Giới thiệu khái quát huyện Châu Thành

Giới thiệu khái quát huyện Châu Thành - Tỉnh Bến Tre

Giới thiệu khái quát huyện Châu Thành

I. LỊCH SỬ HÌNH THÀNH

         Huyện Châu Thành hiện nay bao gồm 2 phần đất nằm trên hai cù lao khác nhau cù lao Bảo và cù lao An Hóa, ngăn cách bởi sông Ba Lai. Trong lịch sử phát triển, hai vùng đất này từng thuộc những đơn vị hành chính khác nhau.

          Năm 1867, sau khi chiếm xong Nam Kỳ, Pháp chia Lục tỉnh thành 25 sở tham biện. Cù lao Bảo nằm trong sở tham biện Bến Tre, còn cù lao An Hóa nằm trong sở tham biện Kiến Hoà.

         Năm 1929, tỉnh Bến Tre được chia làm 4 quận: Châu Thành, Ba Tri nằm trên cù lao Bảo; Mỏ Cày, Thạnh Phú nằm trên cù lao Minh. Châu Thành lúc này bao gồm phần đất phía Nam sông Ba Lai của huyện Châu Thành và một phần của huyện Giồng Trôm ngày nay. Còn cù lao An Hóa thuộc về tỉnh Mỹ Tho. Năm 1930, phần đất phía đầu cù lao Bảo nằm giữa sông Ba Lai và sông Hàm Luông được cắt ra, lập thành quận Sóc Sãi gồm 5 tổng, 27 làng. Tháng 06-1956, cù lao An Hóa lại nhập vào địa bàn quận Châu Thành, thuộc tỉnh Kiến Hoà.

         Sau Đồng khởi (01-1960), tỉnh ủy Bến Tre ra quyết định nhập hai huyện Sóc Sãi và Châu Thành thành huyện Châu Thành (mới). Đến tháng 07-1972, tỉnh ủy lại có quyết định chia đôi huyện Châu Thành (mới) thành 2 huyện Châu Thành Đông và Châu Thành Tây. Sau ngày 30-04-1975, hai huyện Châu Thành Đông và Châu Thành Tây nhập lại làm một, lấy tên là huyện Châu Thành gồm 24 xã. Sau đó một thời gian, ba xã Phú Hưng, Sơn Đông, Mỹ Thành được cắt ra nhập về thị xã Bến Tre (nay là Thành phố Bến Tre). Hiện nay, huyện Châu Thành gồm 21 xã và 01 thị trấn: Phú An Hoà, Tiên Long, Tiên Thủy, Tân Phú, Quới Thành, An Hiệp, Thành Triệu, Phú Túc, Tường Đa, Sơn Hoà, Phú Đức,  Tam Phước, An Khánh, Tân Thạch, Hữu Định, Phước Thạnh, Quới Sơn, An Phước, Giao Long, Giao Hoà, An Hoá, Thị trấn Châu Thành.

II. TỔNG QUAN VỀ HUYỆN CHÂU THÀNH

1. Đặc điểm tự nhiên

         Châu Thành là huyện cửa ngõ của tỉnh Bến Tre, nằm ở phía trên cù lao An Hóa và cù lao Minh, được bao bọc và chia cắt bởi ba trong chín nhánh của  sông Cửu Long: Sông Tiền, Ba Lai và Hàm Luông. Huyện có vị trí đặc trưng của một huyện ở vùng hạ lưu của miền đồng bằng châu thổ sông Cửu Long với cảnh quan cồn, bãi và sông rạch chằng chịt. Huyện có vị trí Bắc giáp sông  Tiền và thành phố Mỹ Tho (Tiền Giang), Nam giáp Thành phố Bến Tre, Đông giáp huyện Bình Đại, Tây giáp huyện Chợ Lách. Châu Thành có diện tích 22.558,13ha. Huyện Châu Thành là nơi xuất phát của các trục giao thông thủy bộ quan trọng, từ huyện Châu Thành theo QL 60 đi về phía Nam 8Km là đến Thành Phố Bến Tre; theo QL 60 và QL1 đi về phía Bắc 80Km là đến Thành phố Hồ Chí Minh.

         Từ điều kiện về tự nhiên nêu trên, địa bàn huyện chia thành hai vùng rõ rệt là vùng thuộc các xã cánh Tây và vùng thuộc các xã cánh Đông. Các xã cánh Đông giáp sông Tiền thường chịu ảnh hưởng của nước ngập mặn từ 3 đến 5 tháng trong năm, các xã cánh Đông giáp sông Ba Lai từ khi có công trình cống đập Ba Lai ngăn mặn nên nước ngọt quanh năm. Đất đai Châu Thành là đất phù sa châu thổ được bồi tụ từ các nhánh của dòng sông Cửu Long nên màu mỡ, rất thuận lợi cho sản xuất trồng trọt nông nghiệp với các cánh đồng lúa, vùng chuyên canh rau, màu. Về cây công nghiệp thuận lợi nhất là cây Dừa, cây Ca-cao. Cây ăn trái chuyên canh, đặc sản: Bưởi, Sầu Riêng, Chôm chôm, Măng cụt … phát triển mạnh ở các xã cánh Tây. 

Ban do min - Giới thiệu khái quát huyện Châu Thành

2. Đặc điểm xã hội

2.1. Đơn vị hành chính – Dân số – Nguồn lao động

        Huyện Châu Thành có 21 xã và 01 thị trấn. 46.201 hộ, dân số 160.888 người, mật độ dân số 713người/Km2, trong đó có 100.300 người trong độ tuổi lao động chiếm 62,3%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 42,8%.  

       Đa số nhân dân trong huyện sống bằng nông nghiệp, một bộ phận đang chuyển đổi mạnh sang lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại – dịch vụ. Thu nhập bình quân đầu người cuối năm 2013 ước đạt 29,7 triệu đồng/người/năm.

2.2. Dân trí

        Huyện Châu Thành giữ vững chuẩn phổ cập Tiểu học và chống mù chữ, hằng năm học sinh 5 tuổi ra Mẫu giáo và 6 tuổi vào lớp Một luôn đạt 100%. Đạt chuẩn Phổ cập THCS với tỷ lệ 92%. Đến cuối năm 2013 có 05 xã, thị trấn đạt chuẩn phổ cập Trung học. Niên học 2012 – 2013 tỷ lệ học sinh tốt nghiệp Trung học phổ thông đạt 98,2%.

       Về quy mô phát triển mạng lưới trường lớp, huyện Châu Thành có 24 trường Mầm non, 25 trường Tiểu học, 17 trường THCS và 04 trường Trung học phổ thông. 

2.3. Truyền thống văn hóa

         Người dân Châu Thành với đặc tính chung mang đậm nét của cư dân Nam bộ tính thẳng thắn, bộc trực, dễ hòa đồng; cần cù lao động, chịu thương, chịu khó, hiếu học, cầu tiến, có ý thức tự lực tự cường, phóng khoáng, bao dung, coi trọng nhân nghĩa, sống có thủy chung, đoàn kết xóm làng, gần gũi thân thuộc. Huyện có 20/22 xã, thị trấn có Đình thần, trong đó đặc biệt có xã mỗi ấp đều có Đình thần riêng, trong các năm qua nhiều Đình thần đã được nhân dân vận động đóng góp trùng tu, chỉnh trang đẹp đẽ, khang trang và hằng năm đều tổ chức cúng Đình vào ngày kỵ của Thành hoàng bổn cảnh, cúng tế long trọng, có nơi tổ chức nhiều thú vui giải trí và rước đoàn hát đến diễn vỡ, không khí trang trọng nhưng vui tươi, đầm ấm thể hiện tình đoàn kết xóm làng chặt chẽ.

          Ngoài lễ hội cúng Chùa, cúng Đình, hằng năm còn có lễ hội mồng 5 tháng 5 Âl với khá nhiều du khách từ trong và ngoài tỉnh đến tham dự. Loaị hình ca nhạc cải lương tài tử thu hút nhiều du khách, nhất là khách nước ngoài. Về di tích kiến trúc văn hóa, huyện có Hội Tôn Cổ Tự, Đình làng Tân Thạch, Đình làng Tiên Thủy được xếp vào di tích kiến trúc văn hóa nghệ thuật cấp Quốc gia. Đây là những di sản văn hóa quý báu vừa thể hiện sự tài hoa, ý chí khắc phục khó khăn, đoàn kết gắn bó vừa là minh chứng sống động cho quá trình di dân, khai hoang khẩn hóa thành lập làng, xóm của ông cha ngày trước.

3. Đặc điểm kinh tế

3.1. Cơ sở hạ tầng kỹ thuật

– Đường bộ:

       Đường bộ có trục Quốc lộ 60 (đường đô thị cấp III) nối liền tỉnh Tiền Giang với thành phố Bến Tre và đi tiếp qua huyện Mõ Cày Bắc, Mõ Cày Nam và qua sông Hàm Luông nối QL 53 đi về tỉnh Vĩnh Long, Trà Vinh. Trục đường tỉnh 883 dài 27,6Km (đường cấp IV đồng bằng) nối từ QL 60 qua Khu Công nghiệp Giao Long và đi về huyện biển Bình Đại; đường tỉnh 884 dài 20Km (đường cấp IV đồng bằng) bắt đầu từ QL 60 đi qua Khu Công nghiệp An Hiệp và đi về huyện Chợ Lách nối vào QL 57 đi về tỉnh Vĩnh Long.

         Có 04 tuyến đường huyện chính theo hướng Đông – Tây, quy mô đường cấp 5 đồng bằng, trong đó: Đường huyện 01 dài 25,3Km, nối liền 04 xã, Đường huyện 02 dài 21Km, nối liền 04 xã, Đường huyện 03 dài 10Km, nối liền 04 xã, Đường huyện 04 dài 11,5Km, nối liền 05 xã. Các tuyến đường huyện phục vụ cho xe có tải trọng từ 2 – 4 tấn. Ngoài ra hệ thống GNNT làm mới hằng năm từ 50 – 60Km đến nay các tuyến liên xã, tuyến giao thông chính nội xã đảm bảo xe ôtô lưu thông dễ dàng, các tuyến liên ấp được bêtông hoặc trãi nhựa, đường liên tổ Nhân dân tự quản đa số được bêtông hóa đảm bảo lưu thông thuận tiện.

– Đường thủy:

         Đường thủy có trục sông Tiền, sông Hàm Luông, sông Ba Lai và kênh Giao Hòa nối giữa sông Tiền, Ba Lai và Hàm Luông. Trong đó: Sông Tiền qua địa phận huyện dài 37,65Km, sông Ba Lai qua huyện dài 29,05Km, sông Hàm Luông qua huyện dài 21,6Km.

– Hệ thống thông tin – liên lạc:

         Hệ thống thông tin – liên lạc được phát triển và sử dụng đảm bảo phục vụ nhu cầu phát triển KTXH. Hạ tầng thông tin – liên lạc có hệ thống cáp quang 22/22 xã – thị trấn, các trạm BTS phát sóng di động và 2G, 3G phủ sóng toàn huyện đáp ứng được các dịch vụ bưu chính, viễn thông, trong đó mỗi địa phương có ít nhất 01 điểm phục vụ bưu chính – viễn thông.

– Hệ thống cấp nước:

        Trên địa bàn huyện có 05 nhà máy nước ở các địa phương: Xã Phú Đức Hữu Định, Thành Triệu, Tiên Thủy, An Hóa và 04 Trạm cấp nước ở Tam Phước, thị trấn Châu Thành, An Hiệp, Phú Túc. Ngoài ra còn có nhà máy nước Sơn Đông (trên địa bàn TP. Bến Tre) cung cấp nước cho khu vực các xã Sơn Hòa, Tường Đa của huyện Châu Thành. Tổng công suất nước cung cấp  ước khoảng 914M3/h đảm bảo cho nhu cầu sinh hoạt sử dụng của 42% hộ dân và các nhà máy, công ty, xí nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên điịa bàn huyện.

– Điện lực:

        Có 219 Km đường dây trung thế và 601,2 Km đường dây hạ thế, 549 trạm biến áp với tổng dung lượng 97.411 kVA phủ lưới điện khắp toàn huyện đảm bảo cung cấp điện sinh hoạt và điện SXKD theo yêu cầu.

II. THẾ MẠNH VÀ MỘT SỐ ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN KINH TẾ

1. Thế mạnh của huyện Châu Thành

          Nhìn chung huyện Châu Thành ngoài những thuận lợi cơ bản về vị trí địa lý là huyện cửa ngõ của tỉnh, có những kinh nghiệm trong xây dựng và phát triển trên nhiều lĩnh vực, trong những năm qua và nhất là trong giai đoạn 2010 – 2013 huyện còn  được sự đầu tư, hỗ trợ rất lớn của tỉnh và TW để khai thác thế mạnh địa phương. Sự đầu tư nầy giúp huyện phát triển hạ tầng cơ sở đồng bộ và là điều kiện tiên quyết để thu hút các nhà đầu tư.

           Từ sự đầu tư nầy, với một vị thế thuận lợi là huyện có tài nguyên đất đai dồi dào, nguồn nước phong phú, có khả năng phát triển nông – ngư nghiệp với năng suất cao. Lợi thế kinh tế vườn, cảnh quan cồn, bãi đặc trưng của vùng hạ lưu sông Cửu Long là thế mạnh để phát triển loại hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng.

          Có nguồn nhân lực trẻ, dồi dào, có những địa bàn đủ điều kiện để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phát triển các khu và cụm công nghiệp, Châu Thành ngoài việc có điều kiện giao lưu kinh tế – văn hóa với nhiều địa phương còn có khả năng phát triển thành một huyện nông- công nghiệp vững mạnh. Điều nầy tạo cũng ra nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư

2. Tiềm năng, cơ hội và các dự án, lĩnh vực mời gọi đầu tư

– Đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp:  

          Để khai thác tiềm năng về lực lượng lao động, về lợi thế là địa phương cửa ngỏ thì tỉnh đã chọn huyện làm điểm trong xây dựng và phát triển các khu, cụm công nghiệp trọng điểm của tỉnh. Đây là điều kiện thuận tiện cho các nhà đầu tư tham gia kinh doanh sản xuất trên lĩnh vực công nghiệp. Xác định mũi đột phá của huyện trong những năm sắp tới là Tập trung đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóaxây dựng môi trường đầu tư và nền tảng hạ tầng công nghiệp từ đó thu hút đầu tư vào các khu cụm công nghiệp, tạo ra các điểm sản xuất và xuất nhập hàng hóa lớn của tỉnh và huyện, làm mũi đột phá cho nền kinh tế. Đến nay, tình hình triển khai đầu tư ở các Khu công nghiệp có bước chuyển biến khả quan. Trước hết công tác bồi thường thiệt hại – giải phóng mặt bằng được đẩy mạnh, từ đó tiến độ xây dựng kết cấu hạ tầng ở các khu công nghiệp phát triển thu hút và kêu gọi đầu tư hiệu quả. Hiện nay, có 31 dự án thứ cấp đầu tư còn hiệu lực, đã đi vào hoạt động 20 dự án; đang xây dựng 04 dự án và 07 dự án đang trong quá trình làm các thủ tục xây dựng do mới cấp Giấy chứng nhận đầu tư. Tổng vốn đầu tư đăng ký luỹ kế đến nay đạt 6.821,78 tỷ đồng (quy đổi), 15 dự án trong nước với tổng vốn đầu tư là 1.841,81 tỷ đồng và 16 dự án FDI với vốn đăng ký 249 triệu USD. Hiện tại tỷ lệ lắp đầy ở KCN Giao Long đạt 96,33% diện tích, Giao Long giai đoạn 2 đạt 57,05% và KCN An Hiệp đạt 89,97% diện tích. Ngoài ra, nhiều cụm công nghiệp trên địa bàn ngày càng thu hút nhiều nhà đầu tư. Do đó đây là cơ hội để các doanh nghiệp đầu tư vào các ngành, nghề trên địa bàn huyện, nhất là trên lĩnh vực mà huyện có thế mạnh về nguồn nhân lực, về nguyên liệu và có nhu cầu cao như phát triển các làng nghề, các ngành công nghiệp mũi nhọn chế biến hàng nông sản, súc sản, thủy sản hướng về xuất khẩu; cơ khí chế tạo và sửa chữa máy móc thiết bị để phục vụ các ngành khác và phục vụ dân sinh; may mặc, giày da, lắp ráp điện – điện tử – cơ khí gia công hướng về xuất khẩu và đặc biệt là các ngành truyền thống về đan lát và mỹ nghệ.

         Ngoài ra, với lợi thế có hơn 9.000 ha cây ăn trái, 6.000 ha cây Dừa là nguồn nguyên liệu dồi dào trong phát triển các nhà máy chế biến trái cây, nhà máy chế biến các sản phẩm từ cây dừa.   

– Nuôi trồng, chế biến thủy, hải sản: 

          Cùng với việc phát triển mạnh nuôi thủy sản nước ngọt với 1.100ha diện tích mặt nước, 30.000m3 thể tích nuôi cá bè, huyện có 93 tàu đánh bắt, khai thác thủy sản biển và đặc biệt huyện có một hệ thống nhà máy chế biến thủy hải sản, sản xuất nước mắm … với công nghệ sản xuất tiên tiến nên đây cũng là thế mạnh của huyện trong định hướng kêu gọi đầu tư nuôi trồng, chế biến thủy hải sản đa dạng.

– Hướng phát triển kinh tế vườn kết hợp  du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng.

          Với vị trí, địa lý, tài nguyên thổ nhưỡng phù hợp với phát triển kinh tế vườn, trong thời gian qua huyện tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi và khuyến khích các doanh nghiệp tư nhân, hộ kinh doanh cá thể và các HTX hình thành mạng lưới tiêu thụ chủ yếu các mặt hàng nông sản của huyện. Song song với định hướng phát triển kinh tế vườn là đẩy nhanh tốc độ phát triển các loại hình du lịch. Định hướng chung là đa dạng hóa các loại hình du lịch, phát triển mạnh du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng đạt hiệu quả kinh tế-xã hội cao gắn với với bảo vệ môi trường sinh thái, ưu tiên kêu gọi đầu tư từ ngoài tỉnh, đầu tư trực tiếp của nước ngoài và khuyến khích phát triển du lịch tư nhân.

– Phát triển thương mại – dịch vụ: 

          Huyện định hướng sẽ kêu gọi đầu tư phát triển hệ thống thương mại dịch vụ phục vụ cho các trung tâm công nghiệp, phục vụ khu dân cư đô thị như hệ thống chợ, siêu thị, trung tâm thương mại …Vì việc thu hút các nhà đầu tư đến với các khu cụm công nghiệp với lượng công nhân lớn tạo nên sức mua, tiêu thụ hàng hóa đáng kể. Đối với các nhà máy sử dụng nguồn nguyên liệu tại địa phương hiện nay như thủy sản, chế biến dừa, than thiêu kết … và tương lai như chế biến trái cây, nông, súc sản … sẽ tạo nên và đẩy mạnh hoạt động thương mại dịch vụ góp phần đẩy nhanh phát triển kinh tế xã hội.

3. Cơ chế, chính sách cải thiện môi trường đầu tư

          Hiện nay, vấn đề cải thiện môi trường đầu tư luôn được chính quyền các cấp quan tâm vì thực chất hiện nay một số thủ tục hành chính chưa thông thoáng, còn chồng chéo và rườm rà. Do vậy xác định điều kiện tiên quyết trong cải thiện môi trường đầu tư là thực hiện công tác CCHC.

         Huyện đã tổ chức thực hiện tốt các chương trình, đề án CCHC, trước hết chất lượng các văn bản quy phạm pháp luật phải được nâng cao, đáp ứng kịp thời yêu cầu thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội; tiến hành rà soát văn bản đang áp dụng, khắc phục tình trạng văn bản còn chồng chéo, trái quy định, loại bỏ những quy định không phù hợp. Trong triển khai thực hiện Đề án 30 trên địa bàn huyện đã rà soát 315 thủ tục, kiến nghị đơn giản hóa 168 thủ tục (tỷ lệ 53,3%). UBND huyện chỉ đạo phải thường xuyên quan tâm cập nhật các thủ tục hành chính mới ban hành để niêm yết công khai, minh bạch và đề xuất các giải pháp nhằm rút ngắn hơn nữa thời gian giải quyết thủ tục hành chính so với thời gian quy định để tạo thuận lợi cho tổ chức, công dân; kết quả có 17 thủ tục hành chính được rút ngắn thời gian giải quyết.

          Bên cạnh là việc chấn chỉnh và nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý, điều hành của bộ máy hành chính. Việc sắp xếp bố trí cán bộ, công chức đảm bảo phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ và trình độ chuyên môn; đào tạo, bồi dưỡng nhằm chuẩn hoá chuyên môn, nâng cao kỹ năng làm việc cho đội ngũ cán bộ, công chức. Các xã – thị trấn tiếp tục thực hiện mô hình “một cửa” và tại huyện thực hiện giải quyết thủ tục hành chính theo mô hình “một cửa liên thông hiện đại” từ đó các thủ tục hành chính, nhất là trên lĩnh vực đất đai, kinh doanh được giải quyết nhanh chóng, kịp thời, tạo điều kiện tối ưu cho nhà đầu tư thực hiện dự án nhanh nhất, mang lại hiệu quả cao nhất.

          Đối với các chính sách miễn giảm, các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho SXKD, hỗ trợ thị trường… huyện luôn chỉ đạo triển khai thực hiện đầy đủ và kịp thời. Ngoài ra huyện còn thực hiện các chính sách, cơ chế thông thoáng hỗ trợ nhà đầu tư về mặt bằng thực hiện dự án, hỗ trợ cung cấp thông tin quy hoạch như: quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch vùng, quy hoạch đô thị… tham gia thẩm định các Đồ án và cấp phép xây dựng theo thẩm quyền./.

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây