‘Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi’ là chủ đề đêm thơ, nhạc, kịch tái hiện lại cuộc đời ngắn ngủi nhưng thấm đẫm tình yêu và khao khát sống đẹp, sống ý nghĩa của tác giả Lưu Quang Vũ.
Hai ca sỹ Thùy Tiên, Trần Nguyên Thắng biểu diễn một số ca khúc phổ thơ Xuân Quỳnh-Lưu Quang Vũ. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+).
Ngoài nữ sỹ Xuân Quỳnh, nhà biên kịch Lưu Quang Vũ còn có tình cảm sâu đậm với hai người phụ nữ. Họ đều là những người đã ảnh hưởng tới cuộc đời cũng như để lại nhiều dấu ấn trong các sáng tác của ông.
Những câu chuyện chưa kể, những bài thơ Lưu Quang Vũ viết về họ nhưng ít người biết đến sẽ được chia sẻ trong đêm thơ nhạc kịch mang tên “Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi” tại Nhà hát Lớn Hà Nội ngày 16/8. Đặc biệt, một trong ba người cũng sẽ có mặt tại sự kiện.
Chương trình do gia đình hai cố tác giả phối hợp cùng Báo Nông thôn Ngày nay/Dân Việt tổ chức nhân kỷ niệm 75 năm ngày sinh Lưu Quang Vũ (17/41948), 35 năm ngày mất (29/8/1988) của Lưu Quang Vũ-Xuân Quỳnh – cặp vợ chồng tài hoa bậc nhất của văn chương, kịch nghệ Việt Nam.
Chương trình bao gồm 4 chương, với tựa đề là những câu thơ và tác phẩm nổi tiếng của nhà thơ-nhà viết kịch Lưu Quang Vũ.
Với nhiều loại hình nghệ thuật, chương trình tái hiện lại cuộc đời ngắn ngủi nhưng thấm đẫm tình yêu và khao khát sống đẹp, sống ý nghĩa của cây bút tài năng một thời – người được mệnh danh là nhà biên kịch tiên phong trong nền kịch nghệ Việt Nam ở thời đổi mới.
Ông Lưu Quang Định, em trai nhà thơ-nhà viết kịch Lưu Quang Vũ (trái) chia sẻ tại họp báo. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+).
Chương 1 là “Hồn dân tộc dậy ta làm thi sỹ” nói về tính công dân trong thơ Lưu Quang Vũ. Các nhà nghiên cứu văn học một lần nữa khẳng định trăn trở của Lưu Quang Vũ với “hồn dân tộc.”
Chương 2 “Anh yêu em và anh tồn tại” sẽ nhắc tới 3 người phụ nữ quan trọng trong cuộc đời và sự nghiệp của Lưu Quang Vũ.
Với diễn viên điện ảnh Tố Uyên, nữ chính trong bộ phim “Con chim vành khuyên,” ông đã trao cho bà tình yêu mãnh liệt của tuổi trẻ, để rồi chia tay sau đó khi nhận thấy có quá nhiều điều không hòa hợp.
Người thứ hai là nữ họa sỹ Nguyễn Thị Hiền – tri kỷ của ông trong những “tháng năm đau xót và hy vọng,” những tháng năm mà Lưu Quang Vũ lận đận kiếm sống cũng như đi tìm con đường của mình trong nghệ thuật.
Người thứ ba là Xuân Quỳnh – người bạn thơ đồng điệu, người đã có 15 năm đi bên cạnh Lưu Quang Vũ, người đã cùng ông đi qua những tháng ngày thăng hoa cả về tình yêu và sự nghiệp.
Chương 3 là “Hồn Trương Ba-Da hàng thịt.” Với Lucteam – đoàn kịch của nghệ sĩ Trần Lực – tác phẩm kịch nổi tiếng nhất của Lưu Quang Vũ “Hồn Trương Ba-Da hàng thịt” sẽ một lần nữa được tái hiện trên sân khấu Nhà hát Lớn Hà Nội. Với phong cách biểu hiện-ước lệ của nghệ thuật sân khấu truyền thống, Trần Lực mang tới đêm diễn nhiều sáng tạo mới mẻ, tại đó diễn viên dùng nhiều phương thức biểu đạt khác nhau để thể hiện những vấn đề, những nhân vật được phản ánh trong vở diễn.
Chương kết “Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi” khép lại chương trình. Tại đó, ca khúc “Nhà chật” (nhạc: Nguyễn Lê Tâm) kể lại cuộc sống gian khổ những đầy lãng mạn và yêu thương trong căn phòng 6 mét vuông của gia đình Xuân Quỳnh-Lưu Quang Vũ. Với “Thuyền và biển” và đặc biệt “Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi” (nhạc: Nguyễn Vĩnh Tiến) qua giọng hát diva Mỹ Linh một lần nữa khẳng định niềm tin bất diệt của thi sỹ vào tình yêu và cuộc sống.
Nhạc sỹ Nguyễn Vĩnh Tiến (thứ hai từ trái sang) biểu diễn bài ‘Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi’ do anh phổ nhạc từ thơ Lưu Quang Vũ. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+).
Ngày 8/8, tại cuộc họp báo về chương trình, Nhà báo Lưu Quang Định, Tổng Biên tập báo Nông thôn Ngày nay, Trưởng Ban tổ chức chương trình cho rằng di sản nhà thơ, nhà biên kịch Lưu Quang Vũ để lại rất đồ sộ. Những năm vừa qua, gia đình, đồng nghiệp và những người hâm mộ anh đã làm nhiều chương trình nghệ thuật khác nhau, nhưng mới chỉ mang tới khán giả một phần rất nhỏ trong số di sản đó.
“Người yêu thi ca hay nhắc tới anh với những bài thơ tình say đắm, lãng mạn, nhưng Lưu Quang Vũ còn có một loạt tác phẩm với đầy cảm xúc công dân, tinh thần trách nhiệm của một nhà thơ trước các vấn đề lớn của xã hội, tình thương dành cho những con người nhỏ bé, yếu thế. Tại chương trình này, lần đầu tiên những tác phẩm như thế sẽ được trình diễn trên sân khấu,” ông Lưu Quang Định cho hay.
Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên khẳng định cặp nghệ sỹ tài danh luôn sống giữa chúng ta không chỉ bởi sự tưởng nhớ, bởi những ký ức, mà những tác phẩm của họ còn đồng vọng và cộng hưởng với cuộc sống với hôm nay.
“Với Lưu Quang Vũ, người ta hay nói tới kịch, nhưng với cá nhân tôi, thơ ca của của anh mới là thứ đi cùng thời đại. Đó là tiếng thơ thiết tha, khắc khoải về vận nước, vận đời, vận con người. Nói đến ý thức công dân, thơ Lưu Quang Vũ mang giọng điệu riêng, anh viết một cách thấm thía, đau đớn với nhiều nốt trầm về sự đau thương, khốn khổ. Tiếng thơ ấy còn đồng vọng tới hôm nay, chính bởi vậy, thơ của anh vẫn sống cùng mỗi chúng ta,” ông Phạm Xuân Nguyên nói./.