Miền tháp cổ – Tác giả Vũ Hùng – Kỳ 3 – Người Xứ Quảng

Miền tháp cổ - Tác giả Vũ Hùng - Kỳ 3 - Người Xứ Quảng

Untitled 1 10 - Miền tháp cổ - Tác giả Vũ Hùng - Kỳ 3 - Người Xứ Quảng

NHÀ XUẤT BẢN ĐÀ NẴNG

Untitled 2 - Miền tháp cổ - Tác giả Vũ Hùng - Kỳ 3 - Người Xứ Quảng

Tác giả Vũ Hùng

Người Xứ Quảng

Nhà nghiên cứu Vũ Hùng

Nhân một lần trà dư tửu hậu về địa danh Bà Thân, Hà Thân hay là Hà Thị Thân, ông bạn vong niên Lê Duy Anh gốc Đà Nẵng, quê làng An Hải, người có nhiều bài viết về lịch sử, văn hóa quê hương mình, bảo tôi rằng tên gọi bến Hà Thân phía Đông sông Hàn nguyên là Bà Thân, một người Chàm họ Bà tên Thân, ở làng An Hải.

Theo ông, Bà Thân được giao quản lý vùng đất này, gọi là “Quản hạt xứ”, về sau gọi là xứ Bà Thân. Khi Thoại Ngọc Hầu thành lập chợ An Hải, vào khoảng nửa đầu thế kỷ 19, cũng đặt tên là chợ Bà Thân. Dấu vết chợ xưa là cây đa đầu đường Nguyễn Công Trứ giáp đường Trần Hưng Đạo dọc sông Hàn. Ông khẳng định chữ “Bà” trong tên chợ và trong châu bộ làng viết bằng chữ Nho có chữ nhân và chữ bách kèm theo là chỉ tộc họ. Sau cuộc nổi dậy của Bà Tranh đầu thế kỷ 17 thất bại, những người Chàm họ Bà cải sang họ khác để lẩn tránh, họ Bà dần dần tiệt diệt, nên bây giờ người Chàm không có họ Bà. Thời Thành Thái, dân làng An Hải cử người ra triều đình Huế xin sắc phong tiền hiền cho làng, trong đó có Bà Thân, nhưng vị Lang trung Bộ lại Hà Đức Ý xem xét việc này không đồng ý, bảo nếu đổi là Hà Thị Thân mới phong. Đại diện dân làng không chịu, nên chỉ có 6 vị tiền hiền chính thức của các họ Lê, Trần, Nguyễn, Đỗ, Ngô, Huỳnh.

Mặc dù không được sắc phong tiền hiền, nhưng trong cuốn Đà Nẵng – Văn tế xưa và nay của ông(1), tập hợp các bài cúng tiền hiền, cầu an, thành hoàng, âm linh, tế xuân của các làng ở Đà Nẵng, có bài cúng tiền hiền Bà Thân. Bài cúng có ghi: “Sắc tiền hiền Bà Thân, gia tặng Dực bảo trung hưng linh phò chi thần, bổn xứ thành hoàng đại vương tôn thần, gia tặng Bảo an chánh trực hưu thiện chi thần”. Bà Thân là tiền hiền, là thành hoàng của làng.

Bài cúng cũng lưu dấu Chàm trong cõi tâm linh thiêng liêng. Bên cạnh những vong hồn vô danh Lồi Lợp thần quan, Chàm, Chợ, Mọi, Rợ, chúa Lồi, chúa Lạc, vua Mây, tướng Lào, Lồi Vương chủ  thổ… là  các nữ thần Chàm Chúa động Thánh phi, Chúa Lồi   Bà Dàng Thánh nương, Thánh nương Bà Đa, Lồi Bà phu nhân, Bô Bô phu nhơn Mỹ đức Thục hạnh, Man nương Nguyễn Thị Thục, Chủ ngung Man nương phu thê Nguyễn Thị Thúc… Ông bạn vong niên cho rằng vị nữ thần Chàm họ Nguyễn này có lẽ xuất hiện từ triều Nguyễn. Thời đó, làng ông khi cúng tiền hiền cũng phải vái vị tiền hiền họ Nguyễn trước, dù thứ tự khai canh ở sau các vị tiền hiền khác. Không chỉ vua quan và dân thường mà cả thần linh của người Chàm cũng được ban quốc tính nhà Nguyễn.

Trong các bài cúng khác của làng An Hải còn ghi: “Nước non hiu hắt bóng Chiêm Thành”. Chỉ những lưu dân đầu tiên đến miền đất mới lạ lẫm với đền tháp và người Chàm bản thổ.

Theo cuốn sách của ông, làng Cẩm Toại, bên bờ sông Yên, cũng thờ một vị tiền hiền họ Chế; các vị tiền hiền, hậu hiền làng Bồ Bản lân cận có các họ khá lạ: Hường, Tán, Hứa, Đào, La, Mã…

Việc hình thành các họ tộc của người Chàm gắn liền với lịch sử quan hệ Đại Việt và Chiêm Thành. Chưa có sử liệu nào cho biết hàng vạn tù binh Chiêm Thành đưa về Bắc sau khi vua Lê Đại Hành đánh Chiêm Thành năm 982 và sau các năm 1044, 1069, đời Lý, họ đã đổi họ như thế nào. Họ Ông ở Yên Dũng, Hà Bắc, họ Ông và họ Bố tại phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, Hà Nội, nơi có ngôi chùa Bà Già của tù binh Chàm thời Lý, là những di duệ của tù binh Chiêm Thành. Vào thời nhà Nguyễn, họ Ông tại Phú Thượng đổi thành họ Công và họ Bố đổi thành họ Hy.

Năm 1397, hai vị tướng Chiêm Thành là Chế Đa Biệt và người em là Mộ Hoa Từ Ca Diệp đem cả gia đình sang quy phục nhà Trần và được ban họ Đinh(2). Người anh là Đinh Đại Trung, Kim Ngô vệ tướng, người em làm Cấm vệ đô, trấn thủ đất châu Rí cũ của Chiêm Thành. Năm 1402, Đinh Đại Trung là tướng tiên phong của Hồ Hán Thương đi đánh Chiêm Động và Cổ Lũy, bị chết trận. Nếu con cháu của vị tướng này tiếp tục mang họ Đinh và nguồn gốc còn ghi trong tộc phả, lưu truyền trong dòng tộc, trở thành người Việt gốc Chiêm Thành.

Sau sự kiện năm 1471, vua Lê Thánh Tông đã ra sắc chỉ rằng: “người Ai Lao, Câu Hiểm, Chiêm Thành hết thảy là nô tỳ của nhà nước, đã bổ đi làm các loại công việc mà phải tội, con cái còn bé thay đổi họ tên làm dân thường”(3).

Theo Đại Nam thực lục, năm 1832, sau khi đổi trấn Thuận Thành thành phủ Bình Thuận, người Chàm ở đây đã được “ban họ cho như họ Đào, họ Mai, họ Trúc, họ Tùng, vân vân, để tỏ rõ tộc loại”(4). Ngày nay, các họ của người Chàm ở Ninh Thuận và Bình Thuận khá lạ so với các họ của người Kinh(5).

Tháng 6 năm 2017, tôi có đến làng Văn Lâm, xã Phước Nam, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận, vào dịp lễ Ramưwan của người Chàm Awal – người Chàm theo đạo Hồi đã bản địa hóa, trong danh sách những người đóng góp cho tháng lễ có các họ Lâm, Tạ, Từ, Sử, Mai, Châu, Lưu, Kiều, Đào, Trà, Chế, Ưng, Ông, Hứa, Bá, Trượng, Quảng…


(1) Lê Duy Anh, Đà Nẵng – Văn tế xưa và nay, NXB. Đà Nẵng, 2015.
(2) Đại Việt sử ký toàn thư, bản in nội các quan bản, mộc bản khắc năm Chính Hòa thứ 18 (1697), Ngô Đức Thọ, Hoàng Văn Lâu dịch, NXB. Khoa học xã hội, Hà Nội, 2017, trang 324.
(3) Đại Việt sử ký toàn thư, sđd, trang 472.
(4) Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, tập 3, Trung tâm Khoa học xã hội và nhân văn, Viện Sử học, NXB. Giáo dục, 2001, trang 303.
(5) Người Chàm ở Ninh Thuận, Bình Thuận có các họ: Tạ, Từ, Lâm, Lưu, Lượng, La, Đào, Hứa, Kiều, Châu, Sử, Quảng, Thiết, Thổ, Thạch, Thập, Thông, Tưởng, Tài, Trượng, Thành, Trà, Thiên, Tắc, Lựu, Lu, Lư, Lộ, Danh, Đôi, Đạo, Đạt, Đàng, Đổng, Đắc, Bố, Bá, Bạch, Báo, Hàm, Hán, Hùng, Hải, Khê, Ma, Cây, Ngụy, Não, Nại, Nạo, Ngưu, Miêu, Phụng, Phú, Ngư, Sầm, Qua, Ưng, Úc, Vạn,… người đóng góp cho tháng lễ có các họ Lâm, Tạ, Từ, Sử, Mai, Châu, Lưu, Kiều, Đào, Trà, Chế, Ưng, Ông, Hứa, Bá, Trượng, Quảng…

Nhiều vị vua quan Chiêm Thành tại trấn Thuận Thành mang quốc tính họ Nguyễn: “Vua y theo, bèn cho Nguyễn Văn Thừa làm Quản cơ, thưởng cho bộ mũ áo Tứ phẩm đại triều, ra lệnh cho làm việc công ở trấn Bình Thuận, coi quản đốc suất thổ dân các tổng và các sách man Trà Nương, thu nộp thuế khóa. Thuộc hạ là các Chánh đội trưởng Nguyễn Văn Giảng, Nguyễn Văn Thuận và Nguyễn Văn Thanh đều cho làm Cai đội, hàm Chánh lục phẩm, thưởng cho mũ áo thường triều, theo Nguyễn Văn Thừa sai khiến”(1). Nguyễn Văn Thừa còn có tên Chàm là Po Phaok The.

Đặc biệt, người Việt gốc Chàm mang các họ Ông, Ma, Trà, Chế có mặt ở nhiều tỉnh, thành, nhất là miền Trung. Về họ Chế, vua Cri Simhavarman V phiên là Chế Mân: Cri phiên thành Chế, Simhavarman phiên tắt là Mân(2).

Ở An Tịnh, huyện Nam Đàn, Nghệ An, có dòng họ Chế dòng dõi Chế Bồng Nga. Các con của vị vua này là Chế Ma Nô, Chế Sơn Nô hàng phục nhà Trần và sinh cư tại đây(3). Cũng tại Nghệ An, có trường hợp họ Chế chuyển thành họ Nguyễn(4).


(1) Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, sđd, trang 304.
(2) Minh Thông Vũ Văn Mẫu, Trên đường Nam tiến, tư liệu, 1980, trang 114.
(3) Ja Ịntan, “Chế Bồng Nga và họ Chế ở Việt Nam”, http://ilimochampa. org/?p=64
(4) Nguyên Hồ, “Nhà thờ họ Chế – Một di sản Hán Nôm độc đáo”, báo Quân đội nhân dân cuối tuần, 10.3.2017

Tại Thừa Thiên – Huế, họ Chế sống tập trung ở 5 làng: Vân Thê, La Vân, An Đô, An Mỹ và Mỹ Hòa(1).

Trong Thủy Thiên Tự, khoảng nửa đầu thế kỷ 15, những người Kinh đầu tiên đến vùng nam châu Ô cũ, nay là huyện Hải Lăng, Quảng Trị, đã gọi người Chàm ở đây là “Bồng Nga trú sở”, để chỉ người Chàm của vua Chế Bồng Nga. Có thể cư dân Chàm tại đây đã tự nhận là thuộc dòng dõi vị vua lẫy lừng của mình.

Nhà nghiên cứu Inrasara cho rằng người Chàm không có họ theo huyết thống phụ hệ như người Kinh, nữ thì gọi là , nam gọi là Ja trước cái tên. Huyết thống của người Chàm tính theo bên mẹ, chết chôn theo kut hay ghur, nghĩa địa của người mẹ. Họ của người Chàm hiện nay hình thành từ các triều đại phong kiến Đại Việt và sau này do nhu cầu quản lý nhân khẩu của chính quyền cũ(2).

Tại vương quốc cổ Lâm Ấp, quốc hiệu đầu tiên của vương quốc Chiêm Thành, theo cổ sử Trung Hoa và sau này chính sử Đại Việt cũng chép theo, các vua quan đều ghi là họ Phạm, trừ Khu Liên: Phạm Hồ Đạt, Phạm Văn, Phạm Phật, Phạm Hùng, Phạm Dương Mại, Phạm Phạn Chí, Phạm Thần Thành, Phạm Đăng Căn Thuần, Phạm Văn  Địch, Phạm Chư Nông, Phạm Trấn  Long,  Phạm


(1) Làng Vân Thê, xã Thủy Thanh, thị xã Hương Thủy; Làng La Vân (tách ra La Vân Thượng/La Vân Hạ), xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền; Làng An Đô, phường Hương Chữ, thị xã Hương Trà; Làng  Mỹ Hòa, xã Điền Lộc, huyện Phong Điền; Làng An Mỹ, xã Vinh An, huyện Phú Vang.
(2) Inrasara, Những cuộc đi và cái nhà, NXB. Hội Nhà văn, 2015, trang 19-29.

Dương Mại II, Phạm Đầu Lợi, Phạm Văn Khoản, Phạm Văn Khởi… Năm 436, tướng Trung Hoa là Đàn Hòa Chí bao vây tướng Lâm Ấp Phạm Phù Long ở thành Khu Túc, vua Phạm Dương Mại sai tướng Phạm Côn Sa Đạt đến cứu.

Cùng thời với Lâm Ấp, nước Phù Nam tiếp giáp ở phía nam Lâm Ấp, từ thế kỷ thứ 3 đến đầu thế kỷ 7, các vị vua cũng họ Phạm: Phạm Chiên, Phạm Hùng, Phạm Sư Man…, một vị tướng là Phạm Kim(1).

Họ Phạm có thể là sự gán đặt từ một nền văn hóa dòng họ theo phụ hệ bên ngoài đối với Lâm Ấp và Phù Nam. Nhà nghiên cứu Nguyên Văn Huy cho rằng: “Phạm là phiên âm Hán hóa từ chữ “po” (hay Pô, Phò, Pha) của người Chàm”(2). Bằng phương pháp so sánh ngôn ngữ, nhà nghiên cứu Bình Nguyên Lộc, cho rằng tiếng Việt cổ gọi vua là Bua, người Mường cũng gọi là Bua, người Ba Na là Bưa, người Gia Rai là Pôt, người Mã Lai là Partuan(3). Các âm chỉ vua này khá đồng âm với Po.

Trong “biên niên sử” Sakkaray Dak Rai Patao của vùng Panduranga, Ninh Thuận và Bình Thuận ngày nay, tất cả 38 vị vua từ huyền sử đến lịch sử (đến năm 1822)


(1) Michael Vickery, “Nhìn lại lịch sử Phù Nam” (Hà Hữu Nga dịch), kattigara-echo.blogspot.com
(2) Nguyễn Văn Huy, Tìm hiểu cộng đồng người Chăm tại Việt Nam, https://nghiencuulichsu.com/2016/08/31/tim-hieu-cong-dong- nguoi-cham-tai-viet-nam/
(3) Bình Nguyên Lộc, Nguồn gốc Mã Lai của dân tộc Việt Nam, Bách Bộc xuất bản, 1971, trang 634.

đều bắt đầu bằng Po, không có vương hiệu Phạn ngữ. Vị vua cuối cùng là Po Saong Nhung Ceng, còn có họ tên là Nguyễn Văn Chấn(1).

Như vậy, Po, Bua, Bưa, Pôt, Partuan là một đại từ nhân xưng tôn kính để chỉ vua, người đứng đầu, người lãnh đạo, thủ lĩnh, chúa, ngài, vị, đấng… Po cũng chỉ thần thánh, như nữ thần Po Inư Nagar. Ngày nay, người Chàm Awal ở Ninh Thuận, Bình Thuận cũng gọi Đấng Allah của mình là Po Awluah.

Trên bia ký vùng phía Bắc vương quốc Chiêm Thành, khắc chữ Phạn và chữ Chàm cổ, âm Po gắn liền với các vị thần linh, vua và các quan đại thần.

Các bia ký ở Mỹ Sơn thường gặp các âm Yan po ku: “Yàn po ku Cri Jaya Harivarmma – deva vuh di yàn po ku Cri Harivarmmecvara(2)” (Vua Cri Jaya Harivarman dâng cúng lên thần Cri Harivarmmecvara); “Yan po  ku Cri Cricanabhadrecvara”, một đền tháp thờ thần Cricanabhadrecvara(3).

Một bia ký ở kinh đô Đồng Dương có ghi một vị nữ thần “Po Ku Iyan Cri Ràjakula”(4). Bia ký ở Nham Biều, Quảng Trị, niên đại thế kỷ 9-10, có các đại thần là Po Klun Rajadvara Po Klun Dharmapatha(5).


(1) Pgs.Ts. Po Dharma (Viện Viễn Ðông Pháp), “Đặt lại vấn đề về biên niên sử  Champa”, http://www.champaka.info/index.php/lichsu/699-datlai                     
(2) Nguyễn Sinh Duy, Quảng Nam và những vấn đề sử học, NXB. Văn hóa Thông tin, 2005, trang 40, 41.
(3) Nguyễn Sinh Duy, Quảng Nam những vấn đề sử học, sđd, trang 458.
(4) Nguyễn Sinh Duy, Quảng Nam những vấn đề sử học, sđd, trang 474.
(5) Viện nghiên cứu kinh tế-xã hội Đà Nẵng, Tạp chí Phát triển kinh tế-

Theo bia ký “Hóa Quê”, phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ, Đà Nẵng, niên đại thế kỷ 9-10, phu nhân của một vị hoàng thân có tước hiệu Pu Po Ku Rudrapura(1).

Cũng tại Cẩm Lệ, trong bia “Khuê Trung”(2) có các nhóm từ yãm pu pov ku, yãm pov ku, yãm põm ku, yãn pov ku, pon pu tara rayã, pov ku, yãn pov ku. Nhóm tác giả phiên dịch(3) cho rằng các nhóm từ Phạn ngữ và chữ Chàm cổ trên gắn liền với vương hiệu các các vị vua và thần linh, lặp đi lặp lại như một tước hiệu(4).

Nếu pov, pu, po là vua; yãm, yãn là thần linh, vương quyền gắn với thần quyền. Những địa danh Cồn Dàng, Gò Dàng, Lùm Dàng ở nhiều nơi trên đất Quảng Nam và Đà Nẵng gắn liền với phế tích đền tháp Chàm(5), văn hóa Chàm, có thể Dàng là biến âm của yãm, yãn, yan, iyan.


(1) Viện nghiên cứu kinh tế-xã hội Đà Nẵng, sđd, trang 212, 213.
(2) Arlo Griffiths, Amandine Lepoutre, William A. Southworth, Thành Phần, Văn khắc Chămpa tại Bảo tàng điêu khắc Chăm – Đà Nẵng, The inscription ò Campã at the Museum ò Cham sculpture in Đà Nẵng, NXB. Đại học quốc gia TP. HCM, VNU-HCM publishing house, 2012, trang 107..
(3) Arlo Griffiths, Amandine Lepoutre, William A. Southworth, Thành Phần, sđd, trang 32.
(4) Arlo Griffiths, Amandine Lepoutre, William A. Southworth, Thành Phần, sđd, trang 50.
(5) Di tích Chàm ở phường Bình Hòa, phường Khuê Trung, nguyên có tên Cồn Dàng; di tích Chàm ở phường Hòa Xuân có tên Lùm Dàng….

Trong Tân Đường Thư, chép về lịch sử đời Đường, ghi rằng người Lâm Ấp gọi vua của mình là Dương bồ bồ(1) . Dương bồ bồ có thể phiên âm từ yãm pu pov : yãm thành Dương; pu pov thành bồ bồ.

Năm 999, vua Harivarman II mất, người con nối ngôi lấy hiệu Yan po ku Vijaya, đóng đô tại Vijaya (thành Đồ Bàn) cũng phiên âm là Dương-phổ-cu Bi-trà-xá-lợi(2) (Yan po ku phiên thành Dương-phổ-cu).

Người Chàm vùng Panduranga dùng tôn xưng Po Yang để chỉ chung thần linh và vua chúa(3), người đứng đầu, thủ lĩnh: Po Riyak (thần Sóng gió), vị Cả sư của Chàm Ahier (Chàm Bà la môn) là Po Dhia, vị Cả Sư của Chàm Awal (Chàm Bani) gọi là Po Gru…

Trong chính sử Đại Việt, các vua Lâm Ấp cũng ghi họ Phạm như cổ sử Trung Hoa, nhưng về sau đã phiên âm theo cách của mình, thành các âm Bà, Ba, Bố, Bô, Bồ, Bàn, Bê, Băng, Bề, Bí… có thể là các biến âm của Po theo không gian, thời gian và quan niệm của sử quan.

Vua Po Paracar (lên ngôi từ năm 1442) phiên là Bí Cai. Thái tử Po Kathit lên ngôi là vua Po Dam (kế vị năm 1445) phiên là Bàn La Trà Duyệt. Vua Po Ka Brak, phiên là Bàn La Trà Toàn(4). Sau sự kiện năm 1471, vị vua đầu tiên ở Panduranga (không rõ tên Chàm) là  Bố Trì Trì, nhưng các vua Po Sraop phiên là Bà Tấm/Thấm, vua Po Saot phiên là Bà Tranh.

Xin nêu thêm danh xưng của một số vị vua, quan, sứ thần Chiêm Thành ghi trong Đại Việt sử ký toàn thư, từ giữa thế kỷ 15 trở về thế kỷ 10, có những biến âm của Po như đã nêu trên: Năm 1449, sứ thần Bô Sa Pha Than Tốt; năm 1434, chúa Chiêm Thành là Bố Đề đánh vào Cửa Việt; năm 1400, con vua La Ngai là Ba Đích Lại lên ngôi; năm 1396, Trần Tùng đi đánh Chiêm Thành bắt được tướng Bố Đông; năm 1390, một tiểu tướng của Chiêm Thành là Ba Lậu Kê làm phản, Chế Bồng Nga bị giết; năm 1342, con rể của vua Chế A Nan là Trà Hoa Bồ Đề và con rể là Chế Mỗ làm Bố Điền (Bồ Đề là Tể tướng, Bố Điền là Đại Vương); năm 1305, sứ thần Chế Bồ Đài mang lễ vật sang cầu hôn công chúa Huyền Trân; năm 1285, tướng Bà Lậu theo Toa Đô; năm 1266 và năm 1282, các sứ thần là Bố Tin, Bố Hoàng, Bố Đột, Bố Bà Ma Các sang triều cống Đại Việt; năm 1252, bắt được Bố Da La; năm 1203, vua Chiêm Thành tên là Bố Trì, chú của vua là Văn Bố Điền, còn gọi là Bố Do; năm 1124, Ba Tư Bồ Đà La và 30 người sang quy phục Đại Việt; năm 1039 và 1040, những người Chàm ở Bố Chính là Địa Bà Lạt, Bố Linh, Bố Kha dẫn cả trăm người sang quy phục nhà Lý; năm 1020, Lý Phật Mã và Đào Thạc Phụ đem quân đi đánh Chiêm Thành ở Bố Chính chém được tướng Bố Linh; năm 988, vua Chiêm Thành là Băng Vương La Duệ; năm 986, một người Chiêm Thành là Bồ La Át đem hơn trăm người xin quy phụ; năm 982, đánh chiếm kinh đô Đồng Dương, nhân vật Bề Mi Thuế bị giết.


(1) An Nam truyện, ghi chép về Việt Nam trong chính sử Trung Quốc xưa, Châu Hải Đường dịch và biên soạn, NXB. Hội Nhà văn, 2018, trang 281.
(2) Nguyễn Văn Huy, Tìm hiểu cộng đồng người Chăm tại Việt Nam, sđd.
(3) Hội Dân tộc học-nhân học TP. Hồ Chí Minh, Chi hội dân tộc Chăm, Những vấn đề văn hóa – xã hội người Chăm ngày nay, NXB. Trẻ, 2014, trang 16.
(4) Lâm Tấn Bình (chủ biên), Trung tâm Trưng bày Văn hóa Chăm Bình Thuận, NXB. Tri Thức, 2016, trang 113.

Vào thế kỷ 10, khi một người Đại Việt là Lưu Kỳ Tông làm vua Chiêm Thành, một bộ phận người Chàm di cư sang đảo Hải Nam, Trung Quốc, ban đầu đều có họ Pu, nhiều khả năng là biến âm của Po(1). Họ Bố tại Phú Thượng, quận Tây Hồ, Hà Nội, nơi có ngôi chùa mang tên Chàm Đa Gia Ly của tù binh Chàm thời Lý, có thể cũng từ âm Chàm Po chuyển hóa thành.

Nếu Po được phiên âm thành họ Phạm, trong Hán ngữ có hai từ chỉ họ Phạm là 范, , đọc là Phàn, Phan, Phạn.

Phạm (梵) phiên âm chữ “varman” trong Phạn ngữ cũng đọc là Phạn. Họ Phạm (范)của các vua Lâm Ấp và Phù Nam được các nhà nghiên cứu phương Tây phiên La tinh là Fan. G.Coedes, trong tác phẩm kinh điển “Những quốc gia ảnh hưởng Ấn Độ ở Đông Nam Á” đã La tinh hóa tên các vị vua Phù Nam thành Fan Wen, Fan Shi Man, Fan Hsun, Fan Chan(2).

Vì vậy, Po phiên thành họ Phạm của các vua Lâm Ấp cũng có thể chuyển hóa thành họ Phan của một số người Chiêm Thành ghi trong chính sử Đại Việt.


(1) Pgs.Ts Po Darma, “Nhận định mới về người Chăm tại Hải Nam”, https://nghiencuulichsu.com/2016/12/14/nhan-dinh-moi- ve-nguoi- cham-tai-hai-nam/
(2) George Coedes, “Các vương quốc Ấn Độ đầu tiên trên đất Việt Nam và Đông Nam Á”, https://nghiencuulichsu.com/2013/01/29/cac- vuong-quoc-an-do-dau-tien-tren-dat-viet-nam-va-dong-nam-a/       

Năm 1229, Đoàn Thượng ở đất Hồng Châu bị giết bởi Nguyễn Nộn, đến khi Nguyễn Nộn chết thì: “Người dưới quyền là Phan Ma Lôi ngầm phóng ngựa chạy trốn, không biết là đi đâu. Ma Lôi là người Chiêm Thành, buôn bán ở Ai Lao, được Nộn nhận làm nô, có tài chủ động đánh thắng, dùng binh như thần”(1).

Khi Trần Khánh Dư đóng quân ở Vân Đồn để chống giặc Tàu đã buộc quân lính phải đội nón Ma Lôi để phân biệt với giặc phương Bắc. “Ma Lôi là tên một hương ở Hồng Lộ, hương này có nghề khéo đan cật tre làm nón, cho nên lấy tên hương làm tên nón”(2). Theo Bình Nguyên Lộc, nón Ma Lôi là nón nhọn đỉnh của các dân tộc gốc Mã Lai (có dân tộc Chàm) được người Mã Lai gọi là Tărânđắc Malaya, do người Tàu phiên âm đã lược bỏ chỉ còn Ma Lôi(3).

Có thể nón Ma Lôi là nón của người Chàm và Ma Lôi cũng để chỉ về người Chàm. Phan Ma Lôi còn ghi là Phiên Ma Lôi. Phiên cũng để chỉ Chiêm Thành. Năm 1039, thời Lý: “Tháng 6, bầy tôi xin đổi niên hiệu Càn Phù Hữu Đạo và xin tăng tôn hiệu thêm tám chữ: Kim Dũng, Ngân Sinh, Nùng Bình, Phiên Phục”(4). Nghĩa là vàng nổi, bạc sinh, dẹp Nùng, Phiên (Chiêm Thành) quy phục.

Như vậy, Phan/Phiên Ma Lôi và Ma Lôi là danh xưng chỉ về người Chàm. Phải chăng Ma Lôi đã đơn âm hóa thành Lồi, như thành Lồi ở Huế, hay ma Lồi, chúa Lồi bản thổ mà người miền Trung hay khấn vái khi cúng?


(1) Đại Việt sử ký toàn thư, sđd, trang 215, 216.
(2) Đại Việt sử ký toàn thư, sđd, trang 245.
(3) Bình Nguyên Lộc, Nguồn gốc Mã Lai của dân tộc Việt Nam, sđd, trang 544.
(4) Đại Việt sử ký toàn thư, sđd, trang 161.

Năm 1390, sau khi hỏa táng Chế Bồng Nga, đoàn quân Chiêm Thành do tướng La Ngai chỉ huy đi đường sạn đạo rút về, “bấy giờ người Nghệ An vốn ở hai lòng, còn Tân Bình, Thuận Hóa phần nhiều làm phản theo Chiêm Thành, cho nên người địa phương phân tán đánh lén khắp nơi”, chỉ có thổ hào Phan Mãnh và Phạm Căng đem dân chúng quy thuận đánh quân Chiêm Thành(1). Một năm sau, năm 1391, cùng với Chu Bình Khuê, Phan Mãnh bị Hồ Quý Ly giết.

Khâm định Việt sử thông giám cương mục chú thích rằng: “Phan Mãnh, Bình Khuê: Người Hóa Châu”(2). Theo Dương Văn An, Phạm Thế Căng (Phạm Căng) là “thổ hào ở Tân Bình”, “Phan Mãnh là người thổ Rí”(3). Tân Bình là tỉnh Quảng Bình và một phần phía bắc Quảng Trị; thổ Rí là châu Hóa, từ tỉnh Thừa Thiên Huế đến sông Thu Bồn ngày nay. Chính sử chỉ ghi Phan Mãnh ở thổ Rí nhưng không rõ ở phía bắc hay phía nam Hải Vân. Trước năm 1390, thổ Rí dưới sự cai quản của Chiêm Thành thời Chế Bồng Nga, nên vị “thổ hào” này rất có thể là người Chàm hoặc có nguồn gốc Chàm.


(1) Đại Việt sử ký toàn thư, sđd, trang 316.
(2) Quốc sử quán triều Nguyễn, Khâm định Việt sử thông giám cương mục, NXB. Giáo dục, Hà Nội, 1990, trang 312.
(3) Dương Văn An, Ô Châu cận lục, NXB. Thuận Hóa, Huế, 2001, trang 105.

Năm 1448, sau khi nhà Lê đánh chiếm kinh đô Đồ Bàn, “Người Chiêm Thành là Phan Mỗ dẫn hơn 340 đàn ông đàn bà sang hàng, xuống chiếu chia cho ở các đạo”(1). Sử liệu trên không ghi rõ Phan Mỗ ở đâu, có phải là người “thổ Rí” hay không.

Năm 1516, một người Chàm là Phan Ất tham gia trong cuộc nổi loạn của Trần Cảo chiếm cứ các nơi ở hai huyện Thủy Đường và Đông Triều, trấn Hải Dương, sau bị bắt ở huyện Đông Triều, đóng cũi giải về kinh sư, đem chém ở phường Đông Hà(2).

Như vậy, mặc dù từ Lê Đại Hành và nhà Lý đã có tù binh Chiêm Thành đưa về Bắc, nhưng người Chàm họ Phan/Phiên Ma Lôi được ghi nhận là vào đầu thế kỷ 13 và Phan Ất vào đầu thế kỷ 16. Tại phía Nam, vùng đất cũ của Chiêm Thành từ Bố Chính, Địa Lý, Ma Linh đến Ô, Rí, có thể cả Chiêm Động, cũng đã có người Chàm họ Phan như Phan Mãnh, Phan Mỗ, họ Phạm có Phạm Căng.

Tự dạng Phiên ( 藩 ), phát âm là Phan(3), nghĩa là bờ rào, ngăn che, thuộc địa, phiên quốc, họ Phiên hoặc họ Phan, và cũng là tự dạng Phiên trong tôn hiệu Kim Dũng, Ngân Sinh, Nùng Bình, Phiên Phục(4). Một tự dạng khác cũng là Phiên ( 番 ) để chỉ các dân tộc thiểu số ở biên giới Trung Quốc hoặc từ ngoại quốc đến, họ Bà, cũng phát âm là phan hoặc ba, bà.


(1) Đại Việt sử ký toàn thư, sđd, trang 424.
(2) Đại Việt sử ký toàn thư, sđd, trang 553, 555.
(3) Phan 範 là cờ phướn, cũng được đọc là Phiên: Từ điển Hán-Nôm, http://hvdic.thivien.net
(4) Đại Việt sử ký toàn thư, sđd, phần chữ Hán, trang 85 (27b) (xem minh họa).

2 - Miền tháp cổ - Tác giả Vũ Hùng - Kỳ 3 - Người Xứ Quảng

Phiên phục

Sự tương đồng của Phiên và Phan như trên có thể là căn nguyên dẫn đến hình thành họ Phan của người Chàm như Phan Mãnh, Phan Mỗ, Phan Ất trong chính sử, trừ các trường hợp do tự chuyển thành họ Phan hoặc do chính quyền phong kiến đặt họ Phan cho người Chàm.

Đối với phía cực bắc của Chiêm Thành, do sớm chịu ảnh hưởng văn hóa tộc họ của Trung Hoa và của Đại Việt nên một bộ phận có thể đã chuyển hóa thành họ Phan.

Năm 1776, tại huyện Khang Lộc (nay thuộc tỉnh Quảng Bình), qua thu thuế tính trên suất đinh “dân Man” tại sách An Đại có 11 suất họ Phan (Phan Triển, Phan Đà, Phan Tiền, Phan Tinh, Phan Xung, Phan Đinh, Phan Tinh, Phan Ý, Phan Duệ, Phan Đức). Trong khi các sách “Man mọi” khác đóng thuế thổ ngơi bằng số lượng sợi mây và lâm sản khác để quy ra tiền, thì các suất đinh họ Phan này đóng thuế bằng tiền như các sách Cao Đôi, Mỹ Gia, Tân An(1) ở huyện Phú Vang (nay thuộc tỉnh Thừa Thiên-Huế) và như người Kinh ở đồng bằng(2). Phải chăng nguồn gốc họ Phan ở sách An Đại cũng là người Chàm bản xứ như các sách Cao Đôi, Mỹ Gia và Tân An?

Trong chính sử Đại Việt, các vị vua Chiêm Thành đóng đô ở Vijaya và Panduranga không có họ Phan hay họ Phạm. Các vị vua trong “biên niên sử” của vùng Panduranga đều có tôn xưng là Po. Tuy nhiên, có một vị vua, sau khi qua đời khoảng 4 thế kỷ được triều Nguyễn phong thần họ Phan. Đó là vua Po Dam. Theo “biên niên sử” Panduranga, ông là vua Po Kathit, trị vì từ 1433 đến 1460; theo chính sử Đại Việt, ông là Bàn La Trà Duyệt. Ngoài khu đền tháp ở huyện Tuy Phong, Po Dam còn được thờ ở các huyện Hàm Thuận Bắc, huyện Tánh Linh, tỉnh Bình Thuận và huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng. Do có công lớn mở mang nông nghiệp, nhất là các công trình thủy lợi, từ năm 1824 đến 1925, ông được 6 vị vua triều Nguyễn phong thần với 8 sắc phong. Thần hiệu của Po Dam trong các sắc phong là Phan Dương Thần(3).


(1) Xem bài “Các Man sách trong thế kỷ 19”, trang 91 của sách này.
(2) Lê Quý Đôn, Phủ biên tạp lục, tập 1, NXB. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1997, trang 208 -213.
(3) Lâm Tấn Bình (chủ biên), Trung tâm Trưng bày Văn hóa Chăm Bình Thuận, NXB. Tri Thức, 2016, trang 117. Chế Quốc Minh, “Tháp Po Dam”, Trang Tagalou, Hội Văn hóa nghệ thuật các dân tộc thiểu số, Kate, 2000, trang 173. 8 sắc phong: Sắc phong của vua Minh Mạng ngày 11 tháng 2 năm 1824, hai sắc phong của vua Thiệu Trị vào ngày

Trở lại câu chuyện trà dư tửu hậu về Bà Thân với ông bạn vong niên làng An Hải. Đối với những vùng đất mới thuộc về Đại Việt thường được các triều đại phong kiến sử dụng người Chàm để cai quản. Năm 1307, sau khi hai châu Ô, Rí thuộc về Đại Việt, nhưng người Chàm ở La Thủy, Tác Hồng, Đà Bồng không chịu theo, Đoàn Nhữ Hài đã cấp đất, miễn tô thuế trong ba năm và cho họ làm quan. Năm 1402, sau khi đánh chiếm vùng Chiêm Động và Cổ Lũy, nhà Hồ đã sử dụng người Chàm ở lại bổ làm quan. Năm 1471, sau khi thành lập thừa tuyên Quảng Nam, vua Lê Thánh Tông cũng bổ một người Chàm là Ba Thái quản lý vùng đất Thái Chiêm, Chiêm Động cũ, Khâm định Việt sử thông giám cương mục ghi là Đại Chiêm, tỉnh Quảng Nam ngày nay.

Làng An Hải xưa sau khi thuộc về Đại Việt có sự cộng cư của người Kinh và người Chàm bản xứ. Có thể Bà Thân là một người Chàm được giao quản lý vùng đất này nên từ xưa dân gian làng An Hải gọi đây xứ Bà Thân. Người ấy có thể là Po Thân, dần dần người Kinh ở đây đã gọi lệch thành Bà Thân, như vua Po Saot thành Bà Tranh, vua Po Sraop thành Bà Tấm. Vì vậy, Bà không phải để chỉ phụ nữ, cũng không phải họ Bà.


13 tháng 8 năm 1843 và vào ngày 21 tháng 9 năm 1843, hai sắc phong của vua Tự Đức vào tháng 9 năm 1855 và ngày 24 tháng 11 năm 1880, các sắc phong của vua Đồng Khánh vào ngày 1 tháng 7 năm 1887, của vua Duy Tân vào ngày 8 tháng 2 năm 1910 và sắc phong của vua Khải Định vào ngày 25 tháng 7 năm 1925.

Làng An Hải xưa đã thống nhất cử đại diện ra Huế xin sắc phong Bà Thân làm tiền hiền là nghĩa cử trân trọng đối với thế hệ trước và thể hiện tinh thần chung sống hòa hợp. Dù không được triều Nguyễn công nhận, nhưng dân làng vẫn bảo lưu và thờ cúng vị tiền hiền khác tộc này bên cạnh những vị tiền hiền người Kinh của mình. Tinh thần hòa hợp ấy đã dung dưỡng một cộng đồng Chàm cộng cư an bình tại An Hải cho đến nửa đầu thế kỷ 20 còn thấy họ ở đây(1).

Tôi nhớ thời còn học tại trường trung học Hòa Vang vào đầu những năm 70 của thế kỷ trước, nhà trường tổ chức cắm trại trên đồi Ông Ích Khiêm, cạnh Quốc lộ I. Đồi có ngôi mộ của Ông Ích Khiêm nên gọi như vậy. Lớp tôi tụ tập tại nhà các bạn cùng lớp họ Ông bên làng Phong Lệ, nơi sinh của Ông Ích Khiêm, để chặt tre làm cổng trại. Ngày đó, chúng tôi chẳng biết gì về họ Ông của bạn mình. Các bạn ấy cũng chẳng có gì khác biệt so với chúng tôi cả.

Vừa qua, một lần đến địa điểm  khai  quật phế tích đền tháp Chàm ở làng Phong Lệ, tôi gặp lại một người bạn học cũ họ Ông ngày trước nay tóc đã hoa râm, người thuở học trò có nickname rất dân dã là Lía, đang đăm chiêu chăm chú nhìn xuống móng tháp và hố thiêng. Tôi không thể biết ông bạn đang suy nghĩ  gì, nhưng với tôi trong ông bạn xưa ấy có bóng dáng chủ nhân của ngôi tháp cổ ngàn năm tuổi từng sừng sững nơi đây. Người bạn ấy trở nên quý lạ thường, như những hiện vật sa thạch sứt mẻ không còn nguyên vẹn ẩn sâu dưới lòng đất cả ngàn năm vừa phát lộ. Quý là bởi trong huyết quản của người bạn học ấy chắc chắn đang chảy một dòng máu Chàm của làng Đà Ly xưa. Trong chốc lát, cảm xúc dâng trào đưa tâm trí tôi trở về thời Đà Ly rộn ràng âm sắc lễ hội bên khu đền tháp thiêng.

Trưa ấy, ngồi với nhau cùng ăn mỳ Quảng trên mảnh đất quê cha đất tổ của người bạn họ Ông, chúng tôi quên hết hố thiêng và tháp cổ, lại vô tư như thuở chặt tre làm cổng trại trên đồi Ông Ích Khiêm ngày nào, hồn nhiên chỉ biết mình đều là người Xứ Quảng./.

Nhà nghiên cứu Vũ Hùng


(1) Theo ông Lê Duy Anh, sinh năm 1938, thời học sinh ông còn thấy người Chàm sinh sống tại An Hải, buôn bán tại chợ Bà Thân.

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây