MỐI QUAN HỆ PHI THƯỜNG CỦA THƠ

MỐI QUAN HỆ PHI THƯỜNG CỦA THƠ - BÙI XUÂN
MỐI QUAN HỆ PHI THƯỜNG CỦA THƠ - BÙI XUÂN

MỐI QUAN HỆ PHI THƯỜNG CỦA THƠ
Bùi Xuân

“Sao đêm nay kiều diễm như bức tranh linh động thế này? Tôi muốn hỏi xem chị tôi có thấy ngọt ngào trong cổ họng như vừa uống xong một ngụm nước lạnh, mát đến tê cả lưỡi và hàm răng. Chị tôi làm thinh – mà từng lá trăng rơi lên xiêm áo như những mảnh nhạc vàng. Động là một thứ hòn non bằng cát trắng quá, trắng hơn da thịt của người tiên, của lụa bạch, hơn phẩm giá của tiết trinh – một màu trắng mà tôi cứ muốn lăn lộn điên cuồng, muốn kề môi hôn, hay áp má lên để hưởng sức mát rượi dịu dàng của cát…” (Hàn Mặc Tử – Chơi giữa mùa trăng).

Ánh trăng trong Chơi giữa mùa trăng như dắt chúng ta vào cái đẹp nguyên sơ, thanh khiết, thiêng liêng và hư ảo, cái vẻ đẹp như được hôn phối bởi ánh trăng và cái màu trắng mịn màng của cát, ta không còn nhận biết đâu là màu của cát và đâu là ánh sáng của trăng. Có thể nói cái thực và cái hư, âm nhạc và màu sắc, nội tâm và ngoại giới là những cặp song sinh và ở mức độ đậm nhạt về sự hoà hợp, gắn kết giữa các cặp song sinh này đã làm nên sự phong phú đa dạng của thơ Hàn Mặc Tử.

Ở mấy năm cuối đời, trong cô đơn và nỗi đau tê dại của chứng bệnh phong, cảm hứng tôn giáo trong thơ Tử như trở nên chủ đạo, hay nói như Hoài Thanh: “Hàn Mạc Tử đã dựng riêng một ngôi đền để thờ Chúa”. “Với Hàn Mạc Tử Chúa gần lắm. Người đã tìm lại những rung cảm mạnh mẽ của các tín đồ đời Thượng cổ. Ta thấy phảng phất cái không khí Athalie. Cho nên mặc dầu thỉnh thoảng còn sót lại một hai dấu tích Phật giáo chắc những người đồng đạo chẳng vì thế mà làm khó dễ với di cảo của thi nhân”. Thưa, với Hàn Mặc Tử Chúa thật gần và Phật cũng gần, không hẳn “chỉ sót lại một hai dấu tích”. Trong thơ Tử nhiều chỗ hình ảnh Chúa được bao bọc, tôn vinh bằng ngôn ngữ nhà Phật, làm cho nội dung câu thơ vượt khỏi giới hạn một tôn giáo để trở thành nhân loại, trở thành tiếng nói chung về tinh thần nhân bản, tính nhân văn, khát vọng vượt lên bể khổ trầm luân để tìm nguồn vui sống của con người.

Là người bạn thiết của Hàn Mặc Tử, Quách Tấn có một nhận xét rất đáng lưu ý: “Trong tâm hồn Tử không có những bức thành kiên cố ngăn cách tôn giáo của mình và tôn giáo của người nhất là đối với Phật giáo. Vì không có những bức thành kiên cố ngăn cách giữa tôn giáo mình và tôn giáo người nên Tử đã đi tìm nguồn cảm hứng trong Đạo Bồ Đề. Và mặc dù tự xưng mình là “Thi sĩ của đạo quân Thánh Giá”. Tử vẫn không ngần ngại đem những từ ngữ, những hình ảnh của Phật giáo vào dùng trong văn thơ mình, dùng cả vào trong những bài có tinh thần Thiên Chúa giáo nhiều nhất. Như bài Thánh Nữ Đồng Trinh là một” . Quách Tấn dẫn ra hàng loạt từ ngữ Phật giáo trong thơ Hàn Mặc Tử như các từ: “Từ bi” “ba ngàn thế giới” trong bài Ave Maria, “hằng hà sa số”, “mười phương” trong bài Cuối thu, “mười phương” trong bài Điềm lạ và bài Nguồn thơm; đặc biệt là những từ “Đao Ly” và “Đâu Suất” trong bài Phan Thiết, là những cõi Trời xa xăm đầy nhạc và hương và ánh trăng; cõi ấy được dát vàng lưu ly cùng mã não theo kinh nhà Phật.

Trên bình diện so sánh – đối chiếu, Hàn Mặc Tử có những điểm gần kề với Rabindranath Tagore – tác giả Thơ Dâng, tập thơ đã đem lại cho ông giải thưởng Nobel văn học vào năm 1913, một người không ngớt lời ca ngợi Thượng đế. Giọng thơ sùng kính của R. Tagore thể hiện khát vọng vươn tới hoà hợp giữa Atman (linh hồn cá thể) và Brahman (đấng sáng tạo tuyệt đối, linh hồn vũ trụ). Còn Hàn Mặc Tử ca ngợi Chúa với tâm thế của con người thân phận cô đơn, tuyệt vọng, đau khổ với căn bệnh nan y của mình. “Với Hàn Mạc Tử thơ có một sự quan hệ phi thường. Thơ chẳng những để ca tụng Thượng đế mà cũng để nối người ta với Thượng đế, để ban ơn phước cho cả thiên hạ”(Hoài Thanh). Tử ngợi ca Chúa với tư cách con người cá nhân nhuốm màu đau thương với giọng điệu của một con chiên mong được Chúa chở che, cứu rỗi:

MARIA! Linh hồn tôi ớn lạnh.
Run như run thần tử thấy long nhan
Run như run hơi thở chạm tơ vàng…
Nhưng lòng vẫn thấm nhuần ơn
trìu mến.
….
Cho tôi thắp hai hàng cây bạch lạp
Khói nghiêm trang sẽ dâng lên
tràn ngập
Cả hàn giang cả màu sắc
thiên không
Lút trí khôn và ám ảnh hương lòng
Cho sốt sắng cho đê mê
nguyện ước…
(Ave Maria )

Ở một bình diện khác, theo Quách Tấn: “Tử tìm vào Đạo – Đạo Thiên Chúa cũng như Đạo Phật chỉ để tìm nguồn cảm hứng, để tìm nguồn an ủi khi bị tình đời phụ rẫy hoặc thể xác dày vò. Lý tưởng chính của Tử là Thơ. Tôn giáo chỉ là những yếu tố phụ vào để làm cho thơ thêm giầu sang và trọng vọng. Do đó nhiều khi bị hứng thơ lôi cuốn, Tử đã thốt ra những lời có thể gọi là “phạm thượng” đối với những Đấng Thiêng Liêng Tử phụng thờ.

…Và tất cả những gì đã thâu nhập được trong tôn giáo, trong Phật giáo cũng như trong Thiên Chúa Giáo – một khi đã vào thơ Tử thì không còn giữ nguyên chất vì đã bị tâm hồn Tử biến thể pha trộn theo quan niệm và sở thích của mình. Tử thường nói cùng bạn rằng: -Tôi lợi dụng văn chương và triết lý nhà Phật để làm thơ mà thôi. Tôi dung hòa cả hai thể văn và tôn giáo: Thiên Chúa và nhà Phật. Đó chính là muốn làm giầu cho nền văn chương chung” .

Các nhà thơ tiêu biểu của thời kỳ thơ mới đều đã làm như Tử, họ tìm cho mình hướng đi riêng trên con đường gập ghềnh vạn dặm của thơ ca. Cũng từ đó nói đến Lưu Trọng Lư người ta nghĩ đến hình ảnh “con nai vàng ngơ ngác/ đạp trên lá vàng khô”. Nói đến Chế Lan Viên người ta nhớ đến những chiếc Tháp Chàm và cảnh tượng “muôn ma Hời sờ soạng dắt nhau đi”. Nhắc đến Đinh Hùng người ta nghĩ về những con người nguyên thuỷ và bài ca man rợ… Và Tử cũng vậy. Tử đã tạo cho mình cái bản sắc riêng. Với một nền tảng kiến thức vững chắc và vốn từ ngữ phong phú cả về Chúa và Phật, với ý thức dung hợp cả hai tinh tuý đó vào thơ, Tử đã vượt lên đau thương, đi trên con đường độc đạo của mình. Và Tử đã thành công, trở thành một nguồn thơ rào rạt lạ lùng, một hiện tượng kì lạ vào bậc nhất của phong trào thơ mới.

Có nên hoài nghi về dự phóng này của Chế Lan Viên: “Tôi xin hứa hẹn với các người rằng mai sau những cái tầm thường mực thước kia sẽ biến tan đi và còn lại của cái thời kỳ này chút gì đáng kể đó là Hàn Mặc Tử.” Song chắc hẳn là Tử sẽ còn, còn như một ngôi sao băng vuốt qua bầu trời với cái đuôi chói loà rực rỡ như Chế đã viết.

B.X


1.Tập thơ văn xuôi của Hàn Mặc Tử, Nxb Ngày mới xuất bản năm 1945, sau này Nxb An Tiêm đã tái bản.
2.Ảnh hưởng đạo Phật trong thơ Hàn Mặc Tử, 1961.
3.Ảnh hưởng đạo Phật trong thơ Hàn Mặc Tử, 1961.
4.Dẫn theo: Thi nhân Việt Nam của Hoài Thanh, Hoài Chân.

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây