“Gò me” – Nỗi hoài hương da diết – Tác giả: Giang Hiền Sơn

“Gò Me” là tên bài thơ nhưng cũng là tên một tập thơ được xuất bản năm 1957 của Hoàng Tố Nguyên (tên thật là Lê Hoàng Mưu sinh năm 1929 quê ở tỉnh Tiền Giang, mất năm 1975 tại tỉnh Thái Bình). Gò Me là tên cái làng của nhà thơ. Chính là ấp Gò Me, xã Bình Ân, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang.

Bài thơ được ra đời ở miền Bắc, năm 1956 – sau hiệp định Giơnevơ năm 1954, Hoàng Tố Nguyên theo đoàn cán bộ miền Nam tập kết ra miền Bắc chờ ngày tổng tuyển cử thống nhất nước nhà nhưng đến hết đời ông vẫn chưa được trở lại quê hương do sự can thiệp của đế quốc Mỹ và sự phá hoại của bọn tay sai. Sống trong cảnh đất nước bị chia cách đôi miền, cũng như biết bao cán bộ tập kết khác, Hoàng Tố Nguyên luôn ở trong tình trạng “ngày Bắc đêm Nam”. Bởi thế quê hương Gò Me lúc nào cũng thường trực trong ông với một nỗi niềm nhớ thương da diết. Cái nỗi nhớ ấy, kể từ ngày xa quê cho tới hơn chục năm sau, ông vẫn không nguôi khắc khoải: “Tôi xa quê đã mười mấy năm tròn/ Nhớ cái nhớ, buồn cái buồn của người thủy thủ/ Chiều buông neo nghe thân tàu sóng vỗ/ Hướng chân trời đâu bờ bến quê hương” (Khát một mùa xuân). Những hình ảnh yêu thương của kỷ niệm nơi quê nhà xa cách như thể được găm vào trong trái tim của kẻ tha hương chưa định được ngày trở lúc nào cũng thổn thức, rưng rưng theo hoài tháng năm dài dặc mong nhớ, tuy có lúc tưởng chừng như vô vọng mịt mù nhưng bao giờ cũng đong đầy, ăm ắp: “Tôi bỗng dưng nhớ nhớ, thèm thuồng/ mùi bánh tét lẫn cùng mùi vải mới/ Tiếng nhạc ngựa trên đê hay tiếng những đồng xu mới …” (Khát một mùa xuân). Tâm trạng, nỗi niềm thường trực đó cũng chính là nỗi lòng, cảm xúc của “Gò Me”. Xuyên suốt bài thơ là một dòng hồi tưởng của tác giả về quê hương Gò Me yêu dấu. Qua dòng hồi tưởng ấy Hoàng Tố Nguyên đã cho người đọc thấy được một bức tranh quê vô cùng sống động, khiến người ta có cảm giác như đang được trực tiếp nhìn thấy, nghe thấy những cảnh vật thân thương, dung dị cùng với những nỗi nhớ thương đau đáu, da diết khôn nguôi của kẻ “xa nhà đi kháng chiến” đã lâu chưa được trở về.

“Quê tôi đó: mặt trông ra bể

Đốm hải đăng tắt loé đêm đêm

Con đê cát đỏ cỏ viền

Leng keng nhạc ngựa ngược lên chợ Gò.

Ruộng vây quanh, bốn mùa gió mát

Lúa nàng keo chói rực mặt trời

Ao làng trăng tắm, mây bơi

Nước trong như nước mắt người tôi yêu

Quê tôi sớm sớm, chiều chiều

Lao xao vườn mía

Mái lá khoan thai thở làn khói nhẹ

Những chị, những em má núng đồng tiền

Nọc cấy, tay tròn, nghiêng nón làm duyên

Véo von điệu hát cổ truyền.

(Tre thôi khúc khích, mây chìm lắng nghe):

 “- Hò … ơ… Trai Biên Hòa lụy gái Gò Me

Không vì sắc lịch, mà chỉ vì mê giọng hò …”

Ôi, thuở ấu thơ

Cắt cỏ, chăn bò

Gối đầu lên áo

Nằm dưới hàng me, nghe tre thổi sáo

Lòng nghe theo bướm, theo chim

Me non cong vắt lưỡi liềm

Lá xanh như dải lụa mềm lửng lơ.

[…] Tôi nằm trên võng mẹ đưa

Có chim cu gáy giữa trưa hanh nồng.

Tiếng ai vút đầu bông lúa chín

Gió dìu vương xao xuyến bờ tre:

“- Hò ơ… Trai Biên Hòa lụy gái Gò Me

Không vì sắc lịch, mà chỉ vì mê giọng hò!…”Chị tôi má đỏ, thẹn thò

Giã me bên trã canh chua ngọt ngào.

(Theo Ngữ văn lớp 7 tập 1, Kết nối tri thức với cuộc sống, NXB Giáo Dục Việt Nam, 2023)

Go me min - “Gò me” - Nỗi hoài hương da diết - Tác giả: Giang Hiền Sơn

Theo dòng ký ức của nhà thơ, chúng ta thấy hiện lên trước tiên là hình ảnh quê hương Gò Me với những cảnh sắc vô cùng bình dị nhưng cũng rất đỗi thân thương, tự hào.  Hoàng Tố Nguyên đã kể cho người ta biết về đặc điểm địa lý và cảnh vật của quê hương: có “mặt trông ra bể” (giáp biển); có ngọn hải đăng: “tắt lóe đêm đêm”, có con đê: “cát đỏ cỏ viền”; có tiếng nhạc ngựa: “leng keng”; có ruộng đồng vây quanh “bốn mùa gió mát” với đặc sản lúa “nàng keo” thơm ngon “chói rực mặt trời”; có ao làng nước trong để mặc “trăng tắm, mây bơi”; có những vườn mía “lao xao” đưa gió; có những “mái lá khoan thai thở làn khói nhẹ”; có những hàng me trái “cong vắt lưỡi liềm” và “lá xanh như dải lụa mềm lửng lơ”; có tiếng chim cu gáy “giữa trưa hanh nồng”; có gió mát dặt dìu “xao xuyến bờ tre”. Có thể nói, với cách liệt kê có chọn lọc những đặc điểm nổi bật, ưu tú của quê hương nhà thơ đã tái hiện cho người đọc thấy được một bức tranh của một làng quê ven biển miền Tây Nam Bộ hiện lên rất chi tiết, rõ ràng từ vị trí, địa hình, không gian, sắc màu, âm thanh đến sản vật, cảnh vật … Người ta cũng có thể không ngoa khi nói rằng tất cả các câu thơ miêu tả cảnh vật ấy câu nào cũng là lời ngợi ca hết lời về quê mình của tác giả. Đọc những câu thơ như thế người ta như nghiệm ra một điều: trong mắt của không ít người cái gì của làng mình cũng hay, nhất lại là những người xa quê thì những thứ đọng lại trong trí nhớ và hiện lên trong ký ức cũng đều rất đẹp, thậm chí còn thấy đẹp hơn cả những cái đó nếu có mà thấy ở nơi khác. Nét tâm lý này rất dễ thấy trong cao dao, ví như: “Nhất cao là núi Ba Vì/ Thứ ba Tam Đảo, thứ nhì Độc Tôn” (thực tế núi Ba Vì cao 1296m, núi Tam Đảo cao 1581m, nhưng có lẽ người Ba Vì yêu quý và tự hào về núi thiêng của quê mình nên họ vẫn nói là cao nhất) hoặc như “Ta về ta tắm ao ta/ Dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn”. Tâm trạng đó cũng đúng thôi, chẳng có gì lạ cả bởi tâm lý của con người là vậy. Ai chẳng có tư tưởng “ái quê” nên cái gì của quê mình cũng phải là nhất. Hoàng Tố Nguyên cũng vậy, không nằm ngoài quy luật chung đó. Cho nên nhà thơ đã không khỏi tự hào khi giới thiệu với mọi người về bức tranh quê mình với một vẻ đẹp trong sáng, tươi mát mà tràn trề nhựa sống; đầy sắc màu, sống động mà rất mực hiền hòa, thơ mộng. Tổng thể của bức tranh là vậy. Còn đi sâu vào từng nét vẽ chi tiết của bức tranh ấy ta mới thấy được đầy đủ những nét tài hoa, duyên dáng và rất mực tinh tế của nhà thơ khi ngợi ca từng cảnh sắc của quê mình trong nỗi nhớ mênh mang. Để miêu tả ao làng, mái bếp, bờ tre hữu tình, thơ mộng Hoàng Tố Nguyên đã sử dụng biện pháp tu từ nhân hóa: trăng tắm, mây bơi, mái lá khoan thai thở làn khói nhẹ, tre thổi sáo, gió dìu vương xao xuyến bờ tre. Để đặc tả vẻ trong mát của nước ao, cái mềm mại uyển chuyển của chiếc lá me nhà thơ đã dùng nghệ thuật so sánh: nước trong như nước mắt người tôi yêu, me non cong vắt lưỡi liềm, lá xanh như dải lụa mềm lửng lơ. Nhờ có biện pháp tu từ nhân hóa mà người đọc thấy được cảnh vật và cuộc sống sinh hoạt của Gò Me hiện lên rất sống động, có hồn: cảnh ao làng nước trong văn vắt lung linh bóng trăng, phản chiếu mây trời một cách rất thơ mộng; những mái bếp, mái nhà lợp lá vương nhẹ hơi khói hoặc hơi sương, quấn quýt, bảng lảng trong mỗi sớm mai hay buổi chiều hôm gợi lên sự ấm cúng của tổ ấm gia đình yêu thương; những âm thanh của sáo tre (gió làm bụi tre chuyển động phát ra âm thanh như tiếng sáo), những làn gió vương nhẹ nhàng từ những bờ tre … Tất cả cảnh vật ấy đã gợi lên một không khí thanh bình, vui tươi, thoáng đãng nhưng cũng ẩn chứa một nỗi bâng khuâng, lưu luyến, nhớ nhung. Và cũng nhờ có biện pháp tu từ so sánh mà nhà thơ đã cho người đọc thấy được cụ thể, rõ ràng vẻ đẹp trong vắt, trong veo của nước ao làng Gò Me, hình dáng của quả me và vẻ đẹp mềm mại của chiếc lá … Thế đấy, Hoàng Tố Nguyên phải gắn bó với quê hương đến máu thịt nhường nào mà cảnh vật hiện lên trong nỗi nhớ cụ thể và rõ ràng đến từng chi tiết như vậy? Bức tranh ký ức ấy có khác gì thước phim tư liệu về ấp Gò Me. Thước phim quay càng rõ thì nỗi nhớ quê càng quay quắt. Người đọc như thấy sau mỗi cảnh quay thì cõi lòng nhớ quê của tác giả lại như một nhát cứa, rưng rưng đau xót bởi biết bao giờ mới có ngày tái ngộ. Dường như cái cảnh ngày Bắc đêm Nam ấy đã ám ảnh, đeo bám nhà thơ như một dự báo định mệnh của cuộc đời. Nghĩ thế mà lòng lại nhớ quá mà cũng thương quá.

Trong nỗi hoài hương da diết, ngoài diện mạo, cảnh sắc của làng quê được hiện về trong ký ức như những thước phim thì hình ảnh những con người của Gò Me và những kỷ niệm thời thơ ấu cũng được đằm sâu trong nỗi nhớ. Đó là hình ảnh của những người chị, của những người em:  “Những chị, những em má núng đồng tiền/ Nọc cấy, tay tròn, nghiêng nón làm duyên/ Véo von điệu hát cổ truyền. …”, “Chị tôi má đỏ, thẹn thò/ Giã me bên trã canh chua ngọt ngào”; của người mẹ: “Tôi nằm trên võng mẹ đưa/ Có chim cu gáy giữa trưa hanh nồng …”.  Cứ thế theo dòng hồi tưởng của nhà thơ mà người đọc thấy hiện lên trước mắt những người chị, người em của ấp Gò Me thật đẹp. Một cái đẹp toàn diện. Những cô gái ấy không chỉ xinh (má lúm đồng tiền, tay tròn, má đỏ); duyên dáng (nghiêng nón làm duyên, má đỏ thẹn thò) mà còn rất khỏe khoắn, yêu lao động (nọc cấy, tay tròn); đảm đang, tháo vát (giã me bên trã canh chua ngọt ngào); hát hay, lạc quan yêu đời, gắn bó tha thiết với quê hương xứ sở (Véo von điệu hát cổ truyền/ Tre thôi khúc khích, mây chìm lắng nghe/ – Hò … ơ… Trai Biên Hòa lụy gái Gò Me/ Không vì sắc lịch, mà chỉ vì mê giọng hò …). Dường như ở đây Hoàng Tố Nguyên đã khai thác triệt để nghệ thuật liệt kê và bút pháp tả thực để tái hiện và gây ấn tượng với người đọc về những vẻ đẹp của cô gái Gò Me. Bởi thế từ diện mạo cho đến tâm hồn cùng với những phẩm chất của những cô gái quê hương nhà thơ hiện lên rất đáng yêu và lại làm cho người ta chợt nhớ đến vùng đất mỹ nhân nức tiếng phương Nam và cũng là đất tổ của những câu ca vọng cổ, nghệ thuật cải lương; từng là quê hương của bà Từ Dũ và Nam Phương Hoàng hậu – đất Gò Công. Có lẽ như thế thì đâu phải chỉ có kể. Phải chăng phía sau lời kể ấy còn có cả nỗi niềm tự hào, thương luyến khôn nguôi. Chưa hết, bài thơ cũng còn một hình ảnh người phụ nữ nữa. Đó là người mẹ. Có điều, nói về người mẹ nhà thơ không dùng bút pháp tả thực mà gợi tả. Hoàng Tố Nguyên gợi tả người mẹ hiền yêu quí trong nỗi nhớ thương của mình bằng một chi tiết hát ru đưa võng hồi tuổi ấu thơ. Một chi tiết thôi nhưng đã nói được rất nhiều. Người đọc thấy được cả một thế giới thương yêu con qua tiếng ru nôi ngọt ngào của mẹ mà làm thành nguồn sữa tươi mát nuôi dưỡng người con suốt cả cuộc đời. Hẳn ai đọc tập thơ “Gò Me” thì vẫn còn nhớ những câu thơ da diết của Hoàng Tố Nguyên viết về mẹ. Trong nối nhớ quê, nhớ mẹ thao thiết ấy có những lúc ông ao ước: “Lòng tôi chỉ khát thèm vô hạn/ Những làn roi mẹ đánh cuối năm/ Những làn roi mẹ dấu mặt khóc thầm/ Những làn roi giơ cao đánh khẽ…/ Ở tay người mẹ thương con nén chặt trong lòng! ”- (Khát một mùa xuân). Đúng là cái đức của mẹ con ăn cả đời không hết. Chỉ cần vậy là đủ. Nhà thơ đâu cần phải tả mẹ xinh đẹp nữa bởi mẹ là cô gái của vùng đất mỹ nhân thì cần chi phải nói nhiều cho nhọc. Một chi tiết nhỏ mà ý nghĩa vô cùng. Thế thôi, người đọc cũng đủ nhận ra ân đức của mẹ và ân tình hiếu thảo của người con tha hương cũng như cái cái triết lý mang tính quy luật “Con dù lớn vẫn là con của mẹ/ Đi hết đời lòng mẹ vẫn theo con” mà Chế Lan Viên đã từng thể hiện trong bài “Con cò”.

Hoàng Tố Nguyên nhớ quê đến quặn lòng. Ở trong “lòng miền Bắc” xã hội chủ nghĩa nhưng ông vẫn không nguôi nhớ về quê nhà yêu dấu nơi phương Nam xa xôi hãy còn đang chìm trong lửa đạn. Theo quy luật của tâm lý, người ta càng nhớ nhà, nhớ quê bao nhiêu ký ức càng hiện về những kỷ niệm từng gắn bó ở nơi quê nhà bấy nhiêu. Với Hoàng Tố Nguyên cũng vậy. Nhớ về Gò Me nhà thơ không khỏi không nhớ đến thủa ấu thơ với những kỷ niệm êm đềm: “Cắt cỏ, chăn bò/ Gối đầu lên áo/ Nằm dưới hàng me, nghe tre thổi sáo/ Lòng nghe theo bướm, theo chim” cùng với những điệu hò và tiếng ca vọng cổ vốn nổi tiếng nhất vùng của các cô gái Gò Me: “Tiếng ai vút đầu bông lúa chín/ Gió dìu vương xao xuyến bờ tre:/ “- Hò ơ… Trai Biên Hòa lụy gái Gò Me/ Không vì sắc lịch, mà chỉ vì mê giọng hò!…”. Những kỷ niệm xưa hiện về theo dòng hồi tưởng thật ngọt ngào và êm đềm. Qua những kỷ niệm ấy người ta thấy quê hương Gò Me của nhà thơ hiện lên thật thanh bình và yên ả với những nét sinh hoạt văn hóa truyền thống rất đáng yêu; thấy người Gò Me thật xinh đẹp tài hoa với câu hát, điệu hò làm mê mẩn lòng người. Đặc biệt câu hò của quê hương xứ sở được Hoàng Tố Nguyên dẫn lại hai lần để nhấn mạnh cái nét tài hoa của con người Gò Me. Phải chăng âm điệu của quê hương đã khắc sâu trong ký ức hay tiếng lòng nhà thơ đang khắc khoải vọng về nơi cố hương? Và ẩn đằng sau nỗi nhớ ấy là cả một niềm tự hào. Tự hào về con người, tự hào về nét đẹp văn hóa. Chính cái nét đẹp văn hóa ấy làm thành bản sắc của quê hương. Nó làm cho người xa quê nhưng vẫn còn nhớ mãi. Nó là hành trang tinh thần của cho mỗi người con quê hương trên những nẻo đường xa; là nơi nương náu cho nỗi nhớ quê nhà của những người tha phương. Tình yêu quê ấy cũng chính là tình yêu đất nước. Nó là cội nguồn của lòng yêu nước.

G.H.S

 

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây