Giới thiệu khái quát huyện Bình Ðại

Giới thiệu khái quát huyện Bình Ðại

Giới thiệu khái quát huyện Bình Ðại

Quá trình hình thành và phát triển

Thời các chúa Nguyễn và triều Nguyễn, Bình Ðại là huyện không nằm trong địa giới tổng Tân An như huyện Ba Tri, Giồng Trôm, Mỏ Cày  (1779) và huyện Tân An (1808). Kể cả khi thực dân Pháp bỏ danh từ sở tham biện (inspection) lập tỉnh Bến Tre (1900) thì Bình Đại vẫn là vùng đất nằm ngoài ranh giới tỉnh Bến Tre cũ.

Đất Bình Đại hiện nay vào năm 1779 thuộc dinh Phiên Trấn, trong địa giới của huyện Kiến Khương, tổng Kiến Hòa. Năm 1806, huyện Kiến Khương đổi thành huyện Kiến An. Năm 1808, tổng Kiến Hòa được nâng thành huyện. Dinh Phiên Trấn đổi thành dinh Trấn Định, phần đất Bình Đại thuộc tổng Hòa Bình của huyện này. Năm 1831, Minh Mạng chia đất huyện Kiến Hòa, lập thêm huyện Tân Hòa. Huyện Kiến Hòa khi ấy có 5 tổng, 162 thôn. Sau năm 1832, huyện này thuộc tỉnh Định Tường, phần đất Bình Đại nằm trong địa giới hai tổng Hòa Hằng và Hòa Thinh. Triều Tự Đức, tổng Hòa Hằng đổi tên là tổng Hòa Quới, vẫn thuộc huyện Kiến Hòa, tỉnh Định Tường.

Khi tỉnh Mỹ Tho được thành lập (1-1-1900), hai tổng Hòa Quới, Hòa Thinh thuộc tỉnh này. Năm 1902, địa giới huyện Bình Đại hôm nay nằm trọn vẹn trong tổng Hòa Thinh và một phần tổng Hòa Quới. Những năm 30 của thế kỷ XX, Pháp lập quận An Hóa, bao gồm đất của hai tổng Hòa Quới, Hòa Thinh và một phần tổng Thuận Trị, nghĩa là toàn bộ cù lao An Hóa. Ban đầu, quận lỵ đặt tại chợ An Hóa, sau dời về chợ Bà Khoai thuộc xã Bình Đại.

Trong Kháng chiến chống Pháp (1945 – 1954), về phía ngụy quyền, quận An Hóa (trong đó có phần đất huyện Bình Đại) thuộc tỉnh Mỹ Tho. Trong khi đó, về phía cách mạng, để tiện việc chỉ đạo trong chiến tranh, huyện An Hóa sáp nhập vào tỉnh Bến Tre từ 1948.

Năm 1955, chính quyền Ngô Đình Diệm chủ trương phân chia lại địa giới các tỉnh ở miền Nam. Tỉnh Bến Tre đổi thành tỉnh Kiến Hòa. Tháng 6-1956, quận Bình Đại được thành lập, bao gồm các xã từ phía đông kênh An Hóa ra đến biển và sáp nhập vào tỉnh Kiến Hòa. Địa danh quận Bình Đại chính là lấy từ tên làng Bình Đại, nơi đặt lỵ sở của quận. Về phía cách mạng, cuối năm 1956, Tỉnh ủy đã ra quyết định nhập quận Bình Đại vào tỉnh Bến Tre.

Sau đại thắng mùa xuân 1975, Bình Đại là một trong 7 huyện, thị của tỉnh Bến Tre. Kể từ ngày 1-10-1979, theo quyết định của Hội đồng Bộ trưởng, huyện Bình Đại gồm 19 xã và một thị trấn, có diện tích 38.572 ha, chiếm 16,7% diện tích đất tự nhiên của tỉnh, là huyện lớn thứ hai trong tỉnh về diện tích. Các xã của huyện kể từ phía kênh An Hóa ra biển: Long Định, Phú Thuận, Vang Quới Tây, Vang Quới Đông, Phú Vang, Lộc Thuận, Định Trung, Bình Thới, Bình Thắng, Thừa Đức, Tam Hiệp (các xã này tiếp giáp với sông Cửa Đại), Long Hòa, Châu Hưng, Thới Lai, Phú Long, Thạnh Trị, Đại Hòa Lộc, Thạnh Phước, Thới Thuận (các xã này tiếp giáp với sông Ba Lai) và thị trấn Bình Đại. Riêng xã Tam Hiệp, là một cù lao nằm giữa sông Cửa Đại.

Ba xã Thới Thuận, Thừa Đức, Thạnh Phước nằm ven biển, nhưng trong xã có khá nhiều đất giồng.

Bình Đại là một trong ba huyện ven biển của Bến Tre, nhưng có nét riêng so với Ba Tri và Thạnh Phú. Trận bão năm Thìn (1904) đã tàn phá nặng nề vùng này. Nước mặn tràn vào tận các xã ở giữa cù lao như Lộc Thuận, Vang Quới Đông, biến nơi đây thành khu vực hoang vu mà người dân gọi là đồng Bưng Lớn. Biết bao nhiêu công sức đã đổ ra để phục hồi lại sản xuất vô cùng gian nan vất vả. Đắp bờ thay chua, rửa mặn, xây dựng lại ruộng vườn.

Người dân Bình Đại ngoài nghề làm vườn, làm ruộng còn có nghề trồng giồng và nghề đánh cá biển, chế biến những sản phẩm của biển. Ở các xã Thừa Đức, Thới Thuận, Thạnh Phước có những gia đình chuyên sống bằng nghề trồng giồng. Đặc sản dưa hấu mà Nguyễn Liên Phong từng ca ngợi trong Nam Kỳ phong tục, nhân vật diễn ca: “Tư bề Thừa Đức nội thôn, Đất trồng dưa hấu ngọt ngon quá chừng”, chính là dưa hấu Cửa Đại. Dưa Cửa Đại từng được bằng khen trong hội chợ đấu xảo canh nông Nam Kỳ do Pháp tổ chức vào đầu những năm ba mươi của thế kỷ này. Ngoài ra, bí đỏ Giồng Giếng (Thạnh Phước), mãng cầu Thới Thuận cũng là đặc sản có tiếng trong vùng.

Nghề đánh cá ở Bình Đại là một nghề có truyền thống lâu đời và có những nét độc đáo riêng. Chuyên khảo tỉnh Mỹ Tho ghi nghề cá tỉnh Mỹ Tho gồm có bốn làng: Thừa Đức, Thới Thuận, Thọ Phú, Phước Thuận (tức các xã Thừa Đức, Thới Thuận, Thạnh Phước hiện nay).

Đáng chú ý là nghề đánh cá mòi do một số ngư dân gốc Quảng Ngãi mang vào xã Thới Thuận. Trong số những ngư dân này, có một người được dân làng thờ coi là ông hậu tổ. Cá mòi ở biển Bình Đại – theo lời kể của các lão ngư dân ở đây – đi từng đàn dày đặc dài tới vài ba kilômét. Từ cuối cuộc chiến tranh đến nay, cá mòi dần dần vắng bóng. Ngư dân chuyển sang nghề lưới sỉ, lưới cào.

Một nghề đáng lưu ý nữa của ngư dân Bình Đại là nghề câu kiều. Dụng cụ của nghề này là một giàn lưỡi câu to, rất bén nhưng không có ngạnh (có giàn tới cả ngàn lưỡi câu), phao câu được tra vào những sợi dây giềng với khoảng cách và chiều dài theo một quy tắc nhất định. Sóng và dòng nước chảy làm dao động dàn phao, chuyển thành làn xoáy, khiến các loài cá như cá mập, cá đuối, cá đao… phải lặn xuống sâu để vượt qua giàn lưỡi câu, chúng bị lưỡi câu sắc bén ấy móc vào thịt. Lúc ấy, ngư dân dùng dao đâm chết cá rồi trục lên ghe đem về.

Một nghề có tính chất riêng biệt của vùng biển Bình Đại nữa là nghề đáy sông cầu. Nghề này ở Bình Đại có rất sớm và phát triển mạnh, rồi lan sang các cửa biển ở Ba Tri và Trà Vinh. Đáy sông cầu được cắm thành hàng ngang giữa dòng nước chảy xiết nhưng không có những hàng rào chắn ngược dòng như đáy rạo. Tùy địa thế từng nơi, người ta đặt nhiều hay ít khẩu đáy.

Gắn liền với nghề đánh bắt hải sản ở Bình Đại là nghề đóng ghe nổi tiếng của cánh thợ vùng Thới Thuận. Ghe của vùng biển Bình Đại thường được gọi là ghe cửa. Đặc điểm của loại ghe này là mũi cao vừa phải, lườn rộng, thân vững chắc, bánh lái dẹp và dài, hai buồm, trục cuốn và buồm đan bằng lá buông. Ngoài các sản phẩm về biển thông thường như cá, tôm, cua, mực, nghêu, ở đây còn có các đặc sản con rươi và con đuôn chà là mọc ở rừng ngập mặn.

Một bể là biển, ba bể là sông bao bọc, nên Bình Đại có nhiều lợi thế về giao thông thủy. Ghe tàu đi đánh cá ngoài biển, khi về thường đổ ở bến Bình Thắng để đưa sản phẩm lên chợ Bà Khoai, chợ lớn nhất của huyện. Tỉnh lộ 883 dài 58,33 km, chạy từ đầu huyện đến cuối huyện, một đầu nối với quốc lộ 60.

So với các vùng khác ở Bến Tre, Bình Đại là nơi những lưu dân đến định cư, khai phá tương đối sớm. Những dấu vết về chiếm hữu ruộng đất ở Bình Đại kéo dài đến thời kỳ trước cách mạng, phổ biến nhất là hình thức địa chủ từ các nơi khác đến trưng mua rồi cho người ở địa phương bao tá.

Những truyện kể, giai thoại dân gian sưu tầm được ở Bình Đại phản ảnh khá rõ quá trình khai phá đất đai của những lớp cư dân đến định cư ở đây, từ khi còn là rừng hoang, đầy thú dữ: cọp, sấu, heo rừng. Chuyên khảo tỉnh Mỹ Tho ghi: “Làng Tân Định (tức xã Định Trung ngày nay) toàn là rừng có nhiều cọp, heo rừng”, “làng Thới Thuận có nhiều rừng, lắm cọp và heo rừng”.

Người dân Bình Đại cũng đã góp phần vinh dự của mình vào trang sử chống ngoại xâm ngay từ trận Rạch Gầm – Xoài Mút, nơi hai vạn quân xâm lược Xiêm bị quân Tây Sơn đánh tan tác trên sông Tiền. Trong cuộc khởi nghĩa của Thủ Khoa Huân, nhiều gia đình, kể cả những nhà hào phú ở đây đã góp công, góp của không nhỏ. Một bản lệnh do Thống đốc Nam Kỳ ký ngày 5-7-1875 đã bắt làng Bình Đại nộp phạt 3.000 quan Pháp, các làng Nguyệt Thạnh, Phú Thuận, Lộc Thuận mỗi làng 1.000 quan Pháp, các làng Phụ Luông, Phước Thuận, Thới Lai, Thọ Phú mỗi làng 500 quan Pháp vì tội đã góp phần tích cực vào cuộc khởi nghĩa này.

Đáng lưu ý trong phong trào chống Pháp của nhân dân Bình Đại là cuộc nổi dậy của ông Trịnh Viết Bàng, người làng Tân Định và ông Huỳnh Văn Thiệu quê làng Châu Hưng.

Phong trào yêu nước từ khi có ĐCS lãnh đạo cũng được nhen lên ở Bình Đại tương đối sớm. Các ông Lê Hoàng Chiếu, Trần Ngọc Giải được Kỳ bộ Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí Hội Nam Kỳ cử đi học ở Quảng Châu (Trung Quốc) rồi trở về thành những chiến sĩ cộng sản lớp đầu tiên của đất Bến Tre.

Chín năm Kháng chiến chống Pháp là một thử thách lớn đối với phong trào cách mạng và nhân dân trong huyện. Tên Léon Leroy (còn gọi là Một On) cùng đội quân cuồng tín mang tính phục thù giai cấp do hắn lập ra đã đánh phá khốc liệt phong trào cách mạng trên cù lao An Hóa này, gây ra vô vàn tổn thất.

Trong thời kỳ chống Mỹ (1954-1975), Bình Đại chịu nhiều thử thách ghê gớm của chiến tranh, nhưng vẫn là một căn cứ cách mạng vững chắc của tỉnh nhà, một trong những đầu cầu tiếp nhận vũ khí từ Bắc vào Nam, chi viện cho cách mạng miền Nam.

Nhìn lại chặng đường trong hơn ba thế kỷ qua, kể từ khi những lưu dân người Việt đến khai phá dải đất cù lao này, người Bình Đại đã cắm lại phía sau lưng mình những cột mốc lịch sử đáng tự hào bằng cách vượt lên tất cả những gian khổ hy sinh, những thiên tai địch họa…

Những đặc điểm về tự nhiên và xã hội cũng đã để lại một số dấu ấn đậm nét trong sinh hoạt văn hóa của vùng đất nơi cửa sông, giáp biển này. Hai phong tục có tính chất tiêu biểu cho hai nghề nghiệp chính của cư dân trong vùng là tục tết trâu của những người làm nghề nông và tục thờ cúng cá Ông của đồng bào làm nghề đánh bắt hải sản. Tục tết trâu thường diễn ra vào ngày mồng ba Tết âm lịch. Người dân mang bánh tét và các đồ cúng lễ khác đến trước cửa chuồng trâu. Sau khi cúng, mỗi con trâu được một cặp bánh. Người chăn trâu cũng được hưởng những cặp bánh và đồ cúng như một biểu tượng của sự biết ơn về công sức lao động của một năm. Tục thờ cúng cá Ông được các làng ven biển tổ chức hằng năm. Một lễ cúng cá Ông gồm ba lễ: “Nghinh Ông”, lễ cúng “tiền hiền, hậu hiền” và lễ “chánh tế”. Cuộc vui có tính chất hội hè dân gian đối với người dân vùng biển là ngày đưa thuyền đi “Nghinh Ông” ở ngoài biển khơi. Các xã ven biển trong huyện như Thới Thuận, Thừa Đức, Bình Thắng đều có lăng thờ cá Ông được gọi tắt là “lăng Ông”.

Là huyện thuộc vùng sâu, vùng xa của tỉnh, bị chiến tranh tàn phá nặng nề, do đó, trong những năm đầu sau ngày giải phóng nhân dân Bình Đại đã phải đương đầu với không ít khó khăn. Mất mùa, thiếu đói, nhiều người dân phải bỏ xứ, đi xuống miền Tây mót lúa, làm thuê hay lên Đồng Tháp, miền Đông để kiếm sống qua ngày. Chính quyền và nhân dân đã chung sức chung lòng, từng bước khắc phục khó khăn, phát triển sản xuất, khai hoang phục hóa, thâm canh, bố trí chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, tổ chức đánh bắt hải sản, từng bước ổn định nền kinh tế.

Năm 1976, cây lương thực chiếm đến 95% diện tích, chủ yếu là lúa một vụ, năng suất khoảng 17 tạ/ha, đã được nâng lên thành 2 vụ lúa/năm vào những năm 80 với năng suất bình quân 45 tạ/ha. Và đến những năm 90, nhiều nơi trong huyện đã đạt 55 tạ, 60 tạ/ha, đưa tổng sản lượng lương thực của huyện đạt 39.000 tấn/năm.

Cây ăn quả, trước đây ở Bình Đại không đáng kể so với các huyện bạn trong tỉnh, đến năm1980 đã trồng được 450 ha, chủ yếu là cam, quýt… Phong trào cải tạo vườn tạp, đưa giống cây trồng mới vào chuyên canh như nhãn, mãng cầu, xoài, sapôchê, đạt diện tích 1.690 ha, năng suất bình quân 7 tấn/ha. Diện tích dừa cũng ổn định ở mức 4.000 ha, phần lớn đã cho thu hoạch với sản lượng 29 triệu trái mỗi năm.

Trong kế hoạch phát triển kinh tế của huyện, nông nghiệp được coi là mặt trận hàng đầu. Nhiều công trình thủy nông được xây dựng như đê Đông, đê Tây, kênh An Hóa, đê biển, việc đào kênh xả phèn, đắp đập ngăn mặn đã đem lại hiệu quả lớn. Hàng ngàn hécta ruộng đất được ngọt hoá, mở ra khả năng thâm canh tăng vụ, nâng cao năng suất cây trồng. Hàng chục tỷ đồng được đầu tư để hoàn chỉnh hệ thống cống và trên 30 km kênh phục vụ cho tưới tiêu và 15 km kênh phục vụ cho việc nuôi thủy sản nước mặn và nước lợ.

Nếu như năm 1975, toàn huyện có 102 ghe cào, 12 ghe te với hơn 200 khẩu đáy phục vụ khai thác thủy sản, thì đến nay, đầu năm 2000, toàn huyện có 742 tàu với tổng công suất 48.000 CV, trong đó có 133 tàu có công suất lớn, đủ điều kiện đánh bắt xa bờ dài ngày.

Sản lượng nuôi trồng và đánh bắt hải sản hàng năm của Bình Đại đạt trên 25.000 tấn tôm cá các loại. Từ chỗ nuôi tôm tự nhiên theo kinh nghiệm truyền thống, bắt đầu từ năm 1990 trở lại đây, nhiều kỹ thuật mới được áp dụng theo cách nuôi bán công nghiệp, hay công nghiệp, đi đôi với việc đầu tư về giống cũng như về cơ sở vật chất. Nghề nuôi tôm sú trên ruộng lúa một vụ, nuôi cua, sò, nghêu trên bãi bồi, đầm lầy đã đem lại những nguồn thu nhập không nhỏ cho người nông dân Bình Đại.

Sản xuất phát triển đã kéo theo sự mở rộng các dịch vụ cung ứng, sửa chữa và các ngành nghề khác với hơn 2.000 cơ sở, mang lại doanh thu khoảng 200 tỷ đồng mỗi năm.

Điện, cầu đường, trường học, trạm xá y tế được từng bước xây dựng theo hướng kiên cố hóa. Đến nay, các đường vào trung tâm các xã được trải sỏi đỏ, ô-tô có thể đi đến nơi. Đường liên ấp, liên xã được nâng cấp, cầu khỉ được thay thế dần bằng cầu bê-tông. Cầu An Hóa – cầu dài nhất của Bến Tre tính đến thời điểm này – đã được hoàn thành, bảo đảm xe cộ chạy một mạch từ phía biển Đông đến thị xã. Tỉnh lộ 883 được nâng cấp, trải nhựa. Các trụ sở cơ quan hành chính từ xã đến huyện được đầu tư xây dựng khang trang, lịch sự.

Nếu như năm 1976, chỉ có khu thị trấn Bình Đại được thắp sáng vào buổi tối từ 18 đến 22 giờ bằng nguồn điện từ máy diésel, thì đến năm 1999, có 19/20 xã trong huyện đã có thể sử dụng điện của mạng lưới điện quốc gia. Gần 12.000 hộ dân sử dụng điện, chiếm 40% số hộ trong toàn huyện. Trong năm 2000, điện sẽ được kéo về xã đảo Tam Hiệp nằm giữa sông Cửa Đại. Mạng lưới thông tin điện thoại đã phủ kín 20/20 xã, đạt tỷ lệ 2 máy/100 dân.

Bộ mặt đời sống văn hóa, đời sống tinh thần cũng đã có những thay đổi đáng kể. Năm học đầu tiên sau ngày giải phóng, toàn huyện chỉ có 18 trường tiểu học, 4 trường trung học cơ sở, 1 trường phổ thông trung học với cơ sở vật chất nghèo nàn, chắp vá, thì sau 25 năm đã có 38 trường với 594 phòng học, số học sinh tăng lên 28.000. Huyện Bình Đại được công nhận đã đạt chuẩn về phổ cập giáo dục tiểu học và chống nạn mù chữ.

Về y tế, sau ngày giải phóng, tại thị trấn chỉ có một bệnh xá xây dựng từ đầu thế kỷ, đã xuống cấp nghiêm trọng, phương tiện trang thiết bị coi như không có gì, với 13 nhân viên và 1 bác sĩ, thì nay một bệnh viện khang trang với trang thiết bị hiện đại đã được xây dựng và đưa vào hoạt động. Số nhân viên y tế của huyện lên đến hơn 200 người, trong đó có 30 bác sĩ, 82 y sĩ; bình quân có 2 bác sĩ trên 1 vạn dân. 19/20 xã có trạm y tế kiên cố, trong số đó có 10 trạm có bác sĩ phụ trách. 25 năm qua, ở huyện Bình Đại, các loại dịch bệnh nguy hiểm đã được loại trừ. Tỷ lệ phát triển dân số ở mức 1,07%.

Không chỉ có người sống được quan tâm, mà cả những người chết cũng được chú ý, coi trọng, đặc biệt đối với những người có công với nước cùng thân nhân của họ. Điều này được thể hiện trong việc giải quyết chính sách chế độ của Nhà nước đối với thương binh, liệt sĩ, người có công; trong việc tu sửa nâng cấp nghĩa trang liệt sĩ huyện, xã, qui tập 1.500 hài cốt liệt sĩ, xây dựng 212 nhà tình nghĩa và tình thương. Những bà mẹ Việt Nam anh hùng trong huyện còn sống đã được các tổ chức trong và ngoài huyện đỡ đầu phụng dưỡng chu đáo.

Tổng kết thành tích của huyện trong thời kỳ chiến tranh giữ nước (1945 – 1975), 11 xã và thị trấn trong huyện đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND. Đó là các xã Thới Thuận, Thạnh Phước, Đại Hòa Lộc, Thạnh Trị, Bình Thới, Vang Quới Đông, Vang Quới Tây, Phú Vang, Lộc Thuận, Thừa Đức và thị trấn Bình Đại.

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây