3,41%. Thu nhập bình quân đầu người 53,8 triệu đồng/người/năm.

Về lĩnh vực thương mại – dịch vụ – du lịch: từ khi được công nhận thành phố, hệ thống trung tâm thương mại, chợ đầu mối được đầu tư nâng cấp, đảm nhận chức năng phân phối hàng hoá cho các chợ khu vực, xã phường và chợ huyện. Mạng lưới chợ trung tâm, chợ xã phường được xây dựng, nâng cấp và cải tạo. Loại hình siêu thị với hình thức kinh doanh hiện đại văn minh đã phát triển phục vụ tốt nhu cầu mua sắm của người dân thành phố Bến Tre.

Hoạt động tín dụng, ngân hàng có bước phát triển nhanh, nhiều ngân hàng thương mại cổ phần đã lập chi nhánh tại thành phố Bến Tre, đáp ứng nhu cầu về vốn cho nhân dân, các doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh.

Về cơ sở nghỉ dưỡng, du lịch có 42 khách sạn, nhà khách, nhà hàng thuộc các thành phần kinh tế có khả năng đảm nhận hàng ngàn lượt khách đến nghỉ ngơi, hội thảo, hội nghị, du lịch…

Các trung tâm điều hành du lịch liên kết giữa các công ty du lịch trong và ngoài tỉnh với các nhà vườn tổ chức các tour du lịch sinh thái, tham quan các nhà vườn ở xã Mỹ Thạnh An, Phú Nhuận và Nhơn Thạnh, làm nơi dừng chân để tham quan các khu du lịch trong tỉnh.

Về lĩnh vực công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp: thành phố Bến Tre có khoảng 1000 doanh nghiệp và cơ sở sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp có quy mô vừa và nhỏ, chủ yếu sản xuất các sản phẩm truyền thống từ dừa, may mặc, chế biến phục vụ cho xuất khẩu…

Về lĩnh vực nông nghiệp – thuỷ sản: sản xuất nông nghiệp theo hướng chuyên canh, chú trọng chất lượng nông sản, hàng hóa phục vụ cho xuất khẩu với chỉ tiêu là nâng cao thu nhập trên đơn vị diện tích cây trồng và vật nuôi, ngày càng được người dân hưởng ứng và nhân rộng, đa số các hộ thực hiện đạt và vượt thu nhập 50 triệu đồng/ha/năm.

Nuôi thủy sản chủ yếu nuôi tôm càng xanh mương vườn và cá nước ngọt, ngoài ra còn có 02 cơ sở sản xuất cá giống, tôm giống với sản lượng hàng năm đạt 127 triệu con.

Về chăn nuôi: do đô thị hóa nhanh nên chăn nuôi dần bị thu hẹp lại. Chủ yếu chăn nuôi trang trại nhỏ lẻ theo hộ gia đình ở các xã vùng ven thuộc ngoại ô thành phố.

Giáo dục – đào tạo thành phố Bến Tre được quan tâm đầu tư nên chất lượng dạy và học tiếp tục được duy trì và không ngừng nâng cao. Mạng lưới trường lớp từ cấp học mầm non đến phổ thông phát triển rộng khắp, tạo điều kiện cho học sinh đi học đúng tuổi. Cơ sở vật chất trường học ngày càng hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu dạy và học. Toàn thành phố Bến Tre có 16 trường đạt chuẩn Quốc gia. Đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý tiếp tục được tăng cường theo hướng chuẩn hóa. Duy trì kết quả phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập giáo dục trung học cơ sở. Có 14/16 xã phường đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học.

Trên địa bàn thành phố Bến Tre có 19 cơ sở y tế; trong đó có 2 bệnh viện tuyến tỉnh (Bệnh viện đa khoa Nguyễn Đình Chiểu với 700 giường bệnh, Bệnh viện Y học dân tộc với 200 giường bệnh); 15/16 xã phường đạt chuẩn quốc gia về y tế; đạt chuẩn 25,1 bác sĩ trên 1 vạn dân. Đã xây dựng hoàn thành đưa vào sử dụng một bệnh viện tư Minh Đức có quy mô 200 giường.

Trên địa bàn thành phố Bến Tre có 14 công trình văn hoá, thể dục thể thao. Trong những năm qua hoạt động văn hoá, thể thao có nhiều chuyển biến tích cực, thường xuyên đổi mới nội dung và nâng cao… góp phần làm giàu thể chất và tinh thần cho người dân sống trên địa bàn.

Tình hình an ninh trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, phong trào quần chúng tham gia bảo vệ an ninh tổ quốc ngày càng được mở rộng, phong trào toàn dân tham gia phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội được đẩy mạnh. Các mô hình tổ nhân dân tự quản ở cơ sở được cũng cố, hoạt động tốt.

Hiện nay Thành phố Bến Tre đang tập trung xây dựng Thành phố văn hóa theo hướng văn minh, xanh, sạch, đẹp, thân thiện, phát triển bền vững và đạt tiêu chuẩn đô thị loại II trước năm 2020 trên cơ sở tạo sự đồng thuận sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân, nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế, hiệu quả và bền vững. Không ngừng nâng cao đời sống vật chất, văn hóa của người dân, đảm bảo an sinh xã hội và bảo vệ môi trường. Giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo quốc phòng và an ninh. Trong đó, chú trọng phát triển kinh tế như sau:

Về Thương mại – Dịch vụ: Phát huy lợi thế là đầu mối lưu thông hàng hóa, dịch vụ trong và ngoài Tỉnh tiếp tục đẩy mạnh phát triển thương mại – dịch vụ theo hướng văn minh, hiện đại, hội nhập vào nền kinh tế khu vực và quốc tế

Đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm hàng hóa địa phương. Tổ chức mạng lưới thông tin thị trường phục vụ các hoạt động kinh doanh. Đảm bảo lưu thông hàng hoá đến các vùng nông thôn, đáp ứng yêu cầu cung ứng vật tư thiết bị phục vụ sản xuất và tiêu dùng của dân cư trên cơ sở phát triển đa dạng các loại hình kinh doanh thương mại phù hợp. Chú trọng việc xây dựng và quảng bá thương hiệu hàng hoá, sản phẩm của địa phương ra trong và ngoài nước, khuyến khích đẩy mạnh xuất khẩu.

Liên kết xúc tiến đầu tư – thương mại – du lịch với các tỉnh thành trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, vùng đồng bằng sông Cửu Long; đẩy mạnh xây dựng thương hiệu sản phẩm, quảng bá và bảo vệ thương hiệu; xây dựng các sự kiện thu hút đầu tư vào lĩnh vực thương mại – dịch vụ.

Về Du lịch: Trên cơ sở phát huy các tiềm năng về tài nguyên du lịch, phát triển du lịch trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn của Thành phố. Phát triển du lịch đảm bảo bảo vệ môi trường sinh thái bền vững. Ưu tiên phát triển các loại hình du lịch như: du lịch và dịch vụ tổng hợp cao cấp, du lịch tham quan mua sắm kết hợp vui chơi giải trí, tham quan di tích văn hóa – lịch sử, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch làng nghề, tour du lịch lữ hành quốc tế….

Về Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp:

Phát triển công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp theo hướng công nghiệp sạch, thân thiện với môi trường và ưu tiên sử dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại. Thực hiện di dời và cải tiến kỹ thuật, công nghệ đối với các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm ra khỏi nội ô thành phố. Định hướng xây dựng cụm công nghiệp ở vùng ven Thành phố.

Phát triển công nghiệp chế biến vừa đáp ứng thị trường tiêu thụ nội địa và hướng mạnh đến xuất khẩu; gắn kết với phát triển du lịch. Gắn kết với các vùng nguyên liệu, đảm bảo cung ứng ổn định nguồn nguyên liệu cho công nghiệp chế biến. Khuyến khích các doanh nghiệp mạnh dạn xây dựng thương hiệu hàng hóa cho sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ. Hỗ trợ các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp nâng cao chất lượng mẫu mã hàng hoá, quảng bá sản phẩm, xúc tiến thương mại nhằm mở rộng tiêu thụ, tìm kiếm các thị trường mới tiềm năng trong và ngoài tỉnh; ứng dụng mô hình quản lý chất lượng phù hợp như ISO, HACCP, GMP,… đăng ký nhãn hiệu hàng hóa để đảm bảo các điều kiện cho xuất khẩu;

Củng cố và phát triển các làng nghề góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập và ổn định đời sống cho người dân. Gắn kết phát triển làng nghề với phát triển du lịch và bảo vệ môi trường.

Về Xây dựng:

Tập trung vào công tác chỉnh trang, sửa chữa và xây dựng mới các công trình công cộng và dân dụng. Nâng cao chất lượng công tác quy hoạch chi tiết các khu chức năng đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn về quản lý quy hoạch xây dựng, quản lý kiến trúc và chất lượng công trình xây dựng theo các quy định hiện hành. Xây dựng và cải tạo đồng bộ các công trình giao thông, cấp thoát nước, mạng lưới điện, viễn thông. Kết hợp chặt chẽ việc xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế với kết cấu hạ tầng xã hội, nhất là các công trình giáo dục, y tế, văn hoá thông tin, thể dục thể thao, phát triển kinh tế gắn với tiến bộ xã hội.

Về Nông nghiệp:

Xây dựng nền nông nghiệp hàng hóa phát triển bền vững trong cơ chế thị trường với mô hình nông nghiệp sinh thái đô thị công nghệ cao; kết hợp với phát triển du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng; với xây dựng nông thôn mới và có khả năng ứng phó với tình hình biến đổi khí hậu toàn cầu.

Chuyển đổi mạnh, vững chắc cơ cấu nông nghiệp và kinh tế nông thôn, tạo ra bước đột phá để chuyển nền nông nghiệp truyền thống sang nền nông nghiệp tri thức, gắn sản xuất với bảo quản, chế biến và thị trường tiêu thụ. Các ngành hàng chủ lực ưu tiên phát triển và xây dựng thương hiệu như: bưởi da xanh, dừa, quả đặc sản, rau, hoa kiểng, chăn nuôi bò thịt, heo siêu nạc, tôm, cá….

Về chăn nuôi: Phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại gắn kết với chế biến giết mổ tập trung, đáp ứng tiêu dùng, hướng đến xuất khẩu và đảm bảo vệ sinh môi trường. Tập trung công tác giống nhằm chuyển đổi giống vật nuôi theo hướng lai tạo để tăng sản lượng, chất lượng, hiệu quả và đảm bảo tính bền vững.

Về Thuỷ sản: Phát triển thuỷ sản theo hướng hiện đại và bền vững trên cơ sở khai thác hợp lý các lợi thế tự nhiên. Gắn sản xuất với tiêu thụ, nhà máy chế biến và xuất khẩu. Nuôi trồng thủy sản phát triển theo hướng đa dạng hóa hình thức nuôi và con nuôi; trong đó, chú trọng phát triển hình thức nuôi mương vườn và các loại vật nuôi có giá trị thương phẩm cao.

Đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng khoa học và công nghệ tiên tiến, cơ giới vào trong lĩnh vực sản xuất con giống, nuôi trồng và phòng chống dịch bệnh. Tổ chức đào tạo nâng cao trình độ cán bộ kỹ thuật và lao động nuôi trồng thuỷ sản. Đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm trong chế biến sản phẩm thủy sản.

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây