Theo dấu loa kèn – Tập truyện ngắn của Nhà văn Kiều Bích Hậu – Kỳ 5

Theo dấu loa kèn - Tập truyện ngắn của Nhà văn Kiều Bích Hậu - Kỳ 5

Truyện ngắn

Theo dấu loa kèn

 

MÙI ỔI

Tác giả: Kiều Bích Hậu

(Cúi nhặt chiều mưa dăm quả rụng)
Hoàng Cầm

Cuối hè, hoa ổi nở trắng xóa vườn nhà Phan Nhẫm.

Gã lần cây gậy trúc, quờ quạng bước ra cửa. Phan Nhẫm ghét cây gậy mà vẫn phải vời đến nó. Cây gậy là minh chứng cho bất lực của gã với đời. Mới chớm lục tuần, mà tóc gã rụng trơ sọ, chỉ vì thứ hóa chất chết tiệt. Thêm nữa, gã có muốn thét lác con cháu cũng chẳng được. Ung thư vòm họng. Cắt! Cắt! Cắt!

“Giờ vưỡn còn sống là tốt rồi. May ra qua được vụ ổi này chăng.”

Gã lẩy bẩy lần qua con đường đất ngăn giữa hai cái ao lên vườn ổi. Gọi là rừng ổi mới đúng, vì từ ngôi nhà ngói năm gian của Phan Nhẫm trông qua mặt ao, ngước lên sẽ lập tức bị ngợp tầm nhìn trước một vạt xanh điểm trắng khổng lồ đầy đặn, chặt chẽ và dẻo dai của lá, hoa và thân ổi. Khi hạ mắt xuống, thì tầng chếch phía dưới chẳng thấy nước, dù mặt ao cũng đang dâng cao. Qua ba đêm mưa rào liền tù tì, bèo cái đã nở phủ kín mặt ao, xanh non mỡ màng, cánh bèo nào cũng muốn xòe ra hết cỡ. Lũ chim cuốc tha hồ nhún nhảy trên mặt ao bèo, lủi từ góc nọ sang góc kia, mắt láo liên vụng trộm. Phan Nhẫm dừng lại, ngước lên, hoa ổi nở trắng bung, đầy lùm đầu cành rủ lũ ong đen ong vàng xúm xít tít mù lấy nhụy hút mật. Thực ra, chúng đang vô tư yêu nhau giữa thanh thiên bạch nhật chẳng đậy điệm gì. Ừ, mà sao lại phải giấu giếm cơ chứ? Thế mới là tự nhiên. Gã nghĩ bụng. Yêu đương vốn thực sự là hành  vi cao quý nhất của muôn loài…

Gã lặng đi và bỗng thấy bất công quá. Đến mùa, hoa ổi lại thi nhau nở bừng, rồi sẽ thành những chùm quả chĩu chịt thơm lừng, còn gã thì có thể chết bất cứ lúc nào. Gã sẽ hoàn toàn biến mất khỏi mặt đất này, mà vô vàn những chùm quả kia vẫn sẽ vàng ươm, dậy mùi ổi chín quyến rũ. Mùi ổi sẽ dành cho ai?.

Gã bảo thằng Oai, con trai trưởng: “Mai kia tao chết, đến giỗ, khỏi cần cỗ bàn tốn kém, mày cúng tao đĩa ổi chín là tao sẽ về!”.

Quả thực, trước một đĩa ổi ngự chín vàng thơm ngậy thì gã có chết cũng dựng nắp quan tài bật dậy. Làm sao có thể cưỡng nổi mùi ổi chín mê hoặc.

Gã từng ân hận và tự dằn vặt nhiều lần cũng vì không cưỡng nổi bản năng. Nhưng ân hận hay dằn vặt thì cũng chỉ là những khoảnh khắc con người muốn học đòi thánh mà thôi. Và người sống thì chẳng bao giờ làm thánh được.

* * *

Gã lấy vợ từ thuở 15. Vợ gã hơn gã 5 tuổi. Lý lẽ của mẹ cha thật đầy đặn. Gã ương ương, còn vợ gã chín nục nạc. Vừa dễ có con, vừa chăm chút gã tử tế. Dù sao gã cũng là con độc, hòn ngọc báu duy nhất của họ Phan. Thị Lài, vợ gã có mu bàn chân cong gồ lên, đi nhanh thoăn thoắt, để lại trên đất ướt những dấu chân đứt giữa phần ngón và gót. Người như thế cả đời vất vả mà không bao giờ giàu được. Vợ gã trán rất bóng, tóc búi to nặng sau gáy. Mũi gãy, mắt đảo như rang lạc, nói nuốt âm và ghét nhất là răng cửa thưa hoác, chỗ răng cửa bên trái còn hõm vào đúng bằng hạt thóc do cắn chắt nhiều. Răng như thế thì đưa chuyện phải biết! Vợ do mẹ cha cưới cho thì đành dùng vậy. Được cái thị có bộ ngực nở nang. Hồi thị còn trẻ, ngực rất căng, gã thường lấy quả ổi mỡ chín bẻ đôi, xát tới xát lui lên bầu vú căng đầy của thị rồi mê tơi vục mặt vào đó.

Ba năm sau cưới, vợ đẻ cho gã thằng con trai tên Oai. Thật là cục kim cương của cả dòng họ. Mới đẻ ra mà mặt nó đã rắn câng như quả ổi xanh. Nhưng thật oái oăm, bốn lần sau đó thị toàn đẻ con gái. Có một thằng Oai nối dõi tông đường là được rồi. Tuy nhiên, có hai thằng thì vẫn ăn chắc hơn. Nhưng vợ gã bỗng tịt đẻ. Người thị teo tóp nhanh, hai răng cửa như thưa hơn, quanh nhà vương vãi  những cuộn tóc rụng của thị, vú thõng ẻo nhẽo. Gã chán chẳng muốn đụng tới nữa.

Ở làng Đa, gã rất  được trọng vọng. Chẳng gì thì gã cũng  là người duy nhất học lên đến Đại học nghề y, bằng cấp hẳn hoi và giờ lại giữ chức Giám đốc bệnh viện Huyện. Cả làng gọi gã kính cẩn là ông, từ khi gã còn rất trẻ. Ai mà chẳng phải nhờ cậy đến gã, từ bà già toét mắt kinh niên đến đứa trẻ sưng phổi khặc khừ, từ ông già nghiện rượu xơ gan đến thằng thanh niên ho hen khò khử…

Gã mở thêm phòng khám tại nhà, chẳng biển báo gì nhưng người làng khác còn phải đến chầu chực chờ khám. Gã kiếm tiền rất ác. Và dù không khinh tiền, thì gã cũng chẳng coi trọng. Gã luôn có tiền. Vậy mà gã làm ngày làm đêm. Hết giờ ở bệnh viện Huyện, gã lại lao về chữa cho con bệnh đang chầu hẫu đợi ở nhà. Gã tất bật và luôn thấy thiếu thời gian. Gã vẫn mong có nhiều con bệnh đến tìm gã để được chữa. Trước mỗi bệnh nhân mới, gã háo hức lạ. Căn bệnh đang hành hạ bệnh nhân là mục tiêu của gã. Gã nhìn bệnh nhân, nghe mạch cổ tay, nghe tim phổi theo lệ thường nhưng cực kỳ để ý lắng nghe họ kể lể than vãn  bệnh tình. Gã sẽ dò tìm, rồi tóm lấy con quỷ trong người bệnh nhân. Và giết nó. Đó là một cuộc chiến và nó tạo cho gã khoái cảm, không thua khoái cảm với đàn bà thơm mùi ổi chín. Khi gặp bệnh nhân những lần khám sau, thấy bệnh nhân dần dần trơn lông đỏ da, gã biết mình đã thắng con quỷ thêm một keo nữa. Gã đã chiến thắng nhiều và luôn có nhu cầu phải chiến thắng. Nhưng cả lúc làm nghề gã cũng kỳ quặc và tự  tin đến nỗi khi vào mùa ổi gã thường ngắt lời kể lể của bệnh nhân bằng câu hỏi tưởng như chẳng liên quan: “Có hay ăn ổi không?”  Rồi chẳng để bệnh nhân kịp trả lời, gã giải thích: “Cái giống trái quê mùa này nhiều vitamin lắm, rất lợi cho sức khoẻ.” Rồi thế nào gã cũng kê thêm “toa” trái ổi – “Lên vườn tôi mà mua mớ ổi về ăn. Rẻ lắm!” Nếu các bác sỹ khác khuyên bệnh nhân uống nước cam, thì gã khuyên ăn thêm ổi chín.

***

Thân xác vợ chẳng còn tác dụng, mà gã thì sung sức đến thế, chẳng lẽ bỏ phí. Đàn bà con gái đến khám bệnh cũng nhiều. Những kẻ thối mồm bảo rằng đứa con gái  nào ngon mắt mà qua tay bác sỹ Phan Nhẫm khám là bác sỹ xơi tất! Đàn bà lạ mà đẹp nữa thì đàn ông nào cũng thích. Với riêng Phan Nhẫm, thì đàn bà không những đẹp mà phải thơm tho nữa thì gã mới dùng. Đàn bà nhà quê săm sắn nhưng mồ hôi nhiều, lại lười tắm rửa và ít áo quần nên thường tanh và chua loét. Gã thấy kinh lắm. Thị Lài vợ gã cũng có cái mùi chua đặc trưng của đàn bà lam lũ ruộng vườn bao đời như thế. Khổ nỗi mũi gã lại quá nhạy mùi. Gã cứ phải xoa ổi mỡ chín lên ngực vợ cho át mùi mồ hôi cũng còn vì thế.

Ưng cô gái nào, thì gã mời ra vườn ổi chơi, ăn ổi, rồi thế nào cũng đè nghiến con người ta dưới gốc cây ổi mỡ. Vườn ổi rộng và kín mít như đồng lõa cho cái sự phởn phơ tình tang của gã. Nhưng thực ra thì gã chỉ có thể thỏa cơn say đàn ông khi thân thể người đàn bà tan trong hương ổi thơm gợi tình dai dẳng.

Gã hơn người cũng còn vì có vườn ổi ngàn cây đề huề, bao quanh là những ao liên hoàn bèo cái nở kín mặt. Thuở Phan Nhẫm còn bé tý, vườn là nơi trồng lúa, khoai, ngô, sắn… mỗi góc một loại thành một hợp xướng lương thực ấm áp. Mấy cây ổi mỡ, ổi bo, ổi ngự, ổi sẻ trồng rải rác ven bờ ao để lấy cái cho trẻ leo trèo vui chân tay, lấy quả cho trẻ ăn vui mồm. Phan Nhẫm biết leo ổi từ lúc cởi truồng còn chưa biết ngượng. Gã có thể xơi ổi trừ cơm. Tay bám chân đạp, gã thoăn thoắt leo tót lên cây nhanh hơn cả khỉ. Quả nào chín mùi thơm ngầy ngậy và dai, gã hái bỏ túi. Quả nào bấm móng tay vào thịt ổi thấy sụt thì gã hái bỏ mồm nhai cắc cụp. Thủa ấy, mùa ổi nào Phan Nhẫm cũng bị vài cơn táo bón đến khổ. Thằng bé nhấp nhổm vừa dặn toát mồ hôi vừa khóc váng vườn, có khi mẹ gã phải thò tay móc hộ. Vườn sau này có vô số cây ổi lộn kiếp, là kết quả “đầu ra” của Phan Nhẫm từ thuở bé, quả ăn chua loét, nhưng gã không cho chặt bỏ, giữ làm kỷ niệm. Gã cứ nhân giống mãi lên, đến nay ổi mọc khắp vườn, nhiều nhất là ổi đào, ổi bo và có cả ổi Thái. Mỗi vụ, nhà Phan Nhẫm thu khá tiền từ ổi, nhưng tiền không phải là cái quan trọng nhất, mà mùi ổi chín luôn làm gã thèm thuồng. Gã có cái thú ấp quả ổi chín mềm trong lòng bàn tay cho đến khi ấm lên thì gã bỏ tọt vào miệng, những ngón tay của gã cả ngày sẽ vương mùi ổi chín đầy kích thích. Gã luôn muốn yêu đàn bà trong mùi ổi chín mê hoặc. Gã tự thấy hơn người ở điểm ấy. Mà ở làng, ai cũng muốn hơn người, phải tìm ra cớ để hơn người.

Thị Lài vợ gã sau đó có hiện tượng cứ ăn vào là thốc ra. “Ông giời không cho ăn nữa rồi!” Mẹ gã héo hắt nhìn nàng dâu, giờ chỉ thấy hai răng cửa và cặp mắt thất thần tuyệt vọng. Gã vẫn tiêm cho vợ. Lúc nào thị đau quá thì tiêm. Những mũi kim nhọn đâm vào da thịt khô héo mới giả dối làm sao. Vả lại gã còn có thể làm gì hơn được. Vợ gã chết vào một mùa ổi đã tàn. Gã nhớ suốt mùa ổi ấy, vào những đêm mưa, ổi thi nhau trút bì bõm xuống mặt ao rộng dập dềnh bèo cái lẫn ổi chín trương vàng mọng, chẳng để làm gì. Tại sao mưa nhiều  làm  nhạt  vị  mà  chẳng  nhạt  nổi  mùi  hương. Giá  như, giá như… mùi ổi chín phai đi.

***

Gã vẫn có đàn bà, nhiều hơn là khác. Mẹ gã cằn nhằn, rằng ở làng này, việc bé bằng cái hạt ổi sẻ, qua miệng một người đã nở bằng quả bí ngô! Gã kệ – đằng nào thì gã cũng mang tiếng trăng hoa rồi. Chính chuyên như vợ gã mà vẫn chết sớm đấy thôi.

Mỗi người đàn bà lại cho gã một cảm giác lạ lùng về ổi. Nàng Oanh có cái cổ thật cao. Khi yêu gã, nàng cong người, căng cứng, cổ rướn lên, tay gã vuốt không ngừng cần cổ dẻo dai ấy, như thân ổi trơn, nhẵn thín mà rắn rỏi phi thường, chứa những thớ gỗ căng đầy sinh lực. Nàng Yến có làn da mềm và trắng như ruột ổi mỡ. Tay gã miên man trên da nàng, có cảm giác không thể dứt nổi ra khỏi chất dấp dính chín mềm ngòn ngọt ấy.

Nhưng ám ảnh nhất lại là nàng Tằm. Nàng là hàng xóm của gã. Nhà nàng nghèo nhất xóm, đất hẹp chẳng đủ trồng một cây ổi. Thuở bé, nàng thường xé rào chui sang nhà gã, lên vườn trộm ổi. Gã thường nấp sau một bụi mây rậm rì để rình con oắt tắt mắt ấy. Chắc là nó chẳng có gì ăn nên gầy nhẳng, trưa nào cũng chui sang vườn nhà gã ăn trộm lúc thứ này, khi thứ khác. Tóc loe hoe vàng cháy nắng buộc vắt sau gáy bằng một sợi chun quần cũ, mắt láo liên, con oắt ăn trộm cả ổi xanh, gãy cả răng sữa vì ổi. Gã thấy con oắt tham lam, vặt ổi cắn, nhai câng cấc, nhè bã ổi liên tục xuống gốc, còn lận đầy cạp quần ổi xanh. Gã bật cười rinh rích khi thấy con oắt xoạc cành ổi quá đà, toạc cả đũng quần. Nhưng gã chẳng nỡ bắt con oắt lần nào, chỉ một lần xông ra cuống quýt khi con oắt vô ý tóm phải bọ nẹt ổi, khóc toáng lên vì rát rạt, suýt rơi xuống gốc ổi. Con oắt lớn lên thành nàng Tằm, trông cũng hay mắt. Không giống những cô gái thôn quê, Tằm dong dỏng, mảnh mai nhưng ngực lại tròn đầy và eo rất bé, hông cao nở nang như kiểu gái châu Âu. Nàng hay ru rú ở nhà, rất ít nói nhưng có đôi mắt đen thật đặc biệt, đôi mắt làm người ta sợ hãi, cảm thấy mình như bị xuyên thấu, bị lột truồng, dù nàng chỉ lặng lẽ nhìn thẳng  mắt người đối diện. Không ai hiểu được những gì diễn ra trong cái đầu nhỏ của nàng.

Nàng thôi xé rào chui sang vườn gã, chỉ thỉnh thoảng xin vài quả ổi chín, bỏ túi áo để sống trong mùi ổi cả ngày. Tằm bị ế, chỉ vì lời đồn rằng từ hồi dậy thì, nàng đã bị Phan Nhẫm hiếp sau bụi mây khi chui sang vườn nhà gã trộm ổi. Thực ra, gã cũng muốn cưới Tằm, nhưng khi gã biết nghĩ đến điều đó thì gã đã có vợ nhiều năm. Mà ở làng Đa, ly dị là một chuyện tày đình, tai tiếng để đời, người ta dám tằng tịu, nhưng tiền lệ chưa có ai ly dị! Người ta sợ làm cái việc mà trước đây chưa ai dám làm.

Dù vậy, gã vẫn tin là mình hiểu được Tằm.

Nàng Tằm cũng nghiện mùi ổi chín. Còn gã thì chỉ có mùi ổi mới làm gã thực sự hưng phấn. Mùa thu, khi chào mào và sáo đen bay về rợp vườn nhà Phan

Nhẫm, ăn ổi, tha hạt ổi vung vãi khắp xóm, mùi ổi chín thơm lừng lan toả khắp làng, quyến rũ vô chừng thì nàng Tằm và Phan Nhẫm lại sung sướng quần nát cả cỏ dưới gốc cây ổi ngự già. Càng thú hơn nữa khi sau đó, kệ cho Tằm thu vén chuồn mất, gã cứ nằm phưỡn dưới gốc ổi, hé mắt nhìn tán ổi xoè ra bao che, và lắng nghe hương tình yêu bay trong không gian. Thi thoảng vài con kiến đen, bọ giọt, nhện cỏ  vô tư rơi xuống người gã, bò lung tung. Gã cũng kệ.

Vợ chết được đầy năm thì gã cưới nàng Tằm. Dân làng dè bỉu, lũ con ghen tức. Đặc biệt là thằng Oai, nó e rằng nàng Tằm sẽ sinh con trai, đất đai tổ tiên để lại phải cưa đôi, cho thằng em khác mẹ một nửa. Giá như Phan Nhẫm yên phận, không đi bước nữa, lũ em gái lấy chồng, hưởng phúc phận đằng nhà chồng, thì tất cả nhà cửa, vườn tược sẽ chỉ thuộc về một mình thằng Oai mà thôi.

Cưới Tằm chưa được bao lăm thì Phan Nhẫm phát hiện bệnh. Làng Đa càng ngày càng nhiều người mắc chứng bệnh – án tử – người ta có thể ung thư mọi bộ phận. Năm nào trong làng cũng có vài người chết ung thư. Làng ô nhiễm nặng, vì ao làng thu hẹp dần. Nhà nhà lấp ao để xây nhà tầng. Người đẻ mà đất không chịu đẻ, thôi đành chọn cách vươn lên trời cao, tranh giành không gian với lũ chim trời. Cống rãnh chảy quanh nhà, dọc theo đường làng thối um, không lối thoát, nước cống dềnh lên ngập cả đường khi mưa to, tràn vào sân nhà, ngấp nghé leo vào trong nhà. Không khí trong làng đậm đặc thối khẳn. Đó là một  trong những cái cớ làm người ta ung thư, rủ nhau chết bệnh trước khi kịp già.

Dao sắc không gọt được chuôi. Bác sỹ Phan Nhẫm có giỏi mấy cũng bó tay trước bệnh án tử. Thằng Oai bên cạnh nỗi đau nhất định phải có khi bố mắc bệnh hiểm còn le lói một hy vọng: bố nó điều trị hoá chất, ắt sẽ chẳng thể làm mẹ kế mang bầu được nữa. Nó sẽ không phải chia sẻ thừa kế với ai. Vườn ổi um tùm, căn nhà ngói năm gian sẽ chỉ thuộc về nó mà thôi.

Càng nghĩ Phan Nhẫm càng cay. Gã vẫn tự cho mình là nhất ở cái làng này. Ấy thế mà gã phải kết thúc sớm. Ừ thì chết, nhưng không thể chết đơn giản như vợ gã, như bao người bị con ác quỷ ung thư tóm đi ở làng này. Cái chết ám từng hơi thở gã, nó đòi một nghĩa lý nào đó. Nó lồng lộn trong cả những giấc ngủ chập chờn của gã. Có lần, gã thấy mình biến thành quả ổi. Gã muốn mình chín thơm lừng, nhưng lại muốn ở mãi trên cây. Chẳng quả ổi nào có thể ở mãi với cành, dù ổi cố tình leo tít ra cành xa, tránh tay người hái, nhưng rồi cơn mưa đến, gió lay lắc và gã rụng. Ôi thôi, rơi xuống ao bèo! Mắc trên đám bèo! Người không ăn, cá rô không đớp được. Đời ổi cũng thật chênh vênh.

***

Mưa rớt bão, dai dẳng. Về đêm, mưa rả rích, rả rích dày vò gã. Trên vườn, ổi lõm bõm rụng xuống ao bèo. Mưa nhiều thì nhạt ổi. Quả ổi trương mọng lên mà vô vị. Ổi nhạt như đĩ điếc thì dù có thơm cũng chẳng ai thèm. Gã ghét và muốn cắn chết những cơn mưa dài mùa thu.

Gã cũng sắp rụng về. Mà gã để lại được gì cho mai sau? Một thằng con trai nối dõi ư? Chuyện đó thì thiếu gì người làm được cơ chứ. Phải là gì đặc biệt hơn kia? Cái gì? 60 năm cuộc đời, ngoái lại mới giật mình. Không có gì thật đặc biệt,  và thật sự ý nghĩa. Vười ổi, phải rồi, đó có thể là cái mà gã bấu víu. Ít ai có vườn ổi dầy như vườn gã.

Nhưng rất có thể sau đó, thằng Oai sẽ tàn sát vườn ổi, để tạo nên cái ý nghĩa khác riêng của nó. Gã chết đi thì ai cấm được nó.

Còn Tằm thì sống chết nói thương gã. Nàng muốn có mụn con với gã. Đàn bà gần 50 tuổi mà chửa được thật hiếm. Gã cũng khát khao muốn làm cho nàng chửa. Dù cho không còn sung mãn như trước, nhưng gã vẫn rực lên khi gần Tằm. Hương ổi chín như thoát ra từ bên trong người nàng. Khi gã ngấu nghiến hoà nhập càng sâu vào bên trong nàng thì mùi ổi càng đậm, và gã quên đi nỗi ám ảnh của con quỷ.

Gã sẽ đắc chí biết bao nếu như gã có thể làm cho Tằm chửa. Sự sống mới mà gã tạo nên trong bụng Tằm là thể hiện sự tự do vô bờ mình gã có được ở cái làng này. Không một thế lực nào có thể cản trở sự tự do truyền giống của gã, mà phải với người đàn bà đang làm gã đắm đuối. Nếu có đứa con này, gã sẽ chiến thắng cái chết. Đó lại là một khát vọng, như một sợi dây thần bí nối sự sống và cái chết, đem lại ý nghĩa vĩnh cửu cho cái chết, và để gã có thể yên tâm rời bỏ trần ai.

Tằm có thai. Mắt nàng ánh lên những lấp lánh kỳ lạ. Gã đã thắng! Gã lập ngay di chúc, chia nửa gia sản cho thai nhi trong bụng Tằm. Cả đàn con của gã uất ức.

Có đứa dám thẽ thọt sau lưng gã rằng cái thai trong bụng bà ý chắc gì đã là của bố chúng.

Cái lũ bất nhân! Vì tý của nả thừa kế phải sẻ san mà chúng sẵn lòng chà xéo lên cái ước vọng đáng thương cuối cùng của kẻ sinh thành!

Mà chúng cũng chẳng chịu thì thào sau lưng không thôi đâu.

Trưa nắng rám da cháy thịt. Tằm đi hóng gió đâu mất. Gã mệt, nằm nghỉ mắt trông ra cửa sổ. Cây ổi ngự ghé một cành sai quả sát bên chấn song gỗ mời chào. Thoảng tiếng chào mào, sáo đen rúc rích lẩn trong lá ổi. Lát sau đã thấy lũ chào mào đỏ đít tham lam chí choé cãi nhau tranh ăn ổi chín. Cái ăn khắp xung quanh mà chúng luôn tranh giành, ra sức rỉa hết quả này đến quả khác. Mùi ổi tươi thơm lựng trong nắng thu vàng. Gã giật mình khi thằng Oai dựng gã dậy với vẻ bí

mật che giấu cảm giác thực trong cặp mắt vội cụp xuống của nó. Thằng con dẫn gã lên vườn ổi. Thật khẽ. Lén lút. Gã thấy nơi góc vườn, giữa ban trưa, dưới gốc ổi sẻ, một bóng đàn ông hì hục, bập bềnh quái đản. Gã nhìn xuống dưới, vẫn đủ tỉnh táo để kinh hoàng nhận ra người đàn bà gan ruột của gã. Tim gã rụng tọt xuống đáy sâu. Gã muốn tru lên như con sói hoang. Không đủ lực! Gã lủi thủi thụt lùi dần trước nỗi ngạc nhiên của thằng con.

Gã chẳng nói gì với Tằm, nhưng gã không ngủ nữa.

Dù sao gã cũng đã sống đúng con người gã, không che giấu đậy điệm. Mà người làng Đa, kể cả Tằm, ai cũng che giấu bản chất. Ruột nghĩ một đằng miệng nói một nẻo, cốt để dựng lên một cái bóng không bao giờ có thực của mình.

Khi không ngủ nữa, gã có thể chắc chắn một điều rằng trên đời này chẳng có điều gì là chắc chắn cả, ngoại trừ cái chết.

Gã đắc thắng hơi sớm, cái thai trong bụng Tằm đơn giản chỉ là một trò đùa của Thượng Đế. Gã vẫn giữ nguyên di chúc, đời chỉ là một trò đùa.

Gã không đau khổ. Giá mà gã có thể đau khổ hay căm hận. Gã chỉ không tìm ra ý nghĩa của chính gã cũng như sự bí hiểm của tâm can con người.

Gã thở ra rất nhẹ, rồi thu mình rụng xuống ao bèo. Và sau khi không cần thở nữa, gã nửa chìm nửa nổi trong nước. Mưa cuối thu rả rích rơi ru mắt gã khép lại. Ổi chín cùng mùi thơm dai dẳng tì tũm rụng xuống mặt ao cùng gã. Vì biết rằng, cái chết là mãi mãi.

K.B.H


 

 

Thung nắng

Móng ngựa gõ lộp cộp trên con đường đất pha sỏi săn chắc chạy giữa cánh đồng lúa xanh ngút ngát. Thạch Tổ vén bức rèm nhung đỏ may riềm tua nhiễu vàng bước ra khỏi cỗ xe ngựa, theo sau là thằng Đệ, mỏng mảnh, trắng trẻo ra dáng quý tử, Tổ vỗ mạnh vào má con, rồi khoát tay về thảm xanh ngọc bích lúa đang thì con gái:

– Tao cho mày cả cánh lúa này. Từ hôm nay mày ra khỏi nhà tao. Tự làm tự ăn. Tao bốn mày sáu, cuối vụ trả tao đầy đủ.

Cỗ xe ngựa phủ rèm nhung đỏ riềm vàng lộp cộp trở lại làng, bỏ lại Đệ giữa cánh đồng. Đệ vừa phấn khích, vừa hoang mang phóng mắt nhìn như muốn ôm trọn khoảng xanh bao la mà kể từ phút này nó sẽ cai trị.

Dòng Ngô Đồng chảy im lặng giữa hai dãy núi cao. Nó cõng trên lưng một con thuyền Rồng đỏ chót, với vảy và vuốt móng vàng choé. Thạch Tổ khinh khỉnh không thèm nhìn gã trai vạm vỡ đứng lui phía sau mình nửa bước chân, Tổ hạ giọng:

– Từ đây, đất ven chân núi dọc sông là của mày. Làm được bao nhiêu 50/50. Mất trắng thì thôi, nhưng chớ cậy tao giúp.

Huynh ngước mắt nhìn hai vạt lúa như hai dải lụa xanh mềm chấp chới ven sông, không nói gì. Hai dải đất ngoằn nghoèo mà Huynh vừa được cha ban cho, nằm lặng dưới mặt nước khoảng ba mươi phân.

Cô Đỏ chỉ nhếch mép khi nghe đức lang quân thông báo việc ông chia tài sản cho hai quý tử. Nhưng Thạch Tổ có thể thấy nụ cười ẩn sau gương mặt đẹp lạnh lùng của cô. Ông làm theo ý chí của ông, bất cần vợ cảm thấy ông cao thượng hay ngược lại. Ông vừa ghét, lại ngấm ngầm thích Huynh, dù nó chẳng mảy may là máu thịt của ông. Cái thằng kiệm lời, bướng bỉnh nhưng nhân cách của nó là điều luôn làm Thạch Tổ ngạc nhiên và phải kìm mình ngăn chặn tình cảm có nguy cơ lớn dần giữa ông với “đứa con” bất đắc dĩ này.

Thạch Tổ đi từ hang Cả trên núi xuống làng. Chẳng ai xác minh được nguồn gốc của Tổ, còn Tổ thì tuyên bố rằng mình dòng dõi vương quyền. Tổ thoắt đây đó làm ăn như ma, về làng tậu đất, tậu ruộng, giàu có kỳ dị. Rồi một ngày Tổ đem về làng một cô gái bụng chửa kềnh càng, tuyên bố là vợ. Cô này là cô Đỏ, mà Thạch Tổ mất nhiều công sức mới cướp được từ tay một kép chèo có giọng ngọt thỉu như mật.

* * *

Đệ làm việc quần quật tối ngày trên cánh đồng màu mỡ, da Đệ hóa ngăm đen, chân tay có cơ bắp. Đệ muốn mình giàu nhất, và Đệ canh chừng cả Thạch Tổ lẫn Huynh. Thạch Tổ có một điều bí mật khiến ông làm ăn khác người và luôn thu bộn tiền. Với số tài sản của Tổ, thì ba đời con cháu sau ông chỉ ngồi chơi, ăn không chưa hết, nhưng Tổ vẫn đẩy hai thằng con ra khỏi cửa, để chúng tự vẫy vùng. Tổ cho rằng, nếu Tổ chỉ chu cấp cho chúng một cuộc sống no đủ mà không phải làm gì, không phải cố gắng, thì nghĩa là Tổ tiêu diệt khả năng của chúng.

Sau vụ mùa cực nhọc, Đệ vắt tay lên trán và phát hiện ra rằng, sau khi chia phần cho cha, trừ đi chi phí thì Đệ có tích cóp cả đời, cánh đồng mỡ màng kia cũng chẳng làm Đệ giàu bằng cha.

– Hồi trẻ, cha hay đi khỏi làng. Cha đã làm gì? – Đệ hỏi.
– Làm tiền! – Thạch Tổ thủng thẳng đáp, mắt không nhìn con trai mà ngắm chén rượu hạt mít trắng muốt nằm lọt thỏm trong lòng bàn tay to bè của Tổ.
– Bằng cách nào, cha?
– Mỗi thời một khác, mày không thể học cách của tao. Mày đi ra cánh đồng từ ngôi nhà gỗ to nhất làng này. Còn tao từ hang Cả đi ra, trong tay không có cái gì, ngoại trừ những điều tao học được từ đá, nước, mồ hôi của đá.
– Con biết cha khôn hơn thiên hạ. Mà con lại là con trai thực sự của cha.
Thạch Tổ nâng chén chạm nhẹ môi, dòng cay nhỏ trong vắt như pha lê, tinh tuý của ngọc thực trôi vào thân thể ông, vừa trôi vừa ngấm, đến đáy dạ dày thì cũng xoẳn biến hết.
– Mày không cần nhắc nhở. Có điều này tao nói được con ạ. Tao luôn dùng cái của người khác làm lợi cho mình. Bây giờ, mày luôn thấy thiếu thời gian để làm giàu hơn người, bởi mỗi ngày của mày chỉ có hai mươi tư tiếng. Còn mỗi ngày của tao, nếu tao muốn, tao có thể có cả ngàn tiếng. Mày có hiểu bằng cách nào không?

Thạch Tổ nâng chén chạm nhẹ môi, dòng cay nhỏ trong vắt như pha lê, tinh tuý của ngọc thực trôi vào thân thể ông, vừa trôi vừa ngấm, đến đáy dạ dày thì cũng xoẳn biến hết.

– Mày không cần nhắc nhở. Có điều này tao nói được con ạ. Tao luôn dùng cái của người khác làm lợi cho mình. Bây giờ, mày luôn thấy thiếu thời gian để làm giàu hơn người, bởi mỗi ngày của mày chỉ có hai mươi tư tiếng. Còn mỗi ngày của tao, nếu tao muốn, tao có thể có cả ngàn tiếng. Mày có hiểu bằng cách nào không?

Thạch Tổ nhếch mép cười rồi vụt đứng dậy, vung chân đá đít thằng con. Đệ hiểu là nó phải xéo khỏi ngôi nhà gỗ to nhất làng ngay lúc ấy.

Thạch Tổ lững thững bước sang gian bên, ở đó cô Đỏ đang mải mê chải tóc. Mái tóc mềm như dòng nước đen chảy xuống đùi cô. Cô Đỏ quyến rũ nhất ở làn da và mái tóc. Làn da trắng, trong suốt như men sứ Tàu thật khó kiếm. Cô giữ nhan sắc kỹ lưỡng, đẻ con xong giao ngay cho vú nuôi, cả đời không động tay vào việc gì. Nghe đồn, da tay cô Đỏ mềm mát như lụa, trắng như ngó sen. Thạch Tổ giữ cô như giữ báu vật. Tối nay họ sẽ sang phủ bên xem hát chèo. Cô Đỏ mê xem chèo. Cả đời cô chỉ mê chèo và mê chính nhan sắc của mình.

* * *

Đệ đi tìm Huynh, thấy Huynh ngồi thổi sáo điệu Xà ly trên vách đá chênh vênh. Bố tổ ông này vụ rồi trắng tay mà sao vẫn yêu đời thế. Tiếng sáo trong trẻo, uốn éo, dịu dàng và mê say như một con rắn nước cái đùa với làn nước. Đệ bực bội đá bốp vào củ bình vôi mốc thếch phía sau Huynh.

– Không có lúa, anh định gặm của nợ này qua ngày chắc?

Đúng lúc hai dải lúa bên sông Ngô Đồng của Huynh căng nhức đòng đòng thì trời mưa sụt sùi nửa tháng, nước thượng nguồn đổ về, dòng Ngô Đồng đầy hự, nhấn chìm lúa má, Huynh không thể nghiêng sông dốc nước ra biển được, đành chịu mất trắng ngay vụ đầu tiên! Muốn làm con trai Thạch Tổ đâu có dễ. Nhưng Huynh chưa cần quay lại ngôi nhà gỗ của cha mẹ.

– Chưa bắt được đất ở đây đẻ ra cái nuôi người thì trên núi này vẫn còn khối thứ để ăn bám. – Huynh nheo mắt nhìn Đệ, nói.
– Em biết anh không phải là kẻ như thế! – Đệ nhăn trán. – Nhưng lúc này, khi anh chưa tìm ra kế trị nước, thì anh về cai quản cánh đồng cho em lúc em đi vắng.
– Việc này chưa cần ngữ anh. – Huynh gõ nhẹ cây sáo trong lòng bàn tay, nói giọng cương quyết. – Mày tìm đứa nào kha khá trong làng, thuê nó về cai quản là được.
– Đứa nào thì cũng chẳng bằng người nhà!
– Nghĩ hẹp thế thì mày làm sao vượt mặt ông Tổ được! Mày về đi! Đừng mất thì giờ thuyết phục anh mày làm gì.

Đệ bực tức quay đi. Tại sao Huynh luôn đọc được những suy tính của nó, còn nó thì chưa bao giờ điều khiển được ông anh lạ lùng này. Nó ham muốn đến chết đi được, rằng khi Huynh thực sự thất bại, Huynh sẽ răm rắp nghe theo mệnh lệnh của nó. Từ thuở bé, nó đã ghen với vẻ ngang tàng, vô lo, bất tuân phục và dáng vẻ vạm vỡ, tuấn tú hơn người của anh trai.

Sương lam như chiếc khăn mơ hồ mềm mại vắt ngang lưng núi, ru ngàn mắt lá khép lại. Trời tối dần. Huynh cẩn thận cất cây sáo trong ống tay áo, quay trở vào hang núi. Anh vấp phải năm bao thóc giống căng phồng mà Đệ bỏ lại ngay miệng hang. Anh sững người một lúc, rồi lẩm bẩm:

– Đồ của nợ!

* * *

Cô Đỏ giật mình ngoảy người lại. Mái tóc mềm sóng sánh chảy nghiêng về một bên. Thạch Tổ lừng lững áp sát phía sau cô.

– Ông làm gì mà ẩn hiện như ma thế, làm em lạnh sống lưng!
– Lấy cho ta vài cái áo cũ của thằng Huynh. Nhanh lên! Đêm nay đi thăm nó, tiện thể ta mang luôn cho nó.
Cô Đỏ phân vân đưa bọc áo của Huynh cho chồng. Nhưng cô cắn răng im lặng. Cô biết tính Thạch Tổ, làm gì cũng theo ý mình, không bao giờ giải thích. Ánh mắt cô như một dải gió nhỏ, lặng lẽ hút theo bóng Thạch Tổ ra khỏi nhà.

Đêm rằm trăng sáng như gương. Vậy là vừa tròn năm mươi năm Thạch Tổ xuống núi. Ông đi nhanh như ma. Thoắt cái đã ở trước cửa hang Cả. Ông cẩn thận đưa mắt nhìn quanh, chỉ có gió lẩn quẩn dưới ánh trăng lạnh lẽo nơi núi đá. Nhanh như cắt, ông biến vào lòng hang. Nhũ đá trăm hình chập chờn ẩn hiện. Ông dừng chân trước một măng đá lớn nép bên vách hang. Măng đá có vảy như vảy rắn, mùi ẩm ướt lạnh lẽo. Ông đặt bọc đựng áo cũ của Huynh xuống trước măng đá, nhắm mắt lại, rùng mình. Khắp người ông chảy rùng rùng mồ hôi lạnh của đá.

Thạch Tổ ra cửa hang, trút một hơi thở dài. Tổ nhanh chóng thoát khỏi khu vực núi. Tổ đi về phía ngôi nhà của thằng con máu mủ ở giữa đồng bờ xôi ruộng mật. Thạch Tổ giật mình! Đệ không có nhà! Khác hẳn khi nãy, người Tổ nóng bừng như lò than, Tổ đi đi lại lại sốt ruột.

Tiếng kẹt cửa! Tổ quay phắt lại.

– Đệ! Mày đi đâu về?
– Cha! Con tưởng cha không bao giờ đặt chân tới đây chứ? – Đệ quá sững sờ.
– Mày không bao giờ biết được tao sẽ làm những gì. Trả lời câu hỏi của tao đi chứ!
– Con… con vừa tới thăm Huynh!

Bốp! Tổ vung tay tát thật lực.

– Cha? Có chuyện gì thế?
– Sao mày dám trái lệnh tao. Từ ngày chúng mày tự lập, tao cấm hai anh em giao du với nhau kia mà. Và nếu mày muốn sống, tao cấm mày đặt chân đến núi đó. Chỗ của mày là vùng đồng bằng này!
– Cha biết đấy! Vụ rồi nước lên, Huynh mất trắng!
– Không phải phận sự của mày. Anh em kiến giả nhất phận. Tao cấm, nhớ chưa?

Đệ bặm môi, không nói. Cái tát của cha nóng như lửa giần giật bên má trái. Bỗng Thạch Tổ giang tay ôm chặt đứa con máu mủ vào lòng. Tim Đệ như ngừng đập vì bất ngờ, sợ hãi và cảm động. Lần đầu tiên trong đời cha ôm Đệ!

Ông đẩy Đệ ra rồi thoắt ra khỏi cửa. Đệ không kịp nhìn thấy mặt cha.

* * *

Huynh ngồi trước cửa ngôi nhà tranh dựng tạm tựa lưng vào núi, mặt hướng về dòng Ngô Đồng đang lặng lẽ chảy dưới trăng. Trăng dát bạc nhóng nhánh trên những gợn sóng nhỏ phủ khắp mặt sông, quyến rũ và vô hại. Vậy mà mùa nước lên, thì không thể lường hết sức tàn phá của dòng nước. Nước sầm sập dâng cao, lũ cuồn cuộn chảy, cuốn theo mọi nỗ lực, mơ ước của người. Huynh nhăn trán nghĩ cách cứu vụ lúa sau.

Gần ba tháng sau, một đêm trời nhưng nhức hơi nước lạnh lẽo, trăng lúc mờ, lúc tỏ bất an, Đệ đột ngột vào núi thăm Huynh.

– Trên thượng nguồn mưa bảy ngày nay rồi, dòng Ngô Đồng chịu nổi không? Anh chuẩn bị chưa?
– Rồi, anh đã mở hai lối thoát nước. Mà mày tới đây làm gì? Cha biết thì không tha đâu!
– Kệ cha! Tại sao ông già tính khí quái quỷ vậy. Chẳng lẽ ông ấy bảo gì anh em ta cũng nhất nhất nghe theo? Mà giờ chúng ta tự lập rồi. Ta muốn làm gì là quyền của ta chứ!
– Thế mày muốn làm gì?
– Tới đây em nhất quyết đi xa một chuyến.
– Mày doạ đi mấy lần rồi!
– Em chưa đi, vì anh không trông nom ruộng đất cho em, mà em thì kén người tin được. Giờ thì em tìm được rồi.
– Ừ thì đi, chân cứng đá mềm!
– Em đến tạm biệt anh! Hy vọng sẽ mở mắt ra!
– Ừ, về đi. Trời lạnh đấy, lấy cái áo của anh mà mặc.

Huynh khoác lên người Đệ chiếc áo ấm của mình. Đệ cài áo bước ra khỏi cửa, hơi lạnh của núi làm Đệ sởn da gà. Ngước lên đỉnh núi, trăng trong vắt một khoảng như mời gọi. Đệ đổi ý không men theo chân núi về nhà mà đi ngược lên đỉnh núi, để làm gì, Đệ không biết. Đệ chỉ đột nhiên muốn lang thang tý chút, trước một quyết định rời nơi cũ thám hiểm cuộc đời chuyến đầu tiên.

Mùi mít chín mơn man chóp mũi rồi đột ngột lan toả mạnh bao bọc toàn thân Đệ. Đệ ngập ngừng dừng chân bên lối đá tảng gập ghềnh lưng núi. Tại sao trên núi lại có mùi này, cứ như có bàn tay đang móc những múi mít dai chín thơm lừng ngọt sắc. Trăng bỗng sáng trong vắt như gương và Đệ giật mình khi thấy bóng dáng một thiếu nữ nhón gót về phía mình. Nụ cười mê hồn thoảng trên môi ngọc. Đệ xoay hẳn người khi cô gái lướt qua, mùi mít chín càng đậm như có múi mít vàng mọng lướt ngay đầu lưỡi, Đệ nuốt miếng nước lớn kêu đánh ực nơi họng. Không dừng được, Đệ ta rón rén bước theo bóng hồng, nín thở. Mái tóc vấn để đuôi gà lắt lẻo nơi cần cổ trắng mượt, cái yếm lụa vàng thắt nút hờ ngang tấm lưng mảnh mai lay động nhẹ trong gió như kích thích.

Đệ theo cô gái lạ vào đến cửa hang. Cô gái đi tới đâu thì ánh sáng vàng toả ra tới đó. Đệ chỉ mải hút theo cái đuôi gà lắt lẻo và dây yếm vàng như sắp tuột ra trên tấm lưng trắng ngà. Đệ không để ý mình đã theo cô gái đến giữa hang, không khí lạnh như ở âm ty đối nghịch với mùi mít chín đã trở nên nồng đậm quá mức. Đệ giơ tay về phía dải thắt yếm. Cô gái nhẹ nhàng quay lại, mắt lóng lánh như hồ nước. Đệ không kịp nghĩ, vồ lấy tấm thân ngọc và hăm hở gắn môi mình lên làn môi hồng đào hé mở. Lần đầu tiên Đệ biết làn môi đàn bà. Nhưng khi cái lưỡi nhỏ lành lạnh của cô gái vừa chạm đầu lưỡi Đệ, thì một cơn đau rút khủng khiếp xoáy từ ngực Đệ, trái tim Đệ bị hút lên qua miệng. Toàn thân Đệ lạnh toát! Đệ đổ ập xuống. Sương lạnh mù mịt lan toả kín hang Cả. Măng đá nơi vách hang rùng rùng nứt vỡ, một con rắn trắng khổng lồ trườn ra, nó khoanh tròn quanh xác Đệ, rít lên những tiếng rùng rợn, đầu nó rúc mãi vào tấm áo của Huynh mà Đệ khoác trên mình.

* * *

Dòng Ngô Đồng dâng dần dần lên. Huynh lo lắng nhìn dải lúa xanh dập dềnh trong nước trắng đe doạ. Anh đã mở hai lối thoát nước nhưng vẫn chưa yên tâm. Anh chèo thuyền mãi dọc sông Ngô Đồng tìm thêm lối thoát nước. Thuyền càng đi xa, cỏ lác, lau sậy hai bên càng rậm rì, thu nhỏ lòng sông. Trên cao, đàn cò trắng bay vội vã trên nền trời ung ủng như dự cảm điều chẳng lành.

Đến đoạn dòng Ngô Đồng tẽ làm đôi, nửa vòng vèo lượn giữa hai dãy núi cao, nửa rúc vào một hang núi lớn. Huynh ngập ngừng chống chèo cho thuyền dừng lại một lát, rồi anh quyết định chèo thuyền vào miệng hang. Nước lạnh dần, tiếng nước vỗ vào vách đá ì oạp, vẳng tiếng mái chèo khua nước dội lại từ nóc hang vòi vọi. Những bóng nắng nhấp nháy hắt lên vách hang cứ đuối dần, thuyền Huynh chìm trong bóng tối sâu thẳm của hang. Huynh vừa khua chèo tìm lối, vừa khoát tay đẩy những con dơi ma quái bay loạn xạ đập tới tấp vào người anh. Loay hoay hồi lâu tới mức Huynh tưởng mình đang trôi xuống địa ngục, anh chẳng còn biết hướng nào mà đẩy thuyền tới nữa. Huynh nhắm mắt, tĩnh trí lại rồi khua chèo dấn tới bằng linh cảm. Bỗng có làn gió nhẹ mơn man trên mặt Huynh. Anh mở bừng mắt thì thấy ánh sáng le lói trước mặt. Huynh mừng rỡ đẩy nhanh mái chèo hướng tới nơi ánh sáng. Mắt anh bỗng chói loà vì miệng hang hiện ra. Nắng đổ xuống cửa hang như một tấm rèm tươi dệt bằng hàng triệu cánh lan vũ nữ mỏng, vàng rực. Huynh thoát ra cửa hang, rơi vào không gian rộng lớn của một thung lũng đầy nắng. Thung Nắng là đây! Núi sừng sững bao quanh như che giấu một viên ngọc quý giá. Mặt thung tròn như trăng mười sáu, nước mát lạnh, trong veo mà nhìn tuyệt nhiên không thấy đáy. Nắng đổ đầy mặt thung và không gian với sắc vàng lộng lẫy. Huynh nheo mắt, quả là không nơi nào trên thế gian có nắng vàng tươi tuyệt đẹp như ở Thung Nắng này. Anh ngồi lặng trong lòng thuyền giữa thung, như say trong thứ nắng tươi trẻ tinh khiết thánh thiện. Quên cả mối lo ngập nước, Huynh rút cây sáo từ ống tay áo, điệu Xà ly vút lên khiến mặt nước Thung Nắng bỗng nhún nhảy, hắt trở lại trời xanh những tia vàng lấp lánh!

Mùi hoa lan tinh tế và hiếm hoi như có, như không thoảng qua Huynh. Huynh dừng phắt tiếng sáo, mắt nhắm lại để linh hồn đuổi theo mùi hoa lan ấy. Anh muốn tận hưởng một chút thứ hương như chỉ có trong câu chuyện của những người yêu hoa. Thuyền anh bỗng chao nhẹ. Đầu mũi thuyền một cô gái ngồi vắt vẻo, đôi mắt lóng lánh trong veo như mặt nước Thung Nắng, nụ cười trăng rằm, đuôi tóc lắt lẻo trên bờ vai thon trắng ngần, và chiếc yếm lụa màu nắng rực rỡ như thôi miên, có cảm giác như nắng vàng toả ra từ chiếc yếm lụa ấy.

Trong đầu Huynh vang lên câu hỏi:

“Em là ai?”
“Em là Nắng!”. Cô gái hít một hơi dài. Hương vị đặc biệt từ phía Huynh. Cô rùng mình: Mùi từ tấm áo của chàng trai đêm nao trong hang Cả. Mùi hương đàn ông mạnh mẽ, khẳng khái quện với mùi mồ hôi phảng phất nồng nồng. Cô bị cuốn hút mạnh, chao đảo. Tại sao? Ta đã nuốt chửng trái tim của một người đàn ông có mùi này, để trở nên bất tử. Vậy mà sao ở người đàn ông này, vẫn mùi hương đặc biệt ấy toả ra, mê hoặc không cưỡng nổi? Cô những muốn ghé lại, chạm môi mình vào vành môi đang mím chặt rắn rỏi kia. Nhưng có điều gì rất lạ toát lên từ gương mặt khẳng khái ấy khiến cô dừng lại. Trái tim bất tử run lên từng chập! Nắng chao đảo trong Thung.
“Em sao thế?!”
“Anh cảm thấy ư?”
“Phải, anh cảm thấy từng sợi nắng đang run rẩy!”

Huynh buông cây sáo, dang tay ra và mở mắt. Cô gái biến mất. Trước mắt anh là tảng đá xanh xám lừng lững. Huynh cho thuyền dạt vào mép nước, trèo lên chân núi quanh Thung Nắng tìm kiếm. Nắng vàng ngưng đọng trong thung, mùi hoa lan biến mất. Huynh bồn chồn bước lên thuyền, quay ngược trở lại dòng Ngô Đồng. Nước sông lừng lững dâng lên. Ngôi nhà dưới chân núi của anh đã dầm chân trong nước. Phải tìm cách nào đó cứu lúa. Huynh bỏ thuyền leo lên núi, phóng tầm mắt ra xung quanh, nắng đã tắt và trời đổ mưa. Mưa làm mọi giác quan như chùng cả xuống!

Mùi hoa lan lại thoảng qua. Huynh chớp mắt. Nắng đã đứng cạnh anh, dưới mưa, nhưng có điều lạ là người cô như không hề bị ướt.

“Anh đang muốn hạ nước sông Ngô Đồng?”
“Em đọc được ý nghĩ của anh sao?”
“Đôi khi thôi.” –  Nắng thoáng cười – “Em biết có một cách rút nước sông đi. Chỉ còn duy nhất cách ấy là cứu được lúa!”
“Em nói đi.”
“Thung Nắng. Đó là giếng trời.”
“Anh chưa hiểu.”
“Em cũng có một điều cần hiểu rõ. Anh đi theo em.”

Nắng đi trước. Huynh theo sau. Họ đi vào hang Cả. Huynh ngất ngây ngắm lọn đuôi gà nhỏ lắt lẻo, dây yếm buộc dịu dàng trên tấm lưng ngà. Một ham muốn dâng trào khiến anh đưa tay với nút thắt. Nhưng Huynh kịp dừng lại trước ước muốn nâng niu hơn là tàn phá. Nắng vàng thanh tao toả ra từ mảnh yếm lụa. Muôn ngàn nhũ đá trong hang được thắp sáng bừng, lung linh kỳ ảo như cung điện chốn thần tiên. Nắng chợt dừng, Huynh bước lên đứng ngang với cô. Anh thấy trước mặt là những tảng đá trắng vỡ nát, mảnh đá ánh lên lấp lánh như kim cương trong nắng. Nắng trỏ tay vào một cái bọc.

“Anh có biết cái này không?” –  Cô hít một hơi dài.

Huynh cúi xuống, mở cái bọc ra.

“Áo của anh! Tại sao nó ở đây?”
“Rồi anh sẽ biết thôi. Nhưng nói mau cho em biết, cha anh là ai?”
“Cha đẻ của anh, hay cha nuôi?”
“Cha đẻ!”
“Ông ấy là một kép chèo. Nhưng anh chưa từng gặp!”
“Còn cha nuôi của anh là Thạch Tổ, giàu nhất làng, phải không?”
“Sao em biết? Em đã gặp ông ấy?”
“Phải. Hàng ngàn năm rồi. Em và ông ấy có một giao ước. Nào ngờ… Thật tội nghiệp mẹ anh!”
“Vì sao?”
“Bà ấy hàm ơn cha nuôi anh bao nhiêu năm nay vì cư xử tốt với con riêng của bà! Nhưng ẩn sau cái vỏ của lòng tốt là mục đích khác của ông ta”.

– Câm miệng! – Tiếng Thạch Tổ gằn lên từ phía sau.

Cả Huynh và Nắng quay phắt lại!

Huynh choáng váng khi thấy Thạch Tổ ôm xác Đệ đứng lừng lững giữa hang. Mặt ông xám như đá.

“Phải, tôi đã nuốt trái tim của anh ta, nhưng không đúng ý đồ trong lòng ông phải không?”

Huynh đắng miệng nhìn Nắng.

“Em không cần giải thích với anh nữa. Vì người cha này biết tất cả. Ông ta là linh thạch trong hang này. Em đã giúp ông ta sống kiếp người với điều kiện ông ta sẽ tự nguyện dâng trái tim của một người, là kết phối của tinh thạch và nhân huyết. Đó là trái tim giúp em bất tử!”

– Ngươi không thể bất tử! Trả lại trái tim cho con trai ta! – Thạch Tổ gầm lên, lao vào Nắng.

Huynh đỡ vội cái xác lạnh ngắt của Đệ mà Thạch Tổ vừa buông ra. Lòng anh như có trăm ngàn dao đang băm vằm. Đệ, Thạch Tổ, Nắng, anh phải làm gì đây?

Nhưng Nắng đã chạy ra cửa hang. Thạch Tổ lao theo thì va phải cô Đỏ. Cô Đỏ túm ngực áo chồng, cười không thành tiếng. Thạch Tổ sựng lại trong hang, đau đớn, ông đã biết, làm người là phải đau khổ tột cùng. Nhưng ông đã nguyện làm kiếp người bằng bất cứ giá nào. Ông đã chán ngán sự vô cảm lạnh lẽo, buồn và cô đơn kiếp đá ngàn năm trong hang. Ông tan nát sụp xuống chân cô Đỏ.

Nắng vọt khỏi hang Cả, lao vút lên đỉnh núi. Trái tim bất tử trong lồng ngực rên xiết, vừa chớm rung động yêu thương thì liền đó nỗi đau vô bờ vò xé! Nắng nhìn xuống, dòng Ngô Đồng uốn éo như một con rắn khổng lồ đang phình lên kỳ quái. Nắng bỗng thấy lòng nhẹ tênh. Từ trên đỉnh núi, cô lao xuống Thung Nắng. Khi trái tim bất tử vừa chạm mặt nước trong Thung, thì một vùng sương mù mưa trong Thung tan biến. Trái tim vỡ tan như pha lê va vào đá, bắn lên bầu trời muôn ngàn tia nắng vàng rực rỡ. Nắng nối mặt nước với trời, như một cái giếng ngược, cuốn nước lên trời cao bằng những dòng nắng óng như một loại pha lê vàng kỳ lạ. Một cơn mưa ngược từ mặt nước Thung Nắng trở lại bầu trời. Nước từ dòng Ngô Đồng cuồn cuộn chảy vào Thung, dòng Ngô Đồng căng phình, trương nhức dần dần dịu lại, bé nhỏ hiền hoà trở lại.

Huynh dựng một miếu đá trong Thung Nắng để tưởng nhớ trái tim bất tử. Anh thường ngồi bất động trên thuyền, mặt hướng về miếu đá, mắt nhắm lại. Ngoài kia, gió đưa hương lúa chín từ ven dòng Ngô Đồng bay vào ngập tràn Thung Nắng!

Kiều Bích Hậu


Liên hệ tác giả:
Kiều Thị Bích Hậu, số nhà 37 ngõ 1 Thọ Lão, Hà Nội.
ĐT: 0947 358 999
Email: kieubichhau@gmail.com

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây