Huế đã xanh và đẹp

Huế đã xanh và đẹp

Không gian công viên bên bờ Nam sông Hương tạo cho đô thị Huế ngày càng xanh và đẹp hơn.

Những nỗ lực của chính quyền, người dân địa phương gần đây đã cho thấy Huế xanh và đẹp lên từng ngày.

Không riêng tôi mà nhiều du khách đến Huế bây giờ đều cảm nhận, bất kể thời điểm nào trong ngày nếu đi dọc hai bờ sông Hương đều được ngắm các công viên xanh, các miệt vườn hữu tình và hít thở không khí trong lành, sảng khoái. Những không gian xanh này sẽ chưa dừng lại, vì Huế đang tiếp tục hoàn thiện một số tuyến đi bộ, như từ cầu Dã Viên lên vùng Nguyệt Biều, Thủy Biều; đồng thời mở rộng ra mọi hướng sẽ tạo cảnh sắc cho đô thị Thừa Thiên Huế nói chung và TP. Huế nói riêng, với đa dạng về địa hình có sông, hồ, núi đồi, đầm phá, biển. Cảnh quan thiên nhiên hàm chứa nét văn hóa riêng.

Thừa Thiên Huế đang xây dựng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh. Mục tiêu phát triển của tỉnh là huy động, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị theo hướng “Đô thị trung tâm và các đô thị vệ tinh”.

Lịch sử hình thành đô thị Huế có tính đặc thù riêng: “Huế là một Kinh thành – một Kinh đô và nay là một Thành phố di sản văn hóa thế giới”. Để tôn tạo, giữ gìn và phát triển đô thị Huế hiện nay và tương lai, mới đây tỉnh tổ chức quy hoạch chung đô thị Thừa Thiên Huế đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.

Chung quanh vấn đề này, nhiều chuyên gia cho rằng, để xây dựng, phát triển đô thị Huế, không nhất thiết phải xây nhiều nhà cao tầng, nhiều chung cư san sát, có cư dân thành thị đông đúc… mà phải tiến hành lập các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết và các dự án đầu tư hạ tầng khung, hướng đến xây dựng, phát triển đô thị một cách bền vững, thích ứng và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Theo đó, phát triển đô thị Thừa Thiên Huế theo mô hình “Đô thị trung tâm và chùm đô thị vệ tinh” sẽ giúp giảm áp lực về giao thông, ô nhiễm môi trường, đất ở đô thị và các hệ lụy khác về xã hội. Kết nối giữa các đô thị là hệ thống giao thông, cảnh quan thiên nhiên và cây xanh; khuyến khích người dân phát triển “vườn trong nhà, nhà trong vườn”, xây dựng thành phố vườn, thành phố “Bốn mùa hoa”, thành phố “Mai vàng trước ngõ”… Đó là thành phố có môi trường thân thiện, xã hội hài hòa, người dân hạnh phúc.

Thừa Thiên Huế đang quan tâm, ưu tiên phát triển du lịch, công nghiệp, nhất là công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin… để tạo bứt phá, đưa kinh tế tăng trưởng theo chiều sâu trên cơ sở khai thác thế mạnh, đặc thù của địa phương. Trong đó, ngoài phát huy nội lực, tỉnh đang mời gọi các nhà đầu tư chiến lược, các tập đoàn lớn đến đầu tư, nhất là các dự án thuộc lĩnh vực du lịch, công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp năng lượng tái tạo, nông nghiệp sạch…

Để xây dựng danh hiệu đô thị thông minh, đô thị xanh và bền vững đòi hỏi cả hệ thống chính trị, người dân phải vào cuộc, đóng góp và hành động. Vì thế ngoài đầu tư thực hiện các dự án mang tính kỹ thuật, công trình, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức, trách nhiệm của cộng đồng về bảo vệ gìn giữ môi trường xanh; sử dụng năng lượng, tài nguyên thiên nhiên tiết kiệm, hiệu quả, gắn với bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; xây dựng nếp sống văn minh đô thị, môi trường cảnh quan xanh, sạch, đẹp.

Bài, ảnh: SONG MINH

 

 

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây