‘Kiếp người’: Tri ân cho một văn nghiệp – Tác giả: Minh Anh

'Kiếp người': Tri ân cho một văn nghiệp - Tác giả: Minh Anh

Được chính tác giả tuyển chọn và sắp xếp lại vào năm 1995, bản thảo mang tính tổng kết của cố nhà văn Ngọc Giao đã cho thấy lại những nét đặc trưng trong văn nghiệp ông.

Gần 800 trang với nhiều truyện ngắn đã từng được đăng trên Tiểu thuyết thứ Bảy, Phổ thông và Phổ thông bán nguyệt sanKiếp người như bản hòa ca của những thân phận và tấn trò đời trong xã hội cũ. Trong lời tự sự ở đầu bản thảo, nhà văn đã viết:“Các nhân vật trong truyện ồn ã bước ra, cười nói, khóc than, sướng vui, đau khổ với biết bao kiểu người, phận người, kiếp người trong xã hội thuộc địa nước nhà nửa đầu thế kỷ trước. Đặc biệt là Hà Nội, nơi ta đã sống nhiều và viết nhiều.”

Tập sách gồm năm phần chính, chủ yếu họa lại những thân phận người trong xã hội này. Ở đó ta có thể thấy tính chất tự truyện và bán tự truyện nặng tính giãi bày trong phần Tuổi thơ, Văn sĩ và Kiếp cầm ca, đi kèm cùng sự quan sát ở mức tinh vi về những thị dân sống xung quanh mình, trong các phần Những người khốn khổ, Khí phách anh hùng và Những kẻ chán chường. Bao trọn tác phẩm là một nỗ lực muốn ghi chép lại cả hai thế giới đã bao bọc ông, hình thành nên một Ngọc Giao lăn xả giữa nhiều đề tài.

Ám ảnh tuổi thơ

Sinh năm 1911 trong một gia đình trung lưu, Ngọc Giao mất mẹ khi mới 7 tuổi. Cha ông người xứ Kinh kỳ, vào Huế để làm xếp ga và gặp mẹ ông. Ở quãng sau này, nhà ông trú tại tỉnh lỵ Quảng Yên (Quảng Ninh). Hai vị thân sinh đều là những người sống xa quê hương, và cũng có thể chính vì lẽ đó mà phần Tuổi thơ gồm 9 truyện ngắn đều có khuynh hướng vọng về cố hương, cũng như gợi lại những hình bóng cũ mà khi quá nhỏ ông chưa cảm được một cách tròn đầy.

Nha van Ngoc Giao min - 'Kiếp người': Tri ân cho một văn nghiệp - Tác giả: Minh AnhNhà văn Ngọc Giao. Ảnh: Wikipedia.

Do đó cốt truyện của ông thường hướng đến sự mất mát, với những đứa trẻ phải đi “sống gửi” bởi dì ghẻ thờ ơ, cha thì lãnh đạm còn mẹ đã mất. Tuy vậy hình bóng một người mẹ hiền vẫn ở lại đó, với sự hy sinh cả một đời mình cho chồng, cho con. Hình ảnh người mẹ gắn với lá dâu, con tằm như một linh ảnh trở đi trở lại. Nó vừa đại diện cho một cuộc đời “rút ruột nhả tơ”, nhưng khi mất rồi, không còn chỗ dựa, thì ông bỗng thấy mình rất cô độc, bởi lẽ “trăm dâu đều đổ đầu tằm”, giờ mẹ không còn, không ai che chở

Vọng về một thời xa xưa, Ngọc Giao đã tự phán xét hành động của mình. Ông nhớ về một người mẹ muốn mình đỗ đạt khoa cử, vì thế dành hết ngô rang cũng như khoai nướng cho cậu con trai mà bà hằng mong sẽ làm rạng danh. Nhưng tiếc thương thay lại chẳng đạt được. Ông ngẫm về những chuyện xưa, khi mình vô tâm đổi kẹo mạch nha bằng tóc của mẹ, cũng như những trò nghịch dại gây ra hậu quả khôn lường.

Ngoài những điều đó, thì phần riêng này cũng nói về những thay đổi trong quãng đầu đời của cố nhà văn. Hướng về Quảng Yên, ông nhớ mái nhà lúp xúp nằm san sát nhau, với ông Bồng già là người đầy tớ trung nghĩa, với thằng Bống lanh lẹ là con trai ông, cũng như là cậu Hai Huấn luôn bị ám ảnh bởi tính nóng giận đã bắn nhầm con… Tuổi thơ trong các trang viết của Ngọc Giao tinh tế nhưng không êm dịu, bởi lẽ nó cũng mang theo điềm báo của những nỗi đau, cái chết và sự chia cắt.

Đó là mẹ hiền yêu dấu bạc mệnh, “người đã bỏ lầu hoa chốn đô thành để đi chôn cả nhan sắc trong gian truân đau khổ với chồng, với con, người đã chôn cả tấm hình hài ngàn vàng trong kiếp giang hồ, chết âm thầm ở nơi đất lạ, quê người!” Đó là người cha thường vọng về phía Kinh Bắc, là cái chết của ông châm đèn dầu câm, của những đứa trẻ vì sự ác nghiệt rồi phải phiêu lưu qua những kiếp người và những kiếp nghèo… được lấy cảm hứng từ Không gia đình của Hector Malot.

Một tấn trò đời

Trong phần thứ hai, Ngọc Giao cũng đã mượn tên một tác phẩm khác của Victor Hugo để xây nên cõi nhân quần của nhiều cơ cực. Đó là 15 tác phẩm về những gia đình tiếp tục khuyết thiếu, khi là tình cảm ấm áp, khi là người vợ, người mẹ, người bố ra đi… Kết hợp cùng những điều đó chính là cái nghèo không ngừng vây bủa, nơi chân giá trị và mọi danh dự như bị giáng cấp, từ đó cho thấy hiện thực buồn khổ của một giai đoạn vô cùng khó khăn.

Ở đây ta cũng thấy rõ được mối liên kết cùng với tự nhiên của riêng Ngọc Giao, khi đó như sự an ủi và bạn đồng hành trong một kiếp dài đã quá mỏi mệt. Trong các câu chuyện như Người bắt rắn, Người gác đêm, Một đêm trăng đỏ hay Quê nhà, ý tưởng về những con thú bị ép làm xiếc, về nơi thiêng liêng chôn nhau cắt rốn… cũng được tả lại một cách khác biệt. Tuy chỉ là một bối cảnh trong sự chảy dài của những kiếp người, nhưng có thể thấy nhà văn Ngọc Giao cũng nghiêng mình xuống cùng với tự nhiên, và coi tự do là giá trị nhất, hơn hẳn mọi thứ.

Và cũng có thể vì lý do đó mà buổi loạn lạc cũng đã tạo ra những cảnh ngộ riêng, khi gia đình ly tán và sự chia phôi diễn ra đầy sự mất mát cũng như oan nghiệt. Không chỉ là chồng xa vợ, ông xa cháu, cha xa con… Mà đó còn là xung đột về mặt tư tưởng, khiến cho nội bộ gia đình trở nên chia rẽ, để việc “oan nghiệt cởi ra, ân tình thắt lại” dường như bất khả, dù họ có chung huyết quản đang chảy.

Nhưng không bi lụy sa vào bi kịch, nhà văn Ngọc Giao trong phần Khí phách cũng đã viết về những người dũng cảm đứng lên giành lấy độc lập. Đó là cha con những người anh hùng đứng lên chống giặc ngoại xâm, cũng như những người thà chết độc lập còn hơn sống dưới ách vua bù nhìn. Tuy có số lượng tương đối khiêm tốn, thế nhưng một phần nhỏ này cũng đã phản ánh một khả năng khác của cố nhà văn, khi thuật lại các sự kiện lịch sử một cách sống động, và khẳng định rằng dù cho thời nào đi nữa, thì con người ta vẫn phải giữ lấy khí phách của mình.

Tap truyen Kiep nguoi min 850x669 - 'Kiếp người': Tri ân cho một văn nghiệp - Tác giả: Minh AnhTập truyện Kiếp người. Ảnh: Minh Anh.

Tâm sự nghề văn

Và cũng có thể bắt nguồn từ sự yếm thế khi dấn thân vào nghề viết – điều mà mẹ ông hoàn toàn không muốn, mà trong phần Kiếp cầm ca, Ngọc Giao viết về những người đi theo con đường nghệ thuật phần chán chường và đầy tuyệt vọng. Đó là những người phụ nữ vì phải mưu sinh mà rồi không ngờ xa cách âm dương, cũng như các vị nghệ sĩ phải cố mưu sinh trong một đời sống còn nhiều biến loạn. Ngoài ra vì một kiếp nghèo mà họ cũng phải bán mình để có thể sống thêm vào một ngày nữa, và khi “thêm một gái giang hồ, xã hội mất đi một người mẹ hiền, một người vợ tốt, một người em ngoan. Đó là cái đau đớn nhất”.

Tình trạng “cũng liễu nhắm mắt đưa chân” này sau đó cũng sẽ trở lại trong cuốn Xóm Rá ra mắt khoảng vài năm trước, khi ông viết sâu vào trong thân phận những người phụ nữ chịu nhiều bất công và rồi biến chất đi theo dòng đời. Mảng đề tài khác ông cũng quan tâm đó là cánh chim thiên di của người nghệ sĩ. Họ là những kẻ “phiêu lưu không hạn định, có kẻ ném sách bỏ học đường, có kẻ trút vội vỏ ngoài một công chức phong lưu, một công tử đồn điền, một thương gia cự phách để gửi mình vào hoàn cảnh mới, dắt díu nhau đi lang thang lếch thếch, vui với miếng cơm manh áo thiên hạ”.

Bằng những trải nghiệm của bản thân mình, cố nhà văn đã truyền tải được những vấn đề riêng trong lĩnh vực này. Ông đã tái hiện những sự mâu thuẫn giữa vị nghệ thuật với vị nhân sinh, cũng như cho thấy được tính đa nghĩa khi nghệ thuật có thể giả trá và cũng chân thật ngay một khắc sau. Nhưng nó cũng là mê dược của những phù dung, khiến ta sa vào là không dễ bỏ. Dẫu biết “Cái nghề viết văn nhọc mệt và bạc bẽo, cái nghề không biết sống bây giờ rồi chết bao giờ”, nhưng ông cũng mượn truyện dài Mưa thu để cho thấy rằng những người nghệ sĩ như con thiêu thân dẫu chỉ còn lại một cánh thì vẫn còn lao vào vòng lửa cho tròn nghiệp duyên.

Như vậy có thể thấy rằng Kiếp nghèo lần ra mắt này như sự tri ân đối với cuộc đời cũng như văn nghiệp của riêng Ngọc Giao. Trong các trang văn, “tâm hồn trống trải như quán chợ chiều” đã được tái hiện lại thật thơ mộng nhưng cũng đượm buồn, bởi sự mất mát và các trải nghiệm mà cá nhân ông đã phải kinh qua. Có thể nói rằng tác phẩm lớn này như những mảnh ghép để làm đầy thêm một “tấn trò đời” mà ông nhọc công cố tái hiện lại.

Minh Anh

 

 

 

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây