Miền tháp cổ – Tác giả Vũ Hùng – Kỳ 13 – Ngữ nghĩa địa danh Đà Nẵng

Ngữ nghĩa địa danh Đà Nẵng

Untitled 1 10 - Miền tháp cổ - Tác giả Vũ Hùng - Kỳ 13 - Ngữ nghĩa địa danh Đà Nẵng

NHÀ XUẤT BẢN ĐÀ NẴNG

Untitled 2 - Miền tháp cổ - Tác giả Vũ Hùng - Kỳ 13 - Ngữ nghĩa địa danh Đà Nẵng

Tác giả Vũ Hùng

 

Ngữ nghĩa địa danh Đà Nẵng

Nhà nghiên cứu Vũ Hùng

Nguồn gốc và ngữ nghĩa của địa danh Đà Nẵng là câu chuyện dài thú vị, được nhiều nhà nghiên cứu quan tâm tìm hiểu nhưng lời kết còn để ngỏ.

Đà Nẵng là “Địa danh có nguồn gốc Chàm (Đà có nghĩa là sông, nước, còn Nẵng có nghĩa là lớn)(1). Danh xưng Hàn, Đà Nẵng đã có từ thời Chămpa. Hàn có nghĩa là bến, Đà Nẵng nghĩa là sông già, sông lớn (Đà là sông, nước; Nẵng là già, lớn)(2). Người Chàm gọi tên vùng này là Hang Đanak, bờ biển buôn bán. Đanak hay Đarak có nghĩa là sông lớn, tức sông Hàn(3). Đà Nẵng là địa danh phiên âm từ tiếng Chàm Hang Đanak, Đanak hay Đarak nghĩa là con sông. Nhưng giải thích nghĩa theo Hán tự: đà là con sông, nẵng là xưa kia. Đà Nẵng là “vùng sông nước xưa kia” (4).

Theo cụ Bố Thuận, con của quan Pháp Aymonier lấy vợ người Chàm, làm ở Viện Viễn Đông Bác cổ và sống ở Phan Rí vào đầu thế kỷ XX, Đà Nẵng là biến dạng của từ Chàm cổ Đaknan. Đak có nghĩa là nước, nan hay nưn là rộng, chỉ vùng sông nước rộng mênh mông cửa sông Hàn bây giờ. Người Việt phiên âm Đaknan thành Đà Nẵng. Cũng theo cụ Bố Thuận, chữ Đaknan được người Trung Hoa gốc Hải Nam đọc là Tounan, sau này biến đổi thành Tourane(5).

Nhà nghiên cứu Sakaya cho rằng, tiếng Chàm và Raglai cùng ngôn ngữ Malayo – Polynesia, nhưng hiện nay ngôn ngữ cổ của người Chàm đã rơi rụng nhiều, nhưng người Raglai vẫn còn lưu giữ nhiều yếu tố cổ. Trong ngôn ngữ người Raglai, đanang nghĩa là nguồn, sông nguồn. Đanang khá trùng âm với địa danh Đà Nẵng.

Địa danh Đà Nẵng hình thành không ngoài quy luật giao thoa các ngôn ngữ Ấn, Hoa. Người Ấn Độ đã đi lại và lưu trú trên dải đất này từ thế kỷ thứ III-II trước công nguyên, nền văn minh Ấn với Phạn ngữ du nhập trước tiên, bản địa hóa thành Chàm ngữ. Người Trung Hoa diễn dịch ngôn ngữ Sanskrit bằng âm Hán, sau khi ảnh hưởng của Ấn suy yếu, người Hán đã thay thế bằng cách Trung Hoa hóa. Dải đất bên tả ngạn sông Hàn đối diện với bán đảo Sơn Trà ngày nay, trong thịnh thời của người Chàm tại châu Amaravati, có tên là Hang Đanak. Hang là dải đất do biển rút cạn để lộ ra, Hang biến âm thành từ Hán – Việt là Hàn. Đanak là cửa sông tiếp giáp biển, biến âm thành Đà Nẵng. Người Việt đã diễn dịch âm Chăm Nak thành Hán tự Nãng, nghĩa là xưa, trước kia, nhưng vẫn đọc là Nẵng. Người Nam Trung Hoa phát âm Đà Nẵng là Tu-rang, người Bồ Đào Nha khi đến Quảng Nam trong thế kỷ XVI, XVII đã ký âm thành Turan, Turam, Turao, Turơn, Turone.v.v…(6)

Như vậy, các nhà nghiên cứu đều thống nhất tên gọi địa danh Đà Nẵng có nguồn gốc từ ngôn ngữ Chàm Đanak, Đarak, Đaknan/Đaknưn hoặc Đanang của người Raglay. Nhưng lý giải về nghĩa còn khác nhau: Sông già, sông lớn, sông, vùng sông nước rộng mênh mông cửa sông Hàn, cửa sông tiếp giáp biển, nguồn, sông nguồn.

 

Untitled - Miền tháp cổ - Tác giả Vũ Hùng - Kỳ 13 - Ngữ nghĩa địa danh Đà Nẵng

Chữ Chàm “Hang Danak”.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Sinh Duy có dẫn chứng tự dạng chữ Chàm “Hang Đanak”(7), nhưng không chú thích xuất xứ từ bia ký hay sử liệu nào. Chữ này không phải Phạn ngữ hoặc chữ Chàm cổ, mà là chữ akhar thrah, một loại chữ tìm thấy trên văn bản hoàng gia Chàm vùng Nam Trung Bộ, Ninh Thuận và Bình Thuận, và hiện nay cũng là chữ mà người Chàm vùng này đang sử dụng. Chữ akhar tharah có từ thế kỷ XVII đến nay, từ thế kỷ thứ XVI đến thế kỷ thứ IV là thời kỳ chữ Chàm cổ và từ thế kỷ thứ IV trở lên là chữ Phạn(8).

Trong Ô Châu cận lục, biên soạn vào giữa thế kỷ XVI, lần đầu tiên ghi nhận về địa danh Đà Nẵng: “Đền thờ Tùng Giang: Đền thờ tại cửa biển Tư Khách, huyện Tư Vinh và tại cửa biển Đà Nẵng xứ Quảng Nam”(2). Như vậy, trước đó rất lâu, có thể khi chưa thuộc Đại Việt, người Chàm ở đây, vùng Amaravati, đã gọi vùng đất này là Hang Đanak/ Hang Đarak. Có thể sau này người Chàm đã phiên âm theo chữ Akhat thrah, dẫn đến thay đổi nghĩa so với bản ngữ.

Theo chữ akhar thrah, từ Hang là bờ, bực, bờ dốc đứng, khá trùng với một số lý giải là bến, bờ. Nhưng Đanak – một từ biến âm thành Đà Nẵng, lại khác xa về nghĩa, không phải là sông già, sông lớn, sông, vùng sông nước rộng mênh mông cửa sông Hàn, cửa sông tiếp giáp biển, nguồn, sông nguồn. Đanak là một từ hai âm tiết có khá nhiều nghĩa: Biển, đại dương, liễng (liễng trầu, xấp trầu), thứ tự, ngăn nắp, loại, dòng (tôn giáo), lệnh, đẳng cấp, khuynh hướng v.v… Đarak nghĩa là chợ búa, vịnh, biển khơi(10). Hang Đanak, Hang Đarak có nghĩa là bờ biển, bờ vịnh, bến chợ.

Người viết bài này không có ý định viết lời kết cho câu chuyện dài lý thú về địa danh Đà Nẵng, nhưng đồng tình và dự cảm rằng ngữ nghĩa của địa danh này xuất phát từ tên gọi theo âm Chàm Hang Đanak hoặc tương tự như vậy.

Có thể quá trình tiếp biến, đơn âm hóa của người Kinh, Hang và Đanak tách ra. Hang biến âm thành Hàn và Đanak biến âm thành Đà Nẵng. Vì vậy, Đà Nẵng cũng được gọi là Hàn, xứ Hàn (Ra Hàn xuống Phố: Ra Đà Nẵng xuống Hội An), và con sông chảy qua đây cũng gọi là sông Hàn. Ngày trước, dân gian gọi khu vực thuộc các phường Nam Dương, Hải Châu (gồm Hải Châu I và Hải Châu II) và Bình Hiên ngày nay là xứ Đà Nẵng(11), bao gồm vùng bờ sông từ phường Bình Hiên đến phường Hải Châu, có chợ Hàn sát bờ sông. Có thể đây chính là vùng đất khởi thủy có tên gọi theo âm Chàm Hang Đanak.

Người Hoa ở Hải Nam phát âm Đà Nẵng là Tounan, Tu-rang, các thương nhân, giáo sĩ phương Tây đã phiên âm thành Turan, Turam, Turao, Turơn, Turone. Người Pháp cũng đặt tên với âm tương tự là Tourant khi thành lập thành phố nhượng địa này vào cuối thế kỷ 19. Vì vậy, Tourant cũng có nguồn gốc từ ngôn ngữ Chàm./.

Nhà nghiên cứu Vũ Hùng

 


(1) Địa chí Quảng Nam – Đà Nẵng, NXB. Khoa học xã hội, Hà Nội, 2010, trang 1653.
(2) Nguyễn Phước Tương, “Đất Hàn xưa”, báo Đà Nẵng cuối tuần, ngày 17.10.2004.
(3) Võ Văn Dật, Lịch sử Đà Nẵng,(1306-1975), Nam Việt, 2007, trang 17, 18.
(4) Lê Văn Hảo, “Về các địa danh Bà Thân, Hà Thân, Hà Thị Thân ở Đà Nẵng”, Tạp chí Phát triển kinh tế – xã hội Đà Nẵng, số 16+17, 2011.
(5) Vũ Hùng, “Năm mới nói chuyện tên quê”, báo Đà Nẵng Xuân Tân
Mão 2011.
(6) Nguyễn Sinh Duy, Quảng Nam và những vấn đề sử học, NXB. Văn hóa Thông tin, 2005, trang 13-23.
(7) Xem minh họa.
(8) Theo nhà nghiên cứu Sakaya, chữ Chăm cổ vùng Amaravati có khoảng 70-80% là Phạn ngữ, chữ Chăm akhar thrah chủ yếu là tiếng Malayo-Polynesien, Phạn ngữ chỉ khoảng 20%.
(9) Dương Văn An, Ô Châu cận lục, NXB. Thuận Hóa, Huế – 2001, trang 97.
(10) Gerard Moussay, Từ điển Chàm -Việt – Pháp, Trung tâm Văn hóa Chàm, Phan Rang, 1971.Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Trung tâm nghiên cứu Việt Nam Đông Nam Á, Từ điển Việt – Chăm, NXB.Khoa học xã hội, 1996. Aymonier – Cabaton, Dictionnaire Cam-Francais, Paris, 1906.
(11) Lê Duy Anh, Lê Hoàng Vinh, Lược sử Đà Nẵng 700 năm, NXB. Đà Nẵng, 2006, trang 39.

 

Untitled 1 10 - Miền tháp cổ - Tác giả Vũ Hùng - Kỳ 13 - Ngữ nghĩa địa danh Đà Nẵng

Nhà xuất bản Đà Nẵng
Lô 103 – Đường 30 tháng 4 – Thành phố Đà Nẵng
ĐT: 02363 797814 – 3797823 – Fax 0236 3797875

Chịu trách nhiệm xuất bản:
Giám đốc: Trương Công Báo

Chịu trách nhiệm nội dung:
Tổng biên tập: Nguyễn Kim Huy

Biên tập : Trần Văn Ban
Bìa : Họa sĩ Phan Ngọc Minh
Trình bày : Lê Hoàng Quý
Sửa bản in : Thành Nam


In XXX cuốn, khổ 13,5 x 20,5 cm tại Công ty Cp In…… ĐC: ….. Số ĐKXB: 4761 2018/CXBIPH/01-212/ĐaN. QĐXB số xxx/QĐ-NXBĐaN, cấp ngày xx/xx/2019. Số ISBN: 978-604-84-xxx-x.
In xong và nộp lưu chiểu Quý III/2019.

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây