Hành trình giao lưu văn hóa Đông Nam Á đang dần mở ra

Kỷ niệm tháng thành lập ASEAN (8/8/1967), nhiều sự kiện đã được tổ chức nhằm tôn vinh di sản của các quốc gia Đông Nam Á. Việc tìm hiểu văn hóa thông qua âm nhạc, văn chương của các quốc gia ASEAN phần nào đã được thắt chặt. Nhưng để có những thay đổi thực sự, vẫn cần thêm thời gian.

Nhiều sự kiện ra mắt 

Mới đây, giải thưởng Văn chương Đông Nam Á (S.E.A. Write Award) đã được tổ chức, tôn vinh các tác giả xuất sắc giành giải trong 3 năm 2019, 2020 và 2021. Đây là giải thưởng thành lập từ năm 1979 và diễn ra thường niên, nơi mỗi quốc gia thành viên của ASEAN sẽ có 1 đại diện được vinh danh. Do ảnh hưởng của COVID-19 mà đến nay giải thưởng từ năm 2019 mới được công bố. 

Giải thưởng năm 2019 được trao cho nhà văn Trần Quang Đạo với tác phẩm Bay trong mơ, năm 2020 cho cố nhà văn Võ Khắc Nghiêm với Thị Lộ chính danh và năm 2021 cho Vĩnh Quyền với tiểu thuyết Trong vô tận.

Cũng trong tháng này, 3 buổi đọc sách trực tuyến Asean Month Readathon do LiteraSEA khởi xướng cũng được tổ chức tại Indonesia (10/8), Việt Nam (17/8) và Malaysia (24/8). Trong hơn 1,5 giờ, những người tham gia sẽ cùng đọc sách mà không trao đổi, không bàn luận, chỉ cần đắm chìm vào các tác phẩm văn chương. Yêu cầu duy nhất là các tác phẩm được đọc phải do các nhà văn bản địa thuộc ASEAN viết, có thể đọc bằng ngôn ngữ gốc hay bản chuyển ngữ sang các thứ tiếng khác phổ biến hơn. Sự kiện trên đã được tổ chức khá thành công.

Nền tảng streaming Apple Music cũng đang công bố chiến dịch Here’s to the Dreamers (Những người ôm giấc mơ) với mục tiêu giới thiệu những nghệ sĩ trẻ nổi bật của âm nhạc Đông Nam Á. Ngoài Yuna (Malaysia) đã quá nổi tiếng trong toàn châu Á thì series này cũng có sự góp mặt của các nghệ sĩ Sezairi (Singapore), Jeff Satur (Thái Lan), Ziva Magnolya (Indonesia) và Ace Banzuelo (Philippines). Đại diện duy nhất từ Việt Nam là nam ca sĩ GREY D (Đoàn Thế Lân) với màn trình diễn Đưa em về nhà được quay trực tiếp tại nhà hát TPHCM và trình chiếu độc quyền trên nền tảng này.

Đây là lần đầu một chiến dịch của thương hiệu lớn chú ý đến khu vực Đông Nam Á. Trước đây, khán giả cũng từng biết đến nghệ sĩ các nước láng giềng qua việc bầu chọn cho giải MTV châu Âu (EMA) mà mỗi quốc gia sẽ chọn ra một đại diện để giành chiến thắng cho toàn khu vực. Nhưng EMA cũng dần giảm nhiệt, nên chiến dịch như nói trên của các nền tảng streaming là rất cần thiết và có hiệu quả. 

Cần chặng đường dài 

Với những sự kiện này, việc tìm hiểu văn hóa thông qua âm nhạc, văn chương của các quốc gia ASEAN phần nào đã được thắt chặt. Thế nhưng, vẫn cần thêm nữa thời gian để những thay đổi thực sự diễn ra. 

Dù được đánh giá thuộc vào “vùng trũng văn học”, Đông Nam Á vẫn có không ít nhà văn giành được nhiều giải thưởng danh giá. Có thể kể đến Eka Kurniawan (Indonesia) với Đẹp là một nỗi đau, từng được đề cử ở giải Booker Quốc tế, Songsin Tiewsomboon (Thái Lan) với Chín mạng cũng từng gây sốt trên mạng xã hội với hình thức tiểu thuyết đồ họa, đã được Việt Nam mua bản quyền và chuyển ngữ… Vì vậy, chất lượng văn chương không phải là lý do chính khiến các nước thành viên chưa được tiếp cận với các cây bút “láng giềng”, mà rào cản ngôn ngữ mới là điểm yếu cần khắc phục.

Trả lời phỏng vấn tại gala S.E.A. Write Award năm nay, nhà văn Vĩnh Quyền chia sẻ: “Tôi tin rằng đức vua và hoàng gia Thái Lan – những nhà sáng lập giải văn chương quốc tế hằng năm này – không chỉ dừng lại ở việc khích lệ những thành quả cụ thể trong quá trình sáng tạo văn học, mà mục đích chính là xây dựng mối quan tâm, sự hiểu biết lẫn nhau giữa các quốc gia trong khu vực, bởi văn học là phương tiện giao lưu văn hóa tuyệt vời. Điều này nhằm góp phần làm thay đổi một thực trạng đã tồn tại hàng thế kỷ: người Đông Nam Á am hiểu lịch sử, văn hóa và thời sự của các nước phương Tây hơn là các nước láng giềng gần gũi nhất của họ trong khu vực”.

Tuy vậy, ông vẫn không quên thực tế là: các “nhà văn Đông Nam Á hầu hết chưa có điều kiện đọc tác phẩm của nhau, thậm chí chưa từng nghe đến tên nhau. Ngoại trừ Philippines và Singapore đã có truyền thống sáng tác và xuất bản bằng tiếng Anh thì các nước còn lại, số lượng tác phẩm được chuyển ngữ rất khiêm tốn”.

Phương án tốt nhất được ông đề xuất là nên có một tủ sách văn chương Đông Nam Á, nơi các tác phẩm từng chiến thắng giải thưởng sẽ được tuyển dịch sang tiếng Anh và giới thiệu với bạn bè khu vực. Vĩnh Quyền cũng là nhà văn Việt Nam hiếm hoi viết bằng tiếng Anh trước khi các tác phẩm được chuyển ngữ sang tiếng mẹ đẻ. Đây là kiểu thực hành văn chương đã được nhiều nhà văn thử nghiệm và đạt được nhiều thành công gần đây, điển hình như Nguyễn Phan Quế Mai hay 2 tác giả Tan Twan Eng và Tash Aw của Malaysia.

Thị trường trong nước cũng có khá nhiều tín hiệu đáng mừng. Tháng Năm vừa qua, các ấn phẩm tiếng Anh của Nhà xuất bản Trẻ đã có cơ hội góp mặt tại Hội sách thiếu nhi châu Á tại Singapore. Sắp tới, phiên bản Anh ngữ của Ngồi khóc trên cây (Crying in Trees) và Chúc một ngày tốt lành (Have a nice day) của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh cũng được ra mắt, góp phần giới thiệu thêm một gương mặt thân thuộc với bạn bè khu vực.

Đại diện Nhà xuất bản Trẻ chia sẻ: “Hành trình đưa sách Việt ra nước ngoài là một chặng đường dài và nhiều khó khăn vì nhiều yếu tố: người chuyển ngữ phải rất giỏi tiếng Việt và tiếng nước ngoài (hiện nay sách dịch ra tiếng Anh vẫn chiếm đa số); nguồn lực đầu tư, thị trường đầu ra của sách dịch… Do đó, số lượng tựa sách dịch sang tiếng Anh vẫn còn khiêm tốn”.

Một vấn đề khác là đa phần những tác giả được chuyển ngữ đã khá nổi tiếng và có một lượng độc giả nhất định. Cần có kế hoạch và sự nỗ lực để giới thiệu thêm những tên tuổi mới, có nhiều cá tính, giúp việc quảng bá thêm phần đa dạng, phong phú và nhiều sức sống. 

Ngô Minh

 

 

 

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây