Lý Phật Tử luận kế thương thành – Truyện lịch sử Phùng Văn Khai

Đại điện Long Biên, buổi sáng.

Buổi chầu vừa tan, các vị triều thần lục tục kéo nhau rời đại điện. Theo lệnh đức vua, hai vị chủ tiêu cục Vạn Hành An và thương đoàn Lê Giáp cùng Hữu Thừa thị Khả Mật ở lại hầu giá. Đức vua nhanh nhẹn bước từ trên ngai vàng xuống chỉ tay về phía cuối điện, nơi có mấy chiếc sa bàn đắp đất, thong thả nói:

– Các vị thương nhân, Thừa thị, mời hãy theo trẫm tới đây!

Vốn đã thuộc tính nết của đức vua, cả ba người mau chóng rời bước tới trước chiếc sa bàn.

Đức vua rút cây gậy trúc nhỏ dài gác ngay trên vách gỗ sa bàn, trỏ vào một điểm trong đó nói:

– Vạn tiêu chủ! Chỗ này đây! Hôm trước, trẫm đã phải tạm đóng vai khanh tới thương lượng với bọn Hắc Long trên biển, xác lập hành doanh luân chuyển hàng hóa. Xứ vạn đảo Trường Châu không những phải sớm dựng hành doanh trao đổi giao thương, mà còn phải đưa thêm ngư dân từ Đằng Giang các làng ra đảo. Ba vùng đảo Bách Ngư, Thiên Long và Vạn Hoa, đều phải tăng thêm các hộ dân mới, tương hỗ lẫn nhau bám biển mưu sinh. Vạn Hoa còn phải là vựa cá của cả vùng Đông Bắc. Vạn Hành An tiêu cục, thương đoàn các khanh phải giúp trẫm thật tốt việc này.

Lão chủ tiêu cục Vạn Tuấn Thần trang nghiêm đáp:

– Vạn Hành An quả thực hết sức vui mừng tiếp nhận khẩu dụ của hoàng thượng. Mọi việc sắp xếp thêm thuyền bám biển, tương hỗ ngư dân, xây dựng hành doanh giao lưu hàng hóa vùng biển Đông Bắc, thần cùng huynh đệ tiêu cục sẽ làm hết sức mình. Xin hoàng thượng yên tâm!

Thấy đức vua đang vui, lão thương chủ Lê Khôi bèn thủ lễ tâu:

– Bẩm hoàng thượng! Thương đoàn Lê Giáp ba mươi bảy chi lưu lớn nhỏ đều mong muốn được hoàng thượng sai khiến. Cũng nhân đây, thần có lời cảm ơn tới Vạn tiêu chủ, suốt thời gian qua đã giúp đỡ luân chuyển hàng hóa kịp thời mau chóng. Các mặt hàng rau củ quả tươi sống, đến như thịt cá gạo muối, nếu không chuyên chở kịp thời, để thiu thối sẽ chỉ đổ sông đổ biển, táng gia bại sản như chơi. Từ rày trở đi, thương đoàn Lê Giáp xin Vạn tiêu chủ tiếp tục giúp đỡ kết nối vận chuyển hàng hóa cho.

Đức vua thấy hai vị thương nhân lớn nhất nước chân thành hợp tác, tôn quý lẫn nhau vui mừng nói:

– Nhị vị ái khanh! Các khanh thật khiến trẫm yên lòng. Hôm trước mượn tạm danh vị Vạn Hành An của khanh, trẫm càng thêm thông hiểu nỗi khổ của thương nhân, tiêu cục. Bên ngoài thì lo sóng to gió lớn, nước xiết, đá ngầm; bên trong thì lo đám tham quan nhiễu lại đòi đút lót, còn thêm giặc núi, giặc biển trấn cướp đủ cả. Quả là kiếm được miếng ăn vất vả lắm thay! Vậy mà các khanh ai cũng một lòng vì nước. Như Lê khanh đây vừa hiến ngàn cây gỗ quý để làm quốc điện có khác gì cắt đi một phần da thịt của mình. Đất nước thái bình, các khanh lại càng vất vả. Người làm vua như trẫm càng phải trông chờ nhiều ở các khanh. Trẫm đã suy nghĩ kỹ rồi. Nhất định công cuộc hưng quốc hưng dân, triều đình đều giao cho các khanh. Các khanh hãy vì nước mà hiến kế.

Hai vị thương nhân chưa bao giờ thấy đức vua trăn trở về quốc kế dân sinh đến thế. Ngài ngự luôn mấy năm lo yên ổn miền biển, miền rừng, lại đang lúc tập trung trí lực cho việc trùng tu quốc điện ở Phong Châu, khai thị sáu sông đàng trong, yên vững xứ vạn đảo Đông Bắc mà vẫn còn để tâm tới các thương đoàn, tiêu cục, lại còn có ý giao việc nước cho thương nhân, trong bụng ai nấy hết sức khâm phục sự quả đoán của đức vua.

Được lời như cởi tấm lòng, tiêu chủ Vạn Hành An đón cây gậy trúc của đức vua tiến về phía chiếc sa bàn sôi nổi nói:

– Bẩm trình hoàng thượng! Đã từ lâu thần ấp ủ trong lòng việc tạo dựng các thương đoàn, tiêu cục liên hoàn cho Vạn Xuân ta. Vạn Xuân xưa nay không đề cao chiến thành chuyên chú binh đao chém giết, nhưng từ lâu đã xác lập những thương thành vững mạnh, sầm uất, khang trang. Như cố kinh Phong Châu xưa kia từng là một thương thành trên bến dưới thuyền, vạn dân nhất chủ. Cố kinh Cổ Loa cũng vậy, ngày trước đại tướng quân Cao Lỗ không chỉ giỏi việc binh gia chiến giáp, mà ngài ấy còn rất biết chăm lo cho bách tính thị tộc. Các vòng thành nước sâu chín khúc quanh co ở Cổ Loa chính là các bến sông, bãi chợ, làng nghề trao đổi hàng hóa của chúng dân khắp vùng. Đặc biệt là kinh thành Long Biên, từ ngày Tổng trấn Ngô Bân lãnh nhiệm quân chúng, ngài ấy đã chủ trương tạo dựng một thương thành dẫn đầu cả nước. Nhất loạt các loại hàng hóa muốn tìm mua, đều có bán ở Long Biên. Ngô Tổng trấn không chỉ gây dựng các đầu mối giao thương thức vật khắp nước, mà ngài ấy còn thiết lập các chế tài điều tiết giá cả, mua đỡ bách tính thị tộc khi dư thừa, cấp không miễn phí cho các hộ tộc cô nhi quả phụ, thưởng phạt các thương đoàn rành mạch rõ ràng, giúp vốn cứu trợ các ngành nghề cổ truyền mai một, mới có được bộ mặt của Long Biên hôm nay. Chỉ cần nhìn vào gương Tổng trấn Ngô Bân, cho thấy tuy không nói ra, nhưng đích thị ngài ấy đã dày công dựng một thương thành Long Biên dày vững cho mai hậu.

Nha van Phung Van Khai tai Le gio Duc vua Phung Hung tai Duong Lam Son Tay Ha Noi min - Lý Phật Tử luận kế thương thành - Truyện lịch sử Phùng Văn KhaiNhà văn Phùng Văn Khai (bìa trái) tại Lễ giỗ Đức vua Phùng Hưng tại Đường Lâm – Sơn Tây – Hà Nội.

Nghe tới đó, lão thương nhân Lê Khôi liền tiếp lời:

– Bẩm hoàng thượng! Vạn tiêu chủ nói đúng lắm! Sau khi đánh đuổi bọn người Dương Sằn phương Bắc, thành Long Biên lúc đó chỉ là một đống hoang tàn. Vậy mà chỉ ít năm sau, Tổng trấn Ngô Bân đã khơi đắp thành một trung tâm kẻ chợ trên bến dưới thuyền, là đầu mối giao thương của cả nước. Nay hoàng thượng hưng quốc, không chỉ cần có một Long Biên, mà các trọng trấn khác đều phải được khai thông thủy bộ, kết nối bách nghệ, khơi dẫn hàng hóa trao đổi rộng khắp muôn dân. Kế sách biến trọng trấn thành thương thành của Vạn tiêu chủ quả là rất sáng suốt. Xưa nay dân giàu thì nước mạnh. Cứ xem bách dân hiến sức lực của cải cho công cuộc trùng tu quốc điện, khai thị sáu sông, đủ biết tiềm lực ở trong dân là vô cùng tận. Các bạn hữu thương nhân ở Ái Châu, Dã Năng, Cửu Đức, Xuân Khang khi kết giao buôn bán với thần, đều mong muốn có được những trung tâm lớn nơi trọng trấn đông dân để lập chi nhánh, kho xưởng, bến bãi, có mặt bằng bày biện, chế tác sản vật, tìm nhân lực tại chỗ định nghề mới mau chóng phát triển, lợi ích sinh sôi. Xin hoàng thượng minh xét!

Đức vua thấy hai vị thương gia Lê – Vạn đều là những người nhiều đời lấy việc buôn bán, bảo tiêu làm sinh kế; các chân rết, vốn liếng, tay chân rải đều khắp nước, nay thành tâm hiến kế cho triều đình, lại đang lúc đất nước thái bình rất cần người tài giỏi việc kinh bang tế thế bèn vui mừng nói:

– Hữu Thừa ái khanh! Khanh hãy mau biên chép rồi chỉnh sửa kế sách của nhị vị thương đoàn, tiêu cục đây thành chế định, xác lập các thương thành được hưởng đặc quyền giao lưu, buôn bán các loại hàng hóa cùng địa giới đất đai trong mỗi trọng trấn, bến sông, bãi chợ. Tùy theo đặc thù thương đoàn, tiêu cục lớn nhỏ mà cấp khoảnh đất, định rõ từng điều khoản ưu tiên, chế tài xử phạt. Tổng trấn Ngô Bân đang phải kiêm quản việc trùng tu quốc điện. Ngài ấy cũng vừa được trẫm giao phó huấn hỗ ba huyện mới Bắc Thượng, Trạm Sơn, Tây Đạo vùng Tây Bắc hiện đã quá nhiều việc. Nay trẫm tạm ra đề bài cho ba khanh: Trước mắt, Vạn Xuân ta xác lập chín thương thành lớn nhỏ, tạm lấy Long Biên làm chuẩn mực. Đó là Phong Châu, Cổ Loa, Ô Diên, Gia Ninh, Thiên Long, Dã Năng, Ái Châu, Cửu Đức, Đô Lung. Mọi chế tài mỗi thương thành đều phải lấy lợi ích của thương nhân, tiêu cục, của người làm ra của cải vật chất, lợi ích của bách tính thị tộc làm thước đo. Nếu là chỗ không động tới việc trị an của triều đình, phong tục tập quán của vùng đất, đều có thể lập tức thi hành. Ngay như các lợi ích của triều đình, trước mắt đều có thể tạm đặt sau sự phát triển của tầng lớp thương nhân, người làm ra các sản vật. Ý của trẫm là, các mối lợi vật chất hãy để thương đoàn, chúng dân hưởng trước. Có như vậy mới khơi dẫn được bọn họ, người giàu trong cả nước mới yên tâm bỏ tiền riêng của mình ra buôn bán, sản xuất, khai mở bách nghệ. Còn mọi việc như thu thuế, định mức của cải giao nộp triều đình, đều phải xem xét hạ xuống thấp nhất. Với những ngành nghề mới mở, nhất loạt đều miễn trừ tiền thuế ba năm. Trong khoảng thời gian này, hẳn là triều đình có nghèo đi một chút, song của cải để trong dân chúng còn vững chắc hơn để nơi ngân khố quốc gia cũng chẳng thiệt đi đâu. Cũng nhân dịp này, triều đình sẽ cho chấn chỉnh, thống nhất khuôn mẫu, đúc lại toàn bộ đồng tiền Vạn Xuân, quy về năm mệnh giá chính để bách tính thị tộc đàng trong đàng ngoài trao đổi dễ dàng. Thương nhân, tiêu cục các khanh cũng phải mau chóng họp bàn thống nhất việc đong, đo, cân, chỉnh về một mối, định lượng rõ ràng, tránh việc gian lậu hại đến dân chúng, cũng là để thương nhân phương Bắc không thể trà trộn được, buộc phải theo chế định quy củ của ta. Mọi việc các khanh hãy khẩn trương bàn bạc quyết định. Trẫm sẽ đích thân phê duyệt từng việc, từng điều khoản áp dụng cho mỗi thương thành. Các khanh cứ mạnh dạn mà làm, không cần phải quá e dè sợ sệt.

Hữu Thừa thị Khả Mật cùng hai vị lão thương nhân như không tin ở tai mình. Không thể nào ngờ đấng quân vương một nước lại đích thân tự chủ trì xét duyệt từng điều khoản làm ăn buôn bán cho thương nhân. Thật khác quá xa khi trong dân gian từ thượng cổ vẫn thuận miệng lưu truyền thứ tự địa vị bốn hạng người: Sĩ, Nông, Công, Thương, nghĩa là luôn xếp bọn người buôn bán vào hạng cuối. Nay đức vua hoàn toàn ngược hẳn định kiến của tiền nhân, nhất quyết tin tưởng giao việc hưng quốc cho tầng lớp thương nhân, đúng là cổ kim chưa từng thấy. Ngay như các đời Tần, Hán hùng mạnh ở Trung Nguyên cũng chưa nghe thấy nói tới bao giờ? Vị Hữu Thừa trải mấy triều quân vương, tuổi đã sít soát bảy mươi, kinh qua đủ thứ chuyện trên đời cũng chưa hề nghe tới.

Thấy vậy, Hữu Thừa thị Khả Mật quỳ xuống cung kính tâu:

– Hoàng thượng thánh minh! Chúng thần lập tức biên soạn chế định thương thành dâng lên hoàng thượng!

Đức vua lúc đó đang phấn chấn, ngài ngự tươi cười đáp:

– Khả Mật! Các khanh đừng cái gì cũng cho là trẫm thánh minh! Cuộc biên soạn các chế định xác lập thương thành lần này, trẫm không xét ở ngôi quân trưởng, mà là đứng ở góc độ bách dân. Các khanh hãy cứ soạn đi. Bách dân lần này đừng hòng để triều đình bắt nạt.

Nghe đức vua nói tới đó, Hữu Thừa thị Khả Mật cùng nhị vị lão thương nhân chỉ biết há miệng ra cười.

Quả thực, khi thực hiện kế thương thành do các thương đoàn, tiêu cục tham vấn, hoạch định cho triều đình, quốc lực Vạn Xuân ngày một dày vững hơn lên. Chỉ khoảng năm năm sau, chín thương thành trên cả nước quang cảnh trên bến dưới thuyền, bãi chợ bến sông, các xưởng nghề vô cùng tấp nập. Đồng tiền Vạn Xuân được thống nhất trên toàn quốc. Bách tính thị tộc trong toàn cõi được ân hưởng thái bình suốt mấy chục năm.

 

 

 

 

 

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây